TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Thực phẩm chức năng
 
Lên mạng ngày 3/12/2009

THỰC PHẨM CHỨC NĂNG
SỨC KHỎE hay KHUYẾN MÃI
 
Nguyễn thượng Chánh, DVM
 
 
 
Từ cổ chí kim, con người vẫn hằng tin tưởng rằng mỗi loại thực phẩm ăn vào đều là những vị thuốc đem đến cho ta sức khỏe, và thậm chí còn giúp phòng chống hoặc chữa trị một số bệnh tật nữa. Ý niệm này cũng không mới mẻ gì. Các danh sư về y học ngày xưa như Hoa Đà, Biển Thước và cả Hippocrate, 2400 năm về trước đều nhìn nhận sự liên hệ mật thiết giữa thức ăn và sức khỏe: “Hãy để thức ăn trở thành những vị thuốc” (Laissez les aliments devenir votre médecine).
 
Mấy năm gần đây, sau những phong trào,“thực phẩm sức khỏe” (aliments santé, health food) ít calo, không chứa đường, ít chất béo, không có bột ngọt (MSG), không cholesterol, lần lần người ta thấy xuất hiện những loại thực phẩm mới có chứa thêm nhiều chất dinh dưỡng, nhiều chất khoáng, nhiều vitamins, hoặc có trộn thêm các loại vi khuẩn có lợi cho sức khỏe chúng ta.
 
Thật vậy, giới kỹ nghệ thực phẩm rất nhạy bén trước yêu cầu cấp thiết của xã hội, trong đó tầng lớp người già không ngừng gia tăng thêm mãi. Và vấn đề sống khỏe, sống lâu là mối quan tâm hàng đầu của mọi người trong chúng ta.
 
Một rừng danh từ
 
Thực phẩm mới thì tên gọi cũng phải mới. Tùy theo mỗi quốc gia mà ý nghĩa của chúng có thể thay đổi đôi chút.
 
-         Thực phẩm chức năng(aliment fonctionnel, functional foods):
Là những thực phẩm bình thường, ngoài nhiệm vụ dinh dưỡng căn bản, nó còn đem đến cho ta những bổ ích về mặt sức khỏe, cũng như có thể giúp ngăn chặn nguy cơ xuất hiện của các bệnh mạn tính. Định nghĩa nầy thật quá rộng rãi. Nó có thể đem áp dụng cho những loại yogurt, cũng như cho các loại nước ép trái cây có pha thêm vitamins, sữa hoặc calcium.
-         Thực phẩm thuốc(alicament, pharmafood):
Là những thực phẩm chức năng được ăn vào như các loại bánh mì hoặc bánh muffin có trộn thêm carotte, nhiều vitamins hoặc nhiều chất khoáng khác nhau.
-         Dưỡng Dược(nutraceutique, nutraceutical):
Đây là những loại thực phẩm chức năng ở dạng lỏng, dạng bột, hoặc dưới dạng viên dùng để uống vào. Thí dụ các loại sữa, các loại nước ép trái cây được nhà sản xuất cho tăng cường thêm vitamins, calcium, hoặc các viên dầu cá có chứa nhiều acid béo omega-3, v.v.
-         Trợ sinh (probiotique, probiotic):
Cũng là thực phẩm chức năng, nhưng đặc biệt là được người ta trộn thêm những loại vi khuẩn sống. Ở một liều lượng thích hợp nào đó, các vi khuẩn nầy giúp chúng ta gầy dựng lại số vi khuẩn tốt sống trong ruột, ngỏ hầu chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn có hại. Trợ sinh còn giúp vào việc hấp thụ vitamins nhóm B, làm giảm cholesterol cũng như giúp vào việc ngăn cản hiện tượng sình hơi trong ruột. Các loại yogurt có pha trộn thêm vi khuẩn Bifidus, được xem như là trợ sinh.
 
Phong trào thực phẩm chức năng trên thế giới
 
Vào năm 1984, chánh phủ Nhật đã cho thành lập những nhóm nghiên cứu về dinh dưỡng để mong tìm những loại thực phẩm có tính phòng và trị được bệnh tật. Mục tiêu của Nhật Bản là để làm nhẹ bớt cán cân ngân sách dùng trong việc duy trì sức khỏe của người dân xứ Phù Tang.
Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng muốn ngăn chặn khuynh hướng bắt chước Tây phương của người Nhật. Đó là thói quen ăn quá nhiều “calo rỗng” (empty calories), có nghĩa là dùng những thức ăn chứa nhiều chất béo, chất đường, nhưng lại quá ít chất xơ, ít chất khoáng và ít vitamins.
 
Bộ Y Tế Nhật Bản đã ban bố những luật lệ chặt chẽ để kiểm soát những loại thức ăn mới mà họ gọi là FOSHU (food of specified health uses).
Phong trào FOSHU ra đời đã được dân chúng Nhật chiếu cố rất mạnh mẽ. Trong các siêu thị Nhật Bản, thực phẩm chức năng đã chiếm trên 15% diện tích mặt bằng. Sự thành công vượt bực nầy một phần lớn nhờ vào những phát minh, khám phá mới mẻ trong ngành dinh dưỡng học, và một phần khác cũng nhờ vào tư tưởng rất Đông phương của người Nhật xem thức ăn như những vị thuốc.
Năm 1997, FOSHU đã thu vào 6 tỉ $US cho Nhật Bản, Hoa Kỳ 14.2 tỉ $US.
 
Riêng Canada, thì khiêm tốn hơn, chỉ thu được có khoảng 170 triệu $US  vào năm 1998, lý do chánh là tại luật lệ về quảng cáo còn quá gắt gao và chặt chẽ tại Canada. Santé Canada căn cứ vào luật «Lois et Règlements sur les Aliments et Drogues» cấm việc quảng cáo có hàm ý sức khỏe (allégation santé) trên các loại thực phẩm bán ra. Một ví dụ điển hình là món yogurt có tăng cường vi khuẩn bifidus. Loại sản phẩm nầy tuy rằng rất phổ biến bên Pháp, nhưng tại Québec nó cũng chưa được người tiêu thụ chiếu cố đến nhiều.
 
Tại Âu Châu, ba quốc gia có kỹ nghệ thực phẩm chức năng phát triển nhất là, Anh, Pháp và Đức với số doanh thu ước lượng vào khoảng 1.3 tỉ đến 3.3 tỉ $/năm.
 
Các nhà kinh tế tiên đoán là đến năm 2010 thị trường thực phẩm chức năng trên thế giới sẽ dễ dàng chiếm trên 500 tỉ $.
 
Market Size and Trends
In recent years, consumers and the agri-food industry have shown a growing interest in foods not only for their nutrition properties but also for their health related benefits. Consumers have now a better understanding of the relation between a balanced diet and disease prevention, in a context where the population is aging, health related costs are on the rise, and in which nutrition science and food technologies are more sophisticated. [2]
Functional foods accounted for 35% of the United States nutrition market in 2000, closely followed by the dietetic supplement sector. Many large American food companies are progressively targeting these lucrative market sectors. [2]
The Canadian market represents approximately 3% of the global nutrition market at US $4 billion (including natural and organic products). In 2000, the United States occupied close to 36% (US $49 billion) of the global market evaluated at US $138 billion. [2]
 
 
Chỉ là quảng cáo mà thôi
 
Ngày nay thực phẩm chức năng hiện diện khắp mọi nơi, từ các siêu thị lớn đến các hàng quán nhỏ bên đường. Đó là các loại bánh trái, như bánh muffin có thêm carotte có khả năng làm giảm cholesterol trong máu (?), những loại nước trái cây, nước giải khát có tăng cường thêm vitamins, thêm chất khoáng hoặc có thêm một vài loại dược thảo nào đó, uống vào là khỏe ngay…
 
Hình như Việt Nam mình đã đi tiên phong trong ý niệm thực phẩm chức năng từ lâu rồi mà mình không biết. Nước trái cây xay, còn gọi là nước sinh tố, nước mía lau, rễ tranh, nước rau má, nước sâm, v.v…Chúng là gì nếu không phải là những hình thức nào đó của thực phẩm chức năng?
 
Ngày nay với những tiến bộ khoa học, người ta biết rất rõ tính chất bổ dưỡng của từng loại chất liệu thêm vào trong thực phẩm. Chẳng hạn những viên dầu cá có chứa chất acid béo omega-3 rất hữu ích trong việc ngừa các bệnh về tim mạch. Margarine có tăng cường thêm chất phytosterol giúp vào việc giảm cholesterol trong máu. Nước trái táo có tính nhuận trường. Tất cả đều được xem như những thực phẩm chức năng.
 
Tại Canada, Cty Tropicana đã tung ra thị trường một loại nước cam có tăng cường thêm calcium, thêm chất xơ, và thêm các loại vitamins có tính chống oxy hóa (antioxidants) như vitamins A, C, E.
 
Cty Peter Pan cho ra một loại bơ đậu phọng (peanut butter) được tăng cường thêm 8 loại vitamins và chất khoáng.
 
Thậm chí dân ghiền café cũng có thể tìm thấy các loại Smart coffee có chứa chất Ginkgo biloba có khả năng bồi bổ trí nhớ, chống nhức đầu, ngăn ngừa tai biến mạch máu não (?). Ngoài còn có loại Power coffee có thêm ginseng nữa.
 
Bên Cali, cũng thấy xuất hiện vài thương hiệu cà phê chức năng mà nổi bật nhứt là công ty Healthy Coffee International inc.
Hai sản phẩm tiêu biểu là Cà-phê Sức Khỏe (Healthy Coffee) và Trà Xanh Sức Khỏe (Healthy Milk Tea) có pha với Nấm Linh Chi (Reishi Mushroom) và Nhân Sâm (Ginseng), đường mía và sữa không chất béo. Bán ra dưới dạng túi (pouch bag) và que (stick) rất tiện lợi.
 
Ngoài cà phê ra, công ty trên còn sản xuất nước uống tăng lực (Blast Healthy Energy Drink). Được biết ký giả Hạnh Dương, là phó chủ tịch công ty chứng khoán Healthy Coffee International. Ông Hạnh Dương cho biết là Công Ty Healthy Coffee hoạt động theo Network MLM (Multi Level Marketing) và đã có các công ty trực thuộc tại 22 quốc gia, hiện có mặt trên Thị Trường Chứng Khoán Hoa Kỳ. Công Ty Healthy Coffee chuẩn bị mở hệ thống Franchise các Kiosks bán Healthy Coffee theo kiểu StarBucks trên toàn Hoa Kỳ và Ký giả Hạnh Dương nói ông muốn dành ưu tiên cho người Mỹ gốc Việt.
 
Bên nhà có hiệu cà phê VinaTuca…Cho Tình Yêu Thăng Hoa. Sau đây là quảng cáo của họ.
Cà phê VinaTuca… là loại cà phê sữa hoà tan có nguồn gốc từ Buôn Mê Thuột được kết hợp các nguyên tố vi lượng chiết xuất từ tinh hoàn động vật cấp cao, các thành phần thảo dược thiên nhiên quý hiếm bằng công nghệ caohiện đại .
Sử dụng …, Nam giới sẽ có tác dụng tăng cường Hoocmon nam, nữ giới sẽ có tác dụng tăng cường hoocmon nữ , có hiệu suất rõ rệt bổ âm tráng dương sau 30 phút và đặc biệt không thấy mỏi mệt sau khi sinh hoạt vợ chồng .
Cà phê … sử dụng cho người 18 tuổi trở lên , thích hợp cho độ tuổi trung niên, nguời lao động trí óc, yếu sinh lý hoặc lãnh cảm
.
 
Ngoài cà phê ra cũng có các loại nước tăng lực Energy drinks, Power drinks như Red Bull, Gatorade có chứa cả chục thứ khoáng chất vitamins và dược thảo rất được giới trẻ và dân chơi thể thao hết lời ca ngợi...
 
Bạn thấy không, toàn là đồ bổ không hà. Đọc những lời quảng cáo trên sản phẩm mà phát ham. Uống vào không bổ bề ngang thì cũng bổ bề dọc mà thôi.
 
Không những chỉ có sức khỏe mới quan trọng, vấn đề thẩm mỹ và làm đẹp cũng đã được quan tâm đến. Cty Shisheido, chuyên về mỹ phẩm cho các chị, cũng cho ra Cosmeto Foods, đó là những loại yogurt có chứa nhựa lá cây nha đam Aloès có tính chất làm giảm các nếp nhăn trên mặt (xin bạn nhớ, đây cũng chỉ là lời quảng cáo của người bán mà thôi!).
 
Một số mỹ phẩm và sản phẩm nhóm NuSkin thấy chị Quỳnh Thi quảng cáo trong trang VietNam Nhật báo Cali sẽ giúp các bà các cô được mịn da, xóa đồi mồi, tẩy nếp nhăn và thân hình thon thả hơn, đẹp hơn, chống lão hóa, chặn đứng tuổi già khiến ông xả nhà mê tới già tới chết luôn…Trong số các sản phẩm phải kể đến là một loại nước trái cây hay dưỡng dược nutraceutical: Dược phẩm g3.
Dược phẩm g3, là một tinh chất giàu dinh duỡng từ quả gấc, “một loại trái cây hảo hạng” của vùng Đông Nam Á, có công dụng bảo vệ các tế bào đã được chứng minh qua các nghiên cứu khoa học.
Trong số các chất dinh dưỡng thực vật của quả gấc, các hàm lượng carotenoid được gọi là "lipocarotenes™" vừa bảo vệ việc chống oxy hóa vừa hỗ trợ chức năng miễn dịch.
Công thức g3 được chế biến cùng với ba loại trái cây hảo hạng khác- trái lyceum của Trung Quốc, quả dứa Siberia và quả cili, những loại trái cây tốt cho sức khoẻ.
g3 có một hương vị mới, thơm ngọt, hơi nồng . Tất cả mọi người trong gia đình có thể thưởng thức hàng ngày.
 
Cty Coca Cola cũng chuyển hướng theo thị hiếu của thị trường thức uống bằng cách tung ra các loại nước dinh dưỡng để cạnh tranh với Cty Pepsi Cola (Jus Tropicana, Gatorade).
 
Năm 1997, Coca Cola đã cho ra nước giải khát Surge chứa ít gaz, mùi chanh tương tự như loại nước Mountain Dew của Cty Pepsi.
 
Tại Québec, Cty A. Lassonde Inc. năm 1995 đã cho ra một loại sản phẩm nước trái cây Oasis Pause Santé. Đây là loại nước ép trái cây có pha thêm légumes, vitamins, magnésium, bêta carotène và chất sắt. Sau đó, họ còn cho ra tiếp một loại cocktail nước trái cây có pha thêm sữa. Thương vụ của Cty A Lassonde nhờ đó mà tăng lên vùng vụt. Cty Mead Johnson, chuyên sản xuất thực phẩm cho trẻ con, cũng nhảy vào thị trường Canada với sản phẩm nước uống lấy tên là Calais. Loại nước nầy được tăng cường thêm calcium, rất tốt cho những người lớn tuổi để phòng chống bệnh loãng xương (osteoporosis).
 
Cty Natrel, năm 1995 đã tung ra loại sữa Ultra laitUltra lait calcium (avec plus de 33% calcium ), và đã gặt hái kết quả ngoài dự tính của họ.
 
Bên Ý, người ta có thể mua những loại spaghetti, nouille có tăng cường thêm acid béo omega-3 rất tốt cho tim mạch.
 
Ở Hoa Kỳ, hầu hết các loại cereals đều có pha thêm folic acid, có công dụng bổ máu, giúp bào thai tạo lập thần kinh và tủy sống tránh nguy cơ xảy ra hiện tượng neural tube defect (là một loại bệnh bẫm sinh).
 
Tại Phần Lan, người ta đã sản xuất ra một loại margarine Benecol có khả năng làm giảm 14 % cholesterol xấu (LDL) xuống, và đồng thời cũng giảm 10% hàm lượng cholesterol chung trong máu. Các loại yogurts được tăng cường vi khuẩn bifidus và acidophilus đều là những mặt hàng rất phổ biến bên Âu Châu.
 
Cty Nestlé/Chambourcy tung ra yogurt LCl, và Cty Danone cũng nối gót theo với 2 loại yogurt Danone Bio caséi Danone Actimel.
 
Kỹ nghệ ăn uống hốt bạc nhờ chất omega 3
 
Tại Canada, Công ty sữa Natrel cho trộn dầu hạt lanh vào sữa để tăng cường thêm Omega-3.
 
Cty Neilson Dairy Oh thì sản xuất ra một loại sữa giàu chất Omega-3 DHA bằng cách cho trộn thêm chất DHA của cá vào thức ăn hỗn hợp dùng nuôi bò sữa.
 
Cty Kraft tung ra thị trường loại sauce mayonnaise có tăng cường chất Omega-3 bằng cách cho trộn thêm dầu đậu nành trong sauce, nhưng cách nầy cũng có cái bất lợi là nó cũng đồng thời làm tăng chất Omega-6 lên.
 
Trên thị trường, rất nhiều sản phẩm có tăng cường thêm Omega-3. Chẳng hạn fromage có Omega-3 làm từ sữa vắt từ những con bò được cho ăn khẩu phần có chứa hạt lanh và chất DHA của cá.
Tương tợ như sữa bò có Omega-3, người ta cũng sản xuất ra một loại thịt heo đặc biệt có nhiều Omega-3 bằng cách nuôi heo với khẩu phần có chứa nhiều hạt lanh (linseed).
Hiệu fromage Black Diamond có chứa 0.1g Omega-3 cho mỗi 30g, trong số nầy 20mg là DHA.
 
Trứng gà tăng cường Omega-3, sản xuất ra từ những gà mái đã được nuôi bằng thực phẩm hỗn hợp có trộn thêm 20% hạt lanh.
 
Tại Hoa Kỳ, Cty Tropicana tung ra loại nước cam có tăng cường thêm Omega-3.
Cty Kellog cũng cho thêm Omega-3 trong sản phẩm Kashi cereal.
Unilever nối gót theo với mặt hàng I Can’t Believe It’s Not Butter được tăng cường thêm chất Omega-3.
Hoa kỳ cũng đang nghiên cứu dùng heo được thay đổi gene (transgenic) để sản xuất ra những loại thịt heo có chứa một tỉ lệ khá cao chất Omega-3.
 
Chưa hết, thức ăn chó cũng được các nhà kinh doanh khai thác triệt để bằng cách cho tăng cường thêm Omega-3 với mục đích là để giúp cho não chó con phát triển tốt?
Đúng là sướng như có Tây chó Mỹ.
 
 
Thực phẩm chức năng được quy định như thế nào?
          
Canada rất chặt chẽ trong vấn đề nhãn hiệu và quảng cáo. Nhà sản xuất thực phẩm không được phép ghi trên nhãn hiệu những câu (allegation) có liên quan đến sức khỏe và trị  liệu.
Theo đà phát triển của phong trào thực phẩm chức năng trên thế giới, cũng như để giúp giới kỹ nghệ, Santé Canada đang nghiên cứu để tu chính lại bộ Luật Quảng cáo cho bớt gắt gao.
 
Tại Hoa Kỳ, Luật Nutrition Labelling and Education Act,1994 cho phép kỹ nghệ có thể nói lên tính chất ích lợi về mặt sức khỏe của những thực phẩm chức năng. Có tất cả 10 câu liên quan đến sức khỏe (health claims) đả được chính phủ Mỹ cho phép sử dụng.
 
Riêng Âu châu, mỗi quốc gia quy định một cách khác nhau về quảng cáo và nhãn hiệu . Nói chung thì họ cho phép nêu ra những câu liên hệ đến mặt dinh dưỡng, nhưng cấm ghi những câu có liên quan đến sức khỏe và trị liệu.
 
Hoạt chất sinh học của thực phẩm chức năng
 
*Tỏi:Terpenes, Sulfides, Phénols - Giảm cholesterol máu, giúp tăng khả năng miễn dịch, chống lại các góc tự do radicaux libres, là những chất độc của tế bào.
*Quế, Gừng: Trepénoides, Phénols, acides organiques – Ngăn ngừa một vài loại cancers.
*Cá salmon, Tuna, Mackerel: Acides béo omega-3 (EPA, DHA), vitamin D – Ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
*Cám lúa yến mạch (oat bran, son d’avoine): Bêta glucan, fibre soluble – Giúp giảm cholesterol, ngừa các bệnh thuộc về tim mạch, ngừa cancer ruột …
*Sữa đậu nành, đậu hủ: Isoflavones, Phytoestrogènes - Giảm cholesterol, ngăn ngừa các triệu chứng bất lợi của thời kỳ mãn kinh, đồng thời cũng ngừa bệnh loãng xương.
*Trà xanh: Catéchines - Chống các gốc tự docó hại cho sức khẻo, giảm cholesterol máu và giảm nguy cơ cancer đường tiêu hóa?
*Trái Cranberry: Proanthocyanidins, chất nhóm flavonoids - Chất nầy có tính chất ngăn trở việc vi trùng bám vào tế bào nhờ vậy giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng (E.coli) đường tiết niệu. Ngoài ra, cranberry cũng giúp ngừa bệnh loét bao tử và nướu răng. Người ta còn nói cranberry có thể ngừa bệnh tim mạch và một vài loại bệnh ung thư nữa? Chất chống oxy hóa (antioxidant) Proanthocyanidins củng thấy có nhiều trong vỏ cây thông (pine bark), trong hạt và trong vỏ trái nho.
*Yogurt: Calcium, lactobacillus – Ngừa bệnh loãng xương, giảm áp huyết động mạch, chống nhiễm trùng, tăng số vi khuẩn tốt trong ruột, tăng cường tính miễn dịch. 
 
*Tomates, sauce tomate, ketchup: Lycopène – Giảm nguy cơ cancer tiền liệt tuyến (prostate).
*Carotte, trái cây các loại: Alpha carotène, Bêta carotène – Giúp làm giảm các gốc tự do, là những chất độc của tế bào.
*Bưởi, Flavonone – Giảm các radicaux libres.
*Rau cải có lá xanh đậm: Lutéine - Giúp giảm nguy cơ bệnh thoái hóa hoàng điểm võng mạc AMD  (age related macular degeneration).
*Cải broccoli (bông cải xanh), cải cauliflower(bông cải trắng), cải cabbage(cải bắp) có chứa nhiều chất chống oxy hóa sulforaphaneisiothiocyanates - Giúp kích thích cơ thể sản xuất ra enzyms khử độc tố, nhờ đó làm giảm nguy cơ xuất hiện của vài loại bệnh cancer .
*Nhân sâm (ginseng):Ginsénoides - Bồi bổ sức khỏe.
 
Thực phẩm chức năng thường sử dụng các chất chống oxy hóa antioxidant
 
Trong hoạt động biến dưỡng, cơ thể tạo ra các chất phế thải gọi là gốc tự do (free radical, radical libre). Đây là các phân tử bất ổn định, thường xâm nhập vào tế bào, tấn công vào chất DNA, làm hại tế bào đồng thời làm gia tăng tốc độ lão hóa của nó.
 
Tuy mang tiếng là có hại nhưng cơ thể cũng phải cần đến một số gốc tự do trong hoạt động phòng chống cảm nhiễm, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn cũng như giúp vào sự co thắt của cơ trơn thành động mạch.
 
Một sự thặng dư gốc tự do sẽ có hại cho sức khỏe. Khói xe, ô nhiễm không khí, tia tử ngoại (ultra violet) ánh sáng mặt trời, khói thuốc lá, một số thuốc Tây, và tình trạng bị căng thẳng tinh thần (stress) đều làm gia tăng gốc tự do.
Cũng may để đối phó tác động oxy hóa của gốc tự do chúng ta có các chất chống oxy hóa, hiện diện trong hầu hết các loài rau cải và trái cây.
 
Các chất chống oxy hóa tiêu biểu
 
+Vitamin C (ascorbic acid): trong cam, quít, bưởi, kiwi, dâu Tây, v.v…Giúp tăng sức miễn dịch, ngừa cảm cúm, giúp tạo chất keo cho mô liên kết, cũng như giúp mô xương, mô sụn, răng và nướu răng được phát triển bình thường.
+Beta carotene: antioxidant nhóm carotenoid, có nhiều trong rau quả có màu vàng như bí rợ, carotte, khoai lang, cà tomate…Rất tốt cho mắt.
+Lutein: nằm trong nhóm carotenoid, có rất nhiều trong rau cải có màu xanh đậm, chẳng hạn như rau mồng tơi, v.v…Rất tốt để ngừa bệnh cườm mắt (cataract) và bệnh thoái hóa hoàng điểm võng mạc AMD (age-related macular degeneretion),thường xảy ra ở người trên 50 tuổi. Tuổi tác cao, thuốc lá và ánh sáng mặt trời là những nguyên nhân chánh của bệnh thoái hóa hoàng điểm. Bệnh nhân lần lần bị giảm thị lực, thấy không rõ chi tiết, nhất là thị giác trung tâm, trường hợp nặng sẽ bị mù lòa.
+Lycopene : thuộc nhóm carotenoid, thấy trong cà tomate, trong bưởi hồng, apricots và trong dưa hấu, v.v…Rất tốt để ngừa cancer tiền liệt tuyến ở đàn ông. Nên biết rằng lycopene ở cà tomate nấu chín (tomato saucetomato paste) có tỷ lệ hấp thụ cao hơn cà tomate được ăn sống.
+Vitamine E hay Tocophérol: trong các loại hạt, như hạnh nhân, hạt dẻ, các hạt đậu nẩy mầm, dầu carthame (safflower oil), dầu bắp, dầu đậu nành, trong xoài, trong khoai lang.
+Selenium: là một loại bần tố (oligoélément), thấy trong ngũ cốc, như gạo, lúa mì, hạt dẻ Brazil, v.v.
+Anthocyanes: nho đỏ, rượu chát đỏ, trái bleuets (blueberries), fraises, strawberries, framboises, chou rouge…
+Quercétine: củ hành, vỏ pomme, trà, broccoli…
+Catéchines: trà xanh, cacao…
 
 
Thực phẩm chức năng: sức khỏe hay khuyến mãi?
 
Ai cũng đều biết là thực phẩm ăn vào đều có ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta hết. Các nhà dinh dưỡng từ lâu nay thường khuyên mọi người nên ăn mỗi ngày 4 nhóm thực phẩm chánh (ngũ cốc, rau quả, thịt cá và sữa), tránh ăn thực phẩm có chứa nhiều mỡ dầu và giảm bớt sự tiêu thụ các loại thịt đỏ.
 
Nhưng, từ những năm gần đây, các nhà chuyên môn về sức khỏe lại khuyến khích thêm việc cần nên tăng cường thêm sự tiêu thụ acid béo oméga 3, các chất trợ sinh probiotiques, các chất chống oxy hóa antioxidants, calcium và các chất xơ fibres alimentaires, v.v.
 
Ýkiến của các nhà chuyên môn đã mở ngõ cho giới kỹ nghệ thực phẩm mặc sức tung hoành, muốn thêm chất gì vào các mặt hàng của họ cũng được, và các ngưởi tiêu thụ phải bắt buộc trả thêm tiền phần trị giá gia tăng (valeur ajoutée) của sản phẩm bán ra.
Người ta tự hỏi chúng ta có thật sự phải cần đến thực phẩm chức năng để sống hay không?
 
Theo một số nhà dinh dưỡng, phong trào thực phẩm chức năng sẽ còn tồn tại trong một thời gian lâu dài nữa.
 
Tiêu thụ thực phẩm chức năng không thể được xem là một cái mode, nhưng nên xem nó là ý thức tập thể trong việc phòng bệnh. Nói kiểu nầy thì chắc là giới kỹ nghệ thực phẩm mát bụng lắm.
 
 
 
Những trở ngại trước mắt
 
Dù tính chất ích lợi cho sức khỏe đã được nhiều người nhìn nhận, nhưng trong thực tế một số lớn thực phẩm chức năng vẫn còn bí mật đối với người tiêu thụ.
Thực vật và ngũ cốc đã được con người sử dụng từ ngàn xưa trong dinh duỡng cũng như trong việc chữa bệnh, nhưng không có ai dám tự hào là mình biết rõ hết các hoạt chất cũng như ảnh hưởng của chúng trên sức khỏe con người.
 
Các thí nghiệm gần đây bên Hoa kỳ cho thấy loại thực vật Echinacea (trị cảm cúm, tăng sức miễn dịch) đôi khi cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng cho người dùng. Vấn đề định chuẩn các hoạt chất và liều lượng cũng là những trở ngại lớn khác của thực phẩm chức năng. Vì được xếp vào nhóm thực phẩm nên chúng không bị chi phối bởi những luật lệ kiểm tra chặt chẽ như đối với một dược phẩm. Liều lượng sử dụng, những điều cấm kỵ, và các phản ứng phụ thường không được nêu ra một cách rõ ràng. Ai muốn ăn, ai muốn uống bao nhiêu cũng được hết.
 
Tuy vậy, trong thực tế sự lạm dụng liều lượng ít thấy xảy ra với với thực phẩm thuốc alicament (tức loại thực phẩm chức năng dùng để ăn vào) vì sức chứa của bao tử có giới hạn. Có ai ăn nổi một hơi hai ba kí yogurt đâu mà sợ. Đối với loại dưỡng dược nutraceutique (thức ăn ở dạng bột và dạng lỏng) vấn đề lạm dụng liều lượng trên lý thuyết có thể xảy ra được.
 
Một trở ngại khác, là con buôn thiếu lương tâm có thể cho trộn thêm một vài chất dinh dưỡng hay vitamins để biến món hàng thành một loại thực phẩm chức năng (để dễ bán và bán với giá cao) dù rằng sản phẩm nầy tự nó đã có chứa rất nhiều chất không tốt cho sức khỏe như chứa nhiều đường, cholesterol, trans fat hoặc rất nhiều chất béo bão hòa.  
 
Không phải hễ là thực phẩm chức năng là mình muốn sử dụng bao nhiêu cũng được đâu.
 
Một chế độ ăn uống cân bằng, nghĩa là vừa đủ các nhu cầu dinh dưỡng cũng vẫn tốt hơn là sử dụng một chế độ dinh dưỡng gồm có nhiều thực phẩm chức năng không cân đối.
 
Nhưng thế nào là cân bằng, thế nào là cân đối?
 
Đây là cái khó nghĩ của đa số chúng ta.
 
 
 Người tiêu thụ nghĩ gì?
 
Nói chung, phong trào thực phẩm chức năng càng ngày càng được các giới tiêu thụ chiếu cố đến một cách mạnh mẽ. Tuy vậy, cũng có một số người e dè.
 
Người ta tự hỏi tính chất an toàn của loại thực phẩm nầy có được bảo đảm hay không?  
 
Còn rất nhiều điều bí ẩn mà không ai biết được hết.
 
Những loại hóa chất nào đã được dùng đến? Những loại thực vật nào đã được nhà sản xuất sử dụng? Biết đâu một số nguyên liệu có nguồn gốc từ phương pháp làm chuyển đổi di thể (OGM, organisme génétiquement modifié)?
 
Một thức ăn có thể phòng trị được bá bệnh gọi là siêu thực phẩm (super food) là một ảo tưởng mà thôi.
 
Tuy nói vậy chớ thực tế ngoài đời, giới kỹ nghệ đã không ngừng tung ra những loại thực phẩm mới mà quảng cáo cho biết như những thức ăn nhiệm mầu có thể phòng trị được nhiều thứ bệnh tật.
 
Phó mặc sức khỏe cho giới kỹ nghệ quyết định đôi khi cũng thật đáng ngại.
 
Cơ quan trách nhiệm về y tế Hoa Kỳ cho biết là 95% thực phẩm chức năng tại xứ cờ hoa không có kèm theo thí nghiệm lâm sàng cụ thể, cũng như các lời quảng cáo của họ cũng không có dựa trên những dẫn chứng khoa học nào đáng tin cậy cả!  
 
Ai chiếu cố đến thực phẩm chức năng?
 
Nhà thăm dò dư luận Léger& Léger Québec cho biết là chính tầng lớp tuổi khoảng 50-55 là nhóm khách hàng chiếu cố đến thực phẩm chức năng nhiều nhất... Trong đó, 70.6% là những hạng người năng hoạt động, có kiến thức văn hoá cao, thường cỡ bậc đại học.
 
Ngược lại, những lớp người không quan tâm đến loại thực phẩm mới nầy là những người không hoạt động, văn hóa thấp, và ở vào lứa tuổi từ 65 trở lên.
 
 Kết luận
 
Phải tự hào mà nói rằng, ý niệm thực phẩm chức năng cũng không có mới mẻ gì đối với người VN mình.
 
Từ hồi nào tới giờ, mọi người trong chúng ta đều xem thức ăn là những vị thuốc... “Ăn cho mát” - “Ăn cho bổ - “Ăn cho khỏe” - “Ăn gì bổ nấy”, v.v...đó là những câu mà chúng ta thường hay nghe nói đến luôn.
Biết bao nhiêu là thổ sản, rau cỏ mọc quanh nhà, phía sau hè, cạnh sàn nước, hoặc ven bờ ao, vừa là những thực phẩm, vừa là những vị thuốc đã nuôi sống dân tộc ta từ cả ngàn năm nay rồi.
 
Các sách về Đông y đều nhìn nhận tính trị liệu của một số rau cỏ thảo mộc rất gần gũi với dân tộc ta: Nào là rau răm, diếp cá, tía tô, cải trời, rau đắng đất, rau bò ngót, mồng tơi, khổ qua, rau má, rễ tranh, gừng, nghệ, riềng, sả, hành, tỏi, ớt, v.v….Tất cả đều là những món bình dân, thật dễ tìm và rất phổ biến khắp nông thôn VN.
 
Ở đây, chúng ta chưa đề cập đến những loại cao lương mỹ vị, như bào ngư, sáo yến chẳng hạn, rất đắt tiền, ít phổ thông hơn, nhưng tính bổ dưỡng và trị liệu đều được nhiều người công nhận từ lâu.
 
Ngoài ra, còn phải kể đến những loại rượu thuốc, đế Gò đen ngâm với đủ thứ thực vật, hoặc động vật mà nhiều người đồn đại rằng chúng rất tốt cho người lớn tuổi ăn ngon, ngủ khỏe, bớt đau lưng nhức mỏi và đặc biệt là bài vở học ít hay quên bất tử nên thường được cô giáo khen đáo để.
 
Công hiệu thật sự của những mặt hàng nầy khó có ai có thể kiểm chứng và biết được hết.
 
 
 “Đói ăn rau, đau uống thuốc”, đó là câu mà ông bà ta thường hay nói.
 
 Rau cỏ vừa là thức ăn vừa là những vị thuốc hữu ích cho tất cả mọi người.
 
Ăn uống ngày nay không những chỉ để thỏa mãn nhu cầu của cơ thể mà còn để phòng ngừa bệnh tật, chống lão hóa và giúp cho cuộc sống thêm phần đẹp đẽ hơn lên nữa.
 
Phải chăng thực phẩm chức năng đã trở nên thực phẩm của con người trong thế kỷ XXI nầy./.  
 
 
Tham khảo:
 
-         Bác sĩ Nguyễn Ý Đức. Thuốc ở trong Rau.
 
-         Bác sĩ Thú y Nguyễn Thượng Chánh. Ngừa cancer bằng rau quả.
 
-         Giáo sư. TSKH Nguyễn Tài Lương. Thực phẩm chức năng-Thức ăn của con người trong thế kỷ 21
 
             
 
Montreal, Dec 04, 2009

Trở lại Trang Khoa Học
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 861051 visitors (2232290 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free