Lên mạng 4/11/2011
THUỶ ĐIỆN ĐỪNG CHẾT VÌ MƠ HỒ!
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh
www.biendoikhihau.cantho.gov.vn
"Hãy để lại cho con cháu những gì cha ông đã hào phóng để lại cho chúng ta".
Đập thủy điện- 130 năm tồn tại!
Từ xa xưa người ta đã biết sử dụng lực sản sinh từ dòng nước chảy để làm một số công việc cần nhiều sức lực như nhà máy xay bột. Vào khoảng thập niên 1770, một kỹ sư người Pháp đã phát triển ý tưởng công nghệ thuỷ điện. Đến năm 1878 người Anh đã khai trương ngành thuỷ điện của thế giới. Ba năm sau đến nước Mỹ làm thuỷ điện và chỉ 8 năm sau riêng Hoa kỳ đã có 200 đập thuỷ điện. Đến năm 2008, toàn cầu đã có hơn 45 ngàn đập thuỷ điện, cung ứng hơn 20% lượng điện của thế giới. Tam Hiệp của Trung Quốc là đập thuỷ điện lớn nhất thế giới đã được đưa vào sử dụng. Bốn quốc gia như Norway, Congo, Paraguay, Brazil đáp ứng hơn 85% nhu cầu năng lượng bằng thuỷ điện.
Cái được không bền vững-50 năm phải phá bỏ đập!
Mặt tích cực của đập thủy điện như nước lúc nào cũng dư thừa(?), dựa vào sức nước tạo điện nên không gây ô nhiễm(?). Nước trong hồ chứa sau khi phát điện còn hỗ trợ cho dẫn nước tưới cho hạ nguồn và sử dụng cho nhiều mục đích khác như thể thao, du lịch, nuôi cá(?)… Thêm vào đó, công trình thủy điện sử dụng kéo dài vài chục đến hàng trăm năm, nếu tính toán chi phí và lợi ích một cách đơn giản, có thời gian dài thủy điện được cho là công nghệ năng lượng rẽ tiền và thân thiện môi trường.
Đập thuỷ điện thật ra bộc lộ rất nhiều bất lợi. Hồ sơ chuẩn bị làm một đập thủy điện tốt phải có bộ dữ liệu địa chất, khí tượng, thủy văn hàng trăm năm. Thời gian, công sức và chi phí, cần cho đánh giá lợi hại, gấp hàng chục lần so với nhà máy nhiệt điện. Không như những suy nghĩ ban đầu, thủy điện thật ra là nguồn gây ô nhiễm kép vì vừa đốn phá rừng làm giảm nguồn hấp thu khí CO2; vừa làm phát sinh khí CH4, do phân hủy kỵ khí chất hữu cơ, từ đáy hồ bay vào không khí. Với mộtkhối lượng lớn nước trữ trong hồ,nếu đập bị sụp đổ do nhiều nguyên nhân kể cả động đất sẽ là một thảm họa cho dân cư hạ lưu. Đập thủy điện sau 50 hoặc 100 năm đã quá cũ phải được dỡ bỏ nếu không muốn bị vỡ bất ngờ. Chi phí phá đập và chi phí môi trường cần phải đưa vào giá thành. Đây là một yếu tố thường xuyên không được đưa vào tính toán cho thủy điện ở VN và sông Mekong.Đập thủy điện thường phải xa khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp nên chi phí xây dựng đường dây truyền tải và thất thoát điện, cộng đầy đủ chi phí thì giá điện không hề rẻ so nhiệt điện. Sản xuất thủy điện lại phụ thuộc vào lượng mưa, phụ thuộc vào thời tiết một yếu tố không thể dự đoán chắc chắn nhất là trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu sắp tới.
Cái mất thì vĩnh viễn-Tiệt chủng giống loài thủy sinh!
Hệ sinh thái và đa dạng sinh học bị thiệt hại là điều chắc chắn đầu tiên. Diện tích đất lòng hồ lớn gấp hàng ngàn lần diện tích nhà máy nhiệt điện cùng công suất, và phải tích nước, nên ruộng đồng, làng mạc, nhà cửa, sinh kế của cư dân, tài nguyên rừng và hệ sinh thái hiện có ở hồ chứa và khu vực lân cận sẽ bị huỷ hoại. Các tổn hại càng trầm trọng hơn vì hồ nước làm mất sự thống nhất về hệ sinh thái của 2 bên bờ.
Cho dù có làm “cầu thang cá”, đập nước sẽ ngăn cản cá lên thượng nguồn sinh sản, trứng cá hay cá con trở về hạ nguồn để hoàn thành vòng đời thì bị tua bin máy phát điện hủy hoại. Sinh khối của lưu vực vì thế chắc chắn bị suy giảm, thậm chí mộ số loài mất đi vĩnh viễn, ảnh hưởng nặng nề sinh thái và sinh kế dân cư địa phương. Nước từ đập chảy xuống hạ lưu vừa mang ít phù sa vừa mang năng lượng cao và diễn biến bất thường gây lũ lụt, sạt lở bờ, hoặc làm khô cả dòng sông ở hạ nguồn. Ngay cả tài nguyên hải sản nơi cửa sông có đập thủy điện đổ ra cũng bị hại do mất nguồn thức ăn.
Quá khứ nhạt nhoà-tương lai u ám
Nhìn lại lịch sử, với hơn 100 năm, ngành hàng không đã đưa con người vào không gian và còn hứa hẹn nhiều phát triển hấp dẫn trong tương lai; ngành công nghệ thông tin sau 60 năm trở thành một công cụ không thể thiếu cho trong mọi hoạt động kinh tế kỹ thuật của người hiện tại; với tuổi đời 130 năm, thủy điện chỉ đáp ứng 20% nhu cầu điện thế giới và hầu như không còn phát triển vì sự có hạn của các dòng nước tiềm năng, và cũng vì tác động đặc biệt nguy hại so với những lợi ích đem lại của thuỷ điện.
Những năm gần đây, một số nhà khoa học và chính trị có uy tín xem thuỷ điện là một trong những nguyên nhân chính gây những trận lũ lụt năng nề ở miền Trung, Việt Nam. Tháng 4 năm 2011, trong chuyến đi tham quan sông Hồng, chúng tôi rất ngỡ ngàng nhìn thấy nước sông Hồng có màu xanh nhờ nhờ do ô nhiễm, hầu như không chảy, cả ngày trên sông chỉ thấy một thuyền chày với vài mẽ lưới chỉ có con cá nhỏ như cá “lòng tong”. Còn đâu “sông Hồng Hà reo” hay “Hồng Hà cuốn ngàn nguồn sống tràn đầy dâng”. Chủ tàu cho biết hiện tượng này chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây do các đập thuỷ điện ở thượng nguồn.
Chuyện lụt miền Trung và nước sông Hồng màu xanh có nguyên nhân từ đâu chắc chắn có nhiều tranh luận. Còn chuyện tác hại do đập thuỷ điện trên thế giới thì đã có nhiều chứng minh, bằng chứng gần nhất và thuyết phục nhất là từ đập Tam Hiệp của Trung Quốc, tác giả xin tóm tắt một số bài viết của các tác giả trong nước và quốc tế như sau.
Với công suất 18.200 MW, đập Tam Hiệp là dự án thủy điện lớn nhất thế giới, được dành cho mọi sự quan tâm cao nhất, từ khâu khảo sát, thiết kế cho tới kỹ thuật xây dựng, quản lý điều hành; đây là công trình biểu thị lòng tự hào của cả nước Trung quốc hiện đại, nên được đầu tư mạnh mẽ về mọi mặt. Nhưng, trong một động thái bất ngờ, ngày 18 tháng 5 năm 2011, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thừa nhận rằng Dự án Tam Hiệp đã gây ra nhiều vấn đề xã hội, vấn đề môi trường và địa chất nghiêm trọng.
• Vấn đề di dời cư dân trên lòng hồ: đập Tam Hiệp làm ngập 13 thành phố và phải di dời hơn 1,2 triệu người. Người dân mất chổ ở, thất nghiệp và bần cùng hóa làm rối loạn an sinh xã hội Trung quốc.
• Huỷ hoại sinh thái: Hồ chứa đã biến sông Dương Tử thành bãi chứa rác với tảo nở hoa độc hại. Đập ngăn chặn di cư của cá, thủy sản giảm mạnh, cá heo sông Dương Tử đã tuyệt chủng, và các loài khác đang đối mặt với số phận tương tự.
• Sạt lở bờ: Khi khảo sát, chính phủ chưa chú ý vấn đề tác động địa chất, sạt lở đất và xói mòn ảnh hưởng đến một nửa khu vực hồ chứa. Hơn 300.000 người nữa sẽ phải di dời.
• Tác động hạ lưu: Phù sa bị giữ lại trong hồ chứa, làm cho vùng đất ngập nước rộng lớn ven biển không được bồi đấp và bị xói mòn. Nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Hệ sinh thái và thủy sản ven biển bị suy thoái do thiếu dinh dưỡng. Biến đổi khí hậu làm cho vùng hạ lưu đập năm 2010 bị lũ lụt nặng nề, 2011 khô hạn khốc liệt hoành hành; mục tiêu điều tiết nước hoàn toàn bị phá sản do vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên.
• Giá điện không hề rẻ: Chi phí cho Tam Hiệp chính thức công bố là khoảng 25 tỷ USD, nhưng Trung Quốc còn dự chi thêm khoảng tương đương để giải quyết các tồn tại, các nhà kinh tế môi trường cho rằng nếu tình đúng, tính đủ tất cả các chi phí, giá thực tế của dự án lến đến 88 tỷ Đô la Mỹ. Theo Quỹ năng lượng Mỹ, sẽ rẻ hơn để tạo nhà máy điện cùng công suất bằng nhiên liệu hoá thạch, hoặc "rẻ hơn, sạch hơn và hiệu quả hơn nếu đầu tư theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng".
Đánh đổi - hiện thực hay mơ hồ
Năm 2007 Hoa kỳ dỡ bỏ thủy điện Mamot, hành động bắt đầu trong kế hoạch bảo vệ cá Hồi và sinh thái trên sông Columbia. Theo bà Ruth Mathews, Tổ chức WWF Greater Mekong: “Ở Mỹ, chúng tôi có rất nhiều đập xây từ cách đây 50 năm và bây giờ đang phải giải quyết những hậu quả do các đập này đem lại… Một điều chắc chắn là nếu trước đây, nước Mỹ hiểu hết tác động của việc xây dựng đập thì phần lớn các con đập đã không được xây dựng”.
Bạn sẽ không thể nào có phép khai thác vườn quốc gia, nhưng nếu làm thuỷ điện thì có thể? Thông qua việc chuẩn bị xây dựng 2 đập thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, từ năm 2009 một số cơ quan thuộc bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chính quyền địa phương, và các đơn vị tư vấn sẵn sàng vi phạm điều 5 và 7 của luật Đa dạng sinh học số: 20/2008/QH12 khi luật vừa ban hành chưa ráo mực. Trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Dự thảo 2 hoàn toàn không nói về đập thuỷ điện, nhưng trong Dự thảo 4 tại điểm 1 điều 56 có nội dung “Nhà nước khuyến khích khai thác, sử dụng nguồn nước cho thuỷ điện”. Rõ ràng một bộ phận trong chúng ta còn rất mơ hồ về tác hại và sự hạn chế của thuỷ điện, trong đó có cán bộ cao cấp của nhà nước.
Nếu bạn tự hào về kỹ thuật thuỷ điện của mình, và bạn đang tồn kho hàng triệu đô la thiết bị làm điện từ sức nước thì bạn có bỏ thêm một ít tiền vận động người khác làm thuỷ điện hay không? Đừng sập bẩy ngoại bang trong câu chuyện về nhu cầu sản xuất điện của quốc gia như nhu cầu sản xuất đường của các thập niên trước.
Xin mượn nhận xét của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc về đập Tam Hiệp: "gây ra một số vấn đề cấp bách về bảo vệ môi trường, phòng chống tai biến địa chất và phúc lợi của các cộng đồng di dời" để làm lời kết cho bài này.
Cần Thơ, 06/07/2011
Ghi Chú ?) = ngộ nhận
Tài liệu tham khảo:
7. http://www.phnompenhpost.com/index.php/2011061749830/National-news/analysis-lessons-from-chinas-dams.html