Xuân Nhâm Thìn
VENICE PHƯƠNG ĐÔNG.
Thạc sĩ. Kỷ Quang Vinh
Văn phòng công tác BĐKH Cần Thơ
www.biendoikhihau.cantho.gov.vn
Bangkok, thủ đô của Thái Lan, là một trung tâm thương mại quan trọng của Châu Á; có từ thế kỷ 14,với 400 ngàn dân sống trên các nhà sàn, trong vùng hợp lưu của ba con sông Chao Phraya, Lopburi và Pasak, là thủ đô Thailand năm 1782.Thủ đô Bangkok có tên gọi chính thức là “Thành phố của thiên thần”; nhưng vì nằm trên vùng đất thấp, nên còn được gọi là "Venice của phương Đông". Ngày nay, biệt danh đócó một ý nghĩa thực tế hơn vìđường phố đã có lúcchứa đầy xuồng bè đi lại.
Năm 2011, là một năm lũ lụt tồi tệ của Bangkok, nhấn chìm khoảng 6 triệu ha đất (58/76 tỉnh), trong đó có 300.000 ha đất nông nghiệp, làm cho hơn 12,8 triệu người bị ảnh hưởng với 657 người chết. Ngân hàng thế giới ước tính thiệt hại khoảng 1.440 tỷ baht (45 tỷ USD), xếp hạng thứ 4 sau động đất và sóng thần ở Nhật Bản năm 2011, động đất Kobe 1995, cơn bão Katrina năm 2005. Từ tháng 5, bão Nock-ten bắt đầu các trận mưa lớn kéo dài đến cuối tháng 8 và mưa vẫn rãi đều trong các tháng 9, 10 và 11. Lũ lụt bắt đầu từ miền Bắc Thái Lan và lan rộng xuống sông Chao Phraya thông qua vùng đồng bằng trung tâm.
Cùng thời gian trên, tại Cambodia có 18 tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn lụt của thập kỷ. Có 232.377 ha lúa bị hại, làm mất khoảng 10% sản lượng gạo; hơn 1,5 triệu gia đình bị ảnh hưởng và hơn 240 người chết. Tại Việt Nam, 8/13 địa phương cấp tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng, gần 11 ngàn ha lúa và 1000 ha cây ăn trái bị mất trắng, 85 người chết trong gần 154 ngàn gia đình bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại ước tính hơn 1 ngàn tỷ đồng (50 triệu USD).
Bangkok, Venice của phương Đông: được xây dựng trên nền đất thấp, diện tích chính thức là 1,568.7 km2, là thành phố lớn thứ 73 về diện tích của thế giới. Nằm trên lưu vực 3 con sông lớn, có một vùng đồng bằng rộng lớn bao quanh và cách vịnh bờ biển hơn 30km theo hướng nam. Thành phố có rất nhiều kênh rạch, chỉ cao 2 mét so mực nước biển nên dễ bị ngập lụt nếu có một trận mưa lớn, kênh rạch được xây bờ cao để giữ đường phố được khô ráo. Tuy nhiên, vì nằm hoàn toàn trên một đầm lầy, nên có nhiều lo ngại Bangkok sẽ bị ngập nước vào năm 2030.
Phát triển không phù hợp điều kiện tự nhiên: Đầu thập niên 1980 Bangkok được đánh giá là sinh vật ngoài hành tinh so với môi trường tự nhiên bao quanh nó. Đến năm 2008, khu vực được xem là đô thị của Bangkok chiếm hơn 7,761.50 km² và dân số được ước tính khoảng 11.971.000 người, chưa kể khoảng 3 triệu ngoại kiều ở lậu. Chỉ riêng Bangkok đã có GDP theo sức mua thực tế là 140 tỷ USD so với 590 tỷ USD của toàn Thái Lan. Cả nước Thái Lan có 34 khu công nghiệp, thì vùng đồng bằng trung tâm chung quanh Bangkok có đến 30 khu, chiếm diện tích tương đương 21 ngàn ha. Hai sân bay lớn của Thailand là Don Mueang và Suvarnabhumi chiếm một diện tích không nhỏ gần 4 ngàn ha. Để dễ đánh giá, xin nêu tổng diện tích các KCN và KCX của TP.Hồ chí Minh là gần 6000 ha và Sân bay Tân Sơn nhất chỉ có 850 ha. Các khu công nghiệp và sân bay quanh Bangkok hoàn toàn nằm trên những vùng đồng trũng trước đây có chức năng điều tiết lũ từ thượng nguồn và thuỷ triều từ biển. Có thể xem đây là nguyên nhân đầu tiên gây lũ lụt năm 2011.
Dân số và Kinh tế đi lên còn mặt đất tự nhiên đi xuống: Mỗi ngày nguồn nước ngầm của khu vực bị khai thác khoảng 1,3 triệu m3, có lúc lên đến 2 triệu m3/ngày để phục vụ cho các hoạt động của cư dân, mức nước ngầm trong đất bị hạ xuống 65m. Nhưng vấn đề không dừng ở đó, các nghiên cứu cho thấy cứ 1m3 nước ngầm được bơm lên thì có 0,1m3 đất trên bề mặt bị lún xuống. Bình quân mỗi năm mặt đất của Bangkok bị lún khoảng 30mm, thập niên 1980 chứng kiến sự sụt lún khủng khiếp của mặt đất, bình quân là 120mm/năm. Hiện nay, một số khu vực của Bangkok có độ cao mặt đất thấp hơn mực nước biển khoảng 1m. Do đó, nước ngập lụt không còn rút ra biển một cách tự nhiên.
Lợi ích của các đập thuỷ điện: Lưu vực sông Chao Phraya phía bắc Bangkok có 4 hồ chứa nước vừa đảm nhận chức năng thuỷ lợi, kiểm soát nước cho các vùng sản xuất nông nghiệp và dân cư hạ lưu vừa làm thuỷ điện. Tổng thể tích của 4 hồ chứa này khoảng 23 tỷ m3. Dù mang lại lợi ích cho nông nghiệp, các nhà hồ chứa luôn bị các tổ chức xã hội phản đối vì các tác hại về sinh thái và môi trường. Trong hai thập kỷ qua chế độ thuỷ văn của vùng Bắc Thailand được dùng từ quay cuồng để diễn tả. Từ năm 1990 đến 1993, lượng mưa dưới mức bình thường, gây ra tình trạng thiếu nước. Mưa chuyển sang dữ dội trong các năm 1994 và 1995 gây ra trận lũ lụt tồi tệ nhất so trước đó. Năm 2005, 11 triệu người ở 71 tỉnh bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước. Năm 2008, nông dân tiếp tục bị hạn hán nghiêm trọng một lần nữa, với hơn mười triệu người ở khu vực nông nghiệp nông thôn bị ảnh hưởng. Năm 2010, dù có nhiều tiến bộ trong chuẩn bị phòng chống thiên tai, nạn hạn hán lớn nhất trong 20 năm là ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp củ 53 tỉnh, hơn 1,7 triệu gia đình và gần 7 triệu người. Hai hồ chứa nước lớn Bhumidol và Sirikit với tổng thể tích khoảng 20 tỷ m3 không bảo đảm được tác dụng cấp nước trong cơn đại hạn này. Đầu năm 2011, các dấu hiệu của một năm khô hạn mới xuất hiện, từ tháng 5 nhà chức trách đã liên tục tích nước vào các hồ chứa, không ngờ đó lại là một sai lầm trước sự đùa dai của tự nhiên. Tháng 7 đến tháng 10 năm 2011 mưa liên tục và lớn dần, làm cho các hồ với sức chứa không lồ phải xã lũ để tránh những mối nguy khủng khiếp là vỡ đập. Rõ ràng rồi, các hồ chứa nhân tạo dù to lớn, chỉ điều tiết tốt theo ý muốn con người khi mưa thuận gió hoà, trong lúc tự nhiên diễn biến bất thường thì các công trình trên không có lợi mà thậm chí còn có hại cho cộng đồng phía dưới hạ lưu.
Biến đổi khí hậu, chuyện không của riêng ai: Nếu chỉ vì đất thấp, nếu chỉ vì đất lún, nếu chỉ vì các công trình “ngoài hành tinh”, có lẽ Bangkok đã không bị ngập và nếu có ngập thì cũng không bị ngập sâu và kéo dài, vì các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn đã có những tính toán khắc phục. Điều đáng nói ở đây là các yếu tố gây ngập do con người và tự nhiên gây ra lại hội tụ với nhau trong cùng một lúc.
Biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết thế giới ngày càng bất thường, Thailand không nằm ngoài qui luật đó. Nhiệt độ tăng làm hạn hán và mưa bảo là hai yếu tố đặc biệt rõ nét trong 2 thập niên gần đây, thêm vào đó là mực nước biển dâng cao kết hợp triều cường là những gì mà Bangkok phải hứng chịu trong năm 2011. Lượng mưa tháng trong khu vực của miền bắc Thái Lan lớnđặc biệt, tăng344% so với lượngtrung bình. Tại Bhumibol Dam kể từ ngày 1 tháng 10đập đã tích lũy lượng nước 186% trên mức bình thường. Vào lúc nước lũ cần được bơm thoát ra biển để giảm ngập thì lại là lúc nước biển dâng cao nhất, chưa thấy báo cáo về mực nước biển dâng thực tế của Thailand, nhưng các số liệu nghiên cứu dự báo bờ biển có thể bị ngập đến 1m hoặc 2m vào năm 2100.
Để đối phó với mối đe dọa này, Smith Dharmasaroja, người đứng đầu của Trung tâm Quốc gia về Phòng chống thiên taihiện nay, ủng hộ việc xây dựng một bức tường phòng chống lũ lụt trị giá 100 tỷ baht (3 tỷ USD), để bảo vệ Bangkok. Bức tường dài 80 km, cao hơn mực nước biển trung bình 3m, được xây dựng 300 m ngoài biển khơi, trồng các rừng ngập mặn để phục vụ như một rào cản tự nhiên chống lại xói mòn bờ biển.
Sumet, nhà thiết kế hiện đại, đề xuất một sự hồi sinh của một thành phố nổi, xây dựng các tòa nhà trên các cột và sàn "Triết lý cơ bản là trở về sống với thiên nhiên như ở Bangkok của quá khứ", ông nói.
Nhưng, Aslam chuyên gia về thiên tai, nói: "Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể quay trở lại với cuộc sống hài hòa với thiên nhiên như trong quá khứ. Bây giờ, chính phủ, phải đầu tư lớn và lập kế hoạch dài hạn, là cần thiết để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt."
Anond Snidvongs, nhà Hải dương học, chuyên viên về biến đổi khí hậu của đại học Hoàng Gia-Chulalongkorn, tin rằng sự phối hợp của các biện pháp khác nhau sẽ là chìa khóa để bảo vệ thành phố: "Chúng tôi hoàn toàn phải đạt được một sự đồng thuận để hàng triệu người, sớm hay muộn, sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, cùng đồng ý các giải pháp này. Vấn đề này, không chỉ là một câu hỏi về kỹ thuật hay tiền bạc. Chúng ta cũng cần các chuyên gia nói thằng thắn suy nghĩ của mình, đưa ra các luận cứ thuyết phục có thể giúp tưởng tượng những gì trong tương lai sẽ như thế nào. "
Bài học về thành phố sông nước: Về mặt phát triển, thành phố Cần Thơ còn cách xa Bangkok, nhưng về mặt tự nhiên có nhiều điểm khá tương đồng: cùng nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa; trên vùng đồng bằng nền đất yếu, ngập lụt theo mùa; độ cao mặt đất không quá 2m so với nước biển; mặt đất bị lún do khai thác nước ngầm; ở hạ lưu của các con sông.v.v.. Mặt khác, Cần Thơ cũng đang muốn đô thị hóa, công nghiệp hóa và thực tế đang bê-tông hóa nhanh chóng, đang san lấp các vùng đất thấp cho nhu cầu phát triển, đang phần nào đó tự xóa đi tương lai của mình, mù quáng đi vào vết xe đỗ của người láng giềng. Nên, những bài học từ Bangkok là một bài học rất hay cho Cần Thơ, bài học nhắc đến sự độc lập, sáng tạo và không theo lối mòn trong suy nghĩ, dựa vào các luận cứ mang tính khoa học thân thiện môi trường, để vừa phát triển vừa bảo vệ tương lai con cháu mai sau.
Trong thời gian gần đây, thành phố Cần Thơ đã biến hàng ngàn ha đất ruộng, đất thấp có thể điều tiết nước, thành khu dân cư, khu đô thị hay nói theo cách khác là đã xóa đi không gian chứa nước chống ngập của thành phố. Thể tích điều tiết nước mất đi bao nhiêu? Không ai biết! Trong hai đợt làm việc của Văn phòng công tác BĐKH và tổ chức Challenge to Change tại Phường An Bình,. quận Ninh Kiều và Xã Trung An Huyện Cờ Đỏ, đã phát hiện đa số các kênh rạch tại các địa phương đều có vấn đề về ô nhiễm nước, nhất là bị người dân cất nhà lấn chiếm, bị san lấp để lấy mặt bằng. Trên toàn thành phố có bao nhiêu đường thoát nước bị mất đi? Biến đổi khí hậu đang làm cho mực nước sông Hậu dâng lên, các trạm quan trắc đã cung cấp được số liệu chính xác; trong lúc đó lượng phù sa đổ về đồng bằng ít đi, cùng với việc khai thác nước ngầm tùy tiện làm cho mặt đất bị lún xuống bao nhiêu thì chúng ta chưa có số liệu khoa học chứng minh.
Vùng đệm chứa nước không còn, đường thoát nước bị ách tắc và giảm dần, mặt đất tự nhiên bị lún đó là những gì đã xảy ra với Bangkok, như vậy ngập sâu và kéo dài chắc chắn sẽ xảy đến với thành phố Cần Thơ trong tương lai không xa. Bangkok đã có bộ số liệu đầy đủ, đồng bộ của các vấn đề trên, còn chưa khắc ứng phó được! Cần Thơ hầu như chưa có tài liệu gì có liên quan thì làm sao đối phó lũ?
Một nghiên cứu tổng thể, đồng bộ nhằm tìm tài liệu lưu trữ, khảo sát hiện trường để đưa ra các tài liệu, số liệu về: lượng nước lũ lớn nhất mà Cần Thơ có thể tiếp nhận trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động từ thượng nguồn; khả năng tiêu thoát nước của các kênh rạch; nhu cầu về không gian chứa nước chống ngập; mức độ sụt lún đất của thành phố phải là bước khởi đầu cần thực hiện ngay để chống ngập trong tuơng lai .
(24/12/2011)