TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Với tôi, không phải chỉ có hôm nay
 
Lên mạng ngày 19/11/2011

Với Tôi, Không Phải chỉ có hôm nay

Bùi Tho

 
 
Đúng theo chương trình đã định, hôm nay thứ sáu 20-11tôi sẽ tiếp tục làm lại bầu đất những cây hoa Chuông đỏ ở vườn ương mà năm ngoái anh em Thủy Lâm nhân cuộc họp mặt đầu tiên ghé thăm  có ra xem vườn, năm nay còn đọng lại quá nhiều, có những cây đã trổ hoa, thông thường những loại cây khác thì hủy bỏ rồi, nhưng đây là giống đặc biệt nên tôi cố giữ có thể để bán, có thể đem trao tặng cho chùa chiền và đem trồng ở các nhà học sinh Thuỷ Lâm như tôi đã thực hiện tại nhà Khánh, Quang, Tài, Định… một số em ở Phan Thiết và Đồng Nai nữa.
 
Dù rằng hôm nay, có rất nhiều tác động đến suy nghĩ của mình, như chiều hôm qua nhà tôi cùng cô giáo bạn đã đi sửa lại chút mái tóc để dự toạ đàm ngày Nhà Giáo Việt Nam ở trường Tiểu Học Thăng Long nơi trước đó quí vị ấy đã giảng dạy, kèm theo đó có nhiều cuộc điện thoaị hỏi thăm của các bà bạn cùng hưu trí hỏi nhà tôi có nhận được giấy mời chưa? Có đi dự không? Có một chút rộn ràng trong ngôi nhà vốn yên ả của cặp vợ chồng nhà giaó già này…
 
Phần tôi cũng đã được hội Cựu Giáo Chức Phường mời dự vào ngày 18-11 rồi, và thật xúc động khi đọc được bài viết của Nguyễn Ngọc Quang đăng trên trang Thủy Lâm 7275, cái anh chàng này làm cho tôi bất ngờ quá thầy trò gặp nhau như cơm bữa ...vậy mà…
 
“Tôi cảm ơn em, tôi thay mặt những người làm thầy thời ấy cảm ơn em đã có những phút tĩnh lặng nhớ về tôi, nhớ về những người thầy của mình…trong thời buổi này khó tìm được những phút giây quý báu đó lắm!”
 
Tôi đã gài báo thức đúng 6 giờ sáng theo lệnh của bà xã, để thức dậy sớm lo ăn sáng rồi sửa sang chút nhan sắc đi chuẩn bị dự tọa đàm, thế mà mới 5 giờ 30 chuông điện thoaị đã reo, tôi cầm máy với một chút lo lắng ai mà gọi sớm quá vậy?
 
Chào thầy, em gửi lời chúc mừng đến thầy cô nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam.
 
Đó là cuộc điện thoại của Trần Quốc Khánh từ Madagouil với ý nguyện là câu nói đầu tiên tôi nghe được là lời chúc mừng. Đúng, đó là là câu nói đầu tiên tôi nghe được trong ngày hôm nay đó Khánh ơi ! Rất cảm ơn em
 
Như thường lệ của một ngày với ly cà phê sáng, bắt đầu lướt qua những trang web quen thuộc, thì trên trang NLS.Net bài viết của Nguyễn Ngọc Quang đã xuất hiện…Xin Cảm ơn các bạn rất nhiều.
 
Với tôi như thế là trọn vẹn rồi nên khi bà xã rời nhà thì tôi cũng bắt tay vào việc, việc làm yêu thích của mình mà! Trời hôm nay se se lạnh, không nắng, thuận lợi cho làm việc bằng tay chân. Nhưng chả thuận lợi cho cái đầu tí nào hết...Nó đang điều khiển tay chân tôi làm việc mà, nhưng còn nhiều thứ dồn dập đến từ bài viết của Quang, từ lời chúc của Khánh…Tự nhiên mình bỗng nhớ nhiều điều, về mình về học trò mình…về ngày trước sao không có ngày tôn vinh thầy cô giáo?... Tôi nhớ đến cảnh tại Đaị Thính Đường ngày 12-12-1993 đứng trên bục, mời giáo sư Lê Văn Ký đại diện thầy cô giáo giảng dạy trường NLS Bảo Lộc nhận hoa của sinh viên, học viên NLS tri ân thầy cô, nhớ cảnh Ngọc Phượng trong chiếc áo dài nâu ôm bó hoa trang trọng từng bước đi từ cuối hội trường, nhớ cảnh hội trường im phăng phắc vì một “ông sinh viên” tóc đã bạc ra cầm lấy bó hoa, nhớ lời nói “tôi là Bùi Sanh Báu khoá 1 cùng em Ngọc Phượng học viên 1975 xin đaị diện cho toàn thể anh chị em sinh viên, học viên tặng hoa thầy cô”  ai đã dựng cảnh tượng này? Tôi nhớ là tôi đã khóc…
 
Và như thế những cây Hoa Chuông chậm đi một ngày cũng không sao, những gì nhớ được giờ này, ngày này cần giữ lại… và tôi đã trở lại với máy tính.
 
Tôi nhớ năm 1966 đang thực tập tại Đà Lạt, thì nghe tin Nha Học Vụ Nông Lâm Súc mở khoá Sư Phạm cho ngành Nông Lâm Súc. Tôi không chần chừ, chọn ngay và quay về theo học, tôi đã quyết định chọn nghề này và cũng từ đó trong tôi có biến chuyển trong cách sống như thế nào cho phù hợp với cái nghề mình sẽ làm nay mai, thời của tôi đi học, tôi cảm nhận rằng các thầy cô giáo rất khó, rất mẫu mực, mà toàn xã hội đều kính trọng. Lúc ấy tôi vẫn nhớ rõ rằng: Người dạy tôi, tôi gọi bằng thầy là lẽ đương nhiên, anh em tôi, bạn bè tôi và cả ba má tôi cũng đều goị bằng Thầy. Như vậy thầy giáo đang dạy tôi được 3 thế hệ gọi bằng thầy. Không những thế, với thầy cô giảng daỵ tại trường A thì học sinh ở trường B nếu biết cũng đều goị bằng Thầy. Trong vấn đề này chúng ta rõ là ảnh hưởng của Khổng giáo? Với ba bậc phải tôn kính là: Quân-Sư-Phụ... Như vậy chọn làm nhà giáo là chọn con đường khó khăn cho mình rồi.
 
Nghiệm lại từ ngày vào nghề đến nay là 40 năm, nhưng chỉ thực thụ đứng lớp được 8 năm, dù rằng phải chuyển đổi bao nhiêu công việc trong tôi vẫn cố gắng luôn giữ lại cái chất sư phạm của ngày nào… Cho nên loanh quanh trong ngày Nhà Giáo Việt Nam mà trước kia khi mới gặp lần đầu là ngày Quốc Tế Hiến Chương Các Nhà Giáo? Nhóm thầy giáo NLS chúng tôi đã kỷ niệm lần đầu tiên ngày này vào năm 1975 sau khi trường được Bộ Nông Nghiêp tiếp thu, Ban Điều Hành lúc bấy giờ có yêu cầu chúng tôi làm một tờ báo tường, người phụ trách là thầy Phan Bá Sáu, còn tôi phụ trách trang trí, bài vở do anh em chúng tôi viết và trong một cung cách e dè lắm, sau này tôi được dịp đọc lại thấy toàn là những bài tung hô thôi. Tôi có đóng góp một bài thơ, nhớ mang máng là:
…………
“anh chị biết không
Chúng ta anh hùng từ nguyên thủy,
Dẹp Tàu, đuổi Tây.
Chinh Nam Phạt Bắc
……….
Không biết ai đục bỏ? Bài thơ của tôi còn được đăng có chừng này “anh chị biết không? Chúng ta anh hùng từ nguyên thuỷ
 Tôi còn nhớ ,sau đó  khong lâu học sinh  NLS được tập trung học lại và anh em chúng tôi lại bắt đầu dạy lại, lúc bấy giờ gọi là thời gian ổn định lớp trường và tên trường vẫn giữ nguyên là trường TH NLS Bảo Lộc, và tôi lại giảng dạy môn Dưỡng Ngư, bài đầu tiên vẫn là Cá Phi. Giờ học đó có sự hiện diện của các vị trong ban điều hành nhà trường, gọi là dự giờ … trong phần dẫn nhập của bài giảng tôi có nhắc đến câu “Cá phi là cá của người nghèo..” thì dưới hàng ghế dự giờ có người lên tiếng “xin phép thầy Tho cho tôi có ý kiến, thầy đừng dùng chữ người nghèo! Bây giờ xã hội ta không còn người nghèo nưã! (tôi và nhóm học sinh bấy giờ vô cùng ngạc nhiên về sự góp ý như thế)…Chương trình giảng dạy của trường trong năm học đó dần dần chuyển qua hệ phổ thông và như các bạn đã thấy cuối năm học, học sinh NLS Bảo Lộc phải lên Đà Lạt để dự thi tốt nghiệp Cấp 3 (là Tú tài 2, là Phổ Thông Trung Học bây giờ nhóm đi thi đó có một số anh em thuộc lớp Thuỷ Lâm 7275). Cũng cần phải nói thêm rằng một số học viên không trở lại học tiếp, trong lúc đó các thầy nằm trong dạng sĩ quan đều phải tập trung cải tạo như Bố Thảo, Ngôn, Kiếm, Hy, Lai Minh... Rồi đến tháng 12-76 trường đổi tên, chỉ còn 2 ngành học, số anh chị thuộc ban Canh Nông và Mục Súc cùng với nhóm dạy khoa học tự nhiên còn đứng lớp, nhóm Thuỷ Lâm và Công Thôn hoặc là chuyển trường (rất khó) hoặc đổi công tác…
 
Ngày Hiến Chương các Nhà Giáo 20-11 từ 1976 tổ chức rầm rộ hơn có tọa đàm, tặng hoa thầy cô, làm báo tường cắm trại… những năm sau đó ngoài hoa ra thì có thêm quà, những món quà mang tính cách học đường như bút, sách…rồi tiến lần đến những phần quà có giá trị kinh tế… kể cả tiền….
 
Cho nên với tôi không còn được cái vinh hạnh nhận hoa và nhận quà theo ngày Hiến Chương nữa để sắm vai cha mẹ học sinh… Có cái an ủi là nhà tôi vẫn còn tiếp tục dạy ở cấp 1, nhưng ở một trường quá nghèo bấy giờ, là khu Thiện Phương (khu của người Việt từ Kampuchia hồi hương), các em rất thật lòng, rất ngây ngô... ngoài những nhánh hoa hái ở vườn nhà, trang trí vụng về, những gói quà dành cho thầy cô là phấn viết bảng, vài quyển tập cây bút… có những món quà bây giờ nhắc lại còn thấy bồi hồi như một con gà, mấy ký lô khoai, một miếng thịt, một cây chả.... Tôi nhớ có lần, nhà tôi nhận một món quà mà chúng tôi không bao giờ quên gói quà do một cháu trao vội vã trước khi ra về. (vì lệ thường vào ngày đó các em tập trung lên nhà cô gíao vui chơi, các cháu luộc khoai, nấu chè đùa giỡn hồn nhiên suốt ngày). Khi mở gói quà, nhà tôi bảo “quà gì đây? Nhà bé này nghèo lắm, tặng gì đây? Sao nó mềm mềm như vải vậy? Chả lẽ áo quần???? Và chúng tôi vô cùng xúc động, đó là 2 ổ bánh mì kẹp thịt! Đã bẹp dúm và chảy nước. Ổ bánh mì kẹp thịt là một xa xỉ ăn sáng bấy giờ, bởi vì lúc đó bụng dạ chúng tôi chỉ quen khoai củ và bánh mì đen làm từ luá miến mà thôi… Nhà tôi tâm sự “có lẽ mẹ nó bảo đem lên biếu cô ngay nhưng nó ngaị khi nhìn thấy các món quà của các bạn, không dám đưa cứ cặp vào nách nên cáí bánh mềm nhão ra.. tội nghiệp! Trong lúc cháu không có để ăn, mình bây giờ lại không ăn được, vì bánh đã nhão chua rồi.
 
Trong những ngày ấy làm sao tôi quên được những người thầy đáng quý của mình, thầy Nguyễn Viết Trực, Đồng Phúc Hộ, Trần Đăng Thảo, Lê Thiệp, Đỗ Cao Thọ, Nguyễn Văn Nhuệ, Bành Ngọc Quí, Huỳnh Ngọc Quang... Bùi Xuân Thanh, Lê Văn Ký, Lê Văn Đằng, Nguyễn Bát Tuấn, cô Nguyễn Bình Minh, thầy Lê Quang Minh… và còn  nhiều nữa tôi không làm sao nhớ hết, đó là những thầy cô NLS của tôi.
 
Còn nhớ, năm 1981 cụ Phạm Chí sống ở đầu làng gần tiệm trà Đỗ Hữu mãn phần, lễ an táng người đi đưa rất đông gần như đầy đủ những gia đình kỳ cựu của chốn này, đưa tiễn vừa tỏ lòng tiếc thương kính trọng vừa tỏ lòng tri ân người đã làm thầy khai tâm cho biết bao con em của làng Công Hinh quận Blao này từ thập niên 1940 trong đó có gia đình tôi.
 
Mãi đến tháng 12 năm1993 NLS Bảo Lộc mới tiến hành họp mặt đầu tiên, tôi là người dựng chương trình việc đầu tiên nghĩ đến là  phải có phần tôn vinh thầy cô mình và điều đó đã được thực hiện. Hình ảnh dâng hoa cho thầy cô lúc ấy không thể nào quên được trong tôi…
 
Với vai trò phụ huynh và từng đứng trên bục giảng cho nên tôi được bầu vào Ban Chấp Hành hội Phụ Huynh Học Sinh nhiều năm, và như thế vào ngày 20-11 tôi cũng bận rộn như những thầy cô giáo. Tôi đã có lần phát biểu về mình trong vai trò một phụ huynh vốn là một thầy giáo cũ như sau: “Cho đến nay, không còn đứng lớp, tôi hiện làm công tác khác như các bạn đã thấy, kể cả chuyện dẫn chương trình cho các cuộc vui chơi, hội chợ, hiện giờ còn rất nhiều người gọi tôi bằng thầy vì trước kia đã là học sinh của tôi hay là những người thân học sinh của tôi? Cứ mỗi lần nghe như thế, tôi tự nghĩ phải giữ mình cho trọn vẹn cái chức phận mà người khác đã dành cho mình, càng phải gìn giữ cái chuẩn mực mà ngành sư phạm đã dạy cho tôi….” Trong lần tọa đàm đó có một quan khách, cương vị khá lớn ở địa phương lúc bấy giờ, ngày xưa có học NLS Bảo Lộc, anh ta đã gọi tôi bằng anh từ năm 1975, sau lần tọa đàm đó anh ta gọi tôi lại bằng thầy. Chắc có nhiều đồng nghiệp như tôi, không muốn bắt học trò mình goị mãi chữ thầy phải không? Nó chỉ là tiếng xưng hô như anh, ông, chú, bác…quan trọng ở chỗ có kính trọng hay không mà thôi. Và chắc quý vị cũng đồng ý rằng chúng ta vô cùng sung sướng và hãnh diện khi nhìn thấy hoặc biết được học trò của mình thành đạt về học vấn và cả trên trường đời!
 
Trong đợt ngày 20 tháng 11 năm nay, trang nhà NLS Baỏ Lộc, trang Thuỷ Lâm 7275, NLS Tây Ninh có lời chúc mừng thầy cô và cũng đã có những ý kiến tiếc rằng trước 1975 không có ngày kỷ niệm dành cho thầy cô giáo. Nhưng tôi vẫn lơ mơ hình như có mà không tổ chức rầm rộ như bây giờ, nhớ mang máng như thế, vì nhớ những tiêu đề: Khai Phóng, Nhân Bản, Sáng Tạo... Có lẽ dành cho nghề thầy cô mang nghiệp dạy học? Và tôi đã điện thoaị ông cựu Giám Học Trung Học NLS Bảo Lộc 1971-1974 tức thầy Phan Bá Sáu. Được trả lời là không có ngày dành cho Nhà Gíao, còn các tiêu đề kia là nguyên lý của ngành Giáo Dục đương thời. Ngày dành cho thầy cô từ lâu có người cho là trong tết Nguyên Đán, có người cho là suốt năm được thể hiện qua câu “Tôn sư trọng đạo”. Thực sự không vào một ngày nhất định như bây giờ, sự thể hiện biết ơn được chú trọng nhất vào những dịp lễ, tết và thường gặp vào các dịp:
-Ngày 10-3 âm lịch lễ hội dân gian cúng tế Thần Hoàng, Quốc tổ.
-Tết Đoan ngọ mồng 5 -5 âm lịch dành cho thầy thuốc theo tục lệ Trung Quốc,
-Ngày Trung Thu 15-8 âm lịch, tết nhi đồng.
-Tết Nguyên Đán.
 
Trong thời gian đi dạy tôi đã được nhận những quà cáp trong các dịp trên chỉ lẻ tẻ ở vài gia đình mang nhiều thân tình ví dụ như có con trọ học tại nhà tôi, dạy kèm hoặc quan trọng hơn là kéo được con em họ trở về từ lêu lỏng,,,,chứ không đồng loạt như bây giờ. Như vậy là không có một ngày chính thức nào dành cho nhà giáo trước 1975.
 
Chủ đích bài viết này một phần tôi khoe với các bạn rằng :
Tôi được dự một lần ngày tôn vinh Thầy Cô Giáo trước năm 1975
 
Buổi lễ được diễn ra tại Đồng Nhân Học Hiệu, là trường dành cho người Hoa tại Bảo Lộc. Như các bạn biết ngoài giảng dạy chính tại Nông Lâm Súc Bảo Lộc, tôi còn dạy thêm ở trường Bồ Đề và là một trong hai người Việt được mời dạy tại trường Đồng Nhân vì thế  tôi được dự ngày lễ tôn vinh thầy cô giáo tại đây.
 
Ngày hôm đó hơi khác ngày thường một chút về ăn mặc, các thầy thì veston, cravate các cô thì mặc đầm hoặc xường xám, vì hôm trước ông Hiệu Trưởng đã dặn dò rồi, moị hoạt động của một ngày học vẫn bình thường, cho đến khoảng 10 giờ thì có kẻng báo hiệu giờ nghỉ, theo lệnh thông báo trên loa tất cả học sinh tập trung về hội trường ở trên lầu, chúng tôi tập trung về văn phòng được thầy hiệu trưởng cho biết ngày hôm nay là  ngày tôn vinh thầy cô giáo, buổi lễ do Ban hội người Hoa tại Bảo Lộc tổ chức lúc đó có ông Lâm Thanh và ông Sanh Ký, tài trợ chính là hãng mì Khánh Phong Sài Gòn , chiêu đãi do nhà hàng Đồng Khánh Chợ Lớn phụ trách.
 
Khi chúng tôi được mời lên hội trường thì từ cửa  văn phòng nối tiếp lên cửa phòng họp gồm phụ huynh học sinh xếp hàng kính cẩn nghiêng mình chào khi đoàn thầy cô giáo đi ngang qua. Hình như tất cả những người Hoa ở Bảo Lộc đã về dự.
 
Sau khi chào quốc kỳ hai nước Việt Nam và Trung Hoa Dân quốc, nội dung buổi lễ là kỷ niệm đức Khổng Phu Tử người được goị là Vạn Thế Sư Biểu, là ngày tôn vinh các thầy cô giáo, ngôn ngữ được dùng là tiếng Hoa, nên tôi được  một cô giáo người Hoa dịch lại cho nghe, nội dung có nhiều trong đó có phần kêu gọi của Ban Hội là: “thầy cô giáo là một nghề mẫu mực, cao thượng, người làm nghề dạy học thường không làm nghề  gì khác, nếu có sẽ ảnh hưởng đến giảng dạy, ảnh hưởng đến nhà trường và cả học sinh…vì thế tập thể phụ huynh chúng ta luôn kính trọng, giúp đỡ quí thầy cô..” trong buổi lễ có phần tặng hoa, tặng quà, tôi nhớ quà gồm một cây bút máy Pilot, khăn tắm, một cái cặp da và một tháng lương của tôi là 16,000 đồng. Cuối cùng là phần dự tiệc… Nhưng cái đáng ghi nhận là sự thể hiện bằng hình thức thấy được là sự trang trọng, cung kính của toàn thể phụ huynh trước thầy cô dạy học con cái mình.
 
Về phần riêng cho những thầy cô người Việt daỵ tại trường như tôi, vốn bà con người Hoa đa số đều mua bán tại chợ Bảo Lộc, Hội có lưu ý như sau: “Trong cuộc sống các thầy cô phải mua sắm vật dụng tại chợ hoặc cửa hiệu của chúng tôi, quí thầy cô nên đi vào những giờ buổi trưa ..” (Đây là một thật lòng của họ, ý nói là nếu thầy cô người Việt có đi chợ mua sắm thì đi vào giờ buổi trưa, chủ ý là thời gian đó các em học sinh đi học về sẽ ra bán hàng thay cho ba mẹ nghỉ trưa, các em sẽ nhận diện được thầy cô mình và bán với giá phải chăng, ý là thế).
 
Còn một việc nữa dù không liên can đến việc dạy học nhưng thể hiện được cái tính Tôn Sư Trọng Đaọ đối với thầy cô: Đó là khi ba tôi qua đời tháng 7-1974, tập thể thầy cô giáo và học sinh toàn trường cùng rất đông phụ huynh đến chia buồn, bái lễ và tiễn đưa linh cữu ba tôi đến nghĩa trang, ngày đó nhiều người tại Bảo Lộc vô cùng ngạc nhiên vì lần đầu tiên có một đám tang người Việt mà thầy cô, học sinh và phụ huynh người Hoa cả trường tiễn đưa.
Tôi nhớ là chỉ dạy tại trường Đồng Nhân hai niên khoá, ngoài buổi lễ nói trên chúng tôi dự không biết bao cuộc chiêu đãi của Hôị Phụ Huynh Học Sinh và gia đình các thương gia, trong các dịp lễ tết, thanh minh… và cho đến bây giờ những người học trò hay những bậc phụ huynh ngày ấy khi gặp tôi vẫn dùng một tiếng rất thân thương như ngày nào “Lão Xứ”.
 
tháng 11/2009
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855015 visitors (2217600 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free