TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Hạnh phúc đầu xuân
 
Lên mạng ngày 21/1/2012

 
 
HẠNH PHÚC ĐẦU XUÂN
 
Nguyễn Thượng Chánh & Nguyễn Ngọc Lan
 
 
Phàm ở đời có ai mà lại không thích được sung sướng, không thích được hạnh phúc đâu...
Hạnh phúc là cứu cánh của cuộc đời. Ai cũng cố mưu cầu được hạnh phúc trong cuộc sống, nhưng ít có người dám nói chắc rằng mình đã đạt được hạnh phúc trọn vẹn!
 
Video: Matthieu Ricard. L’habitude du bonheur pour un moine bouddhiste (nói tiếng Anh khoảng 20 phút)
 
                                                                ***
 
Hạnh phúc có phải là một tập hợp của những niềm vui nho nhỏ hằng ngày hay là một trạng thái tinh thần vĩnh cửu?
 
Tiền tài, danh vọng, quyền thế, vợ đẹp, con khôn và sức khỏe đều là những yếu tố cần thiết, nhưng chưa phải là những điều kiện để tạo được hạnh phúc thật sự theo đúng nghĩa của nó.
 
Một loại hạnh phúc khác: đó là hạnh-phúc-tinh-thần hay còn có thể gọi là hạnh phúc hướng thượng, ý nói đến một trạng thái tự mãn có được khi mình làm một việc gì hay, một việc gì tốt đúng với lương tâm và lý trí của mình, thí dụ như mình giúp ích dù bằng cách gián tiếp hay trực tiếp được cho người trong một tinh thần bất vụ lợi và không màng đến việc được người trả ơn hoặc nhớ tới...
 
Vậy, có khi nào bạn tự hỏi mình thật sự có được hạnh phúc hay chưa?
 
Hạnh phúc là cái chi chi?
 
Rất khó định nghĩa được hạnh phúc là gì.
Tùy theo mỗi tôn giáo, mỗi quan điểm triết học, mỗi nghệ sĩ hay thi sĩ, mỗi nhà xã hội học hay nhà tâm lý học và cũng tùy theo sự suy nghĩ của mỗi cá nhân mà hạnh phúc được định nghĩa và diễn giải theo nhiều kiểu cách khác nhau.
 
Theo định nghĩa của tự điển Petit Robert, hạnh phúc là một trạng thái của ý thức hoàn toàn sung mãn (un état de conscience pleinement satisfaite).
 
 
 
Thỏa mãn mọi nhu cầu
 
Thỏa mãn mọi nhu cầu, có thể nói đó chính là một điều kiện ắt có và đủ để đưa ta đến bến bờ hạnh phúc.
Dù ở bất cứ thời đại nào hay dù ở bất kỳ văn hóa nào, thì một vài yếu tố cho thấy nó đã đóng một vai trò chủ yếu trong việc đưa con người đến bến bờ hạnh phúc.
 
Đó, chính là sự sung mãn của các nhu cầu căn bản về vật chất lẫn về tinh thần: nghĩa là trạng thái đã đạt được những khát vọng mà mình hằng mong đợi trong đời.
 
Những thái độ cần nên có
 
Marie Hélène Simard, Psychologue. A la recherche du bonheur
 
+ Sẵn sàng chấp nhận những đổi thay (être disponible au changement)
 
Các sự thay đổi trong cuộc sống cần được xem là những cơ hội để mình tự thăng tiến chớ không nên xem như là những trở ngại cho hạnh phúc.
Các đổi thay có thể là trong học vấn, việc làm, tình yêu, vân vân.
 
+ Biết thụ hưởng giây phút hiện tại (profiter du moment présent)
 
Những người hạnh phúc là những người sống trong giây phút hiện tại.
Họ chẳng màng bận tâm lo nghĩ đến quá khứ hay tương lai.
«Que sera, sera»
Dù vậy thái độ nầy không phải là trở ngại trong việc hoạch định những dự án cho tương lai.
Thí dụ một sinh viên để hết tâm trí hoàn tất học vấn mà chẳng cần phải lúc nào cũng phải bận tâm lo nghĩ đến kết quả của cuộc thi cuối năm.
 
+ Tự mình tìm hiểu mình một cách cặn kẽ (bien se connaitre)
 
Những người hạnh phúc là những người rất có ý thức đến những ưu khuyến điểm của mình.
Nói một cách khác, họ biết cân nhắc, biết rõ cái sức mạnh và cái yếu kém của chính họ.
 
+ Bắt tay vào việc (passer à l’action)
 
Phải mạnh dạn bắt tay vào việc, may ra chúng ta mới có điều kiện để được hạnh phúc.
Phải nhúng tay vào bột (mettre la main dans la pâte).
Phải xắn tay áo lên, phải hành động mới thấu hiểu rõ được môi trường mà chúng ta đang sống…Thí dụ một sinh viên sau khi nghiền ngẫm coi mình muốn học ngành nào, thì hãy mạnh dạn ghi danh vào một chương trình nào mà mình ưa thích nhất mặc dù mình có thể sai lầm trong việc chọn lựa đó.
Các nhà tâm lý học cho biết là thường trong nhóm người thành công, đồng thời người ta cũng thấy có một tỷ lệ thất bại cũng khá cao.
 
+ Dám từ bỏ (être capable de s’abandonner)
 
Những người hạnh phúc là những người biết buông bỏ trước những tình huống họ không thể kiểm soát được hoặc không thể tiên đoán được...
Họ dám biết phải buông xả và không cố chấp, nhưng họ vẫn cứ tiếp tục tin tưởng vào cuộc đời.
 
Bảy bước để có được hạnh phúc theo nhà tâm lý học Christophe André
 
Christophe André. 7 pistes pour se rendre heureux
 
 
 
1*/ Trước tiên, mình phải quyết định là muốn có hạnh phúc (prendre la décision d’aller bien)
2*/ Không nhường bước cho những tình cảm bất hạnh (ne pas laisser trop d’espace au sentiment de malheur)
3*/ Phải biết tự mình quan tâm, săn sóc lấy mình (prendre soin de soi surtout quand on ne va bien)
4*/ Không nên đòi hỏi một sự hoàn hảo cũng như không để bị ám ảnh về tình trạng tốt đẹp về tinh thần và vật chất (pas de perfectionnisme ni d’obsession du bien être)
5*/ Đối mặt với những âu lo trong cuộc sống hằng ngày, hãy suy nghĩ cho kỹ, nhưng đừng nên ấp ủ dày vò trong tâm (face aux soucis quotidiens, réfléchir, ne pas ruminer)
6*/ Không nên nuôi dưỡng những cảm xúc hay những tình cảm tiêu cực (ne pas nourrir d’émotions hostiles)
7*/ Và sau cùng là, biết tận hưởng những giây phút sung sướng có được (savourer les moments de bien être)
 
Ngoài bảy bước trên, Christophe André cũng có nêu ra một loại hạnh phúc thanh tịnh (bonheur de sérénité).
Đây là loại hạnh phúc đem lại sự an lạc và thanh tịnh cho tâm hồn trong giây phút hiện tại, cũng như sự khoan dung đối với nghịch cảnh, bằng cách ngắm nhìn cảnh mặt trời lặn trên đại dương, hay ngắm nhìn một đàn chim đang bay, hoặc lắng nghe một bản nhạc êm dịu trữ tình…
 
Tuy nhiên, cũng theo nhà tâm lý học trên, nếu lạm dụng thường xuyên loại hạnh phúc thanh tịnh kể trên, thì lại dễ tạo cho chúng ta một tinh thần thụ động, một thái độ buông xuôi và một sự tin vào định mệnh khi đứng trước một nghịch cảnh.
 
 
 
Công Giáo nghĩ gì về hạnh phúc?
 
Trong bài “Hạnh phúc con Người”, linh mục Giuse Hoàng Kim Đại (Công Giáo VN) có giải thích như sau:
“Từ ngày nguyên tổ phạm tội, loài người phải mang án phạt do Thiên Chúa đã ấn định là: phải đau khổ và phải chết, nên đời sống con người luôn luôn cảm thấy lo âu, buồn phiền, sợ hãi. Vì thế, loài người luôn mong ước và tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn.
Như vậy,sự bình an trong tâm hồn mà mọi người luôn tìm kiếm chính là hạnh phúc. Nói cách khác, hạnh phúc là trạng thái tâm hồn được bình an.
Đọc Thánh Kinh, chúng ta có thể nhận ra hai thứ hạnh phúc: Một là hạnh phúc ở đời này, hai là hạnh phúc trường sinh trong Nước Trời. Hai thứ hạnh phúc này liên hệ mật thiết với nhau; nghĩa là muốn được hưởng hạnh phúc trường sinh thì phải đạt được hạnh phúc ngay ở đời này.
Hạnh phúc là sự bình an trong tâm hồn, không phải là tiền tài, vật chất, hay danh vọng, nên cha mẹ không thể ban hạnh phúc cho con cái và vợ chồng cũng không thể ban hạnh phúc cho nhau. Vì thế, chỉ có Thiên Chúa mới ban bình an - hạnh phúc cho loài người mà thôi. (ngưng trích)
 
Phật Giáo nói gì về hạnh phúc?
 
Thích Trí Giải: Hạnh phúc theo quan điểm Phật Giáo
“Hạnh phúc trong Đạo Phật luôn luôn đòi hỏi sự hành trì thâm hậu ở mỗi con người. Con người luôn ý thức và làm chủ ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) và những vật chất hữu vi chỉ là phương tiện sống. Mục đích chính là con người phải biết quay về đời sống tinh thần tu tập diệt trừ mọi phiền não để tâm hồn thanh tịnh, an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại….
Đạo Phật không quan niệm vàng bạc, ngọc ngà châu báu là hạnh phúc. Hạnh phúc càng không phải đặt chân vào lâu đài tình ái. Hạnh phúc không phải hình thành từ chất liệu ngũ dục thế gian…không phải chạy theo tiếng gọi của mỹ nhân để được nghe lời hay ngọt ngào, âu yếm cho là hạnh phúc, những thứ này chỉ làm cho tâm con người quay cuồng trong vòng xoay sinh tử, không biết bao giờ ngưng nghỉ, và tạo thêm khổ đau…
Hạnh phúc là những ai biết quay về với đời sống tâm linh cao cả, đó là phần tinh ba cao quý nhất của con người, sống quay về với chính mình và giây phút hiện tại.
Hạnh phúc mà Đức Phật muốn dạy chúng ta đạt đến là cảnh giới Niết bàn tại tâm. Niết Bàn là Bản Thể chân thực của ta, của quần sinh và vũ trụ…”(ngưng trích)
 
Chìa khóa hạnh phúc theo Đức Đạt Lai Lạt Ma
-Tâm an lạc là chìa khóa của hạnh phúc.
-Trong tất cả các giai đoạn của cuộc sống, mọi người đều có nhu cầu cho và nhận lòng yêu thương. Bản chất của chúng ta là sống hài hoà với tình cảm trên;
- Lo sợ, tức giận và thù hận sẽ phá vỡ cái tâm. Lòng tin tưởng để có thể đương đầu với những ma lực bên ngoài phải xuất phát từ bên trong.
Video. The Art of Happiness: Dalai Lama (43 phút)
 
Kết luận
 
Tóm lại, hạnh phúc là một trạng thái chủ quan của ý-thức sung-mãn.
 
Đối diện cùng một nghịch cảnh như nhau, có người thì lo sợ và cảm thấy khổ sở, nhưng ngược lại, cũng có người thì nhìn sự kiện đó một cách dửng dưng bình thản với một tâm-thanh-tịnh trong tỉnh-thức.
 
Có ai dám nói là mình được hoàn toàn hạnh phúc không?
 
Phải chăng hạnh phúc chỉ là một cái bóng hay một cứu cánh để chúng ta cố vươn tới?
 
Phật Giáo khuyên chúng sanh chớ nên tìm hạnh phúc ở bên ngoài vì chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới được đâu, bởi lý do là lòng ham muốn của con người là vô giới hạn.
 
Muốn có cái hạnh phúc thật sự thì phải cố gắng quên đi cái bản-ngã, dẹp bớt đi cái ái-dục và tập nhìn vào cái bên-trong-của-chính-mình.
 
Vậy, hạnh phúc bắt đầu bằng sự cải-hóa bản thân của chính mình!
«…Le bonheur n’arrive pas automatiquement, ce n’est pas une grâce qu’un sort heureux peut répandre sur nous et qu’un revers de fortune peut nous enlever; il dépend de nous seuls. On ne devient pas heureux en une nuit, mais au prix d’un travail patient, poursuivi de jour en jour. Le bonheur se construit, ce qui exige de la peine et du temps. Pour devenir heureux c’est soi-même qu’il faut savoir changer…» Matthieu Ricard, Plaidoyer pour le bonheur.
 
 
 
 
Đọc thêm
 
-/ Nguyễn Thượng Chánh
 
Tâm an lạc là chìa khóa của hạnh phúc
 
 
Bình thản trong tỉnh thức
 
Giây phút nhiệm mầu
 
 
 -/ Cư sĩ Nguyên Giác
 
Đừng nghĩ quá khứ, đừng nghĩ tương lai
 
 
 
          
 
Montreal, Jan 20, 2012
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855089 visitors (2217718 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free