TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Nhân lực và trí tuệ VN ở hải ngoại
 
Lên mạng ngày 21/7/2010

Nhân Lc và Trí Tu Vit Nam Ở Hi Ngoi
 
Tiến Sĩ Trần Văn Đạt
 
 
 
 
Nhân lực là yếu tố tối quan trong trong bất cứ công cuộc phát triển nào của đất nước. Một lần nữa xin nhắc lại câu sáo ngữ về 5 M của người Mỹ: manpower, money, management, monitoring and maintenance; tức là nguồn nhân lực, vốn liếng, quản trị, theo dõi-đánh giá và bảo quản, theo thứ tự, cần phải có để thành công trong mọi ngành nghề. Chỉ cần nhìn vào chất lượng của 5 yếu tố này, người ta có thể đánh giá tương đối chính xác tình trạng tiến bộ của một dự án, chương trình hay cơ quan quản lý. Vì thế, yếu tố nhân lực là ưu tiên hàng đầu trong các tổ chức, hoạt động và phát triển. Chất lượng của nhân sự cấp cao là thành phần trí tuệ, một động lực thiết yếu cho sáng tạo và tiến bộ, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Vào giữa thập niên 1860s, Minh Trị Thiên Hoàng của Nhựt Bổn bắt đầu cuộc cách mạng vĩ đại của Ông bằng cách gởi người đi du học ở Âu Mỹ, chủ yếu là Pháp, Anh và Nga và mướn các chuyên gia ngoại quốc vào làm việc ở các nhà máy sản xuất cho đến khi nào họ có khả năng thay thế. Cũng vậy, nhà lãnh tụ Đặng Tiểu Bình canh tân Trung Quốc bằng cách gởi các chuyên gia đi du học Âu Mỹ và sử dụng nguồn vốn ngoại quốc, chủ yếu từ kiều bào Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và Âu Mỹ. Vào năm 1998, Trung Quốc có hơn 100.000 chuyên gia đang theo học hoặc tu nghiệp qua các chương tình hậu Đại Học, trong số đó có hơn 40.000 người ở Mỹ. Năm 2003, 700.000 sinh viên Trung Quốc được gởi đi du học trên thế giới.
 
Nguồn nhân lực Việt ở hải ngoại:
 
Biến cố 1975 đã tạo ra một cuộc di dân lớn trong lịch sử Việt Nam. Hiện nay có khoảng 3 triệu người Việt định cư chủ yếu trong 40 nước trên thế giới, nhiều nhứt ở Mỹ với độ 1,3 triệu (43%), Nga và các nước Đông Âu 300.000 (10%), Pháp độ 250.000 (8%), Canada 200.000 (6,7%), Úc Châu 156.000 (5,2%), Đài Loan 110.000 (3,7%), Đức Quốc 100.000 (3,3%), Thái Lan 100.000 (3,3%), Anh Quốc và Bắc Ái Nhĩ Lan 40.000 (1,3%), Bắc Âu 30.000 (1%)... Ngoại trừ các cộng đồng ở Nga và Đông Âu hiện còn gặp một số khó khăn trong đời sống kinh tế, phần lớn các cộng đồng Việt khác ở Mỹ, Canada, Úc và Tây Âu đã vượt khỏi giai đoạn khó khăn ban đầu của người di cư, đang hội nhập mau lẹ và đóng góp hữu hiệu vào phát triển kinh tế và xã hội của bản xứ. Hầu hết những kiều bào hải ngoại thường gắn bó chặt chẽ với người trong nước, qua liên hệ gia đình và tinh thần quốc gia truyền thống.
 
Theo Liên Hiệp Quốc, Việt Nam nằm trong top 10 nước nhận tiền kiều hối nhiều nhứt trên thế giới. Năm 2008, họ đã chính thức gởi hiện kim về Việt Nam đến 8 tỉ đô la, mà phần lớn từ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài (độ 5-6 tỉ), đặc biệt từ châu Á và Trung Đông và một số tiền đáng kể qua các con đường không chính thức để giúp gia đình, thương mại, đầu tư địa ốc, chứng khoán, gởi tiền tiết kiệm, cứu trợ, từ thiện, du lịch…; đã góp phần không nhỏ vào tạo công việc làm, tăng lợi tức và phát triển kinh tế đất nước. Số kiều hối lớn này đã giúp cho các ngân hàng trong nước có thêm nguồn ngoại tệ làm quân bình dịch vụ và hoạt động xuất-nhập khẩu hàng năm. Hiện nay, bình quân mỗi kiều bào Việt Nam gởi tiền về đất nước gần 1.000 mỹ kim mỗi năm. Ngoài ra, họ đã gián tiếp giúp xứ sở giảm thiểu nghèo đói và trực tiếp làm nhịp cầu nối liền sự liên hệ xã hội và kinh tế giữa các cộng đồng hải ngoại và người trong nước, nhứt là giúp tìm thị trường cho xuất khẩu các hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, số kiều hối này có thể giảm từ 10-20% trong năm 2009, do ảnh hưởng khủnh hoảnh kinh tế toàn cầu hiện nay. Riêng ở Mỹ, theo Wall Street Journal, kiều hối có thể giảm độ 10%.
 
Trên thế giới, tiền kiều bào gởi về quê hương đạt đến 305 tỉ mỹ kim trong 2008, riêng Philippines độ 18,3 tỉ, Mexico 26,2 tỉ, Trung Quốc 34,5 tỉ, Ấn Độ 45 tỉ (M & C Business, 2009 theo UNCTAD). Nhưng do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, số lượng kiều hối dự đoán giảm sút khoảng 7,3% trong năm 2009, trong đó, châu Á giảm 2,4%, Châu Phi 8,3% và Châu Mỹ La Tinh 6,9% (Microlink, 2009). Những nghiên cứu gần đây của Ngân Hàng Thế Giới cho biết rằng số lượng di dân quốc tế gia tăng 10% dẫn đến số lượng người nghèo giãm bớt 1,6%. Cũng vậy, số tiền của kiều bào gởi về quê hương tăng 10% tổng sản lượng quốc gia GNP có thể làm giảm mức nghèo khó trong nước 1,2%. Ở Á Châu, nhiều nước có đông đảo kiều bào ở ngoại quốc và mỗi nước có chính sách khai thác nguồn nhân sự này khác nhau. Khác với Việt Nam, những chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ và Đài Loan có chính sách ít chú trọng đến số tiền gởi về quê hương, mà họ đặc biệt quan tâm đến các đóng góp của kiều bào vào các loại thương mại khác nhau cho đất nước. Đài Loan tập trung thu hút nguồn chất xám từ nhân lực của cộng đồng hải ngoại, khuyến khích kiều bào trí thức về thăm quê hương và làm việc. Trung Quốc từ lâu khuyến khích đầu tư trực tiếp và tạo cơ hội thương mại với các cộng đồng người Tàu ở nước ngoài; do đó 80% tổng số đầu tư ngoại quốc ở nước này đến từ kiều bào của họ. Còn Ấn Độ có chính sách đa phương theo đuổi đầu tư trực tiếp, chuyển giao kỹ thuật, mở rộng thị trường và cung cấp chuyên gia. 
 
Sau 30 năm, thế hệ di cư trẻ đã trưởng thành, hội nhập mau lẹ trong môi trường thuận lợi và đã có chỗ đứng vững vàng trong xã hội địa phương; thế hệ thứ hai hoặc lâu hơn (như ở Pháp) đã xuất hiện và tiếp thu được nền giáo dục tiến bộ ưu đãi, nên có lớp thanh niên trí thức mới với tư duy mới, đầy nhiệt tâm của tuổi trẻ và mong có cơ hội phụng sự cho đất nước mình và quê cha đất tổ. Riêng ở Mỹ, cuộc kiểm tra dân số chính thức trong năm 2000 so với 1990 như sau, phản ánh rõ rệt sự tiến bộ vượt bực của cộng đồng người Việt về cả cuộc sống hội nhập và giáo dục:
 
-          Bình quân lợi tức gia đình trong 2000:  46.929 đô la (29.800 đô la trong 1990)
-          Nhờ trợ cấp xã hội trong 2000:            10,2% (25% trong 1990)
-          Gia đình sống dưới mức nghèo trong 2000:     14,3% (24% trong 1990)
-          Người Việt làm chủ ngôi nhà trong 2000:         59,6% (43% trong 1990)  
 
Trong năm 2000, nghề nghiệp được phân phối như:
-          Quản trị và chuyên gia:               27%
-          Nghề chuyên môn về dịch vụ:      19,4%
-          Buôn bán và văn phòng:             19,1%
-          Nghề nông, ngư và lâm nghiệp:   0,5%
-          Xây cất và bảo quản:                            5,9%
-          Sản xuất, chuyên chở, di chuyển: 28,1%
-          Trong 25 năm tính đến năm 2.000, người Việt ở Mỹ có trình độ đại học từ BS và cao hơn chiếm 19,5%.
 
Hiện trạng nguồn trí tuệ hải ngoại và tiềm năng:
 
Mặc dù mới được thành lập và khả năng kinh tế còn thấp so với các cộng đồng khác như Tàu, Philippines, Nhựt, Đại Hàn và Ấn Độ, cộng đồng Việt đã hội nhập nhanh và lớn mạnh trong mọi ngành nghề, có tiềm năng rất lớn về giáo dục, khoa học, công nghệ và quản lý kinh tế. Chắc chắn rằng tình trạng kinh tế và xã hội của người di cư Việt Nam trên thế giới sẽ được cải thiện nhiều hơn trong tương lai. Thế hệ thứ hai, thứ ba... hoàn toàn được lớn lên và giáo dục của xã hội tân tiến có nhiều tài năng và tinh thần cởi mở, thông thoáng hơn ông cha chúng; nên thành phần này có tiềm năng lớn đóng góp chất xám quí báu cho quê hương đất tổ, nếu được khuyến khích.
 
Trong số gần 3 triệu người Việt ở hải ngoại, thành phần trí tuệ có trình độ đại học và hậu đại học ước độ 10-15% hay độ 300.000-400.000 người trên thế giới, hiện đang đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế và xã hội địa phương. Nhiều người hiện có vai trò quan trọng trong các cơ quan công quyền, công ty sản xuất, đại học, viện khảo cứu, bệnh viện, cơ sở dịch vụ và các tổ chức quốc tế. Nước Mỹ có đến 150.000 nhà trí thức có học vấn từ đại học trở lên. Ngoài những lãnh vực nêu trên, họ còn làm việc ở cơ quan nghiên cứu không gian, năng lượng nguyên tử, nghiên cứu hàng hải và nông nghiệp. Riêng ngành nông nghiệp ở Mỹ có vị thế tương đối nhỏ, có độ 6.100 người sống về nghề nông, lâm, chăn nuôi và ngư nghiệp và lực lượng chuyên môn có trình độ đại học hơn 400 người chuyên về nông trại chăn nuôi, ngư nghiệp, lâm sản, hạt giống, sản xuất, khảo cứu và kinh nghiệm quốc tế.
 
Công nghệ thông tin là lãnh vực phát triển mau lẹ hơn hết, là yếu tố quyết định cho sự tăng trưởng của các mặt kinh tế quan trọng như ngân hàng, tài chánh, bảo hiểm, du lịch, viễn thông, hàng không và quản lý hành chính. Đây là một ngành mà Việt Kiều có ưu thế ở hải ngoại, được thể hiện qua áp dụng vi tính, công nghệ phần mềm và hệ thống quản lý tự động. Trong mạn lưới lớn nhứt thế giới được gọi Global Internet Working, có một mạn lưới của người Việt tên Vietnamese Social Culture có 40.000 nhà trí thức hải ngoại tham dự. Trong số này 65% chuyên ngành vi tính, 15% là kỹ sư và 20% hoạt động trong lãnh vực khoa học xã hội và con người. Riêng ở thung lũng hoa vàng “Silicon Valley” ở San Jose thuộc bang Cali (Mỹ) có hàng ngàn chuyên viên Việt Nam về công nghệ thông tin (IT) và điện tử đang làm việc ngày đêm tại hàng chục công ty của người Việt.
 
Đặc biệt thành phần trẻ ở Mỹ, Canada, Úc và Tây Âu được đào tạo và làm quen với công nghệ cấp cao gồm cả thông tin - truyền thông và sinh học, hai lãnh vực có tiềm năng to lớn trong thế kỷ 21, cũng như khâu quản lý kinh tế, ngân hàng và vấn đề an ninh thị trường. Họ còn có thể giúp Việt Nam nối liên lạc và tiếp cận với các cơ quan quốc tế, các viện nghiên cứu, trường đại học và các đại công ty đa quốc gia để phát triển hợp tác trong các công cuộc nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ, trong lúc xứ sở chưa đủ khả năng về tài chính và trí tuệ, chẳng hạn trong lãnh vực khoa học và công nghệ sinh học. Cũng cần nhớ rằng đào tạo chất xám cũng như có được các kỹ thuật cấp cao đòi hỏi rất nhiều thời gian và tốn kém tài chính, mà các nước đang phát triển khó có thể thực hiện mau lẹ để đáp ứng nhu cầu tiến bộ.
 
Một cách tổng thể, theo thông tin hải ngoại và quốc nội về phân bố các nhà trí thức ở một số quốc gia như sau (2005):
 
-          Mỹ: Độ 150.000 người có bằng đại học hoặc cao hơn, mà đa số là thanh niên. Lãnh vực làm việc chính của họ gồm có tin học, điện tử, công nghệ cơ khí, kiến trúc, thiết kế, hóa học, vật lý học, y tế, giáo dục, quản trị thương mại, không gian, liên lạc quốc tế, dầu khí, nông nghiệp và sinh học. Khoảng 10.000 người làm việc ở thung lũng Silicon, San Jose và khu công nghệ San Diego. Độ 150 người làm việc cho Ngân Hàng Thế Giới, 100 người làm việc chuyên môn cho các cơ quan LHQ (FAO, IFAD, UNESCO, WHO, ILO, UNIDO, UNICEF...)
-          Pháp: có khoảng 40.000 người Việt trí thức đang sống ở nước này. Độ 30% số người này có bằng cấp cao và làm việc trong nhiều lãnh vực như vật lý, toán học, công nghệ thông tin và hóa học.
-          Canada: Có độ 2000 người trí thức chuyên về lãnh vực viễn thông, công nghệ tin học, điện tử, môi trường và sinh học.
-          Đức Quốc:Có hơn 300 nhà trí thức, chuyên về khoa học, công nghệ, năng lượng, hóa học, khai thác dầu khí, kiến trúc và công ty dược phẩm.
-          Anh Quốc: Có 100 nhà trí thức làm việc trong ngành tài chánh và thị trường an ninh.
-          Bỉ: Có độ 500 trí thức làm việc về công nghệ tin học, nông nghiệp, báo chí và ngư nghiệp.
-          Nhựt Bổn: Có 80 trí thức làm việc về ngành kinh tế, hóa học, dược phẩm, nông lâm ngư nghiệp.
-          Úc: Có khoảng 7.000 trí thức về công nghệ tin học, nông nghiệp và điện tử.
-          Nga và Tây Âu: có độ 4.000 người Việt có bằng cấp đại học. Khoảng 2.500 người ở Nga. Họ làm việc về vật lý học, điện tử, dầu hỏa, kỹ sư, hóa học và y tế.
 
Theo báo cáo về sử dụng nguồn trí tuệ hải ngoại hiện nay trong nước, Việt Kiều đã đóng góp, mặc dù còn rất giới hạn, vào sự phát triển đất nước trong nhiều lãnh vực. Hàng năm độ 200 nhà trí thức từ Mỹ, Pháp, Đức, Nhựt Bổn và Thái Lan về làm việc trong nước trong tư cách nhà giảng dạy ở một số đại học và viện, làm tham vấn, thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học và liên hệ đến sản xuất, chuyển giao kỹ thuật. Con số này còn quá ít so với 300.000 nhà trí thức hiện sinh sống ở hải ngoại. Một số nhà trí thức còn được mời làm tham vấn cho Thủ Tướng và Bộ trưởng. Một số trí thức Việt Kiềụ còn tham vấn cho một số chuyên gia ngoại quốc muốn làm việc ở Việt Nam và tìm học bổng cho nhiều thanh niên giỏi Việt Nam theo học ở các đại học nước ngoài để lấy bằng cấp hoặc tu nghiệp.
 
Chương trình TOKTEN của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) được thiết lập cho Việt Nam từ 1989 để khuyến khích những nhà trí thức trẻ hải ngoại có kinh nghiệm tối thiểu 5 năm về làm việc trong nước với thời hạn cố định từ 6 tháng cho đến 2 năm, tùy theo nhu cầu; nhưng việc thực hiện chương trình này còn chậm chạp.
 
Đến nay, có khoảng 3.000 doanh nghiệp do Việt Kiều đầu tư ở trong nước, có trị giá độ 2 tỉ Mỹ kim. Độ 60% dự án này này được đánh giá có hiệu quả cao (Nguyễn Hưng, 2009). Năm 2005, theo thống kê của Ủy ban Việt Kiều ở Sài Gòn cho biết 29% Việt Kiều bỏ vốn trong các dự án đầu tư ngoại quốc, 14% bắt đầu làm thương mại ở Việt Nam, 14% thực hiện các cuộc nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật và 44% trình bày các báo cáo khi họ đến thăm viếng Việt Nam. Nhiều Việt Kiều giữ địa vị quan trọng trong nhiều công ty về công nghệ thông tin trong nước và đóng vai trò trung gian nối liền giữa công ty của họ và khách hàng ở Việt Nam.
 
Môi trường khó khăn cho trí thức hải ngoại giúp nước:
 
Các nhà trí thức, đặc biệt giới trẻ rất có nhiệt tình muốn đóng góp vào phát triển đất nước, nếu họ được khích lệ và động viên. Khi còn đi học ở đại học, nhiều người trẻ được các công ty ngoại quốc tiếp xúc và mời làm việc hoặc họ tự thành lập các công ty với sự hợp tác của bạn bè. Trong khi đó, Việt Nam đã nhận thấy tiềm năng của giới trí thức hải ngoại, nhưng chưa có một cơ chế hữu hiệu, hệ thống luật lệ đầy đủ và thi thành hữu hiệu nhằm thu hút mạnh mẽ giới này về nước làm việc và đóng góp vào phát triển kinh tế quốc gia.
 
Việt Nam hiện đang còn trong giai đoạn tiền công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, mà đa số các lãnh vực phát triển còn yếu kém, nhứt là vấn đề nhân lực-quản trị, nên cần có sự đóng góp tích cực từ bên ngoài để có thể phát triển nhanh hơn và bắt kịp với trào lưu tiến bộ của các nước láng giềng. Trong khi đó, một nguồn nhân lực dồi dào của người Việt hải ngoại với 300.000-400.000 trí thức trên khắp thế giới có ngành nghề chuyên môn trong mọi lãnh vực, từ giáo dục, khoa học đến kinh tế, tài chánh, xã hội, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, y tế, du lịch, dịch vụ và quản lý, nhưng đất nước chưa thực sự tiếp cận rộng rãi với họ và khai thác tối đa thành phần trí tuệ này.
 
Sự phát triển mau lẹ của Đài Loan từ thập niên 1950s và Trung Quốc từ 1980s phần lớn do sự đóng góp lớn lao của kiều bào họ ở hải ngoại. Đài Loan là một đảo lạc hậu trước năm 1949, nhưng đã phát triển nhanh, có tầm vóc một nước công nghệ tiên tiến hiện nay, chủ yếu nhờ vào làn sống di cư từ lục địa và đầu tư trực tiếp lớn lao của giới Hoa kiều. Nguồn nhân lực trí thức Việt hải ngoại có tiềm năng rất lớn cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội mau chóng để đưa xứ sở tiến bộ nhanh, tránh hiện tượng tụt hậu. 
 
01-10-2009
 
Tài Liệu Tham Khảo:
 
1)     Báo cáo của Ủy Ban Việt Kiều trên mạn internet (http://www.mofa.gov.vn).
2)     Committee for Overseas Vietnamese. 2005. Overseas Vietnamese community: Questions and answers. Committee for Overseas. The Gioi Publishing House, Hanoi.
3)     Vietnam Economic News. 2004. Overseas Vietnamese: Investors of the future (http://www.venorg.vn/print_news.)
4)     Asia and the World. 2005. Calling all overseas Vietnamese. VietNamNews, date 17-08-2005 (http://www.asianewsnet.net)
5)     Đặng Nguyên Anh. 2005. Enhancing the development impact of migrant remittances and diaspora: The case of Viet Nam. Paper presented at the Regional Seminar on the Social Implications of International Migration, 24-26 August 2005, Bangkok, Thailand.
7)     Microlink. 2009. Migrant Remittances: Worldwide trends in international flow. Migrant Remittances Newsletter, vol 6 (2), August, 2009. http://www.microlinks.org/ev_en.php?ID=13069_
201&ID2=DO_TOPIC
.
8)     Nguyễn Hưng. 2009. Kiều hối năm 2008 đạt 8 tỉ. VN Express, Kinh Doanh, 6-1-2009. http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2009/01/3BA0A26D/.
9)     Page, J and Adams, R.H. 2003. International migration, remittances, and poverty in developing countries. World Bank Policy Research Working Paper, No. 3179: Washington D.C.


Trở lại Trang KH
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860858 visitors (2231782 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free