TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Chuyện thuốc thiên nhiên
 
Lên mạng ngày 8/7/2011

 
 
CHUYỆN THUỐC THIÊN NHIÊN
 
Ds Nguyễn Ngọc Lan & Bs Thú y Nguyễn Thượng Chánh
 
Lời tác giả: Bài viết nầy chỉ là những thông tin khoa học tổng quát mà thôi chớ không có tính cách để chữa bệnh. Mọi thắc mắc hay nghi vấn liên quan đến thuốc thiên nhiên hoặc trước khi sử dụng nó, xin quý bạn đọc hãy tham khảo trực tiếp với bác sĩ gia đình của mình.
(NNL & NTC)
 
***
 
Ngày nay phong trào dùng thuốc thiên nhiên đang bành trướng mạnh mẽ khắp mọi nơi.
Phải chăng đây là khuynh hướng trở về nguồn của con người?
 
Tại Canada, thăm dò Ipsos Reid 2010 cho biết trên 72% dân chúng sử dụng thuốc thiên nhiên (herbal medicines, produits naturels). Đây là những loại thuốc được làm từ thực vật, cây cỏ, từ các phần của động vật, côn trùng hoặc từ các loại khoáng chất, v.v.
 
Thuốc thiên nhiên thường được sử dụng để bồi dưỡng sức khỏe, lọc thận, bổ gan, tẩy độc, tạo thêm sinh lực, trợ dương, tăng sức miễn dịch, phòng trị các bệnh thông thường như ho hen cảm cúm, viêm sưng đau nhức khớp xương hoặc để giúp làm tăng hay giảm cân.
 
Đối với người Việt Nam chúng ta, hiện tượng này không có gì mới lạ hết. Ngày xưa ở quê nhà, chúng ta cũng đã từng dùng thuốc thiên nhiên rồi. Đó là thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Ta hay thuốc “Vườn”... Sau 75, danh từ thuốc Dân tộc đã được dùng để chỉ những loại thuốc được sản xuất và bào chế từ cây cỏ ở Việt Nam.
 
Tại Canada, thuốc thiên nhiên được qui định và chi phối bởi luật Loi et Règlements sur les Aliments et Drogues của Bộ Y Tế Santé Canada. Phần lớn thuốc thiên nhiên được xếp vào trong nhóm thực phẩm bổ sung (supplément alimentaire) và có thể mua dễ dàng không cần toa bác sĩ trong các pharmacies, trong các chợ, trong tiệm Produits naturels, Health food stores hay mua qua ngõ bưu điện hoặc Internet…
 
Viết bài nầy, tác giả không có chủ tâm đánh giá thuốc thiên nhiên hay thuốc Tây.
Thuốc nào cũng có cái hay cái dở, cái mạnh cái yếu của nó hết.
 
Một nhận định sai lầm
 
Thường tình, ai cũng nghĩ rằng hễ thiên nhiên là vô hại.
Các nhà khoa học Tây Phương đã cho biết là có một số thuốc thiên nhiên kể cả các loại vitamines, nếu dùng không đúng cách vẫn có thể gây hại đến cho sức khỏe...
                     
Một vài loại thuốc có thể che lấp một cách tạm thời sự diễn biến thật sự của bệnh trạng và làm sai lạc kết quả các tests trong phòng thí nghiệm. Chúng cũng có thể làm gia tăng tác dụng của thuốc Tây đến độ gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Đôi khi thuốc thiên nhiên cũng có thể hóa giải, làm giảm hay làm mất tác dụng của một loại thuốc Tây nào đó nếu được dùng chung với nhau.
 
Tóm lại, tất cả các phản ứng bất lợi vừa nêu trên đều do sự tương tác (interaction) giữa các món thuốc với nhau mà ra thôi.
 
Một số thuốc thiên nhiên thông dụng tại hải ngoại
 
*/ Valériane (Valeriana officinalis, Valerian, Herbe aux chats, Herbe de St George):Giúp an thần, giảm lo âu bức rức, giảm stress, giảm suy nhược tinh thần, động kinh, giúp tập trung tư tưởng và ngủ ngon...
Không nên sử dụng chung với các loại thuốc ngủ hay thuốc an thần (sédatifs) như barbituriques, benzodiazepines (Valium, Librium, Ativan).
Cũng không nên uống chung với các thuốc thiên nhiên có tính an thần như Camomille, Kava và Millepertuis vì tính an thần sẽ bị gia tăng lên gấp bội và bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái mê man.
Cùng một lý do vừa nêu, không nên uống Valériane chung với rượu vì sẽ làm tăng tác dụng của alcool.
Cũng như không nên uống chung cùng một lúc với thuốc trị bệnh mất ngủ vì nó sẽ làm tăng tác dụng của thuốc nầy.
 
*/ Kava-Kava (Piper methysticum, Tonga, Awa): Trị lo âu, an thần...
Không nên sử dụng chung với các loại thuốc barbituriques, benzodiazepines, thuốc trị suy nhược tinh thần và thuốc trị bệnh Parkinson.
Kava có ảnh hưởng không tốt đối với các loại thuốc gây mê vì nó có thể làm gia tăng tác dụng của thuốc mê Halothane, rất nguy hiểm khi giải phẫu. Không nên uống rượu lúc sử dụng thuốc Kava.
 
*/ Echinacée (Echinacea sp, Cone flower, Hedgehog, Indian Head): Trị cảm cúm, cảm nhiễm đường hô hấp, tăng cường sức miễn dịch...
Không sử dụng Echinacée nếu đang xài các loại thuốc làm giảm sức miễn dịch (immunosuppresseur) như Cyclosporine sau khi được giải phẫu ghép bộ phận.
Kỵ các loại thuốc corticostéroides (Prednisone, Decadron), các stéroides anabolisants (Winstrol), Amiodarone (Cordarone), Methotrexate (Rheumatrex) và Ketocomazol (Nizoral).
Phụ nữ đang mang thai không nên xài Echinacée.
Những người nào đang mắc bệnh lao, hoặc các bệnh thuộc tự miễn (auto immune disease) như rheumathoid arthritis, systemic lupus erythomatosus cũng không nên sử dụng Echinacée. Chỉ nên uống trong vòng từ 7 đến 14 ngày mà thôi, không nên uống liên tục trong 8 tuần lễ.
 
*/ Tỏi (Allium sativum, Garlic, Nectar of the Gods, Ail): Trị cảm cúm, tiêu chảy, giúp làm giảm đường lượng trong máu, giảm cholestérol, giảm áp huyết, ngăn ngừa tình trạng xơ cứng động mạch, ngừa các bệnh thuộc về tim, bổ gan và tăng cường sức miễn dịch…
Thuốc tỏi có khuynh hướng làm máu loãng. Không nên xài thuốc tỏi cùng lúc với các thuốc kháng đông (anticoagulant) như Warfarin (Coumadin) hoặc với các thuốc có tính chống kết tụ tiểu cầu (antiplaquettaire) như Aspirine vì có nhiều nguy cơ bị xuất huyết.
Đối với các thuốc trị bệnh tiểu đường thường được gọi là thuốc giảm đường lượng (hypoglycémiant), cũng không nên dùng chung với thuốc tỏi để tránh tình trạng đường huyết bị kéo xuống quá thấp.
 
*/ Gừng (Zingiber officinale, Gingembre, Ginger): Dùng trong trường hợp muốn nôn mửa, say sóng (motion sickness) và ăn không ngon, mất đói...
Gừng kéo dài thời gian chảy máu. Tránh dùng gừng chung với các loại thuốc làm loãng máu như Aspirine, Coumadin. Lạm dụng gừng có thể ảnh hưởng đến các thuốc trị bệnh tim và thuốc trị tiểu đường.
 
*/ Camomille hay Cúc La Mã (Tanacetum parthenium, Feverfew, Wild Chamomile): Trị tinh thần căng thẳng, nhức đầu, phong thấp, dị ứng, chóng mặt, đau bụng lúc hành kinh...
Một khảo cứu Nhật Bản đăng trong Journal of Agricultural and Food Chemistry 2008 cho biết uống trà Camomille rất tốt vì nó giúp ức chế tác dụng của 2 chất Sorbitol và enzym ALR2, chính nồng độ cao của 2 chất nầy trong máu đã dự phần trong việc gây biến chứng của bệnh diabetes type II.
Không nên uống chung với thuốc chống đau nhức làm loãng máu thuộc nhóm anti inflammatoire non stéroidien như Tylénol, Aspirine, Ibuprofene (Advil, Motrin), Celebrex.
Cũng không nên uống Camomille chung với thuốc kháng đông (anticoagulant) như Coumadin vì sẽ dễ gây xuất huyết...
Camomille có chứa chất chát tannin có thể ngăn trở việc hấp thụ chất sắt Fe.
Phụ nữ đang mang thai tránh dùng Camomille vì có thể làm tử cung co thắt.
 
*/ Millepertuis (Hypericum perforatum, St John’s Wort, Goatweed, Herbe de St Jean):Trị suy nhược tinh thần nhẹ, lo âu, mệt mỏi, ăn không biết ngon, mất ngủ và đau nhức các bắp cơ, tăng sinh lực, giúp ổn định tâm tánh trong thời gian tiền kinh nguyệt...
Uống chung với các thuốc trị sida như thuốc Indinavir vì sẽ làm giảm tác dụng của loại thuốc diệt siêu vi nầy.
Millepertuis cũng ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc trị kinh phong (antiépileptique), thuốc ngừa thai, thuốc làm giảm sức miễn dịch, thuốc chống suy nhược tinh thần (Prozac, Paxil), thuốc chống kết tụ tiểu cầu, thuốc kháng đông (Coumadin), thuốc ngừa sự loại bỏ bộ phận ghép (Cyclosporine), thuốc chống siêu vi agents antirétroviraux (Invirase), thuốc trị bệnh tim Digoxine (Lanoxin) và Théophylline.
 
*/ Bạch quả (Ginkgo biloba, Yinhsing, Fossil tree, Kew tree, Maiden hair tree): Giúp máu lưu thông được dễ dàng, trị viêm phế quản, xơ cứng động mạch, cholesterol cao, bồi dưỡng trí nhớ, giảm triệu chứng bệnh Alzheimer, cải thiện tình trạng chóng mặt, giúp gan và túi mật hoạt động tốt...
Có thể làm xuất huyết nếu xài chung với thuốc kháng đông hoặc thuốc làm máu loãng như Aspirine, vitamin E, Plavix, Persantine và Ticlid. Tạp chí New England Journal of Medicine có đề cập đến một ca xuất huyết trong mắt sau khi bệnh nhân đã thường xuyên uống Ginkgo biloba và Aspirin trong một thời gian dài.
Tránh xài Ginkgo biloba lúc mang thai và lúc cho con bú.
 
*/ Sâm Cao ly (Panax ginseng): An thần, giảm stress, bồi dưỡng sinh lực, tăng sức miễn dịch, giảm đường máu, giảm cholestérol và trợ dương...
Dùng Ginseng chung với thuốc kháng đông có thể gây xuất huyết.
Với thuốc trị suy nhược tinh thần Phenelzine (Nardil) sẽ gây nhức đầu, run rẩy.
Với thuốc trị bệnh tim Digoxin (Lanoxin) sẽ làm khó đo lường hiệu quả và tác dụng của món thuốc nầy.
Cũng không nên uống Ginseng nếu đang trị liệu bằng các thuốc tâm thần (antipsychotiques) và thuốc trị suy nhược tinh thần hay trầm cảm (antidepresseurs).
Nếu đang dùng thuốc trị bệnh tiểu đường (Diabeta, Diamicron) thì cũng không nên dùng Ginseng cùng một lúc vì đường lượng có thể bị kéo xuống quá nhanh...
Lạm dụng Ginseng sẽ có nguy cơ làm tăng áp huyết, bồn chồn, mất ngủ, bị tiêu chảy hoặc da nổi đỏ.
 
*/ Ephedra/Ephédrine (Ephedra sinica, Ma Huang, Sea Grape, Yellow Horse, Desert Herb): Trị suyễn, tăng sinh lực và để giúp làm giảm cân...
Có thể dẫn đến những phản ứng bất lợi như ngạt thở, áp huyết tăng cao gây hại cho tim.
Sử dụng cùng lúc với thuốc thông mũi (décongestants) có chứa chất Ephédrine như Dristan, Sinutab, Sudafed, Actifed hoặc với các thuốc có Caffeine, bệnh nhân sẽ bị co giật, hôn mê và có thể bị đột quỵ tim.
Không nên uống Ephedra trong các trường hợp sau đây: lúc mang thai, lúc cho con bú, khi có bệnh tiểu đường, đang bị bệnh tăng nhãn áp (glaucome) hoặc đang bị chứng cường giáp trạng (hyperthyroidisme).
 
*/ Sulfate de glucosamine: Trị đau nhức do thoái hóa khớp (arthrose), bảo vệ sụn khớp...
Có người cho rằng Glucosamine có tính làm tăng đường máu? Nếu dùng chung với thuốc Insuline có thể sẽ làm giảm tác dụng của thuốc nầy. Vấn đề trên cũng còn trong vòng tranh cãi giữa các nhà khoa học với nhau.
Nên ngưng uống Glucosamine một tuần trước ngày đi thử máu để việc đo đường lượng được chính xác hơn.
Không xài Glucosamine đồng thời với thuốc kháng đông Warfarin (Coumadin).
Người nào thường hay bị dị ứng với đồ biển thì không nên uống Glucosamine có hoặc không có phối hợp với Chondroitine, vì cả hai chất nầy đều có nguồn gốc từ cá mập
 
*/ Dong Quai (Angelica sinensis, Ginseng pour femme): Trị mất ngủ, điều kinh, trị đau bụng và giúp giảm thiểu các triệu chứng bất lợi của thời kỳ mãn kinh...
Không nên dùng Dong Quai lúc đang mang thai, hoặc lúc có kinh nguyệt quá nhiều.
Những người đang bị bệnh tiểu đường cần thận trọng vì Dong Quai có thể làm tăng đường huyết.
Với liều lượng cao, Dong Quai làm tăng nhịp tim và làm tăng áp huyết.
 
*/ Cam thảo (Réglisse, Glycyrrhiza glabra, Licorice, Sweetwood): Trị bệnh đau dạ dầy, loét bao tử, loét miệng, ho hen, phong thấp, v.v.
Dùng cùng lúc với các thuốc lợi tiểu (diurétiques) có thể làm giảm chất potassium trong máu. Không nên uống cùng một lượt với thuốc trị bệnh tim như Lanoxin hoặc với các thuốc làm hạ áp huyết.
Tránh dùng Réglisse khi có thai, hay bị tiểu đường, yếu gan, yếu thận hoặc đang mắc các bệnh chứng về tim mạch hay áp huyết cao.
 
*/ Saw Palmetto, cây cọ lùn (Serenoa repens, Cabbage Palm, Sabal, Dwarf Palm, Palmier Nain): Có tính lợi tiểu, và được dùng để trị các bệnh thuộc đường tiết niệu...
Saw Palmetto cũng thường được sử dụng để chữa trị truờng hợp tiền liệt tuyến bị triển dưỡng (benign prostatic hypertrophy). Phản ứng phụ của thuốc là có thể làm giảm sự ham muốn tình dục và gây nhức đầu.
Nó cũng có thể làm thay đổi tác dụng của các thuốc ngừa thai và của các hormones trị liệu khác. Không nên dùng Saw Palmetto lúc mang thai hoặc trong thời gian cho con bú.
 
*/ Hawthorn (Crataegus oxycantha, Aubépine, Mayflower, Maybrush): Trị hồi hộp, tim đập nhanh, lo âu mất ngủ, giảm các cơn đau thắt ngực bằng cách giảm áp huyết động mạch và giảm cholesterol trong máu...
Không nên uống cùng một lúc với các loại thuốc trị bệnh tim như Digoxin (Lanoxin) vì nhịp tim có thể bị giảm nhiều.
 
*/ Hà thủ ô (Polygonum multiflorum, Radix Polygoni multiflori, Chineese knotweed, Flowery knotweed, Ho shou wu, He shou wu, Zi shou wu, Shou Wu Pian, Fo ti): Rất phổ biến ở Việt Nam và Bắc Mỹ. Theo Đông y, Hà thủ ô dùng để bồi dưỡng sức khỏe, giữ cho tóc và râu được đen lâu bạc, bổ gan thận huyết, bổ xương, trợ dương…
Theo cơ quan y tế của Anh Quốc Medecine&Health Care Products Regulatory Agency cho biết, có nhiều khảo cứu nói đến tác dụng độc hại của Hà thủ ô đối với gan như làm vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, ói mửa, đau bụng, biếng ăn và làm cho yếu sức (Batinelli et al  2004, New case of acute hepatitis following consumption of Shou Wu Pian, Ann Inter Med140:E589.
Park GJ et al ,Acute hepatitis induced by Shou Wu Pian
 
*/ Nha Đam, Lô Hội (Aloe vera): Có tính nhuận trường. Dùng trị uống để trị viêm, sốt, tiểu đường, hen suyễn, dị ứng... Dùng thoa ngoài da để trị phỏng, làm lành vết thương.
Có khuynh hướng làm giảm chất potassium trong máu (hypokaliémie).
Cẩn thận với các thuốc làm hạ potassium chẳng hạn như Digitalis, Lanoxin cùng những thuốc lợi tiểu nhóm Chlorothiazide (Diuril), Furosemide (Lasix)... vì sẽ làm trầm trọng hơn sự sụt mất potassium.
 
*/ Nước bưởi (Jus de pamplemousse, grapefruit juice): Món giải khát bổ dưỡng chứa nhiều sinh tố...
Có thể tương tác với một số thuốc Tây rất nguy hiểm.
Nước bưởi (grapefruit juice), cũng như bưởi trái có thể làm gia tăng gấp bội mức độ hấp thụ của một số thuốc vào trong máu, đồng thời cũng kéo theo những tác dụng phụ bất lợi nguy hiểm. Cam và chanh không thấy có ảnh hưởng nầy.
Vài thí dụ về sự tương tác giữa nước bưởi và một số thuốc Tây như sau: 
- thuốc trị cao áp huyết: Felodipine (Plendil), Nifedipine (Adalat), Nimodipine (Nimotop);
- thuốc làm giảm cholestérol: Simvastatin (Zocor), Lovastatin (Mevacor), Atorvastatin (Lipitor);
- thuốc làm giảm sức miễn nhiễm dùng trong những ca ghép bộ phận: Cyclosporine (Neoral);
- thuốc trị lo âu, mất ngủ, suy nhược tinh thần: Diazepam (Valium), Triazolam (Halcion), Carbamazepine (Tegretol), Trazodone (Desyrel), Clomipramine (Anafranil);
- thuốc trị dị ứng: Astremizole (Hismanal);
- thuốc trị Sida: Saquinavir (Fortovase).
 
*/ Nấm linh chi (Ganoderma lucidum, reishi, ling zhi, mannontake..): Giúp tăng sức miễn dịch, giảm huyết áp, giảm cholestérol, bổ thận, bổ gan, ngừa cancer, mất ngủ...
Tương tác với các thuốc thiên nhiên có tính kháng đông hoặc làm loãng máu (panax ginseng, bạch quả, capsicum, camomile, celery, cam thảo, gừng, củ hành, tỏi...) vì có thể làm dễ chảy máu hơn và làm tuột huyết áp.
Sử dụng chung với các thuốc Tây có tính gây loãng máu hoặc chống kết tụ tiểu cầu (antiplaquettaire) như Aspirin, Voltaren, Ibuprofen, Advil, Motrin, Naproxen, Heparin, Warfarin (Coumadin)… nấm linh chi sẽ làm gia tăng tác dụng kháng đông và làm xuất huyết nhiều hơn. Đối với các thuốc giảm huyết áp như Catopril, Enalapril, Diltiazem, Amlodipine, nấm linh chi làm huyết áp tuột giảm nhanh hơn.
 
*/ Kim tảo thảo, Cúc gai, Milk Thistle (Silibum marianum, Chardon Marie): Dùng để bổ gan, ngừa xơ gan, viêm gan mãn tính, trị ăn mất ngon, cancer tiền liệt tuyến, tiểu đường, trầm cảm...
Trên lý thuyết có thể ức chế enzyme Cytochrome P450 2C9 substrates làm tăng nồng độ các thuốc Amitriptyline (Elavil), Warfarin (Coumadin), Diazepam (Valium)) và cũng làm ức chế enzyme nhóm Cytochrome P450 3A4 substrates (tăng nồng độ Indavir thuốc trị Sida).
 
*/ Sâm Ấn Độ Ashwagandha (Withania sommifera còn gọi là Ajagandha, Amangura)… Rất thông dụng tại Ấn Độ. Tuy không nằm trong nhóm Ginseng nhưng công dụng trị liệu cũng tương tợ nên người ta còn gọi Ashwagandha là Indian ginseng. Đây là một adaptogen nghĩa là một loại thảo mộc có tính năng củng cố sức khỏe toàn diện.
Tính bổ dưỡng, cải thiện khả năng sinh lý, khôi phục sức khỏe sau thời gian bị bệnh, tăng cường sinh lực, cải lão hoàn đồng, chống stress, trầm cảm và lo âu. Quảng cáo còn cho biết Ashwagandha được dùng để trị tiểu đường và cancer.
Ở liều lượng cao có thể gây rối loạn tiêu hóa, nôn mửa và gây xảo thai.
Có thể làm tăng tác dụng của các thuốc nhóm benzodiazepine và CNS depressant như barbiturate. Vậy chúng ta hãy cẩn thận.
Ashwagandha xài chung với các thuốc thyroid hormones sẽ làm tăng tác dụng của thuốc nầy.
 
*/ Rau đắng biển (?) Bacopa (Bacopa monnieri còn gọi là Brahmi jalamimba):
Thông dụng bên Ấn Độ. Bổ thần kinh, chống co giật epilepsy, bồi dưỡng trí não, trị lo âu. Alzheimer, hen suyễn, phong thấp, đau lưng, lợi tiểu, bổ tim, sex…
 
*/ Trà xanh (Green tea, Camellia sinensis) chứa nhiều anti-oxidants.
Trị đủ thứ bệnh, ngừa cancer.
Tương tác với các thuốc kháng đông và thuốc chống kết tụ tiểu cầu đưa đến nguy cơ làm gia tăng sự xuất huyết.
Làm giảm hấp thụ chất sắt non heme có nhiều trong thực phẩm thực vật.
Sữa làm giảm tác dụng anti-oxidant của trà xanh.
 
*/ Nghệ (Curcuma longa còn gọi là turmeric, curcuma, curcumen, Indian saffron): Chứa nhiều anti-oxidants.
Hoạt chất của nghệ là curcumin (diferuloymethane), một sắc tố màu vàng có tác dụng kháng viêm, ngăn chặn sự sinh sản tế bào ung thư bằng cách ức chế sự phát triển mạch máu nuôi ung thư (angiogenesis). Nghệ làm lành vết thương.
Nghệ có tính chống kết tụ máu (antithrombotic), chống oxid hóa (antioxidant).
Không dùng chung nghệ với các thuốc thiên nhiên có tính làm chảy máu như: dong quai, tỏi, bạch quả, panax ginseng, cam thảo, củ hành, camomille...
Thực phẩm thiên nhiên cho rằng nghệ trị bá bệnh như đau bụng, sình hơi, chậm tiêu, tiêu chảy, vàng da và kề luôn cancer. Nghệ dùng làm gia vị trong ẩm thực và là một thành phần trong bột cà ri.
Không sử dụng nghệ nếu đang uống các loại thuốc kháng đông hoặc chống kết tụ tiểu cầu như Aspirin, Clopidogrel (Plavix), Heparin, Warfarin (Coumadin)...
 
**Tác giả cố ý gom Milk thistle, Ashwagandha, Bacopa, Trà xanh và Nghệ chung với nhau để lưu ý bạn đọc về một loại thuốc thiên nhiên hiện nay được quảng cáo rất mạnh mẽ tại Bắc Mỹ. Người ta đặt cho nó cái tên là “Dược thảo kỳ diệu của thế kỷ 21” Đó là thuốc bổ sung cải lão (anti aging supplement) có tên thương mại là PROTANDIM. Thuốc nầy có chứa 5 dược thảo vừa nêu trên. Đặc tính giúp “ngừa ung thư da, nám da, tái tạo làn da đẹp, ngừa luôn mục cóc” (theo quảng cáo nghe được tại Bắc Cali).
Protandim chỉ được xem như một loại thực phẩm bổ sung. Không được FDA nhìn nhận và chấp thuận như một thứ thuốc để trị bệnh. Protandim do LifeVantage Corporation phân phối theo cách multilevel marketing (tiếp thị đa cấp).
 
*/ Riềng (Alpinia officinarum, catarrh root, China root, chinese ginger, gao liang, India root, gargaut):
FDA liệt kê riềng trong nhóm Generally recognized as safe (GRAS). Hoạt chất là gingerols và diaryheptanoids.
Riềng dùng như một chất kích thích, sát khuẩn, bụng đầy hơi, chống viêm sưng, trị sốt nóng.
Có tính làm tăng acid trong bao tử.
Tránh dùng riềng khi sử dụng các thuốc đau bao tử như Cimétidine (Tagamet), Ranitidine (Zantac), Famotidine (Pepcid), Pepto-Bismol, Gaviscon…
 
*/ Rau má (Centella asiatica, Hydrocotyle asiatica, Gotu kola...): Tăng trí nhớ, ngừa mệt mỏi, viêm nhiễm đường tiểu, viêm thấp khớp, đau bao tử, kinh phong, giúp vết thương mau lành.
Với liều lượng cao có thể làm tăng huyết áp, tăng glucose, tăng triglyceride, tăng cholestérol và làm lừ đừ (drowsiness), gây độc cho gan (hepatotoxicity).
Làm tăng tác dụng an thần (sedative) và buồn ngủ nếu dùng chung với thuốc thiên nhiên Capsicum, Siberian ginseng, Celery, Kava, St John’s wort, Valerian, Calamus, Calendula…
 
*/ Devil’s claw (Harpagophytum procumbens, Griffe du diable, Grapple plant):Trị xơ cứng mạch, viêm khớp, thấp khớp, gout, đau cơ, rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, ăn không tiêu, vấn đề kinh kỳ, dùng ngoài da trị các vết thương...
Giảm hiệu nghiệm đối với các thuốc antacid trị bệnh đau bao tử như Cimetidine (Tagamet), Famotidine (Pepcid), Pantoprazole (Pantoloc), Esomeprazole (Nexium)...
Không dùng chung với Warfarin vì sẽ gây đỏ da purpura.
 
*/ Lộc Nhung (Cervus Nippon, Antler velvet, Bois de velour, Lu Rong, Nokyon, corne servi parvum): Sử dụng để tăng sinh lực, bổ dương, trị cao máu, giảm cholesterol, loãng xụơng, chống lão hóa, bổ xương, ngừa viêm sưng...
Lộc nhung có thể làm ức chế tính dung nạp (tolerance) đối với những liều morphine liên tiếp. Trên lý thuyết, phụ nữ nên tránh xài lộc nhung trong những ca họ đang nhạy cảm với hormone estrogen như trong ca có bệnh sử gia đình về cancer vú và cancer cổ tử cung.
 
Một thị trường hỗn độn
 
Trên 70% thuốc thiên nhiên bán tại Canada được xếp vào nhóm thực phẩm...
 
Ngày 1 Janvier 2004, Cơ quan Santé Canada cho áp dụng điều luật mới về thuốc thiên nhiên.
Santé Canada gọi tất cả các sản phẩm thiên nhiên với cái tên chung là «Produits de santé naturels PSN».
Trong nhóm nầy bao gồm: các dược thảo, rong biển, nấm, vi khuẩn tốt hay probiotics, vitamins, khoáng chất, các acids béo thiết yếu (essential fatty acids) như Omega-3, các sản phẩm từ thú vật và hải sản, các thuốc Tàu hay thuốc Bắc, Cao đơn hoàn tán, thuốc Nam, thuốc Ấn Độ, các thuốc liệu pháp vi lượng đồng cân (produits homéopathiques)…
Theo luật nầy, tất cả nhà sản xuất thuốc thiên nhiên phải có môn bài cấp bởi Santé Canada. Nhà sản xuất phải đệ nạp các thông tin như: phải nêu rõ tên sản phẩm, chất gì, nguồn gốc từ đâu, có những hoạt chất nào, ảnh hưởng trên sức khỏe cùng liều lượng và cách sử dụng ra sao, các tài liệu khảo cứu liên hệ, v.v.
 
Nếu được chấp nhận, Santé Canada mới cấp cho sản phẩm một DIN (drug identification number) gồm 8 số, hoặc số NPN (numéro de produit naturel), hoặc số liệu pháp vi lượng đồng cân DIN-HM (homeopathic medecine). Tất cả chỉ dẫn và các điều cấm kỵ (contre-indications, mise en garde) cũng đều phải được ghi rõ bên ngoài hộp thuốc...
 
Đối với thuốc thiên nhiên sản xuất tại Canada và Hoa Kỳ, nhà bào chế phải tuân theo một số quy tắc làm ăn đàng hoàng gọi là BPF (Bonne Pratique de Fabrication, Good Manufacturing Practice).
 
Một món thuốc có mang ký hiệu DIN, NPN hoặc DIN-HM cho biết là nó đã đáp ứng đầy đủ thủ tục cứu xét của cơ quan Y tế Canada...
 
Thực tế cho thấy kỹ nghệ thuốc thiên nhiên không ngừng phát triển một cách quá nhanh chóng trong một bối cảnh hỗn độn, không có luật lệ rõ ràng để quy định và kiểm soát. Ai muốn bán gì thì bán, nói sao hay quảng cáo sao cũng được hết...
 
Tạp chí Protégez Vous đã từng cho điều tra xét nghiệm một số thuốc thiên nhiên bán tại Québec, thì mặc dù có mang ký hiệu DIN đàng hoàng nhưng không ít sản phẩm đã không tôn trọng những điều đã ghi trên hộp thuốc như liều lượng không đúng, thậm chí chất thuốc cũng không tương ứng như đã ghi bên ngoài.
 
Chất lượng của thuốc: một vấn đề nan giải
 
Trước một rừng thuốc thiên nhiên đủ loại, đủ cỡ, người tiêu thụ bị hoa mắt, phân vân và tự hỏi không biết mình nên chọn thuốc nào đây? Thôi thì chỉ còn biết tin vào quảng cáo, hình thức và màu sắc bên ngoài của hộp thuốc để mà quyết định.
 
Tại Canada, thuốc thiên nhiên nằm trong vòng kiểm soát của một số nhà bào chế lớn như: Wampole Canada, Swiss Herbal, Quest, Jamieson, Lalco, Adrien Gagnon, Jean Marc Brunet, v.v... Ngoài ra, cũng có một số labo nhỏ chen chân kiếm ăn bên cạnh các nhà bào chế đàn anh.
 
Santé Canada ước lượng thị trường thuốc thiên nhiên tại Canada ở vào lối 4,3 tỷ đô la/năm (so với 10,9 tỷ đô la/năm cho các dược phẩm có brevet).
Thuốc thiên nhiên tại Hoa kỳ 36 tỷ đô la/năm.
 
Thuốc thiên nhiên được sản xuất theo lối công nghiệp thì đòi hỏi phải có nguồn cung cấp nguyên liệu thật dồi dào. Một số được sản xuất ngay tại Canada hoặc Hoa Kỳ và phần lớn còn lại được nhập cảng từ Á Châu hay từ Nam Mỹ. Hoạt chất của cây thuốc có thể rất thay đổi, tùy theo thời gian tăng trưởng, nơi trồng, cách trồng, tùy theo phần nào của thực vật được sử dụng và cũng tùy theo cây thuốc được gặt hái lúc nào trong năm.
 
Tại những phương trời xa xôi vạn dặm thì làm sao mà kiểm soát một cách chu đáo tất cả quy trình sản xuất nguyên vật liệu để bảo đảm có một chất lượng an toàn và trung thực cho được?. Đây cũng là một vấn đề lo nghĩ của những nhà-bào-chế-có-lương-tâm.
 
Không phải thiên nhiên là vô hại!
 
Một số thực vật có thể có hại cho sức khỏe như làm hư gan, hại thận hay thậm chí còn có thể gây ra ung thư.
Bởi lẽ nầy nên một số chất sau đây bị cấm tại Canada: Aristolochic acid của thực vật nhóm Aristolochia (Birthwort, Snake root, Guang Fang Ji), Coca (Erythroxylum coca), Mã tiền Nux vomica (có Strychnine) và Pau d’arco (Tabebuia impetiginosa).
 
Santé Canada thường theo dõi và kiểm soát các loại thuốc thiên nhiên bán trên thị truờng, đặc biệt quan tâm đến các loại thuốc nhập cảng từ Á Châu.
Thỉnh thoảng cơ quan nầy cũng có phát hiện một số thuốc mạo hóa.
Tuy mang danh nghĩa là thuốc thiên nhiên, nhưng nhà sản xuất lại cố tình pha trộn thêm những loại thuốc Tây (prescription drugs, médicaments d’ordonnance) vào trong đó... Những chất thuốc thường được pha trộn thêm có thể là những stéroides, hormones, các chất thuốc lợi tiểu, các thuốc kháng viêm sưng (anti-inflammatoires), các thuốc trợ dương (aphrodisiaques) và thuốc làm giảm đường huyết (hypoglycémiants).
 
Lại nữa. nhãn hiệu của các thuốc nhập cảng từ Á Châu thường lem nhem không rõ rệt, khó hiểu, không đầy đủ chỉ dẫn cần thiết và cũng không nêu rõ những điều cấm kỵ quan trọng!
 
Kết luận
 
Tại Canada, thuốc thiên nhiên mặc dù được sử dụng rộng rãi khắp nơi, nhưng khác với một số nước bên Âu Châu, nó vẫn chưa được giới y-khoa chính thức công nhận.
Dù sao đi nữa, không ai có thể chối cãi được những lợi ích của một số thuốc thiên nhiên đã mang lại cho sức khỏe chúng ta, chẳng hạn như nhân sâm và lộc nhung mà mọi người Việt Nam chúng ta đều đã có nghe nói đến...
 
Trở ngại chính yếu hiện nay của thuốc thiên nhiên là thiếu cơ chế pháp lý quy định rõ rệt để việc kiểm soát loại thuốc nầy được hữu hiệu hơn. Ngoài ra, vấn đề thiếu tài liệu khảo cứu khoa học giá trị và đáng tin cậy cũng làm giới y-khoa e dè chưa có thể chính thức chấp nhận thuốc thiên nhiên như một phương pháp y-khoa phù-trợ (médecine complémentaire)bên cạnh thuốc Tây được!
 
Vậy: Thiên nhiên không phải là hoàn toàn vô hại!
 
Collège des Médecins và Ordre des Pharmaciens du Québec khuyên chúng ta không nên sử dụng vitamines với những liều lượng quá lớn, đừng bao giờ mua thuốc thiên nhiên mà nhãn hiệu không rõ rệt, và chỉ sử dụng thuốc thiên nhiên trong thời gian ngắn mà thôi (dưới 3 tháng) vì khoa học chưa biết ảnh hưởng về lâu về dài của món thuốc thiên nhiên đó ra sao.
 
Cẩn thận với các lời quảng cáo chẳng hạn như bảo đảm sẽ chữa khỏi bệnh, hoặc có thể ngừa được bệnh, hoặc họ nói đây là một loại thuốc nhiệm mầu đã được người Trung Hoa hay Ấn Độ sử dụng từ cả ngàn năm nay rồi. Nếu hỏi người bán đó là chất thuốc gì, tên gì, mà họ không chịu nói, hoặc nói ấm a ấm ớ thì tốt hơn hết đừng nên mua.
 
Mỗi khi đi khám bệnh, bạn cần phải nói rõ cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng loại thuốc thiên nhiên nào. Tốt hơn hết là bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và dược sĩ trường hợp bạn có ý định xài thuốc ngoại khoa.
 
Lời khuyên của các nhà chuyên môn rất ư là cần thiết nếu bạn đang thường xuyên sử dụng các loại thuốc Tây như: thuốc chống đông máu, thuốc làm loãng máu, thuốc làm giảm đường huyết, thuốc trị bệnh tim, lúc đang mang thai, lúc cho con bú, lúc bạn chuẩn bị để được giải phẫu, và cuối cùng nếu bạn lúc nào cũng cảm thấy cần phải…sáng say chiều xỉn hết./.
 
Tài liệu tham khảo:
 
-          Santé Canada - Cadre réglementaire pour les produits de santé naturels: Aperçu (2004)
 
-          Health Canada-Natural and health products
          
 
 
-          Chevalier, A. Encyclopédie des plantes médicinales. Montréal, Sélection du Reader’s Digest, 1997
 
-          The healing power of vitamins, minerals and herbs-the A-Z guide to enhancing your health and treating illness with nutritional supplement. Montreal, The Reader’s Digest Association 1999
 
-          Collège des Médecins du Québec et Ordre des Pharmaciens du Québec- Attention, Parlez-en avec votre Médecin ou votre Pharmacien
 
 
 
 
-          Natural Medicines Comprehensive Database - compiled by the Editors of Pharmacist’s Letter and Prescriber’s Letter, Sixth edition, 2004
 
-          ABC News. 2 June 2005-Does a new pill contain the fountain of youth?
        
 
 
Montreal, July 07, 2011
 
  
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860982 visitors (2232099 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free