TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Một chuyến về quê ăn tết
 
Lên mạng ngày 20/7/2010

Một Chuyến Về Quê Ăn Tết
 
Trần Văn Đạt, Ph. D.
 
 
Sau 36 năm rời xa quê hương, đây là lần đầu tiên chúng tôi về quê ăn Tết, lần đón Xuân thật sự trên đất nước và tâm hồn mình nhận ra những cảm xúc ngày nào. Trong những năm qua, mẫu chuyện ăn Tết của chúng tôi đã biến chuyển theo thời gian và địa lý cư trú. Có ít nhứt bốn lần xúc cảm khác nhau hiện ra mỗi khi Tết đến. Khoảng thập niên 1970s, những lần Tết đến nơi có cộng đồng người Việt nhỏ với 10 gia đình Việt Nam tại thành phố Davis, Bang Cali, chúng tôi chỉ tụ tập trong buổi cơm tối đúng ngày Mùng Một Tết ở một gia đình để cùng nhắc nhở nhau mừng đón Xuân, đúng hơn là mùa Đông. Thế thôi! Trong thập niên 1980s, tôi rời nước Mỹ đến châu Phi làm tư vấn về phát triển nông nghiệp ở xứ Mali và Haute Vota (bây giờ Burkina Faso), đã cùng chung vui với bà con Việt kiều vào dịp đón Xuân trong một ngày cuối tuần gần nhứt. Ở đó, chúng tôi cũng thưởng thức đầy đủ các loại thức ăn ngày Tết, như bánh ếch, bánh tét, heo quay, xôi vò, thịt kho, dưa giá... Và có một đêm quay quần bên nhau thật vui vẻ, gồm cả tán gẩu, nhảy đầm, đánh bạc và chơi bầu cua cá cọp.
 
Khi đến Thành phố Rome, nước Ý làm việc với Cơ quan Lương Nông Quốc Tế Liên Hiệp Quốc (FAO) trong 2 thập niên (1984-2004), chúng tôi đã trải qua những cái Tết không đậm đà lắm, nhứt là những ngày Tết rơi vào ngày làm việc bình thường. Khi đó, chúng tôi không có một chút cảm giác nào về đón mừng Xuân của người Việt Nam, vì mọi sinh hoạt chung quanh không có gì thay đổi như đã thấy vào những ngày Tết ở quê mình. Một ngày như mọi ngày! Chúng tôi - một nhóm người thân quen gặp lại nhau vào ngày cuối tuần tại một nhà người Việt để cùng nhau mừng Tết và tâm sự bạn bè. Riêng nhóm tín đồ Thiên Chúa Giáo tại La Mã có độ 500 người cũng tổ chức đón Xuân mỗi năm tại một một Trung tâm phục vụ đạo ở giữa thành phố, với sự tham dự của nhiều người đồng hương và bản xứ. Tại Đại Sứ quán, người ta cũng chọn một ngày cuối tuần nào đó để tổ chức chiêu đải khách ngoại giao, nhóm kiều bào lựa chọn và gia đình của nhân viên làm việc ở Đại Sứ quán. Tại đây, cũng có đầy đủ tất cả thức ăn Tết truyền thống cho mỗi lần đón Xuân: bánh chưng, bánh dày, bánh tét, thịt kho, dưa giá, củ kiệu, tôm khô, ngủ quả… trong bầu không khí ngoại giao trang nghiêm hơn. Các cơ hội trên đã cho chúng tôi những cảm giác vui vui trong thời gian ngắn, nhưng dường như thiếu hương vị Tết quê hương ngày nào!
 
Từ ngày nghỉ hưu (2004), chúng tôi sống tại thành phố Westminster, lân cận với khu Little Sài Gòn, cũng tìm lại một ít hương vị Tết quê hương, nhờ có rất đông đảo người Việt sinh sống với đầy đủ các dịch vụ cung cấp cho đời sống và sinh hoạt hàng ngày gần tương tự với quê hương, cộng thêm những nhu cầu đòi hỏi của lối sống hội nhập tại Hoa Kỳ. Hai tuần lễ trước Tết, đã có những hoạt động khởi sắc nhằm đón Xuân, như chợ hoa nhộn nhịp ở khu Phước Lộc Thọ, trưng bày dẫy đầy hoa cúc, hoa đào, cây quất, mai vàng… Nhiều nơi khác bày bán các hộp bánh mức màu sắc lộng lẫy, bánh chưng, bánh tét, trái cây…; đã làm cho người Việt trong vùng cảm thấy Tết gần đến rồi. Càng gần ngày Tết, người Việt đi mua sắm nhiều hơn, tụ tập vào các khu phố Bolsa, Brookhurst, Magnolia… ngày càng đông, nhứt là những ngày cuối năm để đi mua sắm bông hoa, thức ăn cho ba ngày Tết. Còn có cuộc diễn hành ở phố Bolsa, do Cộng Đồng Việt tổ chức với sự tham dự của nhiều đoàn thể, tôn giáo, thương mại và Thành Phố, được đông đảo người đón xem. Một Hội Chợ Xuân náo nhiệt do Hội Sinh Viêt, Nam Cali tổ chức tại khu công viên rộng lớn của một trường Trung Hoc thuộc thành phố Garden Grove, rất được người Việt và dân địa phương hưởng ứng. Còn có những buổi nhạc thính phòng, Đại nhạc hội, những tiệc Tất niên, Tân niên, hội thảo của các Hội, Đoàn… làm tăng thêm vẻ nhộn nhịp đón Xuân. Đêm 30 tháng Chạp còn có dịp đi chùa cúng bái và xin lộc đầu năm. Do đó, chúng tôi được hưởng thêm hương vị ngày Tết kéo dài nhiều ngày - một phần nào hương vị Tết quê hương; nhưng có vẻ “nhân tạo”, “gượng gạo” và thiếu một chút gì thân quen của đất nước ngày nào. Dù thế, cộng đồng người Việt ở đây rất thỏa mãn với một cái Tết tha hương rồi!
 
Năm 2010, chúng tôi quyết định về ăn Tết quê hương tại xã Tân phước, Gò Công, với ao ước mình có thể tìm lại những ngày Tết xưa cũ đã thiếu vắng trong 36 năm qua. Đến phi trường Tân Sơn Nhứt hơi sớm, độ 10 giờ sáng nên sinh hoạt trên sân bay còn chậm chạp uể oãi, ít máy bay lên xuống; nhưng khi đi ra ngoài với hành lý chúng tôi thấy cả một rừng người chờ đón thân nhân về thăm gia đình, với tâm trạng bình thường của một du khách. Trái với lần đầu tiên tôi về Việt Nam để thăm Thân phụ lần cuối khi Người bệnh nặng vào tháng 2-1990, sau 16 năm viễn xứ. Lúc đó tâm trạng tôi buồn vui lẫn lộn, với nỗi lo âu về chứng bênh định mệnh của Ba tôi, gặp lại anh em và gia đình sau nhiều năm xa cách và đặc biệt vấn đề an ninh cá nhân. Lúc đó, tôi có thứ cảm giác như đi đến một nơi buồn tẻ, hơi xa lạ làm sao, mặc dù nhiều năm bản thân đã đi làm việc khắp cùng trên thế giới cho một Cơ quan chuyên ngành LHQ.
 
Một tháng trước Tết, Sài Gòn chưa cảm thấy bầu không khí mùa Xuân, nhưng trên báo chí đã bắt đầu nói về sự tăng giá sinh hoạt, các loại thức ăn, nhứt là trái cây, như xoài, dưa hấu, đu đủ, mãng cầu… Người ta cũng đề cập đến bán vé xe lửa, vé máy bay trên mạng, ở các quầy vé bắt đầu sôi nổi cho các công nhân, người tha hương từ Miền Bắc, Miền Tung vào làm việc ở Thành Phố. Còn người miền Lục Tỉnh không phải lo lắng nhiều, vì có nhiều phương tiện di chuyển hơn, như xe Honda cá nhân, xe du lịch, xe đò, xe bus lớn nhỏ.
 
Khoảng 15 tháng Chạp, bầu không khí đón Xuân bắt bầu nóng lên với những chợ bày bán đầy bánh mức, trái cây “ngủ quả”, bông hoa xuất hiện khắp nơi, từ các chợ cố định đến những chợ tạm lề đường. Rồi 3 chợ hoa lớn chính thức mở cửa tại Sài Gòn, gồm có Chợ hoa & Triển lãm Phú Mỹ Hưng lớn hơn hết, Chợ Hoa công viên 23-9 và Chợ hoa Gia Định, bên cạnh còn có chợ hoa vườn Tao Đàn và một số công viên lớn nhỏ khác. Ở đây, đủ loại hoa Tết được bày bán, nhưng nhiều nhứt vẫn là rừng hoa mai vàng, những chậu cúc và chậu quất, bên cạnh những loại hoa khác như lan, huệ, thược dược, mồng gà, đào từ Miền Bắc, Đà Lạt mang vào… Từ 28 Tết, cuộc Triển lãm hoa hoành tráng đón Xuân tại đại lộ Nguyễn Huệ được tổ chức hàng năm chính thức mở cửa, với hàng ngàn người chen nhau đi xem hoa cảnh, xem người, cơ hội chụp ảnh, khoe áo quần; nhưng không có hoa cảnh nào đặc sắc nổi bật đáng chú ý trong lần này. Tại các tỉnh và thị trấn lớn đều có chợ hoa ngày và đêm.
 
Chúng tôi không phải là thành phần thường trú trong nước, nên không có cảm xúc của những gia chủ trong dịp Tết, nhưng cũng có ít nhiều cảm nhận khi tiếp xúc với anh em trong gia đình và bạn bè cũ. Năm nay, nhờ vụ lúa Hè-Thu và mùa trái cây được giá, nhiều gia đình tổ chức đón Xuân có phần trọng thể hơn so với năm trước. Đó là cảm tưởng của nhiều người quen và thân nhân ở Lục Tỉnh cho biết. Gia đình anh em tôi cũng bắt đầu dọn dẹp sạch sẽ trong ngoài nhà cửa, quét vôi tường, mua sắm thịt cá, rau cải, trái cây ngũ quả, bánh mức và rượu trà đầy đủ. Các bộ lư hương, chân đèn bằng đồng cũng được đem ra đánh bóng lại, bàn thờ được lau dọn, trải giấy hoa tươm tất hơn. Hiện nay khắp nơi xuất hiện rất nhiều dịch vụ cung cấp cho giới tiêu thụ thật là tiện lợi. Nếu có tiền, người ta sẽ đem đến tận nhà tất cả các món hàng mà mình muốn, từ đô thị cho đến đồng quê. Ngay cả dịch vụ đánh bóng bộ đèn, bộ lư, quét sơn nhà cửa, mua phân hóa học, dầu ăn, gạo, bình gas…, chỉ cần một cú phôn yêu cầu.
 
Ngày đưa Ông Táo về Trời: Như nhiều gia đình khác, gia đình anh tôi làm một mâm coã cúng ở bếp và bàn thờ để tiễn đưa Ông Táo về Trời vào ngày 23 tháng Chạp, với lời cầu nguyện các Thần Táo sẽ tâu lại Ngọc Hoàng những điều tốt lành của gia đình và mong Ngài ban nhiều lộc phước, hạnh phúc và may mắn trong Năm Mới sắp đến. Người ta còn gọi ngày này là Tết Ông Công.
 
Ngày Tảo Mộ: Sáng ngày 25 tháng Chạp, người người tay cầm một bó nhang, hoa, giấy vàng ma và vai mang cuốc xẻng đi ra đồng ruộng trông rất nhộn nhịp. Anh em chúng tôi chia nhau người đi về tảo mộ bên Nội, người về bên Ngoại. Ngày nay, đa số mộ làm bằng gạch đá nên làm sạch mộ cũng dễ dàng và mau chóng hơn, nhứt là đối với những ngôi mộ Ông bà được lót gạch men chỉ cần rửa sạch và lau khô. Còn những ngôi mả đá được lau sạch rồi quét vôi trắng hoặc màu, trong khi vài người khác lo đốt cỏ hoặc làm sạch những bụi cây chung quanh khu mộ. Sau khi làm sạch mộ, chúng tôi đốt nhang, giấy vàng bac và cúng vái (Hình 1). Rồi tiếp tục di chuyển qua khu khác để làm tương tự cho những ngôi mộ Ông Bà khác. Sau công việc tảo mộ ở ngoài đồng, gia đình anh tôi còn làm vài mâm coã cúng ông bà và chiêu đãi bà con thân thuộc về gặp gỡ, hàn huyên với nhau. Đây là một tục lệ rất đáng khuyến khích để lưu giữ truyền thống tốt đẹp ngàn đời, chứng tỏ con người vẫn luôn nhớ về nguồn gốc, gia tộc mình; đồng thời là cơ hội tốt để anh em và bà con từ phương xa về gặp lại nhau mỗi năm.
 
Nhân dịp này, riêng tôi đi tiếp xúc bà con xa gần để thu thập một số thông tin và tư liệu gia đình cần thiết bổ túc cho tài liệu Gia phả họ Trần ở Gò Công được đầy đủ hơn. Tài liệu Giả phả đầu tiên do Ba tôi viết vào năm 1982, với sự đóng góp của một số người trưởng thượng, bà con giúp đỡ, nên tài liệu này đã đề cập đến Ông Bà tôi từ đầu thế kỷ 19 và nguồn gốc di cư lập nghiệp.  
  
Đêm Giao Thừa: Năm nay, anh em tôi ở nhiều nơi đã hẹn nhau về đón Giao Thừa tại nhà thờ Ông Bà do anh Ba Trần Văn Diệu (1939) ở và chăm sóc tại Xóm Chợ, Ấp 7, xã Tân Phước, Gò Công Đông. Khoảng từ 4 giờ chiều 30 tháng Chạp, các anh em, con cháu hơn 20 người lần lượt về đến nhà thờ Ông Bà. Anh chị Ba lại bận rộn tiếp khách, làm ít mâm cơm cúng rước Ông Bà về cùng con cháu đón Xuân Canh Dần. Sau bữa cơm chiều, anh em quay quần bên nhau kể chuyện gia đình mỗi người, nhắc nhở đến Ông Bà Nội, nhứt là đề cập nhiều đến Ba Má lúc còn sinh tiền. Chúng tôi nhắc lại các chuyện xưa, những buồn vui khi sống bên cha mẹ. Còn các cháu thì ồn ào hơn đang bên nhau đánh bài “Già Ách” ở gian nhà sau. Với niềm tin yêu hòa hợp, chúng tôi tiếp tục vui vẻ trong bầu không khí khá rôn rịp cho đến lúc đón Giao Thừa, dưới ánh đèn điện sáng choang trong nhà và ngoài đường. Năm nay, tôi thấy anh Ba trong bộ áo chỉnh tề thay mặt Ba tôi đốt nhang, gỏ chuông cúng ở bàn thờ Phật, Ông Bà có vẽ long trọng, mà trong lòng bùi ngùi khôn xiết! Anh Hai chúng tôi đã ra đi vĩnh viễn cách nay 5 năm rồi!
 
Tôi lại nhớ về Ba Má nhiều lắm! Cũng giờ khắc này, Ba tôi mặc chiếc áo dài thâm đen rất trịnh trọng đốt nhang, gỏ chuông cúng Phật, Ông Bà và cầu nguyện phước lành cho gia đình trong Năm Mới. Sau đó, Ba Má ngồi vào chiếc bàn dài ở giữa nhà vừa uống nước trà, ăn bánh ngọt, vừa nói chuyện gì đó lâu lắm với Ông Nội tôi, khi Ông còn sống, dưới một ngọn đèn dầu không đủ sáng cả nhà. Còn 9 anh em chúng tôi đùa giỡn quanh đó trên hai bộ ván gỗ kề bên…
 
Ngày xưa, vào giữa đêm giao thừa, cả vùng tứ bề vắng lặng với đêm đen, không có một tiếng động bên ngoài, trừ những năm cho đốt pháo. Chỉ còn nhìn thấy các đóm đèn leo lét xa xa của những gia đình trong xóm đang chào đón Giao Thừa như nhà chúng tôi. Ngày nay, trong nhà rộn rã tiếng cười nói của con cháu, bên ngoài thỉnh thoảng vẫn còn tiếng xe Honda chạy qua lại trước nhà không ngớt vào giữa đêm. Giờ đây, gia đình tôi chỉ còn lại 7 người con đầu tóc muối tiêu đến bạc phơ tâm sự nhau về con cháu mình, những ngày tuổi vàng đang sồng sộc đến. Một thế hệ đi qua và thế hệ khác đến nối tiếp dòng dõi! Tôi sẽ trở lại tham dự đêm Giao Thừa cùng anh em và con cháu trong những năm tới.
 
Ngày Mùng Một Tết: Sáng sớm độ 4-5 giờ, anh và chị Ba đã thức dậy rồi - anh Ba với bộ áo chỉnh tề lo cúng nước trên bàn thờ Phật, Ông Bà và cha mẹ, trong khi chị Ba ở nhà dưới lo sửa soạn bữa ăn sáng cho cả đám đông gia đình. Trong nhà còn im lặng, chỉ nghe tiếng đồng hồ treo tường tít tắt đều nhip sau một đêm tối khá ồn ào.
 
Khoảng 7 giờ sáng, ba đứa con của cháu Trần Thành Trai (1960), con đầu lòng của anh chị Ba, trong bộ quần áo gọn ghẽ, chỉnh tề, với áo trắng bỏ vào trong quần tây xanh và mang dép, đi vào cỗng nhà, tiến đến chào các Ông Bà và Cô Chú hiện diện trong nhà. Các cháu rất lễ phép! Tôi nghe nhiều người kể chuyện về hai cháu Thanh và Thái học giỏi lắm trong làng, được Thầy cô, bạn bè khen ngợi. Gia đình Cha mẹ cháu có lẽ là một trong những gia đình nghèo của Xã Tân Phước, nhưng lại sinh được 3 đứa con ngoan, học hành giỏi dắn.
 
Trong khi anh Ba, tôi và các em tôi ngồi uống nước ở bàn gỗ dài nhà trên, ba cháu lần lượt đến khoanh tay trước mặt anh Ba và nói nhỏ nhẹ: “Năm Mới, con xin mừng tuổi Ông Nội Bà Nội và chúc Ông Bà sống lâu trăm tuổi”. Sau đó, ba cháu lần lượt mừng tuổi tôi và các Ông Bà khác. Chúng tôi lấy phong bì đỏ trao tặng các cháu. Chúng cầm lấy, khoanh tay cúi đầu và cám ơn với ánh mắt mừng rỡ! Tôi nhớ lại lúc chúng tôi còn nhỏ cũng giống như thế trong các dịp đón Xuân về. Những lần mừng tuổi Ông Nội, Ba Má và bà con, chúng tôi rất tươi vui, mặt mày rạng rỡ khi được các Người cho tiền lì xì. Sau buổi sáng Mùng Một Tết, chúng tôi đếm tiền để khoe giữa các anh em với nhau và so sánh với bạn bè trong xóm. Một lát sau, các cháu khác lần lượt đến mừng tuổi Ông Bà, Chú Bác, Cô Cậu và cuối cùng tôi và các anh em mừng tuổi anh Ba, rồi đến phiên các em mừng tuổi tôi… Thật là cảm động khi được các anh em quan tâm nhau trước mặt lần đầu tiên trong đời tôi. Tôi cũng vậy, đây là lần thứ nhứt có dịp mừng tuổi anh tôi trong dịp Tết, còn những năm trước đây tôi chỉ chúc mừng Năm Mới đến anh qua điện thoại viễn liên!
 
Bầu không khí sáng nay thật trong lành, mát mẻ và im lặng hơn mọi ngày. Mặt trời tỏa ánh nắng cũng rực rỡ khác hơn những hôm khác. Tiếng động cơ Honda ít hơn đôi chút, người đi ngoài đường vắng vẻ hơn, vì đó là sáng Mùng Một Tết!
 
Khoảng 9 giờ sáng, bảy anh em tôi cùng nhau đi lên xóm Trên (cách Chợ xã độ hơn 500 m) - nơi chôn nhau cắt rún của mình - để mừng tuổi Chú Tư Trần Văn Ơn tự Là, em kế của ba Tôi, nay được 88 tuổi thọ. Năm nay, Chú tôi có vẻ ốm nhiều, tai khó nghe và cử động hơi chậm chạp hơn những năm trước. Chú tiếp chúng tôi với nước trà ở gian nhà trên và cũng ngồi ở ghế của Ông Nội năm nào. Sau đó, anh Ba và chúng tôi đều đứng dậy khoanh tay, trong khi Anh thay mặt các em nói ít lời mừng tuổi Chú Tư nhân dịp đầu năm. Tiếp theo là cuộc đàm đạo vui vẻ với những câu chuyện ngày xưa.
 
Hôm nay, Chú Tư có vẻ hứng thú kể chuyện về ông Nội Trần Văn Thiên (1893-1958) năm nào. Ông Nội chỉ có trình độ Sơ học rồi nghỉ, nhưng biết nói tiếng Pháp khá giỏi. Lúc còn thanh niên, Ông nội siêng năng làm việc có tiếng trong xóm, lúc đầu Ông làm mướn như nhổ mạ, gặt lúa… Về sau, Ông Nội làm nghề thợ mộc rất khéo tay, đóng bàn ghế bán trong xã và các thôn lân cận. Về già, Nội chỉ còn làm việc hưởng nhàn, qua đan thúng rổ, làm gióng, đòn gánh để gởi bán ngoài chợ Xã. Do đó, đời sống của gia đình Nội cũng đủ ăn với hai người con. Người làng gọi Nội là Ông Hương Huấn. Chú Tư còn kể lúc đó Nội có một tờ giấy bạc “cent Bộ Lư” (tờ giấy bạc 100 đồng) trong nhà, mà ở thôn này chỉ ít người có được mà thôi! Chú tôi có vẽ tự hào về việc này lắm! Nhân tiện, tôi xin Chú cho tôi mượn quyển Gia phả viết tay, cũ kỹ mà Chú đang cất giữ. Đây là một tài liệu rất quý giá cho gia quyến chúng tôi, hiện một copy được tôi lưu giữ trong nhà.
 
Trong tập tài liệu Gia Phả có một đoạn viết về nguồn gốc Ông Bà Sơ chúng tôi như sau: “Tiểu sử Ông Cố Nội Tư Là: Ông Cố Nội Tư Là tên Trần Văn Đề, người Bắc vào Nam lập nghiệp, đi tới xóm Bà Lãnh dừng chơn, dạy võ. Có vợ con ở đó. Sau khi xuống Tân Phước làm xui với ông Cố Thọ - Ông Cố Nội của Năm Thứ đó, hai Ông lập gánh hát Bộ. Ông Nội Tư Là cưới Bà Nội có 1 tháng ở xóm Bà Lãnh rồi Ông Bà Nội về Tân Phước lập nghiệp luôn.”
 
Từ lâu chúng tôi đã nghe truyền tai từ Ba, Ông Năm Nguyễn Văn Niệm (1911-1990) ở xóm Dinh, xã Bình Ân, chú Tám ở xóm Bà Lãnh và vài người bà con kể rằng nguồn gốc của Ông Bà chúng tôi là người Miền Bắc Việt Nam, họ đi vào Nam lập nghiệp và định cư sinh sống với nghề dạy võ ở xóm Bà Lãnh, xã Kiễng Phước, nay thuộc xã Tân Đông, Gò Công Đông, Tỉnh Tiền Giang. Có lẽ gia đình Ông Sơ Trần Văn Đề vào Nam qua đường biển và họ ghé vào đất liền qua cửa biển Vàm Láng của Biển Đông và sông Soai Rạp, cách xóm Bà Lãnh độ 3 cây số, vào đầu thế kỷ 19. Trong khi đó, đa số dân địa phương nơi đây đã di cư vào Nam lập nghiệp từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Ở Miền Nam, nguồn gốc của họ Trần chúng tôi là Xóm bà Lãnh, xã Tân Đông.
 
Đến khoảng 11 giờ sáng, sau khi dùng cơm trưa xong, anh em chúng tôi tiếp tục đi chúc Tết bên Ngoại ở Xóm Nò, xã Tân Tây, cách nhà độ 5 cây số về hướng tây. Cậu Năm Mai Văn Tân, em Má tôi, nay đã 92 tuổi, nhưng trí óc vẫn còn minh mẩn. Cậu kể cho chúng tôi nghe về Ông Sơ Mai Văn Cẩn (~1790 - ~1845), rất nổi tiếng trong làng thuở ấy. Người ta gọi là Ông Hương Cẩn. Ông làm việc trong chương trình lập Đồn Điền trong phong trào khai hoang lập ấp năm nào. Cậu cho biết không rõ Ông Hương Cẩn sinh và mất năm nào, nhưng được biết Ông làm việc dưới thời vua Gia Long đến Minh Mạng và chết dưới thời vua Thiệu Trị. Khi chết dân làng nhớ ơn Ông nên đặt tên cho Ấp - Ấp Hương Cẩn, nay đổi lại Ấp 5, xã Tân Tây, Gò Công Đông; tuy nhiên, đến nay dân địa phương vẫn còn goi Ấp Hương Cẩn. Cậu cũng cho biết có giữ một tập tài liệu dày về Ông Hương Cẩn bằng chữ Hán, nhưng bị đốt dưới thời Pháp thuộc.
 
 Tiếp theo, chúng tôi đi đến xóm Giá Dưới thuộc xã Kiễng Phước, để mừng tuổi Dì Sáu Mai Thị Khoa, 90 tuổi, em Má tôi. Sau đó, chúng tôi đi về xã Gia Thuậnxóm Rạch Già (Ấp 3, xã Tân Phước) (Hình 2) để gặp gỡ và chúc Tết bà con chú bác họ bên Nội nhân dịp mừng Xuân. Ở xã Gia Thuận, chúng tôi đã ghé thắp hương và tham quan Lăng Bình Tây Đại Tướng Quân Trương Công Định (Hình 3). Lăng được xây cất khang trang và chăm sóc kỹ lưỡng, với cỗng vào rộng lớn, có ao sen rộng, nhà thủy tạ, nhà thờ, phòng trưng bày tài liệu và hình ảnh về cuộc kháng chiến chống Pháp và các hoạt động trùng tu Lăng.
 
Ở xóm Rạch Già, tôi đến thăm viếng Ao Dinh (Hình 4), nơi anh hùng Trương Định (1820-1864) bị thương trên lưng và tuẩn tiết. Ông chết trên mảnh đất này ngày 20-8-1864, nhưng sau dân chúng lấy đất làm nền nhà nên trở thành ao, nơi chứa nước uống dành cho dân trong xóm vào mùa nắng. Nay ao được chính quyền tu bổ trông nghiêm trang hơn, có hàng rào gạch kẽm xung quanh và có bia ghi công ơn của Ông Trương Công Định. Cách đó ít trăm thước, một ngôi nhà mái ngói đỏ cũ (Hình 5) còn lưu giữ làm chứng tích nơi Ông Trương Công Định và 25 nghĩa sĩ đang hội họp cuối cùng bị quân lính Pháp do Lãnh binh Huỳnh Công Tấn hướng dẫn bao vây.


    
Hình 1: Đền Thờ Trương Công Định, Xã Gia Thuận, Gò Công
 
 
     Hình 2: Ao Dinh, Ấp 3, Xã Tân Phước, Gò Công
 
  
Buổi thăm viếng và đi chúc tết đầu năm của anh em tôi đến đây chấm dứt và chúng tôi về đến nhà khoảng 2 giờ chiều Mùng Một Tết. Năm nay, tôi không nghe tiếng pháo trong đêm Giao Thừa và ngày Mùng Một, cũng không thấy các trẻ con chơi “bầu cua cá cọp” hoặc đánh bài cào như chúng tôi thuở nào, có lẽ các cháu trong Xóm Chợ đến giải trí tại 3-4 tụ điểm Internet. Trong khi đó, người lớn vẫn còn quay quần đánh bạc trong nhà có vẻ công khai. Thỉnh thoảng có vài nơi tụ tập đông đảo chơi Đá gà, một trò chơi bị cấm gắt gao hơn.
 
Ngày Mùng Hai và Ba Tết, tôi về mừng Xuân bên vợ tại Xã Bình Hòa Phước, Huyện Long Hồ, Tỉnh Vĩnh Long. Nhân dịp này, gia đình bên vợ tổ chức rất trọng thể Lễ Đại Thọ cho Mẹ Vợ Bà Trần Thị Tạo vừa được 100 tuổi thọ, với sự tham dự đông đảo của bà con thân thuộc bên Nội và Ngoại của Nhà tôi - Nguyễn Thị Kim Hoàn, cùng các viên chức đầu Tỉnh, cơ quan truyền thông, và Hội Bô Lảo địa phương.
 
Ngày Mùng Bốn Tết, tôi trở lại quê nhà Gò Công để tham dự giỗ Ông Cố Trần Văn Tiếng (1866-1911) do anh Ba tôi phụ trách. Nhân dịp này, các bà con bên Nội khắp nơi về tham dự khá đông đảo. Lần đầu tôi gặp được họ, cảm thấy rất xa lạ với những thế hệ sau Ba Má tôi. Âu cũng là cơ hội giúp cho bà con chúng tôi, có cùng gốc Ông Bà Cố, gặp gỡ hàn huyên nhau hàng năm.
 
Lần về thăm quê hương này, ngoài liên hệ gia đình, tôi đã nhìn thấy một số sự kiện thay đổi trong nước, đặc biệt về các công trình xây dựng đã hoàn tất hoặc còn dang dở ở Sài Gòn, như ở khu Phú Mỹ Hưng, Đại lộ Đông Tây từ Nhà Rồng (sông Sài Gòn) đến Đại lộ N.V. Linh, cầu Phú Mỹ Hưng; đang làm cho vùng Nam Sài Gòn ngày càng rộng lớn và nhộn nhịp hơn lúc trước. Trong khi đó, tại các vùng quê, (hơn 70% dân chúng còn sinh sống) mà tôi có dịp đặt chân đến các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh vẫn chưa thấy nhiều thay đổi trong đời sống hàng ngày của người dân quê, bên cạnh sự phát triển vật chất, hạ tầng cơ sở nông thôn khá mạnh mẽ, như đường sá, hương lộ và các đường liên Ấp đút bê tông, trường học, cầu cống, trạm y tế đầy dẫy khắp nơi. Chỉ có vấn đề nước sạch chưa được phát triển đúng mức ở thôn ấp.
 
Ngoài ra, người ta có thể nhận ra ngay các xóm làng bây giờ có nhiều nhà gạch ngói mọc lên khá phổ biến. Đó là nhờ từ bốn thành phần khá giả ở thôn quê; đó là thân nhân hoặc gia đình Cán bộ, gia đình có Việt kiều, có người đi làm lao động nước ngoài, và có con em đi làm dâu ở Đài Loan, Đại Hàn và nhiều nước khác. Còn những người dân thuần túy, chỉ sống với nghề nông hoặc làm mướn do không có ruộng đất, vẫn còn chịu đời sống khó khăn chật vật. Đó là vì ngoài nghề nông với sản xuất, giá cả bấp bênh và thiếu hỗ trợ của nhà nước, họ không có hoạt động nào khác để phát triển đời sống kinh tế nông thôn của mình. Cho nên, nhiều thanh niên trẻ thường bỏ xóm làng ra thành phố làm công nhân viên cho các khu công nghiệp, nhưng lương bổng quá thấp nên họ không giúp đỡ cho gia đình được thịnh vượng hơn. Cũng giống như nhiều nước đang phát triển trên thế giới, tại Việt Nam, nếu không có sự quyết tâm hỗ trợ của nhà nước, nông dân sẽ không bao giờ vượt qua khỏi ngưỡng nghèo khó cố hữu hiện nay.
 
Riêng tại quê hương tôi ngày nay, Xã Tân Phước có đến 15.000 người, thay đổi hẳn bộ mặt ngày xưa, từ những thôn xóm với đồng lúa xanh trải dài yên tỉnh năm nào nay đất ruộng bị thu hẹp với nhiều khu nhà ở và mồ mã trắng xóa mọc xen kẻ khắp nơi; đến nỗi không còn trông thấy bìa rừng lá tối trời năm nào. Những tiếng động cơ của xe Honda vang lên khắp xóm làng cả ngày lẫn đêm.
 
Tại khu chợ Tân Phước, Ấp 7 trông sầm uất và đông đảo hơn xưa rất nhiều, mặc dù có nhiều chợ nhỏ bùng phát khắp 8 ấp trong làng, nhứt là Ấp 3 Rạch Già nằm kề sông Soai Rạp mà trước kia không hề có chợ. Trong dịp gần Tết có họp chợ đêm vào ngày 28 và 29 tháng Chạp âm lịch rất đông đảo người mua kẻ bán, đèn đuốc sáng choang và đầy tiếng ồn ào. Tại khu chợ này, đã xuất hiện đầy đủ các dịch vu của một thị trấn nhỏ, gồm có một ngôi trường Tiểu Học mới cất, 3-4 điểm Cà phê Internet, 3-4 tiệm làm tóc phụ nữ, 2 phòng Bác Sĩ tư, 2 nơi cho thuê bao xe ô tô, tiệm Thuốc tây, 2 tiệm chụp ảnh, nhiều tiệm cơm, hủ tiếu và phở, tiệm chạp phô…, với nhiều nhà cửa còn lụp xụp, chen chút lấn đường lộ, thiếu tổ chức của một thị trấn có đẳng cấp. Ngoài ra, còn có thêm các dịch vụ linh động như mua phân bón, mua gạo, bình gas… được đưa tới tận nhà, và các chủ tiệm còn cho thiếu chịu đến mùa gặt lúa chấm dứt. Từ giữa thập niên 1990s trở về trước, Ấp Chợ này rất yên tỉnh, hoàn toàn không có hiện tượng, những dịch vụ bùng phát kể trên. Muốn ăn hủ tiếu cho đỡ thèm người dân phải đi lên thị xã Gò Công để thưởng thức. Khi có bênh, họ phải đi lên tỉnh lỵ hoặc Sài Gòn để chữa trị. Đây là điểm son của xã Tân Phước.
 
Thế là mấy ngày Tết ở quê hương đã đi qua nhanh chóng. Mặc dù rất bận rộn với những chuyến di chuyển như con thoi giữa Sài Gòn, Vĩnh Long, Gò Công và thăm viếng 2 tỉnh láng giềng: Bến Tre và Trà Vinh trong một tháng, chúng tôi đã có cơ hội gặp lại nhiều bà con thân tộc và có một thời gian ngắn ấm cúng với gia đình mà từ lâu mình thiếu vắng.
 
10-3-2010
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 852123 visitors (2210090 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free