TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Phát triển ĐB Cửu Long
 
Lên mạng ngày 20/4/2010

 Vài Suy Nghĩ về
PHÁT TRIỂN KINH TẾ
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
 
Trần Văn Đạt, Ph.D.
 
 
 
1.        Tổng quan
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do phù sa thượng nguồn của sông Đồng Nai, Cửu Long và nước biển bồi đắp; cho nên đất đai thấp, bằng phẳng, nhiều sông rạch và rất phì nhiêu. Về khảo cổ học, đồng bằng này chỉ mới tái xuất hiện vào thời kỳ đồ đá mới giữa, cách nay độ 5.000-6.000 năm sau cuộc biển tiến lâu dài. Trái với các báo cáo trước đây, ĐBSCL đã trải qua nền văn hóa bản địa khá lâu, cách đây ít nhứt 3.000 năm (đồng thời với thời đại Hùng Vương), với nền văn hóa Óc Eo và tiền Óc Eo trải dài khắp đồng bằng hạ lưu sông Cửu Long và miền Đông Nam Phần (1, 2). Các di chỉ khảo cổ cho biết rằng những công trình xây dựng nhà cửa đền thờ cổ ở Miền Nam hợp thành một kiến trúc địa phương với quá trình phát triển cách đây khoảng 2.600 năm. Tại Bưng Bạc thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, di tích nhà sàn được định niên đại ở vào thời kỳ này hoặc sớm hơn (2).
 
Diện tích thiên nhiên của vùng ĐBSCL chiếm 12% của nước, trong đó có 3 triệu hectares (ha) đất canh tác, hay gần 33% của tổng diện tích đất, gồm 48,8% đất trồng lúa và 51% diện tích nước dành cho thủy sản. Dân số ước độ 18 triệu người, chỉ chiếm 21,4% toàn quốc (3), nhưng vùng này được xem là một nôi sản xuất thực phẩm lớn nhứt cả nước. Độ 80% là thành phần nông dân rất năng động (trong khi bình quân cả nước khoảng 70%), hấp thụ nhanh những kiến thức mới, kỹ thuật tiến bộ nếu có cơ hội và có lợi cho họ; nhưng chủ yếu họ chỉ khai thác nguồn tài nguyên đất-nước-sức lao động sẵn có mà thôi. Đó là nghề nông. Đa số chưa được đào tạo, hướng dẫn triệt để tham gia những hoạt động kinh doanh khác có hiệu năng kinh tế cao hơn trong thời đại tin học. Đây là nguyên nhân cơ bản làm trì trệ tiến bộ về vật chất của giới này ở đồng bằng qua nhiều thế kỷ. ĐBSCL còn mang bản chất nông nghiệp quá nhiều so với các vùng khác, có tỉ trọng nông nghiệp hơn 40% GDP quốc gia, trong khi bình quân cả nước chỉ hơn 20%!
 
            Mức tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm của ĐBSCL đạt đến 10,41% so với cả nước 7,5-8% (3). Dù thế, hiện nay đồng bằng này đang đối diện với một nghịch lý về mặt văn hóa xã hội: đồng bằng đã sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, 90% gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy hải sản và 70% sản lượng trái cây cả nước; nhưng đời sống của nông dân không chỉ nghèo khó mà còn yếu kém về mặt văn hóa, trình độ học vấn thấp hơn mức bình quân của cả nước (4)!!! Trước năm 1975, ĐBSCL vẫn được xem là vùng phồn thịnh và giàu có hơn các vùng khác. Đó là sự mất cân bằng do qui hoạch phát triển đất nước và phân phối lợi tức quốc gia không đồng đều. Ngoài ra, lý do nghèo khó của nông dân phát xuất từ một đời sống hoàn toàn dựa vào nền nông nghiệp. Giá cả nông sản chính như ngũ cốc trên thế giới sút giảm liên tục từ giữa thập niên 1970 cho đến nay, do sử dụng kỹ thuật mới, sản xuất nhiều vượt bực và vấn đề bao cấp to lớn tại các nước phát triển; trong khi chi phí đầu vào, đặc biệt phân hóa học, thuốc sát trùng và nhân công tiếp tục gia tăng, không kể đến sự bốc lột của giới trung gian như lái buôn và doanh nghiệp.
 
Chính sách an ninh lương thực hiện nay quá quá lỗi thời. Tại một nước xuất khẩu gạo như Việt nam, vấn đề an ninh lương thực không còn tùy thuộc khâu sản xuất mà phải chú ý đến ngành tồn trữ và phân phối trong nước. Ngoài ra, còn thiếu chính sách trợ giúp phù hợp cho nông dân sống trong hoàn cảnh nghịch lý nêu trên, nên tình trạng nghèo khó triền miên không thể tránh được. Thông thường, sự nghèo khó bắt buộc nông dân cố gắng sản xuất nhiều thêm để đủ nuôi gia đình, để sinh tồn; cho nên, mức sản xuất ngày càng tăng gia, sản lượng lúa dư thừa dành cho xuất khẩu, nhưng đa số gia đình họ vẫn luôn sống nghèo khó! Cũng vậy, Việt Nam xuất khẩu thủy hải sản hàng năm hơn 3 tỉ Mỹ kim trong hơn thập niên qua, nhưng đa số ngư dân đánh bắt nuôi cá tôm vẫn mang kiếp nghèo, ngoại trừ các doanh nghiệp!
 
       Trên thế giới, chưa thấy một nước nông nghiệp nào giàu mạnh, trái lại còn chậm tiến. Trong quá trình tiến bộ, nền kinh tế của các nước phát triển đã chuyển dịch từ nông nghiệp qua công nghiệp, dịch vụ, du lịch và truyền thông. Nước Mỹ trong giai đoạn lập quốc, nông nghiệp chiếm hơn 90% GDP, năm 1900 còn 41%, và hiện nay dưới 1%, nhưng họ vẫn sản xuất dư thừa thực phẩm. Cho nên, ĐBSCL gồm cả Gò Công phải dứt khoát tranh thủ chuyển mình phát triển kinh tế với tỉ trọng nông nghiệp giảm dần, tăng tốc phát triển công nghiệp nhỏ và vừa, dịch vụ và du lịch; đồng thời cần phải có giải pháp trợ cấp đầy đủ để nông dân có đời sống tốt hơn, không quá cách biệt với đô thị.
           
2.        Những nỗ lực chủ yếu cho phát triển kinh tế ĐBSCL
Trước tiến trình hội nhập vào kinh tế thế giới của đất nước, những nỗ lực xây dựng và phát triển kinh tế của ĐBSCL càng trở nên cấp bách để xóa đói giảm nghèo và cải tiến mặt xã hội, văn hóa và giáo dục hầu hội nhập mau lẹ vào cộng đồng quốc tế. Các bức xúc này đã được các giới trách nhiệm và quần chúng liên hệ quan tâm, nhưng các chính sách và kế hoạch thi hành chưa được đề xuất và thực hiện thỏa đáng.
 
2.1. Các Sách Lược Hữu Hiệu
Tất cả tiến bộ và phát triển đất nước đều xuất phát từ các chính sách, kế hoạch và thi hành hợp lý, đứng đắng và minh bạch. Những chiến lược phát triển kinh tế và xã hội vùng ĐBSCL hiện nay còn quá tổng quát (3), thiếu hướng dẫn cụ thể để tìm những mô hình và các giải pháp thích hợp cho phát triển vùng, khu, 13 tỉnh và thành phố. Vì vậy, hiện tượng phát triển không đồng bộ đã xảy ra cho các tỉnh và thành phố ở gần hoặc xa đối với đô thị lớn Sài Gòn. Để thay đổi bộ mặt hiện nay của ĐBSCL, một số sách lược chủ yếu cần lưu ý đến:
 
1)      Cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của vùng: Việt Nam hiện trồng mỗi năm độ 7,5 triệu ha lúa, nhưng chỉ gần 1 triệu ha trồng dừa, cao su, trà, cà phê và 1,4 triệu ha trồng trái cây, rau và hoa (5). Do đó, ngành trồng lúa còn giữ tính chất độc canh nên dễ sinh dịch bệnh (gần đây rầy nâu, bệnh vàng lùn – xoắn lá), giá trị kinh tế thấp và làm ô nhiễm môi trường. Để giảm bớt mức độ độc canh lúa gạo hiện nay, cần phải chuyển đổi cơ cấu trồng trọt, kết hợp với phát triển các loại rau-hoa-quả, thủy sản, chăn nuôi, dịch vụ và du lịch. Rau-hoa-quả có thị trường rất lớn trên sân chơi WTO, mỗi năm trị giá độ 103 tỉ Mỹ kim; trong khi lúa gạo, cà phê, cao su nhỏ hơn, mỗi thứ không quá 10 tỉ/năm, các loại trà, hạt điều và tiêu lại càng nhỏ hơn, dưới 3 tỉ/năm (5).
 
Trong 30 năm qua (1975-2005), Trung Quốc theo đuổi chính sách lúa gạo đáng chú ý. Họ đã giảm diện tích trồng lúa 8 triệu ha (từ 37 xuống 29 triệu ha) để dành đất đai cho các sản xuất khác có lợi tức cao hơn. Trong hơn thập niên qua, Malaysia giảm bớt diện tích trồng cây cao su và cây dừa dầu, nhưng họ vẫn thu hoạch lợi tức cao hơn, nhờ tăng gia đầu tư vào công nghệ biến chế để làm tăng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Cho nên, ở ĐBSCL, cần phải đa dạng hóa phát triển kinh tế, ngoài các ngành nông nghiệp có giá trị kinh tế cao nêu trên, cần thành lập các khu công nghiệp chế xuất, đô thị hóa nông thôn để giúp chuyển đổi lao động nông nghiệp sang công nghiệp nhỏ và vừa, và cần tăng đầu tư cho kinh tế biển, dịch vụ và du lịch trong vùng, nhằm giảm tỉ trọng nông nghiệp.
 
Cần nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên cho phát triển nhanh công nghiệp chế biến nông sản và khuyến khích xây dựng các thương hiệu nông sản, nhứt là đặc sản Việt Nam. Tạo dây chuyền sản xuất nông nghiệp từ nông trại đến siêu thị và nơi tiêu thụ.
 
2)      Cần xét lại chiến lược xuất khẩu gạo: Cần có chính sách xuất khẩu gạo tiến bộ hơn hiện nay để vừa thu được kim ngạch cao vừa giúp nông dân tăng lợi tức. Không nên đặt chỉ tiêu xuất khẩu gạo hàng năm mà quên đi đời sống và lợi tức của người trồng lúa. Điều này có thể thực hiện được nếu Việt Nam và Thái Lan không cạnh tranh nhau về xuất khẩu như hiện nay, giá gạo thế giới sẽ không bị tụt giảm, trái lại có khuynh hướng tăng cao. Theo thống kê của cơ quan FAO, từ khi Việt Nam tăng gia xuất khẩu gạo từ đầu thập niên 1990s, giá gạo thế giới liên tục sút giảm. Gần đây Việt Nam lại tăng xuất khẩu hàng năm từ 4 lên 6 triệu tấn gạo và Thái Lan từ 7 lên 9 triệu tấn gạo, đang làm giá gạo quốc tế giao động không ít. Nhưng nông dân của cả hai nước được hưởng lợi ích gì? Một chuyên gia quốc tế bảo: “Âu Châu không cần gạo trợ cấp!”. Thái Lan có lợi thế cho xuất khẩu gạo hơn Việt Nam về cả chất lượng và giá thành. Vì nước này chỉ sản xuất lúa gạo chất lượng cao chủ yếu nhờ nước trời, ít sử dụng chất nông hóa và tưới tiêu nên ít tốn kém để xuất khẩu; trong khi Việt Nam trồng lúa cao năng, chất lượng kém hơn trong điều kiện thâm canh tưới tiêu, với chi phí giá thành cao hơn.
 
Trung Quốc và Malaysia có chính sách lúa gạo khôn ngoan hơn trong mấy thập niên qua, chỉ sản xuất lúa đủ đảm bảo tự túc 90% và 65% nhu cầu quốc gia, theo thứ tư và dành đất đai, vốn liếng để đầu tư các ngành khác có lợi tức kinh tế cao hơn. Chúng ta nghĩ sao khi một nhà máy sản xuất và lấp ráp chip Intel với 4.000 nhân công có thể xuất khẩu độ 2 tỉ Mỹ kim mỗi năm, trong khi hơn 20 triệu người Việt Nam sản xuất lúa gạo để xuất khẩu chỉ mang về hơn 1 tỉ Mỹ kim!
 
  
3)      Cần chính sách hỗ trợ nông nghiệp phù hợp với WTO: Đầu năm 2007, Việt Nam đã trở thành hội viên thứ 150 của WTO, cho nên cần nghiên cứu phân tích thế mạnh và yếu của nền nông nghiệp của nước. Từ đó, nên phát huy tối đa thế mạnh của mình và giảm bớt tầm quan trọng hoặc bỏ đi các lãnh vực yếu kém, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để có thể cạnh tranh với các nước khác, nhứt là Trung Quốc. Cần có những chánh sách hỗ trợ thực tế cho nông dân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với các đòi hỏi của WTO, như phát triển hạ tầng cơ sở nông nghiệp (đường sá, điện, thủy lợi, sản xuất phân hóa học nội địa), ứng dụng công nghệ mới, khảo cứu, khuyến nông, cung cấp thông tin thị trường, phát triển nguồn nhân lực. Sự hỗ trợ này chỉ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nông dân khi họ còn nghèo, sản xuất nhỏ, nhưng phải đối đầu với thế lực kinh tế lớn nước ngoài. Nên nhớ rằng theo đòi hỏi để gia nhập WTO, nước Hội viên chỉ có thể dùng 10% giá trị nông sản để hỗ trợ nông nghiệp.
 
4)      Cần tái phân lợi tức cho các vùng sản xuất nông sản xuất khẩu: Đây là một khiếm khuyết lớn hiện nay đã làm cho các nông dân sản xuất thật nhiều để xuất khẩu, nhưng họ vẫn chịu số phận nghèo nàn. Chỉ có các doanh nghiệp xuất khẩu và giới trung gian (giữa doanh nghiệp và người sản xuất) hưởng lợi trong thị phần xuất khẩu này. Do đó, cần có chính sách và các biện pháp giải quyết thỏa đáng để phân phối các lợi tức xuất khẩu thu hoạch được từ hải thủy sản, lúa gạo, một số nông sản công nghiệp (cà phê, cao su, trà, hạt điều, tiêu) đến các nơi sản xuất để nông dân tiếp tục đầu tư phát triển và cải tiến đời sống kinh tế xã hội nông thôn.
 
5)      Cần có chính sách ưu đãi đầu tư khác nhau: Cho đến nay, rất ít doanh nghiệp trong nước cũng như ngoại quốc đem vốn đầu tư vào các tỉnh xa xôi của ĐBSCL. Do đó, cần có chính sách đầu tư ưu đãi khác nhau cho các tỉnh xa thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội và Đà Nẳng để khuyến khích các nhà kinh doanh đầu tư ở vùng xa, như đã thấy ở Thái Lan và một số nước khác. Ở Thái Lan, các ngành công nghiệp, dịch vụ lúc ban đầu cũng tập trung ở thủ đô Bangkok và các vùng phụ cận. Từ thập niên 1980, Thái Lan đưa ra chính sách thuế khóa khuyến khích các doanh nhân thành lập các hảng xưởng ở vùng miền xa đối với thủ đô Bangkok. Mức thuế khóa được giảm theo khoảng cách xa để giúp các doanh nghiệp bù đắp chi phí, dịch vụ cho các hoạt động sản xuất, di chuyển sản phẩm từ vùng xa đến bến cảng hoặc trung tâm tiêu thụ. Cũng vậy ở Âu Mỹ, chúng ta có thể tìm thấy các hãng xưởng mọc lên ở các thành phố nhỏ và bất cứ nơi nào ở nước Ý, Pháp, Mỹ… do chính sách thuế khóa ưu đãi vùng xa; nếu không như thế, chẳng có doanh nhân nào đem vốn đầu tư ở những nơi hẽo lánh.
 
2.2.   Masterplan Cho Phát Triển ĐBSCL
Vì thiếu sự phối hợp hữu hiệu và thiếu qui hoạch chung cho toàn vùng ĐBSCL, nên trong chiến lược kinh tế của các tỉnh trong vùng thường có sự trùng hợp trong nhiều ngành, như tỉnh nào cũng có khu công nghiệp chế xuất, cảng nước sâu, nhà máy đường, nhà máy gạch, du lịch sinh thái…
 
Công tác cải tiến phát triển kinh tế của ĐBSCL có tầm quan trọng quá lớn lao, cần có những “think tanks” để tìm những giải pháp ngắn, trung và dài hạn thích đáng, thực hiện trên cơ sở quốc gia với hệ thống từ xây dựng chính sách đến qui hoạch và thi hành. Mỗi khu vực, mỗi tỉnh, thành phố cần có một chương trình phát triển kinh tế và xã hội thích hợp cho từng nơi, nhưng phải đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế vững bền, nhịp nhàng và hài hòa cho cả vùng. Do đó, ĐBSCL cần phải có qui hoạch thích hợp và các chương trình hành động trong sáng, khả thi, nghĩa là cần một Masterplan hay một Kế hoạch tổng thể chung cho sự phát triển đồng bộ cả vùng, từng khu vực, từng tỉnh và thành phố. Trong kế hoạch đó, cần phải có lời giải đáp tối thiểu cho một số vấn đề liên quan đến diện kinh tế, xã hội và môi trường. ĐBSCL cần phải phát triển kinh tế lấy nông nghiệp làm căn bản ở mức độ nào để phù hợp với tiềm năng của mình và cải tiến đời sống nông thôn, đồng thời bảo tồn được môi trường trong từng giai đoạn, như đã thấy ở Nhựt Bổn, Đại Hàn? Phải thực hiện như thế nào để phát triển được bền vững cho từng giai đoạn? Làm gì, ở đâu và như thế nào? Nguồn tài nguyên? Lộ trình thi hành? Quản lý, điều hợp? Liên quan với các cơ quan khác?...
 
Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) hoặc Ngân hàng Phát Triển Á Châu (ADB) có thể giúp đỡ về phương diện kỹ thuật cho công tác thiết yếu này vì họ có nhiều kinh nghiệm quốc tế trong lãnh vực đó qua nhiều thập niên.
 
Trong Kế hoạch tổng thể này, các trọng điểm sau đây cần được thể hiện rõ nét:
 
 (1) Ưu tiên phát triển mau lẹ cơ cấu hạ tầng thiết yếu của ĐBSCL như đường xá, xa lộ, cầu cống, bến cảng, sân bay, điện nước, viễn thông, internet… để thu hút các nhà đầu tư nội địa cũng như ngoại quốc, vì hiện nay các công trình này còn rất yếu kém. Đến giữa năm 2006, ĐBSCL chi thu hút 226 dự án với tổng số vốn 550 triệu, vốn thực độ 250 triệu Mỹ kim, chưa bằng tỉnh Bình Dương (6). Tại sao vậy? Vì cơ bản vùng đất này còn thiếu hạ tầng cơ sở, thiếu nhân lực chuyên ngành, giao thông kém, khoảng cách địa lý đến bến cảng hoặc thị trường tiêu thụ quá xa và không có các dự án xây dựng và phát triển cụ thể hấp dẫn sẵn sàng; cho nên các nhà đầu tư chưa chịu đến. Chẳng hạn, về phương diện địa lý, các nhà đầu tư chỉ mất 3 giờ bay để đi từ Đài Loan đến Sài Gòn trong khi họ phải mất thêm hơn 3 tiếng nữa để đi từ Sài Gòn đến Cần Thơ và miệt dưới!
 
 (2) Chống lũ lụt và thủy lợi hữu hiệu: Lũ lụt hàng năm đã làm thiệt hại rất nhiều mạng người (năm 2000 hơn 500 người chết đuối), nhứt là thành phần trẻ con, làm cho đời sống của người dân địa phương bất ổn; ảnh hưởng đến sự học hành liên tục của con em và nền giáo dục của vùng. Thật là tội nghiệp cho nhiều học sinh mới tựu trường vào đầu tháng 9, qua tháng 10 phải nghỉ học để tránh lũ lụt! Vã lại lũ lụt hiện nay xảy ra thường xuyên hơn trước kia, độ 2 hoặc 3 năm một lần, so với trước năm 1975 độ 8-10 năm/lần. Do đó, công cuộc chống lũ rất cấp thiết, cần nghiên cứu, qui hoạch, thực hiện chu đáo và trợ giúp tín dụng thỏa đáng trong việc dẫn thoát thủy chống lũ, xây dựng khu dân cư phồn thịnh và những vùng đô thị mới. Cần chú ý đến mặt sinh thái của vùng, chẳng hạn, cần tạo điều kiện xả lũ định kỳ vào đồng để có thêm phù sa mới và vệ sinh đồng ruộng, giúp dễ dàng cho những nông dân còn sống theo lũ (nuôi thủy sản, sơ chế lục bình, trồng rau dưa, điên điển, bông súng…). Vừa chống lũ và vừa sống với lũ.
 
Về mặt thủy lợi, cần thực hiện mau lẹ công tác ngăn mặn [độ 1,4 triệu ha bị ảnh hưởng mặn, 200.000 ha bị nhiễm phèn (7)], chương trình ngọt hóa cho các vùng ven biển cần được hoàn tất sớm và bảo quản hữu hiệu liên tục, nhằm đóng góp tăng gia, cải tiến sản xuất nông nghiệp của vùng và làm bớt khó khăn cho đời sống người dân ở vùng nước mặn đồng chua.
 
Ngoài ra, cần hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng liên hệ để khai thác sông Cửu Long được lâu dài. Dù sự phát triển ĐBSCL trong tương lai như thế nào, vùng này vẫn còn theo đuổi ngành nông nghiệp với tỉ trọng kém hơn, nên còn phải lệ thuộc rất lớn vào tình trạng nguồn nước thiên nhiên và sự khai thác của các quốc gia nằm trong lưu vực của sông này. Vì vậy, cần thiết lập cơ chế tiếp xúc, trao đổi thường xuyên và sự hợp tác khai thác giới hạn giữa các nước này để duy trì dòng chảy, sử dụng nguồn nước hợp lý, và bảo vệ cân bằng sinh thái của lưu vực sông Cửu Long. Ngoài ra, cần phải có tầm nhìn xa và kế hoạch lâu dài đối phó hiện tượng thay đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao.
 
  
(3) Cải tiến nguồn nhân lực: Hiện nay, theo thống kê cho biết độ 60% tuổi lao động ĐBSCL chưa được đào tạo. Đa số người dân là thành phần nông dân chỉ có khả năng và kinh nghiệm về nông nghiệp. Cho nên, cần đẩy mạnh công tác đào tạo về chuyên ngành cấp bậc trung học, sinh ngữ, quản lý, kinh doanh, dịch vụ, du lịch v.v., không kể đến tình trạng chất lượng giáo dục và đào tạo hiện nay của ĐBSCL đang có nhiều vấn đề cần được cải tiến gấp rút ở cấp bực quốc gia. Hơn nữa, càng ngày nhân công của các công nghiệp, dịch vụ đòi hỏi có trình độ và tay nghề cao hơn cho các công nghệ cấp trung và cao, cho nên cần phải chuẩn bị, đào tạo một đội ngũ chuyên môn thật đông đảo, qua một nền giáo dục hiện đại, gồm các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, chuyên gia các ngành quan trọng để hỗ trợ phát triển kinh tế trí thức tương lai của vùng.
 
 (4)  Phát triển tiềm năng của 4 khu vực địa lý ưu thế của ĐBSCL:
i) Khu tiếp cận Sài Gòn gồm tỉnh Long An và Tiền Giang có điều kiện địa lý thuận lợi hơn hết đối với Thành Phố Sài Gòn - trung tâm kinh tế năng động nhứt của nước - cho phát triển kinh tế mạnh mẽ trong tương lai, so với các tỉnh khác của ĐBSCL. Hai tỉnh này nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có được ưu tiên trong các chánh sách phát triển của nước, nên phải bắt đúng thời cơ trong các kế hoạch phát triển lớn của vùng. Đặc biệt hơn hết là vùng Gò Công chỉ cách cụm công nghiệp cảng Hiệp Phước của thành phố Sài Gòn với con sông Soai Rạp (dưới 4 km), tiếp cận khu du lịch Cần Giờ và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Khi quốc lộ 50 được mở rộng và cầu Mỹ Lợi được xây dựng (2010) sẽ giúp phát triển mạnh hơn nền kinh tế phía Đông của tỉnh Tiền Giang.
 
ii) Khu kinh tế ven biển và trên biển: Khu vực này gồm có các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, và Kiên Giang. Về biển, vùng lãnh hải của Việt Nam lớn hơn gấp 3 lần đất liền và có tiềm năng kinh tế lớn. Vì vậy, cần đầu tư nhiều hơn cho khai thác hải sản, bắt cá tầm xa; kinh tế hàng hải; du lịch biển; khai thác dầu khí trên biển và lục địa ĐBSCL. Ở ven biển, cần qui hoạch thúc đẩy các chương trình nuôi tôm cá đúng theo qui trình kỹ thuật, có hiệu quả sản xuất lâu dài và đảm bảo môi trường lành mạnh; phát triển nhanh hơn cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau liên hợp với đô thị hóa, du lịch; và đầu tư phát triển bến cảng, cảng container mà đến nay ĐBSCL chưa có một cảng biển đúng tầm.
 
Ngoài ra, trong tương lai khi hoàn tất, dự án cải tạo kinh Quan Chánh Bố và đào kinh Tắt ra biển ở Trà Vinh sẽ thông cảng Cần Thơ ra biển Đông và rút ngắn giao thông ĐBSCL và Sài Gòn; mở rộng cửa cho phát triển kinh tế của đồng bằng hướng ra biển (8). Bao giờ thực hiện hai công trình này? Gần đây, khu Công Nghiệp Tàu Thủy Soai Rạp rộng hơn 600 ha cũng đang hình thành trên địa bàn xã Gia Thuận và Vàm Láng của Gò Công, Tiền Giang và đáng được thực hiện sớm, vì suốt bờ biển dài của ĐBSCL, từ Gò Công đến Hà Tiên chưa có loại cảng như thế. Ngoài ra, cần kết hợp cảng này với ngành du lịch biển của ĐBSCL.
 
iii)  Các khu kinh tế cửa khẩu cần được đầu tư và phát triển nhanh hơn: Các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An và Tây Ninh có chung biên giới dài với Campuchia, với hơn 10 cửa khẩu đã hoặc đang được quy hoạch, thành lập. Quốc lộ N1 dài khoảng 200 km cặp theo vành đai biên giới giữa hai nước, tạo cơ hội phát triển kinh tế ở các vùng gần cửa khẩu. Các chuyên gia đánh giá An Giang (Tịnh Biên, Vĩnh Sương và Khánh Bình) là cửa ngõ lý tưởng để doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với ASEAN (9), nhưng đến nay chưa được đầu tư đúng mức. Sự phát triển kinh tế ở các khu cửa khẩu sẽ tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy nền kinh tế năng động giữa Việt Nam với xứ Campuchia, Lào và Thái Lan. 
 
iv)  Vùng nội địa (Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, vùng U Minh, vùng giữa sông Tiền và sông Hậu và các miền đất nội địa còn lại của ĐBSCL): Thành Phố Cần Thơ phải là đầu tàu phát động kinh tế của khu vực này. Tập trung ưu tiên chống lũ hữu hiệu để giúp đời sống của người dân địa phương được ổn định, đô thị hóa các vùng đông dân, phát triển du lịch sinh thái, đầu tư nhiều cho công nghệ biến chế nông sản, phát triển các ngành nông nghiệp trọng điểm (lúa gạo, rau-hoa-quả, thủy sản và chăn nuôi), đặc biệt về khâu nghiên cứu tạo giống cao năng, chất lượng cao, tránh ngừa bệnh dịch và giảm giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh của các loại nông sản nội địa. Hiện nay vùng nội địa này được quan tâm nhiều hơn các khu kinh tế nêu trên!
 
(5) Tiến đến công nghiệp hóa và liên kết với các tiềm năng của từng khu: Hiện nayĐBSCL có 161 làng nghề và 1.290 chợ, nhưng có nhiều chợ bị bỏ hoang. Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kém hữu hiệu so với khu vực thành thị, do hạ tầng nông thôn quá kém, chi phí sản xuất cao do vận chuyển xa, thiếu vốn liếng, quy hoạch, thông tin thị trường… Do đó, theo quy hoạch, đến năm 2020 toàn vùng có 211 khu-cụm công nghiệp với diện tích 21.298 ha, nhưng đến nay chỉ có 116 khu-cụm công nghiệp và hoạt động còn yếu (10).
 
Cho nên, ĐBSCL cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đưa công nghiệp hóa về nông thôn và hiện đại hóa nền nông nghiệp. Cần thành lập các khu công nghiệp biến chế nông sản cho các màu chính, nhưng phải có biện pháp giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu, chất lượng, không đạt tiêu chuẩn của thị trường để phục vụ cho đô thị và xuất khẩu. Cụm khí-điện-đạm Cà Mau là một thí dụ điển hình cần kết hợp với công nghiệp khác, đánh cá, du lịch biển với Rạch Giá; và phát triển các dịch vụ, qua thành lập các trung tâm thương mại, chợ nông sản, cải tiến vùng kinh tế nội địa và biên giới.
 
(6)  Phát triển ngành du lịch dựa vào tiềm năng của từng khu vực như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch thắng cảnh…, nhưng cần tránh sự trùng hợp với nhau giữa các tỉnh trong vùng. Ngành du lịch biển của nước còn quá kém. Cần liên kết du lịch của những tỉnh lân cận với nhau và với các khu công nghiệp, đô thị mới để có du lịch đa dạng, khởi sắc và thu hút du khách nhiều hơn.
 
(7) Tổ chức nông dân: Khuyết điểm lớn nhứt của ngành nông nghiệp Việt Nam là hoạt động làm ăn có tính cách truyền thống gia đình, nhỏ hẹp, mánh mun, và thiếu tổ chức; nên thường bị giới trung gian khai thác, lợi dụng và thiếu khả năng cạnh tranh. Do đó, cần khuyến khích liên kết nông hộ, cải tiến và nâng cấp hợp tác xã và xây dựng các trang trại sản xuất lớn để có đủ sức mạnh cạnh tranh trong khung cảnh hội nhập kinh tế thế giới. Chính sách tích tụ đất đai cần phải thực hiện sớm để kích thích cơ giới hóa nông nghiệp bản xứ.
 
Ngoài ra, cần liên kết các doanh nghiệp sản xuất nông sản với các thị trường tiêu thụ (như siêu thị…) để tìm hướng phân phối và giải quyết đầu ra. Chẳng hạn, gần đây hệ thống siêu thị Metro đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của 12 nhà sản xuất nông sản ở Sài Gòn là một mô hình sản xuất-tiêu thụ tốt của sự liên kết này (11).
 
 (8) Phát triển hệ thống thông tin: Thông tin là hơi thở của kế hoạch, quản lý sản xuất, phân phối và thị trường. Cần xây dựng hệ thông tin kinh tế thông thoáng trong nước cũng như thế giới và hệ thống kê nông nghiệp hữu hiệu, chính xác và cập nhật hóa để hỗ trợ công tác nghiên cứu, dự báo thị trường, làm sách lược, kế hoạch phát triển chính xác và cung cấp thông tin đến tận thôn ấp. Cần tiếp cận và khai thác triệt để sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin thế giới trong các lãnh vực này.
 
(9) Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường: Sự thoái hóa của vườn cây ăn quả ở Lái Thiêu, sự phá sản của nhiều công ty nuôi tôm sú ở dọc bờ biển sau 4-5 năm khai thác, sự thiệt hại lớn do các dịch bệnh, v.v. đã nói lên sự cần thiết xây dựng và phát triển kinh tế bền vững, cũng như phải có biện pháp xử lý cấp bách các chất rác thãi từ công nghiệp và đô thị để không gây ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường xung quanh và để đầu tư lâu dài cho các thế hệ tương lai.
 
3.   Kết luận
Làm sao cải tiến tình trạng kinh tế xã hội hiện nay của đồng bằng sông Cửu Long, sau hai thập niên đổi mới? Muốn người dân giàu lên, ĐBSCL phải có sách lược, qui hoạch và thi hành nghiêm chỉnh, dành ưu tiên cải thiện hạ tầng cơ sở, thoát khỏi mô hình nông nghiệp lâu đời, cần đa dạng hóa sản xuất, tiến lên công nghiệp hóa, đô thị hóa, tin học hóa, phát triển dịch vụ, du lịch và hướng ra kinh tế biển, cửa khẩu; cơ bản dựa vào tiềm năng và nội lực của từng khu vực - khu tiếp cận thành phố Sài Gòn, khu kinh tế biển và ven biển, khu kinh tế cửa khẩu và vùng lục địa. ĐBSCL cần phải có Masterplan cho phát triển kinh tế và xã hội cấp vùng, khu vực, tỉnh và thành phố. Các doanh nghiệp cần cải tiến và lột xác nhanh để tăng khả năng cạnh tranh khi hội nhập thế giới.
 
Việt Nam không cần phải cố ôm nông nghiệp để lo vấn đề an ninh lương thực quá đáng, làm nông dân chịu cảnh nghèo khó, mà chỉ cần có các chính sách khôn ngoan như đã thấy ở Trung Quốc, Malaysia và gần đây Thái Lan. Họ đã đặt ưu tiên phát triển kinh tế vào những lãnh vực có hiệu năng kinh tế cao, hướng đến công nghiệp cao cấp trong khi giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, cho dù ngành này có ưu đãi thiên nhiên ngàn đời. Đối với Việt Nam, chủ trương công nghiệp hóa và hiện đại hóa xứ sở là cần thiết, nhưng việc thực thi và quyền lợi quốc gia phải được phân bố đồng đều và công bằng, đặc biệt chú trọng nhiều hơn nữa cho vùng còn yếu kém như ĐBSCL để bắt kịp với các vùng phát triển khác của đất nước. Về mặt văn hóa-xã hội, trong khi tiến trên đường hội nhập thế giới, đồng bằng cần phát huy bảo tồn văn hóa địa phương, lễ hội cổ truyền, các di sản nổi tiếng và thành lập một viện bảo tàng nông nghiệp Miền Nam ở Cần Thơ, trung tâm đại diện nông nghiệp cả vùng, là việc làm có ý nghĩa nhứt trong thời đại văn minh tiến bộ mau lẹ của đất nước và toàn cầu.
 
Trần Văn Đạt, Ph.D.
                                               
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
  1. Thông Tấn Xã Việt Nam. 2006. Thu 50.000 hiện vật từ di chỉ Giồng Nổi – Bến Tre. Tuổi Trẻ online (http://www.tuoitre.com.vn)
  2. Võ Sĩ Khải. 2002. Văn hóa đồng bằng Nam Bộ (Di tích kiến trúc cổ). NXB Khoa Học Xã Hội, Việt Nam, 426 trang.
  3. Cần Thơ City. 2006. Mekong boosting its vital role in developing the nation’s economy. News and events (http://www.cantho.gov.vn).
  4. Tô Văn Giai. 2006. Ba giải pháp góp phần xóa đói, giảm nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuổi Trẻ online (http://www.tuoitre.com.vn)
  5. Nguyễn Quốc Vọng. 2006. Nông dân Việt Nam trong sân chơi WTO. Bộ Nông Nghiệp New South Wales, Úc (trong Thời báo Kinh Tế VN).
  6. Xuân Toàn. 2006. ĐBSCL phải liên kết vùng. Tuổi Trẻ online
  1. Quang Thuần. 2005. Trên 6.000 tỉ đồng xây đồng công trình thủy lợi ở ĐBSCL. (http://www.thanhnien.com.vn)
  2. Lê Công Sĩ. 2006. Cần cách nhìn mới. Tuổi Trẻ online
  1. Bình Đại. 2006. Khu kinh tế cửa khẩu An Giang: Đầu tư chưa tương xứng. (http://www.sggp.org.vn).
  2. V. Tr. ĐBSCL: doanh nghiệp ở nông thôn khó phát triển. Tuổi Trẻ online 24-10-09 (http://www.tuoitre.com.vn).
  3. Trung Bình và Quang Thuần. 2006. Việt Nam vào WTO: Nông sản được hỗ trợ như thế nào? (http://www.thanhnien.com.vn). 
Trở lại Trang KH&TH
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860866 visitors (2231797 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free