Lên mạng ngày 20/11/2011
CHUYỆN ÔNG CARNOT
Trần Đăng Hồng
Vừa đưa lên mạng bài “Ngày Nhà Giáo Teachers’ Day” không tới 24 giờ, tôi rất ngạc nhiên nhận được rất nhiều thư email gởi đến, “bình luận” thêm về hiện trạng Ngày Nhà Giáo ở Việt Nam. Ngoài ra, bài này lại nhanh chóng được đăng tải lại trên nhiều trang mạng ở nước ngoài. Thật là ngạc nhiên, có lẻ tôi đã gải đúng vào chỗ ngứa có tính cách thời sự.
Một trong các email là một vị Thầy khả kính và thần tượng của suốt thời đại học và tới giờ này của tôi. Thầy nhắc đến chuyện Ông Carnot mà tôi đã quên lững. Vào thời của tôi, bất cứ đứa trẻ 7-8 tuổi nào, ở cái lớp Tư hay Ba của tiểu học đều thuộc lòng bài “Học trò nhớ ơn thầy” trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư của tác giả Trần Trọng Kim và Nguyễn Văn Ngọc. Bài đó rất ngắn và giản dị như sau:
“Ông Carnot xưa là một ông quan to nước Pháp, một hôm nhân lúc rảnh việc về chơi quê nhà. Khi ông đi ngang qua trường học ở làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc bé, bây giờ đã đầu tóc bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học. Ông ghé vào thăm trường và chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà nói rằng:
- Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không? - Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng - Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay”.
Ông Carnot chính là tổng thống thứ tư của Đệ tam Cộng hòa Pháp từ năm 1887 đến 1894.
Tổng Thống Sadi Carnot (1837-1894)
Câu chuyện ông Carnot đã ám ảnh suốt cuộc đời của thế hệ trước tôi như vị Thầy tôn kính của tôi, và thế hệ tôi, những học sinh đã từng học Quốc Văn Giáo Khoa Thư (xuất bản từ 1925). Tôi không rõ các thế hệ sau có biết chuyện ông Carnot không?
Ở tuổi già tôi thường trở nên lẫm cẫm. Tôi không biết là ngày nay nếu có ông quan lớn nào đi ngang trường cũ thấy thầy đang dạy học có ghé vào thăm thầy không, và đám tùy tùng giữ an ninh có cho phép quan làm chuyện đó không? Còn ông thầy giáo già bây giờ có dám thản nhiên ngồi dạy khi nghe quan lớn đến trường như ông thầy già của Carnot? Hay ông phải khúm núm dẫn đám học trò xếp hàng tiếp đón quan lớn? Và ông quan lớn có nói “ Tôi là X đây, thầy còn nhớ tôi không?”, rồi sau đó chắc quan lớn sẽ diễn thuyết hàng giờ về công ơn mà thầy già không có đóng góp.
Vào thời phong kiến mà ông giáo già cả gan thật!
Tuổi già thường lẫm cẫm. Xin bạn đọc tha thứ cho giáo già này.
Reading, Ngày Nhà Giáo 20/11
Trần Đăng Hồng