Lên mạng ngày 24/4/2020
TÔI LÀM KHUYẾN NÔNG TỪ VIỆT NAM QUA PHI CHÂU VÀ MỸ CHÂU
Trần Thị Cẩm Tuyến
Trong bài ký sự về công tác Khuyến Nông tại Phi Châu đăng trong số trước, tôi đã kể sơ lược một số điều kiện và sinh hoạt tại Phi Châu đại khái như: Trường hợp gia nhập đoàn Thiện Nguyện Hòa Bình (Peace CorpsVolunteer), học thổ ngữ, học ăn bốc, làm con nuôi trong một gia đình Phi Châu, có tên mới là NhaMaxô...! NhaMaxô đơn thân độc mã về một làng nhỏ sống chung với dân làng, hội nhập nếp sống của địa phương với mục đích vừa làm bạn vừa truyền bá kỹ thuật canh nông để cải thiện đời sống cho dân làng.
Nay xin kể thêm một số chuyện vui buồn trong cái nghiệp dĩ Nông Nghiệp của tôi lòng vòng từ Việt Nam qua Phi Châu và Mỹ Châu. Thời gian sống tại Phi Châu, mỗi sinh hoạt ở nơi đây đều nhắc nhớ khiến tôi so sánh đến dân tình, ruộng vườn, làng xóm ở quê hương Việt Nam !
Tôi nhớ lại ngày mới ra trường Nông Lâm Mục Blao, được bổ nhiệm về công tác Khuyến Nông tại Thừa Thiên. Bước đầu bỡ ngỡ phải đi về các thôn xóm thăm viếng, tìm hiểu dân tình, làm quen với nông dân.
Bà con nông dân ngần ngại đón tiếp cô gái trẻ thành thị, đòi hướng dẫn công việc đồng áng của thôn quê !? Cũng tương tự tâm trạng của đồng bào Phi Châu vốn kỳ thị phụ nữ (đàn ông có nhiều vợ đàn bà phải phục vụ dưới quyền cha, chồng và cả anh em trai) cho nên khi thấy một phụ nữ da trắng nhỏ nhắn về làng đòi dạy trồng lúa, trồng rau cải... thì họ cũng nghi ngờ lắm lắm...! !
Ở Thừa Thiên vào thời Ðệ Nhất cộng Hòa, thôn xóm còn thanh bình an lạc. Các buổi hội họp vận động phổ biến chương trình Khuyến Nông thường phải nhờ Quận, Xã tổ chức vào chiều tối để nông dân tham dự đông đảo. Tôi nhớ những đêm trăng, chiếc xe Landrover chạy về tận An Lỗ - Phong Ðiền đường ra Quảng Trị, hay đi hướng Phú Bài - Hương Thủy hoặc về Dương Nổ - Phú Vang đường đi biển Thuận An ... luôn luôn có hai cậu em trai đi theo hộ vệ và yểm trợ tinh thần cho tôi và cũng để thưởng thức cảnh trăng thanh gió mát về đêm của miền quê ngát thơm hương đồng cỏ nội.
Các buổi họp đều được tổ chức tươm tất chu đáo đèn đuốc sáng trưng trong hội trường của Quận hoặc trong các lớp học ở Xã. Còn tại các làng Phi châu xa xôi hẻo lánh này, tôi nhớ mãi buổi họp đầu tiên ra mắt dân làng. Cũng họp vào buổi tối, dân làng tề tựu trước sân nhà ông trưởng tộc. (cha nuôi của tôi) mọi người ngồi xổm trên sân đất. Trời tối đen mà không có đèn đuốc! Khi được giới thiệu các thành viên trong ban hội đồng của làng, tôi phải rọi đèn pin từng người để nhìn mặt, nhưng người nào cũng lấy tay che mặt và các người khác thì cười khúc khích, tôi chẳng hiểu lý do : Nhưng sau đó mới được giải thích là phong tục ở đây rất kỵ rọi đèn vào mặt, nhất là với người lớn, coi như vô lễ. Vì tôi là ''mọi trắng'' mới về làng, lại là con nuôi của ông Tộc trưởng nên được thông cảm !
Công tác Khuyến Nông của tôi tại Thừa Thiên từ 1960 - 1968 đạt khá nhiều kết quả khích lệ nhờ may mắn huấn luyện được một đoàn cán bộ địa phương Quận, Xã có nhiệt tâm, thiện chí, được sự yểm trợ nhiệt tình của các người bạn Mỹ bên USAID, nhóm thanh niên thiện chí Quốc tế IVS (International Volunteer Services) và nhóm chuyên viên canh nông Ðài Loan, lực lượng hùng hậu, phương tiện dồi dào nên dễ gây uy tín, được chính quyền địa phương ủng hộ, được cảm tình của nông dân nên công tác rất thích thú hiệu quả.
Các cô cán bộ Quận lập đoàn Cải Thiện Sinh Hoạt Gia Ðình cho phụ nữ và đoàn 4T cho các em thiếu nữ. 4T tượng trưng cho Trí, Tâm,Tay, Thân.
Tương tự tổ chức 4H của Mỹ: Heađ, Heart, Hand và Health.
Phụ nữ được hướng dẫn vệ sinh thường thức, lập vườn rau gia đình, nuôi heo cải thiện.
Các em thiếu nữ được học may, làm bánh, nấu nướng sơ cấp.
Cán bộ nam thì lập đoàn Khuyến Nông cho nông dân và đoàn 4T cho các em trai để hướng dẫn kỹ thuật trồng trỉa, chăn nuôi.
Các cán bộ Cải Thiện Sinh Hoạt Gia Ðình hàng ngày đi thăm viếng thôn xóm, trong túi xách luôn luôn có những gói hạt giống nhỏ đủ loại rau cải và những gói thuốc nhỏ trị bệnh thông thường như nhức đầu ghẻ lở, đau bụng tiêu chảy, kiết lỵ... (Aspirin, Thiazomide, Sulfamide, Diarrhea, Stovarsol...). Những thuốc này do tôi ngoại giao với các Trưởng y tế Quận cung cấp cho rất dồi dào vì là thuốc Mỹ viện trợ. Nhờ vậy các cô Cán bộ có phương tiện giúp đỡ bà con nông thôn, gây thiện cảm, thuyết phục bà con tham gia vào các chương trình cải thiện mà lúc khởi đầu rất khó khăn thực hiện.
Ngoài những dự án như lập điểm trình diễn giống cải thiện, phán bón, thuốc sát trùng ... do Trung ương tài trợ. Ty Nông Nghiệp còn được USAID yểm trợ : ciment để xây chuồng heo kiểu mẫu, xây giếng, xây bến nước; dụng cụ làm vườn cho đoàn viên Khuyến Nông; sữa bột cho các đoàn viên SHGÐ có con nhỏ; vải cho các lớp may mặc... Tôi thường xuyên về các thôn xã để theo dõi, hướng dẫn, tiếp tế phương tiện, sinh hoạt với anh chị em cán bộ quận. Phương tiện di chuyển phần nhiều nhờ các cố vấn Mỹ. Vì tuy Ty Nông Nghiệp có xe nhưng xăng thì rất hạn chế. Các ông cố vấn Mỹ lại rất thích được chở đồ viện trợ về giao trực tiếp cho nông dân, thăm viếng, tham dự các sinh hoạt Khuyến Nông với nông dân và bà con nông dân cũng thích thú đón tiếp các ông bạn Mỹ rất nhiệt tình vui vẻ.
Tôi thường lén nói đùa với các bạn rằng: Thật đúng ra, các ông ''Cố vấn'' Mỹ chỉ là ''thủ kho'' và ''tài xế" thôi! Ðối với những địa điểm xa sông cách đò như Quận Hương-Ðiền thì ông ''tài xế" thu xếp cho đi trực thăng dân sự (màu trắng) bãi đậu tại bờ sông Hương, ngay trước dinh Tỉnh Trưởng. Còn nếu muốn đi Ðà Nẵng thì có máy bay dân sự nhỏ 6 chỗ ngồi, sân bay trong Tây Lộc, Thành Nội.
Tôi cũng có dịp theo đoàn cứu trợ quân sự chở tôn và ciment trên chiếc trực thăng dài có hai chong chóng (chinook)
Tôi kể hơi dài dòng về những phương tiện được yểm trợ đã giúp cho hoạt động Khuyến Nông tại Thừa Thiên có kết quả để so sánh với những phương tiện rất hạn hẹp mà tôi phải đối đầu trên vùng đất nghèo khổ tại Phi Châu.
Chương trình Thiện Nguyện Hòa Bình chủ trương cho Thiện nguyện viên về ở hẳn trong xóm làng, hoạt động sinh sống theo điều kiện của dân địa phương. Các Thiện nguyện viên trẻ được cấp một xe mô tô để đi chuyển. Tôi không dám cỡi mô tô thì có xe đạp. Nhưng đường làng cát lún đạp xe cũng không nổi, nên xử dụng ô tô... bước cho an toàn.
Những buổi thăm viếng xóm làng cùng lao động gặt lúa, trồng rau ... với phụ nữ ngoài đồng, nhớ về sinh hoạt cũ quê nhà tôi thấy tội nghiệp xót thương cho dân tình ở đây và cảm thấy mình thật có phước được sinh ra ở Việt Nam.
Phụ nữ Phi Châu bận rộn công việc suốt từ sáng sớm đến tối mịt nhưng năng suất chẳng được bao nhiêu Ví dụ: vào mùa gặt lúa, sáng sớm phải lo giã gạo, nấu cơm nước buổi trưa cho chồng con, rồi bới phần của mình đem ra đồng ăn trưa tại ruộng đến chiều mới về nhà. Ai có con nhỏ thì đeo theo sau lưng để cho bú, vì ruộng thường xa nhà, đi bộ hàng giờ. Ðặc biệt, phụ nữ ở đây gặt lúa rất thong dong nghệ sĩ ! Họ dùng con dao tay rất nhỏ cắt từng bông lúa một với cọng dài độ hai tấc, tuốt hết lá, cột lại thành từng chùm to ngó rất đẹp mắt, nhưng cắt suốt ngày mỗi người chỉ được 3-4 chùm vừa đủ chất vào một thúng to đội trên đầu mang về nhà. Thời gian gặt kéo dài cả tháng.
Nhìn họ cắt lúa mà sốt ruột quá ! với diện tích đó nếu dùng lưỡi liềm để gặt thì chỉ độ vài ngày là xong, năng xuất cũng sẽ trội hơn. Vì thời gian lúa chín, gặt trễ ngày nào là hao hụt vì rụng và chim chuột ngày đó. Tôi dự tính sẽ cải thiện phần này trong mùa tới.
Thu hoạch ớt
Phần giã gạo thì họ bỏ nguyên chùm lúa (đã khô) vào cối gỗ sâu rồi dùng chày gỗ dài giã cho hạt lúa rời cọng, rồi tiếp tục giã mãi cho đến khi gạo trắng thì đổ ra sàn, sảy bỏ hết trấu, cám, tấm... thật là phí phạm ! Tôi mơ ước có được cái cối xay lúa bằng tay và cái dàn giã gạo đạp chân thuộc loại cổ lỗ sĩ của Việt Nam từ thập niên 40-50 để biểu diễn và cải thiện cho dân làng ở đây thì tuyệt quá ! Tiến bộ quá ! Nhưng mà so sánh dân mình văn minh tiến bộ hơn dân Phi Châu thì cũng chẳng có chi đáng để hãnh diện! Chẳng khác chi anh chột khoe sáng với anh mù mà thôi !
Nhớ về Việt Nam vào thập niên 60, miền Nam đang phát triển chương trình cơ giới' hóa Nông Nghiệp với máy cày, máy tuốt lúa, máy chà gạo, máy bơm nước... chưa được bao lâu thì biến cố 30-4 .!! Kỹ thuật, máy móc miền Nam "gài số de'' để chờ chỉ thị ''nhảy vọt" của miền Bắc! Mọi người "hồ hởi": người người lao động, nhà nhà lao động...người thay trâu kéo cày! Lao động vinh quang!!
Nông dân Phi Châu đã nghèo khổ lạc hậu, tôi lại không có nhiều phương tiện để dụ dỗ, lại thêm ngôn ngữ bất đồng. Học được một ít thổ ngữ thì chỉ vừa đủ để chào hỏi xã giao nói chuyện vặt. Còn ra làm việc thì nói chuyện bằng ... "tay" nhiều hơn. Khi nào hội họp thì phải nhờ một học sinh trung học thông dịch tiếng được tiếng mất. Cho nên phương cách tốt nhất của Khuyến Nông là dùng bích chương với hình vẽ cụ thể và lập điểm trình diễn ngay tại vườn nhà.
Là khách lạ độc nhất sinh sống trong làng nên bị bà con tò mò theo dõi dòm ngó rất kỹ. Vườn nhà có rào bằng phên tre thưa, dân làng mỗi khi qua lại đều ghé mắt nhìn vào xem tôi trồng trỉa ra sao, thấy cây gì lạ mọc tốt vô hỏi, xin cây con, hạt giống về trồng. Trong vườn ngoài rau cải, tôi trồng được một số cây ăn trái hiếm có trong làng như ổi xá lỵ, mãn cầu, cốc, me ngọt; các cây mọc nhanh như keo tây (Leucaena), So đũa (Sesbania) để phổ biến làm hàng rào sống; cây sầu đông (Azadirachta), cây muồng tàu (Cassia sp.) để làm thuốc. Các cây thân mộc này đều trồng dựa quanh hàng rào để không choáng đất. Tôi còn trồng thêm các loại hoa tứ quý (hoa dừa, Vinca) màu trắng, hồng và hoa Zinnia đủ màu dọc theo cổng ra vào, quanh rào nhà tắm, hố tiêu lộ thiêng để tô điểm cho ngôi vườn lý tưởng trong làng. Rất nhiều bà con hỏi : mấy cây hoa này có... ăn được không?! Họ ngạc nhiên khi nghe nói không ăn được và thắc mắc, vậy thì trồng để làm chi vậy?!!.
Có những chuyện tự nhiên xảy đến tạo điều kiện cho tôi biểu diễn tài "phù thủy" với dân làng.
Khi mới dọn về làng, sau vườn có cây đu đủ cao với nhiều cành lá sum sê, đã lâu không có trái. Tôi xin phép ông cha nuôi chặt tỉa bỏ hết các cành phụ chỉ chừa thân chính. Hơn một tháng sau, cây ra hoa, đậu trái. "Cha tôi" thích quá ! .
Lần khác, đi thăm xóm thấy bụi mồng tơi sum sê lá to bằng bàn tay, tôi xin cắt vài nhánh để trồng. Bà con nói không được đâu, phải trồng bằng hột. Tôi cười bảo chờ xem. Tôi trồng "biểu diễn" cả hột và hom (nhánh có mắt). Khi hột mới nẩy mầm ra hai lá thì hom đã đâm chồi mọc 2-3 nhánh.
Tương tự như chuyện nuôi gà mái không cần gà trống mà đẻ trứng kể trong bài trước. Bà con nghi ngờ tôi là phù thủy...
Một hôm cậu em nuôi chạy qua ôm bụng nhăn nhó : NhaMaXô ơi! Ðau bụng quá! Bụng cứng ngắt, bốn ngày rồi không đi tiêu được! Tôi ra vườn bẻ một nhánh lá muồng tàu có khoảng 11 phiến lá biểu đem về nấu lấy nước mà uống. Ngày hôm sau cậu ta hớn hở chạy qua khoe : hết đau bụng rồi, đi tiêu được rồi NhaMaxô tài quá! Tài này tôi học được của nông dân Thừa Thiên đó! Vài ngày sau, gặp dịp bà giám đốc của đoàn Thiện Nguyện cùng bà y tá (cả hai đều là người Mỹ gốc Phi Châu) về thăm, tôi biểu cậu em kể chuyện uống lá muồng tàu cho hai bà nghe. Hai bà phục tài tôi làm bác sĩ phù thủy (Witch doctor) còn dân làng thì đến xin cây con về trồng. Tôi đòi đổi mỗi cây một thùng phân dê. Ðiều kiện này rất dễ vì nhà nào cũng có nuôi dê mà không biết dùng phân để bón cây. Tôi dùng phân dê, trộn với cây cỏ tươi, ủ làm phân xanh, phổ biến cho bà con.
Những người dân Phi Châu tôi có dịp gặp gỡ, quen biết, nói chung đều rất thật thà, chất phát. Họ nghe đồn và tin tưởng là ai mà qua được Mỹ là sẽ rất giàu có sung sướng. Nên thỉnh thoảng có vài phụ nữ bồng con đến nài nỉ cho tôi để đem về Mỹ nuôi. Trong làng có cậu học sinh trung học cứ theo năn nỉ tôi bảo lãnh cho qua Mỹ học. Tôi nói: qua học xong rồi về đây làm việc giúp xóm làng nhé!
-Không, ở lại bên đó sướng hơn.
-Làm sao biết sướng hơn.
-Thì có nhiều tiền, có xe hơi, có nhà đẹp.
-Cũng có thể nhưng không được lấy nhiều vợ, hễ vợ nấu ăn thì phải giúp rửa chén, hễ vợ chùi dọn nhà thì chồng phải giặt quần áo, vợ bận làm việc thì chồng phải giữ con... chịu không?
-Ư ư ! ở đây ai cũng có nhiều vợ mà, còn rửa chén, giặt áo quần, giữ con là chuyện của đàn bà tui không làm được!
-Vậy thì ngươi qua Mỹ sẽ khổ lắm, chịu không nổi đâu!
Có lần, trên bãi biển, một ngư phủ nói được chút ít tiếng Pháp, đến làm quen, hỏi tôi:
-Bà có chồng chưa? Chồng bà ở đâu?
-Có rồi, ở bên Mỹ.
-Bà cưới tui đi, rồi đem tôi về Mỹ. Ở đây khi nào bắt được tôm hùm (lobster) thì tui sẽ đem đến cho bà.
-Ngươi muốn qua Mỹ làm gì?
-Nghe người ta nói ở bên đó sướng lắm, ai cũng giàu cả.
-Nhưng mà nhà ngươi theo ta về bên đó, gặp chồng ta có súng ông ấy bắn chết liền chịu không?
-Ôi thôi, thôi chào bà !
Ở đây tôm hùm, cá tươi rất ngon và rẻ. Ðặc biệt có món thịt dê ướp maggi nướng ngon tuyệt vời. Nhưng những món ăn lạ có ngon cách mấy mình vẫn nhớ hương vị những món ăn quê nhà. Trong làng bầu, mướp ngọt, mướp mọc hoang rất nhiều. Những trái bầu hình bầu rượu, mướp ngọt, mướp khía già khô treo lủng lẳng khắp trên mái nhà hay các bờ bụi cao. Tôi chưa hiểu vì sao họ không bán hoặc nấu ăn. Một hôm tôi đi thăm xóm, thấy trái bầu tươi non mướt ai vất bên đường, tôi lượm về, hí hửng nấu canh với tôm khô, mừng thầm bữa nay có được món ăn quê hương tuyệt vời. Không ngờ chén cơm chan canh bầu mới húp vô chưa kịp nhai đã phải phun ra ngoài vì đắng ơi là đắng? Ðắng hơn cả thuốc Ký ninh nữa. Súc miệng, uống nước vẫn còn nghe đắng. Thiệt là cười ra nước mắt! Vài tháng sau, chuyện bầu đắng đã phôi pha. Lại gặp một đám dưa hấu mọc hoang, trái to trái nhỏ lủ khủ. Nhìn mấy trái dưa non chợt nhớ đến dưa hồng ở Huế. Ðúng rồi, đúng là dưa hồng. Dưa ni mà nấu canh hay làm dưa chua rồi kho với tôm thì tuyệt. Rứa là tôi hăm hở hái về một mớ non mơn mởn. Một phần đem nấu canh phần kia sẽ chẻ hai, phơi hơi héo rồi dằn nước muối làm dưa chua. Hì hục nấu canh xong mới sực nhớ đến vụ bầu đắng...! cẩn thận nếm thử ... eo ơi! lại cũng đắng nghét! ! Tại sao mình lú lẫn, bị đắng một lần rồi mà không tởn? Ðúng là món ăn quê hương đã làm mờ trí nhớ! Bị hụt ăn món Huế hai lần thiệt là giận cho cái đất nước chi mà toàn sinh sản ra trái đắng. Mà nghĩ cũng lạ! Tại sao bên mình có khổ qua cũng đắng nghét mà lại ăn được, mà ngon nữa!
Trở lại công tác Khuyến Nông tại Thừa Thiên, tôi muốn ghi lại kỷ niệm còn in đậm nét trong tâm tưởng của tôi.
Vào khoảng năm 65-66, tỉnh thừa Thiên có kế hoạch giúp các đồng bào Quốc gia sống trong các làng mạc xa xôi bị Việt Cộng quấy nhiễu, di tản về sống tập trung trong trại định cư gần thành phố để bảo vệ an ninh và cải thiện đời sống cho bà con nông dân. Ðó là trại Hòa Lương thuộc quận Nam Hòa và trại Cư Chánh thuộc quận Phong Ðiền. Tại trại Hòa Lương thì có Hội Thánh Tin Lành lập một trung tâm huấn nghệ dạy chăn nuôi, trồng trỉa, làm nghề mộc, chằm nón, may mặc, dinh dưỡng với sự hợp tác hỗ tương của Khuyến Nông. Tại trại Cư Chánh thì có cha sở Công Giáo chăm lo với sự yểm trợ thường trực của Khuyến Nông như xây chuồng nuôi heo cải thiện, lập vườn rau gia đình, mở lớp may mặc, phát vải, kim, chỉ, kéo cho phụ nữ tự may áo cho gia đình... kết quả rất khích lệ. Một hôm tôi được cha sở khen ngợi, mời vào văn phòng thưởng cho một ly rượu thánh từ La Mã, rất đặc biệt và quý. Cha Nghi được toàn thể đồng bào định cư không phân biệt Ðạo hay Ngoại mến thương vị nể vì người hết sức tận tâm chăm sóc chu đáo cho mọi gia đình. Uy tín của Ngài làm cho Việt Cộng căm thù. Sau đó không lâu, cũng trong văn phòng này, một tên Việt Cộng nằm vùng đã nhẫn tâm ném vào một quả lưu đạn sát hại, Ngài gục ngã ngay tại chỗ! Ðồng bào tị nạn khóc thương thảm thiết. Mọi người, mọi giới tại thành phố Huế đều xúc động thương tiếc vô vàn. Còn tôi là người ngoại đạo mà nhớ mãi ly rượu thánh của một vị linh mục đức độ, thương dân, chết vì dân!
Một kỷ niệm đau buồn khác để tưởng nhớ đến ông Thomas Ragsdale, cố vấn Canh Nông USAID, người đã rất tận tình, sốt sắng giúp đỡ rất hiệu quả cho Khuyến Nông Thừa Thiên. Ngày 30 tháng Chạp âm lịch năm 68, các cơ quan trong thành phố hầu như đều ngưng nghỉ để chuẩn bị Tết. Vậy mà ông Tom và tôi còn cần đi một vòng về Hương Trà và Phong Ðiền để giúp cấp cứu một con heo bị bệnh và kiểm soát lại với hệ thống dẫn nước vào ruộng vì sợ 3 ngày Tết sẽ bị chễnh mãn. Trên đường đi tôi hỏi : Tết này ông nghỉ phép đâu? Ông nói : Trước định đi Nha Trang, nhưng vì thấy còn vài hồ sơ còn lỡ dỡ nên ở lại Huế làm cho xong. Tôi nói : Ông cần phải nghỉ xả hơi, vì ăn Tết xong, chúng tôi sẽ làm việc hăng lắm. Ông không nghỉ theo với chúng tôi là sẽ mệt lắm đó. Ông nói: Nếu biết vậy thì tôi đã di Nha Trang để nghỉ ngơi, bây giờ trễ rồi? Mà trễ thật!! Sáng sớm hôm sau, Tết Mậu Thân, Việt Cộng tấn công thành phố Huế, ông Tom bị V.C. bắt đi và giết bỏ xác trong rừng! Xác được tìm thấy, được giảo nghiệm và gởi về cho Mẹ ông ở Mỹ. Tôi ngậm ngùi thương tiếc, chỉ còn biết đổ cho số phận đã xui nên, nhưng cũng hơi trách ông Trời sao không che chở cho những người có lòng tốt, xả thân làm việc nghĩa như Cha Nghi, ông Tom và bao nhiêu người hiền lương khác.
Phần cuối tôi xin "báo cáo vắn tắt" về công tác Khuyến Nông tại Mỹ Châu từ hơn 16 năm qua.
Số là qua đến Mỹ thì cái vốn Khuyến Nông bé nhỏ của tôi trở nên vô dụng, phải đổi nghề để sinh sống. Tuy đổi nghề nhưng "mối tình" Nông Nghiệp cứ âm ỉ trong lòng. Nên chi đi mô thấy cây cỏ mới lạ cũng bê về trồng : Gây được thứ chi mới lạ cũng tìm người phổ biến, trao đổi. Nghề trồng trỉa nay trở nên thú tiêu khiển thu gọn vào các chậu hoa kiểng với vài giống phong lan, tiểu quỳnh, violet... và vài giống rau cải quê hương như ngò gai, mồng tơi, ớt cay Phi Châu, đậu ngự và quý nhất là rau càng cua mà tôi trộn dầu giấm thì rất quý! Hột giống rau càng cua mà tôi khổ công tìm kiếm khắp nơi mới được một bạn ở Dallas gởi qua cho. Ðậu ngự thì tìm được trong quày đậu khô của một chợ Mỹ, có tên là Christmas Limabean, được mô tả là vị thơm bùi như hạt dẻ tây (Marron hay Chestnut). Tôi ở trong chung cư không có đất vườn nên gây giống trong nhà rồi phân phát cây con hay hạt giống cho bà con bạn bè có vườn. Nhờ vậy tuy không trồng mà đến mùa vẫn có đậu ngự, rau càng cua... để ăn. Ôi, ăn chè đậu ngự, ăn rau càng cua trộn dầu giấm mà nhớ quê hương, nhớ Huế chi lạ!
Chè đậu ngự (đậu của vua) thì gợi nhớ Huế đài các cao sang, còn rau càng cua thì gợi thương Huế bình dị nghèo nàn...! Mà Huế sang hay Huế nghèo thì vẫn là Huế muôn đời thơ mộng của tôi. Thật đúng là không đâu sánh được với quê hương xứ sở của mình! Nhưng mà thôi, mình phải sống với thực tế như nhà văn Nhất Linh đã nói: "Nếu ta không có được những gì ta thích, thì hãy thích những gì ta có"
Tỉa hoa vườn hồng của thành phố
Vào tuổi hưu trí nhàn rỗi, tôi may mắn kiếm được hai cái "jobs" thiện nguyện : May mền ráp (quilt) cho hội người già để biếu cho các gia đình nghèo. Và tỉa hoa cho vườn Hồng của Thành Phố. Hai jobs này cũng đều có liên quan đến ngành Khuyến Nông của Tôi.
May mền ráp (quilt)
Xin cám ơn Trời Phật, cám ơn đời đã cho tôi tìm được những niềm vui nhỏ trong lúc tạm dung ở xứ người.