TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Mèo tôi bị Sida rồi
 
Lên mạng ngày 15/9/2009

Mèo Tôi Bị Sida Rồi
 
Nguyễn thượng Chánh, DVM
 
 
         Từ khóa: Feline immunodeficiency virus (FIV)
 
 
Ít có người biết là mèo bốn cẳng có thể bị Sida y như mèo hai cẳng. Mèo nhà, mèo rừng và dòng họ félidé nhà mèo như beo và gấm đều có thể mắc bệnh Sida hay còn được gọi là bệnh liệt kháng.
 
Virus bệnh Sida ở mèo được gọi là FIV, không ảnh hưởng đến người và các thú vật khác.
 
Các nhà khoa học ước lượng tại Bắc Mỹ có thể có vào khoảng từ 1% đến 5% mèo nhà, có tiềm năng bị nhiễm Sida.
 
 
Virus FIV là gì?
 
Virus Sida mèo FIV được xác định lần đầu tiên vào năm 1986 tại California, Hoa Kỳ.
 
Đây là một Lentivirus thuộc nhóm Retrovirus tương tợ như  Human immunodeficiency virus (HIV) tác nhân gây bệnh Sida/AIDS ở người.
 
Mật độ nhiễm bệnh nhiều hay ít cũng tùy thuộc vào tuổi tác của con vật, tùy mèo đực hay mèo cái hoặc tùy theo điều kiện và nơi chốn mà nó sinh sống, chẳng hạn như mèo nuôi trong nhà hay mèo hoang đi bụi đời khắp xóm.
 
 Virus Sida Mèo lây nhiễm bằng cách nào?
 
Virus FIV có nhiều trong nuớcbọt, nước miếng mèo.
 
Các nhà khoa học không nghĩ rằng bệnh có thể truyền qua ngõ máu và qua ngõ sinh dục như trường hợp Sida ở người được.
 
Vậy cách truyền bệnh Sida chính yếu ở loài mèo là qua vết cắn. Ngoài ra FIV cũng có thể truyền từ mèo mẹ sang cho mèo con qua ngõ thai nhau.
 
Mèo đực dễ bị Sida hơn hết. Với bản chất hung dữ và hiếu chiến, mèo đực thường hay đi rong bên ngoài để cắn lộn nên có nhiều nguy cơ và điều kiện bị nhiễm bệnh hơn những con mèo được nhốt trong nhà.
 
 
Làm sao biết mèo đã bị Sida?
 
Bệnh Sida mèo có diễn tiến rất chậm và diễn biến qua nhiều giai đoạn như sau:
 
* Giai đoạn 1: Triệu chứng không rõ rệt, sốt nóng, biếng ăn, tiêu chảy và có vẻ buồn bã. Các hạch sưng to. Các dấu hiệu trên kéo dài trong vài ngày đến vài tuần rồi biến mất. Ít khi nào mèo được chủ đưa đi khám.
 
* Giai đoạn 2: Trong giai đoạn nầy mèo tuy không biểu lộ một triệu chứng lâm sàng nào cả nhưng con vật đã mang trong mình virus FIV rồi. Test Sida dương tính (séropositive). Đây là giai đoạn rất nguy hiểm có thể lây nhiễm cho những mèo khác. Giai đoạn nầy kéo dài trong vài tháng đến nhiều năm.
 
* Giai đoạn 3: Sau một thời gian khá dài không có triệu chứng bệnh thì bây giờ các hạch lại bắt đầu thấy từ từ sưng ra. Giai đoạn nầy có thể dây dưa trong nhiều năm nữa trước khi bệnh phát ra.
 
* Giai đoạn 4: Đây có thể được xem là giai đoạn tiền sida. Các triệu chứng do tình trạng liệt kháng xuất hiện ra, thí dụ như mèo dễ bị cảm nhiễm vi trùng và sụt cân nhưng không quá 20%, miệng có thể bị lở loét, viêm phổi, viêm lỗ tai, viêm đường tiểu, tiêu chảy và nổi abcès tại nhiều nơi...
 
* Giai đoạn 5: Ít hơn 10% mèo chuyển sang giai đoạn nầy. Dấu hiệu nổi bật là sụt cân trên 20% và mèo dễ bị cảm nhiễm vì tình trạng hệ miễn dịch quá suy yếu. Trong giai đoạn nầy, mèo rất dễ bị nhiễm bởi các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm như Toxoplasna, Hemobartonella, Candida, Streptococcus, Mycobacterium tuberculosis, Calicivirus và Poxvirus.
 
* Giai đoạn 6: Có thể thấy xuất hiện một vài loại cancer như carcinome, lymphosarcome và các cancer của tủy xương. Một số mèo có thể biểu lộ triệu chứng thần kinh, chẳng hạn như thay đổi tính tình, bị co giật hay thay đổi trong cách đi đứng. Mèo có thể bị viêm đa khớp và có dấu hiệu thiếu máu, v.v…
 
 
Chẩn đoán bằng cách nào?
 
Nếu thử test có kết quả dương tính thì kể như có virus FIV trong máu và con mèo nầy được xem là bị nhiễm suốt đời.
 
*Test ELISA (enzyme linked immunosorbent assay):
 
 Thường được sử dụng để tìm kháng thể chống FIV.
 
 Test rất nhạy nhưng có thể cho từ 2% đến 20% faux positif  (dương tính  giả).
 
 Bởi lý do nầy, nên cần làm thêm những tests chuyên biệt khác để xác định lại kết quả dương tính đã có.
 
 Những mèo nào đã được chủng ngừa từ trước sẽ cho kết quả dương tính giả. Mèo con bú sữa mèo mẹ, kháng thể cũng sẽ cho kết quả dương tính giả vì vậy chúng cần được thử test lại 6 tháng sau.
 
 Ngược lại với dương tính giả, đôi khi kết quả cũng có thể cho ra âm tính giả faux négatif,bởi thử test quá sớm sau khi mèo bị nhiễm nên cơ thể chưa có thời gian để tạo đủ kháng thể.
 
Biết rằng phải cần lối 6 tháng sau khi bị nhiễm kháng thể mới thấy xuất  hiện ra trong cơ thể mèo. Thử test trước thời điểm nầy sẽ có kết quả âm tính giả.
 
*IFA test (Immuno fluorescent antibody test):
 
Có thể được sử dụng thêm nhằm mục đích xác định kết quả dương tính của test trước đó.
 
Nếu mèo có FIV dương tính nhưng bạn phân vân không biết nó có virus hay không thì bạn có thể cho làm thêm test PCR (Polymerase chain reaction) để tìm sự hiện diện của virus trong máu.
 
 
Tôi phải làm gì nếu con mèo đã bị nhiễm rồi?
 
Mèo bị nhiễm virus FIV không có nghĩa là nó sắp chết liền đâu.
 
Nguyên tắc chính là giữ con vật trong nhà, giúp nó đừng bị nhiễm trùng có thể gây thành bệnh trầm trọng rất nguy hiểm.
 
Tránh sự tiếp xúc giữa mèo bệnh và mèo lành nuôi chung trong nhà.
 
Thuốc kháng sinh có thể sử dụng trong một thời gian dài để trị nhiễm trùng nhưng kết quả tương đối mà thôi. Có thể tiếp dịch truyền hoặc tiếp máu để tăng sức.
 
Cho ăn những thực phẩm giàu năng lượng và có tính bổ dưỡng cao. Sử dụng các loại thuốc stéroides anabolisants để giảm bớt sự mất cân.
 
Nên nhớ là tất cả cách trị liệu vừa nêu trên đều không có mục đích chữa trị được virus FIV.
 
Có thể sử dụng thuốc Interferon AZT của người nhưng trong thực tế rất khó mua và giá cả cũng quá đắt.
 
Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu những loại thuốc khả dĩ có thể làm giảm thiểu số lượng virus chớ không thể nào loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh được. Một khi đã bị nhiễm virus rồi thì rất khó mà biết đến lúc nào con vật sẽ chết. Trong điều kiện lý tưởng và được săn sóc kỹ lưỡng, mèo sẽ mạnh khỏe bình thường trong nhiều tháng đến vài năm rồi mới chết.
 
Con mèo tôi đã chết rồi, tôi có thể mua con mèo khác không?
 
Virus FIV không tồn tại được lâu trong môi sinh. Sự lây nhiễm trực tiếp thường phải qua vết cắn. Bạn khỏi cần phải chờ đợi một thời gian lâu lắc làm chi mà có thể mua con mèo khác ngay lập tức để thay thế con mèo bệnh.
 
Lẽ đương nhiên để đề phòng virus, bạn cần nên tẩy uế nơi mèo ở cũng như sát trùng bằng nước javel tất cả dụng cụ và đồ chơi của con mèo bệnh.
 
Mèo con mua về cần nên được chủng ngừa bệnh Sida.
 
 
Tôi có thể nào bị lây nhiễm bệnh Sida từ mèo không?
 
Mặc dù virus FIV (Sida mèo) và virus HIV(Sida người) rất giống nhau về hình thái và cách gây bệnh, nhưng FIV là virus rất đặc thù chỉ gây bệnh cho loài mèo mà thôi.
 
Người không thể bị lây nhiễm bệnh Sida mèo.
 
 
Có vaccin chủng ngừa bệnh Sida mèo haykhông?
 
Vài năm trước đây, Đại học Florida qua khảo cứu có tìm ra được một loại vaccin để chủng ngừa bệnh Sida mèo. Vaccin nầy được sản xuất từ hai chủng loại virus FIV rất hiền, nghĩa là lấy từ những con mèo mang dương tính (séropositif) trong một thời gian thật dài nhưng lại phát hiện ra thành bệnh rất trể. Mèo nầy được các nhà khoa học gọi là long term nonprogressors (LTNP).
 
Vaccin chỉ có thể bảo vệ mèo đến một mức nào đó mà thôi nhưng không thể xem nó hữu hiệu 100% được!
 
Ngày 14 tháng 3, 2002 Bộ Canh Nông Hoa Kỳ USDA đã chấp thuận cho phép bán vaccin nầy trên thị trường.
 
 
Còn mèo hai cẳng thì sao?
 
Theo Bs Trần mạnh Ngô (Y dược ngày nay) cho biết, thì trên thế giới hiện nay các nhà khoa học đang nổ lực nghiên cứu và thí nghiệm các loại vaccin để chủng ngừa HIV/AIDS.
 
Các thí nghiệm đang được thực hiện ở Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, Phi Châu, Nam Phi và Brazil…Kết quả tiến triển rất khả quan. Hy vọng trong một tương lai không xa, Sida sẽ không còn là một tai ương của nhân loại nữa.
 
Sau đây là một vài thí dụ về vaccin hiện đang được thí nghiệm:
 
- Vaccin VEOVAX, của Geovax Lab Inc.
 
- HIV AVACvCP152, của Lab Sanofi Pasteur.
 
- tgAACO9, của Lab IavI, Targeted Genetics.
 
- VRC-HIVDNA-016-00-VP, của Lab NIAID Vical, Genvac.
 
- Vaccin APO-5, của ANRS và Sanofi Pasteur.
 
 
Kết luận
 
Bệnh Sida ở mèo rất tương tợ như bệnh Sida ở người, nhưng cũng may là virus FIV của bệnh Sida mèo không thể lây nhiễm cho người được. Thật ra chính bệnh Sida/AIDS người do virus HIV gây ra mới thật sự đáng ngại cho chúng ta.
 
Nếu bạn có nuôi mèo bốn cẳng ở nhà và nếu muốn con vật không bị nhiễm virus FIV thì tốt hơn hết là đem đến thú y thiến quách nó đi cho rồi...
 
Trường hợp mèo đực, sau khi thiến, nó sẽ hiền hơn, ít bỏ nhà đi hoang để cắn lộn và giành đào.
 
Còn mèo cái, thì sau khi thiến (ovariohysterectomy, cắt bỏ buồng trứng và tử cung), chị ta hết còn lên giống, hết hot, hết…rượn đực suốt đêm được nữa, vì vậy số mèo đực trong xóm cắn lộn nhau để giành gái nhờ đó mà cũng giảm đi nhiều.
 
Bạn cũng có thể chủng ngừa Sida cho con mèo. Có nhiều cách lắm nhưng điều quan trọng là bạn cần phải đem con vật đến phòng mạch thú y để  các bác sĩ nhà ta còn kiếm chút…cháo nữa./.
 
 
Tham khảo:
 
-          Feline Immunodeficiency virus
-          CNRS. Virus du sida du chat.
-          Information and Facts on FIV
 
 
 
           Montreal, Sept 14, 2009
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 851766 visitors (2209130 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free