TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Phát triển Bắc Ninh
 
Lên mạng ngày 18/12/2011

Lạm bàn phát triển tỉnh Bắc Ninh:
Bắc Ninh tỉnh lúa nước cổ truyền châu thổ Sông Hồng, mau chuyển qua tỉnh công nghệ năm 2015 được không ?
G S Tôn thất Trình

 
Đôi nam “ liền anh” đầu đội khăn xếp , mặc áo the dài, quần trắng ống rộng, cất lời :
“ Cổ tay vừa trắng vừa tròn,
Để cho ai gối đã mòn một bên ? …

Đôi nữ “ liền chị”mặc áo tứ thân nhiễu điều, dây thắt lưng hoa lý buông chùng, tay cầm nón quai thao đáp lại:
Ngày ngày ra đứng mà trông,
Bạn thì thấy bạn, tình không thấy tình!
( Lời dân ca Quan Họ, Kinh Bắc xưa – Bắc Ninh nay )

 
Vị Trí và lãnh thổ

 
Bắc Ninh là một tỉnh đẹp đẽ và nổi tiếng thuộc đồng bằng sông Hồng. Chỉ cách thành phố Hà Nội 30 km, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Hải Dương , phía Tây và Tây Nam giáp thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên . Đây là một tỉnh nhỏ, nằm một phần ở vùng đất trũng thấp và vùng đồi Bắc Bộ. Diện tích tự nhiên tòan tỉnh là 823.1 km2 , thuộc vĩ tuyến Bắc 210 5’N và kinh tuyến Đông 1060 10’ E . Dân số tháng tư năm 1999 là 941 400 người, năm 2004 là 987 400 người và tháng tư năm 2009 là 1 024 200 người. Đây là tỉnh diện tích nhỏ nhất Việt Nam , nhưng mật độ dân số lại cao nhất nước, trên 1200 người một cây số vuông. Sở dĩ như vậy, một phần là do nằm trong khu vực Đồng Bằng sông Hồng. Đây là nơi con người đã sinh sống và klhai phá từ lâu đời và là một trong những địa bàn cư trú đầu tiên của người Việt cổ. Nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi cho con người sinh sống; tài nguyên, đất đai, nước, khí hậu khá phong phú là cơ sở để phát triển một nền kinh tế đa dạng. Bắc Ninh nằm trên đầu mối giao thông, giao điểm của hai quốc lộ huyết mạch miền Bắc là quốc lộ 1A ( Hà Nội-BắcNinh-Bắc Giang- Lạng Sơn ) và quốc lộ 18 ( Nội Bài- Bắc Ninh- Đông Triều- Hạ Long ). Bắc Ninh còn nằm trên trục đường sắt Xuyên Việt Nam Bắc, có mạng lưới sông ngòi ( 4 sông lớn chảy qua tỉnh là sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình và sông Ngũ Huyện Khê, mật lưới sông trung bình khỏang 0.95 km / km2 ) nối liền với các tỉnh lân cận, và cũng nằm rất gần sân bay Nội Bài .

 
Năm 1962, Bắc Ninh và Bắc Giang sáp nhập thành một tỉnh lấy tên là Hà Bắc, tỉnh lỵ là thị xã Bắc Giang. Năm 1996, tỉnh Hà Bắc lại tách thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Bắc Ninh được tái lập với 1 thị xã là tỉnh lỵ Bắc Ninh và 7 huyện là Quế Võ, Yên Phong, Tiên Du, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài và Từ Sơn ; gồm 113 xã, 5 phường và 5 thị trấn. Các tộc dân Bắc Ninh gồm Kinh, đông nhất, rồi đến Tày, Nùng và Mường.

 
Xuôi dòng thời gian
Nôi Văn Minh Sông Hồng
Bắc Ninh là một nôi văn hóa đặc sắc Việt Nam, trọng tâm của nhiều văn minh lớn và tôn giáo đất nước. Trước tiên phải kể đến nền văn minh Sông Hồng Phùng Nguyên – Đồng Dậu- Gò Mun – Đông Sơn . Nhiều di tích đã được các nhà khảo cổ học nước nhà phát hiện từ năm 1960, từ sơ kỳ thời đại đồng thau đến thời đại sắt sớm trên lưu vực sông Hồng từ thượng nguồn Hòang Liên Sơn đến vùng đồng bằng ven biển Hải Phòng, Thái Bình và lưu vực sông Mã. Tương đương niên đại cùng văn minh Sa Hùynh ở các tỉnh ven biển miền Trung từ đèo Hải Vân đến miền Đông Nam Bộ, như di tích Long Thạnh ( sơ kỳ thời đại đồng thau ), di tích Bình Châu ( qua giai đọan trung kỳ đồng thau ), nỏ rộ, đạt đỉnh cao thuộc sơ kỳ thời đại sắt, theo các di tích Gò Ma Vương, Tam Mỹ, Dầu Giây, Phú Hòa v.v… Niên đại C14 ở Long Thạnh -Phú Hòa cho thấy văn minh Sa Huỳnh phát triển từ đầu thiên niên kỷ 2 đến 1,2 thế kỷ trước Công Nguyên. Phần lớn các nhà nghiên cứu cho rằng văn minh Sa Hùynh đã tiến lên thành văn minh Champa – Chiêm Thành sau này.
Một góc thành Cổ Loa xưa
Trống đồng Cổ Loa
Cổ Loa - Bắc Ninh, thủ đô của nước Âu Lạc thời vua An Duơng Vuơng Thục Phán còn lưu giữ dấu vết của con người thời đá cũ cách đây mấy vạn năm, nhiều di tích của đủ các chặng đường phát sinh và phát triển của thời đại kim khí từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn của nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Ở Cổ Loa, khảo cổ học đã tìm thấy hàng vạn mủi tên đồng, hàng trăm các lọai lưỡi cày đồng và mấy chiếc trống đồng. Trồng đồng Cổ Loa phát hiện năm 1982 được xếp cùng trống Ngọc Lũ, trống Hòang Hạ thành bộ ba trống đồng to và đẹp nhất hiện nay trong dòng trống đồng Đông Sơn. Như vậy Cổ Loa không chỉ là một trung tâm chánh trị, quân sự, một trung tâm lúa nước mà còn là một trung tâm luyện kim lớn thời Cổ đại .
Thời vua Hùng: Các huyền thọai Kinh Dương Vương , Con Rồng ( Lạc Long Quân) cháu Tiên ( Âu Cơ )
50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển....
Rất nhiều huyền thọai Bắc Ninh vẫn còn trong trí óc của dân Việt, tỉ như Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, Thánh Gióng , Mỵ Châu và Trọng Thủy.


Từ thuở xa xưa, Kinh Dương Vương cầm đầu nước Xích Quỷ, lấy con gái của Thần hồ Động Đình, thuộc nòi rồng tên là Long Nữ. Hai người sinh được con trai là Sùng Lâm , lấy hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân có thân hình rồng, tính ưa ở nước, có sức khỏe phi thường và nhiều tài biến hóa . Nối nghiệp cha, Lạc Long Quân cai quản Đất Lạc Việt, thuộc miền Lĩnh Nam. Lúc ấy ở biển Đông Nam bây giờ là đất tỉnh Quảng Đông ( Trung Quốc ) và miền Bắc Bộ nước ta, có một con cá rất dữ tợn, sống lâu đời thành tinh, dân chài gọi là Ngư Tinh. Thân dài hơn 50 trượng, đuôi như cánh buồm, miệng có thể nuốt chửng 10 người một lúc. Chỗ ở của Ngư Tinh là một hang lớn, trên hang là một dãy núi cao ngăn miền duyên hải làm thành 2 vùng. Ngư Tinh lấy đá lấp ngang làm cho eo biển hẹp đi, gây khó khăn cho thuyền bè đi lại. Lạc Long Quân liền cho đóng một thuyền lớn, rèn một khối sắt nung đỏ tiến đến hang Ngư Tinh. Khi con quái vật há miệng, Lạc Long Quân ném khối sắt lữa vào miệng nó. Ngư Tinh không chống nổi bị chém làm 3 khúc. Khúc đầu nó hóa thành con chó biển , bị Lạc Long quân đuổi theo chém chết ném lên một ngọn núi, nay gọi là Cẩu Đầu Sơn. Khúc giữa trôi ra xứ Mạn Cầu , nay gọi là Cẩu Đầu Thủy. Khúc đuôi bị Lạc Long Quân lột da đem phủ lên một hòn đảo giữa biển, bây giờ là hòn đảo Bạch Long Vĩ . Trừ xong Ngư Tinh, Lạc Long Quân đến miền Long Biên. Ở đây có con cáo chín đuôi, hay hóa thành người, thành vật, trà trộn trong đám đông, gieo rắc bệnh họan, hảm hiếp phụ nữ. Lạc Long Quân đến sào huyệt, đánh nhau với hồ tinh, cuối cùng giết được cáo. Rồi cho chảy nước sông Cái làm ngập hang nó. Nước xóay mạnh , đánh băng núi đá đi mất tích, còn lại một cái hồ, sau gọi là Đầm Xác Cáo , Hồ Tây ngày nay. Diệt trừ được các lòai yêu quái, Lạc Long Quân lo cho dân cư an cơ lạc nghiệp, bày cho dân biết cách trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn và xây dựng lâu đài, cung điện ở đất, không về với mẹ ở dưới thủy cung. Lúc bấy giờ ở phương Bắc có thần Đế Lai đem quân tràn xuống, cùng đi với con gái là nàng Âu Cơ cho dựng thành, đắp lũy, định ở lâu dài trên đất Lĩnh Nam. Lạc Long Quân đem quân về đánh, biến thành một chàng trai đẹp đẽ, khỏe mạnh đến trước cửa thành của Đế Lai gảy đàn và hát chọc ghẹo. Hai người yêu nhau và Âu Cơ theo về cung điện chồng. Đế Lai mất con đi tìm. Quân lính bị nhiều ác thú Lạc Long Quân sai ra chặn đường, xé xác. Ngày một ngày hai, lực lượng Đế Lai hao tổn nặng, phải thu quân về Bắc. Lạc Long Quân và Âu Cơ lấy nhau sinh được một cái bọc. Quá 7 ngày, bọc nở ra một trăm cái trứng, mỗi cái trứng nở thành một người con trai. Lạc Long Quân hay về dưới quê mẹ nơi thủy cung. Âu Cơ ở nhà cùng đàn con, có lúc định đưa con về phương Bắc, nhưng bên ấy Đế Lai đã bị một ông vua khác đánh đuổi, đành cùng con giữ gìn đất Lạc. Nhưng sau họ cũng chia tay: 50 người theo Âu Cơ lên núi, 50 người theo Lạc Long Quân xuống biển. Thành Tổ tiên người Bách Việt. Người con truởng ở lại Phong Châu thành vua Hùng của nước Văn Lang . Dân Việt Nam tự nhận là nòi giống Rồng Tiên, tôn vua Hùng làm thủy Tổ chính là do sự tích này.

 
Thánh Gióng , Sơn Tinh – Thủy Tinh , Mỵ Châu – Trong Thủy, dân gian hình dung, chống bảo lut, gìn giữ, phát triển đất nước và cuối cùng mất nước (chiếu theo chuyện kể của Hoàng Khôi )
Phù Đổng Thiên Vương
Đời Hùng Vương thứ 16 ở làng Đổng, có một bà già không chồng. Một ngày ra vườn, thấy một vết chân người to lớn, bà ướm thửbàn chân mình và từ đó có thai; sau 12 tháng sinh được một cậu bé đặt tên là Dóng. Lên ba rồi mà Dóng vẫn không biết đi và chẳng nói, chẳng cười. Khi giặc Ân sang cướp phá, nghe sứ giả cầu hiền, Dóng tự nhiên ngồi nhổm dậy, nói với sứ giả: xin đức vua đúc cho ta một con ngựa sắt, một áo giáp sắt, một nón sắt và một roi sắt, ta sẽ đi dẹp giặc. Các đồ roi, ngựa giáp sắt đúc đến 3 lần mới vừa sức Dóng. Thiết bị đầy đủ, dân làng bày tiệc có 7 nong cơm, tiễn chân Dóng. Dóng ăn lóang một cái đã xong 3 nong phần mình. Vươn vai đứng dậy, Dóng thành người khổng lồ, đội nón cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngưa phi như bay, thét ra lữa. Ngựa Dóng đi tới đâu, lữa cháy rực trời đến đó. Giặc bị chết cháy, chết chém. Vua Ân cũng bị bỏ mạng giữa trận tiền. Dóng đuổi theo đến chân núi Sóc Sơn thì giặc không còn một mống. Đến núi Sóc, Dóng cởi giáp và treo nón lên một cành cây, cúi xuống uống một hơi cạn cả giếng nước cạnh đường. Rồi cả người cả ngựa bay thẳng lên trời. Nhà vua biết ơn thần tướng, sai lập đền thờ, tôn Dóng là Phù Đỗng Thiên Vương .

Trận chiến Sơn Tinh Thủy Tinh
Hùng Vương thứ 18 có người con gái tên là Mỵ Nương, nhan sắc tuyệt trần. Trong số người đến dạm hỏi, có 2 người tài giỏi khác thường. Một người là thần núi Tản Viên, gọi là Sơn Tinh. Người kia gốc gác chưa rỏ lắ , ở mãi ngòai biển Đông, thường gọi là Thủy Tinh. Hai người đến cầu hôn, thi tài . Sơn Tinh làm phép dựng núi san đồi . Thủy Tinh hô mưa gọi gió, không ai chịu kém ai. Vua Hùng nghĩ một cách bảo hai người ngày mai đêm lễ vât đến: một trăm ván cơm nếp, hai trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, cùng các thứ quí khác . Ai đến trước thì nhận làm rể. Sơn Tinh may mắn có quyễn sách ước Lạc Long Quân và thần Thái Bạch biếu, nên giở sách, lầm nhầm một lúc là đồ lễ vật đã hiện ra. Tờ mờ sáng hôm sau Sơn Tinh đến trước, được phép đưa dâu về núi. Thủy Tinh chậm chưn, không lấy được vợ, đùng dùng nổi giận, đem quân đuổi theo để cướp lại Mỵ Nương. Thủy Tinh hô mưa gọi gió, dâng nước theo nhiều ngã, đánh vào tận dinh lũy của Sơn Tinh. Sơn Tinh chống lại, cho bộ hạ chắn các dòng nước, dùng lưới sắt che ngang các khúc sông. Hễ nước dâng cao lên bao nhiêu thì Sơn Tinh lại nâng núi cao lên bấy nhiêu. Quân lính Sơn Tinh đứng trên cao bắn xuống. Bộ hạ của Thủy Tinh là các lòai ba ba, thuồng luồng, giải … chết xác nổi đầy sông. Mấy ngày ròng rã, Thủy Tinh không sao tiến lên được, bị thiệt hại nặng, đành phải rút quân về. Tuy thất bại, nhưng Thủy Tinh vẫn cứ hậm hực. Bởi thế, nên năm nào cũng vào khỏang tháng 8, Thủy Tinh lại dâng nước lên đánh Sơn Tinh, gây nên ngập lụt hàng năm.
Giặc ngồi sau lưng nhà vua đó!

Huyền Thọai Nỏ Thần Mỵ châu- Trọng Thủy ở quê hương truyền thuyết là -kinh đô Cổ Loa, An ( ? ) Dương Vương Thục Phán, thay vua Hùng lên ngôi , dời từ vùng Bạch Hạc – Việt Trì xuống- bị Triệu Đà, gửi con là Trọng Thủy sang đấy làm rể ( lấy con gái Thục Phán là Mỵ Châu ) – làm con tin 3 năm do thám, điều tra tình hình, rồi trốn về nước, báo vua cha xuất quân đánh chiếm Cổ Loa và Âu Lạc năm 179 trước Công Nguyên. Đánh dấu ngàn năm giặc Tàu đô hộ, một chặng đường bi tráng lịch sử Việt Nam cổ đại.





Từ trận Bạch Đằng Giang đến trận Như Nguyệt , Tuyên ngôn Độc Lập đầu tiên đọc ở bờ sông Cầu
Ngô Quyền và Bạch Đằng giang

Trận thắng lớn trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, đánh tan ý đồ xâm lăng của vua tôi Nam Hán, ghi dấu một cơ sở cho việc khôi phục quốc thông, một cái mốc mở ra nền Độc Lập – Tự Chủ của dân tộc. Trận Như Nguyệt thắng các đạo quân xâm lăng nhà Tống; đêm tháng 3 năm 1077, Lý Thường Kiệt đem 400 chiến thuyền của quân ta ngược dòng sông Như Nguyệt , (sông Cầu tỉnh Bắc Ninh ) bất ngờ đánh vào cụm quân Quách Quỳ từ hướng Đông, rồi nắm đại quân vượt sông đánh thẳng vào cụm quân Triệu Tiết. Quách Quỳ cuối cùng phải phá vòng vây chạy về phía Bắc, lại bị quân của phò mã Thân Cảnh Phúc chặn ở Chi Lăng, bị truy kích mạnh, đại bộ phân bị tiêu diệt, buộc long phải rút hết quân về nước Tàu .

 
Bắc Ninh cũng là nơi sinh quán ở làng Cổ Pháp ( nay là làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn-Bắc Ninh ) của Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên Lý Thái Tổ ( 974- 1028 ) triều đại nhà Lý ( 1010- 1225 ) , truyền ngôi được 8 đời, lập ra “văn minh Đại Việt”, con tinh thần của những vị cao tăng xuất sắc như nhà sư Vạn Hạnh, nhà sư Lý Khánh Văn chùa Ứng Tâm còn có tên là chùa Dặn … của trung tâm kinh tế văn hóa Lục Tổ- Cổ Pháp thế kỷ thứ 10, chiếu theo giáo sư sử học Trần Quốc Vượng. Sau thắng trận Như Nguyệt năm 1077, bài thơ của danh tướng Lý Thường Kiệt “ Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư” nhiều người xem đó là bản Tuyên Ngôn Việt Nam độc lập đầu tiên, được đọc trên bờ sông Cầu.
Từ trấn Kinh Bắc qua trấn Bắc Ninh, rồi tỉnh Bắc Ninh, sáp nhập với tỉnh Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc, rồi trở lại tỉnh Bắc Ninh hiện nay .
Trấn Kinh Bắc được thành lập thời vua Lê Thánh Tông năm 1469. Năm 1822, vua Minh Mạng đổi trấn Kinh Bắc ( phía Bắc kinh đô ) thành trấn Bắc Ninh ( an ninh phía Bắc ? ). Năm 1831, trấn Bắc Ninh đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Từ những năm đầu thế 20 đến cuộc Cách Mạng tháng 8 năm 1945, địa lý hành chánh Bắc Ninh ít thay đổi. Bắc Ninh lúc đó gồm 2 phủ ( phủ là huyện lớn nay cấp này đã bị bỏ ), 8 huyện, 78 tổng ( cấp này nay cũng đã bỏ ) và 599 xã. Như đã nói trên, năm 1962, Bắc Ninh và Bắc Giang sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc. Năm 1996 Hà Bắc tách thành 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang .

 
Địa hình , đất đai
Địa hình Bắc Ninh chủ yếu là đồng bằng châu thổ được phù sa của sông Đuống và sông Thái Bình bồi đắp. Tác động các quá trình địa mạo và họat động kinh tế của con người tạo ra các dạng đồng bằng sau đây :
- Đồng bằng tích tụ xâm thực đồi sót ở Yên Phong, Quế Võ với độ cao 100-200m, có các đồi bào mòn xâm thực hình thành các thềm phù sa cổ cao 10-20m .
- Đồng bằng tích tụ xâm thực phù sa ở các huyện Tiên Du, Từ Sơn, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài. Ở đây không có đồi sót, chỉ có phù sa sông Hồng, sông Thái Bình mới bồi tụ, phủ trên lớp trầm tích biển. Hiện nay là vùng đất phù sa trong đê, nên không còn được bù đắp nữa .
- Ở một số xã thuộc huyện Thuận Thành, nơi giáp ranh với thành phố Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, có một vài nơi là đồng bằng tích tụ trên nền địa chất phù sa mới của sông Hồng, nhưng do đê ngăn không còn được bù đắp hằng năm nữa .
Đất đai phân chia ra: ( phần này chiếu theo Thái Công Tụng )
- Đất xám bạc màu trên phù sa cổ - Haplic Acrisols ở các huyện Yên Phong - Quế Võ , hình thành gắn liền với qúa trình sử dụng và canh tác lúa nước, qúa trình rửa trôi và bào mòn. Cấu trúc phẩu diện đất bạc màu phân tầng rỏ rệt theo màu sắc, trong phẩu diện xuất hiện loang lổ đỏ vàng xen lẫn các ổ kaolin trắng. Hàm lượng hửu cơ ( mùn ) các chất dinh dưỡng: lân, đạm, ka li nghèo nàn - thấp. Năng xuất cây trồng cũng thường rất thấp. Vài nơi có hiện tượng gley- hóa thành đất chua- acid, nghèo hửu cơ, các dưỡng liệu.
- Đất phù sa được xám gley – Gleyish Acrisols, Low –humic gleysoils, gặp ở độ cao trên 10m, địa hình bậc thang thấp vùng gò đồi, bồi hằng năm- Eutric Fluvisols, ởcác vùng ngòai đê sông Đuống, sông Thái Bình, dọc theo sông Cầu. Đây là lọai đất phù sa trung tính nhiều dưỡng liệu, độ phì nhiêu khá cao, làm được nhiều vụ lúa mỗi năm.
- Đất phù sa không được bồi hằng năm ở Tiên Du, Từ Sơn, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài. Hàm lượng hửu cơ trung bình, dưỡng liệu từ trung bình đến khá cao, ít chua. Tuy nhiên ở địa hình chiêm trũng, ngập nước gần quanh năm có hiện tượng gley hóa, biến thành đất Gley – Dystric Gleysols, hay đất Gley chua, có phản ứng rất acid ở tầng đất mặt, khả năng hấp thu kém, nghèo dưỡng liệu. Quá trình gley hóa này ở những nơi quá yếm khí, nhiều hửu cơ có thể tạo ra “đất phèn” . Bắc Ninh, năm 2000, ước lượng còn 5000 ha đất trũng thuộc các huyện Gia Bình, Quế Võ và Yên Phong; chỉ mới làm ruộng được hai vụ mà thôi, cố gắng lắm mới làm đến 2.5 vụ một năm.

 
Thủy Văn , khí hậu

Sông Cầu nước chảy lơ thơ
Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi .
( Ca Dao )

…Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì

… Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp….

… Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thóang mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp .
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu ? …

( Hoàng Cầm 1922 - 2010 )

 
Như đã nói trên, Bắc Ninh có 4 sông lớn chảy qua là sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình và sông Ngũ Huyện Khê. Sông Đuống dài 65 km, nối sông Hồng với sông Thái Bình, đoạn qua Bắc Ninh từ Đình Tổ ( Thuận Thành ) đến Cao Đức ( Gia Bình ) dài 42 Km. Sông Cầu dài 290 km, đọan chảy qua địa phận Bắc Ninh từ Tam Giang ( Yên Phong ) đến Đức Long ( Quế Võ ) dài 69km. Sông Thái Bình dài 63 Km, đọan chảy qua Bắc Ninh từ Đức Long đến Cao Đức dài 16km. Sông Ngũ Huyện Khê chảy qua Bắc Ninh 24 km, từ Châu Khê đến Vạn Yên ( Yên Phong ). Dòng chảy sông ngòi phân phối thành hai mùa rỏ rệt. Mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 10; các tháng lũ lớn nhất là 6, 7 và 9; cực đại vào tháng 8 ( như đã nói ở huyền thọai Sơn Tinh – Thủy Tinh ). Lượng dòng chảy mùa lũ chiếm 70-85 % lượng dòng chảy cả năm. Mùa cạn từ tháng 10 đến tháng 5; cực tiểu vào tháng 2, tháng 3. Các sông Bắc Ninh là nguồn lợi về thủy sản, nguồn nước tưới cho đồng ruộng và là các tuyến giao thông đường thủy tỉnh nhà.
Ba con sông ( sông Cầu, sông Đuống và sông Thái Bình ) chảy qua Bắc Ninh tạo ra một mạng lưới đường thủy, có thể nối liền Bắc Ninh với các tỉnh khác. Tổng chiều dài đường thủy là 127km; có 2 cảng trong đó cảng Thị Cầu năng lực năm 1999 chỉ mới đến 200 000 tấn .

 
Bắc Ninh thuộc đới khí hậu gió mùa chí tuyến, á đới có mùa đông lạnh và khô rõ rệt. Lượng bức xạ phong phú , tổng xạ cao 100- 120 kcal / cm2 / năm. Vì thế Bắc Ninh có nền nhiệt độ cao, tổng nhiệt độ trên 75000 C. Hòan lưu khí quyển gồm : - gió mùa mùa đông có không khí cực đới từ Xibêria đến theo hướng đông bắc làm mùa đông Bắc Ninh lạnh khô rỏ rệt- và gió mùa mùa hè là gió mùa tây nam hội tụ với tín phong bắc bán cầu, gây ra mưa lớn. Xen kẻ với gió mùa còn có tín phong đế từ áp xuất cao Tây Thái Bình Dương và từ khối chí tuyến Đông Nam Á . Nhiệt độ trung bình cả năm là 21 – 230C, cao nhất vào tháng 7 tới 29.2 0C, thấp nhất vào tháng giêng 150C. Mùa đông lạnh khô, tòan tỉnh có 3 tháng nhiệt độ dưới 180 C. Lượng mưa trung bình trong năm là 1800mm. Số giờ nắng khoảng 1700- 1800 giờ /năm , nên rất thích hợp cho cây trồng.
Thắng cảnh, danh nhân tỉnh nhà

 
Ngòai di tích Cổ Loa, phải kể đến :

 
Đền Đô
·Đền Đô ở làng Đình Bảng , huyện Từ Sơn, cách thủ đô Hà Nội 18 km. Thờ 8 vua đời nhà Lý; hằng năm có lễ hội lớn. Đền Đô được xây dựng dưới triều Lê, sau đó được trùng tu nhiều lần, lớn nhất vào thời Lê Trung Hưng thế kỷ thứ 17 với kiểu “ nội công ngọai quốc” xung quanh có tường thành vây bọc. Đền Đô còn giữ được nhiều tài liệu lịch sử quan trọng, đặc biệt là tấm văn bia cổ của Trạng Nguyên Phùng Khắc Khoan, khắc năm 1602 .

* Đình Đình Bảng , cách Hà nội 20km. Theo kiến trúc sư Đặng Thái Hòang, đây là một trung tâm kiến trúc lớn với vô số các điểm di tích ghi trên bản đồ, trong đó có ngôi đình Đình Bảng nổi tiếng đất Kinh Bắc, ca dao xưa từng ca ngợi
Hởi cô thắt lưng bao xanh
Có về Đình Bảng với anh thì về …
Bên ngòai Đình Bảng

Đình làng Đình Bảng do ông Nguyễn Thác Lượng cùng vợ là bà Nguyễn thị Nguyên hiến gỗ đứng ra tạo dựng, dân gian và thợ trong vùng góp công, góp sức 36 năm sau ngày khởi công ( 1700- 1736 ) ngôi đình mới hòan thành. Đình Bảng thờ thần Cao Sơn ( Thổ thần), Bạch Lễ ( thần Ngày mùa ), Thủy Bá ( thần Nước ), sau đó thờ thêm vợ chồng Nguyễn Thác Lượng. Đinh gồm tòa Đại Đình đồ sộ nối với Hậu Cung ở phía sau theo dạng mặt bằng hình chuôi vồ. Tòa Đại đình dài 20m , rộng 14m cao 8m phần mái rủ xuống đẹp đẽ đã chiếm tới 5.5m. Vẽ độc đáo của ngôi đình thể hiện ở sự tỏa rộng trong không gian của mái đình, sự đồ sộ của những đầu đao, khả năng thích nghi với khí hậu của công trình ( kiểu nhà sàn, của bức bàn chống mưa, nắng ) và sự sung mãn về trang trí điêu khắc. Những cây gỗ lim ở đây to hiếm thấy, đường kính 0.65m đối với cột lớn và 0.55m đối với cột con. Trang trí, điêu khắc nội thất đình Đình Bảng với những đường uốn lượn tài tình, khi bay bổng mạnh mẽ khi lan tỏa nhịp nhàng, thể hiện cụ thể ở các vì nóc, cốn, cữa võng gây cho người xem một cường độ xúc cảm mạnh mẽ, là một điểm trội đáng ca ngợi nhất của ngôi đình. Hình khối tổng thể của kiến trúc ngôi đình nói chung đơn giản, giàu sức khái quát, nhưng chi tiết trần thiết lại phức tạp, đó cũng chính là một trong những nguyên lý nghệ thuật đưa công trình tới chỗ thành công.
bên trong Đình Bảng
* Đền Bà Chúa Kho. Từ Hà Nội theo quốc lộ 1A, qua ga Thị Cầu, rẽ trái đi khỏang 500m là đến làng Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, thị xã Bắc Ninh nơi có đền thờ bà Chúa Kho. Tương truyền bà là một người phụ nữ đã khéo tổ chức, tích trữ lương thực, trông nom ngân khố thời kỳ trong và sau chiến thắng Như Nguyệt ( 1076 ). Khi bà qua đời, dân gian lập đền thờ ghi lại công ơn của Bà. Đền Bà Chúa Kho nay đã được tu sửa khang trang, thu hút nhiều khách thập phương từ Bắc đến Nam về lễ .

 
* Chùa Dâu ở thôn Khương Tự ( còn gọi là làng Dâu ), xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, cách Hà Nội 30km. Chùa được dựng vào thế kỷ thứ 2 hay đầu thế kỷ thứ 3 và trở thành Trung tâm Phật Giáo thời bấy giờ. Đây là chùa đền xây dựng đầu tiên ở Việt Nam. Chùa được Mạc Đĩnh Chi tái dựng và nới rộng vào thế kỷ thứ 14, trùng tu lại nhiều lần ở thế kỷ thứ 15. Hiện nay trên sân chùa có Tháp Hòa Phong, ba tầng cao 17m. Trong tháp, Vua Minh Mạng năm 1817 đã cho đúc một thạp chiêng- gong đồng thau lớn, tiếp theo chuông đồng lớn kiểu thời Cảnh Thịnh ( 1793 ). Từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, vùng Thanh Khương đã lừng danh Phật Giáo trong nước và ngọai quốc. Trong Phật điện chính có pho tượng nữ thần Pháp Vân ( nữ thần Mây ) ngồi trên tòa sen, cho nên chùa còn có tên là Pháp Vân tự . Ngòai ra còn có tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ.
* Chùa Phật Tích được khởi dựng vào khỏang thế kỷ 11 ở sườn núi Phật Tích, xã Phật Tích , huyện Tiên Du

 
Chùa Bút Tháp
* Chùa Bút Tháp cũng theo kiến trúc sư Đặng Thái Hòang xây dựng năm 1646- 1647 đời Hậu Lê, nhưng theo những bia đá ghi lại thì có lẽ còn sớm hơn nữa, từ thời Trần,tên chữ là Ninh Phúc tự . Chùa được xây dựng trong một thời kỳ lịch sử đất nước đầy những biến động, giằng xé. Chùa Bút Tháp với hệ thống không gian phát triển nhiều tháp và bia đá tự nó nói lên tầm quan trọng kiến trúc chùa tháp trước xã hội đương thời. Quần thể kiến trúc chùa Bút Tháp như một ốc đảo dài điểm xuyết cây xanh, nổi bật trên một cánh đồng sóng lúa mênh mông, đã được bố cục theo một quy luật trật tự nghiêm khắc nhất. Một dây chuyền công năng bảo đảm cho những thủ tục tôn giáo theo đúng trình tự đã được bài trí: khách hành hương sẽ phải lần lượt qua Tam Quan, gác chuông, Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện, tòa Cửu Phẩm, nhà Trung, Phủ Thờ, Nhà Tổ … Chỉ có những tòa tháp trong đó có Tháp Báo Nghiêm ( Tháp Bút ) bằng đá là được sắp đặt tương đối tự do, tưởng như không ở trong vòng quy luật của bố cục mặt bằng. Tháp Báo Nghiêm cao 13.05m, năm tầng với một tầng đỉnh xây bằng đá xanh. Ngòai tầng đáy rộng hơn, bốn tầng trên gần giống nhau, rộng 2m. Phần bệ tượng được bao quanh bằng hai vòng tường cấu tạo bằng cột và lan can cũng có những đặc điểm đáng chú ý. Riêng ở tầng trệt có 13 bức chạm đá lấy đề tài động vật là chánh. Kiến trúc chùa vẫn dùng khung gỗ chịu lực nhưng nền, bệ, lan can dùng đá rất phổ biến. Hình khắc đá ở đây chủ yếu là động vật, có điểm xuyết thêm mây trời, hoa lá , đáng chú ý là tư thái của chim, cò, hươu, khỉ, rồng, hổ, ngựa, trâu v.v… thảy đều rất sinh động, đặc biệt là mấy chú khỉ được tác rất thần tình. Trong chùa, tượng gỗ Quán Âm nghìn mắt nghìn tay của nhà điêu khắc họ Trương, hòan thành năm 1656,là tác phẩm tiêu biểu của điêu khắc Việt Nam 300 năm trước. Hai kiệt tác điêu khắc khác nữa làm thành một bộ ba tác phẩm danh bất hư truyền là tượng Tây Thiên Đông Đô Việt Nam lịch đại tổ và tượng Thị Kính. Ngoài ra còn tượng các nhà sư đã trụ trì nơi đây. Và đặc biệt nữa là các tượng Hòang Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên và Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ .
Tượng Phật ngàn tay bên trong Chùa Bút Tháp
Ngòai ra còn có đình Cổ Mễ , đình Đông Hồ ( còn gọi là đình Tranh, thuộc làng Đông Hồ, huyện Thuận Thành) nơi chợ Tranh họp vào dịp tết Nguyên đán, khách xa gần nô nức về mua tranh và nơi tổ chức hội thi đồ mã phản ảnh một nét đặc thù họat động kinh tế và văn hóa người dân làng Đông Hồ .
Tranh Đông Hồ
Di tích lịch sử Bắc Ninh thường nói đến di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt thuộc thôn Thọ Đức,Tam Đa, huyện Yên Phong. Tại Thọ Đức, Lý Thường Kiệt đã cho xây dựng nhiều trại quân lớn, hiện còn dấu tích trong lòng đất: trại Chinh, trại Chùa, trại Quýt, trại Mái Ấm, trên khu vực bãi Miễu, Lý Thường Kiệt cho xây dựng một phòng tuyến lớn chặn giặc ở cửa sông Thọ Đức. Xung Quanh là các khu hậu cần: kho Dốc Gạo kho Cung ở gò Cung, kho Gươm ở gò Guơm. Di tích Núi Dinh còn có tên là núi Thanh hay núi Pháo Đài, nằm trên đất của hai phường Thị Cầu và Đáp Cầu.

 
Danh nhân Bắc Ninh là Lý Vạn Hạnh, Lý công Uẩn, Lý Nhân Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan…. đã được nhiều người đề cập đến nên không bàn thêm ỏ đây nữa. Trên phương diện văn hóa, văn học, Bắc Ninh là một tỉnh hiếu học từ ngàn xưa, có nhiều người đổ hòang giáp tiến sĩ (đệ nhị giáp, tiến sĩ xuất thân), tam khôi ( đệ nhất giáp hay tiến sĩ cập đệ ): trạng nguyên , bảng nhãn, thám hoa … Trong 800 năm lịch sử các kỳ thi hội, thi đình Việt Nam thời xưa, Bắc Ninh có hơn 600 tiến sĩ và 17 trạng nguyên, chiếm 1/3 tiến sĩ và trạng nguyên cả nước. Trong số trạng nguyên xứ Kinh Bắc như Nguyễn Quan Quang (đổ trạng năm 1232), Lý Đạo Tài ( đổ trạng năm 1252 ), Nguyễn Nghiêu Tư ( đổ trạng năm 1446 ), Vũ Kiệt ( đổ trạng năm 1473 ), Nguyễn Quang Bật ( đổ trạng năm 1484 ), Nghiêm Hỏang ( đổ trạng năm 1496 ), Nguyễn Giang Thanh ( đổ trạng năm 1508 ), Ngô Miên Thiều ( đổ trạng năm 1518 ), Nguyễn Lượng Thái ( đổ trạng năm 1553 ), Phạm Quang Tiến ( đổ trạng năm 1565 ), Vũ Giới ( đổ trạng năm 1577), Nguyễn Xuân Chính ( đổ trạng năm 1637 ), Đặng Công Chất ( đổ trạng năm 1661 )… đáng lưu ý thêm là Lý Đạo Tái ( 1254- 1334 ) làng Vạn Tài, huyện Thuận Thành. Lý Đạo Tái làm quan ở Đông Các Viện Hàn Lâm, nhưng bỏ đi tu ở chùa Quỳnh Lâm ( Hải Dương ), được sư Pháp Loa và Trần Nhân Tông ( tổ thứ nhất phái Phật Trúc Lâm) rất trọng. Năm 1371, Pháp Loa ( vị tổ sư thứ 2 ) đem y bát của Điều ngự giác hòang ( tổ thứ nhất ) truyền cho. Sau Lý Đạo Tái lên tu ở núi Yên Tử làm vị tổ thứ 3 của phái Phật Trúc Lâm, với đạo hiệu Huyền Quang tôn giả. Huyền Quang tôn giả giỏi thơ văn. Hiện còn tác phẩm Trần Triều thế phả hành trạng .

 
Trong số các nhà văn Bắc Ninh phải kể đến Ngô Tất Tố (1894-1954), con một nhà nho nghèo làng Lộc Hà , huyện Từ Sơn là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu Hán học. Lớn lên trong lúc Nho học suy tàn, Ngô Tất Tố đã “ bỏ bút lông, cầm bút sắt”, viết báo , viết văn. Sáng tác văn xuôi của ông là các tiểu thuyết “ Lều chỏng”, “ Việc Làng “ , phóng sự “ Việc Làng”. Các sách nghiên cứu lịch sử và văn hóa là: “ Vua Hàm Nghi và việc kinh thành thất thủ”, Phê bình cuốn “Nho giáo của Trần Trọng Kim” , “ Lảo Tử” , “Mặc Tử” v.v… Các tác phẩm sau Cách Mạng tháng 8 là vở chèo Bùi Thị Phát , các bút ký Phiên Chợ Trung Du , Quà Tết Bộ Đội ….Ngô Tất Tố còn là một nhà chính luận xuất sắc, có uy tín, mang tư tưởng dân tộc - quốc gia và xã hội cấp tiến.
(Phần II : lạm bàn phát triển tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp theo)



 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855162 visitors (2217852 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free