TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Hà Tây
 
Lên mạng ngày 30/5/2010

Thử lạm bàn hiểu rõ hơn về phát triển những quận, huyện, thị trấn vệ tinh, ngoại ô đồng bằng sông Hồng phía tây và phía nam thủ đô Hà Nội thuộc :
Tỉnh cũ Hà Tây
G S Tôn thất Trình




( Nhìn tấm địa đồ Tổ Quốc cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 )
… Biết bao lúc mới công vờn vẽ,
Sao đến bây giờ rách tả tơi ! …
( Tự tổng kết đời mình )
… Trời sinh ra bác Tản Đà
Quê hương thời có, cửa nhà thời không .
Nữa đời Nam, Bắc, Tây, Đông,
Bạn bè xum họp, vợ chồng biệt ly.
Túi thơ đeo khắp ba kỳ,
Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng…
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu ( 1889 - 1939 )

(Tản là núi Tản Viên-Đà là sông Đà. Tản Đà sinh ở ven sông Đà, huyện Bất Bại và gần núi Tản Viên huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây cũ)
Tháng 8 năm 2008 , tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình được sáp nhập vào thủ đô Hà Nội, tăng diện tích thành phố thủ dô lên gấp ba 3 344. 7 km2 , tăng dân số thủ đô lên 6 232 940 người. Năm 2009. dân số Hà Nội là 6.5 triệu người. Vùng thủ đô Hà Nội - Hà Noi Capital Region gồm Hà Nội hiện nay và 6 tỉnh bao quanh dự trù có một diện tích là 13 436 km2 , dân số 15 triệu người vào năm 2020 . Hai thị xã tỉnh Hà Tây cũ là Sơn Tây và Hà Đông trở thành quận- urban districts : Sơn Tây thành quận 15 thành phố (vẫn còn thị xã Sơn Tây ?) , và quận Hà Đông ( phía đông sông Hồng ) là quận 17. Mười hai huyện- rural districts của tỉnh Hà Tây cũ vẫn giữ nguyên tên. Hà Tây hình thành sáp nhập hai tỉnh cũ là Hà Đông và Sơn Tây ( Núi non phía Tây ).
Tỉnh Hà Đông thành lập năm 1988 với tên đầu tiên là Cầu Đơ. Năm 1904, mới đổi tên thành Hà Đông. Sơn Tây là một Tứ Trấn của Bắc Hà. Trấn Sơn Tây còn có tên là Trấn Đoài. Năm 1831, vua Minh Mạng gọi là tỉnh Sơn Tây. Năm 1963 Hà Đông và Sơn Tây hợp nhất thành tỉnh Hà Tây. Cuối năm 1975, nhập thêm Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1992, Hà Sơn Bình tách ra thành hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình. Tỉnh Hà Tây cũ có hai thị xã ( gồm 24 phường ), thị trấn và 12 huyện là Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai , Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa và Phú Xuyên. Hà Tây có 3 của ngỏ vào Hà Nội theo các quốc lộ 1A, 6 và 32. Dân số Hà Tây năm 1999 là 2 386 800 người, lúc đó đứng hành thứ năm cả nước, sau thành phố Sài Gòn ( Hồ Chí Minh ), Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An. Nếu tính theo tỉ lê gia tăng dân số tự nhiên khoảng 57 - 60 000 một năm thì tỉnh Hà Tây đã đến 3000 000 người năm 2009, nghĩa là gần phân nữa dân số toàn thủ đô Hà Nội ngày nay . Người Kinh chiếm đại đa số 98.73 % . Các tộc dân ít người phần lớn sống ở các hyên phía tây tỉnh . Đông nhất là tộc dân Mường , ngoài ra là các tộc dân Dao, Thái, Tày .

Vị trí lảnh thổ
Hà Tây có tọa độ địa lý từ 20o 31’ đến 21o 17’ vĩ độ Bắc và 105o 17’ đến 106o kinh độ Đông , tiếp giáp với 6 tỉnh và thành phố là Hà Nội ở phía Đông Bắc, Hưng Yên ở phía Đông, Hà Nam ở phía Nam, Hòa Bình ở phía Tây, Phú Thọ ở phía Tây Bắc và Vĩnh Phúc ở phía Bắc. Hà Tây là nơi chuyễn tiếp từ vùng Đồng bằng sông Hồng với vùng núi phía Bắc và Tây Bắc giàu có tài nguyên thiên nhiên chưa phát triễn, cận đại hóa đúng mức. Hà Tây vừa là lá chắn vừa là vành đai sinh thái, lá phổi xanh ở phía tây và phía Nam của Hà Nội .

Địa hình

…Em ở Thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bại
Chiều Xanh không thấy bóng Ba Vì…
`
( Quang Dũng 1918- 1988 )

Diện tích tỉnh Hà Tây là 2201.8 km2 , 2/3 là đồng bằng, đồi núi chiếm 1/3 lảnh thổ doc theo phía tây tỉnh nhà.
Đồng bằng Hà Tây là một thành phần đồng bằng châu thổ sông Hồng, nằm ở phía hửu ngạn sông Hồng và dọc theo sông Đáy, chảy trên địa bàn tỉnh. Địa hình thấp dần từ tây bắc xuống Đông Nam, theo hướng dòng chảy tự nhiên của hai sông kể trên. Đồng bằng Hà Tây không bằng phẳng, có những điểm khác nhau theo từng khu vưc. Nhắc lại châu thổ sông Hồng diện tích 14 685 km2 , chỉ rộng 1/3 diện tích đồng bằng sông Cửu Long 39 567 km2. Đồng bằng sông Hồng dễ bị lụt lội nên từ đời nhà Lý ( 1010 Lý Công Uẩn lên ngôi - 1226 Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi ) đã xây để trị lụt. Từ lúc xây đê, sông Hồng đổ phù sa ra các cửa biển thay vì trên đất liền. Hai bên bờ sông Hồng và các sông nhánh thường có các sống đất do nước lũ bồi đắp có khi cao đến 15 m , rộng vài trăm mét, dốc đứng về phía lòng sông và thoải dần về phía các bải bồi, các sống đất ngăn châu thổ ra thành những ô trũng khó thoát nước. Khi mưa to đất đai lầy sâu, lau sậy mọc rậm rạp. Thời chống Pháp đầu tiên, đây là những căn cứ địa phong trào Cần Vương, theo chiếu vua Hàm Nghi, sau khi thất thủ kinh đô Huế, ngày 15- 7 - 1885, chạy ra Quảng Trị kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên chiến đấu.

Vùng đồi núi Hà Tây bao gồm phần lớn huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây và rìa phía tây các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Liên kết với nhau thành một dải chạy theo hướng tây bắc - đông nam, án ngữ toàn bộ ranh giới phía tây tỉnh. Có thể chia vùng đồi núi Hà Tây ra làm 4 khu vực: núi Bà Vì, còn gọi là núi Tản Viên cao 1287m, đồi cao Ba Vì, đồng bằng đồi gò và khu vực núi đá vôi Chương Mỹ - Mỹ Đức . Núi Ba Vì là thí dụ điển hình của các đồi sót lại, khi sông Hồng còn nằm dưới biển. Ngoài đỉnh Tản Viên, núi vùng Trung Du Hà Tây này ( tiếp giáp Thượng du và châu thổ sông Hồng ) thường chỉ cao vài trăm mét. Đồi thường thấp hơn, cao 70- 120m. Còn gò thì thấp hơn nữa.

Địa hình cacxtơ Hà Tây chỉ chiếm một diện tích nhỏ, khoảng 60 km2 thuộc các huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức. Nhưng khu vực vúi đá vôi này lại rất nổi tiếng về du lịch và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng. Địa hình cácxtơ ở Hà Tây chia thành hai dải. Một từ Miếu Môn đến Chợ Bến, hai là dải đá vôi Hương Sơn. Địa hình cácxtơ Hương Sơn kéo dài từ Đục Khê đến chùa Thiên Trù, động Hương Tích với các chỏm núi dạng tháp, dạng nón điển hình cho cácxtơ nhiệt đới, có nhiều hang động kỳ thú. Nổi tiếng nhất là động Hương Tích, cửa hang rộng 33.6m, trong hang phát triễn các dạng măng đá - stalagmite, mành đá, vú đá- thạch nhủ- stalactite, chuông đá đẹp như “ Đụn Gạo ,“ Cây Vàng “. Hang chùa Giải Oan rộng 9.2m dài 7m, cao 7m, trong hang có “ giếng Tiên “ sâu 1.2 m . Ngoài ra còn có hang Thiên Sơn, hang Nước.

Các đỉnh núi đá vôi cao độ không lớn. Đỉnh cao nhất là núi Thiên Trù, cao 378m. Trong khu vực địa hình cácxtơ lại phát triễn các cánh đồng và thung lũng cacxtơ. Đáng kể là các cánh đồng Vĩnh Lăng, Đục Khê, Hồi Xá, thường lầy lội, rất khó qua lại.

Khí hậu
Hà Tây mang đặc tính khí hậu miền Bắc Việt Nam là khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh . Chịu sự chi phối của chế độ bức xạ mặt trời nối chí tuyến và chịu tác động mạnh mẽ của hoàn lưu gió mùa. Hà Tây nằm ở sườn đông của phần nam dãy Hoàng Liên Sơn, nên khí hậu chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Đông Bắc . Phân hóa ra 2 mùa : mùa nóng trùng mùa mưa : còn mùa lạnh khô hanh vào đầu mùa và mưa phùn ẩm ướt cuối mù . Vì địa hinh tương đói đồng nhất, chỉ có núi Ba Vì nằm ở phía tây bắc và dãy núi đá nằm ở phía tây, nên ít sự phân hóa theo không gian . Chỉ có ở vùng núi mới có phân hóa rỏ rệt theo đai cao.
Mùa đông gió thổi theo các hướng chính là bắc, đông bắc và tây bắc, vận tốc tương đối lớn. Mùa hạ gió lại thổi, chủ yếu theo các hướng đông nam và nam. Lảnh thổ tỉnh có nhiệt độ cao, trừ núi Ba Vì, nhiệt độ trung bình năm hơn 23o C. Tổng nhiệt trong năm là 8400 -8500 o C, vượt tiêu chuẩn nhiệt của vùng nhiệt đới. Lượng mưa dao động từ 1500- 2000 mm/năm , thuộc loại mưa vừa. Số ngày mưa trong năm là 90- 150 ngày. Ẩm độ tương đối trung bình năm khá cao, khoảng 83-85%. Bên cạnh những đặc điểm chung, thời tiết Hà Tây ũng thường xuất hiện những hiện tượng thời tiết đặc biệt như gió khô nóng, sương muối, giông và mưa đá … , ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống con người.

Thủy văn

… Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Lên núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
( Đôi mắt người Sơn Tây )
Quang Dũng ( 1918- 1988 )

Hà Tây có mạng lưới sông ngòi khá dày dặc. Hai sông lớn chảy qua tỉnh là sông Đà ở phía tây bắc và sông Hồng ở phía đông . Nhắc lại sông Hồng là sông lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam , bắt nguồn ở Vân Nam, chảy qua nước ta đầu tiên ở Lao Cai theo hướng tây bắc - đông nam, qua thủ đô Hà Nội, rồi đổ ra biển Đông ở cửa Ba Lạt. Theo Thái công Tụng ( Vietnamologica số 6, năm 2005 ), sông Hồng dài tổng cọng là 1160km , phần chảy trên đất Việt Nam dài 556 km. Sông Hồng chỉ có ½ lưu vực với 68% tổng lưu lượng nằm trên lảnh thổ Việt Nam (sông Cửu Long còn ít hơn nữa, chỉ có 5 % tổng lượng dòng chảy nằm trong lảnh thỏ Việt Nam ). Sông Đáy và các sông nội địa khác là sông Tích, sông Con, sông Nhuệ phân bố đều trên lảnh thổ với mật độ khá cao 60km/km2 . Sông Đáy cũng là một chi lưu bên phải của sông Hồng, bắt nguồn từ đập Phùng ở huyện Đan Phượng- Hà Tây qua thị xã Phủ Lí-Hà Nam, ra cửa Đáy ở phía nam tỉnh Ninh Bình. Sông Nhuệ, chi lưu của sông Hồng, chỉ dài 74km, chảy qua thị xã Hà Đông, tỉnh lỵ trước năm 2008 của tỉnh Hà Tây. Sông Nam Địnhsông Phủ Lí nối sông Đáy và sông Hồng.
Nước ngầm ở vùng đồng bằng tương đối dồi dào và nông cạn. Ở vùng đồi núi, giếng đào sâu 10 trở lên là đã có nhiều nước, kể cả vào mùa khô. Hà Tây có nhiều hồ đầm tự nhiên và hệ thống sông, kênh để thoát và tưới nước.

Đất đai

Hà Tây có 4 loại đất chính là đất phù sa trong đê, đất phùi sa ngoài đê, đất bạc màu và đất đồi núi.
Đất phù sa trong đê, hình thành từ phù sa của hai hệ thống sông lớn của tỉnh là sông Hồng ( gồm luôn cả sông Đà , sông Đáy và sông Nhuệ và sông Tích. Loại đất này chiếm diện tích lớn 132 945 ha , bằng 62 % diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, độ phì nhiêu cao có lịch sử canh tác lúa nước từ lâu đời, khả năng năng xuất cao, hai vụ lúa và một vụ đông, nhiều loài giá trị kinh tế cao. Đất phù sa ngoài đê của sông Hồng, sông Đà, sông Đáy là loại đất trẻ được bồi thường xuyên, chiếm 17 488 ha, độ phì nhiêu cao, được sử dụng triệt để sản xuất nông nghiệp, chủ yếu trồng hòa màu, cây công nghiệp ngắn ngày hay dài ngày ( dâu tằm ). Tùy cao, thấp trên mặt biễn: từ 2.5m đến 4m, chia ra nhiều tiểu địa hình tên địa phương là vàn cao, vàn, vàn thấp và dưới 2.5 m là trũng. Trên phương diện thổ nhữỡng xếp vào hai hạng: hạng phù sa trung tính Eutric Fluvisols, ít chua, nhiều dưỡng liệu; hạng phù sa chua, acid Dystric Fluvisols ở các vàn thấp và thường bao quanh đất phù sa trung tính. Đất phù sa ( hay đất xám ) bạc màu Haplic Acrisols phần lớn phát triễn trên đất phù sa cỗ vùng bán sơn địa thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ. Tổng diện tích là 18 158 ha. Loại đất này có hàm lượng hửu cơ và các dưỡng liệu thấp, nên năng xuất cây trồng thường thấp. Dải đồng chiêm trũng phía Nam sông Hồng, kéo dài từ Sơn Tây đến Ninh Bình, Nam Định là nhóm đất glây Dystric gleysols, thời gian ngập úng thường trên 6 tháng, phản ứng rất chua ở tầng đất mặt, khả năng hấp thu thấp và nghèo dưỡng liệu. Đất đồi núi tập trung ở khu vưc đồi gò, có độ dốc khác nhau, thuộc dạng địa hình bào mòn, chia cắt. Thường là đất feralit vàng và đỏ vàng Ferralic Acrisols, phản ứng chua acid, tầng đất mỏng, phải chú trọng đến công tác chống xói mòn - erosion . Tổng diện tích là 19 650 ha, 12 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh .

Tài nguyên thiên nhiên

Khoáng sản
Tuy địa chất Hà Tây đa dạng và phức tạp, vì ở vị trí chuyễn tiếp đới uốn nếp Ninh Bình và đới Rif vùng trũng Hà Nội, nhưng khoáng sản Hà Tây nhìn chung nghèo , không có mỏ lớn. Chỉ có than bùn là khá phong phú, phân bố thành một dải dài từ Mỹ Đức đến Xuân Mai, chiều dày 0.1- 0.3 m , trử lượng chừng 27 triệu m3 , khai thác dễ dàng. Than bùn đã được nghiên cứu chế biến thành phân vi sinh ở Thượng Lâm ( Mỹ Đức ) bón cho một số loại cây trồng có tác dụng cải tạo đất, tăng năng xuất.
Khoáng sản kim loại có đồng tìm thấy ở Đá Chông và Cư Yên ( Bà Vì ) ; sắt có một số mỏ nhỏ ở Xuân Sơn và hai điểm quặng ở Kim Chung và Trung Thượng, trữ lượng ít ỏi, dự đoán khoảng 3 000 tấn. Hà Tây cũng đã phát hiện được 6 điểm vàng gốc và hàng chục điểm vàng sa khoáng, theo một dải từ Bộc Lưa đến Ba Vì. Khoáng sản phi kim loại có mỏ piryt Ba Trại ( Ba Vì ), mỏ phosphorit ở Hương Tích và một số điểm trong các hang động cácxtơ. Cao lanh-sét có 2 điểm ở Xuân Mai và Ba Vì, chất lượng trung bình, nhưng có thể khai thác làm công nghiệp sành sứ địa phương. Sét ở nhiều nơi trong tỉnh có chất lượng tốt có thể làm gạch ngói, phụ gia xi măng hoặc đồ gốm. Mỏ asbestos làm fibro -xi măng là mỏ Quýt và mỏ Khu Môn, khu vực núi Ba Vì. Đặc biệt Hà Tây là tỉnh có nhiều đá vôi quan trọng, nhất là ở khu vực đá vôi Mỹ Đức, dài 35 km, rộng 1km, có dạng khối màu xám hơi đen, trữ lượng khoảng 100 triệu tấn. Ngoài đá vôi và đá để ốp lát ( ở Chương Mỹ ), tỉnh còn có nhiều cát, sỏi, đá ong làm vật liệu xây dựng .

Tài nguyên rừng
Rừng Hà Tây tập trung ở vùng đồi gò và khu vực núi Ba Vì, gồm gần 2000 ha rừng tự nhiên và 7800 ha rừng trồng. Rừng Hà Tây có nhiều loài chim, thú và nhiều cây gỗ quý, đặc biệt tập trung ở vườn quốc gia Ba Vi.

Danh lam thắng cảnh,mỹ thuật, nhân vật tỉnh
Thắng cảnh Hương Sơn, Hã Tây là một danh lam, một di tích lịch sử, nơi có lễ hội nổi tiếng cả nước. Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, còn gọi là chùa Hương Tích . Theo kinh Phật, Hương Sơn là một ngọn núi phía Bắc Tuyết Sơn trong dãy Hi Mã Lạp Sơn ( Ấn Độ ), nơi tương truyền đức Phật đến ngồi tu hành khổ hạnh. Theo sách Hương Sơn thiên trù thiền phủ, chùa Hương Tích được xây dựng từ đời Lê Chính Hòa ( 1680- 1705 ) do một vị hòa thượng tìm ra địa điểm. Khu danh thắng Hương Sơn cách Hà Nội 60 km về phía tây nam. Du khách tới Hương Sơn có thể đi bằng xe hơi, xe máy, xe đạp từ Hà Nội qua thị xã Hà Đông tới Vân Đình và vào Bến Đục để hưởng thi vị giang sơn cẩm tú.
…Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây ,
Đệ Nhất động » hỏi rằng đây có phải ?...
( Chu Mạnh Trinh )

Từ Bến Đục có thể đi tới Hương Sơn bằng đường thủy. Chiếu theo Hoàng Điệp ( tổng hợp Văn hóa Việt Nam 1989 - 1995 ), thuyền lướt đi giữa dòng suối Yến trong vắt như pha lê, nhìn rỏ từng đàn cá bơi lội tung tăng và các lớp rong , sinh vật phù du. Hai bên bờ là cảnh núi non ẩn hiện trong làn sương mỏng, phong cảnh ảo mộng như vào động tiên huyền thoại. Đây là núi Ngũ Nhạc ( năm hòn núi ), nọ là cầu Hội , hang « Sơn Thủy hửu tình », núi Đụn, núi Voi Phục, dãy núi Thuyền Rồng, núi Con Phượng, trên núi khắc bốn chữ Kỳ Sơn Thủy Tú. Hàng loạt tên núi, người xưa gọi theo hình dáng : núi Ông Sư, núi Bà Vãi núi Mâm Xôi, núi Trống, núi Chiêng … Trước khi vào chùa Chính , theo truyền thuyết, triết lý dân gian và phong tục, khách đến phải thắp hương trình với « Sơn Thần ». Rồi đến đền Trình, khách lại phải xuống thuyền, len lõi theo dòng suối quanh co giữa hai dãy núi để tới hang Bà. Trước hang hiện ra một vùng non nước giống bức tranh thủy mạc, sắc vàng xanh chen lẫn nhau của lá cây, cỏ non và rau sắng. Rau sắng tên khoa học là Meliantha suavis, thuộc họ thực vật Rau Sắng Opiliaceae, một loại rau ăn rất ngọt, có nhiều ở vùng Hương Sơn ,Tản Đà ghi trong câu thơ :

Muốn ăn rau sắng chùa Hương ,
Tiền đò ngại tốn , con đường ngại xa.
Minh đi ta ở lại nhà,
Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm.

Từ giả Hang Bà, du khách đang mơ màng trước cảnh vật, thì bổng nhiên phảng phất mùi hương hoa. Khách lên bờ, chùa Thiên Trù ( bếp Nhà trời ) hiện ra trước mắt. Chùa Thiên Trù, còn được gọi là Chùa Ngoài hay chùa Trò, đã xây dựng từ thế kỷ thứ 18. Chùa Thiên Trù có tháp Thiên Thủy ( một mõm đá mọc ngược như hình cây tháp ) và Viên Công bảo tháp chạm khắc tinh vi. Bên phải chùa Thiên Trù là động Tiên Sơn nổi tiếng với 5 pho tượng tạc bằng đá và nhũ đá trên vách động, khi gõ vào có âm vang như tiếng khánh, tiếng chuông. Quanh chùa Thiên Trù, bốn bề núi cao sừng sững và hàng trăm ngọn tháp xây từ các triều đai xưa cũ, đã đổ nát theo thời gian. Nay có nhiều khách sạn khang trang đón mời du khách, có hồ bán nguyệt xây công phu trồng sen thơm ngát. Tiếp tục hành trình sẽ vào chùa trong ( động Hương Tích ). Khách có thể thưỏng lãm những cảnh đẹp am, động như Chu Mạnh Trinh mô tả :

… Này suối Giải Oan , này chùa Cửa Võng ,
Này am Phật Tich , này động Tuyết Quynh ( Kinh ),
Nhác trông lên ai khéo hoạ hình ,
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt,
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt ,
Gập nghềnh mấy lối uốn thang mây…

Trong động Hương Tích có rất nhiều nhủ đá hình thù đẹp đẽ như núi cây Gạo , cây Vàng, Buồng Tằm, Nong Kén, núi Cô , núi Cậu( đàn bà hiếm con xoa đầu “ cầu tự “ , mong Đức Phật ban cho một “ cậu “ con ) . Ngoài ra động còn có các tượng vua Cha, Hoàng Hậu, Phật Quan Âm, Kim Đồng, Ngọc Nữ…. Đặc biệt là tòa Cửu Long, là những nhũ đá lớn long lanh hình chín con rồng, từ trên chầu xuống.
Hương Sơn còn có nhiều đền, chùa, hang động hấp dẫn khác như Long Vân , Tuyết Sơn, Hình Bồng … . Nhất là hang Ông Bầy ( Sũng Sâm ) cách chùa Long Vân 2km, tìm thấy năm 1975. Hang này là nơi cư trú của người cỗ xưa, cách đây hàng chục ngàn năm. Tới Hương Sơn, ngoài cảnh đẹp tuyệt vời, ra về khách còn có một thứ đặc sản nổi tiếng khác, ngoài rau sắng làm qua cho người thân yêu. Đó là những trái mơ - apricot vùng núi đá vôi hương vị kỳ lạ,dày cùi, nhỏ hột,trái chín vị ngọt chua chua, không chát. Mơ Nứa: màu da hơi trắng, trái tròn, nhiều nước; Mơ Đào hơi giống trái đào lông, đào tiên trái to, đầu nhọn ; Mơ Mép Giải chấm đỏ trái không to; Mơ Bồ Hóng trái chấm đen, để nấu, không ngon nên ít ai trồng. Thâp niên 1990 ( ? ) miền Bắc còn có Mơ Song Thọ, trái to gần trứng gà con so, nhưng không ngon bằng mơ Hương Tích.

Di tích điêu khắc, đình làng , chùa…
Hà Tây có mật độ di tích đứng thứ hai cả nước, chỉ sau Hà Nội, sau khi chưa mở rộng thủ đô năm 2008. Năm 1999, bộ Văn Hóa đã xếp hạng 326 di tích tỉnh. Nổi tiếng là nghệ thuật điêu khắc ở đình làng như ở đình Tây Đằng, đình Chu Quyến ( Bà Vì) . Theo Thái Bá Vân, ( 1889 ), điêu khắc đình làng thế kỷ thứ 16 và 17 là là nghệ thuật dân dã biểu hiện tích cực cho tâm hồn Việt Nam, độc đáo với nghệ thuật tạo hình; cái không khí nghiêm trang, học thức của thẩm mỹ cỗ điển đã nhường bước cho niềm vui sự sống . Những hình tượng tôn giáo xa xăm đã nhường cho cảnh đi cày, bế con, bổ củi, chọi gà, đánh vật, bơi thuyền, tình ái, say rựou. Hình khối ở nghệ thuật đình làng không còn lặng lẽ trong đường viền tĩnh tại các tượng Phật giáo cỗ điển mà chuyễn động, xô đẩy đi tìm không gian ở nhiều chiều với nhịp điệu lan tràn. Đình Tây Đằng nằm quá về phía tây thị xã Sơn Tây khoảng 10 km, xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 16 , niên đại 1576 . Đình gồm 5 gian 4 mái hàng hiên bao quanh , nhịp hàng lang có 48 chiếc cột to nhỏ, phân bố theo tải trọng cột gánh chịu. Đình Tây Đằng thờ thần Tản Viên - Sơn Tinh. Đình Chu Quyến cũng có 48 cột, 8 hàng, nhưng có nhiều nét khác biệt. Đáng chú ý là vẻ vạm vỡ, khỏe khắn.
Điêu khắc gỗ thời kỳ mỹ thuật Tây Sơn, tuy ngắn ngủi, nhưng thành công lớn là ở chùaTây Phương- Hà Tây . Mười mấy pho tượng các vị tổ đạo Phật ở chùa Tây Phương thật là tuyệt tác. Nó tổng kết được mọi ưu điểm nghề nghiệp, óc quan sát và kỷ thuật nhà nghề về tạc gỗ ở nhiều thế kỷ trước, lột tả được tâm lý và cá tính từng nhân vật thật chân thực, sâu sắc. Chùa Tây Phương xây dựng trên núi Câu Lậu , xã Thạch Xã , huyện Thạch Thất, cách Hà Nội 37 km về hướng tây. Cao Biền năm 865- 873 đã xây ngôi chùa Tây Phương nguyên thủy, nhưng chùa xây dựng lại hoàn toàn mới năm 1794, nên niên đại tính vào thời điểm này.

Danh Nhân
Về danh nhân Hà Tây, ngoài các vị đã kể trên, có lẽ nên nhắc đến ba vị khác nữa . Thứ nhất là Phan huy Chú ( 1782- 1840 ),tự là Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, con trai thứ ba Phan Huy Ích , thân mẩu là bà Ngô Thị Thục, em gái Ngô Thì Nhậm, Phan huy Chú học giỏi nổi tiếng cả vùng Quốc Oai, Sơn Tây cũ. Học giỏi, nhưng hai lần đi thi chỉ đổ Tú tài. Tuy không đứng trong hàng khoa bảng, thực học, thực tài của Phan huy Chú vẫn nức tiếng xa gần. Năm 1821, vua Minh Mạng cho triệu Phan Huy Chú vào giữ chức Hàn Lâm Biên Tu. Năm1828, thăng làm Phủ Thừa - Án sát ( Phó tĩnh trưởng ) Thừa Thiên. Năm 1832, chán cuộc đời làm quan, ông mượn cớ đau yếu, xin về nghỉ và dạy học ở Thanh Mai, nay là xã Vạn Thắng, huyên Ba Vì; rồi mất tại đây. Sự nghiệp trước tác lớn nhất của Phan huy Chú là bộ Lịch triều hiến chuơng loại chí. Một bộ sách gồm 10 chí, ghi chép 10 bộ môn được phân loại, khảo cứu một cách hệ thống theo trình tự như sau :
- dư dịa chí: nghiên cứu sự thay đổi về bờ cõi đất đai qua các đời, sự khác nhau về phong thổ các địa phương .
- nhân vật chí: nói về tiểu truyện các vua chúa, những người có công lao xây dựng các triều đại, những tướng lĩnh có danh tiếng, những trí thức có đức nghiệp.
- Quan chức chí - Lễ nghi chí - Khoa mục chí - Quốc dụng chí- Hình luật chí - Binh chế chí -Văn tịch chí - Bang giao chí.
Đây là một bộ lịch sử văn hiến đồ sộ, một bách khoa thư của đất nước. Theo nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam của Liên Sô GP Muraseva ( 1989 ? ), Lịch triều hiến chương loại chí là một bộ sách xứng đáng được gọi là một bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống Việt Nam, không có công trình nào sánh nổi về bề rộng của phạm vi các vấn đề trong khoa lịch sử sử học Việt Nam, thời đại các triều vua (trước dời vua Tự Đức ). `
Thứ đến là họa sĩ Nguyền gia Trí ( 1908-1993) quê ở Hà Đông , Hà Tây. Ông là người dẫn đầu thời kỳ cực thịnh của tranh sơn mài, vào những năm 1938- 44; đến nay vần còn nguyên giá trị.
Tranh sơn mài Họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Sau đó là họa sĩ Nguyễn tiến Chung ( 1914- 1976 ), sinh ở làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Yêu mến thiên nhiên Việt Nam kỳ diệu và yêu mền nghệ thuật dân gian truyền thống, ông tự xây dựng cho mình một phong cách nghệ thuật khá rõ nét, nhất quán ở mọi chất liệu, những tranh lụa cở lớn.

(Sẽ tiếp theo phần I Khái quát này , phần II lạm bàn phát triển Hà Tây )


Tiếp theo phần 2
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 861055 visitors (2232301 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free