TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Hâm nóng toàn cầu -2
 
Lên mạng ngày 24/3/2010

ẢNH HƯỞNG CỦA HIỆN TƯỢNG HÂM NÓNG TOÀN CẦU LÊN TỈNH KHÁNH HÒA
TS Trần-Đăng Hồng, Trần Đăng Nhơn, KS Trần Giỏi
 
Phần 2. Biến đổi khí hậu
 
 
Trong bài trước, chúng tôi đề cập đến ảnh hưởng của hiện tượng hâm nóng toàn cầu qua tác động nước biển dâng cao. Trong phần này, chúng tôi trình bày ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên vùng Khánh Hòa, qua các tác động:
-         Gia tăng nhiệt độ
-         Gia tăng sóng nhiệt (heat wave)
-         Bão tố
-         Biến đổi vũ lượng, ẩm độ không khí, lũ lụt và hạn hán
-         Biến đổi số giờ nắng.
 
1. BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRONG THẾ KỶ QUA
 
1.1. Khuynh hướng gia tăng nhiệt độ
 
Trên thế giới
Thế giới đã và đang trải qua việc gia tăng nhiệt độ trung bình, tuy không nhiều lắm, khoảng 0,6 °C trong 100 năm qua, tức 0,006 °C/năm. Tuy nhiên hai thập niên 1980s và 1990s nóng nhất của thế kỷ. Năm 1998 là năm nóng nhất trong thế kỷ 20, kế tiếp là các năm 2001, 2002 và 2005.  Sở dĩ năm 1998 nóng dữ dội vì hiện tượng El Niño xảy ra trong năm này rất mãnh liệt.
Nhiệt độ gia tăng không đồng đều ở mọi địa điểm trên trái đất. Một cách tổng quát, kể từ 1979, nhiệt độ không khí trên đất liền tăng nhanh gấp đôi nhiệt độ đại dương (0,025 °C/năm trên đất liền so với 0,013 °C/năm ở đại dương). Bắc bán cầu tăng nhiệt nhanh hơn nam bán cầu vì bắc bán cầu có nhiều lục địa rộng hơn và nhiều băng tuyết hấp thụ nhiều nhiệt lượng. Nhờ đại dương điều hòa, nhiệt độ vùng duyên hải gia tăng ít hơn và chậm hơn nội địa. Các dòng nước nóng hay lạnh ở đại dương cũng góp phần quan trọng trong việc điều hòa nhiệt độ của vùng có dòng nước chảy qua.
 
Tại Việt Nam
Tại Việt Nam , nhiệt độ cũng có khuynh hướng gia tăng trong thế kỷ qua. Trong vòng 50 năm qua (1958-2007), nhiệt độ trung bình hàng năm đã gia tăng từ 0,003 °C/năm (Nhatrang và Sapa) đến 0,117 °C/năm (Ninh Bình), tùy nơi (1).        
Tại Hà Nội nhiệt độ trung bình hàng năm trong thập niên 1931-1940 là 23,3 °C. Trong thập niên 1941-1950, nhiệt độ tăng lên 23,6 °C. Trong 3 thập niên kế tiếp, 1951-1960, 1961-1970, 1971-1980, nhiệt độ giảm; nhưng đến thập niên 1981-1990, nhiệt độ tăng lên lại 23,6 °C, rồi gia tăng nhanh lên 24,1 °C trong thập niên 1991-2000. Như vậy hàng năm nhiệt độ trung bình ở Hà Nội gia tăng khoảng 0,006 °C/năm.
 
Hình 1. Biến đổi nhiệt độ trung bình hàng năm tại Hà Nội (1)
 
Tại Tân Sơn Nhất, trong suốt 3 thập niên 1931-1960, nhiệt độ trung bình hàng năm không thay đổi 26,9 - 27,0 °C, nhưng tăng lên 27,2 °C trong thập niên 1971-1980, rồi 27,3 °C trong thập niên 1981-1990, và 27,6 °C trong thập niên 1991-2000. Như vậy, khuynh hướng gia tăng khoảng 0,0103 °C/năm trong vòng 70 năm qua.
 
Hình 2. Biến đổi nhiệt độ trung bình hàng năm tại Tân Sơn Nhất (1)
 
 
Tại Đà Nẵng, nhiệt độ trung bình hàng năm trong thập niên 1931-1940 là 25,4 °C. Nhiệt độ gia tăng liên tục trong 3 thập niên 1941 - 1970 lên tới 26,0 °C. Trong thập niên 1971-1980, nhiệt độ giảm xuống 25,8 °C, và không thay đổi trong suốt 3 thập niên từ 1981 đến nay. Như vậy, kể từ 1931 đến 2000, nhiệt độ gia tăng 0,4 °C, từ 25,4° đến 25,8 °C, nhiệt độ trung bình hàng năm có khuynh hướng gia tăng khoảng 0,0056 °C/năm trong vòng 70 năm qua. Cũng tại Đà Nẵng, nhiệt độ trung bình mùa đông, cũng như nhiệt độ trung bình mùa hè, đều có khuynh hướng gia tăng. Chẳng hạn, nhiệt độ trung bình tháng 1 có khuynh hướng gia tăng từ 21,1 °C lên 21,7 °C, và nhiệt độ trung bình tháng 7 cũng gia tăng từ 28,5 °C đến 29,2 °C trong 7 thập niên này (1931-2000).
 
Hình 3. Biến đổi nhiệt độ trung bình năm tại Đà Nẵng (1)
 
Như vậy, trong vòng 70 năm qua, nhiệt độ trung bình hàng năm có khuynh hướng gia tăng rất rõ rệt ở Tân Sơn Nhất và Hà Nội, nhưng không rõ rệt lắm ở Đà Nẵng. Một cách tổng quát, từ Nha Trang (0,003 °C/năm) trở vào Nam tới đồng bằng Cửu Long, nhiệt độ trung bình năm gia tăng ít, chẳng hạn Rạch Giá (0,0045 °C/năm). Cần Thơ (0,0054°C/năm), ngoại trừ vùng Sài Gòn (0,0103 °C/năm) gia tăng nhiều có lẻ vì ảnh hưởng của đô thị. Ngược lại, từ Đà Nẵng trở ra Bắc, nhiệt độ trung bình năm gia tăng nhiều, như Vinh (0,0167 °C/năm), Ninh Bình (0,119°C/năm), Hà Giang (0,0176 °C/năm), Điện Biên (0,0232 °C/năm) (1).
 
1.2. Biến đổi mưa và bão tố
Trong thời gian từ 1911 đến 2000, mưa có khuynh hướng không thay đổi hay giảm chút ít ở miền Bắc, giảm ở vùng Sài Gòn, nhưng gia tăng ở miền Trung và cao nguyên (1).
 
Hình 4. Khuynh hướng biến đổi vũ lượng trong thế kỷ qua tại 3 vùng của Viêt Nam
 
 
Các luồng sóng lạnh (cold front) thổi từ lục địa Trung Hoa đến Việt Nam có khuynh hướng giảm, từ 288 lần trong thập niên 1971-1980, còn 249 lần trong thập niên 1991-2000, trung bình giảm 0,49 lần/mỗi thập niên (1)
Bão nhiệt đới xảy ra ở Biển Đông cũng có khuynh hướng giảm, từ 114 trận bão trong thập niên 1961-1970, còn 103 trận bão trong thập niên 1991-2000 (1), và khi đến địa phận Việt Nam cũng có khuynh hướng giảm từ 77 trận bão trong thập niên 1971-1999 xuống 68 trận bão trong thập niên 1991-2000 (1).
 
1.3.  Biến đổi khí hậu tại Khánh Hòa
Khánh Hòa nằm trong vùng khí hậu N1, gồm 8 tỉnh phía nam Đèo Hải Vân cho tới Bình Thuận, nên có khí hậu tương tự với Đà Nẵng. Đặc tính khí hậu chung của vùng này là mùa đông ấm áp nhờ đèo Hải Vân ngăn chận các luồng gió lạnh thổi từ phương Bắc, nhưng mùa hè thường có gió Lào nóng và khô. Càng vào phía nam, số giờ nắng càng gia tăng.
 
Nhiệt độ. Trong vòng 38 năm (1960 – 1998), nhiệt độ trung bình tháng 1 (mùa đông) và tháng 7 (mùa hè), cũng như nhiệt độ trung bình năm tại Nha Trang không biến đổi lắm. Theo tài liệu Đài Khí tượng – Thuỷ văn Nam Trung Bộ thì trong khoảng thời gian 1931-2000, nhiệt độ trung bình năm tại Nha Trang gia tăng bình quân khoảng 0,003 °C/năm, gia tăng ít nhất ở Việt Nam, ít hơn cả cao nguyên Sapa (0,0037 °C) và Đà Lạt (0,0047 °C/năm) (1). Tuy nhiên, nếu tính từ 1958 đến 2007, nhiệt độ trung bình năm tại Nha Trang có khuynh hướng gia tăng, khoảng 0,009 °C/năm, tương đối thấp hơn Qui Nhơn (0,015 °C/năm) và Ban Mê Thuộc (0,0148 °C/năm) (1).
 
 
Hình 5. Chênh lệch nhiệt độ trung bình tháng trong giai đoạn 1966-2000 (màu đen) so với giai đoạn 1931-1965 (màu xám)tại Nha Trang (Vẽ theo dử kiện khí tượng của Đài Khí tượng – Thuỷ văn khu vực Nam Trung Bộ )
 
Quan sát Hình 5, nhiệt độ trung bình tháng của các tháng mùa đông (tháng 12, 1, 2 và 3) không thay đổi trong suốt 70 năm, chỉ tăng 0,2 – 0,3 °C trong các tháng còn lại kể từ 1966.
 
Mưa. Vũ lượng hàng năm tại vùng N1 cũng có khuynh hướng gia tăng trong 70 năm qua, đặc biệt trong thập niên 1991-2000. Chẳng hạn tại Đà Nẵng, trong 70 năm qua vũ lượng có khuynh hướng gia tăng 5,7 mm/năm. Hiện tại, vũ lượng trung bình hàng năm của vùng Nha Trang là 1355,6 mm.
 


 
 
Bảng 1. Vũ lượng trung bình tháng (mm) bình quân của nhiều năm tại 7 địa điểm ở Khánh Hòa
 
Theo Bảng 1, ở đồng bằng thấp phía bắc (Đá Bàn, Ninh Hòa) mưa nhiều hơn phía nam (Cam Ranh), và ở vùng cao (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) mưa nhiều hơn ở đồng bằng thấp.
Khô hạn thường xảy ra từ tháng 1 đến tháng 8, trong các tháng này lượng nước mưa thấp hơn lượng bốc hơi nước.
          Sở dĩ có sự khác biệt khá lớn về nhiệt độ và vũ lượng bởi vì các đồng bằng Vạn Ninh và Ninh Hòa có núi cao bao vây, phía Tây bởi Trường Sơn, phía bắc và phía nam bởi các nhánh Trường Sơn đâm ra biển, ngược lại đồng bằng Diên Khánh và Cam Lâm không có núi cao ở phía nam, trong lúc Khánh Vĩnh và Khánh Sơn là vùng cao trên sườn Trường Sơn. Chẳng hạn vùng Vạn Ninh tương đối mưa nhiều, có gió Lào nóng bức, vì ảnh hưởng của dãy Vọng Phu. Đồng bằng Ninh Hòa và Diên Khánh tương đối mát hơn, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 27 ºC, tối đa chỉ khoảng 34 ºC, nhưng Dục Mỹ có thời tiết khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng gió Lào vào mùa khô, ban ngày nhiệt độ rất nóng 39-40 ºC, ban đêm khá lạnh. Cũng vậy, vùng Cam Lâm thì nóng bức, có khi tới 38 ºC. Ngược lại, các vùng cao trên sườn Trường Sơn, như Khánh Sơn (cao độ 400 m) Khánh Vĩnh (cao độ 700 m) có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình giao động giữa 23 - 26 ºC, ban đêm tương đối lạnh, và nhiều mưa hơn vùng đồng bằng.
Riêng ở đỉnh Hòn Bà (cao độ 1575 m), nhiệt độ trung bình năm là 17,4 ºC; nhiệt độ trung bình các tháng dao động từ 14,1 ºC đến 19,8 ºC; có 3 - 5 tháng nhiệt độ trung bình dưới 15 ºC. Nhiệt độ tối cao tuyệt đối lớn nhất chỉ khoảng 27ºC và tối thấp tuyệt đối khoảng 6,5 ºC. Biên độ nhiệt độ năm là 4,4 ºC; biên độ nhiệt độ trung bình tháng từ 3 ºC – 5,5 ºC. Lượng mưa trung bình năm có thể đạt từ 2000 tới 2750 mm. Số ngày mưa trong năm lên đến 251 ngày. Có thể xem mùa mưa ở đây kéo dài suốt cả năm. Trong các tháng 2, 3, 4 mưa tuy ít nhưng cũng đạt xấp xỉ 100 mm và có từ 13 đến 15 ngày mưa. Những tháng còn lại lượng mưa đều lớn hơn 200 mm và có 20 ngày mưa/tháng. Độ ẩm không khí trung bình năm đạt trên 85 %. Tháng có độ ẩm cao nhất có thể đạt trên 90 % tạo sương mù, và tháng thấp nhất là tháng 4 - 5, độ ẩm không khí trung bình ở mức 85 – 87 %.
 
2. TIÊN ĐOÁN KHÍ HẬU TẠI VIỆT NAM VÀO NĂM 2100
Dựa trên các giả sử về khí thải nhà kiếng, quan trọng nhất là lượng CO2  hiện nay và dự đoán trong tương lai trên toàn cầu, các nhà khoa học dùng các mô hình toán học để tiên đoán thời tiết trong tương lai trên toàn cầu và cho mỗi vùng địa lý.
            Lượng CO2 trong khí quyển đã gia tăng từ 280 ppm năm 1860 (khi kỹ nghệ bắt đầu) đến 379 ppm vào năm 2005, như vậy trung bình gia tăng 0,68 ppm/năm.
Vì dựa trên “giả sử” có cơ sở, càng về sau càng có nhiều dữ kiện chính xác hơn, nên từ hơn 15 năm nay có nhiều tiên đoán, tiên đoán sau điều chỉnh tiên đoán trước.
Dựa trên dữ kiện khí tượng ghi được trong 30 năm, từ 1961 đến 1991, cơ quan IPCC (Intergovernmental Panel on Climate Change) tiên đoán nhiệt độ sẽ gia tăng +1 °C ở bán đảo Đông Dương vào 2039, và từ +3 °C đến +4 °C vào 2099.
 
Tiên đoán của IPCC thực hiện năm 1994: Dự đoán là nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng từ 1,4 °C đến 5,8 °C vào cuối thế kỷ 21 này, tuỳ theo mức độ sa thải của khí nhà kiếng ít hay nhiều, quan trọng nhất là thán khí (CO2) và mức độ rừng bị tàn phá.
Tại Việt Nam, ở các tỉnh phía Bắc (phía bắc Đèo Hải Vân) nhiệt độ sẽ gia tăng hơn ngày nay khoảng từ 1,2 ºC đến 4,5 ºC, các tỉnh phía nam nhiệt độ gia tăng 0,5 ºC đến 3,0 ºC, và nước biển dâng cao 15 đến 90 cm dọc duyên hải vào năm 2070.
 
Tiên đoán của IPCC thực hiện năm1998: Vào năm 2070, nhiệt độ gia tăng 1,5 ºC ở các tỉnh duyên hải,  và 2,5 ºC ở các vùng núi; vũ lượng gia tăng 0,5 % ở Miền Bắc, Cao nguyên Trung Việt và Nam bộ, tăng 0 – 10 % ở các tỉnh Miền Trung. Trong mùa khô vũ lượng giảm 5 %. Nước biển dâng 45 cm.
 
Tiên đoán của IPCC thực hiện năm 2007: Vào năm 2099, nhiệt độ trên toàn cầu gia tăng 1,1 đến 1,9 ºC nếu sa thải ít CO2, và tăng 2,1 đến 3,6 ºC nếu sa thải nhiều CO2; vũ lượng trung bình hàng năm của thế giới gia tăng 1,0 đến 5,2 % nếu sa thải ít, tăng 1,8 đến 10,1 % nếu sa thải nhiều, và nước biển dâng 65 cm nếu sa thải ít và 100 cm nếu sa thải nhiều.
 
Tiên đoán của Việt Nam năm 2009 dựa trên tiên đoán của IPCC. Nhiệt độ tại Việt Nam gia tăng 1,1 đến 1,9 ºC nếu thế giới sa thải ít CO2, và tăng 2,1 ºC đến 3,6 ºC nếu sa thải nhiều CO2; vũ lượng trung bình hàng năm của thế giới gia tăng 1,0 đến 5,2 % nếu sa thải ít, tăng 1,8 đến 10,1 % nếu sa thải nhiều, và nước biển dâng 65 cm nếu sa thải ít và 100 cm nếu sa thải nhiều (1).
Vì biến đổi khí hậu còn tùy thuộc điều kiện địa phương, nên được điều chỉnh. Theo đó, nước biển dâng cao 0,5 – 0,6 cm/năm. Tại các tỉnh phía nam (phía nam Hải Vân) mùa bão có thể đến sớm hơn, nhiệt độ tối đa tuyệt đối sẽ gia tăng, số giờ nắng gia tăng. Vũ lượng trong mùa mưa sẽ gia tăng.
Tuy nhiên, các con số trên đây là những dự đoán dựa trên một số “giả sử”, và dữ kiện ngắn hạn (30 năm), các con số giả sử đó được chạy trên máy vi tính cũng do con người làm ra. Vì vậy, đây vẫn là một đề tài còn tranh luận giữa các nhà khoa học. Tuy nhiên có những điểm chung 2 trường phái cùng đồng ý:
1.      Hiện nay nhiệt độ đang trên chiều hướng gia tăng.
2.      Lượng CO2 cũng gia tăng trong khí quyển.
Sau đây là những điểm khác biệt:
1. Nhiệt độ địa cầu gia tăng, cũng như mực nước biển dâng cao, từ 15 ngàn năm nay, khi thời đại băng hà chấm dứt, chứ không phải kể từ thời bắt đầu có kỹ nghệ (1860). Trong 800 ngàn năm qua, địa cầu đã trải qua ít nhất là 8 lần biến đổi khí hậu, mỗi chu kỳ hâm-nóng/hóa-lạnh kéo dài khoảng 100-120 ngàn năm. Trong mỗi chu kỳ, sau khi đạt đỉnh nhiệt độ nóng nhất, nhiệt độ giảm dần và tiếp theo là thời kỳ băng giá. Hiện tại, địa cầu đang nóng dần và đến gần đỉnh nóng, nhưng không biết là sẽ tiếp tục gia tăng, hay sẽ ngừng rồi giảm nhiệt độ, như các chu kỳ trước. Theo các dữ kiện đo từ các trầm tích phiêu sinh vật qua đồng vị phóng xạ Oxygen (O*16 /O*18), thì nhiệt độ các đỉnh nóng trong quá khứ không vượt quá 1 °C trên nhiệt độ chuẩn của năm 1900, và cách đây 15 ngàn năm nhiệt đô địa cầu lạnh hơn hiện nay 5 °C (Hình 6) và nước biển thấp hơn hiện nay 90 m.
 
 
temp graph
 
Hình 6. Các chu kỳ biến đổi nhiệt độ địa cầu trong vòng 800 ngàn năm nay (theo tạp chí Consequences, 2 (1), 1996, của cơ quan U.S. Global Change Research Information Office. Đường chấm ngang số 0 là nhiệt độ năm 1900 dùng làm chuẩn để so sánh (2).
 
2. Lượng CO2 trong không khí cũng biến đổi theo chu kỳ tương tự, một chu kỳ cũng kéo dài khoảng 100 ngàn năm, giữa 2 cực tiểu khoảng 190 ppm và cực đại 300 ppm. Nhiệt độ gia tăng hay giảm theo lượng CO2 tăng hay giảm. Tuy nhiên, trong chu kỳ từ 15 ngàn năm nay, lượng CO2 đã gia tăng tới 380 ppm hiện nay, tức vượt quá cực đại 300 ppm của các chu kỳ trước. IPCC vì vậy cho rằng nhiệt độ sẽ gia tăng theo tỉ lệ thuận với lượng CO2. Tuy nhiên các nhà khoa học khác phản bác là lượng CO2 đã tới điểm bảo hòa, nhiệt độ gia tăng không còn theo đường thẳng mà là nằm ngang ở đỉnh trước khi giảm xuống (như dạng parabole). Nếu khảo sát trong ngắn hạn 200 năm thì thấy nhiệt độ có khuynh hướng gia tăng (như đã chứng minh ở trên), nhưng so sánh với nhiệt độ biến đổi trong 10 ngàn năm nay, thì nhiệt độ có khi tăng khi giảm theo các chu kỳ nho nhỏ, mà điểm cực đại không vượt quá 1°C của năm 1900 (đường đậm bên dưới, bên phải của Hình 7).
 
Hình 7. Biến đổi nhiệt độ (dưới) và lượng khí CO2 trong không khí (trên) trong thời gian 400.000 năm qua dựa vào nghiên cứu băng hà ở hai địa cực. Đường thẳng đứng (tận bên mặt) thấy sự biến đổi đột ngột khí CO2 trong hai thế kỷ vừa qua, nhưng nhiệt độ không gia tăng vượt quá 1°C hơn chuẩn của năm 1900. Theo A.V. Fedorov et al. Science 312, 1485 (2006) (3).
 
Khảo sát chi tiết hơn nữa (Hình , biến đổi nhiệt độ trong 150 ngàn năm qua, thì đỉnh cao nhất đạt +1 °C trên mức chuẩn năm 1900 xảy ra cách đây khoảng 130 ngàn năm, tiếp theo là các chu kỳ hâm-nóng/hóa-lạnh có đỉnh cao thấp hơn điểm chuẩn năm 1900 dưới 1 °C hay 2 °C. Trong thời đại hiện nay, nhiệt độ cao nhất cũng chỉ nhỏ hơn +0.5 °C trên mực chuẩn.
 
Earth Temps Over Last 160,000 Years
Hình 8. Biến đổi khí hậu trong 150 ngàn năm qua (R.S. Bradley & J.A. Eddy, tạp chí Nature vol. 329 (1987), trang 403-408. (4).
 
Khảo sát chi tiết hơn nữa nhiệt độ biến đổi tại Tây Âu và Bắc Mỹ trong 1000 năm nay (Hình 9), dựa theo khảo cổ trên động thực vật, và sử sách có ghi chép, thì vào thời Trung Cổ cách đây 800 năm, nhiệt độ cao hơn mức chuẩn 1900 khoảng +0,3 °C, sau đó địa cầu lạnh dần, khi tăng khi sụt, và các điểm nóng nhất vẫn thấp hơn 0,3 °C mức chuẩn năm 1900, và điểm lạnh nhất cũng chỉ dưới 0,5 °C mức chuẩn. Mặc dầu chỉ giảm hơn 0,5 °C, nhưng đã gây nhiều thiệt hại vì mùa đông rất lạnh, gây nhiều nạn chết đói ở Âu Châu (như nạn chết đói ở Ái Nhĩ Lan) và sự tuyệt chủng của dân Viking tại Greenland.
 
Earth Temps: A.D. 0 to 1950
 
Hình 9. Biến đổi nhiệt độ của Tây Âu và Bắc Mỹ trong 1000 năm qua. Nhiệt độ được ước tính qua động vật và thực vật (vòng gỗ) và lịch sử được ghi chép. Đường chấm là nhiệt độ chuẩn của năm 1900 để so sánh (2) (Bradley & J. A. Eddy, 1991, EarthQuest, vol 5, no 1 (5).
 
             Dựa trên quá khứ, gia tăng nhiệt độ hiện nay có thể chỉ là một chu kỳ nhỏ và sẽ không gia tăng quá 3 °C ở cuối thế kỷ này như IPCC tiên đoán.
 
3. KHÍ HẬU VIỆT NAM TRONG QUÁ KHỨ
Ngày nay, khảo sát vòng gỗ ở cây cổ thụ Pơ-Mu vài ba trăm tuổi có thể cho biết khí hậu của thời quá khứ. Khoa học mới này gọi là Dendrochronology. Bởi vì, gặp thời tiết bất lợi (hạn hán, lạnh quá hay nóng quá) vòng gỗ hẹp, còn nếu thời tiết bình thường thì các vòng gỗ bằng nhau, trái lại năm mưa nhiều thì các vòng gỗ lớn. Chẳng hạn, nghiên cứu vòng gỗ trên cây Pơ Mu 220 tuổi ở Đà Lạt cho thấy các vòng gỗ hẹp trùng với các năm có El Niño xảy ra ở Việt Nam trong vòng 50 năm nay (6). Tương tự, các khoa học gia Hoa Kỳ nghiên cứu vòng gỗ cây Pơ Mu cổ thụ mọc dọc theo Sông Mekong, từ Bù Đốp của Việt Nam cho tới Campuchia và Thái Lan, cho biết Đông Dương và Thái Lan trãi qua hai thời kỳ hạn hán kéo dài ở thế kỷ 14 (vào khoảng các năm 1362-1392) và thế kỷ 15 (khoảng 1415-1440), hạn hán rất nặng kéo dài nhiều thập niên, trầm trọng nhất là năm 1417. Lịch sử Việt Nam cũng cho biết là những năm đói kém do đại hạn hán xảy ra vào các năm 1269-1270, 1379-1382, 1392-1393, 1409-1411, 1430, 1434, 1437, 1445- 1448, 1585-1589, 1595-1599, 1750-1780 (7, . Lịch sử Việt Nam ghi rõ châu chấu phá hại mùa màng trầm trọng gây chết đói vào các năm 1838-1840, và 1854. Châu chấu sinh sản nhiều trong điều kiện khô hạn, và nhiệt độ trên 35 ºC tới 41 ºC trong nhiều tháng liên tục. Gần đây nhất, năm 2007, cũng là năm El Niño, châu chấu xuất hiện phá hại mùa màng ở Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhưng không gây nạn chết đói vì ngày nay đã có biện pháp bảo vệ mùa màng hữu hiệu. Thật là trùng hợp cho hai biến cố cùng xảy ra một thời điểm từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 (Hình 9), theo đó Âu châu bị giá rét liên tục nhiều thập niên đưa đến nạn chết đói, nhưng lại nóng bức và hạn hán trầm trọng ở Việt Nam và Đông Nam Á.
 
4. HIỆN TƯỢNG EL NIÑO VÀ LA NIÑA
Có phải hiện tượng hâm nóng toàn cầu là do con người sa thải nhiều khí nhà kiếng trong vòng 200 năm nay? Đây là một đề tài nóng bỏng còn đang bàn cãi giữa 2 phái khoa học gia, và đề tài này hầu như che kín mọi hiện tượng khác ít được chú ý. Đó là hiện tượng El Niño và La Niña, nguyên nhân thực sự ảnh hưởng đến các quốc gia quanh Thái Bình Dương. Đây là hiện tượng giao động có chu kỳ làm biến động áp suất không khí và nhiệt độ nước biển tại vùng nam Thái Bình Dương nhiệt đới (nên gọi là Giao động Nam Thái Bình Dương - Southern oscillation), vùng biển giới hạn bởi đảo Tahiti và Darwin (Australia). Khi nhiệt độ nước biển vùng này bị hâm nóng thêm +0,5°C thì gây El Niño (còn gọi ENSO, viết tắt của El Niño Southern Oscillation), hay nước biển lạnh hơn 0,5°C dưới nhiệt độ bình thường thì tạo La Niña. Nguyên nhân tại sao nước biển vùng này có khi nóng hơn, có khi lạnh hơn, còn là một điều bí mật, các nhà khoa học còn đang nghiên cứu mặc dầu đã có nhiều giả thuyết để giải thích (8).
 
El Niño
Khi nước biển vùng này bị hâm nóng, El Niño gây bảo tố, mưa nhiều ở phần đông Thái Bình Dương nhiệt đới tức Nam Mỹ và Trung Mỹ, và đồng thời gây hạn hán trầm trọng ở phần tây Thái Bình Dương, đặc biệt trầm trọng ở vùng Đông Nam Á và Bắc Australia.  
Hiện tượng El Niño, không những ảnh hưởng đến các nước ven Thái Bình Dương (Á Châu và Mỹ Châu) mà còn ảnh hưởng cả tới Đại Tây Dương, nhưng xảy ra trể hơn khoảng 12 tới 18 tháng, và ảnh hưởng tới Phi Châu và một phần Âu Châu
Tại Nam Mỹ, nhất là vùng Peru, Ecuador, El Niño bắt đầu với mùa hè nóng bức và mưa nhiều từ tháng 12 đến tháng 2, tiếp theo là gây nhiều lụt lội dọc theo vùng duyên hải cho tới tháng 5. Trong năm có El Niño, vùng biển kế cận Nam Mỹ không có luồng nước lạnh nên nghèo chất dinh dưỡng và phiêu sinh vật, cá không sinh sản nhiều, ngược lại chim biển tăng trưởng nhanh, nên nguồn cá trở nên nghèo làm thất thiệt kỹ nghệ đánh cá. Lụt lội gây nhiều thiệt hại cho nông nghiệp ở vùng Nam và Trung Mỹ.
            Ngược lại, tại Á Châu Thái Bình Dương, El Niño gây hạn hán trầm trọng cho cả vùng Đông Nam Á và Bắc Australia, gây nhiều cháy rừng. Cũng trong thời gian có El Niño mực nước biển ở vùng Tây Thái Bình Dương (tức Biển Đông) dâng cao hơn bình thường (vì vậy làm sai lạc kết quả đo nước biển dâng cao).
 
La Niña
Ngược với El Niño, La Niña xảy ra khi nước biển vùng Tahiti – Darwin trở nên lạnh (giảm khoảng 0,5°C dưới nhiệt độ năm bình thường), ảnh hưởng tương đối ít hơn, gây hạn hán ở Trung và Nam Mỹ, nhưng bảo tố và mưa nhiều tại Đông Nam Á. Chẳng hạn, tháng 3/2008, nước biển vùng Đông Nam Á trở nên lạnh, thấp 2 °C dưới nhiệt độ bình thường, gây mưa lũ ở Mả Lai, Philippines và Indonesia. La Niña còn ảnh hưởng tới vùng Đại Tây Dương nhiệt đới, gây bảo tố, mưa lũ cho vùng Trung Tây Hoa Kỳ, nhiều tuyết hơn trong mùa đông ở Canada.
 
Chu kỳ El Niño/La Niña
Cứ sau biến cố El Niño là La Niña, và sau La Niña là El Niño theo một chu kỳ thay đổi từ 2 đến 8 năm, nên khó tiên đoán được. El Niño kéo dài từ 5 tháng cho tới 18 tháng.
Các nhà khoa học cho biết là hiện tượng El Niño và La Niña đã xảy ra trên địa cầu từ lâu, nhưng ghi được rỏ ràng từ 300 năm nay. Cũng có chứng cứ khoa học là hiện tượng này đã xảy ra cách đây trên 10 ngàn năm, từ thời Holocene. Sau đây là những biến cố El Niño và La Niña xảy ra trong 2 thập niên qua.
 
La Niña xảy ra: 1988/1989 (mảnh liệt, kéo dài hơn 5 tháng), 1995, 1998/2000 (rất lâu dài) và tiếp theo là một La Niña nhỏ 2000-2001, tháng 6/2007 (La Nina nhỏ), và 2007/2008 (rất mãnh liệt).
 
El Niño quan trọng xảy ra: 1790-1793, 1828, 1876-1878, 1891, 1925-1926, 1972-1973, 1982-1983, 1986-1987, 1991-1992, 1993, 1994, 1997-1998, 2002-2003, 2004-2005, 2006-2007 và 2009-2010 (hiện nay). El Niño 1997-1998 làm thế giới nóng nhất trong thế kỹ, nước biển vùng Thái Bình Dương nóng hơn 1,5 °C và làm chết một số san hô.
 
 
5. TIÊN ĐOÁN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI KHÁNH HÒA.
 
Thật là sai lầm, nếu chỉ dựa trên hiện tượng hâm nóng toàn cầu do IPCC chủ xướng, mà không tính đến hiện tượng El Niño và La Niña cho Việt Nam nói chung, và Khánh Hòa nói riêng. Hai hiện tượng này có thể lẫn lộn với nhau, khó phân biệt và tách rời.
Một câu hỏi thường được đặt ra là các số liệu nhiệt độ đo bằng máy (nhiệt kế thủy ngân, biểu đồ ghi tự động dựa trên nguyên tắc giãn nở của kim loại trước kia, biểu đồ điện tử tự động hiện nay) có chính xác không, qua các thời đại và chính xác tới mức độ nào, và có được thường xuyên điều chỉnh theo nhiệt kế tiêu chuẩn không. Ngoài ra, các trạm khí tượng được xây dựng hàng trăm năm trước, khi còn là vùng đồng quê trống trãi, có nhiều cây xanh, nay đô thị hóa với nhà cao tầng, mái và vách bằng bê tông, lại thiếu cây xanh, khuynh hướng gia tăng nhiệt độ đo được có thật sự tiêu biểu cho gia tăng nhiệt độ của vùng lớn, hay chỉ phản ảnh “tiểu khí hậu” trong môi trường nhỏ hẹp, khép kín, bao vây bởi cao ốc? Chẳng hạn, trong 3 thập niên từ 1930-1960, nhiệt độ đo được tại Tân Sơn Nhất không thay đổi, nhưng đột nhiên gia tăng kể từ thập niên 1970? Sự kiện đó có liên quan gì với dân số tăng từ 1 triệu trước kia tới 8 triệu dân hiện nay, với xe cộ trước kia không có nhiều như hiện nay?
Vì vậy, tác giả chỉ dựa trên dữ kiện của quá khứ để tiên đoán cho tương lai. Tại Nha Trang, trong thời gian 1930-2000, nhiệt độ gia tăng 0,003 °C/năm, như vậy tới năm 2100 nhiệt độ trung bình năm tăng thêm 0,3 °C, tức 26,5 + 0.3 = 26,8 °C, và tới năm 2200 nhiệt độ trung bình năm sẽ là 26,5 + 0,6 = 27,1°C. Còn nếu tính theo vận tốc 0,009°C/năm (1), thì năm 2100 nhiệt độ trung bình năm tăng thêm 0,8 °C, tức 26,5 + 0,8 = 27,3 °C, và tới năm 2200 nhiệt độ trung bình năm sẽ là 26,5 + 1,8 = 28,3 °C.
            Tại đỉnh Hòn Bà, nhiệt độ trung bình năm hiện nay là 17,4°C, sẽ là 17,7 °C hay 18,2 °C vào năm 2100, và 18,3°C hay 18,9 °C vào năm 2200, nếu dựa lần lượt theo vận tốc gia tăng 0,003 °C/năm hay 0,009 °C/năm.
Tại Nha Trang, trong thời gian 1961-2007, vũ lượng trung bình năm gia tăng 6,454 mm/năm. Vũ lượng năm 2100 sẽ là 1800 mm/năm.
 
 
Tài liệu tham khảo chánh
 
1. Institute of Strategy and Policy on Natural Resources and Environment of Vietnam (2009). Vietnam assessment report on climate change.
2. Thomas Crowley (1996). Remembrance of Things Past: Greenhouse Lessons from the Geologic Record. Consequences, Volume 2, No 1, Winter 1996. http://www.gcrio.org/CONSEQUENCES/winter
96/geoclimate.html
3.A.V. Fedorov et al. (2006). Science 312, 1485.
4. R.S. Bradley & J.A. Eddy(1987). Nature, 329, trang 403-408.
5. R.S. Bradley & J.A. Eddy (1991), EarthQuest, vol 5, no 1.
6. Trương Mai Hồng và cộng sự (2010). Sự thay đổi cấu trúc vòng năm của cây du sam (Keteleeria evelyniana), thông hai lá dẹt (Pinus krempfii), pơ mu (Fokienia hodginsii) và thông ba lá (Pinus kesiya) theo các yếu tố hướng dốc, độ cao phân bố và khí hậu (đang in).
7. Nguyễn Đức Hiệp (2009). Di sản của rừng. Khoa Học & Đời sống http://www.khoahoc.net/baivo/nguyenduchiep/
040310-disancuarung.htm
7. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
8.Wikipedia (2009). El Niño-Southern Oscillation.
 
Phần 1; Nước biển dâng cao
Phần 3
: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên Khánh Hòa 

Anh Quốc, 3/2010

Trở lại Trang KHTH

 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 780461 visitors (2070057 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free