Lên mạng ngày 17/4/2010
Tuần báo Dân Việt, Sydney, Thứ Sáu 16-04-2010
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VIỆT NAM:
CÁC THỬ THÁCH VÀ GIẢI PHÁP THỦY LỢI KHẢ THI
* Ngọc Hân, Đài VOA Washinghton DC
Vấn đề Sông Mekong và tương lai của trên 60 triệu người tùy thuộc vào nguồn nước qui báu nầy là đề tài được nguyên cứu, thảo luận và tranh cãi từ nhiều năm nay. Về mặt quốc tế, Ủy Ban Mekong (Mekong Committee) đã được thành lập hồi năm 1957 và gồm 4 quốc gia Cao Miên, Lào, Thái Lan và Việt Nam Cộng Hòa. Để bảo đảm hợp tác, thành viên Ủy Ban Mekong có quyền phủ quyết khi một dự án quốc gia có khả năng gây thiệt hại cho một thành viên khác hoặc gây thiệt hại chung cho toàn vùng.
Sau năm 1975, Ủy Ban Mekong bị giải tán và mãi đến năm 1995, Ủy Hội Sông Mekong (Mekong River Commission - MRC) mới được chính thức thành lập và gồm 4 thành viên là Cao Miên, Lào, Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam. Miến Điện và Trung Quốc từ chối gia nhập, nhưng vẫn duy trì liên hệ với MRC như là đối tác đối thoại. Thành viên MRC không có quyền phủ quyết.
Hợp Tác Quốc Tế: Cá Lớn Hiếp Cá Nhỏ
Hồi đầu tháng 4 năm nay 2010, Hội Nghị Thượng Đỉnh Sông Mekong được tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan, lần đầu tiên 15 năm sau khi MRC được thành lập. Mục đích hội nghị là để cải thiện hợp tác, bảo đảm tương lai kinh tế và môi trường sinh thái cho toàn vùng trước những nguy cơ đang xảy ra và hiểm họa có thể xảy ra vì biến đổi thiên nhiên và sinh hoạt con người. Thí dụ điển hình cho sinh hoạt con người là những đập thủy điện của Trung Quốc và tại các quốc gia thượng nguồn khác (đối với Việt Nam). Ngoài 8 đập đã được xây dựng, 15 đập khác còn được dự trù trong vòng thập niên sắp tới.
Hội nghị Thượng Đỉnh Hua Hin mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự, không đạt được kết quả gì cụ thể.
Trung Quốc vẫn tiếp tục từ chối trách nhiệm, trong khi 3 quốc gia hạ nguồn (đối với Trung Quốc) nhưng lại là thượng nguồn (đối với Việt nam) không theo đuổi lập trường thuần nhứt. Nói cách khác, 5 quốc gia thành viên Asean (Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cao Miên và Việt nam) không đoàn kết để tạo sức ép cần thiết với Trung Quốc. Hậu quả là Đồng Bằng Sông Cửu Long bị thiệt thòi nhứt, bởi lý do Việt nam là quốc gia cuối cùng ở hạ nguồn.
Photo: AP
Đập thủy điện Trung Quốc - Năm 1997, Trung quốc đóng cửa đập Manwan
4 ngàyđể sửa chửa, không cho nước hồ chảy vào hạ lưu, gây khô hạn ởphần
đấtViệt Nam và thiệt hại cho Việt Nam khoảng 100,000 Mỹ kim mỗi ngày.
Tương lai sông Mekong – và cá biệt là tương lai Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam – cũng là đề tài được giới chuyên gia khảo cứu nước ngoài và cộng đồng người Việt trên toàn thế giới quan tâm.
Tại Úc Đại Lợi, Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long đã và đang theo dõi vấn đề nầy qua Tập San Nghiên Cứu mà Nhóm thực hiện hàng năm và phát hành từ Sydney.
Vào chủ nhựt 18 tháng 4, 2010 Tập San Nghiên Cứu số 4 (2010) được ra mắt độc giả bốn phương mà một trong các tụ điểm là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Đăng Hồng với đề tài “Thử tìm giải pháp thủy lợi cho Đồng Bằng Cửu Long - Đề nghị vài biện pháp”.
Theo lời giới thiệu của Tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Tiến sĩ Trần Đăng Hồng là chuyên viên nghiên cứu nông nghiệp tại Viện Đại Học Reading, Anh Quốc (cách Luân Đôn khoảng 60 cây số về phía Tây) và là cựu giảng sư Trường Đại Học Nông Nghiệp, Viện Đại Học Cần Thơ, Việt Nam, trước năm 1975.
Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt nam: Những Thử Thách
Khi đề nghị các giải pháp khả thi, Tiến sĩ Trần Đăng Hồng đã dựa vào những kinh nghiệm thủy lợi tại Hòa Lan và tại bình nguyên sông Mississipi ở Hoa Kỳ, tại các nước đang phát triển như Bangladesh, Thái Lan và Philippines, cũng như kinh nghiệm dựng nước của các bậc tiền nhân từ các triều đại Lý-Trần-Lê-Nguyễn của Việt nam.
Nhân dịp gặp gỡ Tiến sĩ Trần Đăng Hồng trong chuyến thăm viếng Sydney của ông trước đây, chúng tôi đã nêu một câu hỏi tổng quát đối với Việt nam và riêng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Ngọc Hân: Thưa Tiến sĩ Trần Đăng Hồng - Hậu quả của thiên nhiên và sinh hoạt con người như thế nào tại Việt nam trong thế kỷ vừa qua, khi Việt nam chưa phải là một nước công nghệ?
Ts Trần Đăng Hồng: “Riêng tại Việt nam từ đầu thế kỷ đến năm 1970, sự gia tăng nhiệt độ không nhiều lắm, nhưng kể từ sau năm 1970 thì lại gia tăng rất đáng kể – khoảng +0,75 độ C trong vòng 30 năm qua. Tuy nhiên, Việt nam không phải là quốc gia kỹ nghệ, dân chúng Việt nam thải ra khoảng 57 triệu tấn carbon hay tính theo đầu người thì khoảng 0.9 tấn một người Việt nam. Theo các chuyên gia quốc tế, đó không phải là do kỹ nghệ mà là do đốt phá rừng ở Việt nam.”
Về sinh hoạt con người, Đồng Bằng Sông Cửu Long còn phải đối diện với một thử thách quan trọng nữa: đó là nạn nhân mãn. Trong bài tham luận, tác giả dẫn chứng cụ thể: trong năm 2009, Đồng Bằng Sông Cửu Long có 19 triệu người và nhân số nầy dự trù sẽ tăng lên 25 triệu vào năm 2025 và 46 triệu vào năm 2075. Mật độ dân số tại đây là 400 người cho mỗi km2 tức là gấp đôi mật độ dân số cả nước.
Về biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao là đe dọa trầm trọng. Đó là kết luận của Tiến sĩ Trần Đăng Hồng trong bài nghiên cứu cũng như khi ông trả lời cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Ông viết:
“Trong khoảng thời gian 1955-1990, nước biển Đông đo tại Hòn Dâu dâng cao 0.19 cm/năm ở miền Bắc, trung bình dâng cao 0.3 cm/năm tại trạm Vũng Tàu trong thời gian 1978-2007; và như vậy, nước biển sẽ dâng cao thêm từ 20 – 27 cm vào năm 2100, còn với vận tốc dâng như IPCC tiên đoán thì nước biển sẽ dâng cao thêm 64 cm vào năm 2100.
“Đồng Bằng Cửu Long có độ cao 0-4 m trên mực nước biển, riêng vùng Cà Mau chỉ cao hơn mực biển 0-0.5 m, trong lúc thủy triều cao 4 m, nên khả năng chìm dưới mặt biển khá lớn, nhất là vùng rừng ngập mặn hiện nay, và coi như một phần lớn đồng bằng bị đe doạ bởi thuỷ triều từ phía biển.
“Nếu nước biển dâng cao thêm 0.2 m, khoảng 706 km2 đất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt nam bị chìm ngập, và nếu dâng cao 0.6 m sẽ có khoảng 994 km2 đất bị chìm ngập . Theo Bộ Nông nghiệp Việt nam, nếu mực nước biển dâng cao 1 m, Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ mất từ 15,000 đến 20,000 km2 đất”.
Ngọc Hân: Nhiễm mặn cũng là một vấn nạn có thể hủy hoại nguồn sống của Đồng Bằng Sông Cửu Long?
TS Trần Đăng Hồng: “Hiện tại, trong vòng 20 năm nay, vấn đề nhiễm mặn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long rất là trầm trọng – chẳng hạn trước đây 30 năm, nước nhiễm mặn cách Cần Thơ khoảng 25 cây số, nhưng hiện tại nước nhiễm mặn 1% cách Cần Thơ chỉ khoảng 15 cây số. Riêng vùng trồng lúa, sự nhiễm mặn tùy theo vùng, có thể tiến tới 120 cây số trong nội địa”.
Ngọc Hân: Ngoài hiện tượng nước biển dâng cao và nhiễm mặn, nhìn từ góc cạnh nông nghiệp tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, có 2 điểm đáng chú ý, theo ông – thứ nhứt là vấn đề thay đổi số lượng giờ nắng và thay đổi về phân phối lượng nước mưa. Ông có thể cho biết thêm chi tiết không ạ ?
Ts Trần Đăng Hồng: “Sự thay đổi khí hậu nầy rất rõ rệt tại Đồng Bằng Sông Cửu Long. Thứ nhứt, số giờ nắng tại Cần Thơ và Bạc Liêu giảm khoảng 200 giờ nắng trong một năm. Ảnh hưởng thứ hai là độ ẩm không khí giảm cho nên hiện tượng bốc hơi nhiều – và vấn đề thứ ba là sự phân phối nước mưa. Tuy tổng lượng nước mưa không thay đổi, nhưng mưa tập trung nhiều vào khoảng tháng 9 và mùa nắng hạn lại gia tăng thêm 2 tháng từ tháng Giêng đến tháng 4. Đó là các yếu tố bất lợi cho nông nghiệp ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.”
Dầu vậy, Đồng Bằng Sông Cửu Long vẫn còn là vựa lúa lớn nhứt của Việt nam và đem lại nguồn lợi kinh tế quan trọng cho cả nước về mặt nông nghiệp và ngư nghiệp. Nhưng điểm thiệt thòi cho cả vùng nầy là mức độ an sinh. Tiến sĩ Trần Đăng Hồng viết tiếp:
“Về mặt kinh tế, tuy là vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam, với 50 % sản lượng lúa, 70 % lượng trái cây, 52 % thuỷ sản của toàn quốc, đóng góp 90 % số lượng gạo xuất cảng, và 60 % kim ngạch xuất cảng thủy sản của cả nước, dân chúng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt nam còn nghèo so với bình quân chung của cả nước.
“Tổng sản lượng quốc nội GDP bình quân đầu người năm 2006 ước tính đạt 493 USD, so với 729 USD của cả nước. Dân chúng hiện sinh sống trong 3 triệu căn nhà, mà 70 % là nhà tạm bợ. Một số lớn dân chúng không có đất canh tác, trong lúc có người chiếm hữu trên 100 ha ruộng lúa. Hiện còn khoảng 4 triệu người trong số 18 triệu dân còn trong diện nghèo đói”.
Đồng Bằng Sông Cửu Long: Các Đề Nghị Thủy Lợi và Chiến Lược
Tác giả nêu lên tám đề nghị mà hầu hết đều cần kỹ thuật cao và kế hoạch đầu tư lớn. Đề nghị đầu tiên là hợp tác trong Tổ chức MRC. Điều nầy khó thực hiện vì không nằm trong vòng ảnh hưởng của Việt nam, như Hội Nghị Thượng Đỉnh MRC tại Hua Hin đã cho thấy rõ rệt.
Các đề nghị còn lại gồm:
(a) Kiện toàn hệ thống đê và thiết lập hệ thống polders (tiểu đảo) theo khuôn mẫu Hòa Lan để cải thiện khả năng đa canh và kỹ nghệ hóa nông nghiệp. Một số hệ thống đê nầy cũng là hệ thống xa lộ – như Xa Lộ N1, Xa Lộ hành lang Cà Mau - Bangkok, Xa Lộ hành lang Xuyên Á Bà Rịa – Sài Gòn - Tây Ninh - Phnom Penh.
(b) Sửa đổi quy hoạch tổng thể và sản xuất nông nghiệp. Đây là đề nghị chi tiết áp dụng cho nhiều nơi trong Vùng, kể cả đề nghị một viện nghiên cứu chuyên về nước mặn. Tiến sĩ Trần Đăng Hồng viết:
“Với một bờ biển trải dài hơn 600 km và diện tích khoảng 1 triệu ha đất nhiễm mặn, cần thiết lập một viện nghiên cứu chuyên về nước mặn, tương đương với Viện Nghiên Cứu Lúa Ô Môn và Viện Cây Ăn Quả Long Định của vùng nước ngọt. Thật đáng tiếc, một vùng có nhiều tìm năng kinh tế nhưng lại chưa có một trường đại học để chuyên về nước mặn, nước lợ. Đại học Duyên Hải Nha Trang không đáp ứng được nhu cầu phát triển đặc biệt của vùng duyên hải Nam phần Việt nam.”
(c)Giữ nước ngọt trong đồng bằng, kể cả nước mưa và gia tăng những túi nước ngầm.
(d) Chuyển nước sông Hậu vào U Minh để giảm hạ mùa lụt hằng năm tại nhiều tỉnh trong Vùng.
(e) Ngăn chận nước biển dâng cao, nước mặn xâm nhập. Một giải pháp thích hợp nhất, vừa chống mặn xâm nhập trên sông, vừa duy trì ảnh hưởng của chế độ thủy triều của biển Đông, vừa duy trì sinh môi mặn của vùng duyên hải, vừa thuận lợi cho tàu bè lớn lưu thông là áp dụng kiểu đập ngầm (underwater sill) trên sông Mississippi của Hoa Kỳ. Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt nam về mặt thủy tính tương tự như hạ lưu sông Mississippi của Hoa Kỳ.
(f) Thiết lập đê biển. Đây là một dự án lâu dài, bền vững dọc theo biển Đông và biển Tây để đáp ứng với nước biển dâng cao. Cần phải hệ thống hóa thiết kế đê biển theo tiêu chuẩn, không thể rời rạc như hiện nay; và
(g) Phát triển hệ thống đường thuỷ và hải cảng quốc tế. Phải quan niệm thủy lợi trong khung cảnh phát triển kinh tế và quốc phòng chung cho Đồng Bằng Sông Cửu Long như thời nhà Nguyễn đã quan niệm, không chỉ hạn hẹp trong lợi ích thủy nông mà thôi. Tiến sĩ Trần Đăng Hồng nhận xét:
“Việc tối tân các cảng Cần Thơ, và các cảng ở các thành phố ven sông như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cao Lảnh, Long Xuyên, Năm Căn Cà Mau, v.v. và cảng Hà Tiên, Rạch Giá, trên biển Tây là cần thiết, cũng như nạo vét sông Tiền, sông Hậu, cửa Định An, các kinh Vàm Xáng, Vĩnh Tế, Cái Sắn, Xà No, để tàu hàng trọng tải lớn có thể từ biển Đông đến biển Tây, đến các cảng lớn trong Đồng Bằng Sông Cửu Long, đến Nam Vang, Thái Lan, Lào và Trung Quốc. Nhờ sự giao thương rộng mở, kinh tế Đồng Bằng Sông Cửu LongViệt nam mới có cơ hội phát triển được”.
Ngoài các đề nghị giải pháp thủy lợi cho Đồng Bằng Sông Cửu Long, Tiến sĩ Trần Đăng Hồng còn trình bày sự khác biệt về nông nghiệp giữa hai miền Nam Bắc với bài: “Nguồn gốc nông nghiệp Miền Nam” trong Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long số 4 (2010).
Theo lời Tiến sĩ Nguyễn Văn Bon, Trưởng nhóm Nghiên Cứu Sydney, Tập san số 4 (2010) nầy còn có nhiều bài vở thảo luận những sắc thái văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của Vùng Đồng Nai - Cửu Long và một vài vấn đề thời sự mà Việt nam phải đối diện.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bon nói rằng Nhóm Nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long là tập họp những người thích nghiên cứu văn hóa vùng đất Đồng Nai - Cửu Long và thành phần tác giả bao gồm cả ba miền Nam, Trung, Bắc, và cả những nhà nghiên cứu nước ngoài. Việc nghiên cứu không phải chỉ để hoài niệm quá khứ, mà cần hướng đến tương lai, đến thực tế mà người Việt nói chung đang phải đương đầu.
* Ngọc Hân tường trình Đài VOA từ Sydney và được phát thanh về Việt nam mỗi tối Thứ Hai và sáng Thứ Ba hằng tuần.
** Buổi Phát hành Tập San 4 (2010) Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long:
Ngày Giờ: Chủ Nhựt 18-04-2010 từ 1.30 đến 4.30 chiều
Địa điểm: Nhà Hàng Hòa Bình (Monte Carlo Reception Centre)
58 Spencer Street , Fairfield NSW 2165
Diễn giả: * Tiến sĩ Nguyễn Viết Trương: “Áp dụng hệ thống Vetiver chống soi mòn và bảo vệ môi trường Đồng Bằng Sông Cửu Long”, và
* Tiến sĩ Trần Thạnh: “Các Ông Nghè Ông Cống của Việt nam ngày xưa và giáo dục đại học của Việt nam hiện nay”.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Trương là chuyên viên nông nghiệp, cựu Khoa Trưởng Đại Học Nông Nghiệp, Viện Đại Học Cần Thơ (trước năm 1975) và Tiến sĩ Toán học Trần Thạnh đang giảng dạy tại Viện Đại Học New South Wales ở Sydney.