TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Hà Thủ Ô
 
Lên mạng ngày 24/10/2009

Hà Thủ Ô
 
 Ds Nguyễn Ngọc Lan & Bs Thú y Nguyễn Thượng Chánh
 
 
Nếu đã từng sống ở Việt Nam sau 75 không một ai mà lại không nghe nói đến Hà thủ Ô...Nó là một loại thảo dược, một cây thuốc rất phổ biến tại Trung Quốc, Nhật Bản và tại Việt Nam từ cả ngàn năm nay rồi.
 
Thân củ (rhizome) và rễ Hà thủ Ô có tính năng bổ dưỡng, giúp người bệnh mau phục hồi sức khỏe và đẩy lui tuổi già...Các ông xồn xồn tóc bắt đầu điểm muối tiêu và bết bát về sinh lý, hãy mau mau tìm mua rượu Hà thủ Ô về mà uống thì tóc sẽ lâu bạc và mình sẽ ngon lành trở lại không thua gì hồi còn niên thiếu.
 Đó là những tin đồn đãi trong dân gian về cây Hà thủ Ô…!
 
Đừng tưởng Hà thủ Ô chỉ có bán ở bên Trung quốc và Việt Nam mà thôi, món thảo dược nầy cũng rất ư là phổ biến trong các tiệm thuốc thiên nhiên tại hải ngoại và trên Internet dưới những tên rất lạ tai như Fo Ti, He Shou Wu, Shou wu Pian, v.v…
 
 
Kể chuyện đời xưa
 
Theo tương truyền rằng, thì hồi xửa hồi xưa bên Tàu có Ông Hà điền Nhi 58 tuổi, người ốm yếu, không vợ con, buồn cho số phận hẩm hiu nên tối ngày chỉ biết mượn rượu để giải sầu.
 Một hôm Ông xỉn quá nên ngủ quên ở bìa rừng. Khi thức dậy Ông ta nhìn thấy trước mặt có 2 nhánh dây leo quấn lấy nhau từng chập. Ông mới chợt nghĩ ra…nên bèn đào lấy củ của cây đó đem về phơi khô và nấu uống thử ròng rã trong nhiều tháng. Lạ thay, tóc ông không còn bạc nữa mà lại trở nên đen tuyền và càng ngày Ông càng cảm thấy mạnh khỏe hơn trước một cách lạ kỳ.
 Một thời gian sau Ông tìm được một bà vợ và chỉ trong vòng mười năm sanh ra được rất nhiều con ở chật nhà. Ông ta sống đến 160 tuổi thì mới qua đời.
 Cháu Ông ta cũng theo gương ông nội mà uống Hà thủ Ô nên cũng thọ được 130 tuổi...Người Trung Hoa họ gọi cây nầy là He shou Wu (Black haired Mr He), hay Hà Thủ Ô nếu gọi theo tiếng Việt Nam mình.
 
  
Hà thủ Ô là cây gì?
 
Tên khoa học là Polygonum multiflorum thuộc họ Polygonaceae.
 
Hà thủ Ô mọc hoang ở Á châu như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Việt Nam…Được Trung Quốc và Nhật Bản sử dụng như một loại dược thảo từ mấy ngàn năm nay.
 
Tại các quốc gia Âu Mỹ cùng với sự bộc phát của phong trào thuốc thiên nhiên từ vài chục năm nay nên Hà thủ Ô cũng thấy xuất hiện nhiều trong các tiệm bán thuốc thiên nhiên và trên Internet dưới rất nhiều tên khác nhau như: Fo Ti, Chinese cornbind, Flowery knotweed, Climbing knotweed, He shou Wu, Ho shou Wu, Multiflora preparata, Shen Min, Shou wu Pian, Zi shou Wu…
 
Hà thủ Ô (còn có tên là Giao Đằng, Dạ Hợp) là một loại cây leo, có thân rễ nằm sâu trong đất. Rễ càng già càng quý. Thông thường, sau khi cây đã mọc ba năm thì có thể sử dụng được rồi.
 
  
Đông Y và nhóm Thuốc Thiên Nhiên nói gì về Hà thủ Ô?
 
Hà thủ Ô đào lên còn nguyên xi, không chế biến xài liền thì gọi là Hà thủ Ô trắng (white Fo Ti). Có chứa nhiều chất chống oxyt hóa (antioxidants), dùng để giải độc máu và để nhuận tràng (laxative).
 
Theo sách Tây cho biết, người Trung quốc họ chế biến Hà thủ Ô bằng cách đem nấu trong nước đậu đen để có được Hà thủ Ô đỏ (red Fo Ti).
 
 Hà thủ Ô đỏ có nhiều tính năng trị liệu hơn Hà thủ Ô trắng...
 
Hà thủ Ô sắc uống để bổ máu, bổ gan thận, bổ xương gân, giúp đẩy lui tuổi già, giúp tăng trí nhớ, ngừa bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, trị mất ngủ, mệt mỏi, giúp tóc lâu bạc cũng như giữ cho tóc được đen tuyền. Hà thủ Ô giúp bồi dưỡng sức khỏe, chống lão hóa, tăng sức miễn dịch, kháng khuẩn, trị bệnh ngoài da, hạ total cholesterol, hạ cholesterol xấu LDL, tăng cholesterol tốt HDL, hạ chất mỡ triglyceride, hạ đường huyết và đặc biệt có tính bồi dưỡng sinh lý cho mấy ông nào hơi bết bát học lâu thuộc bài...
 
Rượu Hà thủ Ô là món thuốc trợ dương rất tốt, thuộc loại Ông uống Bà khen.
 
 Hà thủ Ô có thể được sử dụng dưới nhiều dạng như phơi khô, sắc uống như trà, ngâm rượu, chế thành viên hoàn, trích tinh chất, tán thành bột, viên nang (capsule), trà tan, v.v…Tại Bắc Mỹ, Hà thủ Ô hay Fo Ti thường được quảng cáo đại loại như trên, nhưng ngoài ra dược thảo nầy cũng còn được bán rất mạnh để giúp cho đen tóc và ngừa sói đầu!
 
Hà thủ Ô cũng có thể tiềm với gà, nấu chung với các loại thuốc Bắc như dương quy, sinh địa, đinh hương và mật ong, v.v...Muốn ngâm rượu thì dùng 200g Hà thủ Ô+200g long nhãn+15g đinh hương+50g mật ong ngâm trong 2 lít rượu trắng. Sau 36 ngày là dùng được rồi, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 20ml (theo ThS Hoàng Khánh Toàn,VnExpress).
 
 
Hà thủ Ô có những hoạt chất gì?
 
Phần được dùng để làm thuốc là rễ và thân rễ...
 
Hà thủ Ô tươi, không chế biến có chứa các phụ chất (derivatives) anthraquinones như chrysophanol và emodin. Các chất nầy có tính nhuận tràng (laxative). Ngoài ra còn có stilbene glycoside rất tốt cho gan, ngăn cản tác dụng của các enzymes gan là ALT (alanine aminotransferase) và AST (aspartate aminotransferase)...Anthroquinones làm hạ đường huyết và cũng có thể chuyển ra thành anthrones trong ruột. Chất nầy rất độc cho gan như làm viêm gan chẳng hạn...
 
Hà thủ Ô phơi khô, có thể làm gia tăng chất superperoxide lipid và chất malonyldialdehyde (MDA), được xem là dấu ấn sinh học (biomarker) của hiện tượng chống lão hóa (anti-aging). Hà thủ Ô không làm tăng chất ceruloplasmin trong serum, làm giảm hiện tượng teo tuyến thymus và ngăn cản tác dụng của hai chất Prednisolone và Hydrocortisone.
Chiết xuất Hà thủ Ô từ rượu có thể làm tăng cholesterol tốt HDL, làm giảm triglyceride, giảm total cholesterol và làm chậm lại tiến trình xơ cứng động mạch (atherosclerosis)...
 
Hình như chiết xuất Hà thủ Ô từ nước có khả năng ngăn trở virus viêm gan B phát triển tăng số (réplication)...
 
Hà thủ Ô cũng có một ít tác dụng của hormone nữ 17 bêta-eostradiol tương tợ như ở đậu nành.
 
 
 Cũng có thể có những phản ứng bất lợi khi uống Hà thủ Ô
 
Có thể bị tiêu chảy, đau bụng và nôn mửa. Gần đây cũng có một vài khảo cứu cho biết đã xảy ra một vài ca viêm gan cấp tính do việc sử dụng Hà thủ Ô...Triệu chứng chung là vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu và các enzymes AST và ALT của gan đều tăng lên. Ngưng sử dụng Hà thủ Ô thì các triệu chứng nầy cũng biến mất.
 
  
Hà thủ Ô có thể tương tác với một số thuốc Tây
 
-*Với thuốc trị tiểu đường: Khiến đường huyết tuột xuống quá thấp (hypoglycemia). Đó là các thuốc Glimepiride (Amaryl), Glyburide (Diabeta)…
-*Với thuốc trị bệnh tim Digoxin (Lanoxin): Trên lý thuyết nếu lạm dụng Hà thủ Ô có thể làm tăng nguy cơ máu bị mất quá nhiều chất potassium (hypokaliemia) và thuốc Digoxin trở nên độc hại cho tim.
-*Với các thuốc lợi tiểu diuretic: Lạm dụng Hà thủ Ô trong thời gian uống thuốc lợi tiểu có thể làm mất thêm nhiều potassium hơn nữa. Để ngăn ngừa tình trạng nầy, có thể uống thêm các chất bổ sung potassium. Các thuốc lợi tiểu làm mất potassium là Chlorothiazide (Diuril),  Chlorthalidone, Furosemide (Lasix), Hydrochlorothiazide (Hydrodiuril).
-*Với các thuốc xổ: Trên lý thuyết nếu lạm dụng Hà thủ Ô cùng lúc uống thuốc xổ thì có thể có nguy cơ xổ quá mạnh làm mất đi hết các chất điện giải, rất nguy hiểm cho sức khỏe.
 
 Hà thủ Ô làm sai lệch kết quả xét nghiệm Labo
 
  -*Test Cholesterol: Hà thủ Ô làm hàm lượng Cholesterol total trong máu giảm xuống và làm sai lệch kết quả thật sự.
  -*Colorimetric Test (thử màu): Hà thủ Ô gây sậm màu nước tiểu.
   -*Test Glucose: Hà thủ Ô làm giảm đường huyết.
  -*Test potassium: chất anthraquinones của Hà thủ Ô làm tuột potassium trong máu xuống.
  -*Test Triglyceride: Hà thủ Ô làm giảm Triglyceride trong máu.
 
 
Tránh dùng Hà thủ Ô nếu bạn đang có những bệnh:
 
   -Bệnh về đường ruột: như đang bị tiêu chảy, nghẽn ruột, đau ruột dư, bệnh Crohn’s disease hay bị viêm loét kết tràng (ulcerative colitis).
   -Bệnh về tim.
   -Bệnh về gan.
 
 
 
Kết luận
 
Tốt hay không tốt?
Theo Đông y và Thuốc thiên nhiên thì Hà thủ Ô là một dược thảo rất tốt và sự kiện nầy đã được chứng minh từ cả ngàn năm nay rồi.
Tây y cũng nhìn nhận Hà thủ Ô có thể có một số lợi ích nào đó đối với sức khỏe, nhưng phải được sử dụng một cách sáng suốt và cẩn thận.
 Tốt hơn hết nên tham khảo với bác sĩ gia đình của mình trước khi sử dụng Hà thủ Ô.
·        Có thể không an toàn nếu uống vì vấn đề hại gan.
·        Chưa có kết quả đáng tin cậy về mặt khoa học nếu sử dụng ngoài da.
·        Có thể nguy hiểm lúc mang thai vì tính nhuận tràng của Hà thủ Ô.
·        Có thể không an toàn lúc cho con bú. Chất anthroquinones của Hà thủ Ô có thể truyền qua sữa mẹ khiến cháu bé bị tiêu chảy.
 
 
Tài liệu tham khảo:
 
-         Natural Medicines Comprehensive Database. Compiled by the Editors of Pharmacist’s Letter and Prescriber’s Letter, Sixth edition-2004.
-         Subhuti Dharmananda PharmD, PhD. Potential rare reactions to HeShou Wu (Polygonum multiflorum). Institude for Traditional medicine, Portland, Oregon.
-         Battinelli et al (2004). New case of acute hepatitis following consumption of Shou wu Pian, Annals of Internal Medicine 140: E589
-         Park et al (2001). Acute hepatitis induced by Shou wu Pian, a herbal product derived from Polygonum multiflorum. Journal of Gastroenterology and hepatology 16:115-117.
-         ThS Hoàng khánh Toàn. Hà thủ Ô bổ máu, làm đen tóc. Sức Khỏe & Đời Sống, VnExpress 29/01/2005.
-         Huyền thoại Cây Hà thủ Ô. Sức Khỏe & Đời Sống. www.3c.com.vn 02/02/2007.
 
 
Montreal, Oct 24, 2009

Trở lại Trang Khoa Học
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 861017 visitors (2232216 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free