TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Làng mạc và nông nghiệp VN
 
Lên mạng ngày 24/7/2011

(Panoramio.com)
Làng Mạc Và Nông Nghiệp Việt Nam
Thái Công Tụng
1.    Dẫn nhập
Khi đề cập đến làng mạc Việt Nam, nông thôn Việt Nam, ta liên tưởng ngay đến những lũy tre xanh, những con sông dài, những cổng làng, đồng ruộng v.v. Nhiều thi ca rãi rác đây đó trong kho tàng văn học Việt cũng nói lên điều đó. Mọi người Việt cũng xuất phát từ làng, rồi mới lên tỉnh.
Với nhà thơ tiền chiến Hồ Dzếnh:

Làng tôi thắt đáy lưng tre
 Sông dài cỏ mượt đường đê tứ
Nhịp đời định sẵn từ xưa
Ươm tơ tháng sáu, lên chùa tháng giêng ..
(Luỹ tre xanh)

ta thấy ngay địa lí nhân văn, địa lí hình thể, địa lí nông nghiệp của một làng miền bắc!
Với bài hát quen thuộc:

Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh,
có con sông lơ lửng vờn quanh êm xuôi về Nam.
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau. 
Bóng tre ru bên mấy hàng cau.
đồng quê mơ màng!

ta thấy hình ảnh cây đa, đình làng, cây tre, bến nước. Tiếng gà gáy ban trưa, tiếng cối chày giã gạo giũa đêm khuya cũng là những âm thanh văng vẳng khi ta đề cập đến làng Việt Nam:

Theo dõi đêm sâu mỗi tiếng gà,
 Tưởng chừng chốc lát sẽ đi xa
Tình còn lưu chút mùi nhân thế
Lay lắt hoàng hôn một gốc hoa (thơ Yến Lan)
hoặc:
Cảm ơn cái cối cái chày
Nửa đêm gà gáy có mày có tao
Cảm ơn bụi chuối bờ ao
Nửa đêm gà gáy có tao có mày

Tục ngữ ta có nhiều câu đề cập về làng như: Sống lâu lên lão làng, Phép vua thua lệ làng, Áo gấm về làng, Một miếng ở làng bằng sàng xó bếp v.v.
 
2. Các sinh hoạt nông nghiệp của làng Việt
Từ ngàn xưa, nông nghiệp là căn bản kinh tế: dĩ nông vi bản và làng mạc là tế bào của xã hội Việt Nam trong đó có đình làng là nơi hội họp, có đền làng là nơi thờ các thần hoàng của làng xã, có hương ước ràng buộc các người trong làng tuân thủ luật lệ. Làng mạc với luỹ tre xanh, với cổng làng, luôn luôn sống quanh sông ngòi để có nước trồng trọt, để di chuyển dễ dàng, để buôn bán: nhất cận thị, nhị cận giang
Cũng phát xuất từ làng mạc là những kho tàng ca dao với đầy tính nhạc điệu, từ ngữ, hình ảnh gắn chặt với đời sống nông dân từ trồng trọt đến hu hoạch, văn hoá ruộng vườn.
 Các nền văn minh lớn của nhân loại như văn minh Ai Cập, văn minh Trung Đông là phát xuất từ những dòng sông lớn như dọc sông Nil, dọc sông Tigre và sông Euphrate. Đó là vì nhờ đất phì nhiêu, tạo căn bản cho một nền kinh tế trù phú. Mà kinh tế xưa kia phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp. Riêng Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung hì nông nghiệp dựa vào một cây chủ lực, đó là lúa nước. Thực vậy, trên tổng số hơn 6 tỷ người trên thế giới hiện nay thì có hơn 3 tỷ là sống nhờ lúa gạo (Trung Quốc, Ấn Độ đã có hơn 2 tỷ rồi). Ngành trồng lúa nước dựa vào đất đai và nước trời: tùy các loại khí hậu, tùy theo các tiểu địa hình, địa mạo mà nông dân bố trí các mùa vụ khác nhau cùng với các giống lúa khác nhau.
2.1. Các tiểu địa hình của làng mạc
Châu thổ sông Hồng cũng như châu thổ sông Cửu Long, mới nhìn thì bằng phẳng nhưng thực ra có những tiểu địa hình mà cao độ chỉ khác nhau vài mét: các danh từ về địa mạo như bãi ngoài, đồng trong, giồng, bưng, gò, biền, gioi v.v. đã nói lên điều ấy:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa

Câu hát ru em:
                         Cái ngủ, mày ngủ cho lâu
                        Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về
vô hình chung cũng cho thấy có các ruộng sâu, ruộng cạn.
Tại miền châu thổ sông Hồng, có thể phân biệt nhiều loại hình như sau:
.hai bên bờ sông Hồng và các sông nhánh thường có các sống đất do nước lủ bồi đắp, cao có khi tới 15mét, rộng tới vài trăm mét, dốc đứng về phía lòng sông và thoải dần về phía các bãi bồi châu thổ. Các sống đất ấy đã ngăn châu thổ thành từng ô trủng khó tiêu nước.
.các ô trủng ngập sâu như ô trũng Hà Nam Ninh, phía Nam Hà Nội: hệ thống đê điều toàn vùng đồng bằng đã khiến cho sự bồi đắp không đồng đều; thực vậy, bề mặt nhiều nơi còn lồi lõm, có thời gian ngập úng trên 6 tháng.
Mỗi loại đất có chức năng khác nhau:

Đất màu trồng đậu trồng ngô
Đất lầy cấy lúa, đất khô làm vườn

Cần để ý tại miền châu thổ sông Hồng có đất phù sa nhưng có thể phân chia thành đất phía ngoài đê và đất phía trong đê:
- đất bãi ngoài đê được bồi tích hàng năm nên luôn luôn trẻ và màu mỡ.
- đất trong đê, không được bồi tích
Tại miền châu thổ sông Cửu Long cũng vậy: ven bờ sông Tiền, sông Hậu là các giải đất cao vì có phù sa sông ngòi bồi tụ trong khi các vùng xa sông là những bưng sâu, khó thoát nước. Dọc biển Đông, có nhiều giồng là vết tích của các bờ biển xưa vào các giai đoạn rút lui của biển khỏi đồng bằng ngày nay. Thực vậy, dưới lớp đất mặt các giồng này, có nhiều di tích các sinh vật biển xưa như vỏ sò, ốc, hàu.
Miền Trung thì gần giãy Trường Sơn nên các đồng bằng rất hẹp với 'mịt mù dặm cát dồi cây 'ven biển mà ngay trong đồng bằng đã chật hẹp này cũng đã có các tiểu địa hình (microrelief) như gioi, bầu, trũng v.v.
Sau đây là sơ đồ cho thấy có tương quan giữa các loại tiểu địa hình và sử dụng đất đai:

 
Địa mạo
Đồi
Vườn, nhà
Vàn cao
Vàn vừa
Vàn thấp
Nguồn nước
Nước trời
Nước trời, ao, giếng
Nước trời hoặc có tưới
tưới tiêu từ sông
tưới tiêu từ sông
Cây lương thực
Khoai mì, lúa nương
Rau cải,
dưa gang, khoai lang ..
lúa
lúa
Cây lâu
năm
chè, cây
rừng
cây ăn tr ái
 
 
 
                                                                  
2.2. Khí hậu thời tiết.
Nông nghiệp chịu ảnh hưởng của khí hậu và nhất là mưa. Tại miền Bắc và miền Nam, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5-6 và chấm dứt tháng 10-11. Nhưng lượng mưa không đều vì có năm mưa trễ. Hết mùa mưa là mùa nắng.
Mùa mưa miền Bắc cũng như miền Châu thổ Cửu Long thường khởi sự đầu hè, đúng như bài thơ Nguyên Sa:
             Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
             Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
            Anh lạy trời mưa phong toả đường về
           Và đêm mưa xin cứ dài vô tận
Còn miền Trung, vì có giãy Trường Sơn nên khí hậu hơi khác: mùa mưa trễ hơn miền Bắc, khởi sự từ tháng 8 và chấm dứt tháng 1-2 năm sau với hiện tượng gió Lào khô nóng vào tháng 5-6, nhất là từ Thanh Hoá đến Quảng Trị .
Kinh nghiệm nông dân Việt Nam về dấu hiệu báo hiệu thời tiết đã được un đúc trong văn học bình dân:
 -Đêm mù sương, trăng sao không tỏ,
Ấy là điềm mưa gió tới nơi.
Đêm nào sao sáng, xanh trời,
Ấy là nắng ráo, yên vui suốt ngày
Những ai chăm việc cấy cày,
Nhìn trời trông gió, liệu xoay lấy mình
 
-Nửa đêm trăng sáng mây cao,
Triệu thời nắng gắt, nắng gào chẳng ai
 
-Thâm đông, hồng tây, dựng may,
Ai ơi, ở lại ba ngày hẵng đi
 
Vì không chủ động được thời tiết nên nhà nông thường cầu khẩn cho mưa thuận gió hoà:
Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời, trông nước, trông mây
Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng
Các tiểu địa hình cũng như khí hậu vừa đề cập trên kia có ảnh hưởng đến các loại cây trồng với mùa trồng, các giống trồng v.v.
2.3. Các loại cây trồng
Vì làng mạc Việt Nam trải dài trên nhiều vĩ tuyến, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, nên ngành trồng trọt cũng đa dạng do nhiều khí hậu khác nhau, đất đai khác nhau. Ngoài lúa đóng vai trò chủ yếu, còn có các cây có củ (khoai các loại), cây ăn qủa, các loại rau, cây công nghiệp (mía, chè ..). 
Quê ta mát đất phù sa,
Trồng rau, rau tốt, trồng cà cà sai
Quê ta lắm bắp nhiều khoai,
Đồng trong chắc lúa, bãi ngoài xanh dâu
Dâu xanh, xanh ngắt một màu,
Xóm làng đan né, rủ nhau chăn tằm
Ruộng vườn, ta bón ta chăm,
Cho dâu đầy lá, cho tằm thêm tơ
Sau đây, ta thử bàn qua về vài loại cây trồng.
2.3.1. Lúa
Bài hát 'Tình hoài hương' bắt đầu với những câu:
Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê
Bài hát gợi cho ta hình dung ngay các ruộng lúa miền châu thổ sông Hồng, với hai mùa lúa. Thực vậy, lúa trồng cả mùa mưa lẫn mùa nắng, đúng với nhịp điệu của khí hậu nhiệt đới. Tuy nhiên vào mùa mưa, có khi mưa trễ, có khi mưa dứt sớm, có năm mưa ít gây hạn hán và cũng có năm mưa nhiều đem bão lụt nên vấn đề chống chọi với thiên nhiên rất khắc nghiệt.
(www.vietnamtravelkey.com/images/tours/vietnam_traditional_villages_3.jpg&imgrefurl)
Để chống hạn hán trong ruộng, nhà nông đã sử dụng mọi phương tiện như gầu dai, gầu sòng:
Ruộng thấp đóng một gầu giai
Ruộng cao thì phải đóng hai gầu sòng
máy bơm nước, đào kênh dẫn nước, chế các guồng đạp nước hoặc các bánh xe dâng nước chuyển động với dòng nước chảy (Bình Định, Quảng Ngãi).
Để chống mặn, phải làm đê ngăn mặn, giữ ngọt ở duyên hải. Nguyễn công Trứ đã làm ở các vùng duyên hải tỉnh Thái Bình.
Để chống lũ lụt miền bắc, nông dân phải xây đắp đê dọc sông Hồng và sông Thái Bình ngay từ đời nhà Lý.
Để chống úng thuỷ và thoát phèn, nông dân đào kinh. Đặc biệt tại miền châu thổ Cửu Long, có rất nhiều kinh đào chằng chịt giúp giao thông, buôn bán, và cải tạo đất. Nhiều loại cây trồng phải trồng trên đất khô ráo nếu không hệ thống rễ không chịu được nước:
Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đều
Như trên đã đề cập đến, các loại khí hậu và các tiểu địa hình có ảnh hưởng đến sự bố trí các hệ thống canh tác. Riêng về ngành trồng lúa có 3 hệ sinh thái chính:
-hệ sinh thái vùng đất cao nước trời (rainfed upland ecosystem) trong đó lúa trồng cạn là chủ yếu; lúa này chỉ phụ thuộc vào nước trời mà lượng nước mưa này lại thay đổi theo năm nên năng suất thấp. Ta có thể kể các loại lúa rẩy, lúa lốc trồng trên đất bãi cao ven sông, các gò đồi.
-hệ sinh thái vùng đất thấp nước trời (rainfed lowland ecosystem) trong đó có lúa nước (wetland rice). Tổ tiên ta trồng lúa nước đầu tiên và còn lợi dụng nước sông được nâng lên với thuỷ triều ở các vùng duyên hải ven biển để tưới ruộng. Dần dà, lúa nước đã được đưa dần từ ruộng nước lên ruộng cạn. Lúa nước là loại trồng trên các đất có chân nước trong ruộng và chiếm nhiều diện tích.
 Vào mùa mưa, nông dân tận dụng nước trời để trồng lúa: đó là lúa mùa với nhiều giống sớm, muộn khác nhau tùy theo mực nước trong ruộng:
                   Ra đi mẹ có dặn dò
                   Ruộng sâu thì cấy, ruộng gò thì gieo
Trong khi ruộng gò thì gieo vãi lúa vì không có nước trong ruộng thì ruộng sâu phải cấy mạ. Nhưng ruộng sâu cũng có thửa ruộng sâu vừa, có thửa ruộng sâu trũng:
-ở chân ruộng cao, cấy giống sớm (vì ruộng cao không giữ được nước trời lâu)
-ở chân ruộng thấp, phải cấy giống muộn (vì ruộng thấp giữ được nước lâu hơn nên sử dụng giống lúa thân dài và chu kỳ sinh trưởng dài).
Lúa mùa thường cấy tháng 5, và gặt tháng 11, tức tháng mười âm lịch, đúng như bài ca dao:
Bao giờ cho đến tháng mười
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta
Gặt hái ta đem về nhà
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công
Vài giống lúa thơm đặc sản như lúa Tám xoan, nếp cái hoa vàng ở miền bắc, lúa Nàng Hương, Nàng Thơm Chợ Đào trong Nam. Thông thường, các lúa thơm đều có quang cảm (photosensitive) nên chỉ trồng vụ mùa, gặt khi trời hơi lạnh và ngày ngắn vào tháng 10-11. Một loại canh tác lúa nước trời đặc biệt là lúa nổi (deep water rice): lúa nổi trồng tại các vùng có nước ngập sâu đến 3-4 mét như Châu Đốc, Long Xuyên thường bị lụt sâu; lúa nổi có thân cao và tăng trưởng theo mực nước lên; lúa nổi được sạ vào tháng 5. Sau vụ lúa nổi gặt vào tháng 12, nông dân tận dụng nước ẩm còn trong ruộng lúa để làm thêm hoa màu phụ.
-hệ sinh thái nước tưới (irrigated ecosystem). Với nhiều công trình thuỷ lợi như máy bơm, đập nước, kinh mương, guồng xe để đưa nước lên ruộng v.v. nên nhiều vùng có nước tưới để trồng lúa vào mùa nắng như lúa Đông Xuân trong Nam, lúa tháng 8 ở miền Trung, lúa chiêm ở miền Bắc. ( gọi như vậy vì giống lúa này du nhập từ Chiêm Thành); lúa này cấy tháng 12, thu hoạch tháng 5. Sau khi cấy xong lúa chiêm thì tháng giêng, tháng hai lúa chiêm vẫn chưa gặt nên nhàn rỗi đúng như ca dao:
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè..
 Vì chủ động được nước tưới nên nông dân trồng các giống lúa cải thiện, thấp dàn, phản ứng với phân bón nên năng xuất lúa ở hệ sinh thái này cao hơn lúa trồng vào mùa mưa.
Các giống lúa trồng có hai loại chính: đó là lúa tẻ sản xuất ra gạo nấu cơm và lúa nếp có hạt gạo dẽo dùng nấu xôi, gói bánh chưng, bánh tét, làm rượu nếp, cơm rượu v.v. . Ca dao cũng dùng lúa tẻ, lúa nếp để giải bày tâm tình trai gái:
Anh thưa với mẹ cùng cha
Nếp mà lộn tẻ, lựa ra hay đừn?
Đò đưa đến bến đò ngừng
Anh thương em thuở trước, nửa chừng lại thôi!
Trồng lúa thì không phải mùa nào cũng trồng một giống lúa vì có giống hợp với nước sâu, có giống hợp với chân ruộng trũng v.v.:
Tháng Giêng cho chí tháng Mười
Năm mười hai tháng em ngồi em suy
Vụ chiêm em cấy lúa di,
Vụ mùa lúa gié, sớm thì ba trăng (ba tháng)
Thú quê, rau cá đã từng
Gạo thơm cơm trắng, chi bằng tám xoan
Các giống lúa xưa kia thì rơm nhiều thóc ít còn khoa học ngày nay tuyển lựa lai tạo ra những giống thấp cây, chu kỳ sinh trưởng ngắn và nhiều hạt. Vì chu kỳ ngắn nên ngày nay nông dân thường sạ lúa (direct seeding) thay vì cấy lúa; thực vậy khi cấy lúa, cây lúa mất sức nên phải kéo dài thời gian sinh trưởng, chiếm đất, không kịp làm mùa sau.
Vì Việt Nam có nhiều châu thổ trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau nên trong một năm, không có tháng nào mà không có thu hoạch lúa: tháng 1-2 thì gặt lúa trong Nam, tháng 3 thì gặt lúa tháng 3 miền Trung, tháng 4-5 thì gặt lúa chiêm miền Bắc, tháng 8 gặt lúa tháng 8 miền Trung, tháng 10 thì gặt lúa mùa miền Bắc v.v.
Ngành trồng lúa đòi hỏi nhiều nhân lực từ làm đất, nhổ mạ, cấy mạ, chăm sóc, thu hoạch, xay lúa, giã gạo: Tháng ba cày vỡ ruộng ra, Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng, Ai ai cùng vợ cùng chồng, Chồng cày, vợ cấy, trong lòng vui thay!

 

Công việc sau thu hoạch gồm có đạp lúa, phơi lúa, xay lúa, giã gạo, giần sàng:
Ngày thì đem thóc ra phơi
Tối lặn mặt trời đổ thóc vào xay
Một đêm là ba cối đầy
Một tay xay giã, một tay giần sàng
hoặc:
Ra đường bà nọ bà kia
Về nhà không khỏi cái nia cái sàng
Ra đường võng giá nghênh ngang
Về nhà hỏi vợ 'Cám rang đâu mày'
Cám rang tôi để cối xay
Hễ chó ăn hết thì mày với ông
Giã gạo xay lúa là công việc nặng nhọc cần nhiều sức lực nên có câu về cô gái Sơn Tây:
Giã gạo vú chấm đầu chày
Xay thóc cả ngày, được một đấu ba
Như vậy công việc phụ nữ thôn quê thật là vất vả. Nhiều nơi gần núi, người phụ nữ phải đi đốn củi, trèo đèo nên than rằng:
Mỗi ngay ba bận trèo non
Lấy gì mà đẹp mà giòn hỡi anh!
Ngày nay, nhiều công việc như đập lúa, xay lúa, giã gạo không còn dùng cơ bắp mà được cơ giới hoá với máy đập, máy xay xát lúa nên không cần nhiều nhân công như ngày trước.
2.3.2. đậu: các loại đậu :
Đậu đen (Vigna cylindrica), đậu Hà lan (Pisum sativum), đậu nành (đậu tương), đậu ngự (Phaseolus lunatus), đậu ván (Dolichos lablab), đậu xanh (Vigna aurea), đậu tây (Phaseolus vulgaris). Vài vùng có đậu triều (Cajanus indicus). Trong Nam có trồng đậu bắp (Hibiscus esculentus) nhưng họ Malvaceae, không phải họ Papilionaceae như các loại đậu kia.
2.3.3. rau cải .
 Quanh các đô thị lớn có nhiều nhu cầu tiêu thụ rau cải, nên nông dân trồng nhiều loại rau như ca dao sau đây chứng tỏ:
 Đi đâu mà chẳng biết ta,
Ta ở kẻ Láng vốn nhà trồng rau
Rau thơm, rau húng, rau mùi
Thìa là, cải cúc, đủ mùi hành hoa
Mồng tơi, mướp đắng, ớt, cà
Bí đao, đậu ván, vốn nhà trồng nên
 
Rau thơm (Mentha aquatica), có tên khác húng Láng
Mồng tơi (Basella rubra) vì là dây leo nên trồng trên hàng rào, quanh nhà:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau một giậu mồng tơi xanh rờn (thơ Nguyễn Bính)
Bí có thể là bí đao (Benincasa cerifera), trồng lấy quả ăn và làm mứt hoặc bí ngô tức bí đỏ (Cucurbita pepo) hoặc bí rợ (Cucurbita maxima) trồng ăn quả, ăn ngọn non, lấy hạt rang ăn
Làng mạc xây trên đất cao, xung quanh nhà là vườn với ao; trong bài thơ 'Bạn đến chơi nhà' của Nguyễn Khuyến có mô tả sơ qua về quang cảnh một khu vườn nhà miền Bắc như sau:
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra hoa, cà chửa nụ
Bàu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Ao để thả cá, nuôi bèo và dùng tắm giặt. Ngoài ra, ao cũng có rau muống là loại cây chịu nước, đúng như tên khoa học: Ipomea aquatica.. Vùng trủng có chỗ trồng củ ấu tức Trapa bicornis (Ghét nhau thì củ ấu cũng tròn, trái bồ hòn cũng méo). với diện tích hạn chế.
Cà và rau muống là 2 thức ăn thông dụng trong bữa cơm:
Anh đi anh nhớ vợ nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
hoặc:
Công anh làm rể Chương Đài
Ăn hết mười một mười hai vại cà
Giếng đâu thì xách ăn ra
Không thì anh chết vại cà nhà em
Cà có nhiều loài nhưng cà ở đây là cà pháo dùng để muối:
Bồng em đi dạo vườn cà
Trái non bỏ mắm, trái già làm dưa
Làm dưa ba bữa dưa chua
Để dành ăn cấy, khỏi mua tốn tiền
Mướp có nhiều loại như mướp huơng (Luffa acutangula), mướp đắng (Momordica charantia), mướp ta (Luffa cylindrica) khi non để ăn, khi già cho xơ rửa bát. Bầu (Lagenaria vulgaris) trồng quanh vườn nhà, thả trên dàn leo ăn quả lúc còn non.
          2.3.4.. Cây kỹ nghệ: mía, bông vải, đay, vừng, thuốc lá
Đặc biệt về thuốc lá, phải kể đến thuốc Lào có trồng ở miền Bắc:
Nhớ ai như nhớ thuốc Lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.
2.3.5. Khoai các loại:
Khoai lang (Ipomea batatas), khoai mì (Manihot esculenta), khoai sọ (Colocasia antiquorum) có tên khác là khoai môn, củ dùng làm thức ăn, cuống (dọc) có thể muối dưa, khoai nưa (Amorphophallus rivieri) cũng cùng họ Ráy (Araceae) như khoai sọ, có củ ăn hơi ngứa, khoai nước (Colocasia esculenta), còn gọi là môn nước, củ và cuống đều ăn được, khoai từ (Dioscorea esculenta) trồng phổ biến nhiều làng mạc.
2.3.6. gia vị:  
Gừng (Zingiber officinale) vừa làm gia vị và làm thuốc trị tê thấp, ho, suyễn; riềng (Alpinia officinarum), họ Gừng (Zingiberaceae), củ nghệ (Curcuma longa) họ Gừng có củ được dùng làm bột cari, bôi mụn nhọt; ớt (Capsicum annuum), tiêu (Piper nigrum) v.v.
-Ai ơi chua ngọt đã từng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau
-Ớt nào là ớt chẳng cay
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng
-Ăn tiêu nhớ tỏi bùi ngùi
Ngồi bên đám hẹ nhớ mùi rau răm
Hỡi người quân tử trăm năm
Quay tơ có nhớ mối tằm hay không?
Các vùng núi phía Bắc có trồng mạch ba góc (Fagopyrum esculentum, sarrasin), cao lương (tức lúa miến Sorghum)
2.3.7. Cây ăn trái:
Miền Bắc có các loại cây ôn đới như đào, mận, táo, cây á nhiệt đới như vải, mơ , miền Nam có cây ăn trái nhiệt đới như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, mảng cầu, xoài, dừa, xa pô tê, chuối v.v. được thi vị hoá dưới nhiều bài ca dao:
-Làng tôi có lũy tre xanh
Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng
Bên bờ vải nhãn hai hàng
Dưới sông cá lội, từng đàn tung tăng
-Vì cam nên quít đèo bòng
Vì anh cần mẫn nên lòng em mơ
(http://www.flowers.vg/flowers/grapefruit.htm)
Ngày nay, nông nghiệp không còn có tính cách tự cung, tự cấp như xưa mà liên quan đến thị trường nên nhiều loại cây trồng như cây đay, cây cói, dâu tằm, càng ngày càng giảm sút vì không có nhu cầu tiêu thụ. Hình ảnh cây cau như trong thơ Hàn Mạc Tử 'nhìn nắng hàng cau nắng mới lên', hoặc trong thơ Quang Dũng:
Những tàu cau đượm làm chi ánh nắng?
Chum nước, gáo dừa, nhà xoan, gốc mít.
Đỏ, nâu, mít chín trĩu cành. Thưa thoáng trời xưa êm ả'
nay càng ngày trở nên 'vang bóng một thời'. Xưa kia thì 'miếng trầu là đầu câu chuyện', ngày nay khởi đầu là thuốc lá hoặc vài chai bia nên không còn hình ảnh cây trầu trong vườn nhà.
Ngoài những làng mạc sống bằng nghề nông cũng còn có ven biển những làng sống bằng nghề biển:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá (Tế Hanh)
Ca dao cũng có câu:
Nhà tôi nghề giã, nghề sông
Lặng thì tôm cá đầy trong đầy ngoài
Cá trắng cho chí cá khoai
Còn như cá lẹp, cá mai cũng nhiều
Nhiều chỗ chuyên đánh cá vào đêm như trong bài Đoàn thuyền đánh cá   của Huy Cận:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sáng đã cài then, đêm đập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi
..
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giũa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vân giăng
Cá nhụ, cá chim, cùng cá dé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé
Đêm thở, sao lùa nước Hạ Long
 
3. Nông nghiệp và thâm canh
Vói dân số tăng, ngày nay, ngành nông nghiệp không còn cổ truyền như trước. Thực vậy, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật như máy cày, máy sấy, máy xay lúa, phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ để hạn chế sự cạnh tranh của cỏ với lúa gieo thẳng (sạ ướt), các giống lúa thấp cây và chu kỳ sinh trưởng ngắn, các giống heo nái ngoại, gà mái đẻ ngoại, bò sữa v.v. đã được du nhập vào sản xuất.
Tăng sản lượng nông nghiệp thì phải tăng diện tích trồng trọt và tăng năng suất.
(meteor.iastate.edu)
Muốn tăng diện tích có 2 cách là tăng vụ và gối vụ.
- tăng vụ: trước kia làm 1 vụ lúa thì nay phải làm 2 vụ, chỗ nào trước kia trồng 2 vụ lúa thì nay làm thêm một vụ đông. Phải sử dụng các giống có chu kỳ sinh trưởng ngắn mới làm được nhiều vụ trong cùng một năm: ví dụ trước kia trồng vụ Chiêm với giống chu kỳ sinh trưởng dài; ngày nay, tại miền châu thổ sông Hồng, với các giống lúa cải thiện chu kỳ ngắn, nông dân trồng được lúa xuân (cấy từ 1 tháng 2 đến 10 tháng 2 (ra Tết) và gặt từ 25 tháng 5 đến 5 tháng 6), sau đó trồng lúa hè và làm thêm được vụ màu đông (bắp, dưa hấu, khoai lang, rau cải ..) như sơ đồ dưới đây:                                                   
 
                            
- gối vụ (relay cropping): trước khi thu hoạch, nông dân đã phải tận dụng đất trồng một hoa màu khác. Ví dụ: trước khi thu hoạch lúa quãng 10 ngày, đã cấy bắp hoặc trồng khoai lang, hoặc dưa hấu trong ruộng lúa.
Muốn tăng năng xuất thì phải sử dụng các giống cải thiện (bắp lai, lúa lai, lúa thấp cây, nhiều hạt hơn rơm ..) và phân hoá học, trong điều kiện sử dụng nước tối ưu. Lúa trồng mùa khô như lúa Đông Xuân có năng xuất cao hơn lúa trồng vào mùa mưa vì cường độ quang hợp vào mùa khô nhiều hơn. Riêng về phân hoá học, theo thống kê thì những năm gần đây, trung bình Việt Nam sử dụng mỗi năm quãng 2 triệu tấn phân đủ loại (NPK) để trồng 7 400 00 hecta lúa (theo tài liệu IRRI).
 
4. Nông nghiệp, dân số và môi trường.
Dân số Việt Nam tăng nhanh: năm 1954, toàn nước Việt chỉ có 25 triệu ngày nay, năm 2000, là 80 triệu. Theo thống kê, vào thời điểm 1999, dân số mỗi năm tăng 1.65%. Dù đã giảm nhiều từ 3% vào đầu thập niên 90, nhưng với nhịp tăng gia như vậy có nghĩa là cứ mỗi 42 năm, dân số sẽ tăng xấp đôi. Hiện nay, cứ mỗi năm, dân số tăng lên 1 triệu người, nghĩa cứ mỗi thập niên, dân số Việt Nam tăng lên 10 triệu người! 
Dân số tăng gây sức ép trên môi trường thiên nhiên như sơ đồ tóm lược dưới đây:
Vì dân số càng ngày càng đông nên kéo theo nhiều hệ quả sau:
4.1. Diện tích đất canh tác cho mỗi đầu người nông dân càng ngày càng giảm. Vài tỉnh miền Trung, chỉ còn 300m2 cho mỗi nông dân, mà lại manh mún ra hai ba thửa đất.. Thực vậy, khi dân số tăng lên thì đất chuyên dùng như đất xây dựng, đất giao thông, đất thuỷ lợi và đất nghĩa trang đều phải tăng, đất thổ cư cũng phải tăng do đó diện tích đất nông nghiệp trong quỹ đất của làng xã phải giảm.
Thực vậy, theo thống kê, vào năm 1930, số nông dân châu thổ sông Hồng là 5,9 triệu dân nghĩa là 7 người cho mỗi hecta trồng trọt, đến 1960, lên đến 7,3 triệu tức 10,7 người cho mỗi hecta và năm 1969 với 11,3 triệu nông dân thì phải cùng chia xẻ diện tích đất với 16 người cho mỗi hecta trồng trọt.
Hiện nay nhiều nông dân không còn có đất canh tác vì đất nông nghiệp càng ngày càng giảm. Do đó giá trị đất nông nghiệp càng ngày càng tăng. Hệ luận của nhận xét này là phải dành các đất xấu (đất phèn, đất laterit, đất núi đồi ..) cho các hoạt đông và cơ sở phi nông nghiệp như sân golf, các nhà máy, các khu kỹ nghệ, các nghĩa trang v.v thay vì sử dụng các loại đất phù sa phì nhiêu cho các hoạt động này như thực tế hiện nay chứng tỏ. Ngoài ra phải tạo ra dịch vụ ở nông thôn như bảo hiểm, ngân hàng, chuyên chở, buôn bán, các công nghệ ngay tại nông thôn như chế biến nông sản là những ngành không đụng chạm đến đất (off-the-land activities). Mọi hình thức dịch vụ du lịch (sinh thái, văn hoá..) đều không đụng chạm đến đất và tạo công ăn việc làm. Giáo dục nông thôn đặc biệt trên phụ nữ giúp nâng cao dân trí cũng sẽ góp phần ổn định dân số.
Theo tin tức báo chí trong nước thì tại miền châu thổ Cửu Long, số dân không đất tăng lên. Không đất thì chỉ đi làm thuê làm mướn cho nông dân khác và vì không đất nên không vay được tiền ngân hàng để đầu tư nên nghèo vẫn nghèo.
4.2. Số nông dân không có việc làm ở nông thôn càng ngày càng nhiều nên phải ra thành thị sinh sống chui rúc trong các xóm nghèo, không đủ hạ tằng cơ sở vệ sinh, gây thêm ô nhiễm môi trường với cống rãnh bị ngập, bãi rác không chỗ chứa. Do đó, đói nghèo từ nông thôn (rural poverty) đang chuyển sang đói nghèo thành thị (urban poverty). Ngoài ra cùng trong một thành phố, sự phân hoá giàu nghèo trở nên sâu sắc: người giàu có nhiều cơ hội có thêm nhà và ngược lại người nghèo không có lấy được một mái nhà.
4.3. Vì dân số tăng nên đòi hỏi thâm canh để thoả mãn nhu cầu luơng thực, do đó sử dụng phân hoá học, thuốc diệt cỏ và thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, trừ nấm để giúp tăng sản lượng thực phẩm. Các hoá chất như phân đạm gây phú dưỡng cho nước (eutrophisation), nhất là nitrat, gây hại cho người uống. Thực tế cho thấy các thửa ruộng bón quá nhiều đạm làm cho cây lúa dễ mẫn cảm hơn đối với các bệnh như bệnh cháy lá (tức đạo ôn Piricularia oryzae), bạc lá và từ các ổ dịch này, khi gặp điều kiện thuận tiện thì sẽ lan nhanh. Ngoài ra, tập quán dùng phân bắc còn tươi để bón rau cũng gây hậu qủa xấu đến môi trường.
Nông dân không áp dụng ngưỡng phòng trừ sâu bệnh vì mới thấy sâu bệnh là đã xịt thuốc mà lại do từng gia đình làm riêng rẽ chứ không tập trung. Thực ra, sâu bệnh luôn luôn có mặt trong hệ sinh thái, vấn đề là khi nào sâu bệnh thực sự có hại và hại đến mức nào cho cây trồng và cho con người thì lúc đó mới diệt chúng vì chúng chỉ là các thành viên góp phần ổn định hệ sinh thái với tư cách là một mắt xích của lưới thức ăn trong hệ. Sử dụng quá liều lượng, quá nhiều lần làm những sinh vật có ích cũng bị tiêu diệt như cua đồng, tép ruộng, ốc, ếch, nhái, rắn, cà cuống v.v. vốn là nguồn thực phẩm tự nhiên cho con người.
Phun thuốc quá nhiều tạo ra dư lượng trong rau cải, trong đất, gây ô nhiễm môi trường nước, thêm vào đó là nước thải các kỹ nghệ ở đô thị xả xuống.
Đất và nước là tiền đề cho nông nghiệp; thế nhưng môi trường này càng ngày càng bị sức ép với dân số tăng nhanh: phá rừng, xói lở, ô nhiễm nước ngầm, nước mặn.
 
5. Kết luận
 Xưa kia, làng xã là một đơn vị kinh tế tự cung, tự cấp, có tính cách trao đổi với thiên nhiên hơn là với xã hội. Hệ thống khép kín đó, giúp phát triển tính cộng đồng, tính đoàn kết, tình tương thân tương ái vốn là những thuộc tính của văn hoá truyền thống. Con người Việt Nam ra đi từ làng và cuối đời cũng về làng; nhiều người đỗ đạt ra làm quan ở triều đình nhưng khi về già cũng trở về vui thú điền viên. Chữ Quê, viết theo hiết tự chữ Hán gồm 2 chữ Thổ, hàm nghĩa là đất để sinh tồn và cũng là đất để chôn cất. Làng mạc là nơi bao nhiều giòng họ, tổ tiên đã gửi mình tại đó; cả một tàng thức cộng thể với lễ hội, với câu hò, điệu hát, tục ngữ, ca dao .. đã đóng góp vào văn hoá truyền thống dân tộc. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ra hải ngoại ta bắt gặp nhiều hội đoàn mang tên tỉnh, tên vùng với các đặc san hàng năm xuất bản vào dịp Tết ta ghi lại các kỷ niệm buồn vui của làng mạc, nơi chôn rau cắt rốn. (Tiếng Sông Hương, Đặc san Bình Định, Quảng Trị, Phan Thiết, Quảng Nam, Hội Mỹ Tho ..)
Bên cạnh cái đẹp của văn hoá truyền thống un đúc từ ngàn xưa, thì cư dân làng mạc chỉ sống sau luỹ tre xanh, không tiếp xúc với bên ngoài nên văn hoá ấy cũng có những khuyết điểm như tính bảo thủ ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn, tính đố kị của nếp sống theo thứ bậc sống lâu lên lão làng chứ không phải theo năng lực, tính cào bằng, không ăn thì đạp đổ.
Ngày nay, sự tiếp xúc với các tư tưởng mới thông qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, truyền thanh, video, sự giao thông dễ dàng nên các làng mạc gần đường giao thông có tâm hồn cởi mở hơn, hội nhập hơn, năng động hơn. Tuy nhiên, nhiều làng mạc vẫn còn nghèo nàn về văn hoá, thiếu trường học, thiếu y tế, do đó vẫn có phân hoá giàu-nghèo
Với toàn cầu hoá và khu vực hoá, làng mạc, nơi sinh sống của 70% dân số Việt nam sống về nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng đồng thời lại càng ngày càng gặp nhiều thách thức. Cơ hội vì nông nghiệp hướng về xuất cảng sẽ không còn là kinh tế tự túc, tự phát, tự cung mà phải là nông nghiệp hàng hoá đem về ngoại tệ để tái dầu tư. Thách thức vì phải cạnh tranh với các nước khác. Nông nghiệp hướng về xuất cảng sẽ gây tăng trưởng kinh tế nhưng tăng trưởng kinh tế phải đi song hành với công bằng xã hội sao cho mọi người dân quê ở làng mạc xa xăm vẫn có mọi tiện nghi như đô thị, song hành với phát triển xã hội sao cho mọi người dân quê có học hành, bớt sinh đẻ, không nghiện ngập, song hành với bảo tồn môi trường thiên nhiên, tóm lại phát triển bền vững và hài hoà với thiên nhiên và với con người. 

Thái Công Tụng
        

Tài liệu tham khảo
 
Trần Văn Đạt. Lịch sử trồng lúa Việt Nam. Nhà xb Nông nghiệp bền vững 2010.
Trần Văn Đạt. Sản xuất lúa gạo thế giới. Hiện trạng và khuynh hướng phát triển trong thế kỷ 21. Nhà xuất bản Nông Nghiệp 2006.
Trần Văn Đạt. Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam từ thời nguyên thủy đến hiện đại. Nhà xuất bản Nông Nghiệp 2002.
FAO. Speciality rices of the world. Technical editors Ram C. Chaudhary & D.V. Tran 2001.
Lê Văn Khoa (Chủ biên). Nguyễn Đức Lương, Nguyễn Thế Truyền. Nông nghiệp và môi trường. Nhà xuất bản Giáo Dục 1999.
Philippe Papin. Việt Nam: Hành trình một dân tộc. Nguyễn Khánh Long dịch Thời Mới Toronto 2001.
Tôn Thất Trình. Tìm hiểu về cây ăn trái có triển vọng cho vùng cao Việt Nam . Nhà xuất bản Nông nghiệp 2004.
Thái Công Tụng. Việt Nam: Môi trường và con người. Vietnamologica số 6. Montreal 2005.
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam. Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian cải cách hiện nay. Nhà xuất bản Nông nghiệp 1995.
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam. Tính bền vững của sự phát triển nông nghiệp ở miền Bắc Việt Nam. Nhà xuất bản Nông nghiệp 1995.
 

 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855142 visitors (2217818 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free