TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Sài Gòn ngập lụt
 
Lên mạng ngày 26/11/2011

SÀI GÒN NGẬP LỤT
Trần-Đăng Hồng PhD
Cách đây  314 năm (1698), Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh chọn Bến Nghé trên bờ sông Sài Gòn làm cơ sở hành chánh, quân sự và thương mại. Địa điểm này là nơi cao ráo, sát bờ sông, thuận tiện cho thuyền tàu từ Biển Đông vào vì chỉ cách biển 60 km. Sài Gòn nằm ở hạ lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, có nhiều sông rạch chi chit nối với sông Tiền, sông Hậu, nên cũng là trung tâm xuất phát đường thủy đến các vùng khác thuộc Thủy Chân Lạp, và đến tận Cao Miên. Về mặt địa hình, Sài Gòn là vùng đất thấp, ranh rừng sác Đồng Tháp Mười chạy tới biển.
 

Hình 1. Bản đồ Sài Gòn năm 1815
 
Đến thời Pháp thuộc, Sài Gòn phát triển rộng thêm trên vùng đất cao, theo hướng bắc và đông bắc, tức hướng Gia Định Biên Hòa. Vào năm 1862 Sài Gòn có diện tích 25 km2, hoàn toàn nằm trên địa hình cao của bờ sông. Dân số năm 1929 là 123.890 người trong số đó có 12.100 người Pháp. Vì ở địa thế cao, từ ngày thành lập cho tới cuối thập niên 1960, Sài Gòn không có bị ngập lụt.
Tuy nhiên trong vòng 40 năm nay, Sài Gòn bị ngập lụt ngày càng trầm trọng (15).
Ngày nay (2010), Sài Gòn có diện tích 2.095 km2, khoảng cách Bắc (Phú Mỹ Hưng) – Nam (Long Hòa, Cần Giờ) là 102 km, khoảng cách Đông (Long Bình) – Tây (Bình Chánh) là 47 km, với dân số chính thức khoảng 8 triệu, cộng thêm cư dân lậu có thể khoảng trên dưới 10 triệu.
 


Hình 2. L
ưu vực sông Sài Gòn, Đng Nai và h thng sông rch thiên nhiên (2)
          Cao độ tại trung tâm Sài Gòn (Quận 1) là 3 m trên mực nước biển. Tính trên diện tích toàn thành phố, gần 60% diện tích (120.000 ha) là vùng đất thấp dưới 1,5m trên mực nước biển, với mạng lưới sông rạch chằng chịt (7.880 km kinh rạch chính) (25).
Hiện nay, 154/322 xã phường (gần 50%) của Sài Gòn thường xuyên bị ngập lụt (2, 17).  Diện tích ngập tại Sài Gòn hiện nay vào khoảng 35 km2 trên diện tích đất xây dựng, và 230 km2 trên diện tích đất nông nghiệp; và số dân bị ảnh hưởng bởi ngập nước khoảng 1,8 triệu người (20). Dự đoán đến năm 2050 con số này là 177 phường xã (chiếm 61%) (17). Sau hơn 10 năm chống ngập lụt, Sài Gòn  vẫn còn khoảng 100 điểm ngập,  mặc dù 75% các điểm ngập có vị trí cao hơn ít nhất 1 m so với mực nước cao nhất trên sông Sài Gòn ghi nhận tại trạm Phú An (2). Chẳng hạng, nhiều địa điểm trước đây không bao giờ bị ngập, như vùng ngã tư Bốn Xã thuộc quận Bình Tân, có cao độ gần 3m, nay cũng bị ngập và ngập rất sâu (2).
Theo báo chí Việt Nam, dân chúng Sài gòn bắt đầu đối diện với tình trạng ngập lụt được nhận định là “ngoài sức tưởng tượng”. Chẳng hạn, đợt ngập lụt xảy ra vào ngày 15 tháng 12 năm 2008 được xem là chưa từng có suốt 50 năm vừa qua, khi mức nước ngập dâng lên tới 1,55 m (4).
          Hiện nay (2010), toàn thành phố có 100 điểm ngập lụt, trong số này có 85 điểm ngập trầm trọng, gồm 12 điểm ở lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; 28 điểm ở lưu vực Hàng Bàng; 7 điểm ở lưu vực Tàu Hủ -Bến Nghé – Kinh Đôi – Kinh Tẻ; 11 điểm ở lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm; và 16 điểm rải rác nhiều lưu vực khác (15)
Kể từ 2001, những địa điểm ngập quan trọng trong mùa mưa là Bùng Binh Cây Gõ, Bến xe Chợ Lớn, nhiều khu vực ở quận 1, 3, 5, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp. Vùng ngập lụt trầm trọng đáng kể nhất là khu vòng xoay Phú Lâm, cửa ngõ phía tây thành phổ, bao gồm các đường: Hậu Giang, Hùng Vương, Kinh Dương Vương, Minh Phụng. Tại quận Bình Thạnh, các đường Chu Văn An, Bùi Đình Túy, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng hay Miếu Nổi cũng thường xuyên bị ngập nặng. Ở khu vực ngã tư Bốn Xã, thuộc quận Bình Tân, nơi có tốc độ đô thị hóa cao, tình trạng ngập úng còn trầm trọng hơn (22).
‘Rốn Lũ Trong lòng đô thị’, được báo chí đặt tên, rộng 350 ha gồm khu vực vòng xoay Cây Gõ toả ra các quận 5, 6 và 11, như các đường Châu Văn Liêm Hồng Bàng. Ở khu vực này nước không những ngập đường phố mà còn tràn cả vào nhà dân, mỗi khi mưa kéo dài (10, 22). Những tuyến đường gần khu vực Bến xe Chợ Lớn, như đường Lê Quang Sung, Nguyễn Thị Nhỏ (phường 2, quận 6) chỉ cần có mưa xuất hiện khoảng 15 phút là nước ngập lên quá đầu gối (22).
Nhiều nơi chìm sâu trong nước 2-3 ngày mới rút, gây khổ cực, phiền phức cho dân cư. Khu vực bán đảo Thanh Đa (Bình Thạnh), đường Mễ Cốc 1, 2 (quận , khu Ba Bò (Thủ Đức) cũng là những nơi nổi tiếng vì ngập úng. Đáng lạ hơn là ngay cả khu vực gần kinh rạch vẫn bị ngập như quận Tân Bình, cạnh kinh Nhiêu Lộc, hay như vùng nằm dọc theo sông Bến Cát, quận Gò Vấp (22)
 
I. NGUYÊN NHÂN NGẬP LỤT
1. Nguyên nhân do thiên nhiên.
1.1. Ngập lụt do mưa. Sài Gòn có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến 11, mùa khô từ tháng 12 đến 4. Vũ lượng trung bình hàng năm khoảng 2.000 mm, 80% xảy ra trong mùa mưa. Lượng mưa tối đa hàng ngày là 200 mm, lượng mưa hàng giờ tối đa là 50 mm (22). Theo kết quả khảo sát của JICA, dựa trên vũ lượng đo được tại Trại Khí Tượng Tân Sơn Nhất từ ngày thành lập đến năm 2001, những cơn mưa có vũ lượng lớn xuất hiện rất ít. Trung bình cứ 3 năm mới xuất hiện một cơn mưa có vũ lượng 85,36 mm, và 5 năm mới xuất hiện một trận mưa có vũ lượng 95,91 mm (22).
          Cơn mưa ngày 5/6/2006 tại Sài Gòn kéo dài gần 1 giờ đồng hồ với lượng mưa đo được 75 mm đã gây ra 20 điểm ngập. Trận mưa chiều tối 30/6/2006 cũng gây 5 điểm ngập nặng (22).
Trận mưa ngày 21/7/2009 kéo dài 4 tiếng gây ngập lụt trầm trọng. Tại trạm khí tượng Mạc Đỉnh Chi (Q.1 Sài Gòn) lượng mưa đo được từ 13 giờ 30 đến 15 giờ là 82 mm, nếu tính mưa cả ngày tổng cộng 100 mm. Khu bị ngập nặng nhất là các tuyến đường xung quanh bùng binh Cây Gõ, bến xe Chợ Lớn, chợ Tân Thành, đường Nguyễn Thị Nhỏ, Hồng Bàng, An Dương Vương, Ba Tháng Hai, v.v. thuộc các quận 5, 6 và 11. Đường Lê Hồng Phong, Ba Tháng Hai và một số con đường lân cận thuộc Q.10 cũng bị ngập nặng. Trung tâm Q.1 cũng bị ngập trên các trục đường chính như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Lê Lai, Lê Lợi, Calmette, Nguyễn Cảnh Chân, Lê Thánh Tôn. Khu dân cư Văn Thánh Bắc (Q. Bình Thạnh) nước tràn vào nhà. Coi như tất cả thành phố Sài Gòn bị ngập (2).
Đợt ngập lụt xảy ra vào ngày 15 tháng 12 năm 2008, được xem là chưa từng có suốt 50 năm vừa qua, khi mức nước ngập dâng lên tới 1,55 mét (4).
Theo các chuyên gia thủy lợi, từ năm 2003 đến nay, Sài gòn rất dễ ngập, kể cả khi lượng mưa trung bình chỉ từ 30 mm đến 40 mm (4).
1.2. Ngập lụt do thủy triều cao (triều cường). Nước sông Sài Gòn chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều Biển Đông (mỗi ngày có 2 lần thủy triều lên, 2 lần thủy triều xuống). Thủy triều cao (triều cường) ở cửa biển Vũng Tàu là 4,00 m (lớn nhất ở Việt Nam). Càng vào nội địa, thủy triều thấp dần. Tại Trạm Nhà Bè (ngã ba sông Nhà Bè, Lòng Tàu, Xoài Rạp, cách biển khoảng 45 km), thủy triều cao 1,27 m đến 1,50 m. Tại trạm Phú An (Phường Bến Nghé, Quận 1 Sài Gòn, cách biển 60 km) thủy triều cao từ 1,23 m đến 1,46 m. Riêng đêm 25/11/2007, đỉnh triều cao tại Phú An 1,49 m (15).
Trước 1975, dân Sài Gòn chưa hề nghe từ “triều cường” và “ngập lụt do triều cường”, mặc dầu hiện tượng thủy triều lên xuống vẫn xảy ra với cường độ không thay đỗi từ trước tới nay tại cửa biển (20), nhưng mực nước triều cường trên sông, như tại Phú An thì lại rất cao so với ngày xưa (21). Mực nước tại Phú An chỉ bắt đầu tăng đột biến từ những năm đầu thập niên 1990, trùng với thời kỳ phát triển đô thị mạnh mẽ của thành phố (20).
Đợt triều cường ngày 29/10/2007 ở mức 1,48 m tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn, là mức thủy triều cao nhất tại trạm Phú An trong 48 năm qua, kể từ năm 1960, gây ngập lụt trầm trọng ở Sài Gòn.
Đợt triều cường ngày 7/11/2010 kéo dài trong 3 ngày, đỉnh triều đo tại trạm Phú An là 1,56 m, cao kỹ lục trong 50 năm, gây ngập lụt nặng bao gồm quận 8, quận Bình Thạnh, một phần của quận Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn, vùng đất trước kia vốn là vùng trũng, thấp, nơi trữ nước mỗi khi triều dâng, nay được đô thị hóa (18). Nhiều đoạn đê ở quận Thủ Đức, quận 12 bị vỡ, có nơi ngập sâu 0,50 m (1). Cũng trong đợt triều cường này, mưa lớn kết hợp với triều cường khiến áp suất nước trong cống lớn, đẩy nhiều nắp cống bung ra, tạo thành hố nước xoáy trên đường.
Vì địa thế thấp, Sài Gòn ngày nay dễ bị ngập lụt. Không cần mưa, Sài Gòn vẫn bị ngập lụt khi có thủy triều cao, nhất là trong những tháng 10, 11 hàng năm (4). Trong dịp có thủy triều cao, nếu có mưa to, bảo, lũ lụt Miền Tây và Đồng Tháp Mười xảy ra thì Sài Gòn ngập lụt càng trầm trọng. 70% diện tích Sài Gòn bị ảnh hưởng bởi triều cường (2).
1.3. Ngập lụt do lũ lụt Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ. Năm 2000, Sài gòn ngập lụt là do lũ Tây Nam Bộ và lũ Đông Nam Bộ, do mưa và triều cường lớn (5). Lũ Tây Nam Bộ tràn vào sông Vàm Cỏ Đông gây nên ngập lụt phần tây nam Sài Gòn, vượt qua mức lũ năm 1996. Cũng trong lũ năm 2000, khu Đông Nam Bộ nhận một vũ lượng lớn tới 200 mm trong 3 ngày liên tục 9-11/10/2000 làm nước sông hồ dâng cao. Riêng ở vùng Tây Ninh trong lưu vực hồ Dầu Tiếng nhận một vũ lượng tổng cộng bất thường tới 2173,3 mm vượt quá vũ lượng mưa thiết kế 328 mm (5). Vì vậy Hồ Dầu Tiếng phải xả lũ từ 7-15/10 với lưu lượng 200-600 m3/s, hồ Trị An từ 10-23/10 một lưu lượng lớn 2.550 m3/s, và Hồ Thác Mơ từ 10-19/10 một lưu lượng 1480 m3/s (5). Tại lưu vực ven sông Sài Gòn, Đồng Nai triều cao kết hợp với mưa lớn và xã lũ của 3 hồ cùng lúc gây ngập lụt từ 7/10 đến 25/10 vùng Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Quận 2, 9, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức và hai nông trường Lê Minh Xuân và Phạm Văn Hai (5).
 
2. Ngập lụt do con người gây ra
2.1. Thiết kế đô thị trên vùng đất nê địa. Kễ từ sau 1975, dân số Sài Gòn gia tăng nhanh, nhất là dân cư trú lậu không kiểm soát được, nên nhà cửa xây cất loạn xạ. Theo thống kê chính thức, dân số Sài Gòn năm 1975 là 3.498.120 người, năm 2010 là 7.391.108 (chưa kễ dân cư ở lậu), tức trong vòng 35 năm, dân cư thành phố tăng 2,1 lần (2)
          Thay vì thành phố nên phát triển trên vùng đất cao theo hướng đông và đông – bắc, thì Sài Gòn lại phát triển theo hướng nam và tây – nam, tức trên vùng đất thấp, nê địa, ruộng ngập nước, ao rau muống, nơi trước kia xử dụng như là hồ nước thiên nhiên điều thủy trong mùa mưa của Sài Gòn ngày xưa. Đây là những vùng có độ cao so với mặt nước biển chỉ từ 0,5 - l,0 m (22).
          Chẳng hạn, các khu đô thị phía Nam như Bình Chánh, quận 7, Nhà Bè, khu đô thị hiện đại tối tân Phú Mỹ Hưng là khu vực trũng, trước đây vốn là hồ chứa nước thiên nhiên. Toàn khu vực phía nam này là cửa thoát nước chính của Sài Gòn khi có mưa (3). Nay toàn khu vực được đô thị hóa, kinh rạch bị lấp, không còn đường thoát nước. Ví dụ điển hình là việc san lấp mặt bằng để làm khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã làm giảm khả năng tích trữ nước của Sài Gòn không dưới 10.000 m3 (2)
          Ngày nay, đô thị tiếp tục phát triển theo hướng Nam tức vùng thấp và hướng đông ra vùng biển Cần Giờ (17).
2.2. Sông rạch ao hồ thoát nước bị lấp. Sài Gòn trước 1975 có khoảng 700 tuyến sông, kinh rạch, trong đó nhiều tuyến là đường thoát nước quan trọng khi có mưa. Kễ từ 1975, khoảng 13.000 ha ao hồ, kinh rạch làm nơi chứa nước tại Sài Gòn đã bị lấp (2). Hồ Bình Tiên rộng 7,4 ha, một trong số những hồ chứa quan trọng nhất cũng bị san lấp (Tuổi Trẻ ngày 27/05/2010). Chỉ trong khoảng 14 năm (từ 1990 đến 2004) đã có chừng 47 kinh rạch lớn nhỏ với tổng diện tích hơn 16,4 ha đã hoàn toàn bị san lấp. Thêm vào đó, hầu hết kinh rạch giữa lòng Saigon như Tân Hóa, Lò Gốm, Xuyên Tâm, Hàng Bàng, Ba Bò, Ðen bị lấn chiếm, diện tích nhỏ lại. Nạn xả rác bừa bãi xuống kinh rạch làm tắt dòng chảy, chặn nguồn thoát nước tự nhiên của kinh rạch (2). Ngoài ra, sông Sài Gòn cạn vì phù sa bồi, bờ sông bị lấn chiếm, nên nước sông dâng cao rất nhanh khi có mưa, thủy triều lớn hay xả lũ các hồ trên thượng nguồn. Hai quận 8 và 6 đang trong tình trạng ngập nặng vì quá trình đô thị hóa ở Nam Sài Gòn vì các sông rạch thoát nước bị lấp (3).
Một chuyên gia đưa ra một ước tính rằng khả năng chứa nước tại chỗ trong hệ thống hồ ao của thành phố giảm 10 lần trong vòng 8 năm (2002-2009) trong lúc diện tích bê-tông hóa tăng lên 2,5 lần (2).
Trong nghiên cứu cho thành phố Sài Gòn, công ty tư vấn Nikkei Seikkei (Nhật Bản) đã đề xuất các khu đô thị tại nơi có nền đất cao phải có hồ điều hòa với dung tích từ 180-200 m3 cho mỗi ha xây dựng, còn đối với khu vực có nền đất thấp như Nhà Bè, Phú Mỹ Hưng Nikkei Seikkei đề xuất mô hình phát triển theo cụm và sử dụng công viên có diện tích đáng kể làm vùng đệm chống ngập. Tuy nhiên, Việt Nam không áp dụng lối quy hoạch này của thế giới mà ngược lại cho lấp toàn bộ ao hồ thiên nhiên vốn đã có (2).
2.3. Hệ thống thoát nước quá cũ với lưu lượng nhỏ và hư hỏng. Hiện nay Sài Gòn vẫn còn xữ dụng hệ thống thoát nước của thành phố Sài Gòn trước năm 1975, dài trên 1 ngàn cây số, chằng chịt khắp nơi như mạng nhện. Hệ thống cũ này trước kia thiết kế thoát nước với vũ lượng 40 mm/trận mưa. Ngày nay, bị hư hỏng . Phần cống được xây dựng thêm sau 1975 cũng không có khã năng thoát nước quá 40 mm mưa (22). Chỉ có một số ít cống chính có khã năng thoát nước với vũ lượng 80 mm hay đỉnh triều cường 1,32 m (22), trong lúc trong thực tế một trận mưa trên 60 mm hay 100 mm/ngày mưa vẫn thường xãy ra (12).
2.4- Bê Tông hóa mặt đất. Thành phốSài Gòn ngày nay coi như toàn bộ được tráng nhựa và xi măng, từ đường phố, đường hẻm, sân nhà, ngay cả công viên, v.v. ngăn chặn nước mưa thấm sâu vào lòng đất. Nước mưa vì vậy chảy tràn đến nơi trũng, gây ngập lụt.
Trong vòng 17 năm, từ 1989 tới 2006, diện tích mặt đất được bê-tông hóa tăng 4 lần, từ 6.000 ha năm 1990 lên tới 24.500 ha vào năm 2006, thu hẹp diện tích chứa nước, giảm đáng kể khả năng thấm tự nhiên vào lòng đất, hạ thấp mực nước ngầm, gây lún trầm trọng và làm thành phố trở ngập lụt dễ dàng (20). Ngoài ra, việc bê-tông hóa một diện tích lớn làm tăng nhiệt độ bề mặt đô thị, nhiệt độ bề mặt tối đa tăng từ 39,8 ºC năm 1989 lên 48,4 ºC năm 2006. Đây cũng là nguyên nhân gia tăng những trận mưa lớn tại Sài Gòn những năm sau này (3, 4, 20).
Trong thời kỳ 1998-2009, Sài Gòn mất đi 50% diện tích cây xanh khiến cho tỷ lệ cây xanh trên đầu người vô cùng nhỏ, khoảng 0,7 m2 /đầu người vào năm 2009, trong khi mục tiêu của năm 2010 đề ra trong quy hoạch chung là 6-7 m2/người.



Hình 3. Diện tích Sài Gòn bị bê tông hóa qua thời gian (2)
2.5.  Đất nền lún sụp. Xây dựngnhững cao ốc và đô thị hóa trên nền đất không vững của vùng nê địa, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, nước mưa không thấm được vào lòng đất vì bê tông hóa,  đã tạo ra hiện tượng bề mặt Sài gòn bị lún sụp, khoảng 15 mm/năm (2, 22).
2.6. Hệ thống đê bao chống ngập lụt không hữu hiệu: Ngày 26/11/2007, 40 điểm vỡ đê ở thành phố Saigòn, riêng  phường An Phú Đông, quận 12, có 22 điểm bể và tràn bờ nhiều nơi, có nơi ngập trên 1 m. Nước sông Sài Gòn ào ạt chảy vào khu dân cư, nhanh chóng dâng lên ngập cả thước. Nhiều hẻm có đoạn ngập đến 1,8 m (21).
 


Hình 4. Cảnh ngập lụt tại Sài Gòn ngày 26/11/2007
 
Ngày 8/11/2010, triều cường kết hợp với mưa lớn gây nhiều đoạn bờ bao xung yếu tại quận Thủ Đức, quận 12 đã bị vỡ. Hàng trăm gia cư thuộc khu phố 7, khu phố 8 (phường Hiệp Bình Chánh) và khu phố 2 (phường Tam Phú) quận Thủ Đức vẫn chìm sâu trong nước do bể bờ bao. Các tuyến đường trong nội thành như đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Tất Tố, Bùi Hữu Nghĩa, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Phạm Thế Hiển, Lưu Hữu Phước (quận , bị ngập sâu 0,3 m - 0,5 m.
Nước sông Sài gòn bất ngờ tràn ngập đường số 7 thuộc khu phố 5 (P. Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) vào rạng sáng ngày 28/9 nước dâng cao lên đến 1m và sau đó rút rất chậm theo con nước ròng. Nguyên nhân được xác định là một đoạn bờ bao tại rạch Ụ Lò bị san thấp trong quá trình thi công chưa kịp tái tạo (11).
2.7.  Ngập lụt do xả lũ: Hạ nguồn sông Sài Gòn chịu ảnh hưởng bán nhật triều của Biển Đông, nên khi có triều cường thì ngập lụt. Ngược lại, phía thượng nguồn, dầu đất cao hơn, nhưng một khi xả lũ của các hồ Dầu Tiếng, Trị An, Thác Mơ thì gây ngập lụt cho Sài Gòn (6, 7). Chỉ cần một ngày mưa 500 mm, bắt buộc phải xã lũ cùng lúc ở các hồ này (16), và như vậy phần lớn diện tích của các quận 2, 7, 8, 9, huyện Nhà Bè, v.v. sẽ chìm sâu trong nước (4).
Hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, cách trung tâm Sài Gòn  khoảng 70 km theo đường thẳng, có dung tích gần 1,6 tỉ m3, đập chính dài 1,1 km, đập phụ dài 27 km (16).
Trong trận lũ lịch sử lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ năm 1952, lượng nước đo được tại vị trí Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn là 1.400 m3/giây. Những nghiên cứu sau này cho thấy tần suất xảy ra trận lũ như vậy là 100 năm một lần. Theo qui định, trước ngày 1/11 hàng năm hồ Dầu Tiếng không được tích nước quá cao trình 23,1 m, sau ngày 10/11 mới được phép nâng lên 24,4 m, nếu có lũ về thì nâng lên 25,1 m và lưu lượng xả lũ đạt mức cao nhất 2.800 m3/giây (16).
Theo nghiên cứu của Hội Khoa học Thủy lợi TP Sài Gòn, qua 26 năm khai thác hồ Dầu Tiếng, lưu lượng xả lũ bất thường do cửa van hõng năm 1986 là 580 m3/giây đã gây ngập lụt khá nặng cho vùng hạ du, đặc biệt là Sài Gòn, năm 2008 cũng xả 600 m3/giây đã gây ngập cho nội thành Sài Gòn (16).  
          Vì vậy, nếu tất cả Hồ Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ, Phước Hòa xả lũ cùng lúc với khoảng 5% lưu lượng theo như quy định hiện hành (từ 20.000 - 30.000 m3/giây) thì Sài Gòn  chắc chắn sẽ phải chịu ngập lụt và thiệt hại rất nghiêm trọng (25).
2.8.  Đổ thừa cho hiện tượng Hâm nóng toàn cầu. Các cơ sở phụ trách chống ngập lụt ở Sài Gòn giải thích về việc Sài Gòn càng ngày càng thêm ngập lụt là một phần do nước biển dâng cao bởi hiện tượng Hâm nóng toàn cầu. Sự thật thì hiện tượng này không có liên hệ gì với sự trầm trọng ngập lụt ở Sài Gòn, vì mực nước biển tại Vũng Tàu không có biến đổi gì nhiều trong vòng 20 năm qua (2, 3, 26). Ngược lại, mực nước tại trạm Phú An và Nhà Bè gia tăng đáng kễ, với tốc độ lần lượt là 1,45 cm/năm và 1,17 cm/năm (2, 3), và sự kiện này có tương quan thuận giữa lưu lượng xả tối đa của trạm thủy điện Trị An với mức nước cao nhất hàng năm tại Biên Hòa, Phú An và Thủ Dầu Một (2, 26).
 


Hình 5. Biểu đồ mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu (VT), Nhà Bè (NB) và Phú An (PA) (2)
 

Hình 6. Tần số mực nước cao tại Phú An vượt 1,2 m, 1,3 m, 1,4 m và 1,45 m
Theo Hình 6, từ những năm 1990, số lần mực nước đạt các mức cao nhất hàng năm tại trạm Phú An tăng lên nhanh chóng. Nếu trong năm 1995, số lần mực nước vượt mức 1,2 m là khoảng 30 lần thì con số này vào năm 2007 là 100 lần (2).
2.9. Quản lý kém: Từ những nguyên nhân do con người gây ra lụt lội ở thành phố Sải Gòn kễ trên, nguyên nhân chính là do quản lý yếu kém, thiếu viễn kiến, phản khoa học và con người thiếu thật tâm (4).
Một trong các quản lý kém là các dự án thi công không đồng bộ, chồng chéo lên nhau, và không cơ quan nào chịu trách nhiệm thất bại về phần mình. Trong cơn mưa rạng sáng ngày 19/4/2011, toàn thành phố có tới 41 tuyến đường bị ngập sâu với độ sâu trung bình 0,3 m. Trong tổng số 41 tuyến đường bị ngập kể trên có đến hơn một nửa là do việc thi công các công trình thoát nước làm tắc nghẽn dòng chảy (9). Hiện tại (4/2011) toàn thành phố đã xuất hiện tới 64 vị trí thi công dự án làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, trong tổng số 64 vị trí trên, nhiều nhất là của dự án vệ sinh môi trường thành phố (lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè) với 25 vị trí; kế đến là dự án nâng cấp đô thị với 21 vị trí (9). Không biết thực tế đến bao giờ các dự án đó chấm dứt.
 
II. DỰ ÁN PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ SÀI GÒN TRƯỚC 1975
Trước 1975, có 3 dự án quan trọng phát triễn thành phố Sài Gòn. Cả 3 dự án này có những điểm chung: (i) đều quy hoạch phát triễn thành phố trên vùng đất cao, dọc bờ sông, và theo hướng bắc và đông bắc; (ii) tạo nhiều ao hồ ở vùng trũng để điều tiết lượng nước mưa tránh ngập lụt cho thành phố; (iii) nhiều sông rạch và hệ thống hầm cống thoát nước chảy tự nhiên theo độ dốc.
Đồ án quy hoạch đầu tiên  do đại tá công binh Coffyn đệ trình lên thống đốc Bonard năm 1862, theo đó Sài Gòn được thiết lập trên bờ sông có địa hình cao, với diện tích 2.500 ha cho dân số 500.000 người. Để thoát nước tự nhiên theo triền dốc, thiết lập hồ nhân tạo điều hòa nước mưa hay thủy triều đào ở vùng trũng. Hồ này có một số cửa được mở ra để nhận nước sạch từ sông và kinh rạch chảy vào khi nước thủy triều lên, và bằng cách này nó sẽ tống nước dơ ra kinh rạch bằng một hệ thống các ống dẫn ra kinh Bến Nghé, Thị Nghè và sông Sài Gòn khi nước triều xuống. Cứ hai lần một tuần nước chảy vào và xả ra sẽ làm sạch hệ thống nước thải của thành phố (14).
Năm 1943, kỹ sư Pugnaire cùng với kiến trúc sư Cerutti, công bố kế hoạch chỉnh trang Sài Gòn - Chợ Lớn và phát triển thành phố đến tận năm 2000 với dân số dự kiến tăng trên 1 triệu vào năm 2000. Trong kế hoạch này hai ông đưa ra đề xuất là phải đào một cái hồ ở phía tây đường Lê Văn Duyệt (Đinh Tiên Hoàng ngày nay), một mặt lấy đất tôn cao nền để xây dựng nhà cửa và điều quan trọng là để chứa nước mưa. Quanh hồ nhân tạo lớn này sẽ thiết lập một khu triển lãm, vận động trường thể thao, những câu lạc bộ thể dục và bơi lội, cùng các cơ quan hành chính của tỉnh Gia Định. Một hệ thống thoát nước dựa vào chính dòng chảy tự nhiên bằng một hệ thống kinh mương nối nhau chảy thoát ra sông. Dự án chưa được thực hiện vì chiến tranh (14).
Trong thời Việt Nam Cộng Hòa, nhóm kiến trúc sư do ông Lê Văn Lắm lãnh đạo, gồm quý ông như KTS Ngô Viết Thụ, KS Trần Lê Quang, v.v. đã công bố “Dự án thiết kế thủ đô Sài Gòn”. Dự án nghiên cứu rất chi tiết, từ lịch sử, địa lý đến điều kiện xã hội học, qui hoạch, thiết kế công trình đến kế hoạch trù liệu tài chính.
Theo dự án này, thành phố chỉ nên phát triển và mở rộng trên vùng đất cao, theo trục xa lộ Biên Hòa, hướng về phía bắc và  đông bắc (Thuận An, Biên Hòa) và Tây Bắc (Củ Chi). Thiết lập một đô thị Sài Gòn mới song hành với Sài Gòn cũ. Các cơ sở kỹ nghệ, và đại học phải dời ra khỏi Sài Gòn cũ, để dân chúng tự động đến định cư ở thành phố mới.
Dự án còn khuyến cáo là bất luận trong trường hợp nào thành phố cũng không được phát triển kỹ nghệ và đô thị hóa về hướng nam và đông nam thành phố như Nhà Bè, Cần Giờ, và Bình Chánh,  vì đó là khu vực trũng, xử dụng như hồ nước điều thủy khi có mưa to. Nếu có xây cất thì chỉ cho phép nhà thấp tầng, nhà vườn, và duy trì hình thái nông nghiệp sinh thái, không được bêtông hóa toàn bộ bề mặt để cho nước ngấm (14).     
Dự án chỉ thực hiện được vài năm, như thiết lập khu kỹ nghệ dọc Xa lộ cho tới Biên Hòa, thành lập làng Đại Học, khu Đại Học Thủ Đức, v.v. thì biến cố 4/1975 xảy ra.
 
III. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỄN TP SÀI GÒN NGÀY NAY
Hiện nay Sài Gòn được phát triễn theo hướng nam (Bình Chánh, Phú Mỹ Hưng) và hướng đông (hướng Cần Giờ) là vùng đất nê địa.
Ở Khu đô thị mới Nam Sài Gòn công ty tư vấn Skidmore, Owings & Merrill – SOM (Mỹ) đã quy hoạch theo mô hình “đô thị đảo” (City of Island) kết hợp phát triển các đô thị với các kinh rạch bao quanh vừa bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên vừa thoát nước dễ dàng, nhưng rất tiếc là ý tưởng này không được thực hiện đầy đủ trong thực tế (25).
Phát triển thành phố ra biển Đông, biến “Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông” của thời xa xưa thành “Rotterdam của Đông Nam Á”, theo như quy hoạch TP Sài Gòn đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt. Ông Arnoud Molenaar, Giám đốc phụ trách ứng phó biến đổi khí hậu của thành phố Rotterdam khi thăm viếng Sài Gòn tuyên bố: “Tiến ra biển, TP HCM nên biến nguy cơ (ngập lụt) thành cơ hội cho mình”. Lấy thành phố cảng Rotterdam làm kiểu mẫu mô hình phát triễn cho Sài Gòn, ông Molenaar nói tiếp “Đất nước nằm thấp hơn mực nước biển này đã phát triển ra biển qua nhiều thập kỷ và trở thành cảng biển lớn nhất Châu Âu khi có những điều kiện tốt về hàng hải”.
Đồng tình với quan điểm này, Ông Phó chủ tịch UBND khẳng định thành phố không thể không phát triển kinh tế biển để tận dụng chiều dài hàng trăm km dọc sông, thích hợp phát triển cảng (17).
Quy hoạch TP Sài Gòn đến năm 2025 chuyễn thành thành phố kinh tế cảng biển đã được Chính phủ phê duyệt.
 
IV. CÁC DỰ ÁN CHỐNG NGẬP LỤT NGÀY NAY
1. Công trình chống ngập lụt cho thành phố Sài Gòn
Để chống ngập lụt cho TP Sài Gòn, chia 3 vùng thủy lợi (25):
- Vùng I: Gồm toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn – Nhà Bè
- Vùng II: Khu vực ngã 3 sông Sài Gòn – Đồng Nai
- Vùng III: Khu vực bờ tả sông Nhà Bè – Soài Rạp
Dự án tập trung vào vùng I, là vùng khống chế khu vực nội thành Sài Gòn, với nhiều nhiệm vụ về tiêu thoát nước đô thị, môi trường và cải tạo đất. Để giải quyết, xây dựng một hệ thống công trình khép kín bao gồm 13 cống kiểm soát triều và 172 km đê bao kết hợp với các tuyến giao thông, cao trình đê tối thiểu 2,5 m.
Sau khi hoàn thành hệ thống khép kín, bảo đảm kiểm soát mực nước kinh rạch trong khu vực, trong đó có thể hạ thấp mực nước trong kinh rạch theo yêu cầu để tăng cường khả năng thoát nước của hệ thống thoát nước của đô thị cũ, biến dòng chảy 2 chiều thành dòng chảy một chiều, tạo điều kiện tốt cho việc thoát lũ, ngăn chặn ảnh hưởng của hiện tượng mực nước biển dâng (25).
Theo báo cáo thực trạng và giải pháp thoát nước của Sở Giao Thông Công Chánh Sài Gòn tháng l0/2003, các biện pháp xử lý đã triển khai cho vùng trung tâm thành phố nơi có tới 85% tổng số điểm ngập gồm các biện pháp chính như sau (22):
(i) Đối với vùng ngập do triều và mưa: tiến hành san lấp, nâng cao mặt đất, nâng cao mặt đường, như đã san lấp ở khu đô thị mới quận 7, hay tôn cao mặt đường đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh.
(ii) Đối với vùng ngập do mưa: làm thêm các đường cống nối từ đường này với đường khác; tạo hệ thống cống lấy và dẫn nước hoặc dùng máy bơm để bơm lượng nước ngập sang nơi khác.
(iii) Tiến hành nạo vét một số kinh rạch, nạo vét ống cống, hố ga định kỳ nhằm tăng lượng nước tiêu thoát.
(iv) Triển khai các dự án (vốn ODA hay vốn trong nước) như dự án vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè), dự án cải thiện môi trường nước (tiểu dự án cải tạo HTTN rạch Hàng Bàng), dự án cải thiện môi trường nước (lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ), dự án cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm.
Theo Trung Tâm Điều Hành Chương trình chống Ngập Nước hiện có 2 quy hoạch tổng thể liên quan tới công trình thoát nước và thủy lợi (7). Đó là: (i) Quy hoạch Quản lý Công Trình Thủy Lợi để quàn lý tình trạng ngập lụt ở Sài Gòn do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triễn Nông Thôn (NN&PTNT) xây dựng (phê chuẩn năm 2008), và (ii) Quy hoạch tổng thể về tiêu thoát nước của thành phố Sài Gòn.
1.1. Quy hoạch Quản lý Công Trình Thủy Lợi  được chính phủ phê duyệt đề xuất xây dựng một hệ thống đê bao dọc theo bờ Tây sông Sài Gòn với tổng chi phí lên tới 11.000 tỷ đồng để triệt tiêu ảnh hưởng của thủy triều đối với thành phố (2). Quy hoạch gồm:
-Xây dựng đê bao dọc bờ phải sông Sài Gòn có chiều dài tổng cộng 172 km.
-Xây dựng đê bao dọc sông Đồng Nai ở quận 9 chiều dài tổng cộng 13,5 km.
-Xây dựng 13 cống điều tiết dọc theo sông Sải Gòn.
-Nạo vét 30 con sông và kinh hiện hửu có chiều dài tổng cộng 219 km.
Hệ thống đê sông khi hoàn chỉnh (dự trù 2010) gồm đê cao từ 2m  đến 2,7 m. Đoạn Bến Súc - tỉnh lộ 8 cao 2,5-2,7 m; đoạn Quốc lộ 8 - Rạch Tra cao 2,2 m,; đoạn Rạch Tra – Vàm Thuật cao 2,0 m; lưu vực Thanh Đa, quận 2 và 9 cao 2,2-2,5 m.
Tuy nhiên, theo các mô hình toán học, nếu một trong các hồ tháo lũ thì các đê này ngăn chận được lũ, nhưng nếu cả 3 hồ xả lũ cùng lúc, cộng với mưa và triều cường thì hệ thống đê hoàn chỉnh này không thể chống cự được lũ tràn qua sông gây ngập lụt lớn ở nội thành Sài Gòn (5).
1.2. Quy hoạch tổng thể về tiêu thoát nước TP Sài Gòn đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt năm 2001. Dự án nhằm cải tạo, xây dựng hệ thống nước mưa kết hợp cải tạo kinh rạch hồ chứa hiện có, cải tạo, nâng cao khả năng tiêu thoát nước của kinh rạch. Quy hoạch gồm:
- Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè, nạo vét mở rộng kinh kết hợp xây dựng bờ kè, xử lý nước thải trước khi đổ ra kinh. Dự án nâng cấp đô thị thành phố lưu vực kinh Tân Hóa – Lò Gốm giải quyết ô nhiễm, thoát nước của kinh này.
- Dự án cải thiện môi trường khu vực kinh Tàu Hủ – Bến Nghé – Kinh Đôi – Kinh Tẻ, rạch Hàng Bàng nhằm cải thiện điều kiện thoát nước khu vực này. Dự án quy hoạch chống ngập úng cho thành phố được Chính phủ phê duyệt tháng 10/2008, thực hiện các giải pháp cơ bản vấn đề ngập do triều, lũ lớn, mưa to bằng cách xây dựng hệ thống đê bao và cống kiểm soát mực nước (3).
2. Các biện pháp sửa chửa cục bộ
Các biện pháp toàn diện nói trên cho tới nay không phát huy kết quả. Ngập lụt càng gia tăng. Vì vậy, địa phương có các biện pháp khác đối phó.
2.1. Nâng cao mặt đường: Nhiều con đường trước đây bị ngập nặng, nay chính quyền nâng mặt đường cao hơn để đường không bị ngập, nhưng lại gây ngập cho nhà dân trong khu vực, và ngập lụt ở các  đường khác chưa nâng cao. Để đối phó, dân nâng cao nền nhà. Chẳng hạng, đường Nguyễn Thị Thập ở quận 7 trước đây bị ngập rất nặng sau mỗi cơn mưa lớn. Nước ngập lút bánh xe khiến người dân khốn đốn trong sinh hoạt và di chuyển. Cách đây một năm, con đường được nâng cao, khang trang và không bị ngập khi mưa. Thế nhưng người dân lại lâm vào một cảnh khổ khác, vì nhà nào cũng thấp hơn mặt đường ít nhất là 0,5 m. Sau những trận mưa thì nước ào ào tràn vào nhà. Để đối phó thì nhà nhà chạy đua để nâng nền lên cho bằng với độ cao của con đường (8).
2.2. Đào ao hồ điều thủy. Nay nhận biết sự quan trọng của ao hồ thiên nhiên trong việc điều thủy, Sài Gòn đang tiến hành xây dựng lại hồ ao nhân tạo mà họ đã lấp trước đây. Chẳng hạn, hồ điều tiết Mễ Cốc ở phường 15, quận 8  được khởi công vào năm 2011 (19).  Ngoài dự án hồ điều tiết Mễ Cốc, hiện thành phố còn xử dụng các hồ như Hồ Kỳ Hoà; hồ trong các công viên Hoàng Văn Thụ, Hoà Bình  để làm hồ điều tiết. Hiện tại, hồ Kỳ Hoà đang gánh bớt một phần lượng nước ở các tuyến đường Lê Hồng Phong, đường Ba Tháng Hai và các đường lân cận bằng hệ thống ống dẫn vào hồ (19). Hồ Kỳ Hòa trước 1975 đã được thiết kế là một trong những hồ điều tiết của Sài Gòn (19).


Hình 7. Hồ nước trong công viên Hoàng Văn Thụ, Q. Tân Bình
2.3. Học bơi lội. Ngày 3/7/2009, dân Sài Gòn có dịp cười hê hã với quyết định mới ban hành của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Sài gòn là vận động dân chúng học bơi và phải hỗ trợ họ nâng cao kỹ năng bơi lội (4).
 
3. Dự án đê biển Vũng Tàu- Gò Công. Dự án nhằm chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng Sài Gòn và vùng Đồng Tháp Mười (24).
Kinh phí ước tính để thực hiện khoảng 30 ngàn tỉ đồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 10-15% kinh phí, còn lại là kêu gọi đầu tư, xã hội hóa. Dự án đê biển bao gồm một tuyến đê dài 32 km, xuất phát từ Vũng Tàu (mũi Ô Cấp, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đến Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Chiều sâu nước trung bình là 6 m, nơi sâu nhất là 12 m. Mặt đê rộng 50 m. Bên cạnh đó, công trình còn có một cống kiểm soát triều, thoát lũ và các âu thuyền phục vụ giao thông thủy.
Nếu được xây dựng, đê sẽ tạo được một hồ chứa với diện tích mặt nước 56.000 ha. Dung tích hồ chứa khoảng 3,3 tỉ m3 (24). Dự án còn trong tình trạng ý tưởng, và tham khảo dư luận, nhưng đã gặp nhiều tranh cải không thuận lợi (28, 29).
 
KẾT LUẬN
Cho tới nay giải pháp chống ngập lụt ở Sài Gòn vẫn chủ yếu dựa vào việc xây dựng đê bao như đề xuất trong Quy hoạch thủy lợi chống ngập mới đây của thành phố với tổng chi phí lên tới 11.000 tỉ đồng. Sau 10 năm tốn hơn 1 tỉ đô-la vào các dự án thoát nước, vấn đề ngập lụt vẫn chưa được giải quyết, ngược lại có phần trầm trọng hơn (18, 20). Xóa được ngập lụt ở nơi này, thì tạo ngập lụt ở nơi khác. Đến đầu năm 2006, toàn TP Sài Gòn có 105 điểm ngập. Trong ba năm tiếp theo (2006-2008), TP xóa được 57 điểm ngập thì lại phát sinh đến 78 điểm ngập mới khiến tổng số điểm ngập đến đầu năm 2009 nâng lên 126. Trong năm 2009, TP tiếp tục xóa được 30 điểm ngập, nhưng qua năm 2010, 32 điểm ngập mới xuất hiện (22).
Vì vậy, theo các chuyên viên, dù các dự án chống ngập lụt hiện hữu hoàn thành thì cũng chỉ có thể giảm được 50 % số điểm thường xuyên bị ngập ở nội thành mà thôi (3, 4).
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
2. Nguyễn Đỗ Dũng  (2011). Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh: đi tìm căn nguyên. (28/2/2011) http://dungdothi.wordpress.com/2011/02/28/ngapluthcmc/
3. Kiên cường (28/5/2010). TP HCM thành biển nước do sai lầm trong quy hoạch’ http://boxitvn.wordpress.com/2010/05/28/tp-hcm-thnh-bi%e
1%bb%83n-n%c6%b0%e1%bb%9bc-do-sai-l%e1%ba%a7m-
trong-quy-ho%e1%ba%a1ch/
4. Trần Văn (3/7/2009) . Dự án chống ngập lụt của Sài Gòn có phần “học bơi”? http://vietsn.com/forum/showthread.php?t=162276
5. Nguyễn Thanh Phong. Nghiên cứu ngập lụt vùng ven sông Sài gòn Đồng nai. thành phố Hồ chí Minh do chế độ xả lũ các hồ Dầu Tiếng, Trị an, Thác mơ . http://www.nsl.hcmus.edu.vn/greenstone/collect/hnkhbk/
archives/HASH1e78.dir/doc.pdf
6. Trung tâm chống ngập nước TP HCM. Thực trạng và giải pháp chống ngập đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh.
7. Hội thảo về cuộc sống đô thị C40. Sự ứng phó về nước và khí hậu cho thành phố HCM (12/5/2010).
8. Những ngôi nhà biến thành hang động ở Sài Gòn (16.10.2011). http://radiodlsn.blogspot.com/2011/10/nhung-ngoi-nha-
bien-thanh-hang-ong-o.html
9. Sài Gòn ngập lụt vì dự án môi trường.
http://vtc.vn/2-284003/xa-hoi/sai-gon-ngap-nuoc-vi-du-an-moi-truong.htm
10. Tình trạng ngập lụt ở Sài Gòn sẽ còn tiếp tục đến năm 2020 (2/11/2004). http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/ngaplut-20041102.html
11. Thi công bỏ dở, hàng trăm hộ ngập lụt. 28/9/2011.
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/41282/thi-cong-bo-do--hang-tram-ho-ngap-lut.html
12. QĐND. 4/10/2011. Chống ngập để phát triển bền vững ở TP Hồ Chí Minh, cần giải pháp đồng bộ và nguồn vốn .
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/162600/print/Default.aspx
13. Thực trạng và giải pháp chống ngập đô thị ở thành phố HCM. www.hids.hochiminhcity.gov.vn/.../TTchongngap...
14. Nguyễn Minh Hòa (2006).  Ngập lụt đô thị: những lời giải xưa.
http://vietbao.vn/Xa-hoi/Ngap-lut-do-thi-nhung-loi-giai-xua/40134064/158/
15. Hội thảo Thực trạng và giải pháp giải quyết tình trạng ngập nước ở tp. Hồ chí Minh (26/12/2007). http://www.siwrr.org.vn/?id=diendan
16. Lên phương án ứng phó vỡ đập hồ Dầu Tiếng  (14/10/2011). http://www.biethet.com/n789179-len-phuong-an-ung-pho-vo-dap-ho-dau-tieng
17. Muốn tiến ra biển, TP HCM phải chấp nhận ngập nặng. http://land.cafef.vn/2010061511515499CA35/muon-tien-ra-
bien-tp-hcm-phai-chap-nhan-ngap-nang.chn
19. TP. Hồ Chí Minh: Đào hồ điều tiết chống ngập (18/11/2010).
http://kienviet.net/bai-viet/chi-tiet/lam-gi-truoc-khi-
song-nhue-vo-phuong-cuu-chua
20. Chống ngập lụt tại Tp. HCM: Không thể chỉ trông chờ vào đê bao (30/11/2010).  http://kienviet.net/bai-viet/chi-tiet/chong-ngap-lut-tai-
tp-hcm-khong-the-chi-trong-cho-vao-de-bao
21. 40 đoạn đê bao quanh thành phố bị vỡ, Saigòn bị trận ngập lụt lịch sử! Đồng Nhân 11/27/2007.
22. Lê Huy Ba (29/7/2006). Giải pháp gốc chống ngập lụt ở thành phố HCM. http://vietbao.vn/Xa-hoi/Giai-phap-goc-chong-
ngap-lut-o-TP-HCM/40152884/157/
23. Bao giờ sài gòn hết ngập? - Bài 1: 10 năm vã mồ hôi chống ngập. http://phapluattp.vn/20110704110237340p0c1085/
10-nam-va-mo-hoi-chong-ngap.htm
24. Đê biển Vũng Tàu Gò Công.
http://www.skyscrapercity.com/showthread.php?t=1434088
25. Nguyễn Đăng Sơn (20/8/2011) Giải pháp tổng thể chống ngập ở Tp. HCM. http://trelangkienviet.com/2011/08/20/gi%E1%BA%A3i-phap-
t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%83-ch%E1%BB%91ng-ng%E
1%BA%ADp-%E1%BB%9F-tp-hcm/
26. Hồ Long Phi (2007). Chiến lược tích hợp quản lý ngập lụt để thích ứng với biến đổi ở thành phố Hồ Chí Minh. Proceedings: Conference on climate change and sustainable urban development in Viet Nam. Trang 278-287.
27. Hội Thảo về cuộc sống đô thị C40 (7/2010). Sự ứng phó về nước và khí hậu cho thành phố HCM.
28. Nguyễn Minh Quang (2011). Nhận xét về dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công. http://trunghoctanan.net/index.phpoption=com_content&view=
article&id=541:541&catid=4:stchs&Itemid=22
 
Reading, 11/2011
Trần Đăng Hồng
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 854985 visitors (2217560 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free