TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Ghiền
 
Lên mạng ngày 23/11/2009

            Ghiền
 
                            Nguyễn thượng Chánh, DVM
 
 
Đố các bạn chất phê nào được sử dụng nhiều nhất trên thế giới? Xin thưa, đây không phải là cần sa hay xì ke ma túy, cũng không phải là thuốc lá, mà đó chính là caffeine hiện diện trong cà phê, nước trà, trong chocolat, cacao, trong một số nước ngọt như Coke, Pepsi, các loại nước giúp tạo sinh lực như Energy drinks, Power drinks (Red Bull, Red Devil, Full Throttle) và cũng có thể thấy trong một số thuốc Tây như Midol, Excedrin, v.v…
 
 
Tại sao thiên hạ thích uống cà phê? 
 
Cà phê là một chất kích thích hưng phấn (stimulant), nó giúp chúng ta bớt mệt mỏi, tỉnh táo và bớt buồn ngủ...
 
Mùa thi cử sinh viên hay dùng cà phê để có thể thức khuya gạo bài…Trong hãng xưởng, thường sau hai tiếng đồng hồ làm việc thì công nhân được phép nghỉ xả hơi 15 phút gọi là pause de café hay coffee break...
 
Khi nhờ ai giúp mình một việc gì thì mình nên trả công cho họ một ít tiền cà phê hay tiền tip cho vui vẻ cả làng.Cà phê dễ gây ghiền nếu được uống thường xuyên.
 Tới cữ ghiền, nhất là vào buổi sáng mà không có cà phê thì kể như không thể làm gì được hết vì chúng ta sẽ bị ngầy ngật, bần thần, uể oải, nhức đầu, buồn ngủ, cai mắt, ngáp vắng ngáp dài khó chịu lắm! Phải làm một tách cà phê đã, rồi sau đó máy mới nóng mà chạy được.
Có người ghiền nặng thì cần phải uống 5-6 cữ trong một ngày, còn ghiền nhẹ thì chỉ cần uống một cữ vào buổi sáng là đủ rồi.
 Người Phần Lan (Finlande) uống nhiều cà phê nhất thế giới, tiêu thụ trung bình khoảng 11,3kg/năm tương đương với 5 tách/ngày. Brazil là nước sản xuất nhiều cà phê nhất, với 1,7 triệu tấn/năm chiếm 25% thị trường quốc tế, kế đến là Việt Nam đứng hàng thứ nhì chiếm 7,5% (nguồnThe British coffee Association).
 
Cà phê cứt chồn: Good to the last dropping!
 
Đắt tiền và hiếm nhất thế giới, giá từ US $350/kg trở lên. Đây là một thứ cà phê mà chúng ta chỉ có nghe nói đến mà thôi, chớ ít có ai biết mùi vị thật sự của nó ra sao. Tại một số tiệm cà phê bên nhà, đôi khi họ nói có bán cà phê cứt chồn nhưng đó chẳng qua là một lối quảng cáo mà thôi. Tại hải ngoại, cà phê cứt chồn Kopi Luwak nhập cảng trực tiếp từ Indonesia được thấy bán tại một số tiệm cà phê cao cấp đặc biệt là vùng California. Giá bán lẻ cũng phải $10 cho một tách...
Hiện nay, trên thế giới Indonesia là quốc gia chuyên sản xuất cà phê cứt chồn Kopi Luwak (tiếng Indonesia, Kopi là cà phê, Luwak là chồn). Sumatra, Java, Bali và Sulawesi là những vùng của Indonesia được nhắc nhở nhiều về cà phê cứt chồn.
 Tại những nơi nầy, các giống cà phê như Robusta và Arabica được trồng rất nhiều. Những cánh rừng hoang du sầm uất bao phủ các bán đảo Indonesia cũng là nơi sinh sống của một loại chồn mà có người còn gọi là cầy hương (palm civet, musang, toddy cat) và có tên khoa học là paradoxurus hermaphroditus (loại chồn nầy mấy năm về trước bị nghi là thủ phạm có mang virus Corona, tác nhân dịch bệnh SARS tại Trung Quốc và Đông Nam Á).
 Về đêm, loài cầy hương thường đi tìm các trái cà phê thật chín cây để ăn. Chúng chỉ ăn lớp ngoài của trái cà phê và nuốt luôn tất cả hạt vào trong bụng. Trong đường tiêu hóa, hạt cà phê bị các enzymes làm cho lên men và tạo cho chúng một hương vị đặc biệt. Theo thiển ý riêng của người viết, loài vật nầy nhờ có những hạch xạ hương quanh vùng hậu môn (perineal glands) nên có thể đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc tạo cho cà phê cứt chồn có một mùi vị thật đặc biệt. Hạt cà phê sau đó theo phân ra ngoài từng khúm và được nông dân thu lượm, đem rửa, phơi khô rồi bán lại cho các công ty cà phê để họ xấy bán trên thị trường quốc tế...Philippine cũng có sản xuất cà phê cứt chồn mà họ gọi là Kape Alamid…
Tại Việt Nam nghe nói cũng có cà phê cứt chồn (weasel coffee), đặc biệt là ở vùng cao nguyên Ban Mê Thuột. Không biết có bạn nào có dịp thưởng thức chưa. Vì tính cách hiếm quý của món hàng nên con buôn không ngần ngại gì mà không sản xuất ra cà phê cứt chồn giả để trục lợi. Theo quảng cáo của công ty cà phê nổi tiếng Trung Nguyên, thì họ cũng có sản xuất ra được một loại cà phê chồn nhưng đây thật sự ra chỉ là một loại cà phê thượng đẳng do Trung Nguyên tạo ra bằng cách ủ hạt cà phê một cách nhân tạo với các loại enzymes đặc biệt...Hoàn toàn không có sự tham dự của một con chồn nào cả. Sản phẩm cà phê chồn của Trung Nguyên nhắm vào thị trường quốc tế với cái tên là Trung Nguyên’s Legendee. Theo quảng cáo thì đây là một loại cà phê cao cấp cho một hương vị thơm ngon tuyệt vời nhưng giá bán ra chỉ có $59.97/kg tức là muời lần rẻ hơn cà phê Kopi Luwak chánh hiệu con nai của Indonesia. Những ai có dịp uống cà phê cứt chồn tại VN rất có thể đó chẳng qua là họ đã uống cà phê cứt chồn dỏm Trung Nguyên’s Legendee mà thôi...
 
Vài năm trước đây, Gs Massimo Marcone, University of Guelph Canada, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về cà phê cứt chồn Kopi Luwak. Ông ta nhận thấy cà phê Kopi Luwak nhờ được rang (roasted) ở nhiệt độ cao 249 độ C nên bị nhiễm rất ít vi khuẩn đường ruột. Mùi vị của cà phê Kopi Luwak cũng rất đặc biệt có một không hai. Gs M. Marcone kết luận quả thật có sự khác biệt rất nhiều về hương vị, màu sắc và đặc biệt là hàm lượng protein trong hạt cà phê cứt chồn đã bị enzymes phân hủy đi rất nhiều làm cho bớt tính đắng.
 Nói tóm lại, phần đông người tiêu thụ mua cà phê cứt chồn vì hiếu kỳ và nhất là vì tính chất huyền bí của nó chớ không nhất thiết là để tìm cái hương vị tuyệt vời của cà phê (People are buying this product for the mystique, not necessarily for the flavour). Theo Chris Rubin, một dân sành điệu cà phê đã tán tụng cà phê Kopi Luwak bằng những lời lẽ như sau:...The aroma is rich and strong, and the coffee is incredibly full bodied, almost syrupy. It’s thick with a hint of chocolate, and lingers on the tongue with a long, cleanaftertaste. It’s definitely oneof the most interesting and usual cups I’ve ever had...
Theo kỹ nghệ cà phê cho biết, thì cả thế giới mỗi năm chỉ có thể sản xuất được vào khoảng từ 200 đến 300kg cà phê cứt chồn thứ thiệt mà thôi. Với số lượng quá ít ỏi như thế nhưng người ta tự hỏi tại sao cà phê cứt chồn lại thấy bán đầy rẫy hầu như khắp mọi nơi trên thế giới? Quảng cáo trên Internet cũng rất nhiều.
Giá cả thì rất chênh lệch nhau tùy theo nơi bán. Hàng giả hay hàng thiệt gì đi nữa thì chỉ có Ông Trời và người bán mới biết được mà thôi.Nếu muốn mua thì cứ việc mua chớ có run. Các bạn nào chịu chơi hay muốn tự khẳng định mình để cho bạn bè…lé mắt, thì cứ thử order đại vài ba ký Kopi Luwak uống chơi cho biết với người ta. Các bạn có thể mua online tại các địa chỉ sau đây:
www.paradise-coffee.com. Nhận Master card và Visa.
 (Xin nói rõ là tác giả không có phần hùn trong các công ty cà phê đã nêu tên ở trên).
 
 
 
 
 
 
 
Cũng phải lắm công phu
 
 
Nói về cách pha thì cũng có cả chục cách tùy theo quốc gia. Nào là espresso, cappuccino, cà phê phin, cà phê máy nhểu lỏn tỏn, cà phê cái nồi ngồi trên cái cốc kiểu Việt Nam, cà phê bít tất hay cà phê vớ (bỏ cà phê vào túi vải rồi đem nấu), cà phê nấu thẳng trong nồi kiểu Thổ nhĩ Kỳ, v.v…Còn muốn chơi sang thì ra chợ rinh về một cái máy đa năng có thể vừa xay, vừa pha chế đủ loại cà phê theo ý muốn mình rất tiện lợi mỗi khi tiếp đải bạn bè ở nhà.
 
Nói về cà phê thì nhiều vô số kể, không biết có bao nhiêu loại mà kể cho hết được. Hai giống cà phê thường thấy được trồng bên VN nhiều nhất là Robusta và ít hơn là Arabica.
Theo các nhà thực vật học, trong thiên nhiên phải có lối năm sáu ngàn giống cà phê nhưng chỉ có một số rất ít giống được con người khai thác để lấy hạt mà thôi. Phẩm chất và hương vị của mỗi loại cà phê cũng không giống nhau. Chúng khác nhau vì cách sản xuất, cách ủ, cách ướp, cách rang và đôi khi còn tùy thuộc cách pha của cô hàng cà phê nữa...Làm biếng muốn cho lẹ thì uống cà phê tan liền (instant coffee).
 Còn sợ uống cà phê có hại thì có thể chọn loại cà phê đã được rút bớt caffeine gọi là decaffeinated hay decaf. Có dư luận đồn rằng uống loại cà phê nầy có thể có hại cho sức khỏe hơn cả cà phê thường, bởi nó còn sót lại các hóa chất dùng để trích bỏ caffeine. Đúng là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Không biết có đúng hay không?...
Muốn uống cà phê ngon thì phải uống trong các tiệm chuyên bán cà phê như Starbucks, Second Cup hoặc Papa Joe’s Coffee chẳng hạn, còn nếu vô nhà hàng McDonald mà làm một ly thì uổng tiền lắm. Nhưng vừa đây, McDo cũng thông báo trước bá tánh là đại công ty nầy đang o bế và nâng cấp món cà phê của họ lên với mục đích chính là để lượm thêm bạc cắc và hy vọng có thể giựt bớt khách của các công ty đàn anh chuyên trị cà phê. Danh xưng của nó là Mc Café, nằm chung một chỗ với nhà hàng fast food McDo. Đây là một khu vực nho nhỏ chuyên bán cà phê và bánh ngọt. Thật là đủ mọi cách để làm giàu theo kiểu tư bản!...
Có người cho biết bên nhà cũng có nhiều loại cà phê rất độc đáo với những cái tên thật bí hiểm...Thậm chí có những quán cà phê đặc biệt dành cho con trai và các cụ yamaham. Vô đó, dù cho mình già khú cú đế di nữa cũng được mấy em kêu bằng anh ngọt sớt, tê lê mê. Vừa thưởng thức cà phê, vừa nghe nhạc du dương và vừa ôm(đại)…ai cũng được.
 Uống loại cà phê nầy thì mê lắm nhưng nếu uống thường xuyên chắc chắn là sẽ có hại cho sức khỏe và đôi khi cũng dám tan nát luôn cả mái ấm gia đình nữa lắm.
 
 Nói chung theo nhận xét của một số dân ghiền, cà phê ở Bắc Mỹ uống không mấy ngon, uống không đã bằng cà phê bên nhà. Không biết sống ở hải ngoại, đã có bạn nào dám thử hết các loại cà phê thường thấy trong các tiệm chưa? Riêng người viết thì chịu thua.
Mỗi lần vô tiệm Starbucks hoặc Second Cup ở Montreal thì bị chóa mắt khi nhìn lên bảng có hơn 30 món cà phê làm mình rất bối rối chẳng hiểu và chả biết là nên chọn loại cà phê nào. Thôi thì cứ bổn cũ soạn lại, mình chọn những thứ đã quen thuộc như cà phê Moka hay Java regular, capuccino, espresso hoặc café latté (cà phê sữa) cho chắc ăn để khỏi bị hố và khỏi sợ quê. Còn những tên như Caramel Correto, Con Panna, Americano, Moccaccino, Mocha, Café Verona, Espresso Macchiato, Gazabo blend, Terraza blend, v.v…là cái giống gì chẳng hiểu chi cả.
 
 Trong vấn đề uống cà phê, người viết nghĩ rằng ngon hay dở cũng tùy thuộc vào khung cảnh một phần? Nhâm nhi một tách cà phê nóng trong khung cảnh mờ mờ ảo ảo, văng vẳng bên tai là tiếng hát êm dịu và trữ tình của một ca sĩ nào đó, ngoài kia thì mưa rơi lách tách hoặc tuyết rơi lả tả thì quả là rất thú vị và thơ mộng làm sao, phê lắm bạn ơi…Xin thời gian hãy dừng lại. Giây phút tuyệt vời nầy chỉ còn có riêng một mình ta với ta mà thôi! Ở VN, uống cà phê xong, mình còn có quyền ngồi nán lại cả buổi tán dóc với bạn bè và nhâm nhi nước trà nóng, uống hết bình nầy thì xin thêm bình khác và lẽ đương nhiên là món nầy hoàn toàn miễn phí. Ở bên nầy vô nhà hàng Tây uống cà phê hay uống nước trà thì cũng phải trả tiền hết, còn nhà hàng Việt và Tàu thì họ không tính tiền nước trà sau bữa ăn. Thông thường, trong restaurant thì họ chỉ tính tiền có tách đầu mà thôi, uống hết thì cô hầu bàn hỏi mình có muốn uống nữa không để cô ta châm thêm (refill) nhưng không có tính thêm tiền. Cà phê cũng gắn liền với bước thăng trầm của hai vợ chồng người viết. Đó là những năm đen tối 78-79 lúc mình sa cơ thất thế phải bán cà phê vỉa hè tại Saigon để sống và chờ thời...Nhớ hồi 30 năm về trước, lúc mới từ trại tị nạn Thái Lan chân ướt chân ráo đến định cư tại cái xứ lạnh tình nồng nầy, một hôm các nhà bảo trợ (sponsors) dẫn đi ăn tiệm và sau khi ăn đết xe họ hỏi mình muốn uống cà phê hay uống trà. Mình không do dự mà lập tức trả lời tỉnh bơ coffee and tea please. Họ hơi ngạc nhiên một vài giây, nhưng rồi họ cũng tế nhị chiều ý mình mà gọi cà phê và trà. Mình đâu có biết là ở các xứ Tây phương, người ta hoặc uống cà phê hoặc uống trà, thứ nào một thứ mà thôi. Ai mà biết được.
Quê một cục!
 
 
Cà phê không caffeine hay “decaf”
 
Chất caffeine được trích bỏ qua phương pháp ngâm hạt cà phê tươi trong nước, gọi là Swiss water process. Ngày trước, kỹ thuật trích lấy chất caffeine chưa được mấy hoàn chỉnh nên cà phê thường hay bị mất mát đi phần nào hương thơm (arôme) của nó. Ngoài ra và nguy hiểm hơn nữa, là trong cà phê có thể còn sót lại các hóa chất tồn dư như methylene chloridetrichloroethylene đã được sử dụng như những dung môi (solvents) trong việc trích bỏ caffeine. Hai chất nầy có thể gây cancer. Một loại dung môi khác, ethyl acetate cũng có thể được sử dụng. Với cách nầy, cà phê bán ra được gọi là natural decafethyl acetate là một chất hiện diện một cách tự nhiên trong trái cây...
Ngày nay, phương pháp trích lấy caffeine không những rất hữu hiệu mà nó cũng còn rất an toàn hơn xưa nữa. Tiên khởi, hạt cà phê được đem ngâm nước để cho mềm và cũng để giúp chất caffeine tan ra trong nước. Nước ngâm không những có chứa caffeine màđồng thời cũng còn chứa nhiều hợp chất tạo mùi thơm của cà phê. Nước nầy sau đó được đem đi xử lý để thu hồi lại các hương thơm và chúng được đem trộn trở lại vào các hạt cà phê trước khi đem rang. Trong phương pháp nầy, người ta trộn vào nước một loại dung môi có ái lực rất mạnh đối với caffeine, đó là ethyl acetate. Khi đun nóng thì cả chất dung môi lẫn caffeine đều bốc hơi đi và người ta chỉ việc trích lấy và thu hồi lại hương thơm từ trong nước ngâm...Một phương pháp khác không cần đến chất dung môi. Chỉ cần cho nước ngâm hạt cà phê chảy qua một máy lọc đặc biệt chỉ giữ lại caffeine nhưng lại để cho các chất hương thơm đi qua lọc dễ dàng...Ngoài các phương cách vừa nêu trên, người ta cũng có thể dùng phương pháp carbon dioxide (CO2) còn được gọi là Sparkling Water Process. Khi loại khí nầy được làm lạnh thì nó sẽ nén lại thành thể lỏng. Ở thể nầy, caffeine chứa trong hạt sẽ tan ra trong CO2, sau đó người ta đem trở lại nhiệt độ bình thường thì 97% caffeine sẽ bị bốc hơi đi cùng với CO2.
Trong tương lai vài chục năm nữa, với kỹ thuật chuyển đổi gène, người ta hy vọng sẽ được uống cà phê không caffeine một cách thật tự nhiên. Năm 2003 vừa qua, một nhóm khảo cứu gia Nhật Bản đã tạo được một giống cà phê chứa ít caffeine từ 50% đến 70% so với các giống cà phê bình thường. Tháng 6, 2004 sau khi nghiên cứu và khảo sát 3000 giống cà phê Éthiopie, các nhà khoa học đã nhận diện được 3 giống cà phê không có chứa caffeine một cách tự nhiên. Việc kế tiếp là đem gầy giống thêm và đem lai chúng với những giống cà phê có chất lượng cao để có được loại cà phê thượng đẳng không caffeine. Nhưng ít nhất cũng phải chờ 15-20 năm nữa chúng ta mới hy vọng thấy được loại cà phê nầy trên thị trường...Decaf thường hay bị mất đi ít nhiều hương vị của cà phê và có vẻ đắng hơn cà phê thường.
 
 Chất caffeine ảnh hưởng thế nào trên sức khỏe?
 
Khi uống cà phê, từ 30 phút đến một giờ sau thì nồng độ chất caffeine trong máu sẽ đạt mức tối đa và ảnh hưởngcủa nó có thể kéo dài và tồn tại trong cả ngày lận.
 Điểm bất lợi là caffeine làm giảm sự hấp thụ của một số chất như sắt (Fe), calcium, potassium, magnesium, kẽm (Zn), làm mất các vitamins nhóm B như vitamin B1 và vitamin C...
Uống nhiều cà phê, caffeine sẽ kích thích tuyến nang thượng thận tiết ra adrenalin và tuyến tụy tạng tiết ra chất glucagon. Hai hormones nầy có tác dụng chuyển hóa glycogen dự trữ trong gan ra thành glucose để thải vào máu và làm tăng đường huyết lên.
 Nhưng mấy năm trước đây, các nhà khảo cứu Phần Lan lại đưa ra một giả thuyết làm kỹ nghệ cà phê hết sức hài lòng. Họ nói caffeine có thể làm tăng tác dụng của insulin, nhờ vậy giúp vào việc đem glucose vào tế bào và ngừa được phần nào bệnh tiểu đường type 2...Bs Van Dam RM (Harvard University) cũng đưa ra một nhận định tương tợ. Theo ông ta, thì uống 5-6 tách café một ngày có thể làm giảm phần nào nguy cơ xuất hiện bệnh tiểu đường type 2. Ông ta nói rõ là không phải chất caffeine giúp vào việc giảm đường lượng đâu, nhưng có thể là một thành phần nào khác trong cà phê đã tạo nên tác dụng nầy...Xin dân ghiền cà phê chớ vội mừng vì đây mới chỉ là một nhận xét mà thôi.
 Cộng đồng khoa học cũng chưa hoàn toàn nhất trí về điểm uống cà phê để ngừa bệnh tiểu đường và chính Bs Van Dam cũng không bao giờ khuyên bảo mọi người nên dùng café như một phương cách để phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2 (…Van Dam also stressed that he does not recommend coffee as diabetes prevention aid “If you want to lower the risk of diabetes, you’d better focus on whole grain consumption, physical activity and weight loss”). Bs Lenore Arab (Đại Học y khoa UCLA) thì cho rằng cà phê có thể ngăn chặn nguy cơ cancer cột sống, cancer gan, cancer ruột và đồng thời nó cũng có tác dụng giảm cholesterol nữa...
Khỏi phải nói, kỹ nghệ cà phê đã hết sức hoan nghênh những nhận xét vàng ngọc của hai Bs Van Dam và Lenore Arab. Ngược lại, các nhà khoa học rất ư là bối rối vì từ lâu nay các cuộc nghiên cứu đã chứng minh là caffeine có tác dụng làm tăng cholesterol và làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh tiểu đường.
 Kỹ nghệ cà phê rất mạnh và rất có thế lực trên thế giới nhưng hình ảnh của họ chẳng may đã bị lu mờ khi một khảo cứu năm 1982 đã đưa ra kết luận bất lợi là việc uống quá nhiều và uống quá thường xuyên cà phê có thể làm tăng nguy cơ bị cancer tuyến tụy tạng (pancreas).
 
Vì lý do sức khỏe, nên càng ngày càng có nhiều người giảm uống cà phê. Kỹ nghệ cà phê không ngừng phản công để tái lập lại thị trường của họ đã bị tuột dốc thảm thương. Họ thường xuyên thực hiện những cuộc vận động hành lang, gia tăng quảng cáo cũng như tài trợ các công trình khảo cứu có lợi để mong tô điểm lại phần nào hình ảnh không mấy sáng sủa của cà phê. Quả thật, các khảo cứu của Phần Lan, của Bs Van Dam và Bs Lenore Arab chắc chắn đã hỗ trợ không ít cho kỹ nghệ cà phê...
 
 Là người tiêu thụ, chúng ta cũng rất hoang mang trước hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược kiểu nầy. Nói chung thì các nhà khoa học đều khuyên phụ nữ đang mang thai không nên uống nhiều cà phê, vì ở nồng độ quá cao chất caffeine có thể làm xảo thai hoặc gây đẻ non. Trong thời gian mang thai, không nên uống trên 200mg caffeine trong một ngày, tương đương với hai tách cà phê.
 Cũng nên nhớ là caffeine còn được thấy hiện diện trong một số nước giải khát và trong các loại bánh, kẹo có chứa chocolat… Đối với các bà trong thời kỳ mãn kinh cũng cần nên hạn chế cà phê, vì nó có khuynh hướng làm tăng nguy cơ bệnh loãng xương. Nếu uống nhiều cà phê và uống thường xuyên, caffeine có thể làm tăng cholesterol trong máu, gây nhức đầu, tim đập nhanh và đập không đều, hồi hộp, bồi hồi, lo âu, mất ngủ, tăng huyết áp, tăng nhịp thở, tăng chất acide chlorhydrique làm xót bao tử, ợ chua, tiêu chảy và có thể tăng nguy cơ bị sạn thận (kidney stone), v.v…Cà phê và trà là chất lợi tiểu, kích thích thận khiến đi tiểu nhiều. Có người còn cho rằng trà hiệu“Thái Đức” là đặc biệtnhất vì tối mà lỡ uống nó thì phải thức dậy giữa đêm để đi thường xuyên hết còn ngủ nghê gì được! Caffeine có khuynh hướng làm tăng nhu động ruột, bởi vậy sáng sớm sau khi làm một ly cà phê thì một hồi là mắc…ị ngay.
 Nhưng uống cà phê nhiều quá cơ thể sẽ bị mất nước gây táo bón. Caffeine cũng kích thích não giúp chúng ta tỉnh táo hơn và giúp chúng ta bớt buồn ngủ. Các nhà khoa học cho biết là trong cơ thể, về mặt hóa học caffeine thuộc nhóm xanthine. Để có thể tác động, khi vào cơ thể Caffeine liềnchiếm cứ các thụ thể (receptors) của chất adenosine cũng thuộc nhóm xanthine và chất nầy lại do não tiết ra, khiến adenosine không thể hoạt động được. Bình thường adenosine dự phần trong việc tổng hợp ATP là nguồn năng lượng của cơ thể.
 Ngoài ra, adenosine còn là chất làm êm dịu (neuromodulator) hệ thần kinh trung ương và gây buồn ngủ. Bởi vậy khi uống cà phê vào buổi tối thì thường hay bị mất ngủ là vì lẽ adenosine bị mất tác dụng. Cà phê làm tăng công suất của các bắp cơ, nhờ vậy giúp giảm một cách tạm thời cảm giác mệt mỏi.Các tác dụng vừa kể của cà phê cũng có thể thay đổi tùy theo mỗi cá nhân. Có người chỉ cần uống một tách cà phê là bị mất ngủ, nhưng cũng có người khác thì dù có làm hai ba tách cũng chưa thấy nhằm nhò gì.
 
Thế nào là uống quá nhiều cà phê? 
 
Các nhà chuyên môn cho biết là nếu chúng ta uống ít cà phê thì không có gì phải lo hết. Mỗi ngày uống một hai tách, tối đa là bốn tách thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu uống trên sáu tách là không tốt cho sức khỏe. Đây chỉ nói đến các loại cà phê regular bình thường thấy bán khắp nơi cũng như cà phê chúng ta uống mỗi ngày trong sở mà thôi. Nói chung, không nên tiêu thụ hơn 600mg caffeine trong một ngày.
 
 
 
Chứa bao nhiêu caffeine?  
 
Nồng độ caffeine tùy thuộc rất nhiều vào cách biến chế ướp ủ hạt cà phê, vào cách pha cà phê, pha đậm hay pha lợt. Nấu cà phê trong nồi trong siêu sẽ cho một nồng độ caffeine rất cao. Đây là một phương pháp khá phổ biến của các dân tộc Bắc Âu. Nấu càng lâu caffeine ra càng nhiều. Cà phê Robusta thường chứa nhiều chất caffeine hơn cà phê Arabica.
 
*1 tách cà phê regular kiểu Âu Mỹ: 150mg caffeine.
*1 tách cà phê tan liền: 100mg caffeine.
*1 tách espresso: 80mg caffeine.
*1 tách cà phê decaffeinated (đã được gạn bỏ 97 % caffeine): 3mg caffeine.
*1 tách trà: 50mg caffeine.
*1 lon Coca 250 ml: 35mg caffeine.
*1 ly sữa chocolat: 5mg caffeine.
*1 thỏi chocolat 200gr: 20-60mg caffeine.
*1 viên thuốc Midol: 32mg caffeine.
*1 viên thuốc Excedrin: 65mg caffeine.
*Nước tăng sinh lực: Red Bull, lon 250ml chứa 80mg caffeine.
                          Full Throll, lon 473ml, 141mg caffeine.  
                                                                                         
Uống nước trà có tốt hơn uống cà phê hay không? 
  
Uống trà có lợi hơn uống cà phê vì trà chứa ít caffeine hơn cà phê. Bên cạnh caffeine, trà còn có chứa chất theophyllinetheobromine. Chất theophylline rất tốt cho phổi, giúp giãn nở phế quản và ngừa suyễn. Theobromine có công dụng làm lợi tiểu và làm êm dịu thần kinh. Trà cũng còn chứa thêm chất chát (tannin) nữa. Khác với cà phê, trà nấu lâu trong nồi, nồng độ caffeine sẽ tăng không đáng kể nhưng chất tannin sẽ tăng nhiều làm cho trà có vị đắng và chát hơn. Ngoài ra, trà nhất là trà xanh còn chứa các chất chống oxy hoá antioxidants như flavonoides có tác dụng khử các gốc tự do (free radical), là những chất độc cho tế bào. Người ta còn nói là trà xanh có thể giúp giảm cholesterol và làm giảm nguy cơ xuất hiện của một vài loại cancer. Tuy nhiên, có một số nhà khoa học cho rằng sự kiện uống thường xuyên trà quá nóng có thể làm tăng nguy cơ bị cancer bao tử? Trà có thể gây trở ngại trong việc hấp thụ chất sắt. Nếu bạn có bệnh sử về vấn đề sỏi sạn đường tiết niệu (calcul urinaire oxalo calcique) thì nên tránh bớt trà, nhất là trà đen vì chúng chứa rất nhiều acide oxalique, vậy hãy cẩn thận!.Ngoài ra, uống trà và cà phê quá thường xuyên dễ làm cho răng trở nên sậm màu làm mất hết vẻ thẩm mỹ.
 
 
 
Có cách nào để giảm bớt lượng caffeine tiêu thụ hay không? 
 
*Chỉ nên uống ít cà phê.
*Uống các loại cà phê không caffeine.
*Nên uống trà hơn là uống cà phê.
*Có uống cà phê thì không nên pha quá đậm đặc.
*Hạn chế việc ăn bánh kẹo có chứa nhiều chocolat.
*Bớt uống các loại nước ngọt (Coca, Pepsi) hay các loại nước tạo sinh lực
 có chứa quá nhiều caffeine.
 
 
Kết luận
 
Ngành y dược cũng thường sử dụng chất caffeine như một dược liệu. Mấy năm gần đây cũng có một số nhà khoa học đã cho biết là chất caffeine có thể gúp giảm nguy cơ xuất hiện bệnh diabetes type 2 và có thể có ích để giúp phòng ngừa sâu răng nhờ vào chất tannin trong cà phê. Caffeine ngừa được bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, ngừa sỏi mật (gallstone), cải thiện các nhận thức ngoại cảnh (cognitive performance), thậm chí có khảo cứu nói  rằng cà phê nhờ có chứa nhiều chất chống oxyt hóa antioxidants nên rất tốt để ngừa vài loại cancer...Khi cà phê được rang lên, chất trigonelline (là một precursor) sẽ chuyển ra thành hợp chất methylpyridium và chất nầy cho thấy có thể giúp ngừa được cancer ruột...Nên biết rằng các kết luận trên chỉ là những nhận xét và suy diễn từ một vài công trình khảo cứu trong những điều kiện thí nghiệm nhất định nào đó mà thôi. Vậy chúng ta nên cẩn thận không nên quá vội lạc quan đối với cà phê. Bên cạnh một số điểm khích lệ vừa nêu, thì trong thực tế sự lạm dụng cà phê cho thấy nó thường gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe. Bởi vậy càng ngày càng có nhiều người giảm bớt việc uống cà phê, thậm chí có người còn bỏ luôn thói quen này.
 
Chắc một số không ít các bạn cũng như người viết đều là dân ghiền cà phê cả. Bỏ cà phê cũng không phải dễ gì. Tốt hơn hết là nên hạn chế bớt món kích thích này…Không nên lạm dụng nó. Trong mấy thứ ghiền, theo thiển ý riêng người viết, cái món ghiền cà phê (ở nhà) hình như là…nhẹ tội nhất!
 
Đúng là bỏ thì thương, mà vương thì tội. Thôi thì thà mình đành chịu tội vậy./.
 
 
 Tham khảo:
 
-Van Dam RM, Hu FB. Coffee Consumption and Risk of Type 2 Diabetes.
    A Systemic Review. JAMA 2005; 294: 97-104.
-Todd Zwillich. Researchers look for health benefits of popular drink.  
   WebMD, April 2007.
-JaakkoTuomilehto MD, PhD et al.Coffee Consumption and Risk of Type 2
   Diabete Mellitus Among Midle-aged Finnish Men and Women. JAMA
   2004;291:1213-1219.
- Massimo F.Marcone. Composition and properties of Indonesian palm
    civet coffee (Kopi Luwak) and Ethiopan civet coffee. Food Research
  International, vol 37, Issue 9, 2004.
- Krysty Nudds. Food scientist puts “world’s rarest coffee” through the
 Paces. Research News, University of Guelph.
-Trung Nguyên Coffee. Legendee.
- Coffee and Health. Wikipedia.
- Civet coffee: good to the last dropping. USA Today.
 
 
Montreal, Nov 21, 2009
 
Trở lại Trang Khoa Học
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860984 visitors (2232104 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free