Lên mạng ngày 9/7/2010
Sản Xuất Lúa Gạo Trong Thế Kỷ 21:
Thử Thách, Cơ Hội Kỹ Thuật và
Chính Sách
T.S. Nguyễn Văn Ngưu
Thư Ký Điều Hành, Ủy Ban Lúa Gạo Quốc tế,
FAO, Rome, Italy
Nguu.nguyen@fao.org
1. DẪN NHẬP
2. SẢN XUẤT LÚA GẠO TRONG 30 NĂM QUA (1975 – 2005)
3. THỬ THÁCH CỦA SẢN XUẤT LÚA GẠO TRONG THẾ KỶ 21
4. CƠ HỘI KỸ THUẬT CHO SẢN XUẤT LÚA GẠO TRONG THẾ KỶ 21
5. CHÍNH SÁCH CHO SẢN XUẤT LÚA GẠO TRONG THẾ KỶ 21
6. VÀI LỜI KẾT THÚC
1. DẪN NHẬP
Lúa gạo là thức ăn căn bản của dân chúng Việt Nam. Theo tài liệu của Chương trình điều tra mức sống của dân Việt Nam sống trong nước trong năm 1992-1993, cơm là thức ăn chính của 99.9% hộ dân Việt Nam và gạo đóng góp đến gần ba phần tư số năng lượng thức ăn của người Việt Nam (GSO, 1995). Công việc trồng lúa đã tạo ra tiền của cho dân chúng để trang trải cho các chi tiêu của cuộc sống. Ngành sản xuất lúa gạo là ngành sản xuất căn bản của nông nghiệp Việt Nam từ xưa cho tới ngày nay. Ngành sản xuất này trong 30 năm qua đã đạt nhiều kết quả và thành công quan trọng và chuyển Việt Nam từ một nước nhập khẩu qua xuất khẩu lúa gạo. Ngày nay dân chúng Việt Nam đã có ăn no. Tuy nhiên, phần lớn dân chúng vẫn chưa có ăn đủ chất dinh dưỡng cho sức phát triển và sức khỏe của con người. Kinh tế đã và đang phát triển nhanh và lợi tức bình quân của dân chúng nói chung đã có tăng lên nhiều, nhất là ở thành phố. Xuất khẩu lúa gạo đã đóng góp rất cụ thể vào công trình phát triển kinh tế sau 1989. Song le, phần lớn, nông dân sản xuất lúa vẫn còn nghèo. Thâm canh lúa trong 30 năm qua cũng đã gây ra nhiều ô nhiễm trên môi trường và khí hậu thế giới đã và đang có nhiều thay đổi. Lúa gạo sẽ tiếp tục là thức ăn căn bản của dân chúng Việt Nam và ngành sản xuất lúa gạo sẽ tiếp tục đóng góp vào công trình phát triển kinh tế của đất nước trong thế kỷ 21 (Hình 1). Phần đầu của bài này cố gắng phân tích các yếu tố kỹ thuật và kết qủa của ngành sản xuất lúa gạo trong 30 năm qua (1975 - 2005). Các phần tiếp cố gắng phân tích các thử thách và cơ hội kỹ thuật của ngành sản xuất lúa gạo trong thế kỷ 21 trước khi bàn đến một số đề nghị về chính sách và chương trình cho ngành sản xuất lúa gạo bền vững và có khả năng cạnh tranh cao để cải thiện mức sống của dân chúng, nhất là tăng lợi tức của nông dân trong thế kỷ 21.
2. SẢN XUẤT LÚA GẠO TRONG 30 NĂM QUA (1975 – 2005)
Ngành sản xuất lúa gạo trong 30 năm qua có (thể xếp vào) 4 thời kỳ khác nhau: thời kỳ sửa soạn từ 1975 đến 1980; thời kỳ đi lên từ 1980 đến 1990, thời kỳ phát triển nhanh từ 1990 đến 2000; và thời kỳ trưởng thành, từ 2000 đến 2005. Các yếu tố kỹ thuật và kết quả của ngành sản xuất lúa gạo trong các thời kỳ này thay đổi và khác nhau rất nhiều.
2.1. Thời kỳ sửa soạn: 1975 - 1980
Trong năm 1975, Việt Nam được xếp vào các nước nghèo và ít phát triển nhất trong thế giới. Trong năm này diện tích đất nông nghiệp chỉ có chừng 7,3 triệu ha, trong đó đất lúa chiếm gần 70%. Tổng sản lượng lúa trong năm 1975 là 10,29 triệu tấn; thu hoạch từ 4,85 triệu ha với một năng suất bình quân chừng 2,17 tấn/ha. Dân số Việt Nam trong năm 1975 được chừng 48 triệu người. Do đó bình quân tổng sản lượng lúa trong năm này chỉ có 214,5 kg lúa/ người. Dân chúng không có đủ lúa để ăn no và an ninh lương thực của dân chúng không có bảo đảm. Chính phủ Việt Nam phải nhập chừng 538.462 tấn lúa gạo trong năm 1975 để cung cấp lương thực cho dân chúng. Từ 1975 đến 1980, ngành sản xuất lúa gạo ở trong thời kỳ sửa soạn với các chương trình có mục tiêu tạo điều kiện căn bản cho sản xuất lúa gạo như đẩy mạnh diện tích trồng các giống cao năng suất và phát triển diện tích đất trồng lúa.
Các giống lúa trồng trước đây ở Việt Nam là các giống lúa cổ truyền với năng suất tiềm năng thấp hơn 5 tấn/ha, ít có phản ứng khi được bón phân, nhất là phân đạm, có quang cảm và dễ ngã. Trong năm 1966 IRRI cho ra giống IR8, còn được gọi là “miracle rice” và Trung Tâm Thí Nghiệm Lúa ở Long Định nhập một số hạt của giống này và trồng thí nghiệm trên 2.000 mét vuông. Đến khi gặt, giống IR8 cho ra năng suất 4 tấn/ha trong khi đó giống lúa cổ truyền cho ra năng suất 2 tấn/ha (Trần Văn Đạt, 2002). Trong tháng 11 năm 1967 giống IR8 có tên là Thần Nông ở miền Nam Việt Nam (Tôn Thất Trình, tin trao đổi). Giống IR8 và các giống lúa cao năng suất được tạo ra sau IR8 có những đặc tính sau: Năng suất cao (có thể lên đến 10 tấn/ha); thân thấp/lùn (90-100 cm); không ngã khi được bón phân; lá ngắn, đứng thẳng và có chiều rộng trung bình; tỷ số hạt/rơm = 1; và không có quang cảm. Từ 1967 đến 1975, miền Nam Việt Nam nhập các giống IR8, IR5, IR20, IR22, RD1 và IR26 để trồng. Diện tích lúa cao năng suất ở miền Nam Việt Nam lên đến 900,000 ha trong năm 1975. Giống IR8 cũng được đem ra trồng đại trà ở ĐB Sông Hồng và có tên là Nông Nghiệp 8. Trong năm 1978, Việt Nam nhập 250 tấn hạt của giống IR36 và trong năm 1981 giống IR42 được nhập vào để trồng trên các vùng đất mặn. Từ 1978 đến 1983, Việt Nam nhập 11 giống IRRI để trồng (Darymple, 1986 và Khush et al., 1995).
Sau năm 1975 đất đai ở Đồng Bằng Sông Cửu Long được phát triển và cải thiện cho công việc trồng lúa (Nguyễn Hữu Nghĩa, 1996). Diện tích gặt lúa do đó tăng nhanh, từ 4,85 triệu ha trong năm 1975 lên đến 5,60 triệu ha trong năm 1980. Diện tích đất nông nghiệp có tưới tiêu trong năm 1980 chỉ có 1,7 triệu ha (FAOSTAT). Phần lớn ruộng lúa còn tùy thuộc nhiều vào các yếu tố khí hậu như mưa, lụt và khô hạn. Vì thiếu tưới tiêu nông dân không bón nhiều phân cho lúa. Tổng số lượng phân bón dùng trong nước chỉ có 155.176 tấn trong năm 1980. Năng suất lúa bình quân giữa 1975 và 1980 không thay đổi -- 2120 kg/ha trong năm 1975 và 2020 kg/ha trong năm 1980 -- cho dù dân chúng đã trồng các giống lúa cao năng suất. Tổng sản lượng lúa, do đó, chỉ tăng chừng 1 triệu tấn, từ 10,29 triệu tấn trong năm 1975 lên đến 11,67 triệu tấn trong năm 1980. Bình quân tổng sản lượng lúa chỉ tăng chừng 5 kg/người/năm giữa 1975 đến 1980 (Bang 1). Dân chúng không có đủ lúa để ăn no và chính phủ phải nhập lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực của dân chúng.
Bảng 1: Diện tích gặt lúa, năng suất lúa, và tổng sản lượng lúa và dân số (FAOSTAT) và bình quân tổng sản lượng lúa, 1975 -2005 (* tính dựa vào số liệu trong các cột trước)
Năm Diện tích Năng suất Tổng sản Dân số Bình quân tổng
Gặt lúa lúa lượng lúa sản lượng lúa
(triệu ha) (kg/ha) (triệu tấn) (triệu người) (kg/người)*
1975 4,85 2120 10.29 47.92 214,7
1980 5,60 2020 11.67 53.11 219,7
1985 5,70 2783 15.87 59.08 268,6
1990 6,02 3181 19.25 66.07 290,9
1995 6,76 3689 24.96 72.84 342,7
2000 7,66 4243 32.52 78.13 416,3
2005 7,32 4885 35.79 - -
2.2. Thời kỳ đi lên (Take-off): 1980 - 1990
Kinh nghiệm trong thời kỳ sửa soạn (1975-1980) cho thấy các giống lúa cao năng suất và diện tích đất trồng lúa nhiều cũng không đủ để tăng tổng sản lượng lúa nhanh để cung cấp đủ lúa cho dân chúng ăn. Các chương trình có mục tiêu phát triển diện tích đất trồng lúa có tưới tiêu, do đó, được đẩy mạnh. Diện tích đất nông nghiệp có tưới tiêu trong năm 1985 lên đến 2,5 triệu mẩu tây (FAOSTAT). Nhờ có tưới tiêu nông dân dùng nhiều phân. Lượng phân bón dùng trong nước tăng lên đến 385.600 tấn trong năm 1985 (FAOSTAT). Dân chúng, song le, vẫn chưa có điều kiện để thâm canh nên diện tích gặt lúa trong năm 1985 chỉ có 5,70 triệu mẩu tây. Nhờ có tưới tiêu và phân bón năng suất tăng lên nhanh, đến 2785 kg/ha trong năm 1985. Tổng sản lượng lúa, do đó, tăng lên đến 15,87 triệu tấn với bình quân là 268,6 kg/người trong năm 1985, cho dù dân so có tăng (Bảng 1). Sản xuất lúa đã cung cấp đủ lúa để dân chúng ăn trong năm này.
Thành công khích lệ trong các năm 1980 – 1985, chứng minh vai trò quan trọng của tưới tiêu và phân bón trên sản xuất lúa. Diện tích đất nông nghiệp có tưới tiêu tiếp tục được tăng lên đến 2,9 triệu mẩu tây trong năm 1990 (FAOSTAT). Nông dân bắt đầu tăng gia thâm canh, trồng hai hay ba mùa lúa trên một diện tích đất trong một năm. Hệ số thâm canh lúa trong năm 1985 đã đạt được 1,33 và tăng lên đến 1,47 trong năm 1990 (Thống Kê Nông Nghiệp, 1996). Theo kinh nghiệm, nông dân từ Quảng Trị vào Nam, chuyển mùa từ lúa Mùa qua lúa Hè Thu để tránh lụt trong các tháng 10 và 11. Nông dân cũng tăng diện tích lúa Đông Xuân, mùa có nhiều ánh sáng. Năng suất lúa thường cao khi có nhiều ánh sáng (Nguyễn Văn Ngưu và De Datta, 1979). Diện tích gặt của lúa Mùa giảm từ 3,08 triệu mẩu tây trong năm 1985 xuống đến 2,73 triệu mẩu tây trong năm 1990; trong khi đó diện tích gặt của lúa Hè Thu (0,85 lên đến 1,21 triệu mẩu tây) và của lúa Đông-Xuân (1,76 lên đến 2,07 triệu mẩu tây) tăng nhanh (Nguyễn Sinh Cúc, 1996 và Thống Kê Nông Nghiệp, 1999).
Nông dân cũng dùng nhiều phân hơn. Vũ Tuyến Hoàng (1990) báo cáo rằng nông dân bón chừng 80 đến 100 kgN/ha cho lúa Đông-Xuân và chừng 70 đến 80 kgN/ha cho lúa Mùa và lúa Hè-Thu. Nguyễn Hữu Nghĩa (1996) báo cáo rằng hầu hết nông dân trồng lúa nước có tưới tiêu bón phân hóa học cho lúa và chừng 45% nông dân trồng lúa nước ngập sâu bón phân cho lúa. Lượng phân bón dùng trong nước tăng lên đến 544.488 tấn, trong đó 382.640 tấn phân urea, trong năm 1990 (FAOSTAT).
Trong năm 1990 diện tích gặt lúa toàn nước đạt được 6,02 triệu mẩu tây, năng suất lúa tăng lên đến 3181 kg/ha, và tổng sản lượng lúa lên đến 19,25 triệu tấn (Bảng số 1). Sản xuất lúa đã không những cung cấp đủ lúa để dân chúng ăn, mà còn dư thừa để xuất khẩu. Thực ra Việt Nam đã xuất khẩu chừng 2,09 triệu tấn và chỉ nhập khẩu chừng 81 ngàn tấn lúa gạo trong năm 1989 (FAOSTAT). Ngành sản xuất lúa trong thời kỳ đi lên đã chuyển Việt Nam từ một nước nhập khẩu qua một nước xuất khẩu lúa gạo.
2.3. Thời kỳ phát triển nhanh: 1990 – 2000
Các chương trình có mục tiêu phát triển diện tích đất trồng lúa có tưới tiêu được tiếp tục đẩy mạnh. Trong các năm 1995 - 1997, diện tích gặt lúa toàn nước gồm có: 3,18 triệu ha lúa nước có tưới tiêu, 1,21 triệu ha lúa nước không có tưới tiêu, 410.000 ha lúa nước ngập sâu và 420.000 ha ruộng lúa rẫy (Huke va Huke (1997). Diện tích lúa có tưới tiêu ngày nay đã hơn 80% tổng số diện tích gặt lúa (Bùi Bá Bổng, 2004; Bảng 2).
Bảng 2: Diện tích gặt lúa ở Việt Nam trong năm 2001 (Theo UNEP, 2005)
Vụ lúa Diện tích gặt Lúa nước Lúa nước
có tưới tiêu không tưới tiêu
và đất khô
(1000 ha) (%) (%)
Đông Xuân 3.057 94 6
Hè Thu 2.180 100 0
Mùa 2.248 73 17
Tổng Số 7.485 89 11
Trong năm 1988 Nghị Quyết N 10 cho phép nông dân được làm chủ các phương tiện và dụng cụ sản xuất và Nghị Quyết N 5 trong năm 1993 tăng thời gian nông dân có quyền dùng đất nông nghiệp lên đến 50 năm. Hai Nghị Quyết này khích lệ nông dân đầu tư và nhờ vậy số máy cày nông nghiệp toàn nước tăng nhanh, lên đến 145.850 cái trong năm 1999 (Thống kê Nông nghiệp 2000, 2002, 2004). Trong năm 2001 đã có chừng 3.012 máy cày lớn (> 12 CV hay ngựa) và 4.566 máy cày nhỏ (< 12CV) được dùng trong việc sản xuất hằng năm. Cũng trong năm 2001 diện tích đất lúa được làm đất bằng máy cày đã lên đến 2.526.000 ha hay gần 63,5% tổng số diện tích đất lúa trong năm này (Thống Kê Nông Nghiệp, 2002). Nhờ có sức máy công việc làm đất để trồng lúa đã có ít mất công sức và thời gian. Đồng thời các giống lúa ngắn ngày (90 - 100 ngày), cao năng suất và không có quang cảm được cho ra trong thập niên 1990s để dân trồng (Bùi Bá Bổng, 2000). Nhờ các yếu tố này nông dân đã tăng gia thâm canh và hệ số thâm canh lúa tăng nhanh lên đến 1,80 trong năm 2000. Diện tích gặt lúa toàn nước trong năm 2000 đạt được 7,66 triệu ha (Bảng số 1).
Tổng số lượng phân bón hóa học dùng trong nước cũng tăng lên nhanh đến 2.057.600 tấn trong năm 1999. Trong năm 1991 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mua một số hạt giống lúa lai F1 từ Trung Quốc và trồng thí nghiệm trên 100 ha ở miền Bắc (Hình 2). Khi gặt các giống lúa lai này cho năng suất cao hơn năng suất của các giống lúa cao năng suất chừng 20%, tương đương 1 tấn/ha (Nguyễn Công Tạn, 1994). Với giúp đỡ kỹ thuật của FAO trong năm 1992, diện tích gặt lúa lai ở Việt Nam tăng từ 11.300 ha trong năm 1992 lên đến 102.800 ha trong năm 1996 (Quách Ngọc Ân, 1998). Do đó, năng suất tăng lên đến 4.243 kg/ha trong năm 2000 (Bảng số 1).
Trong năm 2000 tổng sản lượng lúa đã đạt được 32,52 triệu tấn với bình quân tổng sản lượng lúa lên đến 416,3 kg/ người. Lượng lúa gạo xuất khẩu trong những năm vào cuối thập niên 1990s đã lên đến gần 4 triệu tấn/năm. Số ngoại tệ thu vào qua xuất khẩu lúa gạo đóng góp vào công trình phát triển kinh tế, trung bình, chừng 500 triệu đô-la/ năm.
Hình 2: Sản xuất hạt giống lúa lai ở Ba Vì (ảnh của Trần Văn Đạt)
2.4. Thời kỳ trưởng thành: 2000 – 2005
Diện tích gặt lúa lai tiếp tục tăng trong thời kỳ này. Trong năm 2004 diện tích gặt lúa lai ở Việt Nam được chừng 600.000 mẩu tây với năng suất lúa lai cao hơn năng suất của lúa cao năng suất chừng 1,5 tấn/ha (Lê Hồng Nhu, 2006). Năng suất lúa, nhờ đó, tăng từ 4.243 kg/ha trong năm 2000 lên đến 4.885 kg/ha trong năm 2005. Tuy nhiên, diện tích gặt lúa toàn nước đã giảm xuống từ 7,66 triệu ha trong năm 2000 xuống đến 7,32 triệu ha trong năm 2005. Do đó, tốc độ tăng của tổng sản lượng lúa trong thời kỳ này đã giảm xuống. Tổng sản lượng lúa trong năm 2005 được chừng 35,79 triệu tấn hay 3,27 triệu tấn cao hơn tổng sản lượng lúa trong năm 2000. Tuy nhiên, mức tăng này (3,27 triệu tấn ) chỉ bằng chừng 50% mức tăng (7,56 triệu tấn) của tổng sản lượng lúa giữa 1995 và 2000 (Bảng số 1). Tổng sản lượng lúa trong thời kỳ này, song le, vẫn đủ để cung cấp lúa cho dân chúng và xuất khẩu. Trong năm 2004, số ngoại tệ thu vào qua xuất khẩu lúa gạo được chừng 1 tỷ US đô-la (Thống kê nông nghiệp, 2006).
Tuy nhiên, phần lớn, nông dân sản xuất lúa vẫn còn nghèo. Trong các năm 2002 - 2003, lợi tức của nông dân sản xuất lúa có tưới tiêu ở ĐB Sông Hồng chỉ có 176.700 ĐVN/tháng/người và ở Trung Bộ chỉ có 226.300 ĐVN/tháng/người (UNEP, 2005). Mức lợi tức này còn thấp hơn tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc cho những người nghèo tuyệt đối (1 $US # 15.000 ĐVN/ngày/ người hay 450.000 ĐVN/ tháng/người). Nông dân do đó giảm diện tích trồng lúa để tăng gia sản xuất các hoa màu khác, chăn nuôi gia súc, và kiếm việc làm khác ngoài đồng ruộng để có thêm lợi tức. Đóng góp của sản xuất lúa vào lợi tức của nông dân đã giảm xuống theo thời gian. Trong các năm 1997-1998 sản xuất lúa đóng góp chừng 46,9% vào lợi tức hàng tháng của nông dân sản xuất lúa có tưới tiêu ở ĐB Sông Hồng và chừng 60,6% ở Trung Bộ. Trong các năm 2002-2003 đóng góp của sản xuất lúa giảm xuống đến chừng 40,4% ở ĐB Sông Hồng và chừng 53,2% ở Trung Bộ (Bảng 3). Nhiều nông dân ở ĐB Sông Cửu Long cũng đã biến đổi đất lúa ra ruộng nuôi tôm cá (Brown, 2005). Diện tích đất lúa cũng giảm đi do gia tăng dân số và phát triển kỹ nghệ (industrialization). Lê Hồng Nhu (1999) báo cáo rằng chừng 20.000 ha đất lúa được dùng hàng năm để xây cất nhà cửa, nhà máy, và đường xá.
Bảng 3: Thành phần của lợi tức hàng tháng của nông dân sản xuất lúa có tưới tiêu (UNEP, 2005)
1997-1998 2002-2003
Đóng Góp ĐB Sông Hồng Trung Bộ ĐB Sông Hồng Trung Bộ
Đóng góp do sản xuất lúa 46,9% 60,6% 40,4% 53,2%
Đóng góp do sản xuất các
hoa màu khác 8,1% 6,1% 7,0% 5,3%
Đóng góp do chăn nuôi
gia súc 23,4% 21,6% 21,9% 27,5%
Đóng góp do việc làm
ngoài đồng ruộng 21,6% 10,8% 30,7% 13,9%
3. THỬ THÁCH CỦA SẢN XUẤT LÚA GẠO TRONG THẾ KỶ 21
Điều kiện kinh tế và xã hội ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong những năm gần. Kinh tế đã và đang phát triển nhanh và lợi tức bình quân của dân chúng nói chung, nhất là ở thành phố đã có tăng lên nhiều. Cải thiện mức dinh dưỡng của dân chúng nói chung và tăng lợi tức của nông dân sẽ tiếp tục là những thử thách chính của ngành sản xuất lúa gạo trong thế kỷ 21. Thâm canh lúa trong 30 năm qua cũng đã gây ra nhiều ô nhiễm trên môi trường. Khí hậu thế giới đã và đang có nhiều thay đổi và có thể có ảnh hưởng không thuận tiện cho sản xuất lúa gạo trong thế kỷ 21.
3.1. Điều kiện kinh tế và xã hội ở Việt Nam trong đầu thế kỷ 21
Kinh tế của Việt Nam đã đi lên nhanh sau năm 1990. Tính theo giá 1994 tổng sản phẩm quốc gia (GDP) tăng từ 13.986 tỷ ĐVN trong năm 1990 lên đến 336.242 tỷ ĐVN trong năm 2003. Cho dù dân số có gia tăng, bình quân GDP/một người tăng từ ĐVN 1,99 triệu trong năm 1990 lên đến ĐVN 4,07 triệu trong năm 2003 (Bảng 4). Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) cũng có báo cáo trong năm 2006 rằng Per capita GNP (lợi tức bình quân) ở Việt Nam trong năm 1995 đã lên được gần 300 Mỹ kim và gần 620 Mỹ kim trong năm 2006. Do đó lợi tức bình quân của dân chúng nói chung, nhất là ở thành phố đã có tăng lên nhiều.
Bảng 4: Tổng sản phẩm quốc gia (GDP), dân số và bình quân GDP trong các năm 1990, 2002 va 2003 (*Thống kê Việt Nam, 2004 ** FAOSTAT)
Năm GDP (Tỷ ĐVN Dân số Bình quân GDP
tính theo giá 1994) (x1000 người)** (triệu ĐVN/ người)
1990 131.986 66.074 1,997
2002 313.247 80.278 3,902
2003 336.242 82.481 4,076
Tuy nhiên, lợi tức của nông dân trồng lúa không theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế. Trong những năm gần đây tổng số thu nhập từ sản xuất lúa ở các vùng có tưới tiêu tự động chỉ có được 9,17 triệu ĐVN (# 600 Mỹ kim /ha/mùa ở Trung Bộ và 11,0 triệu ĐVN (# 740 Mỹ kim) /ha/mùa ở ĐB Sông Hồng. Tổng số thu nhập từ sản xuất lúa ở các vùng không có tưới tiêu tự động thì thấp hơn (Bảng số 5). Song le, lợi tức của nông dân thì thấp vì tổn phí sản xuất cao. Tổng số tổn phí chiếm từ 71 đến 84% tổng số thu từ sản xuất lúa ở ĐB Sông Hồng và ở Trung Bộ trong những năm gần đây. Giá của phân bón, thuốc giết sâu và cỏ và dầu xăng ngày càng tăng. Do đó, tổn phí sản xuất lúa gạo sẽ tăng trong thế kỷ 21.
Bảng 5: Tổn phí, thu nhập và lợi tức từ sản xuất lúa (triệu ĐVN/ha/mùa) (UNEP, 2005)
Vùng có tưới tiêu tự động Vùng không có tưới tiêu tự động*
ĐB Sông Hồng Trung Bộ MV, Trung Bộ TV, Trung Bộ
Tổng số thu 11,048 9,169 6,281 4,902
Tổng số tổn phí 8,336 6,698 5,297 3,515
•Tổn phí phân bón 1,461 1,346 1,255 0,718
•Tổn phí thuốc
giết sâu và cỏ 0,295 0,383 0,468 0,008
•Tổn phí hạt giống 0,321 0,392 0,346 0,215
•Tổn phí
nước tưới tiêu 0,294 0,440 0,408 0,216
•Thuế nông nghiệp 0,425 0,279 0,200 0,200
•Tổn phí máy móc 0,686 0,789 0,726 0,648
•Tổn phí nhân
công thuê 0,130 0,116 0,599 0,618
•Tổn phí nhân
công gia đình 4,724 2,953 1,295 0,892
Lợi tức 2,714 2,472 0,987 1,388
Lợi tức từ sản xuất lúa gạo không được cao do bởi giá lúa gạo thấp. Giữa các năm 1989 và 1996, giá lúa gạo trên thị trường hiện hành tăng hơn 400% (lúa từ 497 ĐVN/kg lên đến 1.822 ĐVN/kg và gạo từ 771 ĐVN/kg lên đến 3.057 ĐVN/kg). Tuy nhiên, khi giá lúa gạo trong năm 1996 được tính theo giá của năm 1989 thì chỉ có được 366 ĐVN/kg lúa và 614 ĐVN/kg gạo (Thống kê nông nghiệp 1999). Diện tích đất lúa nhỏ cũng là một lý do khác của lợi tức thấp của nông dân sản xuất lúa. Tài liệu trong Bảng số 4 cho thấy lợi tức từ 1 mẩu tây lúa. Tuy nhiên, phần lớn diện tích đất của một hộ dân ở nông thôn ngày nay thì rất nhỏ hơn nhiều -- thay đổi từ 0,24 ha ở vung Trung Du Bắc Bộ, 0,32 ha ở ĐB Sông Hồng, 0,43 ha ở Bắc Trung Bộ, 0,55 ha ở Nam Trung Bộ và 1,38 ha ở ĐB Sông Cửu Long (Lê Thành Dương và Võ Tòng Xuân, 1994). Sau khi trừ đi đất cho nhà ở và đất vườn, diện tích đất trồng lúa của một hộ nông dân không còn được bao nhiêu. Bình quân một hộ nông dân ngày nay chỉ có 0,41 ha đất lúa - thay đổi từ 0,23 ha ở ĐB Sông Hồng và chung 1 ha ở ĐB Sông Cửu Long. Do đó, lợi tức từ sản xuất lúa gạo của một hộ nông dân càng ít hơn.
3.2. Mức dinh dưỡng của dân chúng trong đầu thế kỷ 21
Lượng lúa ăn bình quân trong các năm 2000 và 2003 là chừng 252 đến 257 kg/một người và giảm xuống đến 242 kg/một người trong năm 2004 (FAOSTAT). Dân chúng Việt Nam có ăn no, nhưng phần lớn dân chúng vẫn chưa có ăn đủ chất dinh dưỡng cho sức phát triển và sức khỏe của con người. Mặc dù có chứa nhiều năng lực (energy), lúa gạo có chứa ít protein và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức phát triển của con người. Kennedy và cộng tác viên (2002) có các báo cáo sau về tình hình sức khỏe và dinh dưỡng ở Việt Nam:
• Tuổi thọ = 68 tuổi
• Số trẻ em chết dưới 5 tuổi = 40/1000
• Số trẻ em dưới 5 tuổi nhỏ con = 34/1000
• Số trẻ em dưới 5 tuổi thiếu sức nặng = 39/1000
• Số trẻ em dưới 5 tuổi bị bệnh wasting = 11/1000
Các sản phẩm như thịt, cá, trứng, và sữa có chứa nhiều protein trong khi đó rau cải và trái cây có chứa nhiều vitamin. Tuy nhiên, hiện nay lượng thịt, cá, trứng, và sữa tiêu thụ của người Việt Nam vẫn còn ít. Trong thời kỳ từ năm 1990 đến năm 2005 lượng thịt bò, thịt gà và trứng tiêu ở Việt Nam thì thấp so với ở Philippines (có dân số tương đương với dân số Việt Nam) và ở Nam Hàn (có dân số chừng 50% dân số Việt Nam) (Bảng 6). Để cải thiện mức dinh dưỡng dân chúng cần ăn nhiều thịt, cá, trứng, sữa, rau cải và trái cây hơn. Hệ thống sản xuất lúa gạo trong thế kỷ 21 cần thay đổi để tăng sản xuất và cung cấp các thức ăn này cho dân chúng.
Bảng 6: Số lượng protein động vật tiêu thụ ở Đại Hàn, Philippines và Việt Nam từ 1990 đến 2005 (FAOSTAT)
Loại Quốc gia 1990 1995 2000 2005
Trứng (1000 tons) Đại Hàn 363 415 450 524
Philippines 372 430 518 545
Việt Nam 96 136 185 225
Thịt bò (1000 tons)
Đại Hàn 369 401 510 342
Philippines 124 147 261 254
Việt Nam 164 179 184 212
Thịt gà (1000 tons) Đại Hàn 264 387 443 421
Philippines 229 399 533 647
Việt Nam 130 124 295 321
3.3. Cạnh tranh trên tài nguyên đất và nước (Hình 3)
Sau khi có các giống lúa ngắn ngày và cao năng suất và các máy cày, máy bơm nước, nông dân đã thâm canh trồng hai hay ba mùa lúa một năm ỏ các vùng đất có nước tưới tiêu. Song le, diện tích gặt lúa toàn nước trong thời kỳ sản xuất lúa trưởng thành đã giảm xuống từ 7,66 triệu ha trong năm 2000 xuống đến 7,32 triệu ha trong năm 2005 (Bảng 1). Khuynh hướng giảm xuống này của diện tích gặt lúa có lẽ sẽ tiếp tục với đà tăng gia dân số và kinh tế. Để có thêm lợi tức nông dân sẽ giảm diện tích trồng lúa để có đất và nước cho sản xuất các hoa màu khác, nuôi gia súc và tôm cá. Diện tích đất lúa cũng giảm đi do gia tăng dân số và phát triển kỹ nghệ. Trong năm 1996 Việt Nam có chừng 7,68 triệu ha đất nông nghiệp và chừng 4,39 triệu ha đất lúa. Diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam tiếp tục tăng lên đến 9,41 triệu ha trong năm 2002; trong khi đó diện tích đất lúa chỉ có 4,06 triệu ha (Bảng 7). Đất và nước cần cho dân dùng, nhà máy kỹ nghệ và các công việc khác sẽ tăng gia trong tương lai. Tài nguyên đất và nước cần cho sản xuất lúa ở các nước Á châu đã giảm xuống vì cạnh tranh của phát triển kỹ nghệ và thành phố (Barker và cộng tác viên, 1999). Cạnh tranh tài nguyên nước cần cho sản xuất các hoa màu khác, cho phát triển kỹ nghệ và thành phố sẽ càng ngày càng gay gắt trong mùa khô.
Bảng 7: Đất nông nghiệp và đất lúa trong năm 1996 và 2002
(Thống kê nông nghiệp, 2001-2003 và Tập thống kê 1975-2001)
Diện tích đất nông nghiệp Diện tích đất lúa
(triệu Ha) (triệu ha)
1996 7,68 4,39
2002 9,41 4,06
Hình 3: Canh tác lúa bậc thang (ảnh Nguyễn Vũ)
3.4. Ô nhiễm môi trường do sản xuất lúa
Thâm canh và bón phân không cân bằng trong 30 năm đã làm suy thoái rất nhiều mức dinh dưỡng của đất lúa. Nông dân bón nhiều phân đạm và ít các phân khác. Do đó các dưỡng liệu khác cần thiết cho cây lúa tăng trưởng trong đất lúa đã càng ngày càng ít hơn. Các hiện tượng thiếu kẽm, thiếu lân, và các chất dinh dưỡng khác đã tăng lên nhiều (Trần Văn Đạt và Tôn Thất Trình, 1994 và Nguyễn Văn Ngưu, 2002). Phân đạm không dùng hết (residues) đi vào các ao, hồ, và sông làm tăng mức tăng trưởng của các cây rong và gây ra thúi ao, hồ, và do thiếu oxygen.
Thâm canh lúa cũng đã gây ra áp suất của sâu bọ và bệnh lúa như dịch rầy nâu và bệnh lúa lùn trong năm 2006 ở ĐB Sông Cửu Long. Trong những năm 1990s lượng thuốc hóa học giết sâu, giết vi khuẩn, và giết cỏ dùng trên lúa đã tăng nhanh (Bảng . Thuốc hóa học không dùng hết (residues) đi vào đất, nước, ao, hồ, và sông gây hại cho các sinh vật khác sống trong các hệ thống thiên nhiên này và làm ô nhiễm nguồn nước mà dân chúng và các súc vật dùng hàng ngày.
Ruộng lúa là một phần của các hệ thống thiên nhiên. Thâm canh lúa trên đất khô trên đồi, trên núi qua hệ thống phá rừng làm rẫy, đã đẩy mạnh xói mòn đất đai. Ruộng lúa nước phóng thích các khí nhà kính như methane (CH4) và nitrite oxide (N2O). Gần đây việc nuôi tôm cá ở ĐB Sông Cửu Long đã làm tăng hiện tượng thấm mặn trong đất của các ruộng lúa ở gần và xung quanh ruộng nuôi tôm cá (Bùi Bá Bổng, 2004).
Bảng 8: Tổng số lượng thuốc hóa học giết sâu, giết vi khuẩn và giết cỏ dùng ở Việt Nam từ 1991 đến 1999 (UNEP, 2005)
Năm Tổng số lượng thuốc Thuốc giết sâu Thuốc giết vi khuẩn Thuốc giết cỏ
(Tấn) (%) (%) (%)
1991 20.300 83,3 9,5 4,1
1993 24.800 72,7 9,1 15,6
1995 25.666 64,1 13,5 19,4
1997 30.406 50,5 23,9 25,0
1999 33.715 48,3 23,1 26,9
3.5. Thay đổi khí hậu thế giới
Hiện tượng thay đổi khí hậu thế giới đã là một sự thực và là một quan tâm chung của thế giới. Tăng gia nhiệt độ, nâng cao mức nước biển, và thay đổi trên sự phân phối của mưa, bão lụt và khô hạn là những đặc tính chính của thay đổi khí hậu thế giới và có thể có ảnh hưởng không thuận tiện cho sản xuất lúa gạo trong thế kỷ 21. Nhiệt độ của bầu khí quyển đã tăng chừng 0,740 C trong thế kỷ vừa qua và sẽ tiếp tục tăng trong tương lai (IPCC, 2001). Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy năng suất lúa ở các vùng thuộc khí hậu nhiệt đới như ở Philippines (Peng et al. 2004) và India (Mohandrass et al, 1995) giảm khi nhiệt độ của bầu khí quyển tăng lên.
Nước biển sẽ dâng lên dưới ảnh hưởng của hiện tượng hâm nóng toàn cầu, giữa 0,18 và 0,59 mét vào năm 2100 (IPCC, 2001). Hiện nay Việt Nam có chừng 650.000 ha đất mặn (Eutric Fluvisols) ở Đồng Bằng Sông Cửu Long và 350.000 – 650.000 ha đất mặn ở Đồng Bằng Sông Hồng (FAO, 1988). Phần lớn đất lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long chỉ cao hơn mặt biển chừng vài cm đến vài chục cm. Khi mức nước biển nâng cao dưới ảnh hưởng của thay đổi khí hậu thế giới diện tích đất mặn ở Việt Nam có thể sẽ tăng lên và làm khó khăn cho sản xuất lúa. Darwin và cộng tác viên (2005) ước tính rằng diện tích đất thích hợp cho lúa, bắp, mía và cao su ở các vùng thuộc vùng có khí hậu nhiệt đới sẽ giảm chừng 18,4 đến 51 % trong thế kỷ tới. Thay đổi trên sự phân phối của mưa, bão lụt và khô hạn dưới ảnh hưởng của thay đổi khí hậu thế giới sẽ có ảnh hưởng không thuận lợi cho cây lúa phát triển và sản xuất. Năng suất lúa thường thấp khi có bão lụt và khô hạn.
4. CƠ HỘI KỸ THUẬT CHO SẢN XUẤT LÚA GẠO TRONG THẾ KỶ 21
Trong thế kỷ 21 sản xuất lúa gạo ở Việt Nam có thể dùng các kỹ thuật đang có hiện nay để cải thiện mức dinh dưỡng của dân chúng nói chung, tăng lợi tức của nông dân, bảo vệ môi trường, và giảm ảnh hưởng không thuận lợi của thay đổi khí hậu.
4.1. Tạo và dùng các giống lúa mới
Ngoài lúa lai, trong thập niên 1990s, IRRI có lập chương trình tạo giống lúa Super hay New Plant Type với tiềm năng suất chừng 12-13 tấn/ha. Chương trình này vẫn chưa có kết quả chắc chắn, bởi vì tỷ lệ hạt đầy của các giống lúa Super thì đang còn thấp khi chúng được trồng ở các vùng có khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam. Gần đây công nghệ sinh học đã đi nhanh và các giống cây chuyển gen (transgenic) hay genetically modified qua việc chuyển gen (GM) đã được tạo. Phương pháp chuyền gen cũng đang được nhiều viện nghiên cứu (ví dụ IRRI) và các công ty tư áp dụng để tạo các giống lúa có khả năng kháng thuốc giết cỏ, kháng côn trùng với gen Bt, chịu ngập, chịu hạn hán, và giống lúa C-4 có khả năng quang hợp cao như cây bắp. Trong năm 2006, IRRI tuyên bố còn cần hơn 10 năm nữa giống lúa C-4 mới có thể được tạo (IRRI, 2006).
Một số giống lúa GM kháng thuốc giết cỏ và giống lúa GM kháng côn trùng với gen Bt đã được tạo bởi các công ty tư ở USA. Hiện nay các nước thuộc European Community, Nhật Bản, Đại Hàn và Mexico đang cấm nhập gạo từ USA vì gạo xuất khẩu từ USA có hạt gạo GM. Một số viện nghiên cứu ở Việt Nam cũng có chương trình về công nghệ sinh học (Bùi Chí Bửu, 2004). Việt Nam là nước xuất khẩu gạo. Do đó nên cẩn thận để tránh rơi vào trường hợp của USA.
Gần đây, ở Việt Nam đã dùng lai giống ngẩu biến và tạo được các giống lúa cao năng suất và có khả năng chịu mặn cao như VND 95-20 và VND 99-3 để nông dân trồng ở các vùng đất mặn. Giống lúa VND 95-20 có gạo ngon cơm và đã được trồng trên chừng 280.000 ha ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (FAO-IAEA, 2006). Các giống lúa cao năng suất và có khả năng chịu mặn cao có thể giúp làm giảm ảnh hưởng không thuận lợi của thay đổi khí hậu trong thế kỷ 21. Giá lúa và gạo của các giống lúa thơm có gạo ngon cơm Lúa Tám, Nàng Thơm của Việt Nam, Khao Daw Mali 105 của Thailand, và Basmati của Pakistan thường cao hơn giá lúa và gạo của các giống lúa khác. Giống Khao Daw Mali 105 và giống Jasmine 85 của USA đã được trồng trên các vùng đất mặn ở Long An, Trà Vinh và Sóc Trăng. Diện tích gặt của các giống lúa Tám Thơm, Nếp Hòa Vang, Nếp Cẩm, Quế Hương Chiêm, Chí Ưu Hương cũng đã được tăng gần đây. Các giống lúa VD 10, VD 20, và TK 90 có năng suất cao và gạo ngon cơm cũng đã được phóng thích để nông dân trồng (Nguyễn Hữu Nghĩa và cộng tác viên, 2001). Các chương trình lai dùng các giống Khao Daw Mali và Basmati với các giống cao năng suất cũng đang được tiến hành.
Để tăng lợi tức của nông dân các nước khác đã và đang có các chương trình lai các giống lúa có mục tiêu khác như :
• có biomass cao để làm thức ăn cho gia súc và cá: giống lúa Gugan 202 và Xieyou của China (Tang và Wang, 2001) và giống lúa Kusahonami, Kusayutaka, va Kusanohoshi của Nhật Bản (Murayama, 2005)
• có thành phần protein thấp để nấu rượu sake: giống lúa Kuranohana của Nhật (Murayama, 2005)
• có thành phần glutelin cao cho các người có bệnh thận, có thành phần gamma-amino-butyric acid (GABA)
4.2. Cải thiện khả năng quản lý trồng lúa của nông dân
Lợi tức của nông dân trồng lúa có thể tăng qua tăng gia năng suất hay giảm tổn phí sản xuất hay cả hai. Vào các thập niên 1970s và 1980s một số gói kỹ thuật trồng lúa được quảng bá cho nông dân. Tuy nhiên các kỹ thuật trồng lúa lại được khuyến cáo một cách cứng nhắc mà không tùy thuộc vào điều kiện đất nước nơi lúa được trồng, điều kiện trong mùa trồng, sức phát triển của cây lúa, và điều kiện của sâu và bịnh. Các gói kỹ thuật trồng lúa này cũng không có nhấn mạnh trên việc nâng cao tầm hiểu biết của nông dân để tự mình đánh giá về khả năng của mình trong việc áp dụng các kỹ thuật được khuyến cáo để cải thiện trong mùa sau (Nguyễn Văn Ngưu, 2002). Vào giữa thập niên 1980s, sau khi nghiên cứu và đánh giá các lý do của sự khác nhau trong các năng suất lúa thu được bởi nông dân trong nước của họ, các chuyên gia Châu Úc đã cho ra một khái niệm mới về quản lý trồng lúa tổng hợp, được gọi là Rice Check. Rice Check có những điểm đặc biệt sau (Clampett và cộng tác viên, 2001):
- Rice Check giải thích tại sao nông dân cần phải làm tốt trong một mỗi khu vực quản lý trong suốt mùa lúa.
- Rice Check có khuyến cáo kỹ thuật cho 7 khu vực (area) quản lý trong suốt mùa lúa: cải thiện ruộng lúa và làm đất, chọn ngày để làm mùa lúa, gieo sạ, bón phân , tưới tiêu, bảo vệ lúa - gồm có quản lý cỏ dại, sâu và bịnh, và chọn ngày gặt. Chọn kỹ thuật quản lý tốt nhất đang có trong vùng để khuyến cáo cho nông dân. Kỹ thuật quản lý phải được cập nhật với kết quả mới của những công trình nghiên cứu hay kinh nghiệm mới của nông dân.
- Rice Check có ra một số tiêu chuẩn để đánh giá công việc quản lý của nông dân trong mỗi khu vực quản lý để nông dân có cơ sở (basis) mà tự mình đánh giá về khả năng của mình trong việc áp dụng các kỹ thuật được khuyến cáo.
- Rice Check khuyến khích nông dân quan sát, ghi chép những nhận xét của mình về điều kiện của ruộng lúa và sức phát triển của những cây lúa (rice crop) trong ruộng; so sánh những nhận xét của mình với những nhận xét của nông dân láng giểng và bàn thảo về những ưu và khuyết điểm của các công việc quản lý trong mùa với nông dân láng giềng, nhà khuyến nông trong vùng.
Rice Check được nông dân Australia áp dụng rộng rãi và nhờ đó năng suất lúa bình quân của Úc 6,0 tấn/ha trong suốt 10 năm (1976-1986) tăng lên đến chừng 9,0 tấn/ha trong năm 1999 (Clampett và cộng tác viên, 2003). Rice Check giúp nông dân Úc không những tăng năng suất mà thôi, mà còn làm giảm chừng 50% số lượng nước dùng trong công việc sản xuất lúa (Lacy và cộng tác viên, 2004).
Dựa trên Rice Check, trong năm 2000 FAO đưa ra chương trình quản lý lúa tổng hợp (Rice - ICM) và cộng tác với các viện nghiên cứu lúa của các nước thuộc vùng có khí hậu nhiệt đới như Indonesia, Philippines, Thai lan, Venezuela, và Việt Nam. Kết quả của chương trình quản lý lúa tổng hợp “3 giảm – 3 tăng” của Viện Nghiên Cứu Lúa ĐB Sông Cửu Long (CLRRI) cho thấy rằng tổn phí sản xuất lúa trồng ở Ô Môn, Cần Thơ giảm xuống và phẩm chất gạo tăng khi nông dân dùng chương trình để quản lý trồng lúa (Phạm Sỹ Tấn và cộng tác viên, 2005). Kết quả của chương trình quản lý lúa tổng hợp (Rice - ICM) ở các nước Indonesia, Philippines, Thái Lan, và Venezuela cũng cho thấy rằng năng suất của các giống lúa hiện đang có tăng 1 tấn/ha hay cao hơn, trong khi đó tổn phí sản xuất vẫn không tăng khi nông dân áp dụng quản lý lúa tổng hợp (Nguyễn Văn Ngưu, 2006). Hiện nay nông dân ở các nước như Mỹ, Tây Âu, Nhật đã và đang dùng máy tính và vệ tinh để trồng lúa theo lối trồng chính xác (Trần Văn Đạt và Nguyễn Văn Ngưu, 2006).
4.3. Tăng hiệu năng của công việc thu hoạch và tồn trữ lúa
Mất mát lúa trong giai đoạn thu hoạch và tồn trữ lúa ở Việt Nam vẫn còn rất cao. Lê Văn Tố (1999) và Trần Thị Quế (1998) ước tính rằng mất mát lúa trong giai đoạn thu hoạch và tồn trữ lúa ở Việt Nam là chừng 13% trong mùa khô và chừng 20% trong mùa mưa. Phẩm chất gạo xuất khẩu của Việt Nam còn thấp kém do bởi: (a) Hạt gạo có nhiều kích thước (size) và hình dạng (shape) khác nhau; (b) Thành phần tấm (hay gạo vỡ) cao; và (c) Gạo có chứa nhiều hạt cỏ, sạn sỏi, vân vân (Lê Văn Tố, 1999). Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam do đó thấp hơn giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và các nước khác (FAO, 2007). Cải thiện các kỹ thuật, dụng cụ, và phương tiện dùng trong công việc thu hoạch và tồn trữ lúa gạo sẽ giup cải thiện phẩm chất của gạo và theo đó lợi tức của nông dân. Công việc gặt lúa cần nhiều nhân công và thời gian. Hiện nay khâu gặt lúa vẫn chưa được cơ giới hóa nhiều và cần được cải thiện nhanh để nông dân có thể gặt lúa mà tránh mưa lụt, nhất làlúa Hè-Thu. Sau khi gặt lúa cần được di tản kịp thời về các nơi phơi sấy và kho tồn trữ để giảm mất mát lúa và tăng phẩm chất của gạo (Trần Thị Quế, 1998). Số máy gặt lúa (2245 cái) và lò sấy lúa (5041 lò) toàn nước trong năm 2001 (Thống kê Nông Nghiệp, 2004) vẫn còn quá ít để có thể phục vụ hữu hiệu cho khâu thu hoạch và tồn trữ lúa.
4.4. Tận dụng các sản phẩm của cây lúa
Dân chúng Việt Nam đã tận dụng trấu, cám, và tấm nên các sản phẩm này có giá trị kinh tế đáng kể. La Van Chu (1990) báo cáo rằng trong các năm 1980s 1 kg lúa có giá 350 - 380 Đồng Việt Nam (ĐVN); 1 kg gạo nguyên có giá 600 - 700 ĐVN; 1 kg tấm có giá 350 - 400 ĐVN; 1 kg cám có giá 300 ĐVN; và 1 kg trấu có giá 10 ĐVN. Trong năm 2000, Phan Hiếu Hiền và cộng tác viên báo cáo rằng 1 kg trấu có giá 100 ĐVN. Rơm rạ ở các nước như Bangladesh, India, Nepal và Pakistan có giá trị kinh tế và dân chúng ở các nước này buôn bán rơm rạ (FAO, 1990). Song le, không có tài liệu nào nói về giá của rơm rạ ở Việt Nam.
Rơm rạ có thể dùng để làm thức ăn cho trâu bò. Dân Ấn Độ tận dụng rơm rạ của lúa, lúa mì, bắp và cỏ để làm thức ăn cho bò sữa và ngành sản xuất sữa bò của họ rất thành công (Brown, 2005). Tổng số lượng sữa bò Ấn sản xuất tăng từ 20,8 triệu tấn trong năm 1970 lên 91,9 triệu tấn trong năm 2005. Hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu sữa (Thống kê nông nghiệp, 2006). Với giá dầu lửa ngày càng tăng, thị trường của dầu sinh học như ethanol và bio-diesel đang được mở rộng. Rơm rạ và trấu có thể dùng để sản xuất dầu sinh học, biogas và nhiệt lượng. Một kilo trấu có 10% ẩm độ cho ra 11 mega-joule (MJ) khi được đốt (Phan Hiếu Hiền và cộng tác viên, 2000), trong khi đó một tấn rơm rạ của lúa có thể cho ra chừng 70 - 80 gallons of diesel (Clausen, 2007).
4.5. Đa dạng hóa hệ thống sản xuất lúa
Kinh nghiệm trong thời kỳ sản xuất lúa trưởng thành, 2000 - 2005, cho thấy rằng nông dân giảm diện tích trồng lúa để sản xuất các hoa màu khác, nuôi gia súc và tôm cá. Giá của các sản phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, rau cải và trái cây thường cao hơn giá của lúa gạo. Đồng thời, thịt, cá, trứng, và sữa có chứa nhiều protein, trong khi đó rau cải và trái cây có chứa nhiều vitamin hơn lúa gạo. Để tăng lợi tức của nông dân và cải thiện mức dinh dưỡng dân chúng hệ thống sản xuất lúa trong thế kỹ 21 cần được đa dạng hóa và tạo điều kiện cho tăng sản xuất và cung cấp nhiều thịt, cá, trứng, sữa, rau cải và trái cây hơn cho dân chúng.
Nói chung diện tích gặt lúa và tổng sản lượng lúa sẽ giảm xuống khi hệ thống sản xuất lúa được đa dạng hóa và có thể có ảnh hưởng trên an ninh lương thực của dân chúng. Tăng sản xuất nuôi tôm cá và trồng trái cây sẽ làm giảm (hay làm mất) diện tích đất lúa. Tăng sản xuất rau cải và các hoa màu khác qua luân canh với lúa sẽ làm giảm mức thâm canh trồng lúa. Dân số Việt Nam trong năm 2003 là 81,3 triệu người và tốc độ gia tăng dân số giữa các năm 1995 và 2003 là 1,38% một năm (Bảng 9). Nếu tốc độ gia tăng không có thay đổi, dân số của Việt Nam sẽ lên đến chừng 109 triệu người trong năm 2030 và Việt Nam cần có một tổng sản lượng lúa chừng 30 triệu tấn để bảo đảm an ninh lương thực (# cung cấp 250 kg lúa/một người). Với năng suất bình quân trong năm 2005, để sản xuất 30 triệu tấn trong năm 2030, Việt Nam chỉ cần một diện tích gặt chừng 6 triệu ha hay Việt Nam có thể giảm chừng 1,32 triệu ha lúa gặt để sản xuất các hoa màu khác, nuôi gia súc và tôm cá mà không có ảnh hưởng trên an ninh lương thực của dân chúng. Thực ra nhu cầu lúa để bảo đảm an ninh lương thực của dân chúng trong năm 2030 có thể ít hơn 30 triệu tấn lúa. Kinh nghiệm cho thấy dân chúng thường giảm lượng gạo trong thức ăn khi lợi tức tăng lên. Lượng gạo tiêu thụ của dân chúng Việt Nam trong năm 2004 cao hơn rất nhiều so với lượng gạo tiêu thụ của dân chúng Indonesia, Philippines và Thái Lan trong năm này (FAOSTAT).
Bảng 9: Dân số (FAOSTAT) và tốc độ gia tăng dân số, giữa 1980 và 2003
Năm Dân số (1000 người) Tốc độ gia tăng dân số
1980 53.005 -
1985 59.084 -
1990 66.074 -
1995 72.841 -
2000 78.137 -
2003 81.377 -
1980-1990 - 2,24%
1995-2003 - 1,38%
Nuôi trâu, bò, heo, gà và các gia súc trong chuồng và cho ăn sẽ tăng nhu cầu của các sản phẩm như bắp và đậu nành. Brown (2005) ước tính rằng khi nuôi trong chuồng và cho ăn, bò cần chừng 7 kg, heo cần chừng 3,5 kg, và gà cần chừng 2 kg bắp và đậu nành để sản xuất 1 kg thịt. Hiệu năng của thức ăn gia súc thường tăng khi có bột đậu nành. Cây đậu nành và các cây khác thuộc họ đậu có khả năng cố định đạm nên có thể giúp giữ mức màu mỡ của đất lúa khi chúng được trồng luân canh với lúa.
Các sản phẩm như rau cải và trái cây thường không có thể tồn trữ được lâu sau khi gặt hái. Do đó, nông dân cần được giúp đỡ trong nỗ lực cải thiện các khâu như: gói bọc, biến chế, chuyên chở, và thị trường để giảm mất mát và thua lỗ. Phẩm chất và năng suất của các giống lúa thơm và các cây trái đặc sản tùy thuộc nhiều vào điều kiện sinh thái và môi trường nơi chúng được trồng. Tương tự như vậy, điều kiện sinh thái và môi trường của ruộng nuôi tôm cá có ảnh hưởng rất lớn phẩm chất và năng suất của tôm cá và môi trường của ruộng lúa chung quanh. Công việc lập bản đồ các vùng có điều kiện sinh thái và môi trường thích hợp cho sản suất các sản phẩm này sẽ giúp nông dân tối thuận hoá đa dạng hóa hệ thống sản xuất.
Việt Nam đã là thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization hay WTO). Do đó sản phẩm lúa gạo và nông nghiệp của Việt Nam phải đạt được các tiêu chuẩn của WTO, đặc biệt là các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.
5. CHÍNH SÁCH CHO SẢN XUẤT LÚA GẠO TRONG THẾ KỶ 21
Ngành sản xuất lúa gạo trong 30 năm qua đã đạt nhiều kết qủa và thành công quan trọng và chuyển Việt Nam từ một nước nhập khẩu qua một nước xuất khẩu lúa gạo. Ngày nay dân chúng Việt Nam đã có ăn no. Xuất khẩu lúa gạo đã đóng góp rất cụ thể vào công trình phát triển kinh tế. Ví dụ, trong năm 2004, số ngoại tệ thu vào qua xuất khẩu lúa gạo được chừng 1 tỷ US đô-la (Thống Kê Nông Nghiệp, 2006). Những thành công này có được nhờ vào các chính sách và chương trình phát triển tốt và đúng của chính phủ, nhất là chính sách Đổi Mới.
Tuy nhiên, phần lớn dân chúng vẫn chưa có ăn đủ chất dinh dưỡng cho sức phát triển và sức khỏe của con người. Thêm vào đó, phần lớn, nông dân sản xuất lúa vẫn còn nghèo. Chính sách cho sản xuất lúa gạo trong 30 năm qua có mục tiêu chính là tăng năng suất và tổng sản lượng lúa gạo hơn là cải thiện mức sống của nông dân. Điều kiện kinh tế và xã hội ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong những năm gần. Do đó, trong thế kỷ 21, chính sách cho sản xuất lúa gạo cần có mục tiêu là cải thiện mức sống của nông dân, nhất là tăng lợi tức của nông dân.
Diện tích đất lúa nhỏ và giá lúa gạo thấp là các lý do chính gây ra lợi tức thấp của nông dân sản xuất lúa ngày nay. Khi giá lúa gạo trong năm 1996 được tính theo giá của năm 1989 thì chúng lại thấp hơn giá lúa gạo trong năm 1989 (Thống Kê Nông Nghiệp 1999). Để bảo đảm lợi tức của nông dân sản xuất lúa, chính phủ của các nước như Nhật, Đại Hàn, đảo Đài Loan, Mỹ và các nước ở Tây Âu có chính sách bảo đảm giá lúa gạo tối thiểu và các chương trình thu mua lúa từ nông dân và xay lúa và bán gạo để giảm ảnh hưởng của thay đổi trong thị trường trên giá của lúa gạo.
Đông dân và ít đất là những khó khăn cho việc tăng diện tích đất lúa của mỗi hộ nông dân. Ngày nay, diện tích đất trồng lúa của một hộ nông dân thì rất nhỏ (bình quân chừng 0,43 ha/hộ) và manh mún, nhất là ở ĐB Sông Hồng, Trung Du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Để giải hóa những khó khăn này chính phủ của Đài Loan, trong năm 1969 sau khi có nhiều thành công trong sản xuất lúa và phát triển kỹ nghệ, đã lập chính sách và các chương trình có mục tiêu chính là giúp đỡ nông dân tăng khả năng tổ chức và quản lý các hiệp hội nông dân, hiệp hội tưới tiêu, canh tác cộng đồng và hợp nhất hóa đất đai (land consolidation). Nhờ vào các chính sách và các chương trình này, sản xuất lúa gạo của Đài Loan đã tăng lợi tức của nông dân và tạo việc làm ở nông thôn, trong khi đó vẫn tiếp tục sản xuất đủ lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực (Chandler, 1978). Các hiệp hội nông dân tổ chức các dịch vụ như:
- Cho nông dân vay và giữ tiền tiết kiệm của nông dân;
- Thu mua lúa của nông dân, lập nhà máy xay lúa, và bán gạo cho dân chúng
- Quảng bá và huấn luyện kỹ thuật cho nông dân
- Bán phân bón, thuốc bảo vệ lúa và các hoa màu khác
- Bán, sửa và bảo trì các máy móc nông nghiệp
- Lập các nhà máy để chế biến lúa và các sản phẩm nông nghiệp khác
Các chương trình hợp nhất hóa đất đai và canh tác cộng đồng và các hiệp hội tưới tiêu tạo điều kiện để tăng hiệu năng của cơ giới hóa sản xuất lúa và nông nghiệp và theo đó đào tạo cán bộ cho phát triển kỹ nghệ. Các nước có nền kinh tế và kỹ nghệ phát triển cao luôn có chính sách dành ưu tiên cho đào tạo cán bộ kỹ thuật và các chương trình nghiên cứu và phát triển kỹ thuật, kể cả kỹ thuật nông nghiệp, để tạo cơ sở căn bản để phục vụ cho phát triển kỹ nghệ và kinh tế bền vững và có khả năng cạnh tranh cao.
Các kinh nghiệm trên có thể áp dụng để lập chính sách cho sản xuất lúa gạo bền vững và có khả năng cạnh tranh cao trong thế kỹ 21 để cải thiện mức sống của dân chúng, nhất là tăng lợi tức của nông dân.
6. VÀI LỜI KẾT THÚC
Lúa gạo đã và sẽ tiếp tục là thức ăn căn bản của dân Việt Nam và ngành sản xuất lúa gạo sẽ tiếp tục đóng góp vào công trình phát triển kinh tế của đất nước trong thế kỷ 21. Ngành sản xuất lúa gạo trong 30 năm qua đã đạt nhiều kết quả và thành công quan trọng và chuyển Việt Nam từ một nước nhập khẩu qua một nước xuất khẩu lúa gạo. Ngày nay dân chúng Việt Nam đã có ăn no. Ngành sản xuất lúa gạo trong thế kỷ 21 có nhiều thử thách quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay đang có một số cơ hội kỹ thuật mà sản xuất lúa gạo có thể dùng để đi lên trong thế kỷ 21. Những thành công mà ngành sản xuất lúa gạo có được trong 30 năm qua nhờ vào các chính sách và chương trình phát triển tốt và đúng của chính phủ, nhất là chính sách Đổi Mới. Chính sách sản xuất lúa gạo trong 30 năm qua có mục tiêu chính là tăng năng suất và tổng sản lượng lúa gạo hơn là cải thiện mức sống của nông dân. Điều kiện kinh tế và xã hội ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây. Do đó, trong thế kỷ 21, chính sách cho sản xuất lúa gạo cần có mục tiêu là cải thiện mức sống của nông thôn, nhất là tăng lợi tức của nông dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Barker R, Dawe D, Tuong TP, Bhuiyan SI, and Guerra LC. The outlook for water resources in the year 2020: Challenges for research on water management in rice production. In Proceedings of the 19th Session of International Rice Commission, Cairo, Egypt, 7-9 September 1998. FAO, Rome, Italy, 1999, p 96-109.
- Brown LR. 2005. Outgrowing the Earth. Earthscan, Sterling, VA, 2005.
- Bui Ba Bong. 2000. Genetic improvement of rice varieties for the Mekong Delta of Vietnam: current status and future approaches. In Proceedings of Rice Research and Development in Vietnam for the 21st century – aspects of Vietnam-India. Can Tho, Vietnam, 18-19 September 2000, p 123-149.
- Bui Ba Bong. 2004. Restructuring the Vietnamese Rice Economy. Introduction speech at the Mekong Rice Conference, Ho Chi Minh City, 15-17 October 2004.
- Bui Chi Buu 2004. Current status of molecular rice breeding in Viet Nam. Asian Biotech Rev 7 (1): 97-107.
- Chandler RF Jr. 1978. Rice in the Tropics: A guide to the development of national programs. Westview Press/Boulder, Colorado.
- Clampett WS, Nguyen VN, and Tran DV. 2003. The development and use of Integrated Crop Management for rice production. In Proceedings of the 20th Session of the International Rice Commission. FAO, Rome, Italy, 2003, p 135-145.
- Clampett WS, RL Williams and JM Lacy. 2001. Major achievements in closing yield gaps of rice between research and farmers in Australia. In Yield Gap and Productivity Decline in Rice Production - proceedings of the Expert Consultation held in Rome, 5-7 September 2000; FAO, Rome, Italy 2001, p 411-428.
- Clausen, E. 2007. Rice and bio-energy push (http://deltafarmpress.com/news/070308-bioenergy-push/).
- Darwin R, Tsigas M, Lewandrowski J and Raneses A. 2005. World agriculture and climate change: Economic adaptation. USDA Agriculture Economic Report Number 703. 86 pp.
- Darymple DC. 1986. Development and spread of high yielding rice varieties in Developing countries. USAID Washington D.C. USA.
- FAO.1988. Report of the mission on Agricultural Sector Review.
- FAO.1990. Rice by-product utilization in selected countries in Asia. FAO, Bangkok, Thailand 1990.
- FAO. 2007. Rice Market Update, March 2007.
- FAO-IAEA. Plant Breeding Newsletter No. 16 January 2006.
- FAOSTAT. http://faostat.external.fao.org/?alias=faostatclassic.
- GSO (General Statistical Office). 1995. Kết quả tổng điều tra nông thôn và nông nghiệp năm 1994. Statistical Publishing House, Ha Noi, Vietnam.
- Huke RE and Huke EH. 1997. Rice Area By Type Of Culture: South, Southeast, And East China: A Revised Database. IRRI 1997.
- IPCC. 2001. Third Assessment Report: Report of Working Group I, Cambridge University Press.
- IRRI. 2006. International Rice Research Institute (IRRI)
- Kennedy G, Burlingame B and Nguyen N.V. 2002. Nutrient impact assessment of rice in major rice-consuming countries. IRC Newsletters 51: 33-42.
- Khush GS, Vo Tong Xuan, Nguyen Van Luat, Bui Chi Buu, Dao The Tuan and Vu Tien Hoang. 1995. Vietnam-IRRI collaboration in rice varietal improvement. In Procd. Of Conference on Partnership in Rice Research edited by Vo Tong Xuan and GL Denning. MAFI and IRRI, p 55-60.
- La Van Chu. 1990. Rice by-products utilization in Viet Nam. In Rice by-product utilization in selected countries in Asia. FAO, Bangkok, Thailand 1990, p115-117.
- Lacy J and Steel F. 2004. Ricecheck – Participatory farmer extension model in practice for 18 years. Paper presented at the 4th International Crop Science Congress, 2004, Brisbane, Australia, 26 Sept. to 1 October 2004.
- Le Hong Nhu. 1999. Rice production in Vietnam and the policies to promote its development. p 162-165 in Proceed. Of the 19th Session of the International Rice Commission, 7-9 September 1998, Cairo, Egypt. FAO, 1999.
- Le Hong Nhu. 2006. Hybrid rice dissemination in Vietnam. In Policy Support Needs of Hybrid Rice Technology in Asia. IRRI and Asian Development Bank, Manila, Philippines, 2006, p 65-68.
- Le Thanh Duong and Vo Tong Xuan. 1994. Rice based farming systems in the Mekong Delta of Vietnam. In Proc. Of the Training course on rice-based cropping system and vegetable cultivation. FAO project GCP/INT/525/JPN, p 120-136.
- Le Van To. 1999. Priorities and Constraints of Post Harvest Technologies in Vietnam. p 1-7 in JIRCAS International Symposium Series No.7. Ministry of Agriculture, Forestry and Fisheries, Japan.
- Mohandrass S, Kareem AA, Ranganathan TB and Jeyaraman S. 1995. Rice production in India under the current and future climate. In Mathews RB, Kroff MJ, Bachelet D and van Laar HH (eds) Modeling the impact of climate change on rice production in Asia. CAB International, UK, 1995, p 165-181.
- Murayama, K. 2005. Rice production system in Japan. Paper presented at the Expert Consultation on Rice Integrated Crop Management, 28 Feb to 3 March 2005. Ho Chi Minh City, Vietnam.
- Nguyen Cong Tan. 1994. Progress in the hybrid rice programme in Viet Nam. IRC Newsletter, 43: 23-28.
- Nguyen Huu Nghia. 1996. Rice production in Vietnam: present status and major issues on improving rice productivity through multilateral cooperation. Paper presented at the FAO-Japan workshop on major issues on improving rice productivity through multilateral cooperation. 20-23 February 1996, Tokyo, Japan.
- Nguyen Huu Nghia, Bui Chi Buu, Luu Ngoc Trinh and Le Vinh Thao. 2001. Speciality rice in Vietnam: Breeding, production and marketing. p 175-191 In Rice Speciality . FAO, Rome, Italy, 2001.
- Nguyen Sinh Cuc. 1996. Nong nghiep Viet Nam: 1945 – 1995. Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội, Viet Nam.
- Nguyen Van Nguu. 2006. Report of the Executive Secretary on the Implementation of the Commission’s Twentieth Session recommendation. Report presented at the 21st Session of the IRC, Chiclayo, Peru, 3-5 May 2006.
- Nguyen Van Nguu and SK De Datta. 1979. Increasing of nitrogen fertilizer by manipulation of plant density and plant geometry. Field Crop Res. J. 2:19-34.
- Nguyen, V.N. 2002. Productive and environmentally friendly rice integrated crop management systems. IRC Newsletters, Vol 51: 25-32.
- Peng S, Huang J, Sheehy JE, Laza RC, Visperas RM, Zhong X, Centeno GS Khush GS and Cassman KG. 2004. Rice yield decline with higher night temperature from global warming. In Redona ED, Castro AP and Llanto GP (eds) Rice Integrated Crop Management: Towards a RiceCheck System in the Philippines. PhilRice, Nueva Ecija, Philippines. 2004, p 46-56.
- Pham, T.S., Trinh, K.Q. and Tran, D.V. 2005. Integrated crop management for intensive irrigated rice in the Mekong Delta of Viet Nam. IRC Newsl., 20: 91-96.
- Phan Hieu Hien, Nguyen Van Xuan, Nguyen Hung Tam, Le Van Ban va Truong Vinh. 2000. May say hat o Viet Nam. Nha xuat ban Nong Nghiep, Ho Chi Minh, 2000.
- Quach Ngoc An. 1998. Experience in the development of hybrid rice production in Vietnam. In Proc. Regional workshop on Progress in the development and use of hybrid rice outside China Ed. By Nguyen Van Nguu, Tran Van Dat and Quach Ngoc An. MARD and FAO, Hanoi, 1998, p. 39-46.
- Tang S and Wang Z. 2001. Breeding for superior quality aromatic rice varieties in China. p 35- 44, in Rice Speciality. FAO, Rome, Italy, 2001.
- Tập thống kê 1975-2001. Nhà xuất bản thống kê Hà Nội, Việt Nam, 2002.
- Thống Kê Nông Nghiệp, 1996, 1999, 2002, 2003, 2004, 2006. Nhà xuất bản thống kê Hà Nội, Việt Nam.
- Thống Kê Nông Nghiệp, 2006. Xuất nhập khẩu 2004. Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội, Việt Nam.
- Tran, D.V. and Nguyen, V.N. 2006. The concept and implementation of precision farming and rice integrated crop management for sustainable rice production in the 21st century. IRC Newsletter, 55: 91-103.
- Tran Thi Que. 1998. Vietnam's agriculture: The challenges and achievements, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore.
- Trần Văn Đat. 2002. Tiến Trình Phát Triển Sản Xuất Lúa Gạo tại Việt Nam. Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp. TP Hồ Chí Minh, Việt Nam, 315 pp.
- Tran V.D. and Ton That T. 1994. Second generation problems of high-yielding rice varieties. In Proceedings of the 17th Session of the International Rice Commission. FAO, Rome, Italy 1994, p 127-132.
- UNEP (United Nations Environment Programme). 2005. Integrated Assessment of the Impact of Trade Liberalization: A Country study on the Viet Nam Rice Sector.
- Vu Tuyen Hoang. 1990. La production rizicole au Vietnam pendant les annees 1986-89. Country paper presented at 17th Session of IRC.
Trở lại Trang KH