TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Sống chung với mèo
 
Lên mạng ngày 11/10/2009

Sống Chung Với Mèo
 
Nguyễn thượng Chánh, DVM
 
 
 
Trước tiên tác giả xin xác định ở đây là bài viết nầy chỉ nói về giống mèo bốn cẳng mà thôi.
 
Ngày nay rất nhiều gia đình có nuôi mèo. Tại Bắc Mỹ, số mèo nuôi cũng ngang ngửa với số chó nuôi chớ không phải là ít ỏi gì. Ít người biết là có rất nhiều bệnh tật có thể từ thú lây sang cho người, người ta gọi những bệnh nầy là zoonoses. Mèo cũng không thoát ra khỏi quy luật nầy. Có ai mà lại không thương yêu con mèo của mình, nhưng nuôi nó cũng có lắm nhiêu khê.
 
 
Mèo Cắn
 
Vấn đề bị mèo bốn cẳng cắn tuy ít khi xảy ra hơn vấn đề chó cắn, nhưng hễ bị mèo cắn thì vết thương rất dễ làm độc do biến chứng nhiễm trùng (20-80%). Lý do chính là vết mèo cắn được ví như một tiêm chích (piqûre) hơn là một vết thương mở (plaie ouverte) dễ được rửa sát trùng như trường hợp bị chó cắn.
 
Tác nhân gây nhiễm thường hay gặp trong vết cắn là vi khuẩn Pasteurella multocida. Vi khuẩn Pasteurella là vi khuẩn gây bệnh nhưng mèo không hề hấn gì. Khi bị mèo cắn, vi khuẩn P. multocida gây viêm sưng vết cắn rất nhanh.
Các vi khuẩn khác đôi khi cũng có thể được tìm thấy trong vết thương là: Streptococcus groupe viridans, Clostridium perfringens, Actinobacter calcoaceticus và Escherichia coli.
Vấn đề bệnh dại (rage) cũng cần được nghĩ đến nếu bị mèo hoang, mèo vô chủ hoặc mèo không được chích ngừa dại cắn phải.
 
Mèo Cào
 
Mèo cào cũng có thể gây thành bệnh và có tên là bệnh sốt mèo cào (Maladie des griffes du chat, Cat scratch fever)…Tác nhân là vi khuẩn Bartonella henselae. Mèo tuy mang vi khuẩn trong mình nhưng không bị bệnh và có thể truyền bệnh cho người qua vết cào hay qua vết cắn...Triệu chứng chung là các hạch vùng bị cắn sưng to cả tháng (lymphadénite régionale), có thể kèm theo sốt nóng, ói mửa, đôi khi viêm mắt (conjonctivite). Trong đa số trường hợp bệnh thuờng tự hết (autolimitante) trong vài tuần hoặc sau vài tháng thì các hạch hết còn sưng.
Bọ chét mèo Ctenocephalides felis là trung gian hay vecteur chính để truyền vi khuẩn Bartonella từ mèo sang cho chúng ta.
Trong trường hợp rất hiếm ở những người có sức miễn dịch yếu sẵn, vi khuẩn B. henselae có thể gây ra hai bệnh lý Angiomatose bacillaire và Péliose bacillaire...Angiomatose bacillaire biểu lộ bằng hiện tượng gia tăng mạch máu (vasoproliférative) dưới da tạo nên những mảng đỏ bầm như sarcome de kaposi...Péliose bacillaire tuy hiếm thấy nhưng cũng không kém phần nguy hiểm, có thể chết. Triệu chứng là trên bề mặt của gan có rất nhiều túi chứa đầy máu.
Một số chủng Bartonella khác cũng có thể gây bệnh cho người. Đó là B. bacilliformis (fièvre de Oroya), B.elizabethae (endocardite) và B.quintana (fièvre des tranchées, endocardite)...B.elizabethae gây cấy từ chuột có thể được xem như một zoonose.
Trong một khảo cứu ở Hoa kỳ, 81% mèo của những bệnh nhân bị mèo cào có chứa kháng thể chống B.henselae, so với 38% mèo témoins trong phòng mạch thú y.
Muốn tránh việc bị mèo cào thì nên đem con vật đến phòng mạch thú y cho Bs cắt bỏ móng (dégriffer) là xong!
 
Trưòng hợp bị mèo véo thì phải cắn răng chịu đau, chỉ có thể ui da hít hà mà thôi!
 
Bệnh Toxoplasmose
 
Bệnh gây nên bởi Toxoplasma gondii là một loại ký sinh trùng đơn bào thuộc nhóm sporozoaire. Ký sinh trùng nầy được thấy khắp thế giới. Tất cả sinh vật có máu ấm kể cả người đều có thể bị nhiễm T.gondii...Tại Hoa kỳ có vào khoảng 60 triệu người bị nhiễm T.gondii mà họ không hề biết vì nhờ sức miễn dịch tốt nên có rất ít người bị mắc bệnh…Bệnh Toxoplasma có triệu chứng như cảm cúm, sốt nóng, hạch sưng. Trường hợp nặng thì có thể có biến chứng ở não và mắt...T.gondii phát triển trong ruột của loài mèo và thải nang noãn oocyst theo phân ra ngoài môi sinh. Vài ngày sau thì oocyst bắt đầu có khả năng lây nhiễm. Oocyst có đường kính 10-12 microns và sống rất dai cả năm trong đất cát. Uống sữa, ăn rau cải trái cây bẩn cũng như tay chân không rửa kỹ sau khi làm đất có dính oocyst, rồi sau đó bốc thức ăn đưa vào miệng thì rất có thể sẽ bị nhiễm ký sinh trùng T.gondii. Đặc biệt nhất là đối với những phụ nữ nào không có kháng thể (séronegative) chống lại T.gondii, nếu lỡ bị nhiễm lúc mang thai thì hết sức nguy hiểm. Ký sinh trùng có thể vượt màng nhau để nhiễm vào bào thai. Có thể làm hư thai, làm xảo thai hoặc đứa bé khi sanh ra sau nầy sẽ bị tổn hại hệ thần kinh và mắt.
Để đề phòng nên mang bao tay mỗi khi làm vườn, quét dọn phân mèo, lúc thay chất lót chuồng cho mèo hoặc lúc thay hộc cát (bac à sable) bên ngoài nơi các cháu bé chơi. Rửa tay thật kỹ với savon sau khi xong việc. Rau cải trái cây phải được rửa kỹ, thịt thà phải nấu thật chín rồi mới dùng. Dao thớt, dụng cụ nhà bếp có tiếp xúc với thịt sống cũng phải được rửa kỹ với savon sau khi sử dụng.
Cũng có giả thuyết cho rằng người bị nhiễm T.gondii có thể và có nhiều nguy cơ dẫn đến bệnh tâm thần phân liệt Schizophrenia  sau nầy(?)
 
  
Các bệnh ký sinh trùng
 
 Sán dây (Ténia) và giun, lãi (Ascaris):
 
            -* Dipylidium caninum (ténia des puces) thường gây tiêu chảy nhẹ.
               -*Echinococcus multilocularis gây ra bệnh échinococcose alvéolaire dưới hình thức những nang (kystes) trong gan, phổi và trong não. Diễn biến của bệnh rất chậm, chẩn đoán thường trễ vì lẽ nầy đây là một bệnh rất nguy hiểm có thể chết. Trứng sên có trong phân mèo, chó hoặc chồn. Ăn rau cải nhớ rửa kỹ.
           -*Toxocara cati, ấu trùng lãi chui vào gan, vào phổi hoặc vào mắt của các cháu nhỏ thường chơi trong hộc cát bên hông nhà.
 
  
Các bệnh khác:
     
              -*Bệnh Chlamydophilose hay coryza: Do Chlamydophila felis gây ra viêm phổi, viêm mũi, viêm mắt ở mèo con, đôi khi cũng có thể lây viêm mắt ở người nhưng hiếm. Một khảo cứu của Nhật Bản cho biết 50% mèo hoang và 15% mèo nhà là porteurs của bệnh nầy, có nghĩa là chúng có mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng bệnh.
 
          -*Bệnh ghẻ lác: Đây là những bệnh ngoài da gây ngứa ngái khó chịu. Đó là bệnh lác (teigne), tác nhân là nấm Microsporum… Bệnh sporothricose tác nhân là nấm Sporothrix schenckii…Bệnh cheyletiellose do côn trùng (loại nhện, acarien) cheyletiella yasguri gây nên.
 
 
Kết luận
 
Nuôi mèo cũng có cái thú riêng của nó.
 Mèo nào cũng đem cho chúng ta những niềm vui nho nhỏ và giúp cho cuộc sống của chúng ta bớt tẻ nhạt.
 Nhưng dù mèo bốn cẳng hay là mèo hai cẳng đi nữa, chúng ta cũng cần phải cảnh giác... Đôi khi chúng cũng có thể là nguyên nhân của biết bao nhiêu là phiền não và rắc rối trong cuộc đời.
 
 Đúng là có sướng thì cũng phải có khổ vậy phải không bạn tui!
 
 
Montreal, Oct 11, 2009

Trở lại Trang Khoa Học
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855006 visitors (2217589 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free