TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Lịch sử trồng lúa 5
 
Lên mạng ngày 11/9/2010

Thử tìm hiểu về
LỊCH SỬ TRỒNG LÚA VIỆT NAM
Bài 5. Từ 1954 Đến Cách Mạng Xanh Và Đổi Mới: Phát Triển Sản Xuất Lúa Hiện Đại

Trần Văn Đạt, PhD


1.   MỞ ĐẦU
Các kỹ thuật và kiến thức khoa học du nhập từ thời Pháp thuộc đã giúp nông dân Việt Nam tham gia tích cực vào cuộc Cách Mạng Xanh trong quá trình Đổi Mới kinh tế để tăng gia phát triển nông nghiệp, nhứt là ngành trồng lúa từ giữa thập niên 1960. Từ năm 1954 đến nay, ngành nông nghiệp lúa Việt Nam đã trải qua 3 thời kỳ thăng trầm rõ rệt: (1) thời kỳ 1954-1975: quốc gia có 2 chế độ khác nhau nên ngành nông nghiệp lúa mang 2 hệ thống sản xuất riêng biệt - hệ tập thể ở Miền Bắc và hệ tư nhân ở Miền Nam; (2) thời kỳ sản xuất tập thể cả nước từ 1976-1987; và (3) thời kỳ Đổi Mới kinh tế kể từ 1988 đến nay.
Sau khi thống nhứt xứ sở năm 1975, sản xuất nông nghiệp phục hồi, nhưng phát triển chậm chạp không đáp ứng kịp nhu cầu lương thực nội địa, do chính sách “cào bằng” và tập trung sản xuất. Mãi đến thời kỳ Đổi Mới kinh tế năm 1988, ngành này mới khởi sắc, nhứt là trồng lúa và sản xuất thủy hải sản lớn mạnh, tái xuất khẩu, và mang về đất nước số lượng ngoại tệ đáng kể.
            Nhưng từ thời kỳ Đổi Mới, tầm quan trọng kinh tế của nông nghiệp quốc gia giảm dần so với các lãnh vực khác như công nghiệp và dịch vụ. Tỉ trọng nông nghiệp đối với GDP giảm từ 40,2% trong 1985 xuống 22,2% trong 2008, mặc dù mức sản xuất tiếp tục tăng gia hàng năm (WRI, 2007 và Tổng Cục Thống Kê, 2008).
 
2.   CÁC THỜI KỲ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LÚA
2.1. Thời kỳ sản xuất lúa từ 1954-1975
Sau tháng 7 năm 1954, chiến tranh chấm dứt và nền nông nghiệp cả nước bắt đầu khôi phục trong thời gian ngắn. Miền Bắc trải qua cuộc cách mạng ruộng đất với nhiều đau khổ của người dân và sau đó có sửa sai, rồi tiến bước vào việc thành lập các tổ đổi công, tập đoàn sản xuất và xây dựng hợp tác xã bậc thấp. Do đó, các lực lượng địa chủ và phú nông đã bị biến mất. 
Vào thời kỳ 1958-75, nền nông nghiệp miền Bắc chịu ảnh hưởng lớn của tổ chức sản xuất hợp tác xã nông nghiệp từ bậc thấp lên bậc cao, từ qui mô thôn lên qui mô xã, tập thể hóa ruộng đất và các vật tư sản xuất triệt để và mau chóng. Tuy nhiên, “nông dân lại thờ ơ với ruộng đất, với hợp tác xã, với kinh tế tập thể và xao lãng công việc đồng áng”. Số lượng hợp tác xã tăng nhanh từ 18 trong năm 1956 lên 45 trong 1957, 4.823 năm 1958, 27.831 năm 1959 và 40.422 năm 1960 (Nguyễn Sinh Cúc, 1995).
Trong khi đó, nền nông nghiệp Miền Nam còn tiếp nối các truyền thống, thực hành của thời thực dân và quan tâm chủ yếu đến các chương trình dinh điền, định cư, cải cách điền địa và đặc biệt thực hiện cuộc Cách Mạng Xanh sau cùng của thế giới.
Từ năm 1955-58, chánh sách cải cách điền địa Miền Nam được đề ra với 3 mục tiêu: (i) Phục hồi ruộng đất bị bỏ hoang, (ii) Điều chỉnh liên hệ giữa chủ điền và tá điền đối với vấn đề giá thuê và an ninh cho người thuê mướn, và (iii) Phân phối lại ruộng đất. Để thực hiện chánh sách này, có hai chương trình nổi bật là chương trình “Dinh điền” cho di cư 100.000 dân từ miền Trung đông dân lên cao nguyên và dự án định cư 50.000 gia đình di cư từ miền Bắc ở Cái Sắn. Mỗi gia đình được cấp 3 ha ruộng. Tiền thuê ruộng chỉ còn 25% thu hoạch hàng năm (King, 1977).
            Vào năm 1956, Đạo luật 57 qui định đại chủ điền chỉ được giữ 100 ha và thêm 15 ha ruộng hương quả và số ruộng dư được phân chia cho người đang canh tác 5 ha mỗi gia đình. Chương trình này không làm thay đổi nhiều về tình trạng mướn ruộng đất canh tác vì người không ruộng chỉ có thêm một ít đất, nhưng số chủ điền lại tăng thêm (30%) với lề lối phân chia ruộng đất không công bằng. Tuy nhiên, thành phần đại điền chủ không còn nữa.
 
            Vào 26-3-1970, chương trình “Người cày có ruộng” được thực hiện tiếp theo chương trình nêu trên, nhưng quyền sở hữu của điền chủ chỉ có 15 ha ruộng lúa và 5 ha ruộng hương quả. Người dân được làm chủ trên ruộng đất mình đang canh tác cho đến 3 ha mỗi gia đình ở châu thổ sông Cửu Long và 1 ha ở các nơi khác. Những người không có ruộng được cấp miễn phí đến 3 ha tối đa. Chương trình này khá thành công mặc dù nhiều tốn kém và gặp khó khăn vì tình trạng an ninh; nhưng vẫn còn rất nhiều nông dân không có ruộng canh tác vì thiếu đất phân chia. 
 
            Từ 1968-1975, cuộc Cách Mạng Xanh xảy ra ở Việt Nam. Sản lượng lúa cả nước đã tăng từ 8,8 triệu tấn trong 1967-69 lên 11 triệu tấn trong 1974-75, hoặc 3,5% mỗi năm. Giống lúa IR8 đã góp phần rất lớn vào tăng gia sản xuất lúa gạo của hai Miền lúc bấy giờ. Đây là giống lúa hiện đại sáng tạo bởi Viện Nghiên Cứu Lúa Quốc tế (IRRI), Philippines, du nhập vào Miền Nam năm 1966 và tạo ra cuộc Cách Mạng Xanh sau này. IR8 và các giống IR khác có các đặc tính như: lúa có gien lùn, lá xanh đậm, thẳng đứng, nhiều chồi, không đổ ngã khi lúa chín, và có phản ứng phân đạm cao; nhờ đó năng suất lúa có thể lên đến 11 tấn/ha, trung bình từ 4-8 t/ha, gấp hai ba lần các giống lúa truyền thống nội địa. Tuy nhiên, cuộc CMX không thể phát huy đúng mức vì tình trạng chiến tranh và chánh sách nông nghiệp trong nước. Sau 1975, cường độ Cách Mạng Xanh giảm dần và chỉ tái bùng phát vào thời kỳ Đổi Mới kinh tế.
Tại Miền Nam, lúa IR8 được trồng đại trà lần đầu tiên năm 1967 ở Vỏ Đắt, tỉnh Bình Tuy. Đến vụ lúa 1968-69, giống lúa hiện đại tăng lên 23.373 ha, với năng suất bình quân 4t/ha mở đầu cuộc Cách Mạng Xanh trong nước. Giống lúa IR8 được đổi tên Thần Nông 8 (TN8)[1]. Sau đó, giống lúa hiện đại được phổ biến mạnh mẽ qua chương trình “Tăng gia sản xuất lúa Thần Nông” do Sở Lúa Gạo, Bộ Canh Nông Miền Nam thực hiện đại qui mô, với mô hình “mini kit” của Philippines: Mỗi nông dân trồng lúa TN (lần đầu tiên) được cung cấp một gói nhỏ (mini kit) gồm lúa giống TN8, phân hóa học và thuốc sát trùng diazinon (Trần Văn Đạt, 2002).
Đến vụ 1973-74, diện tích lúa hiện đại (TN8, TN5, TN20, TN22, TN 73-1 và TN 73-2) chiếm độ 32% hay 890.000 ha với năng suất bình quân 4 t/ha và sản lượng của lúa Thần Nông chiếm 53% tổng sản lượng lúa Miền Nam. Vào vụ 1974/75, tổng sản lượng lúa ước độ trên 7 triệu tấn.
 
Ở Miền Bắc, giống lúa IR8 hay Nông Nghiệp 8 (NN8) có lẽ được du nhập từ miền Nam vào vụ mùa 1968-69 để trồng thử nghiệm và có kết quả tốt ở vụ Đông-xuân, tiếp theo chặn đường nhập nội các giống thấp cây từ Trung Quốc như Trân Châu Lùn, Thượng Hải 2 và Thượng Hải 4 (Vũ Tuyến Hoàng, 1986). Sau đó, NN8 được trồng đại trà năm 1989 và CMX phát khởi từ đó, có lúc chiếm đến 50% diện tích gieo trồng Miền này. Mặc dù giống NN8 có thời gian sinh trưởng dài đến 180 ngày do ảnh hưởng nhiệt độ thấp của vụ Đông xuân và chất lượng thấp, nhưng năng suất rất cao từ 4 đến 8 t/ha nên được nông dân ưa chuộng. Vì thế, giống NN8 có lúc chiếm đến 65% diện tích vụ Đông-xuân và 35% vụ mùa (Võ Tòng Xuân, 1995). Giống NN8 còn được trồng đến gần cuối thập niên 1990s. 
Cuộc Cách Mạng Xanh đã giúp Việt Nam không những tự túc được lúa gạo mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo hạng hai hoặc ba trên thế giới và cung cấp cho giới tiêu thụ giá gạo thấp và khá ổn định. Tuy nhiên, cuộc Cách Mạng này cũng tạo ra một số ảnh hưởng tiêu cực về sinh học (xói mòn di truyền), môi trường (ô nhiễm) và kinh tế xã hội (tăng thêm khoảng cách xã hội, dùng lao động nhiều hơn).
Tại Việt Nam, cuộc CMX vẫn còn tiếp diễn đến giữa thập niên 2000s mới chấm dứt và đã mang những thành quả lớn lao cho đất nước đang phát triển nền kinh tế thị trường. Đây là cơ hội thuận lợi để cả thành thị và nông thôn cùng tiến bộ khi có những chính sách nhà nước thỏa đáng. Trong khi đó cuộc CMX trên thế giới, như Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Sri Lanka, các xứ châu Mỹ La Tinh, v.v. đã chấm dứt từ giữa thập niên 1990 hoặc sớm hơn; và cuộc Cách Mạng này chưa đến Châu Phi miền nam Sahara vì thiếu chánh sách hữu hiệu và phát triển thủy lợi kém!
Hình 1: Giống lúa IR8 và giống lúa cha mẹ: Peta của Indonesia và Dee-geo-woo-gen (DgWg) của Đài Loan (ảnh IRRI)
 
2.2.  Thời kỳ sản xuất lúa tập thể từ 1976-1987
Từ 1976 đến 1980: Trong khi các hợp tác xã nông nghiệp miền Bắc đang bi khủng hoảng, nền nông nghiệp miền Nam được tổ chức theo hệ thống tập thể như đã được thực hiện ở miền Bắc, nhưng trong thực tế lỏng lẻo hơn. Đặc biệt hơn hết là chính sách điều chỉnh ruộng đất theo phương thức “cào bằng”, ảnh hưởng rất nhiều đến thành phần trung nông chiếm đa số ở Miền Nam. Sau thí điểm xây dựng hợp tác xã ở Tân Hội, Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, các tỉnh Nam Bộ nhanh chóng thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp dưới hai hình thức - hợp tác xã (312 ha/mỗi đơn vị) và tập đoàn sản xuất (bình quân 40 ha và 38 hộ mỗi đơn vị). Đến năm 1980, miền Nam đã có 1.518 hợp tác xã, trong đó có 1.005 hợp tác xã cấp cao và 9.350 tập đoàn sản xuất, thu hút 35,6% số hộ nông dân toàn Miền (Nguyễn Sinh Cúc, 1995).
Đất đai thuộc nhà nước và tập thể hóa, lực lượng lao động kết hợp từ nông dân trong cơ chế - cấp - phát - giao - nộp. Nhà nước đặt ra quota sản xuất mỗi thời vụ và nông dân được cung cấp phương tiện như lúa giống, phân bón, trâu bò để canh tác qua hợp tác xã. Nhà nước thu thuế lúa với giá ấn định của các nông trại quốc doanh qua các hợp tác xã. Nông dân gồm những nhóm lao động được trả lương bằng số giờ làm việc, chứ không bằng sản xuất. Do đó, tình trạng sản xuất lúa trong giai đoạn từ 1976 đến 1980 ngưng đọng (FAO, 1994). Trong giai đoạn này, sản xuất lúa chỉ độ 11 triệu tấn lúa mà thôi và năng suất bình quân khoảng 2 t/ha.
 
Từ 1981 đến 1987: Từ năm 1981, nhà nước thi hành chính sách mới gọi là “khoán 100” (Chỉ thị 100 CT-TW của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng), cải tiến hình thức khoán, chuyển từ khoán việc sang khoán sản phẩm, từ khoán đội đến khoán gia đình. Khoán 100 cho các gia đình nông dân thuê đất ruộng, nhưng hoạt động hợp tác xã vẫn là chủ yếu trong việc phân phối các phương tiện canh tác, thu thuế và thu mua lúa. Mỗi gia đình nông dân được giữ tối đa 5% đất ruộng để làm thí điểm và chỉ làm chủ 3 khâu mà thôi: gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Một hệ thống “giao kèo” với nông dân được thiết lập cho giá lúa thu mua. Tuy nhiên, giá lúa này do Ủy Ban giá cả nhà nước ấn định tùy theo giá thành sản xuất. Nông dân phải bán một số lượng lúa được ấn định trước cho các hợp tác xã và phải trao đổi lúa cho các phương tiện canh tác do nhà nước cung cấp. Chẳng hạn, một kg urê bằng 2,4 kg lúa vào năm 1985-87 và bằng 2 kg lúa trong năm 1988; 1 kg phosphate = 1 kg lúa; 1 lít dầu = 4 kg lúa. Sự thay đổi này đã làm sản xuất trong nước tăng hơn, mỗi năm 3,1%, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu cả nước nên vẫn còn phải nhập khẩu gạo (FAO, 1994).
 
2.3.   Thời kỳ Đổi Mới kinh tế từ 1988 đến nay
Vào tháng 4 năm 1988, nhà nước thi hành Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, trong đó hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông thôn. Nghị quyết 10 thừa nhận quyền sở hữu máy móc, trâu bò, nông cụ, v.v. của hộ xã viên và đảm bảo hài hòa giữa 3 lợi ích: nhà nước, tập thể và người lao động. Người lao động được hưởng 40% sản lượng khoán và chỉ có nghĩa vụ nộp thuế nông nghiệp theo luật định. 
Sau đó, Nghị quyết 5 được ban hành vào tháng 6-1993, với mục đích nhằm phát triển kinh tế và xã hội nông thôn, đặc biệt nới rộng quyền của người sử dụng đất như quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất. Ngoài ra, còn có các Nghị định về hộ nông dân vay vốn sản xuất, về công tác khuyến nông, phân hạng đất, tính thuế sử dụng đất nông nghiệp.
 Qua chính sách Đổi Mới kinh tế nêu trên, một loạt các biện pháp được thi hành làm thay đổi hẳn tình trạng sản xuất nông nghiệp trong nước. Nông dân được thuê đất đến 20 năm cho cây hàng niên và 50 năm cho cây đa niên. Họ được tự do quyết định trên sản xuất của họ và mua các phương tiện canh tác tùy ý, không phải qua hợp tác xã nữa (Lê Hồng Nhu, 1999). Nhờ chính sách Đổi Mới, một năm sau sản lượng lúa tăng hơn 1 triệu tấn và Việt Nam đã chuyển từ xứ nhập khẩu thành xứ xuất khẩu lúa gạo. Số lượng lúa quốc gia tăng từ 17 triệu tấn trong năm 1988 lên 38,9 triệu tấn năm 2009, hay hơn 6% mỗi năm; diện tích tăng từ 5,7 triệu ha lên 7,4 triệu ha, hay 30%; và năng suất tăng từ 3 t/ha lên 5,2 t/ha, hay 73% (Bảng 1) (Tổng Cục Thống Kê, 2009). Thành quả lớn lao này trong những năm đầu của Đổi Mới phần lớn do thay đổi chính sách hơn là do cải thiện kỹ thuật, nhưng về sau phát triển kỹ thuật gồm công trình thủy lợi và sử dụng phân hóa học đóng vai trò quan trọng hơn trong cuộc CMX đang tiếp diễn.
 
            Về các vùng sinh thái, diện tích, năng suất và sản lượng trong 2008 được báo cáo trong Bảng 2. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sản xuất lúa lớn nhứt 19,2 triệu tấn lúa, chiếm gần 50% sản lượng cả nước; đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) 6,8 triệu tấn hay 17,6%; Trung du phía Bắc 2,9 triệu tấn hay 7%; vùng Bắc và duyên hải Trung Bộ độ 6,1 triệu tấn hay độ 15,8%; Tây Nguyên 0,94 triệu tấn hay 2,4%; và Miền Đông Nam Bộ 1,31 triệu tấn hay 3,4%.
Về năng suất, ĐBSH có năng suất cao nhứt 5,9t/ha, kế đến ĐBSCL 5,4 t/ha, Bắc Trung Bộ và Duyên hải 5,1 t/ha, Tây Nguyên 4,4 t/ha, và Miền Đông Nam Bộ có năng suất thấp nhứt 4,3 t/ha  (Bảng 2). Tỉnh sản xuất lúa lớn nhứt là Kiên Giang kế đến An Giang và Đồng Tháp, với sản lượng 2,3, 2,2 và 1,9 triệu tấn lúa, theo thứ tự.
Tóm lại, trong quá trình CMX và thời kỳ Đổi Mới, cơ cấu trồng lúa của nước có sự chuyển dịch đặc biệt quan trọng như sau:
(i) Chuyển cơ cấu trồng lúa cấy qua lúa sạ thẳng, hiện chiếm hơn 95% diện tích trồng lúa Miền Nam. Chiều hướng nầy đang tiếp tục bành trướng ra Miền Trung và Miền Bắc do vấn đề tiết kiệm nước, nhân công đắt đỏ và sự hiện diện của thuốc diệt cỏ với giá phải chăng.Tại ĐBSCL, dịch chuyển cơ cấu vụ được thể hiện qua việc giảm sút diện tích lúa Mùa, tăng gia diện tích gieo sạ Đông-Xuân và Hè-Thu. Nông dân còn chuyển đổi cơ cấu trồng lúa sang trồng cây ăn quả hoặc rau hoa.
(ii) Ở đồng bằng Bắc Bộ, vụ lúa Chiêm hay Đông-Xuân giảm dần và được thay thế bằng vụ Xuân.
(iii) Trong cả nước, diện tích vụ Đông-Xuân tăng gia từ 1,8 triệu ha năm 1985 lên 3,1 triệu ha năm 2009 (phần lớn từ ĐBSCL). Trong cùng thời kỳ, vụ Hè-Thu tăng từ 994.300 ha lên 2,4 triệu ha, nhưng vụ lúa Mùa giảm từ 2,9 triệu ha xuống 2 triệu ha (Bảng 1).
(iv) Sử dụng các giống lúa ngắn ngày (90-100 ngày) để vừa tăng vụ mùa vừa tránh lũ lụt hoặc hạn hán cuối vụ.
(v) Phát triển trồng lúa có chất lượng tốt để nâng cao giá trị trồng trọt, nhằm cải tiến khả năng cạnh tranh thị trường trong nước cũng như thế giới. Gạo xuất khẩu chưa có thương hiệu nổi tiếng.
(vi) Cơ giới hóa sản xuất lúa tăng gia, nhứt là khâu làm đất, tưới tiêu, và thu hoạch.
(vii) Miền Bắc nỗ lực thực hiện chương trình sản xuất lúa lai từ 1991, dùng hạt giống phần lớn nhập nội từ Trung Quốc.
Trong thời kỳ này, Nhà nước có những lo lắng không cần thiết khi nông dân có khuynh hướng biến đổi ruộng thành vườn ở ĐBSCL hoặc dùng ruộng lúa vào những nhu cầu khác như nuôi tôm cá, công nghiệp hóa, đô thị hóa, v.v., có lợi tức cao hơn, trong khi Việt Nam sản xuất dư thừa lúa gạo, giá lúa thấp, nông dân trồng lúa bị thiệt thòi. Vấn đề hiện nay là Nhà nước cần có chính sách hướng dẫn nông dân chuyển đổi ruộng đất gò cao và xấu qua các sử dụng khác thích hợp hơn để cải thiện đời sống nông thôn. Theo kinh nghiệm thế giới, vấn đề an ninh lương thực quốc gia không chỉ do trách nhiệm của khâu sản xuất lúa, mà còn tùy thuộc chủ yếu vào tồn trữ và phân phối địa phương trong một nước sản xuất dư thừa.
            Bảng 1: Diện tích và sản lượng trồng lúa cả nước, 1968-2009

Nguồn:
Tổng Cục Thống Kê (GSO), 2009
* Sản lượng và diện tích 1968 và sản lượng 1988 do thông tin từ FAOSTAT  (www.fao.org), 2010
 
Bảng 2: Diện tích, năng suất và sản lượng lúa theo vùng sinh thái, 2008
 
Vùng sinh thái 
Diện tích
(ha)
Năng suất
(t/ha)
Sản lượng
(tấn)
Cả nước
7.414.300
5,22
38.725.100
Đồng bằng sông Hồng
1.153.200
5,88
6.776.000
Trung du và miền núi phía Bắc
669.400
4,33
2.895.900
Bắc Trung Bộvà Duyên hải Miền Trung
1.213.200
5,05
6.125.900
Tây Nguyên
211.700
4,43
938.400
Đông Nam Bộ
307.900
4,25
1.307.300
Đồng bằng sông Cửu Long
3.858.900
5,36
19.234.500
Nguồn: Tổng Cục Thống Kê, 2008
 
3.   TRÌNH ĐỘ NÔNG DÂN VÀ ĐẶC TÍNH NÔNG HỘ TRỒNG LÚA
Sự phát triển trình độ canh tác lúa của nông dân có thể được đánh giá theo mức độ chấp nhận các giống lúa cải tiến, kỹ thuật trồng lúa hiện đại và diễn biến năng suất lúa theo thời gian. Theo nghiên cứu của Trần Thị Út và Hossain (2000), diện tích trồng lúa cao năng tăng từ zero trong 1966 lên 300 ha năm 1967, độ gần 1 triệu ha năm 1980 và 6,6 triệu ha năm 1998 hay gần 90% tổng diện tích gieo trồng. Tổng quát, lúa gạo đóng góp 37% vào lợi tức của gia đình nông dân trong khu vực khảo sát. Lúa tưới tiêu đem về 41,5% (587,42 đô la) so sánh với lúa không tưới tiêu chỉ 18,2% (90,30 đô la).
            Trong thời gian từ 1968 - 2009, năng suất lúa bình quân tăng từ 1,8 t/ha lên 5,2 t/ha, hay 4,3% mỗi năm. Có thể nói kiến thức của nông dân về trồng lúa từ Bắc chí Nam đã mở mang rất nhanh chóng trong thời CMX và Đổi Mới kinh tế, khi các kỹ thuật tân tiến và phương tiện truyền thông được mở rộng đến nông thôn. Nông dân Việt Nam rất thông minh, bén nhạy và mau hấp thụ các kỹ thuật tiến bộ và mới mẻ. Hiện nay đa số không còn mang bản chất bảo thủ đối với các kỹ thuật hiện đại nhập nội từ thế giới bên ngoài, như đã thấy trong thời Pháp thuộc. Họ sẵn sàng chấp nhận các kỹ thuật mới lạ, miễn mang đến lợi ích thiết thực. Trình độ kỹ thuật của nông dân đã biến chuyển khá rõ rệt từ thời đại phong kiến, thực dân đến cuộc CMX liên quan đến vụ mùa, làm đất, phương pháp canh tác, chăm sóc, bảo vệ mùa màng và thu hoạch (Bảng 3).
 
Bảng 3: So sánh kỹ thuật canh tác lúa cổ truyền (đến 1967) và lúa hiện đại (từ 1968 đến nay)
 
       Canh tác lúa cổ truyền           
 
 
          Canh tác lúa hiện đại
           
  1. Ở miền Nam, có 3 loại lúa: lúa Sớm (4-5 tháng), lúa Lỡ (51/2-61/2 tháng) và lúa Muộn hay Mùa (7-8 tháng). Ở miền Bắc có vụ lúa Chiêm và vụ lúa Mùa. Lúa Mùa quan trọng nhất;


     
 
 
  1. Có khoảng 640.000 ha lúa nổi (nước sâu) ở Đồng Tháp Mười, với năng suất thấp độ 2 t/ha;
 
  1. 100% giống lúa địa phương, thân cao, lá dài và cong, bị quang cảm, ít phản ứng đạm, dễ ngã, với năng suất độ 1-3 t/ha;

     
 
  1. Chọn lựa giống lúa ở ngay ngoài ruộng; 23-40 kg/ha (Trần Văn Hữu, 1927);


 
 
  1. Dùng tuổi mạ già (45-60 ngày) (Mạ vàng cấy lúa chóng xanh);
 
 
  1. Cấy lúa 2 lần ở những nơi nước sâu (50-60 cm);
 
  1. Cấy 5-10 cây mạ/bụi (cấy bằng nọc cây);
 
  1. Cấy thưa với khoảng cách 40 x 40 cm; hoặc 70 x 70 cm ở một vài nơi ruộng sâu;
 
  1. Ít hoặc không dùng phân hóa học, nhưng nhiều P thiên nhiên, phân hữu cơ, phân xanh;
 
  1. Ít hoặc không dùng đến thuốc sát trùng, thuốc diệt cỏ;
 
  1. Ít được tưới tiêu;

     
 
  1. Ít được cơ giới hóa, sử dụng nhiều sức lao động từ làm đất đến thu hoạch và biến chế;
 
  1. Hạt lúa dễ rụng nên gặt sớm hơn (Xanh nhà hơn già đồng);
 
  1. Nông dân thường “đi mót” lúa (gié lúa rơi);
 
  1. Quãng canh và độc canh; 
 
  1. Hiệu năng trồng lúa
      kém.
  1. Ở miền Nam, lúa Mùa ngày càng giảm bớt quan trọng do giống lúa ngắn ngày có năng suất cao; lúa Đông-Xuân và Hè-Thu trở nên quan trọng hơn. Ở Miền Bắc, lúa Xuân thay thế phần lớn vụ lúa Chiêm và hệ thống canh tác có thêm vụ màu mùa đông sau vụ Mùa;
 
  1. Chỉ còn ít hơn 30.000 ha lúa nổi; diện tích còn lại đã biến đổi từ một vụ thành 2 vụ lúa cao năng;
 
  1. Hơn 90% giống lúa cao năng hiện đại, thân ngắn, lá xanh đậm và thẳng, ít hoặc không có quang cảm, phản ứng đạm cao, năng suất bình quân 6-8 t/ha;
 
  1. Nông dân mua hạt giống cải tiến, nhưng vẫn còn trao đổi giống với nhau, 20-40 kg/ha hạt giống cho lúa cấy, 70-100 kg/ha cho lúa gieo thẳng;
 
  1. Mạ non từ 20-30 ngày (trên 30 ngày do nhiệt độ thấp ở Miền Bắc);
 
  1. Cấy một lần vì nhiều nơi mực nước có thể được điều chỉnh;
 
  1. Cấy 2-3 tép/bụi; Lúa sạ thẳng gia tăng;
 
  1. Cấy dày (hẹp): 20 x 20 cm, 20 x 25 cm, 15 x 20 cm; 10 x 15 cm;

     
 
  1. Dùng nhiều phân hóa học, N, P và K, ít phân hữu cơ hơn;
 
 
  1. Dùng nhiều thuốc sát trùng, thuốc diệt cỏ và IPM;
 
  1. Phần lớn ruộng được tưới tiêu (> 80%);
 
  1. Một phần được cơ giới, đặc biệt làm đất, tưới tiêu, thu hoạch và biến chế;
 
  1. Hạt lúa ít rụng hơn;

     
 
  1. Không còn đi mót lúa;
 
  1. Thâm canh hơn, vẫn còn độc canh nhiều lúa;
 
  1. Hiệu năng trồng lúa được cải tiến, nhưng còn thấp.
 
 

Dù vậy, ngành trồng lúa hiện nay còn mang tính chất chậm tiến với những nét đặc thù nổi bật như sau:
1)      Năng suất bình quân còn tương đối thấp; chỉ 5,2 t/ha trên 7,3 triệu ha so với Trung Quốc 6,5 t/ha trên 29 triệu ha lúa;
2)      Chất lượng lúa và gạo còn kém ở thị trường nội địa và thế giới, chưa có thương hiệu nổi tiếng;
3)      Sử dụng quá nhiều nhân công, đặc biệt ở Miền Bắc;
4)      Ruộng đất phân chia quá nhỏ
5)      Phương tiện canh tác còn thô sơ;
6)      Công nghệ bảo quản biến chế còn kém, nhứt là thiếu kho vựa hiện đại;
7)      Thiếu thông tin nông nghiệp chính xác
8)      Thiếu tổ chức thị trường hữu hiệu có lợi cho nông dân;
9)      Thanh niên nông thôn di chuyển ra thành phố và nơi có công nghiệp;
10)  Đời sống nông dân trồng lúa và nông thôn còn thấp; 
11)  Chính sách hỗ trợ nông dân chưa đủ; và
12)  Biến đổi khí hậu toàn cầu, nhứt là mực nước biển dâng cao và xâm nhập vào sông rạch hàng năm.
 
Đây là các lãnh vực cần được cải thiện để nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế và cải tiến đời sống nông dân và nông thôn với các chính sách, kế hoạch và quản lý nông nghiệp thích đáng.
Trong năm 2000, một nghiên cứu của IRRI về so sánh các nôi sản xuất lúa tại một số nước Châu Á, gồm Việt Nam (liên lạc với Dr. David Dawe) cho biết bình quân mỗi gia đình nông hộ trồng lúa có 6 người, có trình độ học vấn tương đương với nhau, khoảng 7 năm ở vào tuổi 47-48 tại một số vùng châu Á, như cánh đồng Trung bộ của Thái Lan; Trung bộ Luzon, Philippines; Tây Java, Indonesia; Zhejiang, Trung Quốc và đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long ở Việt Nam. Ngoại trừ trình độ học vấn cao hơn hết ở vùng Tamil Nadu, Ấn Độ.
Diện tích trồng lúa của nông dân Việt Nam và ngay cả đồng bằng sông Cửu Long quá nhỏ khi so sánh với các nước khác trong vùng. Thật vậy, diện tích trồng lúa bình quân của mỗi hộ ở ĐBSCL là 0,97 ha và ĐBSH là 0,31 ha, trong khi ở Tamil Nadu, Ấn Độ 4,30 ha, Trung bộ Thái Lan 4 ha, Trung bộ Luzon của Philippines 2,18 ha, Tây Java của Indonesia 0,69 ha và Zhejiang của Trung Quốc 1,18 ha. Điều này cho biết nông dân trồng lúa Việt Nam nghèo hơn nông dân các vùng nghiên cứu nêu trên.
Tóm lại, ngành trồng lúa Việt Nam đã bành trướng liên tục trong suốt 4.000 năm lịch sử của đất nước, với óc sáng tạo và quyết tâm của dân tộc cũng như khả năng hòa hợp và sàng lọc các kinh nghiệm, kiến thức được tích lũy từ chính mình, các nước láng giềng và những kẻ xâm lược. Do đó, trình độ trồng lúa nước ta luôn bắt kịp với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia, v.v. Thành tựu đó được phản ánh qua cuộc Cách Mạng Xanh cuối cùng của nhân loại đã phát khởi từ giữa thập niên 1960 tại Việt Nam, và thời kỳ Đổi Mới kinh tế từ 1988. Dù muộn hơn nhiều quốc gia khác, ngành sản xuất lúa bản xứ vẫn phát triển mạnh mẽ với các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào; nhờ đó Việt Nam đã chiếm lĩnh ngôi vị thứ hai hoặc ba của các nước xuất khẩu lúa gạo thế giới trong hơn thập niên qua, nhưng chất lượng còn thấp kém và chưa có thương hiệu quốc gia nổi tiếng.
Hiện nay, trình độ kỹ thuật trồng lúa của nông dân Việt Nam không thua kém các nước láng giềng tiến bộ. Sự hiểu biết về canh tác lúa để làm thức ăn căn bản cho gia đình đã chuyển hướng tích cực từ tuyển chọn các giống lúa có năng suất cao đến lề lối canh tác thâm canh trong ruộng nước, rẫy, ruộng đất mặn, ruộng đất chua, đất than bùn; nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho gia đình và xã hội. Nông dân đã và đang chuyển đổi sử dụng cuốc, cày, bừa, trâu bò, gặt hái, xa quạt lúa và kho vựa lúa gia đình qua sử dụng máy cày, máy kéo, máy bơm nước, máy gặt và hệ thống chế biến, tồn trữ tối tân. Tiến trình lịch sử trồng lúa của từng Miền, từng vùng sinh thái và cả nước đáng được làm đề tài nghiên cứu cho những sinh viên Đại Học trong nước.
 
4.   Tiến bộ kỹ thuật (Trần Văn Đạt, 2005:280-347)
Trong hơn nửa thế kỷ qua, tiếp theo giai đoạn du nhập các kiến thức khoa học và kỹ thuật mới từ phương Tây trong thời Pháp thuộc, Việt Nam lại đón nhận thêm những tiến bộ mới, chủ yếu trong ngành công nghệ sinh học và công nghệ tin học, được áp dụng trong nông nghiệp nói chung và ngành trồng lúa nói riêng, với mục đích cải tiến hiệu năng sản xuất, năng suất, lợi tức nông dân và bảo vệ môi trường. Công nghệ tin học giúp người sản xuất thực hiện các kỹ thuật nông nghiệp chính xác và quản lý nông trại hữu hiệu trong mọi lãnh vực.
            Ngành công nghệ sinh học tiến bộ rất nhanh vào hậu bán thế kỷ XX, được áp dụng trong nông nghiệp nhứt là khâu lai tạo di truyền hữu hiệu và chính xác, so với các kỹ thuật cổ truyền trong thời thực dân. Chẳng hạn, các tiến bộ trong mô học, kỹ thuật gien, nghiên cứu DNA, tái bản (cloning), đánh dấu phân tử, QTL (Quantitative trait loci), tạo giống nhờ đánh dấu gien, thông tin sinh học... góp phần giải quyết hữu hiệu các vấn đề kỹ thuật khó khăn mà các phương pháp truyền thống không làm được, như vấn đề hạn hán, ngập lut, đất có vấn đề (phèn, mặn), kháng sâu bệnh, phân đạm sinh học... Năm 2000, loại gạo vàng được sáng chế từ công nghệ sinh học, có tiềm năng lớn cứu giúp hàng triệu trẻ con khỏi bị mù lòa, chết sớm vì thiếu vitamin A trong các nước đang phát triển. Việc hoàn thành bảng đồ Genome cây lúa năm 2002 đã mở ra cánh cửa mới cho ngành tạo giống mới (siêu lúa, lúa Bt, cây lúa C4...), và đa dạng sinh học. 
Cũng trong thời gian này, các kỹ thuật canh tác lúa mới xuất hiện, đặc biệt phương pháp bảo vệ lúa tổng hợp IPM (Integrated pest management), nông nghiệp chính xác (Precision agriculture), kiểm tra lúa (Rice checks), thu hẹp khoảng cách năng suất (Yield gap closing), và sản xuất lúa lai (Hybrid rice).
 
5.   KẾT LUẬN 
Lịch sử trồng lúa Việt Nam trải dài hàng ngàn năm, với sự xuất hiện các nền văn minh qua từng thời đại. Rõ ràng cây lúa có sự tương quan chặt chẽ với tiến hóa, lịch sử và đời sống văn hóa dân tộc Việt Nam. Qua nhiều thiên kỷ, cây lúa hoang dại trở thành cây lúa cao năng sản xuất 8-10 t/ha, trong khi nền văn minh Việt tộc tiến bộ không ngừng dù chậm chạp, từ đời sống hoang dã cổ sơ đến cuộc sống hiện đại hôm nay. Cư dân Hòa Bình có thể thuần dưỡng cây lúa dại cách nay khoảng 8.000-9.000 năm đồng thời với một số dân tộc khác ở Đông Nam Á. Sau đó, cây lúa phát triển dần theo thời gian với óc sáng tạo và kinh nghiệm con người. Các bộ lạc trồng lúa rẫy đã xuất hiện khắp nơi cách nay khoảng 5.000-6.000 năm trong nền văn hóa Bắc Sơn và Cầu Sắt-Suối Linh, đã tạo ra nền văn minh lúa khô sơ cổ, mang đến đời sống định cư cho cư dân đất Việt và tạo yếu tố căn bản cho tiến bộ và văn minh dân tộc sau này. Vào thời Cổ Đại, người Lạc Việt đã có một số kinh nghiệm và hiểu biết về ngành trồng lúa, chủ yếu trồng lúa nước. Thời kỳ này đã tạo nên một nền văn minh cổ Việt, còn gọi là văn minh lúa nước trong nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ, mở đầu kỷ nguyên mới cũng như trưởng thành dân tộc trong quá trình xây dựng đất nước.
Tiếp theo là thời kỳ Bắc thuộc rồi Độc Lập, sự tiến bộ nhứt định của ngành trồng lúa do tiếp xúc giữa hai nền văn hóa Đông Sơn và Hán Tộc, nhưng bị trì trệ lâu dài do ảnh hưởng sâu đậm Nho học thiếu tinh thần khoa học và kỹ thuật. Trong thời gian này, sản xuất lúa cổ truyền chỉ bành trướng do các chương trình khai khẩn đất mới và mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Khi đất nước rơi vào vòng Pháp Thuộc, nhờ tiếp cận nền văn minh Tây Âu, ngành nông nghiệp lúa cải tiến bắt đầu khởi sắc, thấm nhuần kiến thức tân tiến và khoa học, đưa đời sống dân tộc đến ngưỡng cửa văn minh hiện đại để chuẩn bị cho cuộc Cách Mạng Xanh sau này. Tại Việt Nam, cuộc Cách Mạng Xanh bùng phát từ 1968 kéo dài đến giữa thập niên 2000, do ảnh hưởng chiến tranh và các chánh sách kinh tế sai lầm làm trì hoãn bước tiến hóa dân tộc cho đến thời kỳ Đổi Mới kinh tế từ năm 1988. Đây là thời kỳ sản xuất lúa hiện đại của xứ sở. Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu gạo cao nhứt 6 triệu tấn và đứng vào hàng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan; tuy nhiên, đời sống nông dân trồng lúa vẫn còn nghèo khó, nông thôn còn kém văn minh do thiếu chính sách nâng đỡ tương xứng của nhà nước.
 
Trần Văn Đạt, Ph. D.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. FAO. 1994. Rice policy in Viet Nam. Prepared by the Inter-governmental Group on Rice, 37th session, Bangkok, Thailand, 28/11 – 2/12/1994, FAO, Rome, pp 22.
  2. FAOSTAT. 2010. (www.fao.org)
  3. King, R. 1977. Land reform – A world survey. G Bell & Sons LTD, London, 446 pp.
  4. Lê Hồng Nhu. 1999. Rice production in Viet Nam and the policies to promote its development. In Proceedings of the 19th Session of the IRC, Cairo, Egypt, 7-9 September 1998. FAO, Rome, p 162-165.
  5. Nguyễn Sinh Cúc. 1995. Nông Nghiệp Việt Nam (1945-1995). NXB Thống Kê, Hà Nội, 64 tr.
  6. Tổng Cục Thống Kê (GSO). 2008. Tài sản quốc gia 2008. GSO 2008 (http://www.gso.gov.vn/).
  7. Tổng Cục Thống Kê (GSO). 2009. Nông, lâm nghiệp và thủy sản 2009. GSO 2010 (http://www.gso.gov.vn/).
  8. Trần Thị Út and Hossain, M. 2000. Effects of improved technologies on rice production and impact distribution and poverty alleviation: Case study of Viet Nam. Paper presented at the International Rice Research Conference, 31-3 to 3-4-2000. IRRI, Los Banos.
  9. Trần Văn Đạt. 2002. Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam - Từ thời nguyên thủy đến hiện đại. NXB Nông Nghiệp, Sài Gòn, 315 tr.
  10. Trần Văn Đạt. 2005. Sản xuất lúa gạo trên thế giới: Hiện trạng và khuynh hướng phát triển trong thế kỷ 21. NXB Nông Nghiệp, Hà Nội, p 280-347.
  11. Trần Văn Hữu. 1927. La riziculture en Cochinchine. Agence Économique de l’Indochine, Paris, France, pp 31.
  12. Võ Tòng Xuân. 1995. History of Vietnam-IRRI cooperation.  Vietnam and IRRI: A Partnership in rice research, IRRI and Ministry of Agriculture and Food Industry, IRRI, Philippines, p. 21-29.
  13. Vũ Tuyến Hoàng. 1986. La riziculture au Viet Nam. Bulletin de la Commision internationale du riz. FAO, Rome, 35 (2): 8-17.
  14. WRI (World Resources Institute). 2007. GDP: Percent GDP from agriculture. Earth Trends: Economics, Business, and the Environment,
  15. http://earthstrends.wri.org/searchable_db/.

[1] Giữa năm 1967, độ 6 tấn  lúa giống IR 8 được cơ quan USAID du nhập rất khó khăn từ IRRI, Philippines để tái canh 300 ha tại Vỏ Đắt, tỉnh Bình Tuy sau vụ bão lụt. Lúa IR 8 được đặt tên Thần Nông 8 bởi G. S. Tôn Thất Trình khi Ông làm Tổng Trưởng Bộ Canh Nông Miền Nam. Thần Nông là người đầu tiên dạy người dân cách trồng trọt và chăn nuôi vào cuối thiên niên kỷ III trước CN. 

Trở lại Trang Khoa Học
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855216 visitors (2217955 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free