TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Di sản sông Mekong
 
Lên mạng ngày 3/10/2010

DI SẢN SAU NỬA THẾ KỶ[1] TRÊN SÔNG MEKONG.



            Ngày 22 tháng 9, Chính phủ Lào đã công bố chính thức về việc xây dựng đập thuỷ điện tại tỉnh Xayaboury, nằm cách hạ lưu cố đô Luang Prabang 150 km. Đây là đập thuỷ điện đầu tiên trên dòng chính của sông Mekong, tính từ biên giới Lào, hay có thể nói là đập thứ 6, tính từ Tây Tạng được chính thức công bố thực hiện.   Nhân dịp này chúng tôi muốn cùng quí độc giả xem lại các hoạt động "cho sự phát triển bền vững" của Uỷ hội sông Mekong như câu khẩu hiệu trên biểu tượng của tổ chức quốc tế này.
                                                                                                           
Di sản sau nửa thế kỷ:
            Có hai vấn đề thường bị hiểu lầm mà chúng tôi muốn xác định lại khi viết loạt bài về sông Mekong: -sông mekong là một thể thống nhất gồm có lưu vực, dòng chảy và hệ sinh vật sống trong đó, trải qua 6 nước Trung Quốc, Miến điện, Lào, Thái Lan, Cambodia đến Việt nam; -chia sẻ không bao giờ có nghĩa là chia cắt, sinh thái cũng như sinh kế của toàn bộ dân cư trên 6 nước trong lưu vực chỉ là một.
            Uỷ Ban sông Mekong được thành lập từ năm 1957 đến năm 1995, sau khi Hiệp định sông Mekong được ký kết, đổi tên thành Uỷ Hội sông Mekong(UHMK), với 4 thành viên là các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái lan; sau này Myanma và Trung Quốc tham gia với vai trò đối tác đối thoại.
            Uỷ ban sông Mekong hoạt động với bốn mục tiêu chính:- Đẩy mạnh hỗ trợ và hợp tác và phát triển bền vững, xoá đói giảm nghèo; -Đẩy mạnh hợp tác cấp vùng một cách hiệu quả; -Tăng cường năng lực lưu vực trong hoạt động quan trắc và đánh giá tác động; -Tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước tổng hợp và hiểu biết cho các quốc gia thành viên.
            Qua 15 năm hoạt động các mục tiêu trên có đạt được hay không? "Báo cáo hiện trạng lưu vực năm 2010" cho chúng ta một cái nhìn từ chính trong nội bộ bộ máy của UHMK. So sánh với số liệu trong "Báo cáo hiện trạng năm 2003", báo cáo năm nay cho thấy dân số khu vực đã tăng 8%, mức sống có cải thiện nhưng nông thôn vẫn bị xếp hạng đói nghèo; chỉ số phát triển con người(HDI) còn thấp hay hơn một ít so với HDI trung bình của châu Á, còn kém xa các nước phát triển. Báo cáo xác nhận: hàng triệu người dân sẽ đặc biệt bị tổn thương nếu con sông và hệ thống sinh thái bị suy thoái; nông nghiệp là ngành nghề phổ biến của người dân. Về tình hình đói nghèo Lào và Campuchia vẫn còn nằm trong nhóm nước nghèo nhất thế giới. Về nông nghiệp, sản lượng lương thực dự đoán tăng nhiều hơn mức tăng dân số trong 20 năm tới. Chất lượng rừng bị suy thoái, rừng nguyên sinh thành rừng tái sinh; nếu không có biện pháp tích cực, đến năm 2020, diện tích rừng bị mất thêm tại Campuchia là 2,7 triệu ha, Lào 1,1 triệu ha và Thái Lan 800 ngàn ha. Cháy rừng cũng trở thành vấn đề ảnh hưởng sinh thái khu vực trầm trọng trong điều kiện biến đổi khí hậu.
            Sau những kết quả trên, thì tại Vientiane vào cuối tháng 7 năm 2010, một kế hoạch phát triển lưu vực, trong đó việc phát triển tổng cộng 19 đập thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong là xương sống của kế hoạch được bàn thảo để thực hiện. Trong khi các khoa học chuyên về sông nước cho rằng chỉ cần một đập thuỷ điện trên dòng chính là đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bền vững của dòng sông.
            Như vậy, di sản sau nửa thế kỷ của Uỷ hội sông Mekong là 66% chiều dài dòng sông bị chia cắt thành những hồ đập phục vụ cho tham vọng của từng quốc gia, là kết quả rất hạn chế, hay có thể nói là không đạt được trong việc thực hiện bốn mục tiêu chính cho sự tồn tại của UHMK. Thật chua chát khi nhìn thấy khẩu hiệu "vì sự Phát triển bền vững" trên logo của MRC(UHMK).


 
Kế hoạch tương lai   
            Hiện nay, chi phí hàng năm của MRC khoảng 14 - 22 triệu USD, trong đó chi phí điều hành uỷ ban là 2- 3 triệu USD, phần còn lại chi cho các dự án nghiên cứu nói chung. Nguồn kinh phí này do các nhà tài trợ như Úc, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Đức, Phần Lan... cung cấp; một phần khác là do sự đóng góp của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, với "di sản sau nửa thế kỷ" như trên, không đạt bất cứ một mục tiêu nào từng đề ra, thì trong cuộc họp mới đây vào ngày 20 tháng 9 năm 2010 của Uỷ hội sông Mekong tại thủ đô PhnomPenh (Campuchia), một kế hoạch "Tái cơ cấu Uỷ Hội Sông Mekong" được trình bày. Theo kế hoạch đó, từ nay sẽ bắt đầu chuyển giao trách nhiệm của Uỷ ban sông Mekong về cho các quốc gia thành viên, mỗi quốc gia có Uỷ ban Mekong của mình, đến năm 2030 thì Uỷ Hội phải tự chủ tài chính hoàn toàn không còn phụ thuộc nguồn tài trợ nữa.
            Lý do được đưa ra là trong tương lai các nguồn tài chính sẽ suy giảm do các nhà tài trợ sẽ chuyển mục tiêu sang các khu vực ưu tiên hơn như Châu Phi, Nam Á nên cần chuyển giao công việc về cho các quốc gia đảm nhiệm và và gánh vác luôn tài chính. Hay nói cách khác, sau nửa thế kỷ tài trợ cho một tổ chức được lập ra để bảo vệ dòng sông, đến nay, dòng sông đó sắp chết nên không cần thiết tài trợ nữa. Tốt hơn nên bỏ của chạy lấy người.
            Phải chăng sau khi hoàn thành xong kế hoạch khai tử sông Mekong thì Uỷ hội sông Mekong đã không còn vai trò gì nữa nên cũng không cần thiết để tồn tại? Vì lẽ, đây là con sông quốc tế, chảy qua sáu nước ven bờ, thay vì cần có một Tổ chức chung, một tiếng nói chung của cả 6 nước để cùng bảo vệ và phát triển nó bền vững, thì người ta lại để mỗi quốc gia "tự điều chỉnh" thì rõ ràng là quá bất ổn.
            Các nhà tài trợ, phải chăng đang tính kế hoạch "bỏ của chạy lấy người"?
 
Ky Quang Vinh


[1] đề bài mượn từ trang web: http://www.mrcmekong.org/vietnamese/

Trở lại Trang Khoa học

 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 842970 visitors (2184826 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free