TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Lịch sử trồng lúa VN
 
Lên mạng ngày 7/8/2010

 


 
Thử tìm hiểu về
LỊCH SỬ TRỒNG LÚA VIỆT NAM
Bài 1. Thời Nguyên Thủy: Giai Đoạn Hái-Lượm, Thuần

Trần Văn Đạt, Ph.D.
05 tháng 08 năm 2010
 
LTG: Căn cứ vào thông tin và tài liệu hiện nay, đặc biệt thành tựu của ngành khảo cổ học Việt Nam và các thư tịch lịch sử trong và ngoài nước, chúng tôi thử tìm hiểu Lịch Sử Trồng Lúa Việt Nam từ thời nguyên thủy đến hiện đại, qua 5 giai đoạn lịch sử quan trong:
-          Bài 1: Thời Nguyên Thủy: Giai đoạn hái lượm, thuần dưỡng và trồng lúa rẫy (upland rice)
-          Bài 2: Thời Cổ Đại: Phát triển trồng lúa nước (lowland rice)
-          Bài 3: Thời Bắc Thuộc và Độc Lập: Trồng lúa cổ truyền (traditional rice)
-          Bài 4: Thời Pháp Thuộc: Phát triển trồng lúa cải tiến (improved rice)
-          Bài 5: Từ 1954 đến Cách Mạng Xanh và Đổi Mới kinh tế: Phát triển sản xuất lúa hiện đại (modern rice)
 
 
1.        MỞ ĐẦU
2.        GIAI ĐOẠN SĂN BẮT- HÁI LƯỢM VÀ NÔNG NGHIỆP SƠ KHAI (18.000 đến 8.000 năm trước)
3.        giai đoẠn trỒng lúa rẪy THỜI NGUYÊN THỦY (7.000-5.000 năm trước )
4.        KẾT LUẬN
 
 * * *
 
1.   MỞ ĐẦU
Lịch sử trồng lúa là một đề tài lớn trong khi thông tin và tài liệu còn nhiều giới hạn. Tuy nhiên, cây lúa là loại lương thực quan trọng của dân tộc Việt Nam ít nhứt từ 3.000 năm qua và của hơn phân nửa dân số thế giới hiện nay. Dân tộc có lịch sử, cây lúa cũng cần có lịch sử để tìm hiểu sự tương quan giữa con người và loài Hòa Thảo này. Trong thời gian qua, những thành tựu ngành khảo cổ học và thư tịch trong và ngoài nước đã giúp rọi sáng phần nào sự tiến hóa phát triển của nền nông nghiệp và ngành trồng lúa Việt Nam từ thời sơ cổ đến hiện đại; nhưng lãnh vực này còn cần thêm nhiều nghiên cứu sâu rộng, nhứt là công trình khai quật khảo cổ học để sớm có bức tranh rõ nét về lịch sử tiến hóa của ngành này.
Các phát hiện khảo cổ học cho biết quá trình trồng lúa ở Việt Nam đã tiến hóa lâu dài theo trình độ văn minh dân tộc qua nhiều chặng đường phát triển. Từ thời người Vượn cho đến cuối thời đại Đồ Đá Mới khoảng 5.000 năm trước là thời Nguyên Thủy (hay tiền sử), con người chỉ biết săn bắt, hái lượm và bắt đầu nghề nông nghiệp; nhưng chưa khai hóa tiến bộ như thời đại Kim Khí. Từ nền văn hóa Hòa Bình (10.000-8.000 năm), cuộc Cách Mạng Đá Mới bùng phát khắp nơi, nền nông nghiệp sơ khai xuất hiện và con người dùng khoai đậu sò ốc để có thêm thức ăn, biết dưỡng trồng hạt lúa hoang dại quanh nơi cư trú hoặc các đầm lầy, rừng núi để có thêm lương thực. Đến thời kỳ văn hóa Bắc Sơn, nhiều băng nhóm trồng lúa rẫy xuất hiện, đánh dấu thay đổi lớn của con người, ảnh hưởng sâu đậm đến văn minh dân tộc Văn Lang sau này, vì nghề trồng lúa mang đến đời sống xã hội ổn định hơn. Sau đó, sự xuất hiện các kim loại như đồng, thau, sắt, gang và nghề luyện kim qua các nền văn hóa Phùng nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun đã cung cấp cho nghề nông chủ yếu ngành trồng lúa các công cụ hoạt động hữu hiệu làm tăng sản xuất và cải tiến năng suất đảm bảo lương thực cho dân số ngày càng đông đảo hơn, đặc biệt vào hậu bán thời đại Hùng Vương và An Dương Vương. 
Về khảo cổ học, từ lâu các trầm tích của hạt lúa, hạt gạo, vỏ trấu, than tro, bào tử phấn hoa, côn trùng, phytoliths… thường được các nhà nghiên cứu dùng đến để đánh giá niên đại và nguồn gốc cây lúa. Nhưng các di tích khảo cổ thường bị chi phối lâu dài bởi các điều kiện khí hậu, môi trường địa phương; cho nên phương cách xác định niên đại của các di vật khảo cổ thường gặp sai lầm không thể tránh được. Khí hậu nóng ẩm của các miền nhiệt đới thường hủy hoại các thực vật, hạt lúa gạo nhanh hơn các vùng có khí hậu ôn đới, ngoại trừ chúng được hóa thạch hoặc dưới hình thái khác như gạo cháy, phytoliths... Hiện tượng biển tiến và biển lùi đã làm cuốn trôi nhiều di tích thực vật cổ ở các vùng đồng bằng trũng thấp ven biển. Dù thế, việc dùng phương pháp đồng vị phóng xạ C14 để xác nhận khung niên đại của các di vật phát hiện trong các cuộc khai quật hoặc sưu tầm có giá trị tương đối để hiểu biết rõ hơn những nền văn hóa khảo cổ trong thời tiền sử và có sử. Nhờ đó, chúng ta có được một số thông tin đáng tin cậy về sự tiến hóa của ngành nông nghiệp lúa qua nhiều giai đoạn thăng hoa của dân tộc và đất nước.
 
2.   GIAI ĐOẠN SĂN BẮT-HÁI LƯỢM VÀ NÔNG NGHIỆP SƠ KHAI (cách nay 18.000 - 8.000 năm)
(Viện Khảo Cổ Học, 1998 và1999; Bùi Thiết, 2000; Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn, 2.000; và Viện Thành Tựu Khoa Học Xã Hội, 1987)
Trong giai đoạn hậu kỳ thời đại Đá Cũ, con người còn sống rất hoang dã. Họ trải qua giai đoạn phát triển trí tuệ và thể chất để thích ứng với môi trường thiên nhiên và tồn tại. Nhờ đó, sinh hoạt hàng ngày của họ thay đổi dần theo thời gian, từ sinh hoạt săn bắt và hái lượm tiến đến nghề “nông nghiệp sơ khai” để có đời sống tương đối tốt hơn và ổn định hơn, sau thời kỳ Băng Giá cuối cùng và Tiểu Hạn (Younger dryas) khô lạnh[1].
 
2.1.      Giai đọan săn bắt và hái lượm
Theo các nhà khảo cổ học, kỹ nghệ mảnh tước được tìm thấy ở mái đá Ngườm, Thái Nguyên, được gọi là kỹ nghệ (hay văn hóa) Ngườm (Hình 1) phát triển trước nền văn hóa Sơn Vi (từ 18.000 - 11.000 năm cách ngày nay). Cả hai giai đoạn tiến hóa này thuộc hậu kỳ thời đại Đá Cũ. Giai đoạn đóng băng đạt đến cực đại cuối cùng (và bắt đầu băng tan) cách nay khoảng 20.000-18.000 năm.
Từ thời Người Khôn Ngoan sớm (Homo sapiens) cho đến người Sơn Vi, các di vật khảo cổ liên hệ đến nền nông nghiệp sơ khai không được tìm thấy ở các địa điểm khai quật, ngoài các công cụ thuộc thời đại Đá Cũ liên quan đến sinh hoạt con người như cắt, chặt, bổ…, và các bào tử hạt phấn của một số loài thảo mộc thiên nhiên. Lúc bấy giờ, con người sống từng bầy từng nhóm, với sinh hoạt chủ yếu là săn bắt và hái lượm ngoài trời để sinh tồn và đời sống của họ hoàn toàn hoang dã, di động. Con người tìm những thức ăn thảo mộc như cây có củ (như củ từ), cây đậu và hái những hạt lúa hoang trong các đầm lầy, rừng núi (Chang, 1985). Ở Việt Nam, họ còn bắt ốc núi, ốc suối và thú rừng làm lương thực. Trong điều kiện khí hậu gió mùa có nắng ấm mưa nhiều, đất nước Việt Nam vào thời nguyên thủy chắc chắn có quần thể thực vật rất phong phú và đa dạng, cung cấp cho các cư dân nguồn thực phẩm thảo mộc và động vật thiên nhiên vô hạn.
     
Hình 1: Công cụ mảnh tước Kỹ nghệ Ngườm (1-27: Mái đá Ngườm)
(Viện Khảo Cổ Học, 1998)
 
2.2.      Nền nông nghiệp sơ khai xuất hiện trong văn hóa Hòa Bình
Tiếp theo nền văn hóa Sơn Vi, con người bước đến giai đoạn văn hóa Hòa Bình cách nay khoảng 10.000-8.000 năm hay bắt đầu thời đại Đá Mới. Nền văn hóa này do bà Madeline Colani khám phá (1926), đã xuất hiện không những ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước Đông Nam Á, như Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Philippines… Con người còn sống từng băng, lấy hang động làm đơn vị cư trú. Có những hình khắc mặt người (Hình 2) và thú trên vách đá hang động trong hang Đồng Nội. Với câu “ăn lông ở lỗ” người ta có thể tưởng tượng đời sống của người thượng cổ còn man dại, phần lớn săn bắt và hái lượm là nền kinh tế chủ yếu của họ. Hàng ngày con người rủ nhau đi săn bắn hoặc xuống sông suối bắt ốc, cá hoặc hái lượm các loài cây củ đậu để làm thức ăn. Đời sống luôn phải di chuyển để tìm thức ăn vì chưa biết trồng các loại cây kinh tế cố định. Trong nền văn hóa Hòa Bình - buổi bình minh của nhân loại - con người đã có ít khái niệm chống chế thiên nhiên và có ít sáng kiến trong công việc chế tạo dụng cụ sản xuất hữu hiệu hơn để có nhiều thức ăn hơn. Cũng giống như nền văn hóa Sơn vi, công cụ của nền văn hóa này làm bằng đá cuội để chế tạo các công cụ gỗ tre, nhưng có phần tốt hơn. Các nhà khảo cổ học xem các dụng cụ ghè đẽo một mặt (Hình 3), còn giữ nguyên một mặt vỏ đá cuội là đặc trưng của nền văn hóa Hòa Bình. Trong nền văn hóa này chưa có hoặc rất hiếm đồ gốm.
 
Hình 2: Hình khắc trên đá ở Hòa bình (7.000-8.000 năm trước)
(Ảnh: N. K. Quỳnh)
 
Hình 3: Công cụ đá văn hóa Hòa Bình (1-11: Di chỉ Hang Xóm Trại)
(Viện Khảo Cổ Học, 1998)
 
Di tích động vật của nền văn hóa Hòa Bình gồm có các loài nhuyễn thể như ốc núi, ốc suối, loài trai. Các nhà nghiên cứu cho rằng các loại ốc này là đối tượng chính trong hái lượm của cư dân văn hóa Hòa Bình do ít nguy hiểm. Xương động vật có xương sống còn rất ít, gồm các loài hoang dã chưa thuần thục như vượn, khỉ, nhím, chuột, hươu, hoẵng, nai, bò rừng, trâu rừng, lửng, vòi hương, hổ và rất ít voi cổ, tê giác và lợn rừng (Vũ Thế Long, 1984).
 
Kết quả phân tích bào tử phấn hoa của nền văn hóa Hòa Bình cho thấy có tới 22 loài bào tử và trên 40 loài phấn hoa khác nhau, trong đó chưa gặp các loại thảo mộc được con người thuần dưỡng (Trần Đạt, 1987). Tuy nhiên, lớp trên của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn đã có các rìu mài lưỡi có thể dùng phát hoang để trồng trọt. Điều này cho biết thức ăn thực vật hoang dã chiếm vị trí đáng kể trong hoạt động hái lượm.
Trong các nghiên cứu phân tích phấn hoa, người ta tìm thấy với số lượng cao của các giống cây họ Đậu (Leguminoceae) ở các di tích hang Bưng, Hòa Bình; họ rau Muối (Chenopediaceae) ở hang Con Moong và xóm Trại, Hoà Bình và họ Cà Phê (Rubiaceae) ở hang Con Moong. Ngoài ra, các di tích của nền văn hóa Hòa Bình còn có các loài hạt quả như hạt gắm (Gnetum montanum), hạt cọ (Livistona cochinchinensis), hạt côm (Elaeocarpus sylvestris), hạt me (Phyllanthus emblica L.), hạt trà (Thea sp.), trám tre (Canarium tonkinensis) và trám (Canarium sp.). Tại các di chỉ Hạ Sơn (Thái Nguyên) trong tổng số 38 hạt, dương xỉ có tới 9 hạt, phấn hoa thực vật hạt kín là 20 hạt, chủ yếu là: Lithoiagus, Quercus, Magnolia, Corylus, Betula, Graminae, Araceae (Nguyễn Địch Dỹ và Đinh Văn Thuận, 1981).
 
Ở hang Ma (Spirit cave) thuộc miền biên giới Thái Lan và Miến Điện, nhà khảo cổ học Chester Gorman (1969) đã tìm thấy được 28 loại bào tử phấn hoa của các loài cây ăn trái khác nhau, di vật hóa than như hai hột đậu Hòa Lan, củ năng, hột ớt, những đoạn dây bầu bí và dưa chuột, cùng với những dụng cụ bằng đá của những người dân có nền văn hóa Hoà Bình xuất hiện cách nay ít nhứt khoảng 8.000 - 6.000 năm. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu vết hạt lúa và vỏ trấu trên những mảnh gốm ở Non Nok Tha thuộc vùng Korat với niên đại phóng xạ cách nay khoảng 6.000 năm (Solheim II, 1967 và 1971). Ông Higham (1989) báo cáo vỏ trấu và liềm gặt lúa bằng vỏ sò được tìm thấy ở Khok Phanom Di gần vùng vịnh Thái Lan có niên đại phóng xạ cách nay 8.000-6.000 năm.
Tại Việt Nam, dù chưa có di tích thực vật rõ rệt, nhưng sự hiện diện của các rìu đá sơ cổ trong nền văn hóa Hòa Bình giúp các nhà nghiên cứu phỏng đoán thời kỳ nông nghiệp sơ khai có thể xuất hiện ở Việt Nam đồng thời với nhiều nước trong vùng Đông Nam Á. Con người bắt đầu thuần dưỡng một số thảo mộc và loài thú hoang dã, ngoài sinh hoạt hàng ngày với hái lượm và săn bắt để có nhiều thực phẩm và tránh bớt nguy hiểm từ thú dữ. Đây có lẽ là cuộc “Cách Mạng Xanh” đầu tiên (còn gọi Cách Mạng Đá Mới) của những cư dân đất Việt Nam lúc bấy giờ, vì từ một cuộc sống hoàn toàn theo thiên nhiên trở nên cuộc sống với hướng đi mới: nghề nông nghiệp. Họ là những người nông dân đầu tiên ở Việt Nam.
Theo một số nhà khảo cổ học, Cuộc Cách Mạng Đá Mới xảy ra do áp lực của khí hậu khô lạnh khắc nghiệt, gọi là Tiểu Hạn (cách nay 13.000-11.500 năm), áp lực dân số (từ “bầy người” tiến đến “băng” và “bộ lạc”) và trình độ văn hóa tiến bộ của con người.
Đối với cây lúa dại, cư dân lượm hoặc hái hạt lúa nhiều đợt để ăn vì thời gian hạt chín kéo dài và dễ rơi rụng. Qua nhiều năm tháng, họ biết lựa chọn hạt to, ít rụng để gieo trồng gần nhà hầu có thêm lương thực, ngoài sinh hoạt săn bắt và hái lượm thường xuyên. Công tác thuần dưỡng này, nhứt là từ thảo mộc hoang dại để trở thành cây sản xuất mạnh đòi hỏi rất nhiều thời gian và lao động của người thuần dưỡng. Theo một báo cáo khảo cổ gần đây ở vùng Trung Đông, thời gian thuần dưỡng từ thảo mộc hoang dã cho đến có hệ thống trồng trọt sản xuất kéo dài khoảng 1.000 năm. Thông tin này có được là do phân tích những mẫu di vật còn sót lại trong thời Đồ Đá Mới (9.600 - 9.300 năm cách ngày nay- kể từ 1950) tại một khu vực gần Biển Chết ở nước Jordan. Đây là khoảng thời gian con người bắt đầu chính thức thuần hóa một số loài thảo mộc trên thế giới và cũng là thời gian họ bắt đầu định cư (Nguyễn Sinh, BBC News, 2007).
Vào thời nguyên thủy, cây lúa dại là loại thực vật đa niên, trở thành cây lúa dại hàng niên vì chịu ảnh hưởng của khí hậu và môi trường trong quá trình thuần dưỡng. Qua nhiều năm tháng cây lúa dại trở thành cây lúa trồng có năng suất cao hơn do sự tuyển chọn của con người để có hạt to và nhiều. Theo khảo cứu, cây lúa dại đa niên Oryza rufipogon được thuần dưỡng trở thành cây lúa dại hàng niên Oryza nivara. Sau cùng do thích ứng với thủy thổ địa cầu, chủ yếu khí hậu khô ẩm, nóng lạnh và mưa nắng cây lúa dại hàng niên trở thành cây lúa trồng Oryza sativa hay cây lúa châu Á (Khush, 1997); sau đó cây lúa này tiếp tục tiến hóa thành 3 nhóm lúa Indica ở vùng nhiệt đới, lúa Japonica (Sinica) vùng ôn đới và lúa Javanica trung gian giữa 2 nhóm trên (hay Japonica nhiệt đới). Cũng nên nhắc lại một số nhà khảo cứu quốc tế, trong đó có Tiến Sĩ T.T. Chang (1985) của IRRI tin rằng miền thượng du Bắc Bộ là một trong những trung tâm nguồn gốc xuất phát cây lúa trồng trên thế giới.
 
3.   GIAI ĐOẠN TRỒNG LÚA RẪY THỜI NGUYÊN THỦY
3.1.   Nền văn hóa Bắc Sơn (cách nay 7.000-5.000 năm)
Sau nhiều năm thuần dưỡng, cư dân đã biết được cây lúa trồng có khả cung cấp nhiều thực phẩm, nên người tham gia trồng lúa ngày càng đông. Họ tập họp thành từng nhóm người ngày càng lớn. Vì thế, trong nền văn hóa Bắc Sơn và Quỳnh Văn, tiếp theo nền văn hóa Hòa Bình, các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều “bộ lạc trồng lúa” sinh hoạt không những ở khắp nước Việt Nam mà còn nhiều nước Đông Nam Á (Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2000). Thái Lan và Philippines cũng tìm thấy dấu vết trồng lúa trong thiên kỷ VII và VI cách ngày nay. Trong thời đại Đá Mới giữa này, con người đã bắt đầu sống ngoài hang động và các mái đá của vùng núi đá vôi. Họ vẫn giữ truyền thống chế tạo công cụ bằng đá cuội như ở các nền văn hóa trước, nhưng họ đã biết mài đá làm những chiếc rìu mài ở lưỡi, còn gọi rìu Bắc Sơn (Hình 4 và 5). Thời kỳ Đồ Đá Mới bắt đầu từ 8.000 đến 3.000 năm trước đưa đến cuộc “Cách Mạng Đá Mới” (Bùi Thiết, 2.000). Nhờ dụng cụ đá mài, rìu mài họ có thể chặt cây, phá rừng dễ dàng và nhanh hơn để phát triển nghề nông nghiệp nương rẫy.
            Nhiều di vật của nền văn hóa Bắc Sơn được tìm thấy, trong đó có một mảnh đá có khắc vẽ lá của một họ Hòa Thảo (lá dài với những gân song song) chứng tỏ là lá lúa (Colani, 1930 theo Bùi Huy Đáp, 1980) (Hình 6). Di vật nầy cho biết loài lúa đã được người nguyên thủy biết và chú ý đến, ngoài rau đậu và cây củ. Với quá trình phát triển hàng ngàn năm, sự quan trọng của cây lúa ngày càng lớn, do cung cấp lương thực cho cư dân và loại thảo mộc này có thể sinh sống trong những điều kiện phong thổ khó khăn, như ngập nước, khô hạn, nước phèn, nước mặn, v.v. Ngoài ra, hạt lúa còn có ưu thế tồn trữ lâu dài so với nhiều nông sản khác, nên có thể đáp ứng đòi hỏi về kinh tế và an ninh lương thực của dân cư ngày thêm đông đảo.
 
Hình 5: Công cụ đá văn hóa Bắc Sơn 1-4: Mảnh tước; 5-6: ghè đẽo;
7-10: mài lưỡi; 11-12: dấu Bắc Sơn (Viện Khảo Cổ Học, 1998)
 
 
Hình 6: Hình lá cây thuộc họ Hòa Thảo (B) trên đầu mũi nhọn (A)
(theo M. Colani)
 
            Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các bộ lạc trồng lúa ở khắp nơi từ Bắc chí Nam, đáng chú ý nhất là văn hóa Hạ Long (Quảng Ninh-Hải Phòng) với các di vật như rìu, bôn có cán lắp, khoan tách lõi; Văn hóa Bàu Tró (Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình), với bàn nghiền, bàn xát rất lớn, chiếc cuốc đá có chuôi lắp vào cán;văn hóa Cầu Sắt (Xuân Lộc, Đồng Nai) với rìu vai xuôi, rìu tam giác, cuốc móng trâu, đục, dao đá có hình bán nguyệt gọi là “dao liềm” hay “dao hái” có thể để gặt lúa. Bộ sưu tập Cầu Sắt mang đặc trưng chung của thời đại hậu kỳ Đá Mới; cho nên cùng với các trung tâm văn hóa khác của nước, nền văn hóa nông nghiệp lúa của sông Đồng Nai đã làm đa dạng hóa và tô đậm nét nền văn hóa dân tộc cách nay khoảng 5.000 năm (Hoàng Xuân Chinh et al., 1978).   
          Người ta không biết được chính xác các bộ lạc trồng lúa xuất hiện từ lúc nào, nhưng có thể đoán rằng vào cuối thời đại Đá Mới, khoảng 6.000-5.000 năm trước. Vì bấy giờ chưa có gia súc và dụng cụ nông nghiệp tốt, người dân nguyên thủy phải dùng sức lực con người và các công cụ đá mài để khắc phục thiên nhiên. Họ có thể bắt đầu làm lúa rẫy bằng cách dùng rìu đá mài chặt phá cây rừng độ một thước cách mặt đất, phơi khô, trước khi mưa đến dùng lửa đốt cây cỏ làm sạch đất, lấy tro làm phân một cách ngẩu nhiên (vô ý thức lúc ban sơ) (“đao canh hỏa chủng”). Sau đó, họ dùng gậy chọc lỗ, gieo hạt, lắp đất, thỉnh thoảng làm cỏ, trông chừng thú rừng phá hại và chờ lúa chín hái nhặt. Những dân tộc thiểu số hiện nay thường tuốt gié lúa chín bỏ vào gùi mang trên vai. Ngoài ra, ở các thung lũng, đầm lầy quanh nơi cư trú họ có thể dùng lưỡi cuốc đá nhọn để xới đất, gieo trồng lúa; nhưng còn rất hiếm vào thời kỳ này. Vã lại, hiện tượng biển tiến vẫn còn ở vào kỳ này, có lúc mực nước lên cao đến 5 m so với mực nước biển hiện nay.
Đó là lý do để tin tưởng nghề trồng lúa rẫy xuất hiện trên đồi núi sớm hơn nghề trồng lúa nước sau này ở Việt Nam và Đông Nam Á. Ngoài ra, còn do thói quen, con người ưa thích sinh sống và hoạt động nông nghiệp trên đất cao trước khi di chuyển xuống thung lũng, đầm lầy do áp lực dân số. Cuộc Nam tiến của người Việt và di dân khai khẩn đồng bằng sông Cửu Long là một bằng chứng. Người dân Phi Châu hiện chưa tận khai thác các vùng đất trũng thấp hoang dã, nhưng có tiềm năng lớn cho phát triển đời sống xã hội; trong khi lục địa Châu Á nay không còn nhiều đầm lầy chưa được khai phá.
Ngoài ra, ở miền trung du Bắc Việt thuộc tỉnh Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hà Sơn Bình là vùng đất cao còn nhiều đồi trọc, mà theo các nhà thổ nhưỡng học cho rằng do kết quả làm ruộng theo kiểu “làm nương đốt rẫy” (hay “đao canh hỏa chủng”) trước đây nên đất đai trở nên cứng rắn thành đá ong. Điều này cho biết cư dân đã đến ở đây trước khi xuống sinh sống ở các vùng thấp đồng bằng, họ làm nương rẫy trước khi có ruộng nước, hoặc ruộng rẫy chiếm tỉ lệ cao so với loại ruộng sau này. Các chiếc rìu đá, cuốc đá tìm thấy được ở nền văn hóa Bắc Sơn và Phùng Nguyên chứng minh điều này (Văn Tân và công sự viên, 2008).
Trái lại, người dân ở đồng bằng sông Ganges, Ấn Độ và vùng châu thổ sông Hoàng Hà và Dương Tử, Trung Quốc, bắt đầu trồng lúa ở các vùng trũng thấp và đồng bằng trong thời tiền sử.
Các cư dân trồng lúa rẫy phải trải qua một giai đoạn thử thách về an ninh lương thực cho cả bộ lạc trồng lúa, vì sau khi trồng loại lúa này trên đất cao 3-4 năm, năng suất giảm sút dần cho đến không còn gì để thu hoạch, do mỗi năm cỏ dại xâm chiếm mạnh hơn và mức độ phì nhiêu đất đai ngày càng vơi cạn. Vì vậy, họ phải đi tìm vùng đất rừng mới để chặt phá, đốt lửa, chọc lỗ, gieo hạt và thu hoạch. Độ khoảng 10-20 năm sau, họ có thể trở lại trồng trọt nơi mảnh đất cũ đã bỏ hoang, sau khi mức phì nhiêu đất đai phục hồi. Đó là lối sống du canh, nhưng không phải di chuyển mỗi ngày như thời kỳ săn bắt và hái lượm. Lối sống và hệ canh tác này vẫn còn tồn tại ngày nay ở miền thượng du Bắc Việt và Tây Nguyên Trung Phần.  
Cư dân đã đạt một bước tiến bộ đáng kể trong thời đại cổ sơ. Đây là lúc nền văn minh của cư dân đất Việt cổ tiến đến sự thay đổi mới, với các biến chuyển quan trọng trong cơ cấu xã hội và đời sống của con người. Nhờ vào nền nông nghiệp trồng lúa, đời sống con người ngày càng ổn định hơn và phát triển về mặt xã hội, tổ chức và tinh thần. Đó là nền văn minh lúa khô thời tiền sử.
 
3.2.   Nền văn hóa ven biển Đa Bút - Quỳnh Văn (cách nay 6.000 - 3.000 năm)    
Sau thời kỳ văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, biển tiếp tục lùi dần, các đồng bằng sông Hồng và Cửu Long bắt đầu tái lập và các tập đoàn cư dân mở rộng tầm hoạt động xa hơn, di chuyển từ đồi núi, vùng cao xuống đồng bằng và ven biển để sinh sống dễ dàng. Do đó, vào thời đại Đá Mới có hàng loạt văn hóa ven biển xuất hiện, đáng kể hơn hết là văn hóa Đa Bút phân bố ở Thanh Hóa (6.000-5.000) và nền văn hóa Quỳnh Văn xuất hiện ở Nghệ An và Hà Tĩnh, có niên đại từ 4.000 đến 3.000 năm trước CN.
Cư dân sống trong môi trường gần biển và cửa sông nên nguồn thức ăn chính là các ốc sò nước lợ chủ yếu là loài hến, hay nước biển như sò gai, điệp, ngao. Ngoài ra, họ còn săn bắt ở các khu rừng xung quanh mà di vật tìm được như xương răng thú rừng: hươu, nai, trâu, bò, lợn, nhím… Điều đáng chú ý là một số nhà nghiên cứu đã nhận ra vài động vật được con người nuôi dưỡng như trâu và lợn (Patte 1932 và Vũ Thế Long, 1979). Sự hiện diện của trâu trong thời kỳ này cho biết có thể cư dân biết làm ruộng nước; nếu không, nuôi trâu để làm gì? Kỹ nghệ gốm cũng bắt đầu phát triển với những di vật đồ đựng thô, chất liệu pha nhiều sạn sỏi to, đáy tròn, không chân đế. Các di vật đồ đá tiến bộ hơn như cưa, đục, chì lưới, rìu mài (Hình 7); cho thấy kỹ nghệ đá và trình độ của Đa Bút tiến bộ hơn văn hóa Bắc Sơn và những dụng cụ này được dùng để sản xuất nông nghiệp và đánh cá.
Tóm lại, các di vật thu lượm từ nền văn hóa Đa Bút như bào tử phấn hoa rau quả củ, xương trâu lợn và đồ gốm sơ khai cho biết trình độ văn hóa của cư dân ven biển tiến bộ khá nhiều so với cư dân lục địa, nhờ thường xuyên giao lưu với các dân tộc đảo biển và quốc gia khác. Các bào tử phấn hoa được tìm thấy trong nền văn hóa này xác nhận một nền nông nghiệp trồng trọt cổ sơ đã xuất hiện sớm hơn trên các vùng ven biển (Nguyễn Địch Dỹ et al., 1980), trong khi chưa tìm thấy di vật này trong nền văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn. Trong nền văn hóa này, cư dân vẫn còn lưu giữ truyền thống chế tác đá cuội cùng với hiện diện của một số loại rìu ngắn, công cụ bầu dục và rìu mài lưỡi. Nền nông nghiệp vượt xa hơn các vùng khác khi phát hiện cư dân ven biển biết thuần dưỡng gia súc sớm và biết tạo ra các khu vườn cung cấp thêm thức ăn xung quanh nơi cư trú. Cũng vậy, đồ gốm thô xuất hiện sớm hơn, biểu hiện đời sống văn hóa vùng ven biển phong phú vượt bực.
 
Hình 7: Mộ, đồ gốm và đồ đá văn hóa Đa Bút
1: Mộ táng; 2: đồ gốm; 3-10: hiện vật đá
(Viện Khảo Cổ Học, 1998)
 
Trong nền văn hóa biển Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng có đồ gốm sơ kỳ ở rải rác dọc bờ biển mà hoạt động chủ yếu của cư dân là đánh cá, hái lượm. Di tích độc đáo của nền văn hóa khảo cổ này ở dạng cồn sò điệp phân bố ở quanh vịnh biển cổ Quỳnh Lưu. Mặc dù vị trí công cụ đá kém quan trọng hơn văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhóm công cụ không gia công như hòn ghè, hòn kê, bàn nghiền, chày nghiềnto lớn(Hình , cối và chày đá ở di chỉ Quỳnh Văn, mà nhiệm vụ chính chỉ để dùng lột vỏ các hạt - có thể là hạt lúa với một số lượng nhiều hơn (Nguyễn Trung Chiến, 1998). Trong thời gian này đã có nhiều bộ lạc bắt đầu định cư ở dọc bờ biển, trên núi rừng, hang động; nhờ đó nền nông nghiệp sơ khai bắt đầu tiến hóa dần để ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt khi các bộ lạc trồng lúa xuất hiện.
Hình 8: Bàn nghiền bằng đá (5.000-7.000 năm trước) (Ảnh: N. K. Quỳnh)
 
3.3.   Nền văn hóa Nam Bộ: Cầu Sắt – Suối Linh (cách nay 5.000 – 3.000 năm)
Nền văn hóa Cầu Sắt - Suối Linh được coi là biểu tượng cho giai đoạn phát triển sớm nhứt của thời đại kim khí thuộc lưu vực sông Đồng Nai, do vết tích của loại rìu đá có vai kích thước nhỏ và trung bình với tỉ lệ hơn hẳn các công cụ khác và loại dao hái nhỏ, ghè mài từ những mảnh tước nhỏ có mũi nhọn để làm dụng cụ nông nghiệp. Đồ gốm có trình độ kỹ thuật cao, chế tạo bằng bàn xoay và một số khác bằng tay, độ nung cao, thành gốm mỏng…(Phạm Đức Mạnh, 1997). Chưa tìm được dấu vết kim loại và mộ táng. Ngành nông nghiệp cuốc đá hiện diện rõ nét. Do đó, niên đại của Cầu Sắt tương đương với giai đoạn Phùng Nguyên ở phía Bắc hoặc sớm hơn, tức cách nay độ 4.500 năm - thời đại đồng thau.
Sự hiện diện dày đặc của các di vật đa dạng như đá, đồng, sắt, gốm, xương, thủy tinh… ở nền văn hóa Đồng Nai cho thấy cư dân sống khá đông đảo cách nay ít nhứt 5.000-4.000 năm. Cư dân Đồng Nai sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp dùng cuốc với các công cụ sản xuất có số lượng rất lớn như rìu có vai hay tứ giác, dao hái, dao cắt khá độc đáo, cuốc đá rất phổ biến (Hình 9, 10, 11) và nhiều đồ đựng bằng gốm. Nông dân dùng những chiếc rìu đá không những để chế tạo dễ dàng hơn những vật bằng gỗ hay tre, mà còn có thể chặt cây, phá rừng trồng trọt trên đất cao, chủ yếu nông nghiệp nương rẫy, làm vườn. 
Sự hiện diện của các di vật cuốc đá, dao hái, dao cắt khá phong phú ở nhiều địa điểm khảo cổ chứng tỏ nghề trồng lúa rẫy xuất hiện trước ở trên đất cao hoặc sườn đồi núi, sau đó lúa nước có mặt ở nơi trũng thấp hoặc ven sông dù ít hơn, bên cạnh các hoạt động hái lượm và săn bắt truyền thống ở Miền Đông Nam Phần. Nhờ đó, cư dân có đời sống ổn định hơn, họ thành lập xóm làng lâu đời, với các di vật phát hiện dày đặc là chứng tích.
 
Hình 9: Đồ đá văn hóa thời đại kim khí Đông Nam Bộ
1,5,8,10: Đục; 2-4: rìu bôn tứ giác; 6,7,9: rìu bôn có vai; 11: cưa; 12: dao hái; 13-16: đồ trang sức
 (Viện Khảo Cổ Học, 1999)
Hình 10: Cuốc đá có vai và cuốc đá có nấc (5.000-7.000 năm trước)
(Ảnh: N. K. Quỳnh)
Hình 11: Cuốc đá đôi vai (5.000-7.000 năm trước) (Ảnh: N. K. Quỳnh)
 
Tóm lại, sự tiến hóa của cây lúa qua các nền văn hóa khảo cổ học như sau:
(i)                  Cư dân Hòa Bình có thể hái lượm các loài lúa dại để làm thức ăn cùng với rau, củ, đậu và họ bắt đầu thuần dưỡng cây lúa dại quanh nơi cư trú (khoảng 8.000-6.000 năm).
(ii)                Cây lúa rẫy được cư dân Bắc Sơn trồng sản xuất khá nhiều trên các gò cao, triền đồi núi. Những bộ lạc trồng lúa xuất hiện ở Đông Nam Á gồm cả Việt Nam cách nay khoảng 6.000-5.000 năm.
 
4.   KẾT LUẬN
Suốt thời đại Đá Cũ lâu dài, con người vẫn còn sống với cuộc đời hoang dã, hòa hợp hoàn toàn với thiên nhiên và không có quyền tự chủ. Mãi đến khởi đầu thời đại Cách Mạng Đá Mới cách nay độ 10.000 năm, con người tiến vào giai đoạn thay đổi lớn để chuẩn bị trở thành con người thật sự của ngày hôm nay, khi họ nhận thức nghề nông nghiệp sơ khai có khả năng giúp họ ổn định cuộc sống trong tương lai. Từ đó, song song với sinh hoạt săn bắt hái lượm, con người bắt đầu thuần hóa một số loài thực vật và động vật hoang dại liên hệ đến đời sống hàng ngày của mình. Cây lúa đã được cư dân trên địa bàn Việt Nam và một số nước Đông Nam Á chú ý đặc biệt và thuần dưỡng; sau đó, loại thảo mộc này trở thành nguồn lương thực căn bản cho nhiều dân tộc trên thế giới.
 Miền thượng du Bắc Việt được các chuyên gia lúa gạo quốc tế xem như một trong những trung tâm nguồn gốc nguyên thủy xuất phát cây lúa trồng trên thế giới. Trong thời gian 6.000 - 5.000 năm, cây lúa dại đã được cư dân thượng du thuần hóa và tuyển chọn để trở thành một màu kinh tế chủ yếu của đất nước ta. Trong khoảng 3.000 năm qua, lúa gạo luôn là một cây Hòa Thảo chủ yếu, được các triều đại và nhà cầm quyền dành ưu tiên cao nhứt để phát triển trong các chương trình kinh bang tế thế của họ. Có phải chăng cây lúa là một thành tố quan trọng quyết định trong quá trình xây dựng đất nước Việt Nam từ thời cổ đại đến gần đây?!
 
Trần Văn Đạt, Ph. D.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 
  1. Bùi Huy Đáp. 1980. Các giống lúa Việt Nam. NXB Khoa Học và Kỹ Thuật, Hà Nội, 563 tr.
  2. Bùi Huy Đáp. 1999. Một số vấn đề về cây lúa. NXB Nông Nghiệp, Hà Nội, 154 tr.
  3. Bùi Thiết. 2000. Việt Nam Thời Cổ Xưa. NXB Thanh Niên, T.P. Hồ Chí Minh, 463 tr.
  4. Chang, T.T. 1985. Crop history and genetic conservation: Rice - A case study. Iowa State Journal of Research 59(4): 425-455.
  5. Colani, M. 1926. Découverte du paléolithique dans la province de Hoabinh, L’Anthropolopie, vol XXVI, Paris, France.
  6. Colani, M. 1930. Quelques stations Hoabinhiennes. Bulletin de l’École française de l’Orient extrême (BEFE), XXIX, Hanoi.
  7. Diệp Đình Hòa, 1978. Người Việt cổ Phương Nam ở vào buổi bình minh của thời dựng nước, Khảo Cổ Học, số 1, tr. 61-69.
  8. Đào Thế Tuấn. 1988. Về những hạt gạo cháy phát hiện ở Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) năm 1984. Khảo Cổ Học, số 4, tr. 44-46.
  9. Higham, C. F. W. 1989. Rice cultivation and the growth of Southeast Asian civilization. Endeavour 13: 82-8.
  10. Hoàng Xuân Chính, Nguyễn Khắc Sửu, và Phan Quang Sơn. 1978. Khai quật địa điểm hậu kỳ đá mới Cầu Sắt (Đồng Nai). Trong: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1977. Viện Khảo Cổ Học, Nhà in Diên Hồng, Hà Nội, tr. 82-84.
  11. Khush, G. 1997. Origin, dispersal, cultivation and variation of rice. Plant Mo. Biol. 35:25-34.
  12. Lĩnh Nam Chích Quái. 1960. NXB Khai Trí, Sài Gòn, 134 tr.
  13. Nguyễn Địch Dỹ, Đinh Văn Thuận và Trần Đạt, 1980. Phân tích bào tử phấn hoa ở Cồn Cổ Ngựa (Thanh Hóa). Những phát hiện mới (NPHM), Viện Khảo Cổ Học 1980.
  14. Nguyễn Địch Dỹ và Đinh Văn Thuận. 1981. Kết quả phân tích bào tử phấn hoa ở Hạ Sơn, Phiêng Tung, Nà Khù. Thần Sa- những di tích của con người thời đại đá. Bắc Thái 1981.
  15. Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn, 2.000. Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến năm 1884. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 479 tr.
  16. Nguyễn Sinh (BBC News), 2007. Con người cổ đại biết trồng trọt khi nào?
(www.tuoitre.com.vn).
  1. Nguyễn Trung Chiến. 1998. Văn Hóa Quỳnh Văn. Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Quỳnh. 2002. Các bức ảnh về khảo cổ, Viện Khoa Học Nông Nghiệp Việt Nam.
  3. Patte, E. 1932. Le Kjokkenmodding néolithique de Dabut et ses sépultures (province de Thanh Hóa, Indochine). Bulletin du Service Géologique d’Indochine (BSGI), vol. XIX, pt.3.
  4. Phạm Đức Mạnh, 1997. Tiền sử và sơ sử Đông Nam Bộ (Việt Nam) – Những nhận thức quá khứ và hiện đại. Trong Một số vấn đề khảo cổ học ở Miền Nam Việt Nam. NXB  Khoa Học Xã Hội, tr 242-292.
  5. Phạm Văn Thích và Hà Văn Tấn. 1970. Phân tích chì trong di vật đồng trong thời đại đồng thau và thời đại sắt sớm. Khảo Cổ Học, số 7-8, tr.126-129.
  6. Sakurai, Y. 1987. Reclamation history at the Song Coi (Tonkin) delta of Vietnam. In Watanabe T. Edition “History of Asian Rice”, Shogakukan, Tokyo: 235-276.
  7. Solheim II, W.G. 1967. Two pottery traditions of late prehistoric times in Southeast Asia. Historical Archeological and Linguistic Studies on Southern China, Southeast Asia and the Hong Kong region. Ed. F. S. Drake. Hong Kong University Press, Hong Kong 1967, p. 15-22.
  8. Solheim II, W.G. 1971. New light on a forgotten past. National Geographic, Vol. 139, No. 3.
  9. Trần Đạt và Đinh Văn Thuận. 1984. Phân tích bào tử phấn hoa ở di chỉ Đồng Đậu (Vĩnh Phú). NPHM Viện Khảo Cổ Học, 1984: 91-93.
  10. Trần Đạt. 1987. Nhìn lại các kết quả phân tích bào tử phấn hoa trong nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam. Khảo Cổ Học, số 4-1987: 61-68.
  11. Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia.1998. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tập I (Quốc sử quán triều Nguyễn). NXB Giáo Dục, 1.207 trang.
  12. Viện Khảo Cổ Học. 1998. Khảo cổ học Việt Nam, Tập I: Thời đại đá Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 457 tr.
  13. Viện Khảo Cổ Học. 1999. Khảo cổ học Việt Nam, Tập II: Thời Đại Kim Khí Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 551 trang.
  14. Viện Thành Tựu Khoa Học Xã Hội. 1987. Thành tựu khảo cổ học Việt Nam, tr. 40-41.
  15. Vũ Thế Long. 1979. Di tích động vật ở di chỉ Đa Bút (Thanh Hóa). NPHM, Viện Khảo Cổ Học 1979.
  16. Vũ Thế Long. 1984. Người Hòa Bình và thế giới động vật. Khảo Cổ Học, số 1, 2-1984.

 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860845 visitors (2231754 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free