TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Lịch sử trồng lúa VN -4
 
Lên mạng ngày 4/9/2010

LỊCH SỬ TRỒNG LÚA VIỆT NAM
Bài 4. Thời Pháp Thuộc: Trồng Lúa Cải Tiến (1885-1954)

Trần Văn Đạt, PhD

1.   MỞ ĐẦU
Những cố gắng tăng gia sản xuất lúa gạo Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc chủ yếu nhằm phục vụ quyền lợi của người Pháp và các cộng sự viên của họ, trong lúc đa số quần chúng nông thôn vẫn phải làm việc vất vả và nghèo khó. Ở Miền Nam, người Pháp khuyến khích công tác khẩn hoang với các biện pháp hỗ trợ nhà nước đô hộ, như cho vay với lãi suất nhẹ, miễn thuế, cấp quyền sở hữu ruộng đất sớm; nhằm tăng gia sản xuất lúa gạo để xuất khẩu. Chương trình này đã đạt được thành quả lớn, diện tích và sản lượng lúa tăng gia đáng kể; nhưng phần lớn đất đai khai khẩn rơi vào tay giới quyền lực và giàu có. Ở Miền Bắc, dân cư đông đảo nhưng đất đai hạn hẹp nên những nỗ lực phát triển vùng này chỉ nhằm tránh đói kém tương lai. Do đó, xã hội bấy giờ xuất hiện những tầng lớp giai cấp rõ rệt như: đại phú nông, trung nông, tiểu nông và tá điền nghèo khó bị bốc lột.
Ngay từ buổi đầu, người Pháp đưa ý niệm khoa học và kỹ thuật vào ứng dụng trong các sinh hoạt hàng ngày của đất nước. Riêng nông nghiệp, họ thành lập ngành khảo cứu để cải tiến hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung lúa gạo nói riêng, và giới thiệu lần đầu tiên các kỹ thuật tân tiến như phân hóa học, thuốc sát trùng sát khuẩn, thuốc diệt cỏ, giống cải tiến, nông cơ, nông cụ, phương pháp phân tích khoa học... vào xã hội Việt Nam để tăng gia sản xuất và nâng cao năng suất lúa còn quá thấp. Trong gần một thế kỷ xâm lược, năng suất lúa tăng nhanh gần gấp đôi so với thời gian 9 thế kỷ Độc Lập trước đó, từ 1,2 t/ha lúc Pháp tấn công thành Gia Định năm 1859 tăng lên gần 2 t/ha vào cuối thập niên 1950.
 
2.   NGÀNH NGHIÊN CỨU LÚA GẠO VÀ GIÁO DỤC NÔNG NGHIỆP THỜI PHÁP THUỘC
Đến giữa thế kỷ XIX, nông dân Việt Nam vẫn còn canh tác theo phương pháp cổ truyền, có tính cách quãng canh, sử dụng nhiều lao động, với năng suất thấp kém; trong khi đó, kiến thức khoa học và kỹ thuật Tây phương phát triển mạnh từ thế kỷ XVIII được thế giới áp dụng vào mọi lãnh vực, gồm cả nông nghiệp.
Sau khi chiếm 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ (1862), người Pháp chú ý ngay ngành nông nghiệp. Họ ra nghị định thành lập Vườn Bách Thảo năm 1864. Năm sau thành lập Hội Nông Nghiệp và Kỹ Nghệ Nam Kỳ. Hai năm sau (1866), Hội đổi thành Hội Nghiên Cứu Đông Dương tại Sài Gòn (Société des Études Indochinoises de Saigon), chỉ nhằm cung cấp kiến thức nông nghiệp cho những người khai thác trồng trọt. Tiếp theo, một số cơ sở lần lượt ra đời tại Sài Gòn: Nha Canh Nông và Thương Mại Đông Dương (Direction de l’Agriculture et du Commerce de l’Indocnhine) (1898), Nha Canh Nông Nam Kỳ (Direction de l’Agriculture de la Cochinchine) (1899), Phòng Thí Nghiệm Phân Tích Hóa Học Nông Nghiệp và Kỹ Nghệ (Laboratoire d’analyses chimiques, agricoles et industrielles) (1898), Sở Khí Tượng (Service météorogique)… Các cơ quan này có nhiệm vụ nghiên cứu, giải quyết những vấn đề kỹ thuật cho công tác khai thác ĐBSCL. Vào năm 1927, Nam Kỳ còn có 7 Trạm thí nghiệm và 2 Trạm sản xuất giống hoạt động (Huỳnh Lứa và cộng sự viên, 1987).  
Ngoài lúa gạo, người Pháp đặc biệt quan tâm đến các loại cây công nghệ như cà phê, trà, cây có dầu và các đồng cỏ để chăn nuôi (Dumont,1995). Vài thí nghiệm về phương pháp canh tác và tuyển chọn giống lúa được thực hiện trong giai đoạn nầy (Angladette, 1966). Chẳng hạn, người Pháp nhập giống lúa Miến Điện để trồng thử vào năm 1888 tại tỉnh Mỹ Tho. Kết quả cho thấy giống lúa Miến Điện cho năng suất cao trên vùng đất cao, nhưng không thích hợp với các vùng đất thấp. Vào năm 1893, họ trồng thử một lần nữa, nhưng thất bại vì lúa giống đem về quá muộn và không được tuyển chọn kỹ lưỡng. Các chuyên gia Pháp nhận thấy du nhập lúa giống không đem đến kết quả tốt cho ĐBSCL, nên họ quyết định chú trọng nhiều hơn vào tuyển lựa giống trong nước.  
 
2.1.      Viện Khảo Cứu Nông Học: Phòng Thí Nghiệm Di Truyền và Tuyển Chọn Lúa.
Tại Miền Bắc, ba Trại Thí Nghiệm của Sở Nông Nghiệp Hà Nội được thành lập vào 1904 ở Phú Thy (tỉnh Hưng Yên) cho vùng Châu Thổ và tại Thanh Ba và La Phổ (tỉnh Phú Thọ) cho vùng Trung du để nhằm phục vụ xuất khẩu các cây kỹ nghệ (Dumont, 1995). Ở miền Nam có Trại thí nghiệm cây ăn trái ở Bàu Cá, cây thuốc lá ở Hớn Quản và cây cao su ở Xã Trạch (Capus, 1918). Tuy nhiên, công tác nghiên cứu còn rải rác thiếu sự điều hợp. Cho nên, Viện Khoa Học Đông Dương được thành lập tại Sài Gòn và sau đó trở thành Viện Khảo Cứu Nông Học vào năm 1919, trong đó có Phòng Thí Nghiệm Di Truyền và Tuyển Chọn Lúa. Vào 1924, Viện trở thành Viện Khảo Cứu Nông Học và Lâm Nghiệp Đông Dương (Dumont, 1995) đặt trực thuộc Tổng Thanh Tra Nông Lâm Súc, gồm có phòng thí nghiệm hóa học, côn trùng học, vi khuẩn học, di truyền học, thực vật bệnh học, kỹ thuật lâm học….. Viện này được tiếp tục hoạt động cho đến khi thực dân chấm dứt. Sau đó, Viện đổi tên Viên Khảo Cứu Nông Nghiệp cho đến năm 1975 và hiện nay là Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Miền Nam.  
Tầm quan trọng của lúa gạo được thực dân đánh giá cao. Ngoài phục vụ độ 10 triệu dân trong nước vào đầu thế kỷ XX, ngành sản xuất lúa gạo còn mang đến nguồn lợi quan trọng cho người cai trị qua xuất khẩu lúa, gạo và phó sản. Tuy nhiên, chất lượng lúa gạo xuất khẩu Việt Nam rất kém so với gạo Thái Lan và Miến Điện, làm hạ thấp giá cả và giới xuất khẩu mất lợi tức đáng kể. Do tầm quan trọng đó, Phòng Thí Nghiệm Tuyển Chọn Hạt Giống Lúa được thành lập ở Sài gòn vào năm 1909 và sau đó thay đổi liên tục để trở thành Phòng Thí Nghiệm Di Truyền và Tuyển Chọn Giống Lúa vào năm 1912, nhằm cải tiến chất lượng lúa gạo qua:
(1)   tuyển chọn cơ học như quạt lúa, sàng lọc và máy phân loại theo tỷ trọng;
(2)   Tuyển chọn theo gia phả;
(3)   Thí nghiệm thích ứng địa phương; và
(4)   Lai tạo giống.
 
2.2.      Trung Tâm Thí Nghiệm Lúa Cần Thơ
Phòng Thí Nghiệm Di Truyền thu thập khoảng 800 giống lúa (Carle, 1927) để tuyển chọn hạt giống theo cơ giới cho đến năm 1915 và tuyển chọn giống lúa bằng “dòng thuần” bắt đầu năm 1916, sau khi một Trung Tâm Thí Nghiệm Lúa được thành lập đầu tiên ở tỉnh Cần Thơ vào năm 1913. Năm 1917, cuộc tạo giống đầu tiên giữa giống lúa du nhập từ Java, Indonesia tên “Caroline” (được du nhập từ Mỹ) với giống lúa địa phương “Tàu Hương” (Carle, 1927). Trung Tâm Lúa Cần Thơ có 20 ha và sau tăng lên 44 ha, dưới sự điều khiển của Kỹ sư Nông vụ Trần Văn Hữu, người Việt Nam đầu tiên làm thí nghiệm lúa chính thức trong nước. Mỗi năm Trung tâm này cung cấp từ 60 đến 80 tấn lúa giống tốt cho các tỉnh để trồng xuất khẩu. Năm 1923, các trại lúa khác, nhỏ hơn từ 10-15 ha, còn gọi là Trại lúa, được thành lập tai một số tỉnh trồng lúa quan trọng như Bạc Liêu, Sóc Trăng (Bãi Xàu), Vĩnh Long, Mỹ Tho (Cai Lậy), Trà Vinh và Gò Công để phục vụ và hỗ trợ kỹ thuật cho các vùng địa phương (Trần Văn Hữu, 1927). 
Sau thời thực dân, Trung tâm lúa này trở thành Trại Thí Nghịệm Lúa Cần Thơ với 2 ha đất để thử nghiệm các giống lúa cấy 2 lần. Trại Thí Nghiệm Lúa Cần Thơ là một trong 7 Trại thí nghiệm lúa nằm rải rác khắp Miền Nam, như Huế, Phú Yên, Ninh Thuận, Long An (đất phèn), Long Xuyên (Bình Đức cho lúa nổi) và Bãi Xàu (đất mặn); và Trung Tâm Thí Nghiệm Lúa Long Định trực thuộc Sở Lúa Gạo cho đến năm 1973 và Viện Khảo Cứu Nông Nghiệp cho đến năm 1975. 
 
2.3.      Cục Túc Mễ Đông Dương
Vào năm 1923, Phòng Di Truyền của Viện Khảo Cứu và Trung Tâm Thí Nghiệm Lúa Cần Thơ trở thành hai cơ quan chính thức để nghiên cứu lúa gạo cho toàn cõi Đông Dương, gồm có Nam Kỳ (Nam bộ), An-nam (Trung bộ), Bắc Kỳ (Bắc bộ), Cam-Bốt và Lào cho đến khi Cục Túc Mễ Đông Dương (L’Office indochinois du riz), một cơ quan tự trị, được chính thức thành lập vào năm 1930. Mục đích của Cục Túc Mễ Đông Dương là “cải thiện canh tác, xay chà và thương mãi lúa gạo” của vùng. Cục này được điều hành bởi một Hội Đồng Quản Trị gồm 8 hội viên do Toàn Quyền bổ nhiệm, đặt dưới quyền của Tổng Thanh Tra Nông Lâm Súc trong chức vụ Chủ Tịch và một Phó Chủ Tịch do Toàn Quyền chỉ định. Ngân sách của Cục một phần từ nhà nước và một phần từ thuế lúa gạo (Phạm Cao Dương, 1967). Cục này gồm có hai bộ phận: một bộ phận ở Miền Nam Đông Dương tại Sài Gòn, có phòng thí nghiệm hóa học và nông học. Bộ phận này đặc trách Nam Việt, Miên và Lào. Bộ phận thứ hai thuộc An Nam có văn phòng tại Huế đặc trách lúa gạo ở miền Trung và Bắc. Những phòng thí nghiệm của Cục sau này trở thành Nha và Sở. Sau vài năm, Cục Túc Mễ có thêm Phòng Thủy Nông (Dumont, 1995). 
Sau khi chế độ thực dân bị xóa, Cục được đổi tên Sở Túc Mễ và cuối cùng Sở Lúa Gạo gồm có ba phòng: Kỹ thuật, Sản xuấtHạt giống với khoảng 200 nhân viên tai trung ương và các Ty Nông Nghiệp địa phương. Sở này trực thuộc Bộ Cải Cách Điền Địa và Canh Nông Miền Nam có nhiệm vụ khảo cứu và tăng gia sản xuất lúa gạo của Miền này cho đến năm 1975. Tại mỗi Ty Nông Nghiệp tỉnh ở miền Nam, có một tổ 2-3 nhân viên cấp Kiểm Sự và Huấn Sự đặc trách phát triển lúa gạo trong tỉnh.  
 
2.4.      Các Trường Nông Lâm
Nền giáo dục nông lâm chỉ bắt đầu trong thời Pháp thuộc. Bên cạnh các phòng, viện và cục nghiên cứu và sản xuất, người Pháp đã thiết lập các trường nông lâm để đào tạo chuyên viên phục vụ nhà nước cai trị và các ngành khảo cứu để tăng gia sản xuất trong nước (Phạm Cao Dương, 1967):
- Trường Thú Y Hà Nội được thành lập năm 1906 và được xem như một ban của Trường Y Khoa Bắc Kỳ. Đến năm 1910 được đổi thành trường riêng biệt và năm 1917 được cải tổ thành Trường Thú Y Đông Dương.
- Trường Cao Đẳng Nông Lâm Hà Nội được thành lập năm 1918, với thời gian học 2 năm rưỡi và một khóa thực hành 9 tháng tại các sở nông lâm hay các đồn điền tư nhân.
- Trường Canh Nông Thực Hành Tuyên Quang được thành lập năm 1918 nhằm đào tạo các nhà trồng trọt bản xứ hoặc phụ giúp các chuyên viên châu Âu. 
            - Trường Nông Lâm Thực Hành Bến Cát được thành lập từ 1917 có mục tiêu như trường Tuyên Quang, nhưng ít người theo học vì khó tìm việc làm. Năm 1926 trường được đổi thành Trại Nông Nghiệp dành đào tạo những giám thị canh tác cho đồn điền.
 
3.   CƠ CẤU XÃ HỘI CỦA NGÀNH TRỒNG LÚA
Trước thời thực dân Pháp, xã hội nông thôn Việt Nam có truyền thống lâu đời và được tổ chức chặt chẽ với những tập tục, hội hè địa phương, đặc biệt nhằm tương trợ, giúp đỡ nhau khi hữu sự. Đến ngày nay, một số tập tục này còn tồn tại ở nhiều nơi trong nước. Trong ngành trồng lúa, nông dân thường có thông lệ hỗ trợ lẫn nhau như cho mượn nhân công trong các hoạt động cấy lúa, làm cỏ và gặt lúa.
Trong thời Pháp thuộc, ruộng đất gồm có hai loại: tư điền do nông dân làm chủ, có thể phân chia trong gia đình và công điền dành để giúp đỡ thành phần nghèo hoặc tái phân chia để giải quyết một phần dân số gia tăng nhanh, giúp công việc xã hội, văn hóa (đình, miểu, chùa,...) và đặc biệt bảo đảm việc thu thuế của xã ấp (Dumont, 1995). Cho nên, tổ chức xã hội nông thôn Việt Nam tương đối ít bất công so với một số nước ở Nam Á như Ấn Độ, nơi các từng lớp xã hội quá cách biệt và ảnh hưởng tôn giáo quá mạnh. Mỗi xã ở miền Nam có viên Thủ khoản chịu trách nhiệm về ruộng nương và giữ gìn công điền.
Tuy nhiên, tình trạng phân chia ruộng đất ngày càng tồi tệ hơn. Ruộng đất được tập trung vào một số người có quyền lực, giàu có hoặc thân cận với người cai trị. Các công điền lần lượt bị người có quyền thế chiếm hữu. Riêng người Pháp chiếm những mảnh đất trù phú hoặc các công điền, công thổ. Năm 1890, họ khai thác 11.390 ha trên toàn cõi Đông Dương. Đến năm 1939, diện tích này lên đến một triệu hecta, trong đó 610.000 ha ở Nam Kỳ (Phạm văn Sơn, 1960).
Giai cấp xã hội ngày càng cách biệt, đặc biệt ở miền Nam. Gần phân nửa diện tích trồng lúa của nước ở vào tay của một thiểu số người, trong khi đại đa số nông dân là tiểu nông có ít ruộng đất hoặc không có. Đa số ruộng đất thường cho mướn bằng lúa hoặc tiền mặt từ 1/3 đến phân nửa giá trị vụ lúa thu hoạch bình thường. Ở An Nam, người ta thường chia đều vụ mùa: phân nửa cho chủ điền và phân nửa cho người mướn. Nông dân cũng thường vay tiền để làm mùa, với lãi suất bình quân 3-5% mỗi tháng và có khi lên đến 10% mỗi tháng (King, 1977).
 
3.1.            Miền Bắc Việt Nam
Vào năm 1930, vấn đề tăng dân số Miền Bắc với mức độ 3,8% mỗi năm được các giới quan sát đặc biệt lưu ý. Người ta tiên đoán rằng với mức độ gia tăng này, Miền này có thể gặp nạn đói trong vòng 25 năm tới, nhưng điều này không xảy ra cho toàn vùng nhờ vào bản tính cần cù và năng động của dân tộc trong nỗ lực tăng gia sản xuất lương thực. Tuy nhiên, vào năm 1929, dân số tỉnh Nghệ An tăng nhanh nên có nạn đói kém làm khoảng 500 người chết (Dumont, 1995). Sau đó, do chiến tranh, nạn đói lịch sử năm 1945 đã làm thiệt mạng độ 2 triệu người.
Trong cuộc kiểm tra vào thập niên 1930 (Gourou, 1955), khoảng 91% nông dân canh tác dưới 1,8 ha, chiếm 37% tổng diện tích ruộng và 9% nông dân độc chiếm 43% đất ruộng. Độ 61,5% nông dân không có ruộng đất. Thành phần nông dân có thể được phân ra làm 3 loại: Bần cố nông (tiểu nông) có dưới 5 mẫu (hay >1,8 ha), canh tác trên 40% diện tích đất ruộng. Theo Dumont (1995), thành phần Trung nông (5-50 mẫu hay 1,8-18 ha) và Phú nông (50-100 mẫu hay 18-36 ha) chiếm độ 40% đất ruộng. Số ruộng còn lại 20% là công điền. Dĩ nhiên có những thành phần trung gian giữa các loại này. Những ruộng đất rộng lớn thường ở ngoài biên của đồng bằng sông Hồng, trong tỉnh Vĩnh Yên và nhất là Bắc Giang. 
Bần cố nông: đa sốnghèo, chỉ có vài sào ruộng, cày, bừa và các dụng cụ làm ruộng. Họ dùng tất cả sức người trong gia đình để canh tác lúa: từ gieo mạ, cày cấy cho đến thu hoạch và tồn trữ. Ngoài vụ mùa, họ phải đi ra thành phố hoặc các nơi khác tìm việc làm để nuôi gia đình
 
Trung nông có đời sống tương đối khá hơn, có trâu hoặc bò để giúp canh tác. Họ dùng trâu bò cho canh tác của họ trong một thời gian ngắn. Thời gian còn lại họ cho mướn hoặc đi cày bừa mướn cho những nông dân khác. Họ không dư nhiều lúa gạo, nếu gặp năm thất mùa, họ phải đi vay mượn hoặc đi xa để làm việc kiếm tiền. Hai thành phần nông dân trên không bị thu lúa ruộng sau khi thu hoạch.
 
Phú nông và gia đình họ có đời sống sung túc. Họ có khoảng từ 50 đến 100 mẫu (hoặc >36 ha) và không còn làm việc bằng chân tay nữa. Họ có vài cặp trâu bò và thường chỉ làm một phần ruộng đất tốt cho mình, nhất là vụ tháng 10, đất còn lại cho mướn vụ tháng 5. Họ là loại nông dân có đầu óc tiến bộ, biết nhiều kỹ thuật cải thiện, là thành phần có quyền cao, chức trọng trong xã hội, chẳng hạn như Hội Đồng, Cai Tổng,...; cho nên ruộng đất ngày càng rộng lớn hơn. 
 
Tá điền là người mướn ruộng hoặc làm mướn cho chủ điền vì họ không có ruộng đất. Thành phần này thường bị chủ điền bóc lột nhiều nhất. Những người mướn ruộng phải trả bằng lúa vừa thu hoạch hoặc bằng tiền, chủ điền trả thuế điền thổ cho chính quyền địa phương. Ở những vùng đất kém màu mỡ, tá điền phải trả bằng tiền vì chủ điền không muốn có rủi ro, thiệt hại cho mình. Người tá điền được cung cấp dụng cụ canh tác, hạt giống, phân và làm đất. Nếu chủ điền cấp tiền để canh tác, họ sẽ làm hợp đồng và tá điền phải trả thêm tiền lời (Dumont, 1995).
 
Ngoài ra, còn có hình thức chia thóc giữa người mướn và chủ ruộng do sự đồng thuận giữa hai thành phần này qua một hợp đồng. Thể thức này lúc đầu rất hiếm, nhưng bành trướng về sau. Người nông dân hợp đồng có phương tiện canh tác, còn chủ điền cung cấp đất. Trong phương thức này, chủ điền thường muốn tham gia thu hoạch (Hình 1). Các mô hình xã hội liên hệ đến canh tác lúa nêu trên kéo dài đến khi chế độ thực dân chấm dứt.
 
Chương trình cải cách ruộng đất tại miền Bắc bắt đầu vào tháng 7-1949 và tháng 8-1955. Độ 120.000 ha ruộng của thực dân Pháp, thành phần trung và đại phú nông đem phân chia cho các gia đình nghèo và giới lao động (Angladette, 1966). Cuộc cải cách ruộng đất đặc biệt hơn hết xảy ra từ 1953 đến 1956 với những biện pháp mạnh mẽ, sau đó có chiến dịch sửa sai 1956-57 đã tái phân chia ruộng đất công bằng hơn và không còn thành phần đại điền chủ. Năm 1958, hợp tác xã hóa quyền sở hữu của các đất ruộng (King,1977). Chương trình này làm giảm bớt chế độ cho mướn ruộng trên một triệu mẫu đất. Không cần nói thêm, cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc tương đối thành công san bằng giai cấp xã hội nông thôn, nhưng các biện pháp áp dụng trái với lòng dân, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
 
Hình 1: Sân phơi lúa của một phú nông ở Bắc Ninh, 1929
(Dumont, 1995)
 
Ngoài ra, nhà nước còn tổ chức các hợp tác xã; khuyến khích nông dân làm việc tập thể; và cung cấp các phương tiện canh tác, tín dụng, hạt giống, trâu bò, và dụng cụ nông nghiệp để thực hiện vụ mùa; nhưng tình trạng sản xuất lúa không cải thiện nhiều, nếu không nói thục lùi (Dumont, 1995). 
 
3.2.            Miền Nam Việt Nam
Vào 1930s, các giai cấp nông dân cũng giống như Miền Bắc, nhưng khoảng cách giữa các giai cấp lớn hơn. Tiểu nông thường có dưới hai hecta (1,87 ha) đại diện 71,7% nông dân, chỉ canh tác trên 15% diện tích đất trồng. Thành phần Trung nông (5-50 ha) và Phú nông hay Đại điền chủ (trên 50 ha) chiếm 82% đất trồng, và số đất còn lại là công điền (Angladette, 1966). Ở châu thổ sông Cửu Long, ruộng đất tập trung vào tay các đại điền chủ rất lớn. Vào 1945, chỉ 2,5% nông dân là chủ điền, với trên 50 ha, chiếm phân nửa diện tích canh tác, trong khi 70% người làm chủ ruộng dưới 5 ha chiếm chỉ 12% diện tích đất. Hai phần ba nông dân là người không có ruộng đất (King, 1977). 
Có nhiều Phú nông có ruộng hàng ngàn mẫu - “ruộng cò bay thẳng cánh” ở các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau..., nhưng ít khi họ dùng kỹ thuật canh tác cải tiến. Những đại điền chủ có hàng chục lẫm lúa mà mỗi lẫm là một dãy nhà ngói liên tiếp, rộng 4-5m, dài từ vài chục đến hàng trăm thước. Ruộng đất của hai thành phần sau này hoặc do họ tự canh tác, hoặc cho người khác mướn hoặc họ mướn người đại diện hay quản lý để lo tổ chức việc canh tác, thu lúa ruộng cho chủ điền. 
Giới tiểu nông có những đặc tính như sau:
1)  Đất đai nhỏ, dưới một hecta hoặc không có đất đai phải đi mướn đất để làm ruộng. Đất ruộng này ngày càng nhỏ hẹp do tục lệ phân chia gia tài cho con cháu trong gia đình;
2)  Không có đủ vốn liếng để canh tác, nhất là mua phân hóa học, thuốc sát trùng, cấy lúa, gặt lúa, v.v., nên phải vay mượn trước mùa lúa với lãi suất cao. Nhiều nông dân phải bán “lúa non” để thanh toán nợ hoặc bán dần sau khi thu hoạch để đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong gia đình;
3)  Những tá điền còn phải cung cấp những dịch vụ miễn phí cho các chủ điền;
4) Do đó, họ là những thành phần nghèo hoặc vừa đủ ăn. Trong những năm thất mùa, đời sống gia đình họ càng vất vả thêm. Nhiều khi họ phải rời quê hương để đi làm ăn xa. Ở những nơi đất phèn mặn hoặc chỉ trồng lúa một mùa mỗi năm, đời sống gia đình họ càng cơ cực.
 
Tá điền: Tá điền là những nông dân không có ruộng đất hoặc có rất ít đất ruộng để đủ nuôi gia đình, nên họ mướn ruộng đất từ chủ điền lớn mà đa số không tự canh tác. Mỗi tá điền ít khi mướn trên 5 ha, vì vậy mỗi chủ điền có rất nhiều tá điền, có khi lên đến cả trăm hoặc ngàn để phục vụ cho họ và gia đình. Sau mỗi vụ mùa, tá điền phải trả cho chủ điền lúa hoặc tiền, tùy theo từng loại ruộng màu mỡ hoặc xấu: từ 5-10 giạ lúa (20 kg/giạ) cho ruộng xấu đến 40- 50 giạ lúa mỗi ha cho ruộng tốt. Tá điền ở miền Đông phải trả tiền mướn tương đương 40-50 gịa cho ruộng có trung bình 100 giạ, trong khi tá điền ở miền Tây chỉ trả 30-40 giạ cho ruộng sản xuất từ 120 đến 150 giạ (Trần Văn Hữu, 1927). Chủ điền thường bóc lột sức lao động và làm giàu nhờ tá điền. Tá điền còn vay tiền từ các chủ điền để canh tác với lãi suất rất cao.
Trong khi đó, tại vài quốc gia lân bang cũng trải qua tình trạng gần giống như Việt Nam. Tại đảo Java, Indonesia, diện tích bình quân mỗi gia đình là 1,15 ha vào năm 1922, xuống chỉ còn 0,86 ha vào năm 1960. Ở Philippines, vào đầu thế kỷ 80% nông dân làm chủ ruộng đất, vào 1939 chỉ còn 49,2%. Vào năm 1957 diện tích bình quân mỗi gia đình là 1,9 ha (Angladette, 1966).
 
            Chương trình cải cách ruộng đất tại Miền Nam bắt đầu từ năm 1953, với các mục tiêu sau đây (Angladette, 1966)
Ø      Tạo phúc lợi cho những người không có ruộng đất và canh tác từ 3 năm trở lên;
Ø      Giới hạn ruộng đất cho 36 ha ở miền Bắc Trung Bộ, 45 ha Nam Trung Bộ và 100 ha ở miền Nam;
Ø      Chia đất đai cho những cựu chiến binh và gia đình đông người; và
Ø      Giới hạn tiền cho thuê ruộng là 15% số lượng lúa thu hoạch.
 
Nhưng, chương trình này không được thi hành đứng đắn, vì các thành phần thế lực ở Miền Nam nhất là chủ điền Pháp chống đối. 
 
3.3.      Miền Trung
Vào 1945, tổ chức xã hội nông thôn gần giống như Miền Bắc và Miền Nam, nhưng số người có ruộng đất chiếm đến ba phần tư đất. Chế độ điền thổ miền này tương đối công bằng hơn miền Nam và Bắc. Trong 650.000 người có ruộng đất, chỉ có 50 người có 50 ha và hơn 10 người có trên 100 ha. Những chủ ruộng có từ 5-10 ha đã là thành phần ưu đãi của xã hội trong vùng (King, 1977). Phần lớn vùng đất cao nguyên Trung phần thuộc triều đại nhà Nguyễn, được gọi là “hoàng triều cương thổ” cho đến năm 1955. Đa số đất đai miền này chưa được khai thác hết, ngoại trừ các vùng đất do người Pháp khai phá để thành lập các đồn điền cao su, trà và cà phê.
 
4.   SẢn xuất lúa gẠo thỜi pháp THUỘC
4.1.  Phát triển trồng lúa ở Đông Dương
Sản xuất lúa ở Đông Dương cũng như Việt Nam tăng gia nhanh từ thập niên 1860 - 1920, do bành trướng diện tích nhiều ở Miền Nam để xuất khẩu. Sau đó, mức gia tăng chậm hơn trong thập niên 1930 - 1960. Sản lượng lúa tăng gia phần lớn do gia tăng diện tích canh tác. Số liệu thống kê của hai thập niên đầu thế kỷ XX phần lớn báo cáo tình trạng sản xuất lúa Đông Dương mà thôi. Trong giai đoạn 1912-1921, diện tích trồng lúa Đông Dương tăng từ 3,05 triệu ha lên 4,85 triệu ha, tăng 59% (Bảng 1). Cho đến 1938, Đông Dương trồng lúa trên 6 triệu ha, tăng gần 100%, trong đó Việt Nam chiếm 80% diện tích và năng suất bình quân là 1.19 t/ha .
 
Bảng 1: Diện tích trồng lúa ở Đông Dương, 1912-1921
Năm
Diện tích (ha)
1912
3.050.000
1913
3.870.000
1914
4.227.736
1915
3.977.955
1916
4.108.700
1917
4.120.000
1918
4.116.000
1919
4.813.200
1920
4.759.669
1921
4.850.000
            Nguồn: Viện Nông Nghiệp Quốc Tế, 1912
 
4.2.      Tiến triển về diện tích và sản lượng lúa ở Việt Nam        
Diện tích trồng lúa ở Việt Nam được bành trướng mạnh mẽ, không ngừng trong thời kỳ Nam tiến kể từ thế kỷ thứ XI. Công tác khẩn hoang, phát triển hệ thống tưới tiêu, đặc biệt phát triển hệ thống kinh rạch ở ĐBSCL đã làm tăng diện tích đất trồng rất nhanh. 
Cho đến đầu thế kỷ XIX, ruộng đất trong nước chưa có thống kê chính xác. Năm 1836, vua Minh Mệnh ra lệnh cho các địa phương đo đạc ruộng và đất cả nước có 4.063.892 mẫu hoặc 1.463.000 ha (1 mẫu có 3.600 m2). Nếu lúc bấy giờ ruộng trồng lúa chiếm ít nhứt 50% tổng diện tích này, diện tích đất trồng lúa là 731.500 ha.  Riêng Nam Kỳ có hơn 630.075 mẫu hay 226.827 ha ruộng và đất (Trần Trọng Kim, 1990). 
Trong thời gian từ 1868-1873, diện tích đất trồng lúa ở Việt Nam ước lượng ít nhứt 815.000 ha[1], trong số đó Bắc Kỳ có khoảng 300.000 ha đất ruộng (Carle, 1927 và Dumont, 1995), Trung Kỳ có độ 300.000 ha và Nam Kỳ có 215.000 ha (Trần Văn Hữu, 1927).
Theo Viện Nông Nghiệp Quốc Tế (tiền thân của cơ quan FAO) (1927-45), diện tích trồng lúa từ 2,3 triệu ha trong 1912 tăng lên 4,4 triệu ha trong 1927, và cao nhất khoảng 5 triệu ha và sản lượng 6 triệu tấn lúa năm 1942 (Bảng 2); trong đó Nam Kỳ chiếm gần 50% tổng số diện tích cả nước, Bắc Kỳ 27% và An Nam (Trung Kỳ) chiếm 23%.
Nam Kỳ có nhiều tài liệu thống kê hơn, cho thấy diện tích canh tác lúa của vùng này tăng lên rất nhanh qua chương trình bành trướng và khai khẩn đất đai rất mạnh, ngay cả trong thập niên 1990. Vào năm 1868, diện tích chỉ 215.000 ha, nhưng năm 1890 tăng lên 854.000 ha, 1900 tăng 1.174.000 ha, năm 1924 tăng 1.975.000 ha (Trần Văn Hữu, 1927) và năm 1944 tăng 2.245.000 ha (Bảng 3). Trong thời gian 76 năm, diện tích đã tăng gia nhanh chóng gần 10 lần nhiều hơn, hoặc 12% mỗi năm.
      Ở Bắc Kỳ, diện tích đất ruộng khoảng 200.000-300.000 ha năm 1873 (Carle, 1927 và Dumont, 1995). Diện tích trồng lúa của vùng này tăng lên 1.340.000 ha năm 1927, và cao nhất là 1.504.000 ha năm 1942 trong thời kỳ thực dân (Viện Nông Nghiệp Quốc Tế, 1927-45). 
An Nam (Trung Kỳ), diện tích trồng lúa cũng tăng ít thôi, từ 977.000 ha năm 1927 lên cao nhất 1.190.000 ha năm 1944 (Viện Nông Nghiệp Quốc Tế, 1927-45).
 
4.3.      Tiến triển về năng suất lúa 
Năng suất bình quân cả nước đã tăng gia chậm chạp, khoảng 1,2 t/ha vào cuối thời kỳ Độc Lập. Điều này cho thấy rằng trình độ nông dân và kỹ thuật trồng lúa không tiến bộ nhiều lắm suốt thời kỳ này. Phân hóa học chưa được sử dụng và điều kiện trồng trọt còn bị khống chế rất nhiều bởi khí hậu bất định hàng năm. Người dân biết cày bừa làm đất kỹ lưỡng, điều chỉnh mực nước qua dẫn thoát nước ở nơi nào có thể làm được, trao đổi hạt giống tốt với nhau, sử dụng phân lân và phân hữu cơ, nhất là ở miền Bắc và Trung. Trong thời Pháp Thuộc, nhờ cải tiến giống lúa và kỹ thuật canh tác, năng suất lúa tăng nhanh hơn, chỉ gần 100 năm từ thập niên 1860 đến cuối thập niên 1950, năng suất bình quân tăng từ 1,2 lên gần 2,0 t/ha lúa, trong khi nông dân biết dùng phân hóa học, thuốc sát trùng, nông cơ, nông cụ...; nhưng còn giới hạn.

           Đầu thế kỷ XX, Miền Bắc dẫn đầu về năng suất với độ 1,4 t/ha, do phát triển hệ thống tưới tiêu, sử dụng phân hữu cơ, phân lân thiên nhiên và nhiều sức lao động. Chiều hướng này vẫn còn tiếp tục đến gần đây. Tuy nhiên, năng suất lúa của Miền Bắc còn kém hơn năng suất lúa của Trung Quốc (1,45 t/ha) vào thế kỷ thứ XIII. Tại sao? Có thể đó là do năng suất cao của lúa Japonica trồng ở miền Bắc Trung Quốc (chiếm độ 30% tổng diện tích lúa), làm ảnh hưởng đến năng suất bình quân xứ này.    
          Từ đầu thập niên 1960, nông dân bắt đầu dùng phân hóa học nhiều hơn, nhất là phân lân, phân bồ-tạt và các giống lúa tuyển chọn cải tiến. Do đó, sản lượng lúa tăng gia nhiều, trung bình cả nước sản xuất khoảng 9 triệu tấn mỗi năm (Bảng 2). Vì dân số gia tăng và tình trạng chiến tranh, Việt Nam và ngay cả Miền Nam phải bắt đầu nhập khẩu gạo để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ.
Bảng 2: Diện tích, năng suất và sản lượng lúa trong thời tiền Cách Mạng Xanh ở Việt Nam, 1868-1969
 
Năm
 
 
Diện tích
(x1000 ha)
 
Năng suất
(t/ha)
 
Sản lượng
(x1000 tấn)
1868-1873 a/
>815
1,2
-
1912 b/
2.300
1,2
2.760
1927 1/
4.373
1,217
5.322
1930 1/
4.698
1,009
4.741
1934 1/
4.349
1,099
4.779
1938 1/
4.783
1,247
5.964
1942 1/
4.917
1,203
5.917
1944 1/
4.862
1,053
5.122
1955 2/
4.420
1,439
6.362
1961 3/
4.744
1,897
8.997
1965 3/
4.826
1,941
9.369
1969 3/
4.930
1,788
8.815
 
Nguồn:
a/ Phỏng đoán: 300.000 ha (Bắc Kỳ) + 215.000 ha (Nam Kỳ) + 300.000 ha (An Nam)
            b/ Độ 70% diện tích trồng lúa của Đông Dương
1/Viện Nông Nghiệp Quốc Tế (International yearbook of Agricultural statistics), 1927-1941
2/ World Crop and Livestock, 1948-85, FAO
3/ FAOSTAT, 2000
 
Bảng 3: Diện tích trồng lúa ở Nam Kỳ từ 1836 đến 1924 
 
Năm
 
Diện tích (ha)
1836*
226.827 (gồm cả ruộng và đất)
1860
-
1868
   215.000
1870
   522.000
1890
   854.000
1900
1.174.000
1910
1.528.000
1920
1.939.000
1921
1.955.000
1922
1.845.000
1923
1.906.000
1924
1,975.000
Nguồn: Trần Văn Hữu, 1927
Lưu ý:  * Trần Trọng Kim, 1990
 
5.   KẾT LUẬN
Tóm lại, thực dân Pháp đã xâm lược nước ta gần một thế kỷ chỉ nhằm bóc lột nhân công rẻ tiền, xuất khẩu tài nguyên gồm cả lúa gạo để trục lợi; nhưng họ cũng đã làm được một số việc đáng chú ý, ngoài mục tiêu bình định và an ninh nông thôn (Sơn Nam, 2000 và Trần Văn Đạt, 2002):
1.      Phát triển đào vét kinh để làm dễ dàng sự thông thương, như chuyên chở lúa gạo và các sản phẩm khác về Sài Gòn ít tốn kém hơn. Họ đã thành lập  một số tỉnh mới như Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng và làm vùng này trở nên vựa lúa quan trọng của đất nước. Ở Miền Bắc, họ thực hiện các công trình tưới tiêu ở Bắc Giang, Vĩnh Yên, Thái Nguyên, Sơn Tây và Thái Bình. Ở Miền Trung, có công trình tu chỉnh đê điều ở Thanh Hóa, Nghệ An; xây đập bái Thượng, Thuận An, Đa Rang, Phan Rang và Quảng Nam. Nhờ đó, diện tích trồng lúa gia tăng đáng kể.
2.      Khai thác các vùng đất ruộng thấp với lúa sạ, nhờ chọn lựa được các giống lúa chịu đựng mực nước sâu (lúa nổi) vào đầu thế kỷ XX. Do đó, các vùng đất trũng ở Long Xuyên, Châu Đốc và Đồng Tháp Mười được khai thác trồng lúa.
3.      Lập các đồn điền cao su và cà phê ở Miền Đông Nam Phần và cao nguyên Trung Phần.
4.      Ngoài ra, họ đã mang vào Việt Nam các tiến bộ kỹ thuật, khoa học và văn hóa.  
Ngành trồng lúa được cải tiến rất nhiều vào thời đô hộ Pháp với luồng gió mới khoa học và kỹ thuật tiến bộ được áp dụng vào nông nghiệp, làm tăng năng suất lúa gần gấp đôi trong gần 100 năm; trong khi đó diện tích trồng lúa tăng gấp 5 lần, từ dưới 1 triệu lên hơn 5 triệu ha trong cùng thời gian. Sự tiến bộ này tương đối nhanh hơn thời kỳ Bắc thuộc và Độc Lập. Sau đó, ngành canh tác lúa Việt Nam mới thực sự tiến bộ nhảy vọt khi cuộc Cách Mạng Xanh xảy ra trong nước từ 1968 và thời kỳ Đổi Mới kinh tế từ 1988.
 
Trần Văn Đạt, Ph. D.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Angledette, A. 1966. Le riz. Limoges. France, pp 930.
  2. Capus, G. 1918. Les riz d’Indochine. In: Annales de Géographie, Librairie Armand Colin, Paris, 5e, 27: 25-42.
  3. Carle, E. 1927. 1927. Amélioration des riz de Cochinchine. Agence Économique de l’Indochine, Paris, France, 11 pp.
  4. Dumont, R. 1995. La culture du riz dans le delta du Tongkin. Printimg House in Bangkok, Thailand. pp 592.
  5. FAO. 2000, 2010. FAOSTAT, www.fao.org .
  6. Gourou, P. 1955. The peasants of the Tonkin Delta. Human Relations Area Files, New York.
  7. Huỳnh Lứa, Lê Quang Minh, Lê Văn Năm, Nguyễn Nghị và Đổ Hữu Nghiêm. 1987. Lịch sử khai phá đất Nam Bộ. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 275 tr.
  8. King, R. 1977. Land reform - A world survey. G. Bell & Sons LTD, London, pp 446.
  9. Phạm Cao Dương, 1967. Thực trạng của giới nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. NXB Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 255 tr.
  10. Phạm Kim Vinh. 1976. Japanese presence: short but deadly interlute. In: Viet Nam, a comprehensive history, PM Enterprises Inc., California, p 173-182.
  11. Phạm Văn Sơn. 1960. Việt sử toàn thư. NXB Thư Lâm Ấn Quán, Sài Gòn, 738 tr.
  12. RICEINFO. 2000. FAO Rice Information, FAO, Rome, (www.fao.org ).
  13. Sơn Nam. 2000. Lịch sử khẩn hoang Miền Nam. NXB Xuân Thu, California, Hoa Kỳ, 330 tr.
  14. Trần Trọng Kim. 1990. Việt Nam sử lược, Quyển I & II. NXB Đại Nam.
  15. Trần Văn Đạt. 2002. Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam - Từ thời nguyên thủy đến hiện đại. NXB Nông Nghiệp, Sài Gòn, 315 tr.
  16. Trần Văn Hữu. 1927. La riziculture en Cochinchine. Agence Économique de l’Indochine, Paris, France, pp 31.
  17. Viện Nông Nghiệp Quốc Tế (International Institute of Agriculture) (Former FAO). 1912. International Yearbook of Agricultural Statistics, Rome, Italy.
  18. Viện Nông Nghiệp Quốc Tế (International Institute of Agriculture) (Former FAO). 1939-1941. International Yearbook of Agricultural Statistics, Rome, Italy.
  19. Viện Nông Nghiệp Quốc Tế (International Institute of Agriculture) (Former FAO). 1927-1941. International Yearbook of Agricultural Statistics, Rome, Italy.
  20. Viện Nông Nghiệp Quốc Tế (International Institute of Agriculture) (Former FAO). 1927-1945. International Yearbook of Agricultural Statistics, Rome, Italy.
  21. World Crops and Livestock Statistics. 1948-1985. FAO, Rome.

 

[1] Ở Nam Kỳ, đất mới khai khẩn nên diện tích ruộng lúa chiếm đến 79%, loại cây trồng khác 21% vào năm 1868 (Huỳnh Lứa và công sự viên, 1987, dựa vào báo cáo của Pháp: Annuaire de la Cochinchine française pour l’année 1868). Hiện nay, Việt Nam có 9,6 triệu ha đất nông nghiệp, mà cây lúa chiếm 4 triệu ha đất hay gần 43%.

Trở lại Trang Khoa Học
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 861050 visitors (2232289 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free