TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Bromeliads - Orchids
 
Lên mạng ngày 1/7/2010

BROMELIADS – ORCHIDS, MỘT NGHỆ THUẬT CHUNG SỐNG HÀI HÒA
 
Nói tới sự đóng góp của khoa Sinh Vật Học vào đời sống con người thì có lẽ không ai phủ nhận được tính chất to lớn và đa dạng của nó, nhất là trong lãnh vực y tế và nông nghiệp. Trên phương diện nghệ thuật, sự đóng góp của khoa Sinh Vật Học tuy không bằng hai lãnh vực trên nhưng cũng không nhỏ nhoi gì, cụ thể trong công việc tạo ra những cây cảnh bonsai, công việc trồng bông hoa, công việc tạo dựng và quản lý những công viên, v.v… Bài viết ngắn ngủi nầy không đề cập tới những vấn đề to lớn đó. Bài viết sẽ đề cập tới một vài điểm giống nhau rất căn bản về phương diện Sinh Vật Học của hai họ Lan (Orchidaceae) và Khóm (Bromeliaceae) mà từ cái hiểu biết đó tôi đang tạo dựng một góc ở trong nhà, tuy nhỏ nhưng cũng tạm đủ làm cho tâm hồn tôi tươi trẻ lại. Và nếu có bạn nào, trong cái tuổi về già muốn “vui thú điền viên”, có những sáng kiến nào liên quan tới vấn đề nầy mà hay ho hơn thì đó cũng là một niềm vui cho người viết vậy.  
 
Bromeliaceae và Orchidaceae là hai họ thực vật có đời sống khác hẳn với hầu hết các họ khác. Hầu hết các cây cỏ đều cắm rễ vào đất vừa để giữ cho thân đứng vững vừa để hút nước và dinh dưỡng để nuôi cây. Họ Lan (Orchidaceae) và họ Khóm (Bromeliaceae) thì không như vậy. Ngoại trừ một vài loài (species) của hai họ sinh sống bằng cách cắm rễ vào đất, còn phần lớn đều bám trên cây (epiphytic plants) hoặc trên đá (lithophytic plants). Có một điều hết sức thú vị là cả hai họ khi bám vào một cây nào đó để sống đều không phải là ký sinh của cây đó mà chỉ mượn chổ để ở, rồi tự mình đi kiếm thức ăn và tìm nước uống ở trong không khí. Với sự mưu sinh tự lực như vậy, những cây Bromeliads và Orchids cũng biết đền ơn đáp nghĩa đối với cây chủ bằng cách sau nầy cho ra những bông hoa xinh đẹp. Riêng về họ Khóm, ở Việt-nam chúng ta chỉ quen với loài Thơm (Ananas comosus). Có lẽ đây là loài duy nhất của họ Bromeliaceae được trồng để làm thực phẩm, hầu hết các loài khác của họ nầy đều được trồng để làm cây cảnh. Ananas comosus cũng là một trong những loài hiếm hoi của họ Bromeliaceae có rễ cắm vào đất để sinh sống (terrestrial plants). Sách “Cây Cỏ Việt Nam” của Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ (xuất bản năm 1993) khi nói tới Bromeliaceae chỉ liệt kê có hai loài: Ananas comosus và Billbergia pyramidalis (Khóm Rằn). Điều nầy chứng tỏ Khóm kiểng ở Việt-nam chưa có nhiều và có thể còn xa lạ đối với giới trồng hoa và thưởng hoa. Do sự thiếu phổ thông đó, chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi thấy bên cây Lan có hai danh từ Phong LanĐịa Lan, mà bên cây Dứa lại không có hai danh từ tương tự để phân biệt hai nhóm sống trên không và dưới đất.  Còn họ Lan, ở Việt-nam mấy chục năm về trước, thường chỉ dành cho một thiểu số người có tiền của, giới trung lưu trở xuống (trong đó có cả tôi nữa) chỉ nghe nói mà không bao giờ dám đụng tới, có lẽ vì lo vật lộn với cơm ăn áo mặc; hoặc giả Lan thì mọc trên rừng, thời buổi chiến tranh không ai dám mạo hiểm lên rừng để kiếm vài cây Lan. Còn bây giờ tôi có nghe nói việc chơi Lan ở Việt-nam đã bắt đầu phổ biến. Người ta thích chơi Lan có lẽ là do chúng có những sự cấu tạo đặc biệt về hình dạng, màu sắc và tính chất lâu tàn của hoa. Hình dạng của hoa Lan thì có những hình thù lạ lùng mà hấp dẫn do một trong ba cánh hoa được biến dạng để thu hút côn trùng làm công việc thụ phấn. Cánh hoa thứ ba đó được gọi là “môi” (lip or labellum). Màu sắc thì không sặc sỡ như một số hoa khác. Hoa Lan lại rất lâu tàn, trung bình khoảng hai tháng, như trường hợp Lan Cymbidium. Một nhánh hoa của Phanenopsis (tiếng Anh gọi là Moth Orchids và tiếng Việt mình gọi là Lan Hồ Điệp) có thể có hoa liên tục trong suốt 4-5 tháng. Những loài Lan mau tàn nhất, như Dendrobium chẳng hạn, cũng có thể kéo dài tới vài tuần lễ. Một buổi sáng nào đó, bạn lái xe hoặc bách bộ, thấy một khóm Azalea nở rộ, trắng cả một khoảnh  vườn. Vài ngày sau trở lại, bạn sẽ thấy khoảnh Azalea trắng toát và sặc-sỡ của mấy ngày trước đó đã bắt đầu héo úa trông rất thê thảm. Orchid và Bromeliad sẽ không làm cho bạn thất vọng như vậy. Nếu bạn cảm thấy lười biếng ra vườn vào mùa đông, thì chỉ cần vài chậu Lan Cymbidium hay vài chậu Khóm kiểng Vriesea là bạn có thể có hoa chưng trong nhà suốt cả mùa đông.  Tính chất lâu tàn của Lan và Khóm có thể có nguồn gốc từ lối sống đặt biệt chúng. Việc hút nước và dinh dưỡng từ trong không khí thì khó hơn từ trong đất, bởi vì những thứ thiết yếu đó không phải lúc nào cũng có sẵn để cho chúng hút. May thay, tạo hóa đã ban cho chúng những bộ phận đặc biệt để dự trữ, mỗi khi hút vào mà không sử dụng hết. Họ Lan và họ Khóm có hai cách dự trữ khác nhau và tất nhiên cấu tạo của các bộ phận dự trữ đó cũng khác nhau.
 
CÁC BỘ PHẬN DỰ TRỮ CỦA ORCHIDACEAE
 
Trước hết là ở nơi thân.
Đối với nhóm Lan có dây dài mà danh từ Thực Vật gọi là căn hành (rhizomes) và trên đó nhiều rễ và nhiều thân mọc lên, thì bên tiếng Anh người ta gọi là sympodial orchids, tiếng Việt có thể tạm gọi là nhóm đa thân. Thân của nhóm nầy thường phình ra lớn hay nhỏ tùy theo loài. Chổ phình ra nầy là bộ phận dự trữ chủ yếu nước và các chất dinh dưỡng để cây sử dụng khi môi trường bên ngoài không có sẵn để cung cấp. Một phần nhỏ cũng được dự trữ nơi lá và rễ.   Chổ phình ra nầy bên tiếng Anh gọi là pseudobulbs. Còn tiếng Việt, ta có thể gọi là giả hành như trong sách “Cây Cỏ Việt-Nam.    Giả hành ở một số loài Lan thì rất lớn và rất dễ nhận, ở một số loài khác thì nhỏ hơn, có khi người ta không thấy nó phình ra tý nào cả. Coelogyne, Zygopetalum, Cymbidium, Oncidium, …  là những cây có giả hành rất rõ ràng (H. 2 và 3). Dendrobium nói chung thì có giả hành nhỏ hơn Cymbidium và Zygopetalum, nhưng bù lại thì lá dày hơn (H. 4). Cattleya cũng vậy, giả hành cở trung bình và lá thì dày và lớn (H. 1).
 
 

H. 1: Cattleya có bông khá đẹp và thơm, thân có giả hành cở trung bình, lá dày.
 

H 2: Coelogyne citrata có giả hành lớn rất dễ thấy.
 

H 3: Zygopetalum mackayii có giả hành rất rõ, những thân còn non thì chưa phình ra được.
 

H. 4: Dendrobium có thân phình ra ở giữa (nở hoa hơn hai tuần lễ nay và còn tiếp tục nở). Nó được chưng bày chung với Guzmania (Bromeliaceae) gắn trên đá.
 
 
Nhóm một thân (monopodial orchids) thì không có giả hành. Vì vậy sức chứa nước và dinh dưỡng ở nơi thân sẽ kém đi; để bù lại thì lá to và dày, rễ cũng to và mập (H. 5). Trong nhóm nầy ta có thể kể Phalenopsis, Vanda, … Lan Hồ Điệp (Phalenopsis) rất được mọi người ưa chuộng và được bày bán khắp nơi trong các chợ hoa. Hoa tuy không thơm, nhưng rất đẹp. Lá cũng không kém phần hấp dẫn. Hoa, lá và rễ đều góp phần vào nét duyên dáng của một cây Phalenopsis. Nó cũng nở hoa bất cứ mùa nào, miễn sao cây đủ sức để ra hoa, cho nên lúc nào người ta cũng có thể kiếm để mua chưng hay làm quà cáp được.
 
 
 
H. 5: Phalenopsis thuộc nhóm một thân (monopodial orchids) có lá to và dày để làm nơi chứa nước. Rễ cũng to và mập, có khuynh hướng vươn ra khỏi mặt chậu.
 
Kế đến là lá. Lá cũng là nơi chứa nước quan trọng của cây Lan, nhất là nhóm đơn thân (monopodial orchids). Lá có một lớp sáp phủ bên ngoài, cả mặt trên và mặt dưới, để ngăn cản bớt sự thoát hơi nước và ngăn cản bớt hơi nóng từ bên ngoài xâm nhập vào. Những loài Lan có giả hành to đủ chổ dự trữ nước cho cây thì lá thường là mỏng vì không cần nhiều tới sức chứa nước của lá, đó là trường hợp của Cymbidium, Zygopetalum, Oncidium (H. 4).
 
Bộ phận chứa nước thứ ba là rễ. Những họ thảo mộc khác thường có bộ rễ nằm gọn dưới đất cho nên muốn quan sát rễ ta phải nhổ toàn bộ cây hoặc đào một phần rễ lên. Việc nầy sẽ làm hại tới sức khỏe của cây. Họ Lan thì không như vậy. Rễ của cây Lan vừa mọc bên trong chậu vừa mọc từ nơi thân nằm ngoài không khí; cho nên việc quan sát rễ tương đối dễ. Một số loài Lan trồng trong chậu, mặc dầu rễ mọc từ bên trong chậu, nhưng có khuynh hướng vươn lên khỏi mặt chậu để hút nước từ trong không khí, như trường hợp Phalenopsis. Rễ của Phalenopsis lại to và mập, rất dễ quan sát (H. 5). Epidendrum có rễ nhỏ hơn Phalenopsis, nhưng mọc nhiều hơn và ta có thể thấy rõ ràng trên thân, có khi rễ mọc sát trên ngọn (H. 6). Oncidium (thường gọi là Lan Vữ Nữ, Dancing Lady Orchids) cũng có rễ mọc trên thân và lại nhỏ hơn cả rễ của Epidendrum nữa. Nhưng Oncidium có giả hành lớn nên rễ và lá không phải là nơi dự trữ nước chủ yếu. Quan sát một sợi rễ bằng mắt thường, ta thấy đầu chóp rễ hơi nhọn có màu lục (green), phần còn lại màu trắng gọi là Velamen. Phần nầy hơi xốp, có khả năng hút nước nhanh mỗi khi có mưa hay tưới và nó có thể giữ nước tại đó một thời gian đủ để các bộ phận bên trong của rễ từ từ hút vào để nuôi cây.
 

H. 6: Epidendrum ibaguense có rễ mọc ngay cả trên phần chóp của cây, rất dễ thấy.
 
BỘ PHẬN DỰ TRỮ CỦA BROMELIACEAE
 
Bộ phận dự trữ nước và các chất dinh dưỡng ỏ nơi họ Bromeliaceae thì khác hẳn họ Orchidaceae. Ta đã thấy ở nơi Lan, nước và dinh dưỡng được dự trữ bên trong thân. Còn nơi Khóm những chất nầy được dự trữ bên ngoài thân. Các lá của Bromeliads có hình máng xối và kết lại tạo thành một hình dạng giống cái ly đựng nước (H. 7). Ta có thể tạm gọi bộ phận đó là ly hay cốc hay phểu hay bình chứa (cup or funnel or vase) của cây Khóm. Đáy cốc được lá kết lại rất kín, nước không rỉ ra được, phần trên của cốc thì xòe lớn ra. Trồng Bromeliads trong chậu hay gắn trên cây, trên đá ta phải để ý đừng để cho nước trong cốc khô cạn. Mỗi lần tưới hay gặp trời mưa, nước sẽ được lá gom lại vào trong cốc, để cây sử dụng dần dần. Nhờ có sẵn chổ chứa nước như vậy cho nên bộ rễ của Bromeliads không cần phát triển lớn, lá cũng tương đối mỏng; những loài có thân to thì lá tương đối dày, có lẽ vì cây to, dùng nhiều nước, cốc không đủ cung cấp cho cây; đó là trường hợp của Aechmea fasciata.
 

H. 7: Nhìn kỹ vào cốc của cây Aechmea fasciata nầy ta có thể thấy nước ở trong ấy. Hoa sẽ mọc từ trong mỗi cốc như ta thấy ở trong hình.
 
 
MỘT NGHỆ THUẬT CHUNG SỐNG HÀI HÒA
 
Vào khoảng cuối thu (ở Sydney khoảng tháng 5 dương lịch), nhìn một đám Cymbidium, bạn có thể bắt đầu thấy rãi rác vài nụ hoa mới nở. Trên những nhánh hoa mang những nụ hoa mới nở ấy, vẫn còn nhiều nụ hoa khác chưa nở và dần dần chúng sẽ nở ra cho bạn. Nhánh hoa ấy sẽ ở với bạn cho đến tháng 7. Bạn có thể để những chậu hoa ấy ngoài trời hay đem vô nhà chưng, tùy ý thích của bạn. Trong đám Cymbidium nầy, có thể có vài chậu nở muộn. Những chậu nở muộn nầy sẽ hiến tặng cho bạn những bông hoa mãi tới cuối mùa đông. Vậy là bạn sẽ có hoa chưng kể từ cuối thu cho đến cuối mùa đông. Thế nhưng ngoài khoảng thời gian ấy, nhìn một cây Cymbidium, tôi chẳng thích tý nào; bởi lẽ lá thì dài chiếm nhiều khoảng không gian, cách mọc cũng không đẹp mắt chút nào. Phải đợi cho đến khi ra hoa, tôi mới thấy được cái đẹp lôi cuốn của một cây Cymbidium. Để thỏa mãn cho nhu cầu thưởng thức, trong đám Cymbidium đó tôi đặt xen kẻ vài chậu Bromeliads, nhất là những loài mà lá không có gai như Vriesea, Guzmania. Dưới cái nhìn của tôi, hoa của Khóm thì không đẹp bằng hoa của Lan, nhưng lá Khóm thì đẹp hơn nhiều, ít nhất là đẹp hơn Cymbidium. Trên phương diện sinh học, lối sống của hai họ Bromeliaceae và Orchidaceae gần giống nhau; cho nên cách chăm sóc cũng không khác nhau. Hầu hết Khóm kiểng và Lan đều kỵ mặt trời chiếu thẳng (direct sunlight), nhất là vào trưa hè. Chúng ta có thể mua những tấm vải mùng bằng ni-lông (shadecloth) để che bớt nắng. Vào khoảng xế xế, ta có thể cuốn nó lại để cho những chậu cây có đủ ánh sáng và nên đợi vào khoảng 10 giờ sáng hôm sau rồi hãy che. Ánh nắng dịu dịu vào ban mai thì vô hại và hơn nữa, cây cũng cần có ánh sáng để ra hoa. Nhu cầu tưới nước của Khóm và Lan cũng giống nhau. Phun sương mù để ướt lá thì có thể làm mỗi ngày. Nhưng tưới vào chậu thì nên làm thưa lại, mỗi tuần khoảng 2-3 lần là vừa; mùa đông thì mỗi tuần một lần cũng đủ. Khóm kiểng và Lan đều không thích tưới nhiều (overwatering).   Phun sương mù mỗi ngày như vậy sẽ làm cho lớp velamen của rễ Lan mọc ngoài không khí (aerial roots) thấm ướt và cũng làm cho cốc chứa nước của Khóm đầy tràn trở lại, sau một ngày dựt xuống chút đỉnh, do cây tiêu thụ và do bốc hơi. Những hỗn hợp vỏ cây dùng để cho vào chậu trồng Lan cũng có thể trồng Khóm được. Bromeliaceae và Orchidaceae là hai họ đang sống hài hòa với nhau trong việc chia sẻ sự chăm sóc của con người. Nước ở trong mỗi cốc của những cây Khóm sẽ bốc hơi một ít và các cây Lan hút được một phần lượng nước bốc hơi nầy. Họ Lan chỉ “uống” nước của họ Khóm sau khi đã bốc hơi. Chúng nó không hề “cầm nhầm” phần nước còn lại trong cốc. Đó cũng là một lối sồng hài hòa trong việc mưu sinh.  Rất nhiều loài Khóm kiểng nở hoa vào mùa thu và mùa hè. Hoa Khóm tuy không đẹp bằng hoa Lan nhưng chúng nó có một nét quyến rủ kín đáo. Tất cả các loài của Bromeliaceae đều ra hoa từ cốc đựng nước, sự phát hoa dưới dạng hoa đầu (capitule), tức là các hoa gắn chung quanh chóp và trên đầu một trục dài khá vững (ở nơi cây Thơm, người ta gọi đó là cùi thơm). Chóp hoa đó có khi là hình chùy (như Aechmea), có khi là hình đế (như Guzmania), có khi dẹp dẹp hơi giống mào gà (Vriesea heterostachys) có khi chia nhánh và mỗi nhánh có hình giống một lưỡi kiếm nhỏ (Vriesea zamorensis). Màu sắc thì đủ màu, nhưng đều là dịu dịu, không sặc sỡ. Vào khoảng cuối hè đầu thu thì Lan Cymbidium chưa ra hoa. Nếu trong đám Cymbidium ấy ta đặt vài chậu Khóm Vriesea hay Guzmania xen lẫn thì trông cũng đẹp mắt lắm. Nếu những cây Vriesea nầy mà chưa ra hoa thì đứng ở xa chắc là khó nhận ra có sự xen lẫn đó, đến gần mới thấy. Lá của Vriesea đẹp hơn Cymbidium nhiều. Những nhánh hoa hình mào gà vươn cao lên khỏi đám Cymbidium sẽ làm cho cảnh trí đẹp thêm lên. Đến khi Cymbidium trổ vài cánh hoa thì giàn hoa của chúng ta sẽ đẹp thêm nữa. Vriesea và Cymbidium cũng đang sống hài hòa trong việc cống hiến cái đẹp của mình cho cuộc đời (H. 8 và 9).
 
 
H. 8: Khóm đã ra hoa và chưa ra hoa xen vào trong đám Cymbidium,
 

 
H. 9: Khóm và Lan đặt chung nhau trước một cây Bồ-Đề coi cũng được lắm.
 
NGƯỜI TRỒNG CÂY VÀ CÂY ĐƯỢC TRỒNG
 
Nhìn lối mưu sinh của hai họ Lan và Khóm, tôi nghĩ loài thực vật cũng có bản năng sinh tồn. Bản năng sinh tồn thường dẫn đến sự tranh giành và có khi tiêu diệt lẫn nhau nữa. Nhưng mà sự tranh giành và tiêu diệt nầy tôi có cảm tưởng không hề xãy ra ở cộng đồng Lan và Khóm. Cây Vriesea zamorensis không ỷ mình có thanh đoản kiếm để chận đường những người bạn láng giềng Cymbidium “đòi tiền mãi lộ” khi những cây nầy hút phần nước bị bốc hơi từ cốc của nó.  Những cây Cymbidium cũng không ỷ mình có hoa đẹp mà làm lu mờ đi những thanh đoản kiếm vàng đỏ kia. Tôi chỉ thấy hai thứ hoa khác biệt ấy được để chung với nhau sẽ làm tăng vẻ đẹp của giàn hoa. Epidendrum vốn ra rễ nhiều và dài lòng thòng cũng không ỷ mình đông quân mà phái người tới gần cốc của Khóm để hút nước đem về nuôi quân. Nó chỉ hút sau khi nước đã bốc hơi và hòa lẫn vào không khí. Con người chúng ta thường tự cho là động vật thượng đẳng. Thế nhưng động vật thượng đẳng ấy mà không học hỏi nổi cách sống hài hòa nơi những sinh vật thấp hơn, tôi tưởng đó cũng là điều đáng hỗ thẹn lắm. Giới Nông Gia chúng ta (bao gồm nông dân và chuyên gia) có một tấm lòng đáng quý là mỗi khi trồng một đám cây thường đem hết tâm ý và thì giờ để theo dõi và chăm sóc. Bạn đã từng vui mừng mỗi khi thấy đám cây đó đơm bông kết trái theo ý muốn của bạn. Bạn cũng đã từng đau xót mỗi khi thấy tai ương ập đến đám cây. Có được tấm lòng như vậy, ai dám bảo là không đáng quý? Thế nhưng tôi cứ có khuynh hướng muốn nghĩ rằng có một cái gì khác còn quý giá hơn tấm lòng đó nữa, đó là bạn đang muốn xem đám cây ấy là chính bản thân bạn. Điều nầy không biết có đúng nơi bạn không chứ trong tiềm thức tôi thỉnh thoảng vọt ra một thứ tình cảm gắn bó với những cây Lan và cây Khóm mà tôi để tâm chăm sóc hằng ngày. Tôi cứ tưởng rằng sự vui sướng của tôi mỗi khi thấy cây Lan của tôi nở ra nhiều nhánh hoa đẹp chỉ vì cảm thấy công sức của mình được đền bù xứng đáng. Tôi cứ tưởng rằng cái buồn của tôi khi thấy vài nhánh hoa Oncidium mảnh mai tối hôm qua bị con gì đó cắn đứt ngang là do sự tiếc công o bế mấy tháng qua.   Đằng sau cái công sức bỏ ra ấy, có một cái gì sâu kín hơn thúc đẩy tôi có những tâm trạng vui hoặc buồn như vậy. Vô thức của tôi muốn xóa bỏ ranh giới giữa tôi và những cây Lan, cây khóm. Với sự chăm sóc hằng ngày, ước muốn của vô thức dần dần đuợc thực hiện. Chính lúc nầy tôi cảm nhận được nghệ thuật sống hài hòa giữa các loài thực vật với nhau và muốn học hỏi nghệ thuật ấy. Nói như vậy không có nghĩa là loài thực vật nào cũng hiền hòa cả. Có những loài cũng sống chèn ép dữ lắm. Ở Úc tôi thấy có một thứ cây tên là African Lily (Agapanthus africanus) có bông hình tán xem ra cũng ngoạn mục, thường được trồng ở những cù lao chia hai những con đường lớn, hoặc tại tư gia trước hàng rào, đến mùa hè nở ra bông trắng hoặc xanh cũng đẹp mắt lắm. Nhưng tại nơi đó thì không có cây nhỏ nào mọc nổi cả, cỏ dại cũng không. Rễ nó thì lớn mọc chằn chịt ở lớp đất mặt. Cho nên nếu trồng nó mà không đúng chổ, gần những cây mà mình ưa thích thì nó trở thành một thứ cỏ dại. Nhưng đó là một trong vài trường hợp lẻ tẻ. 
Trong đạo Phật có một tông phái gọi là Duy Thức Tông. Chủ trương của tông phái nầy là rèn luyện cho mọi người bỏ được thói quen phân biệt người nhận thức và vật được nhận thức. Người nhận thức được gọi là kiến phần, vật được nhận thức được gọi là tướng phần.  Những ai buông bỏ được thói quen phân biệt tướng phầnkiến phần để đi vào bản thể  của sự vật là có đủ một chút tư lương để lên đường và tiến xa hơn nữa. Tôi đang tập quan sát và chăm sóc những cây Lan và cây Khóm của tôi bằng lối buông bỏ nầy. Lẽ tất nhiên bạn có cách riêng của bạn để gần gũi với những cây kiểng của bạn hay những vật mà bạn ưa thích hàng ngày. Nhưng dù khác nhau, có lẽ bạn và tôi có một điểm giống nhau là muốn tìm hạnh phúc nơi những cái mà mình tiếp xúc hằng ngày. Và cũng có thể có sự giống nhau nữa là muốn có được niềm cảm thông giữa mình với những thứ thường bị cho là vô tri đó. Tôi không nghĩ rằng những cây Lan và những cây Khóm mà tôi chăm sóc hằng ngày là những vật vô tri. Làm sao chúng có thể biết trườn rễ ra nơi đâu để hút được nước? Làm sao chúng biết cách bám vào những khe hở của hốc cây hay của bờ đá để giữ cho thân được đứng vững? Làm sao những cọng rễ của Phong Lan biết sản xuất ra những sợi nấm li ti để cả hai cùng nương nhau trong đời sống cọng sinh (symbiosis)? Làm sao những cây Khóm sau khi đã ra hoa và đến vài tháng sau, khi hoa sắp tàn thì biết mình sắp chết nên mọc ra những cây con (pups or offsets) để chúng nó tiếp tục “business” của mình. Những cái biết đó chắc hẳn là do tri giác và tư duy mà thành tựu. Tôi chăm sóc những cây Lan và cây Khóm của tôi chẳng những chỉ để làm vui mắt chổ tôi ở mà cũng để học hỏi những cái biết của chúng nó nữa, nhất là cái biết về cách sống hài hòa.  Còn đối với cây Agapanthus, tôi cũng thích bông của nó, nhưng phải trồng nó riêng trong một chậu để khỏi làm hại một cây nào khác.  Cái biết có tính cách tàn hại của cây Agapanthus đã được tôi tránh giùm; tôi chỉ làm hiển lộ những cái biết ích lợi của nó thôi.
 
Cám ơn bạn đã bỏ chút thì giờ đọc những dòng chữ mộc mạc nầy.
 
Sydney, đầu mùa thu 2010
Tôn Thất Mậu

Trở lại Trang KH&TH
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860954 visitors (2232020 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free