TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Haiti và tôi
 
Lên mạng ngày 26/4/2010

Hải đảo Haiti và tôi
                                                      Thái Công Tụng
 
 
 
Người Việt ở Montreal thường gặp cộng đồng da đen ở thành phố này. Nếu gặp người da đen ở Montreal, từ người lái taxi cho đến cô y tá hoặc cảnh sát viên, thì xác suất đúng đến 90% đó là người Haiti. Bà Toàn Quyền xứ Canada tên là Michaelle Jean cũng là người nhập cư từ Haiti đó!.Montreal có hơn trăm ngàn người từ Haiti di cư đến trước cả cao trào người Việt tới đây giữa thập niên 70 trong khi người mình chỉ chiếm chừng 40 ngàn người.
 
Riêng người viết bài này cũng đã từng ở xứ đó đến 5 năm, từ 1976 đến cuối 1981, vì có làm chuyên viên nông nghiệp cho chính phủ Canada trong một dự án phát triển tại hải đảo Haiti và dự án có tên gọi là DRIPP, viết tắt Développement régional intégré Petit Goave-Petit Trou de Nippes. Hải đảo Haiti nằm trong quần đảo Caraibes.
 
Quần đảo này gồm nhiều đảo rải rác, có đảo lớn như đảo Haiti, Cuba, Jamaica; có đảo nhỏ như Puerto Rico, Guadeloupe, Martinique. Có đảo độc lập từ lâu (Dominican Republic, Haiti, Cuba ), có đảo độc lập mới gần đây, cách đây vài chục năm (Jamaica, Barbados). Có đảo thuộc Anh như Antigua; có đảo thuộc Pháp như Guadeloupe, Martinique; có đảo vừa thuộc Pháp, vừa Hoà Lan như St Marteens; có đảo thuộc Mỹ như Puerto-Rico.
 
Địa lí
Hải đảo Haiti không xa Cuba bao nhiêu. Đây là một hải đảo khá rộng, nhưng thuộc hai nước khác nhau: một nước có tên là Haiti với người da đen, nói tếng créole, nhưng ngôn ngữ chính thức là Pháp ngữ còn nước kia có tên là Dominican Republic, nói tiếng Spanish.
 
Diện tích toàn đảo này là 77 253 km2 (Viet Nam là 330 000km2) và riêng xứ Haiti có diện tích 27 750 km2 còn Dominican Republic bên cạnh lớn hơn (48 730 km2). Bài này chỉ đề cập đến Haiti là nơi tôi có dịp làm việc ở lại khá lâu tại đó.
 
Haiti có thủ đô là Port au Prince và dân số toàn xứ Haiti hiện nay chừng 8 triệu dân. Các thành phố quan trọng có tên là Cap Haitien, Gonaives, Cayes. Tài nguyên chỉ có vài đồng bằng ven biển còn phần lớn là núi non. Các núi này trước kia rừng bạt ngàn, nhưng nay đồi trọc.
 
 
 
Lịch sử 
Kha Luân Bố do nữ hoàng Tây Ban Nha gửi đi với mục đích tìm một đường khác qua Á Châu bằng cách đi về phía Tây trên Đại Tây Dương. 2 tháng sau đó, đoàn thám hiểm khám phá đảo này vào năm 1492, thấy đảo này đẹp qúa nên đặt tên là Hispaniola, nghĩa là Tiểu Tây Ban Nha. Lúc đó, cư dân đầu tiên là người thổ dân Arawak. Kha Luân Bố đi đi lại lại giữa Tây Ban Nha và vùng này nhiều lần. Ngay sau năm 1492, Kha Luân Bố trở lại đây năm 1493 với 17 chiến thuyền và 1500 người, đem theo nào bò, ngựa, nào hạt giống, gà vịt để khai phá trồng trọt .
 
Nhưng chỉ không đầy 50 năm sau khi người Tây Ban Nha qua di dân tới đây thì đem theo bệnh mà người Arawak không chống cự được nên chết rất nhiều; mặt khác, họ bắt dân này đào tìm vàng, rất khó nhọc, nên thổ dân chết hết. Ngày nay, không còn dân Arawak nữa. Sau này khi nhân công thổ dân chết dần vì làm việc kham khổ, thì người nô lệ da đen mới đến. Pháp, Tây Ban Nha, Anh đến các bờ biển Tây Phi châu săn bắt dân đen, đem lên thuyền buồm (dạo đó, chưa có động cơ hơi nước, chứ làm gì có động cơ máy Diesel như ngày nay) và đưa đến vùng này trồng mía, trồng bông vải để cung cấp nguyên liệu cho các xứ thực dân. Trong các chuyến đi xuyên Đại Tây Dương đó, người Phi Châu chết rất nhiều vì đói khát trên tàu; số sống sót làm nông dân nô lệ cho các chủ đồn điền Pháp. Có một dạo, dân nô lệ da đen nổi dậy và đuổi được Pháp sau cuộc cách mạng tại Pháp năm 1789.Họ sợ Pháp thế nào cũng trở lại nên ra sức xây một cái pháo đài rất kiên cố trên đỉnh núi gần Cap Haitien. Những tảng đá đồ sộ do sức người tải lên chót vót núi để xây. Đây có thể nói là kỳ quan thứ 8 của thế giới; các du khách từ các du thuyền khi ghé Cap Haitien thường đi thăm kỳ công này trên núi.
Vào thời lập quốc của Mỹ, người Mỹ phải sang Port-au- Prince để mua nô lệ da đen đem về trồng bông vải ở các tiểu bang miền Nam; nông nghiệp Mỹ chưa có máy móc như bây giờ .Tóm lại người Mỹ da đen ở Mỹ hiện nay là gốc gác như vậỵ.
 
Haiti vì là nưóc da đen độc lập rất lâu nên là một trong những nước ký vào hiến chương Liên Hiệp Quốc từ 1945
 
Dân số .
Hiện nay dân số Haiti trong nước hơn 8 triệu người, sống tập trung tại miền đồng bằng. Tỷ lệ biết đọc, biết viết chỉ chừng 50%. Họ nói tiếng Creole, một ngôn ngữ pha lẫn tiếng Pháp vì trước kia, người Pháp chiếm xứ này khá lâu trước khi có cuộc nổi dậy chống Pháp. Vì vậy, ngoài dân có da đen như người Phi châu cũng có dân lai da trắng mà họ gọi là mulatre. 
 
Kinh tế eo hẹp nên họ di cư,-cả hợp pháp và bất hợp pháp- đến Mỹ, Canada, các xứ quanh vùng Caraibes. Có nhiều dân Haiti di cư sống trên đất Mỹ và Canada. Ở Mỹ, có thể gặp họ ở Miami: có một khu phố đông người Haiti nên có tên gọi là Little Haiti (như Việt cũng có Little Saigon). Tại thành phố New York, Boston, New Jersey cũng có nhiều cộng đồng người Haiti. Ở Canada, người Haiti thường ở Quebec (vì Quebec nói tiếng Pháp) và họ tập trung khu Montreal Nord.
 
Du lịch
Cũng như các hải đảo vùng Caraibes, Haiti sống nhờ du lịch. Thực vậy, nhờ vị trí địa lí không xa Mỹ và Canada bao nhiêu nên vào mùa đông, có nhiều dân du lịch, phần đông là người Canada nói tiếng Pháp, người Mỹ, người Đức. Họ đến vì mùa đông biển ấm và luôn luôn có mặt trời, tóm lại nhờ 3S: Sand, Sea, Sun.
 
Du lịch ấy cũng còn gọi là du lịch Seacanoe, do tóm tắt từ các chữ:
 
Smell fresh air: thở không khí tươi mát
Eat better than in yours: ăn ngon hơn thường nhật
Avoid crowds: tìm nơi thanh tịnh
Consider excitement: tìm lại năng lượng phấn chấn
Alter your view of life: thay đổi lối nhìn cuộc sống
No nonsense: lựa chọn khôn ngoan
Outlock stress: giảm thiểu căng thẳng
Earn a new experience: có thêm kinh nghiệm 
 
Mùa hè thì ít du khách vì mưa và dễ có bão nhiệt đới gây hư hại rất nhiều. Bão nhiệt đới khi thì tàn phá Cuba, khi thì Haiti, khi thì các hải đảo khác trước khi thổi vào lục dịa Mỹ. 
 
Máy bay thì ngày nào cũng có chuyến bay đi Miami và các hãng hàng không lớn như Pan Am, Air France, Air Canada đều có máy bay đáp xuống.
 
Nhà cửa
Tại thủ đô Port-au-Prince, nông dân tràn về đây ở chật chội tại một khu phố gọi là Carrefour với xe chuyên chở kêu là 'tap tap' bóp còi inh ỏi, tranh giành lối đi với bộ hành. Ngày nào cũng thấy xe cán chết chó. Vì dân tụ tập ở đây nên nhân công rẽ; do đó các hãng xưởng đủ mọi ngành: may mặc, xưởng làm baseball cũng ở đây, xưởng làm banh đánh golf cũng ở đây. Dân giàu có nhà trên núi như Pétionville, Kenscoff mà kiến trúc không thua gì các biệt thự trên đồi Hollywood. Để tận dụng nưóc mưa, mỗi nhà có hầm chứa nước mưa ngay dưới nhà: nuớc mưa từ trên mái nhà đưa xuống hầm và do đó, tiết kiệm được nhiều nước trong mùa nắng. Tôi thấy đây là một cách kiến trúc có thể ứng dụng cho Việt Nam (các vùng đất cao) vì vũ lượng ở nước mình nhiều mà nước mưa thì bỏ phí trôi đi hết. 
 
Nông nghiệp
Phần lớn Haiti là núi non; đáp xuống phi trường Port-au-Prince tưởng chừng đáp xuống Nha Trang vì phi trường cũng sát biển, cũng nhiều mặt trời và cũng có giãy núi.
 
Tôi đến đây từ 1976. Tại Haiti, lúc đó có rất nhiều dự án của nhiều nước giúp đỡ như Canada, Pháp, Mỹ, Liên Hiệp Quốc. Dự án bao gồm từ đường sá đến bảo tồn đất đai, dẫn nước, thủy điện, canh nông... Ngay cả Đài Loan cũng có dự án nông nghiệp và hiện nay vẫn còn. Đài Loan rất o bế Haiti vì Haiti là một trong rất ít xứ trên thế giới còn công nhận Đài Loan. (Một nước khác còn công nhận Đài Loan hình như là Paraguay).
 
Dự án tôi làm cũng là một dự án nông nghiệp bao gồm nhiều ngành: y tế, trường học, canh nông, làm đường, dẫn nước.
 
Xứ này chỉ có chừng 1/3 diện tích là trồng trọt được; núi non rất nhiều, trước kia là rừng sầm uất; ngày nay, dân đốn làm than củi nên không có rừng mà toàn đá, xương rồng, lùm bụi. Tuy nhiên cũng có những thung lũng trên núi trồng các cây như cà phê, chuối plantain, cây bơ (avocado), cây xoài, cam, quít. Xoài Haiti xuất cảng sang Mỹ, sang Canada v.vXoài và bơ nhiều rơi rụng xuống đất, nên heo thả rong đi tìm ăn. Heo ở nhà quê là loại heo cỏ, đi rong kiếm ăn chỉ có vài trại heo kỹ nghệ gần các thành phố lón, nuôi gần các nhà máy làm đường nên có mật mía, trộn với cám, với hạt bắp.
 
Còn miền đồng bằng thì nông nghiệp như các xứ nhiệt đới khác: lúa, bắp, đậu. Có nơi trồng mía vì có nhà máy đường. Ven biển, nhiều dừa; dừa nhiều như miệt Bồng Sơn, Tam Quan bên ta:
 
Công đâu công uổng công thừa
Công đâu múc nuớc tưới dừa Tam Quan.
 
Tôi ở lại đó đến 6 năm, từ 1976 đến cuối 1981. Đây là lúc tình hình rất phức tạp ở Viet Nam; hàng hàng lớp lớp bỏ xứ đi ghe chui qua Thái Lan, qua Mã lai, qua Indonesia... Tôi nhận được nhiều thơ từ các trại tị nạn này với các tên lạ hoắc như Galang, PouloBidong, Songkla, Palawan từ các nhân viên cũ Bộ Canh Nông, nơi tôi làm việc trước 1974. Tên các địa danh đó nay đã đi vào lịch sử người tị nạn Việt Nam. Tôi còn nhớ nhiều anh em vượt biên lúc đó: anh Hồ Hán Dân, anh Châu Cự Xu vượt biên sớm nhất, sau đó thì nhiều hơn: Bác sĩ Trần Trọng Hiếu qua Indonesia, Phạm Hữu Anh qua Pulau Bidong, Mai Thị Mỹ Nhung vượt biên đến Hong Kong rồi mới qua Mỹ, Nguyễn thị Mỹ hiện ở Oklahoma cũng vượt biên, Diệu Hồng Florida cũng thế và dĩ nhiên còn vô số anh chị em khác.
 
Lúc đó, Mỹ và Việt Nam không có liên lạc ngoại giao; thư từ Bưu điện Haiti gửi về Việt Nam phải chuyển qua Pháp rồi mới về Việt Nam chứ bình thường có thể qua Mỹ rồi về Viet Nam. Lúc dó, Air France là hãng máy bay duy nhất đi về Việt Nam và chở hàng hoá, đặc biệt là thuốc men do Việt Kiều gửi về.
 
Tín ngưỡng
Phần lớn dân chúng theo Công giáo. Nhiều nhà thờ, họ đạo và dân chúng rất ngoan đạo. Ngoài ra, có tín ngưỡng dân gian gọi là vaudou. Vaudou là tín ngưỡng thờ thần linh xuất phát từ bên Phi Châu, vẫn theo người dân nô lệ trên đường qua xứ này: lên đồng, nhảy múa như ma nhập.
 
Giáo dục
Phần lớn mù chữ vì không đủ trường học; trường học thíếu giáo viên, thiếu cơ sở. Thủ đô Port au Prince có một Viện Đại học nhưng cũng thiếu phương tiện như thư viện, phòng thí nghiệm. Lề lối giáo dục cũng như bên Việt Nam, nghia là học tủ, học thuộc lòng nhiều hơn. 
 
Tonton Macoute và mật vụ Haiti theo dõi tôi
Tonton Macoute là từ ngữ để chỉ đám mật vụ, công an chìm ở xứ Haiti này. Cần nói qua loa là nước Haiti, dưói trào cha là Tổng thống Francois Duvalier, xuất thân là Bác sĩ Nha Khoa khi chết đi, giao cho con Jean-Claude Duvalier tiếp tục làm Tổng Thống. Báo chí đặt tên cho cha là Papa Doc và con là Baby Doc là vì vậy .Chế độ này rất độc tài và tồn tại nhờ một hệ thống mật vụ chằng chịt nên mọi manh nha bạo động, đối kháng bị dập trong trứng nước. Ai chống đối bị giam hoặc bị trục xuất. Tổng Thống Jean-Claude Duvalier, khi đi tham dự một khai mạc hay hội nghị không bao giờ đến đúng giờ qui định trong chương trình. Sau đây, tôi xin kể hai câu chuyện có thật (Người thực, việc thực!) cho độc giả xem chơi:
 
Năm 1976, khi tôi đang ở phi trường Miami để đổi máy bay qua Port au Prince, tình cờ có một linh mục, thấy tôi là người Việt bèn gợi chuyện. Linh mục người Canada này trước kia có ở Viet Nam nên gặp lại người Việt rất thích nói chuyện. Trao đổi địa chỉ cho nhau, Linh mục đi Mexico còn tôi đi Haiti. Sau đó, tôi gửi thư thăm cha ở Mexico. Lâu sau đó, tôi được cha trả lời là thư đó bị kiểm duyệt rất kỹ. Hoá ra, Haiti sợ trong thư tôi có liên lạc gì vói nhóm chống đối chính quyền Haiti ở nước ngoài!
 
Một lần khác nữa, tôi thường đi công tác miền núi Haiti. Có một nhân viên phù động họ giao cùng đi với tôi làm khuyến nông. Đi nhiều lần với anh ta, bỗng một hôm, anh ta đến Sở rồi bỏ đi. Tôi mới té ngửa ra là anh ta làm mật vụ theo dõi tôi xem khi đi tiếp xúc với dân tình, có nhân cơ hội đó, tuyên truyền chống chính phủ không. Cũng may là tôi chỉ nói với dân làng về chuyên môn khuyến nông mà thôi chứ nếu chuyện khác thế nào họ cũng trục xuất ngay khỏi xứ.
Chính quyền không muốn mở trường dạy học vì dạy học dân có kiến thức, dân trí cao sẽ dễ bị lật đổ.
 
Mãi đến đầu năm 1986, kinh tế bế tắc, đời sống khó khăn, dân chúng nổi dậy mới lật đổ và Jean Claude Duvalier trốn qua Pháp. Nhưng một thời gian 10 năm từ đó thì cũng là thời gian đảo chánh liên miên, như thời Viet Nam sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật. Mãi sau đó, một linh mục là Cha Aristide đưọc bầu lên làm Tổng Thống cũng bị quân nhân đảo chính. Tổng Thống Clinton nhờ Cựu Tổng Thống Carter và tướng Colin Powel qua khuyến cáo tướng đảo chánh qua Mexico tạm trú để nhường lại cho Aristide. Linh mục Aristide cầm quyền được vài năm thì cũng tái phát bạo động nên Hoa Kỳ cũng ép Aristide đi lưu đày bên Phi Châu và hiện nay có cả hàng ngàn binh sĩ Liên Hiệp Quốc trú đóng gia hạn từng năm một theo quyết định hàng năm của Hội Đồng Bảo An.
 
Và Liên Hịệp Quốc cử lính qua để giữ trị an. Nói trắng trợn ra, sở dĩ nguời Mỹ để ý đến xứ Haiti này là vì nếu tình hình rối loạn ỏ Haiti, thì sẽ có vô vàn dân Haiti chèo ghe chạy qua lánh nạn bên Miami nên họ phải đón đầu truớc.
 
 Ngôn ngữ .
 Dân chúng sử dụng tiếng Creole, một loại tiếng Pháp cổ vì xứ này trước kia do Pháp cai trị. Hiện nay, cũng có một số dân màu da hơi trắng vì có lai nhiều đời với người Pháp.. Tiếng créole rất gần tiếng Pháp nên ai đã biết tiếng Pháp thì dễ nói tiếng créole lắm... Các lính Canada qua Haiti dễ học tiếng Creole hơn lính Mỹ.
 
Người Việt ở Haiti
Khi tôi mới đến Haiti năm 1976, tôi là người Việt thứ hai sau ông Phạm Hữu Vĩnh, lúc đó mới rời Haiti. Ông Vĩnh trưóc là Tổng Thư Ký Bộ Công Chánh qua Haiti làm cho Liên Hiệp Quốc bên đó. Năm 1980, có anh Kỷ sư Tôn Thất Thiều trước làm ở Nha Thủy Nông Bộ Nông Nghiệp cũng sang Haiti làm trong một dự án ở gần Port au Prince.
Mãi những năm sau này quãng 1985 có ông Nguyễn Văn Hão, một thời làm Phó Thủ Tướng nội các Trần Thiện Khiêm và một người con ông Nguyễn Cao Thăng, chuyên viên kinh tế cũng có mặt ở xứ này. Những năm tôi ở hải đảo Haiti, chỉ có mấy bà Việt Nam có chồng Mỹ làm cho USAID, có chồng Pháp làm cho hãng xi măng. Cũng có mấy nữ tu Công giáo ở Cap Haitien, trước 1975, qua Nhật học để sau đó về lại Việt Nam, nhưng thời cuộc đã đưa đẩy các nữ tu đó về Haiti, vì Haiti có nhà dòng (hình như dòng Mến Thánh Giá?), cùng dòng với các nữ tu. Các nữ tu này khi về Canada thì ở Sainte Anne de Beaupré cách thành phố Quebec chừng vài chục km về hướng Bắc.
 
Người Haiti ở Mỹ
Vào khoảng các năm trước 1930, Haiti đã từng bị Mỹ chiếm đóng nên có một số di cư qua Mỹ, phần lớn ở miệt New York (Bronx). Sau này, vì dân số càng ngày càng đông và thủ tục nhập cảnh Mỹ khó khăn nên họ đi ghe chui nhiều lắm. Vì gần Miami nên nhiều thuyền chở dân Haiti thường đổ lén dân xuống bờ biển Florida; một số chết ngoài biển, một số bị Coast Guard chận lại ngay ngoài khơi. Nói thật ra, Mỹ không muốn da đen vào Mỹ, trong khi đó dân Cuba trốn thì vẫn được chấp nhận như thường. Và chính người Mỹ cũng sợ boat people tràn lan qua Mỹ nên ngoài khơi các đảo Dominican Republic, Cuba, Haiti luôn luôn có nhiều tàu tuần duyên tuần tiễu.
 
Nguời Haiti ở Canada
Vì dân Haiti học tiếng Pháp từ tiểu học nên họ không bở ngỡ khi ở Québec. Trước 1977, người xứ này qua Canada không cần visa nên đến rất đông, sau đó ở lại. Phần lớn chạy taxi hoặc làm nghề may mặc. Và cũng nhờ người Haiti ở Canada và Mỹ gửi tiền về và bảo trợ cho thân nhân di dân qua nên xứ Haiti mới tồn tại chứ hải đảo thì diện tích có hạn mà dân số cứ tăng. Có trên 2 triệu người Haiti rải rác trên nhiều xứ và hàng năm họ chuyển tiền về cho gia đình. Tổng số tiền gửi hàng năm rất nhiều, bằng 1/3 của toàn GDP xứ đó. Thế mà nhiều người vẫn còn tiếp tục di cư sang các đảo kế cận như qua hải đảo St Marteens gần Puerto Rico, sang Guyane thuộc Pháp. Nên mở dấu ngoặc ở đây là sau 1975, có nhiều người Mèo ở Cánh Đồng Chum bên Lào qua Pháp rồi sau đó qua Guyane lập nghiệp.
 
Kết luận
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, chúng tôi nay đều đã đến tuổi cổ lai hi; bạn học củ tôi, có kẻ đã bước ra ngoài thời gian; có kẻ an bần lạc đạo; người thì xa nửa vòng trái đất; kẻ tận chân trời heo hút gió:
 
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
 
Nhìn cảnh Haiti như Nha Trang với những làng chài ven biển, các xóm vệ đường, nhìn những chiếc thuyền buồm căng gió ở vịnh Port au Prince mà nhớ lại thuyền chài nhấp nhô quê mình, thời lãng du của dĩ vãng, nhìn những làn khói xanh lơ từ những xóm nhà heo hút ven núi, bèn nhớ bài hát của nhạc sĩ Trịnh Hưng:
 
Tôi yêu quê tôi, yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bên đình
Yêu trăng buông lơi hôn má cô nàng dệt tơ
Và yêu cánh đồng vời xa, ngàn tay đang dựng mùa hoa
Tôi yêu quê tôi, yêu mãi bây giờ càng yêu
Yêu chim bay qua mang đến tin mừng thái hoà
Yêu anh yêu em, yêu xóm yêu làng gần xa ...
 
                                                               Thái Công Tụng

Trở lại trang KH&TH
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 861020 visitors (2232223 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free