TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  TS Norman E Borlaug
 

Lên mạng ngày 01/10/2009

TiẾn Sĩ Norman E. Borlaug
Và CuỘc Cách MẠng Xanh
 
Trần Văn Đạt, Ph. D.

Nhà khoa học nông nghiệp Norman Ernest Borlaug, cha đẻ Cuộc Cách Mạng Xanh, được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1970 đã qua đời ngày 12-9-2009 tại Texas, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 95 tuổi. Suốt đời, Ông đóng góp rất nhiều nỗ lực chống nạn đói, giúp nhiều nước Châu Á và Bắc Phi đẩy lùi thảm họa này, làm tăng lợi tức gia đình và cải thiện đời sống cho vô số nông dân tại nhiều nước đang phát triển.
 
 
(Ảnh của AP files: Norman E. Borlaug tại Đại Học Texas A&M)

Ông xuất thân từ bang Iowa, theo học ngành thủy lâm tại Đại học Minnesota trong thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế thế giới, ra trường làm việc tại Sở Thủy Lâm Hoa Kỳ trong thời gian ngắn. Sau đó, Ông trở lại tiếp tục học bậc Tiến Sĩ về Bệnh Học thảo mộc tại Đại hoc Minnesota. Khi ra trường, Ông làm việc ngắn cho công ty Dupont với tư cách chuyên gia vi sinh học, rồi làm việc cho Rockefeller Foundation tại Viện Cải Thiện Bắp và Lúa Mì (CIMMYT) ở xứ Mexico, và lãnh đạo Viện này từ 1963 cho đến nghỉ hưu năm 1979. Ông trở về dạy học ở Đại học Cornell, New York rồi di chuyển đến Đại học Texas A & M (Curry and Blaney, 2009).
 
Năm 1977, Ông nhận được Huy chương Tổng Thống Về Tự Do, giải thưởng dân sự cao quý nhứt do Tổng Thống Mỹ trao tặng.
 
Năm 1986, TS Borlaug thành lập Giải Thưởng Lương Thực Thế Giới (World Food Prize) ở Des Moines, Iowa trị giá 250.000 Kỹ kim mỗi năm dành cho người có công trình cải thiện cung cấp thực phẩm nổi bật. Ông còn là một sáng lập viên và là Chủ Tịch của Sasakawa Africa Foundation do Nhựt Bổn tài trợ, với chủ trương làm công tác giảm nghèo đói ở Châu Phi miền nam sa mạc Sahara.
 
Năm 2006, Ông nhận được Huy Chương Vàng Quốc Hội (Congressional Gold Medal), một Huy chương dân sự cao quý nhứt do Quốc Hội Mỹ trao tặng, và Viện Nông Nghiệp Quốc tế của Đại học Texas A & M tại Bang Texas được mang tên Ông.
 
Tiến Sĩ Borlaug nổi tiếng trên thế giới và được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1970 là do công trình nghiên cứu cải thiện giống lúa mì tại Viện CIMMYT và hoạt động xóa đói giảm nghèo của Ông. Sự thành công của Ông tại một Viện nghiên cứu quốc tế đã mở đầu cho những nỗ lực khảo cứu thành công khác dành cho một loại lương thực quan trọng bậc nhứt của thế giới – đó là lúa gạo. Hai thành tựu nghiên cứu to lớn trên hai màu chủ yếu của nhân loại đã dẫn đến sự bộc phát Cách Mạng Xanh (CMX) từ cuối thập niên 1960s đến giữa 1990s, giúp cho nhiều nước đang phát triển tránh khỏi nạn đói hoành hành.
 
Cuộc CMX cuối cùng xuất hiện là do khám phá sử dụng “gien lùn” giúp cho loài thảo mộc hấp thụ phân hóa học hữu hiệu và làm cây chống đổ ngã gây ra sự thất thoát. Loại gien lùn này được tìm thấy ở cây lúa mì Norin 10B ở Nhựt Bổn. Tại trường Washington State University, Pullman, bang Washington, Mỹ, Ông Orville Vogel triệt để khai thác loại gien lùn lúa mì của Nhựt trong chương trình lai tạo giống. Vào năm 1953, nhóm chuyên gia do Tiến Sĩ Norman Borlaug lãnh đạo của Viện CIMMYT ở Mexico đã dùng gien lúa mì lùn của Vogel để tạo ra các giống có năng suất cao và kháng đổ ngã. Giống lúa Mì tân tiến này được phổ biến rộng rãi không những ở nước Mexico và Mỹ Châu, mà còn bành trướng đến vùng Bắc Phi, Trung Đông và Á Châu. Thật vậy, trong năm 1960, Rockefeller Foundation và Tổ Chức FAO bảo trợ cho 3 chuyến công tác do Ông Borlaug hướng dẫn để nghiên cứu xem các giống lúa mì lùn và các kỹ thuật canh tác tiến bộ tạo ra bởi CIMMYT có thể chuyển giao đến các nước khác ở châu Á, Trung Đông và châu Phi (Borlaug et al., 2001).
 
Nhờ đó, cây lúa mì cải tiến phát triển mạnh ở các vùng trên từ giữa thập niên 1960s đến 1980s, làm năng suất tăng gấp đôi từ 870 kg/ha lên 1.630 kg/ha, diện tích thu hoạch cũng tăng từ 76 triệu đến 96 triệu ha, và sản xuất lúa mì tăng từ 65 triệu đến 157 triệu tấn, tức 140%, giúp các vùng này tiến đến tự túc lương thực.
 
Tại Ấn độ và Pakistan, chương trình lai tạo giống lúa mì cải tiến và áp dụng các kỹ thuật nông học bắt đầu vào giữa thập niên 1960s. Sự kiện trúng mùa lúa mì vào vụ trồng 1967-68 ở Ấn Độ và Pakistan và một số xứ khác đã làm cho USAID tại xứ này báo cáo rằng “Một cái gì đó vừa xảy ra; đã có sự thay đổi ngoạn mục ở sản xuất lúa mì và bây giờ bắt đầu với cây lúa. Dường như rằng cuộc Cách Mạng Xanh đang xảy ra.” Thời đại mới đang đến với hai nước này. Từ 1966 đến 1971, sản xuất lúa mì đã tăng gấp đôi, giúp họ tiến đến tự túc trong những năm gần đây, mặc dù dân số gia tăng nhanh (Borlaug et al., 2001). Cũng vậy, sản xuất lúa mì đã tăng gia đáng kể ở các nước châu Mỹ.
 
Do các thành tựu và mục đích hoạt động thiết thực của Viện Bắp và Lúa Mì CIMMYT ở Mexico, Viện Nghiên Cứu Lúa Quốc Tế (IRRI) được thành lập tại Philippines năm 1960 và một giống lúa nửa lùn cao năng được lai tạo và phóng thích đầu tiên để trồng thử nghiệm tại nhiều nước Á châu, như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Malaysia, Phillipines, Sri Lanka, Việt Nam, v.v trong 1965. Đó là giống lúa IR8, Việt Nam gọi Thần Nông 8, một tổ hợp lai giữa lúa lùn Dee-gee-woo-gen của Đài Loan và lúa cao giàn Peta của Indonesia, cho năng suất đến 11 t/ha trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Cây lúa IR8 là loại lúa nửa lùn, nhiều chồi, lá thẳng đứng, xanh đậm, chống đổ ngã, kháng một số sâu bệnh và phản ứng đạm cao đến 200 kgN/ha, có năng suất cao, nhưng chất lượng hạt thấp (hạt thô, cơm nguội cứng) do hàm lượng amylose cao (28%). Hạt lúa IR8 có kích thước trung bình, hạt to, bạc bụng. Ở ngoài đồng, lúa IR8 cho năng suất cao gấp đôi, ba lần giống lúa địa phương, từ 4 đến 8 tấn/ha. Vì thế, giống lúa IR8 sau này bị thay thế bởi các giống cao năng khác có chất lượng tốt hơn và kháng được nhiều sâu bệnh quan trọng của cây lúa.
 
Không phải nước nào cũng có cuộc CMX xảy ra. Các nước Phi Châu ở miền nam sa mạc Sahara đến nay chưa thấy bóng dáng của cuộc cách mạng này, vì sự thành công của CMX đòi hỏi cùng một lúc 4 yếu tố chính: (i) Chính sách quốc gia hữu hiệu, (i) hệ thống tưới tiêu, (iii) đủ giống cao năng và (iv) đủ phân hóa học. Lục địa Phi Châu nêu trên chỉ hội đủ yếu tố gống cao năng mà thôi! Cũng vậy, những nỗ lực của Ông Borlaug trong thập niên 1980s và 90s để cải tiến nông nghiệp nước trời hay không được tưới tiêu ở châu Phi chưa đạt đến mục đích đã đề ra! Tuy nhiên, Ông là người cổ vỏ mạnh mẽ nhứt cho áp dụng công nghệ sinh học trong đời sống gồm cả ngành nông nghiệp.
 
 Theo nghiên cứu của IRRI, sự thành công của cuộc CMX ở Châu Á phần lớn là do phát triển hệ thống tưới tiêu (29%), sử dụng phân hóa học (24%) và dùng các giống hiện đại (23%), không kể các vấn đề tổ chức và quản lý (Herdt and Capule, 1983). Cuộc CMX đã giúp được nhiều dân tộc trên toàn cầu thoát được các nạn đói dự đoán, thành phần nghèo trong xã hội hưởng được giá lúa gạo rẽ hơn, làm thay đổi cơ cấu trồng lúa và xã hội nông thôn vào buổi đầu khi giá lúa gạo còn tương đối cao, còn mang lợi nhuận đáng kể cho người trồng lúa.
 
Bên cạnh mặt tích cực, cuộc CMX đã mang đến thế giới những vấn đề tiêu cực đáng lo ngại (Trần Văn Đạt, 2002):
 
(1) Về phương diện sinh học, sự phổ biến mạnh mẽ các giống cải tiến, thấp giàn làm biến mất dần các giống lúa địa phương. Hiện tượng xói mòn di truyền (genetic erosion) đã xảy ra ngày càng trầm trọng. Hơn nữa, sử dụng giống ngắn ngày, phân hóa học nhất là phân đạm, và thuốc sát trùng đã làm thay đổi hẳn lề lối canh tác cổ truyền và làm biến đổi hệ thống cơ cấu trồng trọt, gây ra nhiều vấn đề tiêu cực khổng thể lường trước được. Tình trạng sinh hoạt của nhiều loại côn trùng và bệnh thảo mộc đã thay đổi bất thường, từ loại không đáng kể trở nên nguy hiểm hơn, như bệnh cháy lá hay đạo ôn trên cây lúa (Pyricularia grisae Cav.) bây giờ trở nên nguy hại hơn trước thời CMX vì dùng nhiều phân đạm; bệnh khô vằn (Rhizoctonia solani) trở nên quan trọng hơn; bệnh đốm nâu hiện nay ít hơn khi xưa; bệnh lúa lùn, Ragg stunt, Tungro... là những bệnh mới xuất hiện; rầy nâu (Nilaparvata lugens), sâu đục thân hai chấm (Scirpophaga incertulas, Walker) trở nên loài nguy hiểm hơn; v.v.
 
(2) Về phương diện môi trường: Giống lúa cao năng hấp thụ chất dinh dưỡng của đất nhiều hơn giống cổ truyền và còn gọi là loại cây “đào mỏ đất” (soil mining). Nông dân thường chỉ áp dụng phân có ba chất dinh dưỡng chính: N, P, K và quên hẳn các chất bần tố cần thiết khác. Hiện tượng cây lúa thiếu bần tố Zn, S, B đã được báo cáo nhiều nơi trên thế giới. Do đó, những vùng thâm canh, 2 hoặc 3 vụ lúa cần phải đặc biệt lưu ý đến cân bằng dinh dưỡng đất đai. Sử dụng thuốc sát trùng, thuốc diệt cỏ quá độ gây ô nhiểm môi trường và xáo trộn thế cân bằng sinh học. Những vùng úng thủy, khai thác đất phèn mặn, đất hữu cơ cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường không ít. Phân đạm góp phần làm tăng sức nóng hoàn cầu dưới hình thức khí nitrous oxide. Ruộng ngập nước sản xuất khí thải methane với số lượng đáng kể, làm hâm nóng bầu khí quyển địa cầu.
 
            (3) Về kinh tế và xã hội, các giống lúa cải thiện thấp giàn đã trút thêm sự cực nhọc vất vả trên vai nông dân trong các nước đang phát triển, mà người đàn bà chiếm tỉ lệ không nhỏ trong các công tác cấy lúa và gặt hái bằng sức lao động. Sự chăm sóc mùa màng cũng kỹ lưỡng hơn và cần nhiều nhân công hơn. Hệ thống tưới tiêu bành trướng mạnh nên gây tình trạng tranh chấp giữa người dùng nước ở thượng điền và hạ điền nhiều hơn. Nhờ giống lúa ngắn ngày nông dân áp dụng thâm canh hai ba vụ mỗi năm, gây ra vấn đề thiếu lao động lúc cao điểm và khó khăn trong lúc hậu thu hoạch, đặc biệt vấn đề phơi lúa, tồn trữ, xay chà và thị trường.
 
            Ngoài ra, CMX còn làm tăng gia khoảng cách lợi tức giữa nông dân trồng lúa tưới tiêu và không có tưới tiêu. Tổng quát, ở Việt Nam lúa gạo đóng góp 37% vào lợi tức của gia đình nông dân trong khu vực khảo sát. Lúa tưới tiêu đem về 41,5% (587,42 đô la) so sánh với lúa không có tưới tiêu chỉ 18,2% (90,30 đô la). Theo cuộc điều tra gần đây, dùng các hạt giống cải tiến làm tăng lợi tức từ 15,6% lên 41,7% (112,45 lên 493,98 Mỹ kim) (Trần Thị Út và Hossain, 2000). 
 
Để khắc phục các vấn đề nêu trên, cần triệt để áp dụng biện pháp Quản lý tổng hợp mùa màng và nông nghiệp chính xác, qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà quy hoạch, khảo cứu, khuyến nông và nông dân.
 
Sau cuộc CMX vừa qua, thế giới đang tiến dần đến một cuộc cách mạng khoa học mới, có tính cách hiện đại hơn, gọi là “Cuộc Cách Mạng Trắng”, khi công nghệ biến đổi gien ra đời và hoàn thành Bản đồ genome của cây lúa vào năm 2002; nhưng cuộc Cách Mạng này chỉ đẩy lùi, chứ chưa giải quyết tận gốc nạn đói kém và nghèo khó thế giới. Cuộc khủng hoảng lương thực thế giới xảy ra trong tháng 4-5 năm 2008, cộng thêm khủng hoảng tài chánh và suy thoái kinh tế gần đây đã làm thế giới tăng thêm 100 triệu người thiếu đói, đưa tổng số hơn 1 tỉ người trong 2009.
 
Tiến sĩ Norman Borlaug đã ra đi vĩnh viễn, nhưng ngọn lửa chống nạn nghèo đói thế giới do Ông thắp lên còn đó, sẽ được các thế hệ tiếp theo chuyền tay nhau để làm cho xã hội này trở nên công bình hơn và mọi người được no ấm hơn.
 
Trần Văn Đạt, Ph.D.

Tài Liệu Tham Khảo:
 
  1. Borlaug, N.E., Hafiz, A., Sigurbjornsson, B. and Swaminathan, M.S. 2001. The origin and unfolding of the green revolution revisited by four of its early instigators - An example of successful, wide partnership. FAO document, Rome.
2.      Herdt, R.M. and Capule, C. 1983. Adoption, spread and production impact of modern rice varieties in Asia. IRRI, Los Banos, Philippines, p 3-17.
3.      Curry, M. and Blaney, B. 2009. Nobel Prize winner Norman Borlaug dies at 95. AP Associate Press, 13-9-2009.
4.      Trần Thị Út and Hossain, M. 2000. Effects of improved technologies on rice production and impact distribution and poverty alleviation: Case study of Viet Nam. Paper presented at the International Rice Research Conference, 31-3 to 3-4-2000. IRRI, Los Banos.
  1. Trần Văn Đạt. 2002. Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam - Từ thời nguyên thủy đến hiện đại. NXB Nông Nghiệp, Sài Gòn, 315 tr.
Trở lại Trang Khoa học

 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 861073 visitors (2232342 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free