TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Trợ tử
 
Lên mạng ngày 28/5/2010

TRỢ TỬ, NÊN HAY KHÔNG NÊN
 
Nguyễn Thượng Chánh, DVM
 
                                                                                     
 
Trợ tử (Euthanasia) còn là một vấn đề rất cấm kỵ, rất tế nhị ở phần lớn các quốc gia tiến bộ nhất là các quốc gia phương Tây nơi mà cuộc sống con người rất được quý trọng.
 
Được biết giúp người khác tự vận hay trợ tử là một hành động không được pháp luật nhìn nhận, và cho phép tại  hầu hết các quốc gia tiến bộ trên thế giới kể cả Việt Nam.
 
Tuy nhiên cũng có một số ít nơi cho phép trợ tử trong những trường hợp thật đặc biệt.
Đó là Thụy Sĩ, Hòa Lan, Bỉ và tiểu bang Oregon của Hoa Kỳ.
 
Luật pháp Thụy Sĩ cho phép trợ tử. Hiến pháp dành một điều khoản đặc biệt cho khách hàng được toàn quyền quyết định. Luật dự trù hình phạt tù 5 năm cho ai giúp người khác chết vì mục đích ích kỷ và tiền bạc. Luật cấm bác sĩ kê toa thuốc ngủ đối với người còn khỏe mạnh, và ngăn cản việc trợ tử đối với những người bị bệnh tâm thần vì họ không có khả năng phán đoán một cách sáng suốt.
 
Ngược lại, tại các quốc gia độc tài, chuyên chính và các xứ kém mở mang nghèo khó thì vấn đề trợ tử thường được nhìn theo một khía cạnh không mấy quan trọng và đơn giản hơn nhiều.
 
Tầng lớp người già càng ngày càng  gia tăng mãi.
 
Đây là một gánh nặng cho gia đình và cho xã hội.
Tuổi già thì phải bệnh, phải chiụ đau đớn về tinh thần lẫn thể xác và sau một thời gian thì phải ra đi đúng theo quy luật của tạo hóa...
Y phí trang trải để giúp các cụ kéo dài thêm cuộc sống tạm bợ không ngừng gia tăng thêm mãi đặc biệt là tại những quốc gia Âu Mỹ. Săn sóc cuối đời (soins palliatifs), nhà già, viện dưỡng lão đã trở nên những nhu cầu cấp thiết trong xã hội.
 
Niềm tin vào tôn giáo và các giá trị triết lý nhân bản cũng có phần mai một trong đời sống ngày nay cho nên con người phải tự mình đối mặt với cái chết qua một chuỗi tâm trạng phức tạp bắt đầu bằng sự tức giận, bất mãn ,bị shock, kế đến là giai đoạn cam phận và cuối cùng là sự chấp nhận số mạng để ra đi cho được thanh thản.
 
Chắc chắn là đa số các cụ cao tuổi, sức khỏe sa sút, đều muốn ra đi trong phẩm giá càng sớm càng tốt. Cụ không muốn phiền lụy đến gia đình và xã hội.Sống bấy nhiêu cũng quá đủ rồi. Nhưng đâu phải muốn đi là được đâu... Đôi khi con cháu vì quá thương tía, nên không ngừng đổ nhân sâm vào miệng nên làm sao tía mau đi được!
 
Một số quốc gia như Hòa Lan và Thụy Sĩ, rất “cách mạng và thực tế” nên đã cho phép việc trợ tử theo ý muốn của bệnh nhân trong những trường hợp thật đặc biệt.
 
 
Thụy Sĩ có cả Tổ chức Dignitas chuyên lo về trợ tử theo yêu cầu thật sự của khách hàng.
Có người gọi đây là du lịch tự sát vì dịch dụ dành cho tất cả khách hàng không phân biệt quốc tịch.
 
Dignitas cũng đảm nhận trợ tử cho từng cặp, từng đôi như vợ cũng muốn được cùng chết theo chồng cho vẹn tình vẹn nghĩa.
Đó là trường hợp vừa xảy ra vào mùa xuân năm 2009, Dignitas thực hiện trợ tử cho cặp vợ chồng nhạc trưởng Anh quốc Edward Dowes  85 tuổi và bà vợ 74 tuổi đã làm xôn xao dư luận bên Anh.
Ngoài ra, một bà vợ hoàn toàn khỏe mạnh khác ở British Columbia Canada cũng đòi được chết tại Zurich theo chồng đang mắc bệnh tim mạch rất trầm trọng. Sự việc sẽ được đem ra xét xử ở tòa án năm 2010 nầy.
Việc làm của Dignitas cũng bị dư luận Thụy Sĩ và cả thế giới phê phán và chống đối dữ dội. Tuy vậy, thương vụ của Dignitas, thành lập từ năm 1998, không vì thế mà bị giảm đi chút nào hết. Cho đến nay số khách hàng ghi danh, hồ sơ nóng actif cũng phải trên 6.000 người.
Số khách hàng đã được Dignitas giúp thực hiện chuyến viễn du tiên cảnh một cách êm ái tính ra đã có trên 1.000 người rồi. (giá trọn gói lối 4000-5000$)
Các người khách nầy đã đến từ 60 quốc gia khác nhau, đa số là người Đức, Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Do thái, Liban... Trong số đó có 9 người Canada tuổi từ 40 đến 90 tuổi
Đa số khách đều có vẻ rất thanh tịnh 99%, và họ rất hài lòng (?) vì có thể thoát khỏi sự đau đớn vô cùng tận mà họ đã phải gánh chịu từ nhiều năm qua.(có lẽ đây là lời quảng cáo)
 
BBC. Active and passive euthanasia
 
 
Trợ tử chủ động (active euthanasia)
 
Đây là trường hợp bác sĩ hay một người nào đó cố ý tiêm, cấp một loại thuốc hay giúp phương tiện nào đó để bệnh nhân chấm dứt cuộc sống ngay lập tức. Có nhiều người cho rằng trợ tử chủ động giúp bệnh nhân chết rất nhanh, gọn và sạch, tránh cho bệnh nhân kéo dài sự đau đớn vô ích. Về một mặt nào đó trợ tử chủ động tốt hơn, có vẻ “nhân đạo” hơn trợ tử thụ động
 
Trợ tử thụ động (passive euthanasia)
 
Trường hợp nầy bác sĩ không chửa trị đúng quy cách, không làm những gì cần thiết để duy trì cuộc sống của người bệnh, hoặc ngưng cung cấp những phương tiện hỗ trợ cho bệnh nhân có thể sống, chẳng hạng như: Tắt máy hỗ trợ hô hấp, gỡ máy cung cấp các chất dinh dưỡng, không thực hiện những cuộc giải phẫu cần thiết cũng như việc ngưng cấp thuốc để kéo dài thêm cuộc sống.
 
 
Liên Âu xôn xao về trợ tử
 
Chúng ta có quyền để một người đau bệnh trầm kha, nan y tự quyết định kết liểu đời họ để thoát khọi sự đau đớn thể xác hay không?
 
Tại Hòa Lan, việc trợ tử được xem như việc «trị liệu bằng thuốc» và chỉ có 40% ca trợ tử đã được chánh thức báo cáo.
Cũng tại Hòa Lan, 80% bác sĩ đã áp dụng phương pháp trợ tử chủ động active «tự tiện» giải phóng bệnh nhân thay vì phải áp dụng cách trợ tử thụ động passive (như bớt thuốc, bớt chất dinh dưỡng, v.v…để bệnh nhân kiệt sức mà mau thăng)
 
 
Belgique nối gót Hòa Lan cho phép trợ tử vào năm 2008.
 
Vừa qua, đảng xã hội Pháp đã đệ trình một dự luật về trợ tử đối với những bệnh nhân trong giai đoạn cuối cùng của bệnh ngặt nghèo như cancer  và không còn hy vọng.
 Dự luật thuận cho việc trợ tử để bệnh nhân có thể chết trong phẩm giá (?).
Nhưng cuối cùng dự luật trên đã bị chánh phủ Pháp bác bỏ.
 
Hoa kỳ và trợ tử
 
Tại Hoa Kỳ, tháng 11/2000, cử tri của tiểu bang Maine đã bác bỏ dự luật trợ tử.
Ngược lại, tiểu bang Oregon đã có 341 người được giúp trợ tử tính đến cuối 2007.
Ngoài tiểu bang Oregon ra, các nơi khác đều cấm trợ tử.
Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò Gallup năm 2002 cho thấy có 72% dân chúng Mỹ thuận việc trợ tử.
Ngày 08/12/2009, tù nhân tử hình Kenneth Biros 51 tuổi bị đem ra «trợ tử» (xử tử) tại Ohio. Anh ta là tử tội đầu tiên bị giết bằng cách tiêm mạch một loại thuốc duy nhất mà thôi thay vì phải cần một hổn hợp cocktail chứa 3 loại thuốc như từ trước tới nay thường đuợc tòa án Hoa Kỳ áp dụng.
 
Québec thì sao?
 
Thăm dò ở giới bác sĩ chuyên khoa spécialistes cho biết 75% đều ok việc trợ tử.
75% bác sĩ gia đình cũng vậy.
Thăm dò Crop cho thấy 80% dân Québec đều thuận việc trợ tử nếu chính tay người bệnh nhân làm đơn xin.
 
Michel Dongois. L’euthanasie, un geste médical. L’Actualité Médicale, Le Journal du Médecin Vol 31 No 4/10 Mars 2010
 
Tại Quebec, chính giới bác sĩ (chớ không phải bệnh nhân) đã đưa vấn đề cần trợ tử ra trước công luận. Năm 2009 vừa qua, Collèges des Médecins du Québec, Fédération des médecins spécialistes du Québec FMSQ và Fédération des médecins omnipraticiens du Québec FMOQ đã e dè hé cửa đem vấn đề then chốt nầy ra bàn cãi. Theo các thầy thuốc thì trợ tử phải được xem như một acte médical để giúp bệnh nhân thoát khỏi cảnh đớn đau thể xác. Không biết việc nầy có sái với y đức éthique médical hay không? Nhưng có điều chắc chắn là ý kiến quá táo bạo của các bác sĩ đã làm nổi dậy ngọn sóng thần tsunami từ nhiều phía: từ các nhóm bạo vệ sự sống, từ các tôn giáo lớn, từ những nhà đạo đức thiệt và cả các nhà đạo đức giả.…Riêng các nhà chánh trị thì cẩn thận hơn nên họ tránh né không dám tuyên bố nầy nọ, không có lợi.
Nếu trợ tử được hợp pháp hóa thì lãnh vực săn sóc cuối đời sẽ mất đi hết ý nghĩa của nó. Số phận người già, người bị khuyết tật nặng và người bệnh trầm kha liệt giường liệt chiếu sẽ ra sao?
Chắc họ trước sau rồi cũng sẽ được giải phóng hết cho đỡ mất công cũng như để tiết kiệm ngân sách.
 
Bác sĩ có thể ngưng tiếp dịch truyền perfusion, chất dinh dưỡng và kháng sinh qua tĩnh mạch, để cho bệnh nhân từ từ kiệt lực hay bị nhiễm trùng huyết rồi cuối cùng phải chết (euthanasie passive).
Tiến trình có thể kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần lễ trước khi bệnh nhân chịu phép ra đi. (kiểu nầy chỉ có bác sĩ và các y tá thân cận trong soins intensifs mới biết rõ mà thôi).
 
Một cách đúng phép, thông thường bác sĩ có thể giúp bệnh nhân giảm đau bằng morphine. Nhưng với những liều lượng nào đó (gia tăng) thì morphine cũng có thể giúp bệnh nhân đi luôn chỉ trong vòng đôi ba phút hoặc trong vài ba giờ mà thôi (euthanasie indirecte).
Nhưng nếu có chứng cớ bác sĩ tiêm một chất thuốc nào đó để cho bệnh nhân chết trong vòng vài ba giây (euthanasie active), bác sĩ có thể bị kết tội cố sát  homicide volontaire.
Những tình huống không rõ rệt tranh tối tranh sáng vừa nêu trên đã làm cho các bác sĩ rất khó xử, e dè và rất bối rối trong cách trị liệu.
Đó là lý do tại sao giới y khoa muốn làm sáng tỏ vấn đề và hợp pháp hóa vấn đề trợ tử càng sớm càng tốt.
 
Bác sĩ không muốn họ bị mang tiếng là người vừa ban bố sức khỏe mà cũng vừa là người ban bố sự chết.
 
Tại sao có người chống đối vấn đề trợ tử?
 
Nói rõ chống đối trợ tử chỉ xảy ra tại những quốc gia tiến bộ, có tự do và dân chủ thật sự chẳng hạn như tại các quốc gia Âu Mỹ. Mọi người đều có quyền phát biểu quan điểm của mình mà không sơ bị trù ẻo, bị đì hay bị mời đi « làm việc ».
 
Nhóm chống đối đầu tiên là các tôn giáo lớn, rồi kế đến là những nhóm nhân danh bảo vệ quyền sống v,v…Họ không ngớt làm áp lực ngăn cản chánh phủ trong việc hợp pháp hóa việc trợ tử. Các dân biểu, các chánh khách thì quá rét, cố né tránh bàn luận vấn đề quá tế nhị nầy vì họ sợ bị mất lá phiếu trong mùa bầu cử sắp tới…
Theo bà Jocelyne SaintArnaud, chủ tịch ủy ban y đức lâm sàng bệnh viện Sacré Cœur Montreal (présidente du Comité d’éthique clinique de l’Hôpital du Sacré Cœur de Montréal) :
-Nhiều người đồng ý trợ tử có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai miễn là người nầy được huấn luyện kỹ, chớ không nhất thiết phải cần đến bác sĩ.
-Ban đầu thì trợ tử chỉ dành cho những người tinh thần còn sáng suốt và họ có bày tỏ ý muốn một cách rõ rệt và tự do, đồng thời họ cũng có làm đơn nhiều lần xin được giúp trợ tử.
-Sau đó lần lần, trợ tử sẽ bị lạm dụng và lan qua các nhóm yếu thế khác như các người bị bệnh tâm thần, trí não không còn được sáng suốt, đang trong tình trạng hôn mê, những người mắc bệnh suy thoái nặng (maladie dégénérative), những người không có làm đơn xin, và trẻ em .
Các sự kiện vừa nêu trên đã xảy ra tại Hòa Lan, nơi mà vấn đề trợ tử đã được coi là hợp pháp. Tại đây trợ tử đã lan ra :
-những nhóm người không nằm trong diện được phép trợ tử nhưng họ đã có làm đơn từ trước đó.
-trẻ em từ 12 đến 16 tuổi, với sự ưng thuận của cha mẹ chúng.
-các hài nhi, cháu bé từ 0 đến 12 tháng tuổi mắc phải những chứng bệnh ngặt nghèo, theo nghi thức Groningen (protocole de Groningen)       
 
Còn trợ tử thú y là gì?
 
Theo đà phát triển của khoa học, rất nhiều kỹ thuật chẩn đoán và phương pháp trị liệu tân kỳ mà trước đây chỉ dành riêng cho y khoa, ngày nay cũng được thấy đem sử dụng nhan nhản bên thú y.
 
Trợ tử ở người là một vấn đề rất gây cấn, bị chống đối và đả kích dữ dội khắp mọi nơi, bị lên án kịch liệt và hầu như bị ngăn cấm tại hầu hết các quốc gia Tây phương.
Ngược lại, trợ tử thú vật thì rất dễ dàng và duờng như còn được khuyến khích nữa.
 
Ngày nay tại các quốc gia Âu Mỹ, chó và mèo được xem như những thành viên trong gia đình và tình cảm mà con người dành cho chúng đôi khi cũng không kém gì tình cảm họ dành cho con cháu trong nhà.
 
Một mai vì một lý do gì đó, chẳng hạn như con vật bị thương tật đau đớn hoặc mắc phải một chứng bệnh nan y khó chữa trị được hoặc chi phí chữa trị quá tốn kém, nhưng không chắc gì có được kết quả mong muốn.
Trong trường hợp này người chủ phải can đảm, gạt lệ, đắn đo giữa tình cảm và túi tiền để nghĩ đến giải pháp trợ tử hầu có thể giải phóng con thú bất hạnh sớm thoát khỏi các khổ đau cơ cực một cách vĩnh viễn.
 
Trợ tử thú y là phương pháp giúp cho con vật chết một cách êm ái nhẹ nhàng trong tình yêu thương của người chủ, và cũng nhằm mục đích để giúp nó khỏi kéo dài lê thê sự đau đớn về thể xác do một chứng bệnh nan y hay một tai nạn nào đó gây nên.
 
Nếu trường hợp trợ tử ở người, thì mục đích là để giúp bệnh nhân bảo toàn được…phẩm giá và nhân cách của họ (sic).
Trợ tử thú y giúp cho người chủ đỡ tốn tiền, bảo vệ cái hầu bao, khỏi cần chữa trị con vật thân yêu của mình một cách vô ích.
 
Tại các quốc gia Tây phương, vấn đề trợ tử phải do thú y sĩ thực hiện. Thường là tiêm thuốc mê hoặc thuốc ngủ với liều lượng cao.
Thông thường có hai cách:
 
1)      Tiêm vào tĩnh mạch chân một loại thuốc gây mê barbiturique như Thiopental (Nesdonal), Pentobarbital sodium (Euthanyl) hoặc T61.
 
 
 
2)      Tiêm vào xoang bụng: tác dụng chậm hơn tiêm vào tĩnh mạch.
 
Trong bất cứ trường hợp nào, thú y sĩ cũng phải nghe tim đến khi nó hoàn toàn ngưng đập. Đôi khi cơ vòng hậu môn hoặc cơ bọng đái giãn ra lúc con vật vừa mới chết kéo theo sự thải phân và nước tiểu ra ngoài. Các tiết vật khác cũng có thể tiết ra từ các lỗ thiên nhiên.
 Sau đó, theo thủ tục thì thú y sĩ chia buồn cùng chủ nhân.
 
 
Kết luận
 
Các cuộc thăm dò survey tại nhiều quốc gia cho biết đa số người dân đều đồng ý với việc hợp pháp hóa vấn đề trợ tử.
 
Có người cho đó là một hành động dã man, trái đạo đức. Người khác thì cho rằng trợ tử là điều rất cần thiết trong trường hợp những bệnh ngặt nghèo và đau đớn không có hy vọng cứu chữa được nữa.
 
Trợ tử là một vấn đề có thể liên hệ đến bất cứ ai một lúc nào đó trong tương lai. Có thể chúng ta sẽ phải tự quyết định cho chính mình hay quyết đinh thay cho người thân trong trường hợp người nầy đang trong tình trạng hôn mê hay không còn đủ sáng suốt để phán đoán.
Vậy chúng ta nên suy nghĩ cho chín chắn ngay từ lúc nầy là vừa.
 
Nếu muốn, bạn già chúng ta có thể làm thêm tờ di chúc sinh học testament biologique, biological will để phòng hờ trong hoàn cảnh quá ngặt nghèo không còn hy vọng, cho phép bác sĩ ngưng chữa trị, tháo gỡ ống v,v... để khỏi phải kéo dài lê thê thời gian hấp hối và cuộc sống nhân tạo một cách vô ích. Mình ước mong được ra đi trong phẩm giá.
 
Tại hải ngoại, các chứng từ trên có thể được làm tại văn phòng luật sư hoặc chưởng khế.
(…M’opposer à tout acharnement thérapeutique…maintien en vie par des moyens mécaniques. Souhaiter mourir dignement. M’opposer à ce qu’on me fasse subir une opération ou un traitement qui aurait pour effet me laisser des séquelles graves ou de me laisser dans un état végétatif.)
 
Văn hào Arthur Hugh Clough ( 1819-1861, Anh Quốc) có nói một câu bất hủ :
« Anh không được giết người, nhưng cũng không cần phải cố gắng để giữ lại sự sống »
 
Thou shalt not kill but needst not strive, officiously, to keep alive.
Arthur Hugh Clough (1819-1861)
 
 
Montreal, May 28, 2010

Trở lại Trang KH&TH
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 861072 visitors (2232341 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free