TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Anh ơi, em là hoa ...
 
Lên mạng ngày 07/02/2011

ANH ƠI, EM LÀ HOA, HOA BIẾT NÓI
Trần-Đăng Hồng, PhD
Phụ nữ nào cũng muốn mình thật đẹp, “đàn ông thích ăn, đàn bà thích mặc”. Mẹ Thiên Nhiên đã tạo bản chất sinh vật, gồm động vật và thực vật, như vậy để nòi giống được sinh tồn. Phụ nử, dầu đẹp hay xấu, đều có bản tính chung là phải trang điểm mình thật đẹp, đẹp như hoa.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. .....
(Truyện Kiều)
 
Mặc dầu phụ nữ muốn làm đẹp để cho “hoa nhường nguyệt thẹn”, nhưng làm sao sánh kịp được loài hoa. Phụ nữ bắt chước màu hoa để trang điểm cho mặt cho môi của mình, và thân thể tỏa mùi thơm phức của hoa. Kỹ nghệ làm son, phấn và nước hoa đều nhại theo màu sắc và hương thơm của hoa.
          Thật vậy, về màu sắc thì hoa có muôn màu đủ loại, không có màu nhân tạo nào, dù được pha chế toàn hảo, cũng không sánh được với màu tự nhiên mịn màng của hoa.
Hoa Hồng là một ví dụ. Hoa Hồng là nguồn cảm hứng lớn nhất của nghệ sĩ và thi nhân trên khắp thế giới, nhờ vẽ đẹp độc đáo kiêu sa chinh phục được quả tim của kẽ yêu hoa. Khác với hoa Lan chỉ hiện diện trong vài môi trường đặc biệt trong thiên nhiên, hoa Hồng có mặt ở khắp địa cầu từ xứ lạnh đến xứ nóng, từ đồng bằng đến núi cao, từ vùng khô hạn đến xứ mưa nhiều, như sự hiện diện của phụ nữ trên khắp địa cầu. Không những có màu sắc, hoa hồng còn thoảng mùi hương thơm, nhẹ nhàng nhưng đầy cám dỗ, mà phụ nữ muốn có. Về màu sắc thì muôn hình vạn trạng, từ một màu đến hai màu trên cùng cánh hoa, nhưng không biết lý do tại sao thiên nhiên không tạo ra hoa Hồng có màu đen? Ngày nay, các nhà lai tạo sản xuất được hoa Hồng có màu sậm, nhưng đều thất bại trong việc tạo hoa Hồng màu đen thật sự. Ngoài thị trường, có bán hoa Hồng màu đen, nhưng không phải màu tự nhiên, mà là do kỹ thuật nhuộm màu. Vì hoa Hồng không có màu đen, nên “Hoa Hồng Đen” là đề tài của bao chuyện cỗ tích, và phim “The Black Rose”, hay nhạc “Black Rose” của Eric West.
Từ lâu đời, con người dựa theo màu hoa để diễn tả ngôn ngữ của loài hoa. Màu đen của hoa (không có thật)  tượng trưng cho chết chóc, tang tóc, hận thù, hay chia ly. Vì không hiện thực, nên “hoa Hồng đen” cũng tượng trưng cho “tình yêu sâu đậm” vốn rất hiếm hoi. Nó cũng tượng trưng cho sự tái sinh, hồi xuân sắc đẹp, hay trở lại trí óc minh mẫn, nghĩa là những chuyện khó xảy ra.
Màu trắng của hoa Hồng tượng trưng sự ngây thơ, trinh khiết, kín đáo, đáng được trịnh trọng. Đó là màu áo của cô dâu mặc ngày cưới.
Màu đỏ hoa Hồng tượng trưng cho tình yêu, kính trọng, can đảm, ham muốn, thành công và chúc mừng. Tặng một hoa hồng đỏ có cành dài cho bất cứ ai (phụ nữ, cha mẹ, bạn bè, v,v.) mang ý nghĩa “I love you”.
Màu hồng của hoa Hồng tượng trưng cho hạnh phúc, trang nhã, lãng mạn, kính phục và cám ơn (Thank You). Lẳng hoa đám cưới phải là màu hồng.
Màu vàng hoa Hồng tượng trưng tình bằng hửu, chăm sóc, chào mừng, chào mừng tái ngộ, niềm vui.
Màu cam tượng trưng lòng nhiệt thành và đam mê.
Hoa huệ và Lily trắng dùng cho đám ma với mong mỏi linh hồn được sống lại hay tái sinh.
 
HOA TƯỢNG TRƯNG CỦA MỖI QUỐC GIA
Mỗi quốc gia đều có một loài hoa biểu tượng của nước mình. Úc Đại Lợi với hoa vàng Golden Wattle (Acacia pycnantha) và ngày 1 tháng 9 là Hoa Quốc Gia (National Wattle Day). Ở Úc, mỗi tiểu bang cũng có một loại hoa riêng biểu tượng của tiểu bang mình. Pháp dùng hoa Iris, còn Hòa Lan thì hoa Tulip. Hoa Kỳ và Anh Quốc đều dùng hoa Hồng làm biểu tượng, hoa chỉ khác nhau màu sậm (Anh) hay nhạt (Hoa Kỳ). Hoa Lan dùng làm biểu tượng cho Brazil (Lan Cattleya labiata)  và Singapore (Vanda Miss Joaquim Orchid, một giống lai giữa lan Vanda teres X Vanda hookeriana). Hoa Sen là biểu tượng của Ấn Độ, hoa Đào là biểu tượng của Trung Hoa (Prunus Mei)  và Nhật Bản (Cherry Blossom Sakura). Chỉ có Việt Nam là không có một loài hoa nào làm biểu tượng quốc gia; nước Lào bé nhỏ còn có hoa Sứ Champa (Calophyllum Inophyllum hay Plumeria).
 
LÀM SAO HOA HỒNG CÓ MUÔN NGÀN MÀU SẮC
Màu vàng ở hoa hồng là do sắc tố carotenoids, màu đỏ do anthocyanins, còn màu cam là do hòa hợp pha chế giữa 2 sắc tố này với tỉ lệ bằng nhau. Màu sắc biến thiên từ nhạt tới đậm là do tỉ lệ hòa hợp giữa các sắc tố và ảnh hưởng của pH của nhựa cây. Ngoài ra, phân tử sắc tố Carotenoids, hợp thành bởi 40 nguyên tử Carbon (C40), lại dễ phân hóa (degradation); từ C40 thành C13+C27, rồi C27 biến thành C13 + C14. C13 là hợp chất cho mùi hương của hoa hồng. Ngoài ra, một số giống hoa hồng còn chứa ellagitannins, monosaccharide esters của gallic acid.
          Màu sắc của các sắc tố sẽ thay đổi theo pH, tức độ acit hay kiềm của nhựa cây. Sắc tố Anthocyanin có màu đỏ khi pH acit (pH <7), có màu tím khi pH trung hòa (pH= 7), nhưng có màu xanh khi kiềm (pH >7). Hoa Hồng đỏ chứa cùng một loại anthocyanin, nhưng có màu sắc biến thiên là do ảnh hưởng của pH trong nhựa cây. Hoa Hồng trắng chứa sắc tố anthoxanthin sẽ biến thành màu vàng khi có pH kiềm. Màu xanh được tạo thành do ảnh hưởng kiềm trên cánh hoa có chứa 2 sắc tố Anthocyanin và Anthoxanthin. Cánh hoa có thể chứa nhiều loại Anthocyanins, nên khi thay đổi pH làm thay đổi màu sắc của cánh hoa thành nhiều màu khác nhau. Vì cánh hoa chứa nhiều loại sắc tố, nên khi thay đổi pH, màu sắc không thay đổi đột ngột từ màu này sang màu khác, mà từ từ biến đổi, tùy theo pH, nên tạo hoa muôn ngàn màu sắc rực rở.
 
MÙI THƠM CỦA HOA
Ngoài màu sắc, mùi thơm của hoa hồng cám dỗ mọi người. Đó là các tinh dầu chứa trong hoa. Có ít nhất 24 mùi thơm của hoa hồng, trong số đó có 7 mùi căn bản: mùi hoa táo (apple), clover, hoa chanh, orris, mùi hoa violet, hoa Hồng và Nasturtium. Các mùi khác gồm mùi hoa trà, cam, lily, nho, vạn thọ, geranium, parsley, raspberry và rêu (moss). Vì vậy, hoa hồng có đủ mùi thơm do phối hợp các mùi thơm kễ trên.
          Mùi thơm cũng biến đổi theo khí hậu. Mùi nặng nhất khi trời nắng, đất ẩm và nhiệt độ mát mẻ (18° C – 21°C). Hoa tỏa mùi nhiều nhất vào sáng tinh mơ trước tinh dầu bay hơi. Bởi vì mùi thơm biến đổi, nhiều hay ít, tùy nhiệt độ và ẩm độ, hoa hồng bị bệnh mildew cũng làm mất mùi hương.
          Mùi hoa cũng thay đỗi theo màu hoa. Hoa có màu đậm, nhiều cánh, màu nhung (velvet) thì cho mùi thơm nặng hơn. Màu hồng hay đỏ cho các mùi thơm cỗ điển tiêu biểu cho hoa Hồng, còn các màu khác thì cho nhiều mùi khác hơn. Chẳng hạn, hoa Hồng trắng hay vàng thì có mùi của hoa trà, nasturtium, hoa violet hay mùi hoa chanh. Hoa Hồng màu cam cũng thường cho mùi của hoa trà, clover, nasturtium, hay hoa violet. Hoa hồng giống Eglanteria cho mùi hoa Bom Táo (apple) thoát từ lá.
 
HOA CÓ MÀU SẮC RỰC RỠ, MÙI HƯƠNG THƠM NGÁT VÀ MẬT NGỌT NGÀO ĐỂ LÀM GÌ?
Khác với phụ nữ, hoa không biết nói, nên hoa xử dụng màu sắc, mùi hương thơm và mật của mình để quyến rũ bướm, ong, kiến, bọ, nhiều côn trùng khác, chim (hút mật) và dơi đến để thụ phấn dùm mình. Con vật bay từ hoa này đến hoa khác, mang theo phấn hoa của hoa này để thụ phấn vào hoa khác. Khoảng 75% thực vật có hoa phải nhờ đến các sinh vật này để thụ phấn. Không có các loài vật này, hoa sẽ không thụ trái, hay có trái rất ít nếu là loài tự thụ phấn hay thụ phấn nhờ gió, và như vậy không có hột để sinh sản ra đời con cháu. Mỗi loài hoa cũng cần có một vài loại bướm hay ong riêng biệt tùy theo kiến trúc của hoa. Nếu bầu noản ở sâu trong lòng hoa thì cần con ong hay bướm có vòi dài mới đưa được phấn hoa vào nhụy cái.
          Loại hoa nào cần con dơi hay bướm đêm thụ phấn thì thường không có màu sắc sặc sở, thong thường là màu trắng hay màu nhạt, nhưng lại có nhiều mật hay hương thơm, vì các con vật này chỉ hoạt động ban đêm, không nhận được màu sắc. Hoa màu đỏ thường lôi cuốn chim hút mật vì mật và mùi hương nặng thường hiện diện ở hoa màu đỏ.
          Cây có hoa lớn nhất thế giới là Rafflesia arnoldii, hoa có đường kính 1 m, nặng tới 11 kg, gặp ở rừng già mưa nhiều tại Phi Luật Tân và Indonesia. Hoa có mùi của thịt ươn thối, nên có tên “Hoa xác chết” (corpse flower). Hoa đơn tính, nghĩa là cây có hoa đực và hoa cái riêng. Mùi thối của hoa lôi cuốn ruồi đến bu, rồi ruồi bay đến hoa cái mang theo phấn hoa để thụ phấn.
          Lan ong (Bee orchid) được thiên nhiên biến hóa tạo hình dạng như con ong cái, ong đực tưởng bở bay đáp vào mang theo phấn hoa.
File:Ophrys apifera flower1.jpg
Lan ong có hình dạng con ong cái
          Cây Brazil nut chỉ cho trái khi mọc hoang trong rừng già, cho ít trái nếu trồng thành đồn điền, vì thiếu loại ong khổng lồ chỉ làm ổ trong rừng, mới có khả năng thụ phấn ở hoa Brazil nut. Các loài ong khổng lồ này mới đủ sức mạnh nâng cao cánh hoa và có vòi thật dài. Đó là lý do tại sao Brazil nut chỉ sản xuất hột khi mọc trong rừng nơi có nhiều hoa lan Coryanthes vasquezii, mà giống lan này lại không mọc trên cây Brazil nut. Hoa Lan này mọc trên các cây kế cạnh sản xuất một hương thơm riêng biệt lôi cuốn ong đực loài Euglossa. Con ong đực bay đến hoa lan trước để tẩm mùi thơm này dùng lôi cuốn ong cái làm tình. Chính con ong cái có vòi rất dài mới có khả năng thụ phấn hoa Brazil nut, khi ong cái bay từ hoa này đến hoa khác. Không có loại lan này, loài ong Euglossa không tìm nhau bắt cặp, và như vậy hoa Brazil nut không thụ phấn kết trái được.
 
CÔNG DỤNG CỦA HOA
Trước nhất, nhờ có hoa mới có trái, ngũ cốc, để nuôi sống nhân loại. Hoa đẹp dùng để trang trí và quà tặng. Hoa cũng dùng làm thức ăn như bông cải, broccoli. Ở Việt Nam ai cũng biết bông bí, mướp, sua đủa, điên điển, v.v.
          Mùi hương thơm của hoa được làm dầu thơm. Hoàng hậu Cleopatre tắm nước ngâm với hoa Hồng. Các hoàng hậu ở Trung hoa bắt tì nử sang sớm đi hứng nước sương đọng trên cánh hoa Hồng, Lài, Sen, v.v. để làm dầu thơm, nấu trà. Để ướp trà, thì ướp với hoa Lài, Sen, Ngâu, v.v.
          Hoa Houblon dùng làm rượu bia.
          Còn mật là do ong hút từ hoa. Mỗi loại mật từ các loài hoa khác nhau cho mùi vị khác nhau.
 
CHẾT VÌ HOA
Vì màu sắc rực rở và mùi hương ngọt ngào đầy cám dỗ, có một vài loài cây xử dụng khí giới đặc biệt này để giết sinh vật nào yêu hoa của nó. Đó là các loài cây ăn thịt sống (carnivorus plants). Ở những nơi đất cạn nghèo nàn, trên vùng đá đồi trọc thiếu dưởng chất thì có nhiều loại cây này,  giết côn trùng để hút chất đạm thân xác nuôi cây. Lá cây biến thể có màu sắc, hay hoa rực rỡ, có kiến trúc của bẩy sập, bên trong là chất nước có mùi thơm làm mồi bẩy côn trùng. Có khoảng 630 loài cây là loài cây ăn thịt sống.

File:H chimantensis2.jpg
Cây Heliamphora chimantensis ăn côn trùng
Tại vùng núi Đà Lạt dưới rừng thong có nhiều loại cây-bắt-ruồi
Ngoài ra có khoảng 40 giống (genera, genus) cây có hoa đẹp nhưng độc có thể làm chết người. Trồng các loại cây này quanh nhà, hay cắm hoa trong phòng kín có tác dụng tác hại cho sức khỏe. Chẳng hạn cây Datura (Cà độc dược) nỗi tiếng độc hại ở hoa, lá và trái.
          Vì vậy, để thưởng thức hoa nên đứng xa mà nhìn, chớ vội rờ mó mà thiệt thân.
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860915 visitors (2231924 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free