Lên mạng ngày 14/2/2011
Bệnh Hay Quên Của Người Cao Tuổi
Nhớ nhớ, quên quên được xem là đặc điểm của người già, đây là điều không thể tránh khỏi một khi đã có tuổi, dễ quên, khó nhớ là điều mà người ta cho rằng đó là “bị lẫn”. Thống kê, có tới 5% người ở độ tuổi 65 mắc tình trạng này; còn ở độ tuổi 80 thì tỷ lệ này là 15-20%, trong đó tỷ lệ ở phụ nữ cao gấp 3-5 lần hơn đấng mày râu.
Bệnh lẫn ở người già là một diễn biến bệnh lý do suy thoái não bộ. Trong não người có khoảng 4 tỉ tế bào thần kinh. Khi dần dần bị suy thoái, não thu nhỏ lại, trọng lượng giảm, chức năng giảm, kéo theo phận sự của tế bào nhớ nhung giảm sút, do đó dễ bị mất trí nhớ là vậy. Y học chỉ giải thích một cách tổng quát cũng hợp lý cho nguyên nhân gây bệnh lẫn ở tuổi già, thống kê cho biết thêm là hiện tượng này có liên quan mật thiết đến di truyền; và những người có tiền sử bị chấn thương đầu; xơ cứng động mạch não thì tỉ lệ mắc bệnh tương đối cao hơn những người bình thường, nghe qua cũng có lý; ngoài ra thống kê cho biết rằng có liên quan đến hoàn cảnh sinh sống, dinh dưỡng và cả tâm lý nữa.
Theo cổ ngữ, trí nhớ giảm, chóng quên thuộc bệnh gọi là “kiện vong”. Chóng quên là bỗng chốc liền quên việc vừa xảy ra, lời vừa nói đã quên ngay trước lẫn sau. Giải thích rằng là do: “Lo nghĩ thái quá làm thương tổn đến tâm, tâm thương tổn thì huyết hao kiệt, tâm thần không vững hại đến tỳ, làm vị khí suy yếu, cho nên bệnh này phát ra đều bởi hai tạng tâm và tỳ, phép chữa nên an thần, dưỡng huyết, bớt ưu tư, phiền não”. Nhưng tế bào trung khu thần kinh đã thoái vị rồi thì không bao giờ có thể tái tạo lại.
Xét lại cho cặn kẽ như đã trình bày ở trên, trung khu thần kinh là não bộ và tủy sống kiểm soát toàn thể sinh lý cơ thể từ hệ tiêu hóa biến dưỡng, hô hấp, tuần hoàn, bài tiết, sinh dục, hoạt động….Đến lúc tế bào não tiêu hao khi về già thì không có phương pháp nào trị cho dứt. Nên từ ngàn xưa tiền nhân đã mơ đến cỏi thiên thai ở nơi đó con người trẻ mãi không có tuổi già.
BS Trần Văn Diên, CT 70-73 ngày 12/02/2011