TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Hảy mở rộng cửa lòng
 
Lên mạng ngày 17/1/2011

HÃY MỞ RỘNG CÕI LÒNG
 
 
Nguyễn Thượng Chánh
 
 
 Chuyển ngữ từ bài phỏng vấn Nhà sư Matthieu Ricard: “S’ouvrir aux autres est preuve d’intelligence’’(Mở rộng cõi lòng là bằng chứng của trí tuệ) được đăng tải trong tạp chí Psychologies Magazine Nov 2010.
 
                                                                        ***
 Lòng vị tha (altruisme), tâm từ bi (compassion), lòng tử tế (gentillesse) và sự hợp tác (coopération): hơn lúc nào hết đó là những từ thường được đề cập đến trong xã hội ngày nay thông qua các buổi hội thảo, các cuộc nghiên cứu về thần kinh, tâm lý, cũng như về kinh tế học.
 
 Đối với Nhà sư Matthieu Ricard, những biến đổi trên cho thấy có một  thay đổi thật sự trong nền văn hóa của nhân loại.
 
1)Hỏi-  Theo ngài, tại sao lại có sự quan tâm bất ngờ về những giá trị chẳng hạn như sự tử tế .
 
MR đáp- Chúng ta ý thức rằng tâm từ bi, lòng vị tha, sự tử tế và hợp tác đều nằm trong bản chất của loài người. Đó cũng không phải là điều gì mới lạ cả:
 Darwin đã từng nói đến sự cần thiết của vấn đề tương trợ trong thế giới loài người và của loài vật.
 Adam Smith đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hợp tác trong lãnh vực kinh tế.
Chỉ đến đầu thế kỷ XX các viễn tượng giáo điều (perspectives dogmatiques) mới được đem ra áp đặt nhằm mục đích chối từ những ý niệm cổ điển.
Freud cho rằng lòng vị tha chẳng qua là sự bù đắp của sự ham muốn làm hại người khác, và như vậy vị kỷ là một dấu hiệu của sức khỏe tâm thần (signe de santé psychique).
Nhiều kinh tế gia đã khẳng định là lòng vị tha có hại cho việc sản xuất.
 Các nhà khoa học, chẳng hạn như nhà sinh vật học Richard Dawkins có nói đến gène vị kỷ (gène égoiste), các triết gia như Ayn Rand đã ca tụng đức tính của lòng vị kỷ.
Nhưng ngày nay thì người ta đã lùi lại. Trong lãnh vực tâm lý học, những khảo cứu của Daniel Batson cho thấy rằng lòng vị tha chân thật có thể có mặt trong lãnh vực kinh tế.
Ernst Fehr chứng minh về sự cần thiết phải quan tâm đến lòng vị tha trong việc thiết lập mô hình kinh tế.
Có biết bao là luồng tư tưởng đang làm thay đổi nếp văn hóa của chúng ta.
 
 
 
 
2)Nhưng tại sao lại xảy ra ngay lúc nầy vậy?
 
MR đáp- Lý do là hiện tượng toàn cầu hóa (globalisation) đã làm cho chúng ta có cảm tưởng là mọi người đều ngồi chung cùng một xuồng với nhau.
Đối diện với vấn đề môi sinh, với sự sai biệt giữa giàu và nghèo, giữa Bắc và Nam bán cầu, chúng ta ý thức rằng đây không còn phải là lúc để cạnh tranh với nhau nữa, nhưng là thời điểm của sự hợp tác.
Và, xét về tầm mức cá nhân, chúng ta biết rằng lòng vị kỷ và chủ nghĩa cá nhân (individualisme) đã làm cho chúng ta khốn khổ. Chính đó là những nguyên nhân làm cho con người cảm thấy cô đơn, hao mòn tinh thần,và đẩy chúng ta vào tâm trạng trầm cảm.
 
3) Xét về sự kiện, việc chối bỏ (các giá trị đạo đức) và sự tồn tại của tính hung hãn vẫn còn đang ngự trị ...
 
MR- Phải chăng tính hung hãn(agressivité) đang dẫn dắt và làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu vì nó không phù hợp với bản chất của con người? Anh đang ở bên vệ đường vì xe bị bể bánh nhưng chờ mãi cũng không thấy có ai ghé lại giúp mình. Anh cảm thấy tức giận! Nếu lòng ích kỷ là mẫu số chung của tất cả mọi người, thì nó không làm cho anh khó chịu. Và trong hoàn cảnh khó khăn trên anh vẫn chịu đựng được một cách dễ dàng.
 
4) Nhưng muốn có lòng tử tế không thôi cũng chưa đủ. Thông thường , những hành vi vị kỷ mạnh hơn chúng ta vì chúng không nằm trong khuôn khổ của ý thức.
 
MR- Anh không thể nào không rút tay ra khỏi lửa và than phiền rằng anh bị phỏng! Nếu Anh không hiểu là lòng ích kỷ đã làm anh khổ sở, thì hãy bỏ ra một cuối tuần chỉ để vun bồi (cultiver)vấn đề nầy và anh sẽ cảm nhận thế nào vào buổi chiều chúa nhật. Cuối tuần kế tiếp, anh hãy cố gắng vun bồi thêm tính từ bi và lòng vị tha, và sau đó anh hãy so sánh.
Mở rộng cõi lòng và quan tâm đến người khác sẽ giúp cho mình có được một cảm giác thật sự dễ chịu.
Đó là một luồng gió mát vì nó phù hợp với hiện thực của đời sống: chúng ta đều tương thuộc lẫn nhau (interdépendance).
 
5)Ngài chối từ điểm chúng ta có thể có khuynh hướng vị kỷ?
 
MR- Không phải thế! Mình là một tổng hợp vừa bóng tối và vừa ánh sáng. Nhưng các hành vi vị kỷ do mình tạo ra sẽ ảnh hưởng thế nào đến tâm thể (bien être) của chúng ta,và ngược lại các hành động vị tha thì đem đến cho chúng ta những lợi ích nào?
Lòng thù hận hay ganh tị đến rất nhanh, rất mạnh và chúng ta không cần vun bồi chúng làm chi. Ngược lại, một sự suy tưởng (réflexion) rất cần thiết để tìm hiểu cơ chế của sự khổ ải, và của tâm an lành.
Huấn luyện trí tuệ là việc cần phải làm để vun bồi lòng vị tha.
 
 
 
 
6)Ngài muốn nói đến việc thiền định?
 
MR- Vâng.Nhưng không nhất thiết theo nghĩa Á Đông hay tâm linh. Xét về mặt từ ngữ học, thiền định có nghĩa là vừa dung hòa một vấn đề một cách trí thức và cũng vừa chú tâm đến nó. Đây là một trạng thái tư duy thông qua việc định tâm để  “nhận biết cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại”(Chánh niệm,Pleine conscience , Mindfullness) phát xuất từ lòng vị tha hay tâm tưởng gắn liền đến tha nhân, chấp nhận lý vô thường và sự tương thuộc lẫn nhau giữa vạn vật và con người.
(Oui, mais pas nécessairement au sens oriental ou spirituel. Étymologiquement, méditer signifie à la fois  « pondérer une question intellectuellement » et « prendre soin de ». C’est un travail de réflexion qui passe par exemple, par le développement de l’attention focalisée ou pleine conscience, par l’amour altruiste, ou encore par le fait de se relier aux autres, d’accepter   « l’impermanence » en même temps que l’interdépendance des choses et des êtres.)
 
7) Cụ thể hơn, có những ngày mà tôi muốn mình tỏ ra thật dễ thương hơn với người thân, nhưng dù muốn dù không tôi vẫn là người không ai chịu nỗi?
 
MR- Thay gì suy nghĩ trong 30 giây « Phải chi tôi tử tế thì tốt biết mấy! » Bạn hãy tự hỏi  «  Quả thật, tôi vụn về, nhưng thật ra tôi không muốn mình đau khổ hay làm người khác đau khổ. ». Riêng đối với người đã làm tôi bực mình, anh ta cũng vụn về đối với chính anh ta và đối với người khác, và chắc chắn là lúc thức dậy ban sáng anh ta cũng không muốn làm hại ai cả.
Nếu tôi đặt giá trị vào sự mong muốn mình được hạnh phúc thì tôi cũng phải cầu xin cho người kia cũng được hạnh phúc như họ hằng mong muốn nữa.
Đây là giai đoạn tiên khởi để nhận biết người nầy có liên hệ với người kia và như thế cần phải có sự tương kính lẫn nhau. Kế đến là giai đoạn vun bồi lòng vị tha. Bắt đầu bằng những người mà mình thương yêu : con cái mình, con mèo của mình, người bạn của mình…
Hãy nghĩ tưởng tới họ và để luồng sóng yêu thương tăng thêm trong trí não chúng ta.
Hãy thực hiện lối quán tưởng trên 20 phút trong một ngày.
Một tháng sau bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi và khi phải đối đầu với hoàn cảnh khó khăn, đầu óc bạn sẽ giải quyết vấn đề một cách dễ dàng hơn.
Các nghiên cứu về sự mềm dẻo của não bộ (neuroplasticité) cho thấy có sự thay đổi về cấu trúc  và chức năng trong não bộ của những người áp dụng thiền định:
Thiền quán lòng vị tha 30 phút/ngày trong vòng từ 2 tới 3 tháng bạn sẽ thấy có sự thay đổi và tiến bộ đáng kể, chẳng hạn như về khía cạnh lo âu, buồn rầu và trầm cảm.
 
8) Tự mình trở thành vị tha hơn có ý nghĩa  gì trong một thế giới thiên về những giá trị ngược lại?
 
MR- Hãy thẳng thắng, không phải chỉ ngày trước ngày sau mà chánh phủ tuyên bố : «mọi người phải trở nên vị tha». Các vấn đề thay đổi về văn hóa đều phải bắt nguồn từ dân chúng. Tôi tin tưởng vào tác dụng của «giọt mưa rơi»: chỉ vài giọt bên lề đường, sau đó có thêm nhiều giọt khác và tiếp nối thêm nữa và từ đó chúng ta sẽ có một vũng nước. Chẳng mấy chốc cả lề đường đều ướt sũng hết.
Chính các tổ chức phi chánh phủ ONG, những người nắm giữ các mối dây liên hệ của xã hội là những ngọn đèn pha chiếu sáng tạo ra những điễm chuyển hướng (points d’inflexion).
 Kế đến là khuynh hướng tự nhiên hay bắt chước của chúng ta cũng nhảy vào vòng chiến.
 Và như thế mà văn hóa thay đổi.
 
9) Nhờ thế mà con người đã trở nên khá hơn chăng?
 
Triết gia André Comte Sponville có nói rằng con người hiện đại cũng không có khá gì hơn Aristote và chỉ có xã hội mới thay đổi mà thôi.
 Đứng về mặt khoa học thì đó có nghĩa là nhà hiền triết Cổ Hy Lạp Aristote ( 384 BC-322BC) và chúng ta ngày nay đều mang cùng chung một loại di thể (gène). Đúng vậy; phải cần 50 ngàn năm mới có sự thay đổi.
 Nhờ vào các khảo cứu của ngành biểu sinh (épigénétique), chúng ta mới biết được rằng tuy cơ thể chuyển biến trong một khuôn mẫu ổn định nhưng có một vài gènes lại biểu lộ ra những đặc tính của chúng trong khi những gènes khác thì vẫn nằm yên.
 
 L'épigénétique, est le domaine qui étudie comment l'environnement et l'histoire individuelle influe sur l'expression des gènes, et plus précisément l'ensemble des modifications transmissibles d'une génération à l'autre et réversibles de l'expression génique sans altération des séquences nucléotidiques.Wikipédia
 
 Và chính những gènes bất động trong cả chục ngàn thế hệ nầy tự nhiên lại bộc phát ra tính chất của chúng dưới ảnh hưởng của những loại kích thích nào đó từ bên ngoài.
 Đồng thời, tính mềm dẻo của não (neuroplasticité) cho thấy một sự phơi bày thụ động và lâu dài trong một môi trường cá biệt nào đó có thể ảnh hưởng đến đường nét của não bộ chúng ta.
(De même, la neuroplasticité montre que l’exposition passive à un milieu particulier se repercute sur la configuration de notre cerveau.)
Chúng ta không thể nào vẫn còn y như cũ nếu chúng ta trưởng thành trong một nền văn hóa đề cao lòng vị tha dù rằng các gènes trong người chúng ta cũng không khác biệt gì với gènes của Aristote, là người bảo vệ mạnh mẻ chế độ nô lệ hóa.
 
Nói như thế, chúng ta cũng đừng nên mong đợi đến lúc thế giới đổi thay để chúng ta thay đổi.
 
**Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói «  Không thể nào có được sự  giải giới bên ngoài nếu không có một sự giải giới từ bên trong »
 (Il ne peut y avoir de désarmement extérieur sans désarmement intérieur )
 
 
10)Ngài nói đến Đức Đạt Lai Lạt Ma, hiện thân tối cao của lòng vị tha. Tuy thế, việc làm trên cũng không đủ để dàn xếp ổn thỏa hoàn cảnh của dân tộc Tây Tạng…
 
MR- Anh có nghĩ rằng nếu chúng ta làm nổ tung các phi cơ Boeing của Trung Quốc và lao trong vòng xoắn trả thù, người dân Tây tạng sẽ bớt khổ hay sao?
Khi có một tí hy vọng thương thuyết giữa Do Thái và Palestine thì người ta ban thưởng cho giải Nobel về Hòa Bình.
(12 décembre 1994 : Yitzhak Rabin, Shimon Peres et Yasser Arafat reçoivent le prix Nobel de la paix)
Nhưng khi Đức Đạt Lai Lạt Ma sốt sắng trong ý hướng đàm phán thì ngài lại bị kết tội là hèn yếu. Tuy nhiên,theo ngài «có ý muốn mở rộng cõi lòng trước người khác không phải là một dấu hiệu của sự yếu hèn nhưng đó là một bằng chứng của trí tuệ. » ( Pourtant,vouloir s’ouvrir aux autres n’est pas une preuve de faiblesse, c’est une preuve d’intelligence.).
 
 
11)Nhiều khi chúng ta chối từ sự tử tế vì  sợ bị xem như đó một lời thú nhận của sự hèn yếu và sẽ bị người ta đè bẹp mình.
 
MR-Vậy giải pháp thay thế là gì theo ý bạn ?
Người kia hành xử không đúng, mình cũng làm y như họ và, cuối cùng thì tất cả mọi người đều thua thiệt hết.
Hay ngược lại,bạn là người tốt và hào hiệp. Nếu người kia hài lòng, thì càng tốt, bằng không thì đó là việc của họ. Chả có ích lợi gì mà mình phải noi theo thái độ của người đó, người mà mình đã chê trách thậm tệ.
Bị người ta chửi mắng, Đức Phật hỏi lại người kia : 
« Nếu một người nào đó đưa cho anh một món quà nhưng anh không nhận, vậy gói quà còn nằm trong tay người nào? Người khách trả lời: «nằm trong tay người muốn cho».
Đức Phật : « Vậy thì, nếu tôi không nhận những lời khiếm nhã, nó vẫn còn thuộc về anh. »
 
 
Đôi dòng về Nhà sư Matthieu Ricard
 
Matthieu Ricard: sanh năm 1946 tại Aix les Bains (Savoie) Pháp quốc. Doctorat en génétique cellulaire, môn đệ của Gs François Jacob (prix Nobel médecine 1965).
 
Nhờ có cơ duyên với Phật pháp, nên đã từ bỏ cuộc sống thế tục từ hơn 30 năm nay và xuất gia thọ giới các cao Tăng Tây Tạng ở vùng núi Hy Mã Lạp Sơn.
 
Ngài đã trở thành Nhà sư (1989) và đã biên soạn nhiều sách rất giá trị về Phật giáo.
 
 Trong số công trình của ngài, cần phải kể đến tác phẩm L’infini dans la paume de la main, du Big Bang à l’ÉveilThe Quantum and the Lotus bàn về nhân sinh quan và vũ trụ quan qua cái nhìn của Phật giáo và của Khoa học(1997).
Tác phẩm đã được biên soạn chung với Gs Trịnh xuân Thuận, Ph.D. Astrophysicien, đại học Virginia, Hoa Kỳ.
 
Các tác phẩm khác của ngài là :Le Moine et le Philosophe (1997), Plaidoyer pour le bonheur, La Citadelle des Neiges,l’Art de Méditation (2008), Chemins Spirituels (2010).
 
Ngài cũng dịch ra Pháp ngữ nhiều tác phẩm Tây Tạng rất giá trị : La Vie de Shabkar, les cent conseils de Padampa Sanguié, Au Seuil de l’Éveil, La fontaine de grâce, Au cœur de la compassion, Le trésor du coeur des êtres éveillés, petite anthologie du Bouđhisme tibétain.
 
Ngài đã dành tất cả tiền thu được từ các bản quyền để giúp thực hiện trên 40 dự án nhân đạo và phúc lợi công cộng tại Tây Tạng, Népal, và Ấn Độ (chẩn y viện, trường học, viện mồ côi, cầu đường …) dưới danh nghĩa Association Karuna-Sechen.
 
Ngài cũng là một nhà nhiếp ảnh tài ba lỗi lạc. Từ 40 năm nay ngài ghi lại trong óng kính hình ảnh của các đại sư Tây Tạng, sinh hoạt và đời sống trong các chùa chiền, và cảnh đẹp của Tây Tạng. Bhoutan, Népal. Ngài là tác giả của nhiều tác phẩm về nhiếp ảnh như L’Esprit du Tibet, Moines danseurs du Tibet v,v…
 
Năm 2000, ngày là thành viên của hiệp hội Mind and Life Institute (Viện Tâm linh và sự Sống). Tổ chức nầy là nơi gặp gỡ và trao đổi giữa khoa học và Phât giáo.
 Ngài cũng đã tham gia rất tích cực vào những công trình khảo cứu về mối liên hệ giữa sự luyện trí lâu dài và ảnh hưởng trên não bộ (plasticité neuronale) tại các đại học như Université de Madison- Wisconcin, Princeton, Berkeley, tại Hoa Kỳ và tại Zurich, Thụy Sĩ.
 
 
Từ năm 1997, Nhà sư Matthieu Ricard là thông dịch viên Pháp ngữ của Đức Đạt Lai Lạt Ma và ngài trụ trì tại chùa Shéchèn, Népal ./.
 
 
 
Montreal , Jan 17, 2011

Trở lại Trang KH
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 861075 visitors (2232354 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free