TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Kỹ niệm Trường NLS Sài Gòn
 
Lên mạng ngày 29/9/2010

Những Tháng Ngày
Với Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc
Sài Gòn
 
T.S Trần Văn Đạt
LTG: Chúng tôi cảm ơn GS Thái Công Tụng, quý anh Phạm Thanh Khâm, anh Phạm Xuân Bách, anh Huỳnh Văn Hoàn, anh Tô Quốc Khôi, anh Nguyễn Xuân Đào, anh Nguyễn Đức Thành và anh Nguyễn Tấn Hoàng đã cung cấp một số thông tin quý báo cho bài viết ký ức này. Vì thời gian qua lâu, trí nhớ hao mòn, nên chắc chắn có nhiều thiếu sót và sai lạc, rất mong quý đồng nghiệp bổ túc.

Thời gian đi nhanh quá! Chúng tôi dường như mới... ra trường, bây giờ đã bắt đầu nghỉ hưu trí. Nhìn lại quảng đường đi qua với nhiều kỷ niệm tuổi học trò, thành niên, chợt nhận ra cuộc đời lão hóa đến nhanh sồng sộc. Mới hôm nào chúng tôi phải trải qua cuộc thi tuyển khó khăn để được chọn vào học với tỉ số 100 trên khoảng hơn 3.000 thí sinh tham dự. Sau 4 năm trên ghế nhà trường, thu nhận một số kiến thức nghề nghiệp căn bản, chúng tôi cảm thấy lòng phơi phới cùng gia đình, bạn bè đến hội trường của công ty Sổ Số Kiến Thiết Quốc Gia trên đại lộ Thống Nhứt, đối diện Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn (NLS) để dự lễ tốt nghiệp và nhận bằng cấp mãn khóa cùng với 84 bạn đồng môn khác. Lúc đó, trong bộ áo mũ mãn khóa, chúng tôi xây dựng nhiều giấc mơ lớn trong lòng cho những ngày tháng sắp tới... Bây giờ, đã có lắm kẻ gác kiếm an hưởng tuổi điền viên, một số ít còn vài năm làm việc và ít người ra đi không còn nữa. Quay nhìn lại chặng đường đã qua, vài kỷ niệm về mái trường NLS thân yêu của mình lại xuất hiện.
 
Về lịch sử nông nghiệp, nền giáo dục nông lâm chỉ bắt đầu xuất hiện trong thời Pháp thuộc. Bên cạnh các phòng, viện, cục nghiên cứu và sản xuất, người Pháp đã thiết lập các trường nông lâm để đào tạo chuyên viên phục vụ nhà nước cai trị và các ngành khảo cứu để tăng gia sản xuất trong nước (Phạm Cao Dương, 1967):
 
- Trường Thú Y Hà Nội được thành lập năm 1906 và được xem như một ban của Trường Y Khoa Bắc Kỳ. Đến năm 1910 được đổi thành trường riêng biệt và năm 1917 được cải tổ thành Trường Thú Y Đông Dương.
 
- Trường Cao Đẳng Nông Lâm Hà Nội được thành lập năm 1918, với thời gian học 2 năm rưỡi và một khóa thực hành 9 tháng tại các sở nông lâm hay các đồn điền tư nhân.
 
- Trường Canh Nông Thực Hành Tuyên Quang được thành lập năm 1918 nhằm đào tạo các nhà trồng trọt bản xứ hoặc phụ giúp các chuyên viên châu Âu. 
 
            - Trường Nông Lâm Thực Hành Bến Cát được thành lập từ 1917 có mục tiêu như trường Tuyên Quang, nhưng ít người theo học vì khó tìm việc làm. Năm 1926 trường được đổi thành Trại Nông Nghiệp dành đào tạo những giám thị canh tác ở đồn điền.
 
Sau Hiệp Định Genève 1954, do Nghị Định 112 BCN/NĐ ngày 19-11-1955 Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao (Bảo Lộc) được thành lập tại tỉnh Lâm Đồng, trực thuộc Nha Học Vụ Kỹ Thuật và Thực Hành Canh Nông, Bộ Canh Nông, Miền Nam Việt Nam. Trường có hai cấp: (i) cấp Cao Đẳng 3 năm, nhưng kể từ 1963 và Khóa 5 về sau khóa học trở nên 4 năm; nhằm đào tạo cấp bậc Kỹ Sư dành cho học sinh có Tú Tài II (hoàn tất trung học cấp III), và (ii) cấp Trung Đẳng đào tạo Kiểm Sự dành cho học sinh có Trung Học Đệ Nhứt Cấp (Cấp II bây giờ) hoặc tương đương. Cấp Trung Đẳng khởi sự từ năm 1955 và cấp Cao Đẳng từ 1959.
 
Từ ngày vào học Trường Cao Đẳng này, tôi đã nêu một câu hỏi cho chính mình, bạn đồng môn và vài Giáo Sư; nhưng chưa có lời giải đáp thuyết phục. Tại sao Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục không được thành lập tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi được gọi là nôi nông nghiệp lớn nhứt nước mà đặt tại một vùng cao nguyên - tỉnh Lâm Đồng, nơi không có nhiều ruộng nương, sông rạch, chỉ có đồi núi, thung lũng với các vườn trà, vườn dâu, cam quít, rừng xanh mịt mù và dân cư thưa thớt? Dù lý do gì, Cấp Cao Đẳng Nông Lâm Mục chỉ ở Blao một năm rồi di dời về Sài Gòn vì lý do chiến tranh leo thang. Lúc bấy giờ, đường lộ Sài Gòn - Blao có nhiều khó khăn an ninh cho sự di chuyển của các Giáo Sư, nhứt là G.S. Pháp.
 
Đến Khóa 5 chúng tôi cũng còn nhiều GS Pháp dạy học, như Ông Pouriquet dạy về Thảo mộc bệnh học, Ông de Polinaire dạy về cây cao su, GS Lamy dạy Cơ thể học (Anatomy), GS Maurand dạy Thủy Lâm, GS Perpezat, GS Roth ... Do đó, từ năm 1961 Cấp Cao Đẳng được di chuyển từ Blao về ở tạm tại Nha Học Vụ Kỹ Thuật và Thực Hành Canh Nông; nhưng các lớp học được dạy ở nhiều địa điểm: Đại Học Khoa Học, Trường Dược Khoa, Viện Pasteur, Thảo Cầm Viên, Viện Khảo Cứu Nông Nghiệp, Viện Vi Trùng và Bệnh Lý Gia Súc, v.v. (Liên lạc với anh Phạm Thanh Khâm và Phạm Xuân Bách, 7-2010).
 
Trong hơn nửa thế kỷ qua, Trường đã thay đổi tên 7 lần và trải qua những giai đoạn trưởng thành lớn mạnh như sau (Trường Đại Học Nông Lâm Thủ Đức, 2005):
 
-      Nghị Định 112-BCN/NĐ ngày 19-11-1955, Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao được thành lập.
 
-      Nghi Định 1184/GD/TC ngày 24-8-1963, cấp Cao Đẳng được đổi tên: Trường
Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn; cấp Trung Đẳng được cải biến thành Trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
 
-      Sắc Lệnh 158/SL/VHGD/TN ngày 9-11-1968, trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc đổi tên Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp thuộc Bộ Văn Hóa, Giáo Dục và Thanh Niên, gồm trường Cao Đẳng Nông Nghiệp, Cao Đẳng Thú Y và Cao Đẳng Thủy Lâm.
 
-      Sắc Lệnh 174/SL/GD ngày 29-11-1972, Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp đổi tên Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp với 3 ngành nêu trên.
 
-      Sắc lệnh 010/SL/VH/GDTN ngày 11-1-1974, Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp, Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật và Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật được sáp nhập vào Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức. Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp đổi tên trường Đại Học Nông Nghiệp, gồm 5 ngành: Nông Khoa, Lâm Khoa, Súc Khoa, Ngư Nghiệp và Kỹ Thuật Nông Nghiệp.
 
-      Sau năm 1975, Đại Học Nông Nghiệp đổi tên Đại Học Nông Nghiệp IV, rồi Đại Học Nông Lâm Thành Phố HCM thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Trường hiện nay có đến 17 Khoa - Bộ Môn và 14 trung tâm, với khoảng 20.000 sinh viên, trong đó có độ 6.000 sinh viên nông nghiệp (2007).
 
Khóa 5 của Trường Cao Đẳng NLS lúc ban đầu gồm có 50 sinh viên ban Nông Khoa, 30 ban Súc Khoa và 20 ban Lâm Khoa (Hình 1); họ đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Miền Đông và Miền Trung Việt Nam. Khóa học khai giảng từ đầu mùa thu 1963 đến giữa hè 1967 tại Sài Gòn, với cơ sở trường lớp chưa được hoàn toàn ổn định. Đến khi mãn khóa, do thời cuộc chiến tranh, một ít sinh viên rời Trường sớm hoặc ở lại lớp nên chỉ có 85 người ra trường. Hiện nay, Khóa 5 có 19 người nghỉ hưu ở trong nước; 57 người sống ở nước ngoài, chủ yếu Hoa kỳ, Canada, Úc Châu và Âu Châu; và 9 người ra đi vĩnh viễn.
 
Năm học đầu tiên đã tạo nhiều ấn tượng trong trí nhớ chúng tôi. Vào ngày khai giảng, chúng tôi đến trường với tinh thần rất phấn khởi để bắt đầu năm học đầu tiên của khóa 5, niên học 1963-1964; nhưng rất ngỡ ngàng khi nhìn thấy mái trường chỉ là một ngôi biệt thự lớn có 2 tầng lầu và một dãy nhà trệt bên cạnh nằm trên đường Mạc Đỉnh Chi, Quận 1. Đó là Nha Học Vụ Kỹ Thuật và Thực Hành Canh Nông mà Bác Sĩ Đặng Quan Điện (mất 2008) làm Giám Đốc Nha kiêm nhiệm Giám Đốc Trường Cao Đẳng.
 
Sau năm học thứ nhứt của Khóa 5, Trường được chuyển đến Thành Cộng Hòa cũ rộng hai hecta, số 45 đại lộ Cường Để (nay là đường Đinh Tiên Hoàng) ở trung tâm Sài gòn, nơi đây có trường ốc 3 tầng lầu khang trang hơn, với văn phòng hành chánh, các lớp học rộng rãi, và có một khoảng không gian sân trường rộng lớn (Hình 1). Trường còn có Cư Xá dành cho sinh viên ở các tỉnh xa, Hợp Tác Xã Sinh Viên, và Quán Cơm Trưa Xã Hội Sinh Viên rộng rãi. Trong khu Thành Cộng Hòa, còn có sự hiện diện của Đại Học Nha Dược Khoa và Đại Học Văn Khoa, nằm đối diện với Trường Cao Đẳng NLS Sài Gòn. Nay Trường NLS xưa không còn nữa, mà phân nửa trở thành Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2 trong một building 8 tầng, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và phân nửa kia thuộc đài Truyền Hình TP (HTV).
 
Khóa 5 chúng tôi có bốn điểm nổi bật là (i) Cấp Cao Đẳng Nông Lâm Mục tách ra khỏi Trường Blao và đổi tên Trường Cao Đẳng NLS Sài Gòn (24-8-1963) (ii) Chương trình học bắt đầu dạy bằng tiếng Việt, mặc dù còn ít môn học bằng tiếng Pháp vì thiếu giáo sư, (ìii) có học trình 4 năm đầu tiên (chỉ số lương 470), thay vì học 3 năm (chỉ số lương 430), và (iv) học nguyên năm đầu tiên tại Đại Học Khoa Học, Ban SPCN (Sciences, physiques, chemiques et naturelles) có lẽ để tránh học nhiều nơi như các khóa trước trong khi chờ đợi cơ sở trường mới.

 
Hình 1: Khóa 5, trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc,
     45 Cường Để, Quận 1, Sài Gòn, 1965
 
Hàng 1 (ngồi): Từ trái sang phải, chị TT Lệ Chi, VA Hào, HĐ Gia, NT Hoàng, ĐH Hùng, NV Nhơn, NTuấn, NXĐào, NV Nhiều, NQ Sanh, -, HT Hạt, NB Khương, HV Lâm, NN Châu, NX Sơn, NV Thới, NN Chấn,-.
Hàng 2: N.Đ. Thành, NP Lương, GS Châu Tâm Luân, GS Nguyễn Văn Tân, GS Lê Văn Ký, GS Tôn Thất Ngữ, GS Vũ Ngọc Tân (Giám Đốc Trường Cao Đẳng), GS Oanh, GS Du, TV Đạt (cà vạt), -, -, TT Đàng, HN Lịch, P.T Nhã.
Hàng 3: HT Lễ, -, LV Hữu, Võ H. Nghĩa, -, NT Hưng, VH Để, PH Trinh, chị TT Đời, chị NN Bích, Chị NT Cúc, chị TT Tuyết Hạnh, CC Xu, NT Chánh, LQ Thông, NV Sáng, TQ Khôi, NĐ Tường.
 
Năm học thứ nhứt, phần lớn thời gian chúng tôi theo học lớp SPCN tại trường Đại Học Khoa Học nay là Đại Học Khoa Học Tự Nhiên (đường Nguyễn Văn Cừ); ngoài ra, còn học thêm lớp Anh ngữ và vài môn học nông nghiệp đại cương tại Nha Học Vụ NLS. Đây là một ưu thế của khóa học 4 năm đầu tiên của Trường Cao Đẳng NLS Sài Gòn, vì lớp học SPCN đã cho sinh viên chúng tôi một số căn bản khoa học vững chắc, hỗ trợ rất nhiều cho các môn học chuyên ngành sau này và sau khi ra trường. Trong thời gian theo học SPCN, tôi được sinh viên đồng môn bầu chọn làm Trưởng lớp niên khóa 1963-64 và anh Dương Văn Đầy làm Phó. Lớp học này có độ 400 sinh viên, gồm có 100 sinh viên NLS, và một số Giáo Sư dạy học nổi tiếng như Phạm Hoàng Hộ (Thảo mộc học - Botany) (Hình 2), Bà Mai Trần Ngọc Tiếng (Sinh lý thực vật), Chung Ngọc Tú (Vật lý), Chu Phạm Ngọc Sơn (Hóa học), Phạm Ngọc Thạch (Địa chất)… Chúng tôi được cấp học bổng toàn phần 1.500 $VN/tháng và bán phần 750$VN/tháng.
 


Hình 2: GS Phạm Hoàng Hộ (đội nón trắng, giữa) và sinh viên SPCN
trong chuyến du hành quan sát, 1963-64



Hình 3:GS Thái Công Tụng và anh Hùng,
Trưởng Ty Canh Nông Long Xuyên


    Vào mùa hè niên học đó (1964), chúng tôi đi tập sự tại trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc trong một tháng. Đây là thời gian tập sự xa nhà lâu nhứt và lý thú hơn hết; nên chúng tôi còn lưu giữ nhiều kỷ niêm khó quên trong đời sống sinh viên. Một hôm đi thực tập về ngành Thủy Lâm, chúng tôi được anh Đào Văn Tự (Khóa 1), Giảng Nghiệm Viên hướng dẫn với một chiếc la bàn trực chỉ đi tham quan cánh rừng phía sau Trường Blao. Thế mà nhóm chúng tôi đi quanh quẩn trong khu rừng này cả ngày và nếm được mùi vị rừng lá ẩm thấp, bị vắt rừng gây sợ hải. Con vắt (Heamadipsa), thuộc bộ Đỉa (Hirudinae) có 3 loài: vắt xanh, vắt đen và vắt vàng. Con vắt rừng là nổi lo sợ ám ánh lớn nhứt trong ngày vượt rừng đó. Trong khi chúng tôi đi từng bước, mắt luôn hướng về phía trước và nhìn xuống đất, chúng rơi xuống bám sát vào vai, cổ hoặc chân, tay mình từ lúc nào không hay biết. Đến khi nhận biết được, con vắt đen đã hút máu bụng no tròn rồi! Khi gỡ con vắt ra máu vẫn còn chảy rỉ từ lớp da thịt, chúng tôi phải dùng nước miếng thoa lên một lúc mới hết. Tội nghiệp cho các chị trong nhóm la hét không ngừng khi bị vắt bám vào đâu đó... Chúng tôi phải thay phiên nhau chặt phá bụi rậm để tìm lối đi khá lâu, nhưng cuối cùng cũng về đến ký túc xá vào xế chiều với thân xác mệt mỏi và đói khát, trễ muộn hơn các nhóm khác.
 
 
Một hôm khác, chúng tôi đi tập sự tại một trại nuôi bò của Trường, chủ yếu để tìm hiểu cách chăn nuôi, chuồng trại, thức ăn gia súc, cách vắt sữa bò, phòng ngừa bệnh tật và thụ tinh nhân tạo. Không hiểu do việc chích ngừa hôm ấy hay một lý do nào khác, người ta cho chúng tôi biết có một con bò chết vào đêm hôm đó và sinh viên chúng tôi có được một bữa ăn rất thịnh soạn tại ký túc xá trường! Trong những ngày tập sự ở Blao, chúng tôi không được phép đi lên Đà Lạt rong chơi trong hai ngày cuối tuần và không được đi ra khỏi phạm vi nhà trường sau 8 giờ đêm. Thế mà chúng tôi cũng “nhảy dù”  đón xe đò đi dạo phố Đà Lạt, và đi ăn chè mỗi đêm bên bờ hồ Blao để hóng gió mát. Tôi cũng nghe tin vài bạn Nông Khoa đi “chôm” cam quít trong vườn trái cây sưu tập, mặc dù được giám sát nghiêm nhặt. Vài bạn Súc Khoa cũng đem thỏ vào làm thịt và ăn uống tại nhà bếp cư xá…Một số sinh viên khác thường đến viếng nhà Giảng viên Nông Cơ (Hình 4) để tán dóc vì... nơi đó có một người đẹp tên Hạnh (?) từ Mỹ Tho đến nghỉ hè! Nhứt quỉ nhì ma thứ ba học trò!
 


Hình 4: Toán tập sự nông cơ và Giảng viên
(áo quần xanh đậm) ở Blao, 1964

Vào năm học thứ hai, Nhà Trường cho phép các sinh viên Khóa 5 được đổi ngành học của mình do yêu cầu của một số sinh viên. Lớp tôi có vài anh xin đổi từ ban Nông Khoa qua Lâm Khoa vì có tương lai vật chất tốt hơn sau khi ra trường. Cũng có anh chị từ ban Súc Khoa chuyển qua Nông Khoa…
 
Qua năm thứ 2 và 3, chúng tôi đi thực tập hè trong tỉnh Mỹ Tho và Cần Thơ, theo thứ tự. Đây cũng là thời gian vui vẻ và thoải mái của chúng tôi sau một năm học dài. Chuyến đi thực tập tại Tỉnh Cần Thơ còn để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt. Ông Trưởng Ty Nông Nghiệp Nguyễn Quang Thạnh và Bác Hai Thục (Nguyễn Thuần Thục, Thân phụ của chị Nguyễn Thị Kim Thu) đã tiếp đón nhóm sinh viên rất nồng hậu. Chúng tôi được hướng dẫn viếng thăm vườn cây ở bên cồn, vườn ương, các cơ sở nông nghiệp địa phương, tiếp xúc chính quyền, nông dân trong tỉnh… và chiêu đãi rất thân mật tại nhà Ông Trưởng Ty và nhà Bác Hai Thục. Tôi còn nhớ cả hai người này còn bảo riêng tôi (Trưởng nhóm) hai Ông rất hài lòng với phép lịch sự và siêng năng học hỏi của sinh viên Sài Gòn. Tôi chỉ biết cảm ơn lời khen và không nghĩ gì xa hơn là đời sống sinh viên hiện tại của mình.
 
Ngoài ra, trong các niên học chúng tôi được phân chia ra từng nhóm khoảng 10 người để tham gia "Đoàn công tác nông thôn" do nhà trường tổ chức với tài trợ của IVS (International Voluntary Service), ở các tỉnh lân cận Sài Gòn, như ấp Thân Cửu Nghĩa, Mỹ Tho và xã Linh Xuân Thôn thuộc quận Thủ Đức. Chúng tôi đến làng ấp làm việc và sống chung với nông dân trong một hoặc hai ngày cuối tuần. Trong một chuyến công tác vào ngày cuối tuần ở ấp Thân Cữu Nghĩa, Ông Ba Hội, một nông dân tiên tiến của Mỹ Tho, hướng dẫn một số sinh viên đến làm việc trong ấp theo lời yêu cầu của nông dân; nhưng khi đi đến giữa đường bị mấy ông du kích xuất hiện thình lình với súng AK trong tay, chận lại xét hỏi rồi cho đi...; làm toán công tác sợ hải không ít. Sau đó, đoàn công tác chúng tôi chuyển đến địa điểm khác ở ấp Linh Xuân Thôn, Thủ Đức. Những chuyến công tác này đã giúp sinh viên sống gần gũi với nông dân, hiểu rõ hơn đời sống của họ cũng như những sinh hoạt, phong tục thôn ấp, lề lối trồng trọt và thương mại nông sản. Tôi được nhà trường chỉ định làm Trưởng Nhóm công tác nông thôn và 2 lần tập sự ở Mỹ Tho và Cần Thơ.
 
Năm thứ 3 (1965-66), tôi được bầu làm Chủ Tịch Hội sinh viên trường Cao Đẳng NLS Sài Gòn; ngoài ra, còn có quý anh Nguyễn Xuân Sơn (Ngoại Vụ), anh Nguyễn Xuân Hiền (Nội Vụ), anh Nguyễn Ngọc Cư (Khóa 6: Tổng Thư Ký), anh Võ Hữu Để (Ban báo Chí), anh Phan Hữu Trinh, chị Võ Thị Phương Lan (Khóa 7: Thủ Quỷ)... phụ giúp trong Ban Chấp Hành. Một việc làm mà tôi còn nhớ đến nay: vào năm 1965, với khuyến khích và hỗ trợ tinh thần của Trường, Ban Đại Diện sinh viên (có thêm anh Nguyễn Ngọc Cư và Nguyễn Xuân Sơn) đã xin gặp Bác Sĩ Trần Ngọc Ninh, Tổng Trưởng Giáo Dục thời bấy giờ để yêu cầu chuyển đổi khóa học từ 3 năm lên 4 năm như các trường Cao Đẳng khác ở Sài Gòn và đổi tên trường Cao Đẳng NLS thành Học Viện Nông Nghiệp; nhưng chỉ có khóa học 4 năm được chấp thuận ngay, còn tên trường phải chờ đến năm 1972. Tôi còn nhớ BS Trần Ngọc Ninh bảo với chúng tôi rằng: “Nghề uốn tóc cũng có Viện uốn tóc!” Ngoài ra, còn có những cuộc hội thảo, đi biểu tình, bãi khóa... trong thời kỳ hỗn loạn ở Đà Nẵng dưới thời TT Nguyễn Cao Kỳ. Những hoạt động sinh viên này giúp chúng tôi có nhiều kinh nghiệm sống, làm việc xã hội, tinh thần đoàn thể; nhưng cũng làm mất rất nhiều thời giờ học tập quý báo của mình!
 
Vào năm học cuối cùng hay năm thứ tư, chúng tôi chọn ngành chuyên môn. Riêng tôi chọn ngành nông học và làm thí nghiệm trên cây lúa cho Luận Trình ra trường của mình, vì nghĩ rằng lúa gạo là loại lương thực chính của dân tộc Việt Nam. Trong khi làm thí nghiệm cho Luận Trình, tôi được G.S. Tôn Thất Trình hướng dẫn đề tài "Ảnh hưởng Quang Kỳ Tính (Quang Cảm) trên một số giống lúa cải thiện" (Hình 5). Trong thí nghiệm này có nhiều giống lúa địa phương tuyển chọn và IR8. Cuộc thí nghiệm được thực hiện tại vườn thí nghiệm của Trường trong 2 mùa lúa của niên học 1966-67, với sự trợ giúp lao động của một số bạn đồng môn, như chị Hàng Ngọc Ẩn, anh Nguyễn Văn Huỳnh, chị Lê Thị Châu, chị Nguyễn Thị Đẩu, anh Nguyễn Phú Hữu (Khóa 6), Trần Cảnh Thu, Phan Hữu Trinh, Nguyễn Bá Khương. Hồ Văn Lâm (Khóa 5)... Trong thí nghiệm, thời gian ánh sáng (quang kỳ) dành cho mỗi thử nghiệm trên các giống lúa trong các phòng tối rất quan trọng; cho nên, một gian nhà khá rộng với mái lưới được bao phủ chung quanh bằng vải đen có nhiều ngăn và gắn đèn điện, được thiết lập phía sau trường. Chúng tôi phải khuân các chậu lúa ra vào phòng tối gần đó (tầng hầm) trong các thời điểm khác nhau trong ngày, nên tốn rất nhiều sức lao động và thời gian vào mỗi buổi sáng sớm và chiều tối. Do đó, công tác thí nghiệm này cần rất nhiều sự giúp đỡ suốt năm của nhiều bạn đồng môn. Cảm ơn các Bạn thật nhiều!


Hình 5: Thí nghiệm lúa,Sài Gòn,1966: Giống
lúa Giàu Dumont trổ bông sớm hơn trong
quang kỳ 11,30 giờ so với quang kỳ
12 giờ chưa trổ bông
.
Ngoài ra, chúng tôi gồm các anh Phan Hữu Trinh, Trần Cảnh Thu, tôi (Khóa 5), cùng các chị Nguyễn Thị Đẩu, chị Hàng Ngọc Ẩn và chị Lê Thị Châu (Khóa 6) góp vốn lập trại nuôi gà vịt tại nhà chị Đẩu ở khu phố Hàng Xanh. Cuối cùng, trại gà không có lời gì nhiều, nhưng chúng tôi có một thêm ít kinh nghiệm chăn nuôi gia súc và có tình đoàn kết sinh viên NLS.
 
Vào những tháng học cuối cùng của năm thứ Tư, chúng tôi và vài sinh viên Khóa 6 (Chi Ẩn, anh Huỳnh…) còn hợp tác với Ông Ba Hội, xã Thân Cửu Nghĩa, Mỹ Tho thực hiện trồng một công lúa IR8 dọc theo quốc lộ 4 (1A) để trình diễn một giống lúa cao năng mới, gồm các họat động từ sửa soạn hạt giống, làm đất ruộng cho đến khi thu hoạch. Kể từ đó và sau ngày ra trường, cuộc đời và nghề nghiệp của tôi luôn gắn liền với loại Hòa Thảo này cho đến ngày nay. Trong suốt thời gian làm việc trong nước và ngoại quốc, tôi luôn hướng về lãnh vực khảo cứu, sản xuất và hậu thu hoạch của cây lúa, một loại thực phẩm căn bản của người Việt Nam, châu Á và của hơn 3 tỉ người hay hơn phân nửa dân số thế giới, với lòng đam mê của mình. Nhờ tầm quan trọng đó, khi làm việc với Cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ở thành phố Rome, nước Ý, nghề nghiệp tôi tương đối gặp được nhiều thuận lợi, phát huy tốt trên diễn đàn nông nghiệp và lương thực thế giới. Đặc biệt hơn hết kể từ 1998, tôi tham gia vào “Nhóm làm việc” (working group) thảo lập kế hoạch và tổ chức Năm Lúa Gạo Quốc Tế -2004 do Hội Đồng Khoáng Đại Liên Hiệp Quốc tuyên bố ngày 16-12-2002 tại New York, Hoa Kỳ, với mục đích nêu cao tầm quan trọng của loài thảo mộc này đối với vấn đề an ninh lương thực thế giới và đời sống nghèo khó của nông dân trồng lúa trong các nước đang phát triển. Đây là trường hợp duy nhứt cho một loại cây lương thực được vinh danh trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Tôi được Cơ Quan FAO trao tặng Huy chương về công tác này.
 
Bốn năm học tại trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc đã giúp chúng tôi tiếp thu một số kiến thức lý thuyết và thực hành căn bản cho nghề nghiệp tương lai, đặc biệt từ lớp học SPCN tại Đại Học Khoa Học (năm thứ nhứt), những chuyến du sát ngoài đồng ruộng, thực tập và công tác nông thôn; nhưng chúng tôi cảm thấy dường như còn thiếu chút gì đó để mình có thể đạt đến trình độ chuyên môn chính chắn hơn, nắm được kỹ thuật khoa học mới mẻ hơn, và có thể vào đời với nghề nghiệp vững vàng và hiệu quả. May mắn thay những chuyến công du ngoại quốc trong khi làm việc với Bộ Canh Nông đã giúp tôi nhìn thấy được vòm trời bên ngoài có thế giới tiến bộ hiện đại, nên cần có thêm một số kiến thức bổ túc cho các thiếu sót của mình. Trong giai đoạn đầu nghề nghiệp, khóa huấn luyện sản xuất lúa 6 tháng tại IRRI ở Los Banos, Philippines năm 1970 đã đáp ứng phần nào nhu cầu đó (Chị Trần Thị Cẩm Tuyến, anh Nguyễn Văn Nhơn và chi Trần Thị Lệ Chi cũng tham gia khóa huấn luyện này trước đó). Giữa năm 1974, tôi được cấp học bổng USAID đi du học tại Mỹ cho chương trình hậu Đại Học.
CD_NLS_SG_t2
 
Trong các Giáo Sư đáng kính của Trường Cao Đẳng NLS bấy giờ, có lẽ Anh Tiến Sĩ Nguyễn Võ Mỹ là một vị Thầy và cũng là một người bạn hiếm thấy, dễ thương, còn để lại trong lòng sinh viên Khóa 5 chúng tôi một hình ảnh và tinh thần cao đẹp. Anh Mỹ sinh năm 1932 (Nhâm Thân) tốt nghiệp Kỹ Sư Nông Học ở Toulouse năm 1959 và Tiến Sĩ Khoa Học Đất Đai ở Paris, Pháp, trở về nước khoảng năm 1964, dạy môn Hóa Học Đất Đai từ 1965-1968 tại Trường Cao Đẳng NLS Sài Gòn. Anh là con thứ của Ông Đốc Phủ Sứ Nguyễn Võ Bá rất nổi tiếng ở tỉnh Mỹ Tho và có người anh Nguyễn Võ Điểu, Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín, Sài Gòn bấy giờ. Anh cư ngụ trên đường Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ), Phú Nhuận (liên lạc với GS Thái Công Tụng và anh Huỳnh Văn Hoàn, 7-2010). Anh rất tận tụy với nghề nghiệp, đôi khi bỏ tiền túi và công sức để hoàn thành phòng thí nghiệm Hóa Học Đất Đai đạt chuẩn và có tầm vóc lớn của Trường Cao Đẳng bấy giờ. Do nhà trường thiếu phương tiện và nhân sự, Anh Mỹ đã làm việc trong Lab cả ngày lẫn đêm, ngoài giờ dạy học. Nếu khách viếng thăm Lab chưa biết Anh, có thể tưởng lầm Anh là một công nhân lao động của Trường. Anh phải làm hộ các thí nghiệm cho sinh viên vắng mặt để họ có thể tiếp tục làm việc đồng bộ với các sinh viên khác khi trở lại Lab, mà gương mặt Anh vẫn luôn vui vẻ với lời nói nhỏ nhẹ ôn hòa khi tiếp xúc sinh viên. Tôi còn chứng kiến anh Mỹ dọn dẹp, quét lau phòng Lab vào một buổi tối... Dường như phòng Lab Hóa Học Đất Đai này là nhà của Anh và việc làm trong Lab và dạy học là cuộc sống và hơi thở của Anh vậy.
 
Nhưng sự bất hạnh lại đến với vị Thầy cao quý này. Anh Mỹ đã nhập ngũ và được biệt phái làm việc ở Cục Quân Nhu Sài Gòn. Vào Tết Mậu Thân 1968, anh bị trọng thương ở đầu và nằm tại bệnh viện Bình Dân, được Bác Sỹ Phạm Biểu Tâm mổ. Anh Huỳnh Văn Hòan (Khóa 5) có vào thăm và tặng anh báo Paris Match và Constellation mà anh rất yêu thích. Anh nằm tại bệnh viện trong một tháng có hai lần hôn mê, rồi ra đi vĩnh viễn, để lại niềm thương nhớ và nuối tiếc cho rất nhiều sinh viên NLS dạo ấy!
 
Rồi ngày ra trường của Khoá 5 cũng đến vào đầu hè 1967! Chúng tôi vừa học xong năm thứ Tư, chưa kịp trình Luận Án để ra Trường, đã được Bộ Canh Nông tuyển làm việc ngay vì có nhu cầu, qua thơ giới thiệu của Trường Cao Đẳng NLS. Tôi làm việc ở Sở Nông Sản, sau đó Sở Lúa Gạo, Nha Canh Nông. Trong thời gian đó, tôi được Trường Đại Học Cần Thơ mời làm Giảng Nghiệm Viên, nhưng vẫn muốn tiếp tục làm việc với Bộ Canh Nông ở Sài Gòn.
 
            Những ngày tháng làm sinh viên NLS thật đẹp!
 
Trần Văn Đạt, Ph. D.
Hè 2010
 
 
 
Tài liệu tham khảo:
 
  1. Phạm Cao Dương, 1967. Thực trạng của giới nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. NXB Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 255 tr.
  2. Trường Đại Học Nông Lâm Thủ Đức. 2005. Nửa Thế kỷ Xây dựng và Phát triển. Kỷ yếu Trường Đại Học Nông Lâm, 250 trang.

Trở lại Trang KH & TH
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 852127 visitors (2210106 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free