TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tản mạn về bài thơ
 
Lên mạng ngày 13/9/2010

 
TẢN MẠN VỀ BÀI THƠ “LỜI NGUYỆN CỦA RỪNG”
 
Trần Đăng Hồng
 
Khi còn là sinh viên tôi đã thích bài thơ “La prière de la forêt” – “Lời nguyện của rừng”, mặc dầu tôi chỉ là sinh viên canh nông. Ở Miền Nam vào thập niên 50 và 60, bất cứ sinh viên hay chuyên viên thủy lâm nào cũng thuộc bài này.
 
Homme !
Je suis la chaleur de ton foyer
par les froides nuits d’hiver,
l’ombrage ami
lorsque brûle le soleil d’été.
Je suis la charpente de ta maison,
le plancher de la table.
Je suis le lit dans lequel tu dors
et le bois dont tu fais les navires.
Je suis le manche de la houe
et la porte de ton enclos.
Je suis le bois de ton berceau
et de ton cercueil.
Ecoute ma prière,
Ne me détruis pas !
 
 
            Tại Pháp, bài này xuất hiện đầu tiên trên một bích chương của Nam Tư (Yougoslavia) trong một triển lảm quốc tế tại Paris năm 1937. Tuy nhiên, theo các nhân chứng của giới chuyên viên Thủy Lâm Việt Nam, thì bài thơ này đã xuất hiện tại Việt Nam vào những năm đầu của thập niên1930. Bài thơ này được ghi trên bảng gỗ và được trưng bày ở hai nơi, một ở cổng chính Nha Thủy Lâm Miền Nam ở đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), và Sở Thủy Lâm Đà Lạt có dựng một tấm bảng gỗ to ghi bài thơ này ở Cam Ly, trên đường vào Trung Tâm Thực Nghiệm Lâm Học Manline, cạnh phần mộ của ông Nguyễn Hữu Hào, tức thân phụ của Hoàng Hậu Nam Phương, Ba vợ của Vua Bảo Đại. Cụ Lương Hòe ở Đà Lạt, nay đã 98 tuổi, còn giữ bức ảnh của bảng gỗ này:
image
Bảng gỗ ghi bài thơ tại Đà Lạt
 
Sau khi xuất hiện ở Pháp năm 1937, bài này được dịch sang tiếng Anh:
 
THE PRAYER OF THE FOREST
Man, I am the warmth of your home in the cold winter night, and the protective shade when summer’s sun is strong.
I am the framework of the roof to your house and the top of your table, the bed in which you sleep and the timber with which you fashion your boat.
I am the handle to your hoe and the door to your hut.
I am the wood of your cradle and the boards of your coffin.
I am the bread of your kindness and the flower of beauty.
Hear my prayer: “Destroy me not”!
Trong chuyến tham quan Ấn Độ năm 1960, Gs Lê Văn Ký, trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao và trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn, cũng thấy bài thơ này trưng bày tại nhà ăn sinh viên thuộc Trung tâm nghiên cứu và giáo dục lâm nghiệp Dehra Dun (Forest Research Institute and College).
            Vậy ai là tác giả của bài thơ nỗi tiếng này. Trong chuyến tham quan các Trung tâm nghiên cứu và Trường đại học lâm nghiệp ở Liên bang Đức năm 1962, tại Trường Đại học Freiburg, GS Lê Văn Ký đọc trong một tờ báo Lâm nghiệp cũ tại thư viện một bài thơ tựa đề “Das Gebet des Waldes” (Lời cầu nguyện của rừng) mà tác giả là Hannes Tuch.
O Mensch,
Ich bin deiner Wande Warme,
Wenn der Winter wind Weht
Bin schirmender Schatten, Wenn die Sommer Sonn Sengt!
Ich bin der huntende Helm deines Hauses,
Die Tafel des Tisches!
Ich bin das Bett, das dich Birgt,
Bin das Holz deiner Segelnden Schiffe!
Ich bin der Wachter des Wassers,
Der Hirte der Hindin,
Bin der Stab, der dich Stutzt,
Und der Wehrer des Windes!
Ich bin der Arm deiner Axt,
Das Tor und die Tur deines Hauses.
Ich bin die Wand deiner Wiege und das Brett deiner, Bahre.
Bin raunende Rune,
Und das Klingende Klangholz der Klampfr,
Ich bin das Brot und die Gute!
Erhor meine bitte:
Zerstore mich nicht!
 
Hannes Tuch là một cán sự lâm nghiệp, sinh ngày 2.11.1906, sống ở Kreis Warburg, Westphalie, Tây Đức. Ông còn là thi sỉ và nhà sưu tầm đồ cổ và sản xuất các loại mặt nạ, v.v. GS Ký có liên lạc với Hannes Tuch và được xác định ông là tác giả của bài thơ nỗi tiếng quốc tế này.
Như vậy từ bài gốc tiếng Đức này, bài thơ được dịch ra làm nhiều ngôn ngữ, mà đọc giả chính là giới sinh viên và chuyên viên Thủy Lâm trên khắp thế giới với tôn chỉ chính là bảo vệ rừng.
 
           
Tại Việt Nam, bài thơ tiếng Pháp này được phỗ biến trong giới chuyên viên Thủy Lâm, nói lên tôn chỉ nghề nghiệp là bảo vệ rừng. Bài này cũng được nhiều người dịch ra tiếng Việt, nhưng nỗi tiếng nhất là của B.B, tức Kỹ sư Thủy Lâm Bùi Bá, khoảng năm 1952. Ông sinh năm 1918 và mất vào năm 1991, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nông Lâm Brévié Hà Nội năm 1940, cùng thời với GS Lê Văn Ký. Kỹ sư Bùi Bá theo kháng chiến chống Pháp, sau 1954 ở lại Miền Bắc, đã giữ chức Vụ trưởng Vụ Lâm nghiệp thuộc Bộ Lâm nghiệp và sau đó là chuyên viên cao cấp tại Bộ ở Miền Bắc. Bài dịch của Kỹ sư Bùi Bá như sau:
 
Người có biết những đêm đông giá lạnh, ta bốc hơi ấm lửa hun nồng
Người có biết, những ngày nắng gắt, ta cho tàng mát rượi ánh thiều nung,
Người có biết, dưới sườn nhà đồ sộ, ta cho người dầu dải nắng mưa chan;
Người có biết, trên nếp giường êm ấm, người nương ta an giấc điệp mơ màng
Người có biết, kìa con thuyền vượt sóng, ta đưa người du ngoạn khắp năm châu,
Người có biết, nọ chuôi cày xới đất, ta vun cây cho nẩy nở hoa màu
Chính ta đã rước người vào cuộc thế, trong chiếc nôi âu yếm mẹ đưa ru
Rồi ta sẽ tiển người khi vĩnh biệt, làm áo quan ấm áp giấc nghìn thu
Người hởi người, nghe lời ta cầu nguyện,
Chớ hại ta mà vủ trụ u sầu.
Để ta sống, ta điều hoà mưa nắng, hoa xinh tươi cây cối nẩy thêm tươi,
Để ta sống, ta ngăn luờng vủ bảo; chận cát bay làn gió bốc tung trời
Để ta sống, ta đùn mây quyện gió, gieo mưa tuôn đầm ấm cỏi trần gian
Để ta sống, ta cản dòng nước lủ, cứu nhân dân cơn thuỷ nộ lầm than
Ta là Mẹ của muôn nền hưng thịnh, làng hưng phong xây dựng nước hưng phong
Ta tô điểm non song nên gấm vóc, cây xanh cao lá biếc lớp trùng trùng
 
Vì sống ở Miền Bắc, Kỹ sư Bùi Bá không dám để tên thật, mà chỉ để với bút hiệu B.B, chỉ có thân hữu lâm nghiệp thân thiết mới biết tác giả là Bùi Bá. Bài này bị vào quên lãng ở Miền Bắc, ngay cả chuyên viên Thủy Lâm cũng không ai nhớ đến. Mãi đến 1957, sau khi Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Bảo Lộc ở Miền Nam được thành lập (1955), Kỹ sư Thủy Lâm lão thành Nguyễn Hữu Đính ở Huế gửi tặng trường bảng Danh từ Lâm Học Pháp Việt, cùng với bài thơ “Lời cầu nguyện của rừng” của Kỹ sư Bùi Bá. Hai tài liệu này được KS Đính mang từ Bắc về, sau khi đi dự một hội nghị về lâm nghiệp ở miền Bắc trước khi đất nước chia đôi 1954. Kễ từ đó, bài thơ “Lời cầu nguyện của rừng” của Bùi Bá được phổ biến rộng rãi trong giới sinh viên và chuyên viên Lâm Nghiệp ở Miền Nam.
Mãi tới 1982, KS Bùi Bá ghi thêm 2 câu thơ dịch từ 2 câu thơ đầu của bài thơ nỗi tiếng “La Forêt” của Claude Adhémar André Theuriet (8 October 1833 - 23 April 1907);
 
La forêt
Au plus profond des bois,la Patrie a son coeur;
Un peuple sans forêt est un peuple qui meurt,
C'est pourquoi tous, ici, lorsqu'un arbre succombe,
Jurons d'en replanter un autre sur sa tombe...
Thành:
Người hởi!
Hồn Tổ Quốc ngự giữa rừng sâu thẩm
Rừng điêu tàn là Tổ Quốc suy vong
 
André Theuriet còn có bài thơ bất hủ “Không có quá khứ thì chẳng có tương lai” (Sans passé il n’y a pas d’avenir).
Năm 1996, nhân khi thấy tình trạng phá rừng quá trầm trọng ở Việt Nam, nhà văn Võ Hồng dịch bài “La prière de la forêt” mà Ông đã thấy năm 1945 trên bảng gỗ tại Cam Ly Đà Lạt để kêu gọi và nhắn nhủ thanh niên Việt Nam hãy ý thức bảo vệ rừng (Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 21/7/1996). Tiếng gọi của ông bay vào hư vô.
Ở Pháp có câu nói: “Rừng có trước con người, sa mạc đi theo sau con người” (Les forêts précèdent les peuples, les déserts les suivent”. Thật là chí lí! Con người chính là nguồn hủy diệt rừng và sa mạc hóa đất đai.
Tôi thuộc loại “hâm mộ” bài thơ dịch của KS Bùi Bá, mặc dầu tôi là dân Canh Nông, và tôi đắc ý nhất về 2 câu thơ cuối cùng này “Hồn Tổ Quốc ngự giữa rừng sâu thẩm, Rừng điêu tàn là Tổ Quốc suy vong ».  Có lẽ KS Bùi Bá đã thấy hay đã tiên đoán trước sự việc nên mới thêm 2 câu này sau 30 năm (1952 – 1982). Chắc chắn ông có chủ ý.
Đã đành rằng “con người” hủy diệt rừng. Nhưng ai là “con người” phá hủy rừng nhiều nhất. Thật đáng thương cho các dân tộc thiểu số sống trong rừng, họ không có tiếng nói, họ bị xua đuổi để sống trong chốn đèo heo gió hút, để nhường lại mảnh đất phì nhiêu nơi đồng bằng cho “con người” mạnh hơn họ, để nay lại phải mang tiếng là kẻ phá hoại rừng với kỹ thuật “đốt rừng làm nương rẫy” trong đời sống du canh của họ. Nhưng, so với các kỹ thuật canh tác khác, đây là một kỹ thuật rất “bạn” (friendly) với thiên nhiên, vì chỉ 2-3 vụ canh tác, họ dời đi nơi khác và đất rẫy được thành rừng trở lại.
Các tường trình mới đây cho biết chính các nhà đại tư bản, bản xứ hay nước ngoài, thỏa hiệp với cơ cấu chánh quyền địa phương hay trung ương, khai phá tài nguyên dưới rừng mới thật sự là nguồn phá hủy rừng. Như ở Phi Châu, Angola chẳng hạn, Trung quốc đã làm chủ hầu hết các cánh rừng bạt ngàn, ủi đào, tàn phá môi trường để khai thác quặng mỏ. Tại rừng Amazon Nam Mỹ các công ty dầu lửa, mỏ vàng, uranium, v.v. xô đuổi dân tộc thiểu số vốn quen sống trong rừng, để khai thác tài nguyên tiềm tàng dưới rừng. Tại Indonesia, các nhà đại tư bản phá rừng để trồng cây “dừa dầu” (oil palm) để sản xuất xăng sinh học. Các chính phủ này cũng nhân danh phát triển kinh tế, nhân danh gia tăng lợi tức GDP cho quốc gia và dân chúng, nhưng thật sự chỉ có một thiểu số hưởng lợi. Đại đa số dân chúng chỉ hưởng hậu quả của phá hủy môi trường thiên nhiên và vẫn nghèo đói. Sự cách biệt giàu nghèo trong xã hội ở những quốc gia này càng ngày càng cách biệt.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyen Xuan Thu (2009) – La prière de la forêt. http://www.ipernity.com/blog/xuanautuno32/120851
2. GS Lê Văn Ký & KS Huỳnh Minh Bảo (1998). Về bài thơ Lời cầu nguyện của rừng. http://onthay.tumblr.com/post/190695955/ve-bai-tho-loi-cau-nguyen-cua-rung
3. Võ Hồng (1996). Lời cầu nguyện của rừng.Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 21/7/1996
 
Các bài cùng chủ đề của tác giả:
1.      Rừng và tài nguyên VN.http://www.trandang.net/Default.aspx?g=posts&t=291
2.      Flora and fauna of Vietnam:
3.      Tản mạn cùng thầy cô:
http://www.trandang.net/Default.aspx?g=posts&t=82
 
Reading, 9/2010
Trần Đăng Hồng

Trở lại Trang KH
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860920 visitors (2231935 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free