Lên mạng ngày 29/12/2009
Dưới đây là 10 khám phá khoa học tiêu biểu năm 2009 của Time:
1. Tìm thấy tổ tiên cổ nhất của loài người
Ngày 2-10, các nhà khoa học Mỹ tuyên bố đã phát hiện bộ xương hóa thạch xa xưa nhất của tổ tiên loài người tên là Ardi, thuộc chủng loại Ardipithecus ramidus, sống cách nay 4,4 triệu năm.
Ardi cân nặng khoảng 50kg, có bộ não nhỏ và thuộc giới tính nữ, được tìm thấy ở vùng sa mạc Afar tại miền trung Awash, Ethiopia. Theo các nhà khoa học, Ardi đứng thẳng, di chuyển bằng hai chân khi ở dưới đất nhưng ở trên cây vẫn sử dụng cả chân lẫn tay.
Ardi có những đặc điểm tiến hóa pha trộn và phát triển hơn tinh tinh hay đười ươi hiện giờ. Các nhà khoa học cho rằng rất có thể con người và các loài khỉ đang còn tồn tại trên Trái đất có cùng một tổ tiên, chứ không phải là các mắt xích nối tiếp nhau trong quá trình tiến hóa.
Trước đó, hóa thạch người tiền sử được cho có tuổi đời lâu nhất là Lucy, phát hiện năm 1974 ở châu Phi, có niên đại 3,3 triệu năm.
2. Giải mã chi tiết bộ gen người
Việc giải mã bộ gen người từ cách đây gần một thập kỷ mở ra hy vọng rằng chúng ta có thể hiểu biết được những ảnh hưởng di truyền của con người. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa hệ gen và bệnh tật phức tạp hơn chúng ta tưởng.
Mãi tới tháng 10 vừa qua, một nhóm nghiên cứu do Joseph Ecker (Viện nghiên cứu Salk, California) dẫn đầu đã nghiên cứu da người và tế bào gốc để tạo ra bản đồ chi tiết đầu tiên về bộ gen người.
Bằng cách so sánh hệ gen này với hệ gen của các tế bào mắc bệnh, các nhà khoa học có thể hiểu được sự không đồng đều ở hệ gen có thể dẫn đến ung thư và các bệnh khác. Đây được coi là bước ngoặt lớn trong hiểu biết di truyền của con người và cho biết chúng ta là ai.
3. Liệu pháp gen chữa bệnh mù màu
Khoa học hiện đại đã đưa ra nhiều phương pháp để nâng cao tinh thần, kích thích tình dục, tập trung làm việc và sức khỏe nói chung. Nhưng một phát hiện vào tháng 9-2009 có thể còn quan trọng hơn và đưa những điều trong tiểu thuyết viễn tưởng trở thành hiện thực: một nhóm các bác sĩ khoa mắt đã thành công cấy các gen vào trong mắt của hai con khỉ bị mù màu, cho phép chúng lần đầu tiên nhìn thấy màu đỏ và màu xanh.
Các nghiên cứu chi tiết hơn cho thấy phương pháp này còn có khả năng tăng cường các giác quan ở những người khỏe mạnh.
4. Robot biết nghiên cứu khoa học
Vào tháng 4-2009, người máy Adam do Trường đại học Aberystwyth (Xứ Wales, Anh) thiết kế đã trở thành hệ thống robot đầu tiên có thể thực hiện các khám phá hoa học mà hầu như không cần có sự tham gia trí tuệ con người.
Lâu nay, robot thường được sử dụng trong các cuộc thí nghiệm, ví dụ như hỗ trợ việc sắp xếp hệ gen người, lắp ráp ôtô... nhưng Adam là robot đầu tiên có thể nghiên cứu khoa học.
Theo nhà phát minh Ross King, trí thông minh nhân tạo có tiềm năng khoa học vô hạn và một chiếc máy tính trong tương lai có thể tạo ra được những khám phá quan trọng giống như thuyết tương đối của Einstein.
5. Nuôi cá ngừ trên đất liền
Trước tình hình cá ngừ ngày càng ít đi trên các đại dương, Clean Seas, một công ty ở Úc đã thử nuôi loài cá quý và ngon này trên đất liền và họ đã thành công. Các nhà khoa học tin rằng bằng cách này, "dân số" cá ngừ có thể tăng hơn 90% kể từ những năm 1950.
6. Phát hiện nước trên Mặt trăng
Có nước trên Mặt trăng, đó là lời khẳng định của các nhà khoa học NASA (Mỹ) vào tháng 11 vừa qua. Hôm 9-10, NASA đã sử dụng một tên lửa để khoét một cái hố sâu khoảng 30m trên bề mặt Mặt trăng và họ đã đo được khoảng 70 lít hơi nước và băng tại vị trí đó.
Một số nhà khoa học cho rằng ở cái hố bị khoét có đủ nước để cho các nhà du hành dùng trong tương lai. Một số nhà khoa học khác cho biết với việc phát hiện nước trên Mặt trăng, nó sẽ giúp chúng ta có được những thông tin quan trọng về lịch sử hệ Mặt trời.
7. Giáo sư Ngô Bảo Châu (Việt Nam) chứng minh "Bổ đề cơ bản chương trình Langland"
Năm 1979, nhà toán học người Mỹ gốc Canada Robert Langlands đã phát triển lý thuyết “chương trình Langland” - một chương trình toán học đồ sộ nhằm thống nhất hình học và số học. Và "Bổ đề cơ bản" là cơ sở cho việc xây dựng một lý thuyết toán học theo chương trình Langland, nhưng nó đã tồn tại hơn 30 năm mà không có ai chứng minh được.
Đến năm 2008, giáo sư Ngô Bảo Châu (Việt Nam) đã chứng minh Bổ đề cơ bản một cách tổng quát và đến năm 2009 thì được các nhà toán học thế giới công nhận. Tạp chí Time vinh danh giáo sư Ngô Bảo Châu
TTO - Với công trình nghiên cứu chứng minh "Bổ đề cơ bản chương trình Langland" -một chương trình toán học đồ sộ nhằm thống nhất hình học và số học - giáo sư Ngô Bảo Châu của Việt Nam được tạp chí Time (Mỹ) vinh danh trong "10 khám phá khoa học tiêu biểu năm 2009".
Ngô Bảo Châu sinh năm 1972, là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam giành Giải thưởng nghiên cứu Clay (năm 2004), một trong những giải thưởng vinh dự nhất trong lĩnh vực toán học thế giới.
Ngô Bảo Châu - Ảnh tư liệu
Ngô Bảo Châu còn nhận được giải thưởng của Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach dành cho các nhà toán học trẻ châu Âu (2007) và giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (2008).
Trước đó, vào đầu năm 2004, khi chưa đầy 32 tuổi, anh được hai trường đại học lớn ở thủ đô nước Pháp (Paris 6 và Paris 11) mời làm giáo sư. Anh nhận lời Đại học Paris 11 vì muốn gần gũi hai nhà toán học thân thiết là Gérard Laumon và Laurent Lafforgue.
Hiện anh đang làm việc tại ĐH Paris-Sud và Viện nghiên cứu khoa học tiên tiến (IAS) ở Princeton
8. Truyền thông lượng tử
Các nhà khoa học ở Trường đại học Maryland (Mỹ) đã thành công khi dịch chuyển dữ liệu từ một nguyên tử này sang một nguyên tử khác nằm trong một cái hộp cách đó 1m. Đột phá này cho phép con người có thể thực hiện ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau như tạo ra thế hệ máy tính cực nhanh, an ninh, viễn thông...
9. Máy gia tốc hạt nhân lớn tạo năng lượng kỷ lục
Năm 2009, các nhà khoa học của Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) đã thực hiện một thí nghiệm khoa học lớn nhất trong lịch sử, đó là LHC - máy gia tốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Đây là một cỗ máy khổng lồ với chu vi khoảng 27km, nằm sâu dưới lòng đất 100m ở gần Geneve (Thụy Sĩ). Nó được thiết kế để đẩy nhanh các phần tử (ở nhiệt độ lạnh hơn nhiệt độ nhiều nơi trong vũ trụ) với vận tốc gần bằng tốc độ ánh sáng.
CERN cho biết LHC đã tạo ra năng lượng đạt tới 1,18 ngàn tỉ vôn electron (TeV), vượt qua kỷ lục cũ do các nhà khoa học Mỹ tạo lập (0,98 TeV). Năm tới, LHC có thể đạt 5 TeV.
Khi LHC đạt được mức năng lượng 7 TeV, các nhà khoa học có thể thực hiện được các thí nghiệm quan trọng để làm sáng tỏ những bí ẩn trong vũ trụ như vật chất đen, năng lượng đen, vụ nổ Big Bang...
10. Phát hiện hành tinh mới giống Trái đất
Vào đầu tháng 12, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế công bố họ đã phát hiện một hành tinh quay quanh một ngôi sao và có quỹ đạo giống như hệ Mặt trời của chúng ta. Ngôi sao này nằm cách Trái đất khoảng 50 năm ánh sáng, còn hành tinh quay quanh nó có kích cỡ gấp 10-40 lần so với sao Mộc.
Bằng cách sử dụng những dụng cụ săn tìm hành tinh của kính viễn vọng Subaru, Hawaii, các nhà khoa học có thể nhận được hình ảnh trực tiếp từ vật thể này. Đây là lần đâu tiên họ phát hiện một ngôi sao giống với Mặt trời cả về kích cỡ và nhiệt độ. Điều này cho chúng ta nghĩ ở đó có thể có sự sống như Trái đất.
Theo báo TheTime
Trở lại trang Khoa Học