TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Thái lan thay đổi chánh sách lúa gạo
 
Lên mạng ngày 8/5/2011

Thái Lan Thay Đổi Chánh Sách Lúa Gạo, Còn Việt Nam?
 
Trần văn Đạt, Ph.D.
 
 
 
(IRRI photos)
 
 
Dưới áp lực cạnh tranh xuất khẩu gạo hiện nay với Việt Nam, Cambodia và Myanmar, Chính phủ Thái Lan muốn thay đổi sách lược sản xuất lúa gạo để bảo vệ người trồng lúa. Nước này sẽ giảm bớt trồng lúa cao năng do đầu tư quá lớn cho đầu vào, nông dân không có lời nhiều; nhưng họ phát triển nhiều hơn loại lúa jasmine có chất lượng cao mà giá hơn gấp hai ba lần. Ngoài ra, Thái còn có ý định khuyến cáo nông dân bỏ vụ ba vì rầy nâu phá hại ngày càng trầm trọng; kế hoạch này có thể làm giảm bớt khoảng 2 triệu tấn gạo mỗi năm. Hiện nay, giá thực phẩm thế giới như bắp và lúa mì đang tăng cao ở mức đáng lo ngại tại nhiều nước, nhưng giá lúa gạo không tăng và có khuynh hướng sụt giảm vì mức sản xuất thế giới còn tiếp tục cao và kho dựa Thái còn đầy ắp lương thực này.
 
Nói khác đi, Thái Lan dường như muốn nhường ngôi vị đệ nhứt xuất khẩu gạo thế giới cho Việt Nam.
 
Đây là một quyết định khôn ngoan của Chính Phủ Thái để bảo vệ quyền lợi nông dân. Mặc dù xuất khẩu gạo ít hơn, nhưng nông dân sẽ không mất lợi tức, trái lại còn được lợi nhiều hơn do xuất khẩu gạo chất lượng cao; trong khi dành đất đai cho các lãnh vực khác có lợi ích nhiều hơn. Malaysia đã thực hiện chính sách này từ thập niên 1990s cho cây cao su khi phải cạnh tranh với Thái Lan và Việt Nam trên thị trường xuất khẩu thế giới. Diện tích trồng cao su giảm từ 1,6 triệu hecta trong 1990 xuống 1,2 triệu hecta trong 2009 (FAO, 2011). Nước này cắt bớt diện tích trồng, nhưng cải tiến chất lượng và đặc biệt thúc đẩy công nghệ biến chế, nên họ thu được lợi tức nhiều hơn so với trước khi thực hiện cắt giảm diện tích trồng.
 
Tuy nhiên, chiến lược lúa gạo của Thái Lan đang làm cho các chuyên gia Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) lo ngại tổng sản lượng loại lương thực quan trọng thế giới sẽ bị ảnh hưởng, và giá cả có thể dao động mạnh trong tương lai; gây bất lợi cho giới tiêu thụ tại các nước đang phát triển nhập khẩu.
 
Đến nay, thế giới chưa có nước nào nhờ nông nghiệp để phát triển xứ sở mau lẹ, trái lại nước có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp càng nhiều càng chậm tiến! Đó là sự kiện hiển nhiên! Vì vậy, mọi nước đều có chương trình bao cấp cho ngành nông nghiệp nhiều hay ít tùy theo khả năng nước giàu hay nghèo, trong khi tranh thủ phát triển công nghiệp, dịch vụ, tin học, du lịch…Các nước phát triển thực hiện chương trình bao cấp nông nghiệp to lớn so với các nước đang phát triển, làm cho giá nông sản thế giới luôn giữ mức thấp có lợi cho giới tiêu thụ, nhưng gây ra tình trạng nghèo khó cho người sản xuất ở nông thôn. Năm 1974, giá gạo thế giới khoảng 750 Mỹ kim/tấn; sau đó liên tục sụt giảm, nay vẫn còn ở mức thấp khoảng $450/tấn sau 36 năm! Chính sách hỗ trợ sản xuất lúa gạo của 4 nước xuất khẩu lớn nhứt thế giới như sau:
 
Thái Lan: Hỗ trợ thu mua, tồn trữ và xuất khẩu; bảo đảm giá trần cho nông dân; và thế chấp lúa gạo.
Việt Nam: Ấn định diện tích đất trồng lúa, số lượng gạo xuất khẩu mỗi năm để đảm bảo an ninh lương thực; thu mua tồn trữ điều hòa giá cả; giá lúa tối thiểu đảm bảo nông dân lời ít nhứt 30%, nhưng chưa thực hiện đến nơi đến chốn. Hiện nay, an ninh lương thực tùy thuộc khâu tồn trữ và phân phối hơn là sản xuất.
Mỹ: Bao cấp giá sản xuất, cho vay ưu đãi xuất khẩu khi giá gạo thế giới xuống thấp, với tổng trị giá bảo trợ cao hơn giá trị thực sự sản xuất lúa trong nước này!
Ấn Độ: Hỗ trợ một phần giá cả đặc biệt cho giới tiêu thụ nghèo, luôn khuyến khích xuất khẩu loại gạo chất lượng cao Basmati, và giới hạn gạo thường (không phải Basmati) để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
 
Trong khi đó, Trung Quốc khôn ngoan hơn, mặc dù có khả năng trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhứt thế giới dễ dàng do diện tích trồng lúa quá rộng lớn; nhưng họ chủ trương sản xuất vừa đủ để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Trái lại, diện tích lúa giảm từ 37 triệu hecta năm 1976 xuống còn 30 triệu hecta năm 2009 (FAO 2011) nhờ cải tiến năng suất lúa và khẩu phần gạo giảm, trong khi dành đất đai cho phát triển đô thị hóa và công nghiệp hóa.
 
Thái Lan dù thay thế Miến Điện xuất khẩu gạo đứng hạng nhứt thế giới từ 1965, tỉ trọng nông nghiệp giảm lần. GDP nông nghiệp đóng góp vào tổng sản lượng cả nước hiện nay chỉ chiếm 10,4%. Còn các quốc gia khác, như Trung Quốc 9,6%, Philippines 13,9%, Indonesia 16,5% và Việt Nam còn 20,6% (2010). Nước Thái luôn có chính sách hỗ trợ tương đối lớn cho nông dân trồng lúa và giới xuất khẩu gạo trong nhiều năm qua, đến nỗi nhiều ngành nghề khác trong nước ganh tị cho rằng Chính Phủ Thái bảo đảm giá trần lúa gạo quá cao do mục đích chính trị.
 
Trong thập niên qua, Thái xuất khẩu loại gạo chất lượng cao tăng hơn 30% nhờ giá thành thấp và giá gạo cao, do đầu tư thấp: ít sử dụng phân hóa học, không thuốc sát trùng và không cần tưới tiêu. Cho nên, nông dân thu được lợi tức nhiều hơn, cộng thêm hỗ trợ giá cả của chính phủ. Riêng Việt Nam, lúa xuất khẩu hiện nay từ các giống lúa cao năng cần sử dụng nhiều chất hóa học, tưới tiêu với giá thành rất cao, chất lượng kém; nên nông dân thu lợi tức rất ít. Đó là chưa kể đến giới trung gian, thương lái thao túng thị trường, chèn ép nông dân.
 
Một khi Thái Lan thực thi sách lược lúa gao mới nêu trên, Việt Nam không cần tăng gia đất trồng trọt, không cần đầu tư thêm vẫn có thể thay thế nước này ở ngôi vị hàng đầu xuất khẩu gạo thế giới.
 
Đây là một vấn đề đáng mừng cho Việt Nam? Ông Nguyễn Văn Bộ, Giám Đốc Viện Khoa Học Nông Nghiệp Việt Nam, Hà Nội trả lời phỏng vấn báo Businessweek: “Cá nhân tôi không nghĩ Việt Nam cần ngôi vị hạng nhứt xuất khẩu gạo, vì xuất khẩu nhiều, Việt Nam phải khai thác nhiều đất đai, dùng nhiều phân bón; điều này làm cho tài nguyên thiên nhiên bị xuống cấp.” Đây là một ý kiến đứng đắn đối với kỹ nghệ lúa gạo Việt Nam.
 
Hơn nữa, Việt Nam cần phải giảm bớt nhiều đất trồng lúa để dành đất đai cho đô thị hóa, công nghiệp hóa và các ngành nghề khác có lợi ích nhiều hơn, nếu Nhà Nước không thể trợ cấp nông nghiệp đầy đủ. Ngoài ra, cần nỗ lực nhiều trong những chính sách, quy hoạch và thực hiện hữu hiệu để cải thiện phúc lợi nông dân và nông thôn theo yêu cầu Nghị Quyết 26 Tam Nông, hơn là có khuynh hướng theo đuổi danh tiếng hảo bên ngoài - xuất khẩu gạo hạng nhì hạng nhứt thế giới chẳng hạn. Bài học hết sức thực tế trong những năm gần đây về chủ trương tăng trưởng GDP hàng măm cao 7-8% để có tiếng thơm trong vùng; đó là một trong những lý do chủ yếu gây ra lạm phát trầm trọng trong nước hiện nay. Lực bất tòng tâm!
 
                                                                                                            Trần văn Đạt, Ph.D.
 
 
Tài liệu tham khảo:
 
1)      Alan Bjerga and Supunnabul Suwannakij. 2011. Why Thai rice production may decline. Businessweek (www.businessweek.com/magazine/content/)
2)      FAOSTAT. 2011. (www.fao.org)
3)      Strategic Sourceror. 2011. Thailand’s plans to curb rice supply could send prices soaring 13-04-2011). (www.strategicsourceror.com/2011/04/)
4)      Thaweeporn Kummetha. 2011. Flooding no effect on Thai rice output. English news on 25-02-2011 (www.news.xinhuanet.com/english2010/indepth/2011-02/25/c)
5)      Thai rice exporters (4-2011):  
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 852164 visitors (2210284 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free