Lên mạng 02/1/2010
THỦY SẢN NƯỚC NGỌT VIỆT NAM RẤT ĐỘC HẠI
Nguyễn Thượng Chánh, DVM
Thủy Sản Nước Ngọt Độc Hại: 7/10 Nhiễm Sán, Sẽ Ung Thư. Theo tin Việt Báo Cali Thứ Hai, 12/28/2009, 12:00:00 AM
|
Thủy Sản Nước Ngọt Độc Hại: 7/10 Nhiễm Sán, Sẽ Ung Thư
|
“HANOI -- Thông tấn nhà nước báo nguy rằng thủy sản nước ngọt tại VN có nhiều giun sán, và đã có một số trường hợp phát triển thành bệnh ung thư gan vì “ăn gỏi cá.”
Bản tin trên báo tỉnh Bình Định, ghi laị từ Báo Đất Việt, có nhan đề “Hầu hết thủy sản nước ngọt nhiễm giun sán” đã đưa ra con số kinh hoàng: 10 loài cá bán ở chợ, 7 loài nhiễm sán.
Một nghiên cứu mới cho thấy hầu hết các loại cá, cua, ếch, lươn… đều nhiễm giun sán gây bệnh nguy hiểm cho con người.Nghiên cứu được thực hiện tại ba tỉnh thành là Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định (đại diện cho ba vùng thuộc đồng bằng, miền núi và ven biển) này cũng cho thấy, gần 100% bệnh nhân bị sán lá gan nhỏ đều do ăn gỏi sống.Đây là kết quả nghiên cứu về tình trạng nhiễm ký sinh trùng trên hải sản nước ngọt tại Việt Nam do tiến sĩ Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng ĐH Y Hà Nội cùng cộng sự đưa ra tại buổi báo cáo bước đầu kết quả nghiên cứu này, ngày 25.12, tại Hà Nội.”
Thủy sản cũng như các loài động vật đều có thể nhiễm giun sán nhưng chỉ có một số mới truyền sang cho người mà thôi.
Gần đây báo chí bên nhà có nói nhiều về sự bộc phát của bệnh sán lá, khoa học gọi là distomatosis, do cá truyền sang cho người tại một số tỉnh ở VN.
Các giới chuyên môn nghĩ rằng bệnh lý nầy có nguyên nhân chính từ tập tục ăn gỏi cá sống hoặc ăn cá nấu không thật chín. Nghiên cứu tại VN cho biết có từ 45% đến 80% cá nuôi tại một số vùng đã bị nhiễm sán lá rất trầm trọng.
Tại Nam Định, nơi thường có tập tục ăn gỏi cá sống, thì số người bị nhiễm sán lá từ cá có thể lên đến 65%, và cá nuôi thì bị nhiễm lối 44,7%.
Tại Nghệ An, chó mèo và heo bị nhiễm sán lá từ cá truyền qua với tỷ lệ 13-38%.
Riêng An Giang và Nghệ An là hai tỉnh không có tập quán ăn gỏi cá sống cho nên số người bị nhiễm sán lá từ cá chỉ ở mức độ từ 0,1 đến 1% mà thôi (VietnamNet 18/10/2006).
Nhiễm sán lá là một vấn đề rất nghiêm trọng tại vùng Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc,Việt Nam, Thái Lan, Lào và Cam Bốt.
Cá nhiễm những loại sán lá nào?
Về mặt ký sinh trùng học, người ta phân ra làm 3 nhóm giun sán sau đây:
-Giun (nematode,roundworm) còn gọi là lãi tròn.
-Sán dây (cestode,teania) còn gọi là sên vì nó có nhiều đốt như mắt xích xe đạp.
-Sán lá (trematode,douve,fluke) chỉ có một mảnh như lá, hình dẹp.
Tùy theo nơi định vị của sán lá trưởng thành trong cơ thể mà người ta chia ra :
1-Sán lá gan (liver fluke): Sán lá họ Fasciolidae
2- Sán lá phổi (lung fluke): Sán lá họ Troglotrematidae
3- Sán lá ruột (intestinal fluke): Sán lá họ Heterophyidae
Bệnh nhiễm sán lá gan tại ViệtNam cũng không phải là một vấn đề mới mẻ gì, nhưng gần đây nó mới được tung ra một cách ầm ĩ.
Nhiều tổ chức quốc tế đã trợ giúp Việt Nam trong việc nghiên cứu và phòng trị bệnh nhiễm sán lá trong dân chúng.
Chương trình FIBOZOPA (Fish borne zoonotic Parasite), một dự án nghiên cứu sán lá từ cá truyền cho người do Đan Mạch tài trợ cho VN, đã xác định được một số sán lá thuộc họ Heterophyidae.
Cá nước ngọt nuôi trong ao hồ lẫn cá sống trong thiên nhiên sông rạch (nước lợ) đều có thể bị nhiễm sán lá y như nhau.
Có nguy hiểm đến sức khỏe hay không?
Triệu chứng thay đổi tùy theo loại sán, tùy theo số lượng sán nhiều hay ít, tùy nơi định vị và tùy theo thời gian mới nhiễm hay đã bị nhiễm từ nhiều năm rồi.
Nói chung triệu chứng ban đầu lúc ấu trùng di chuyển có thể là đau bụng, thường là ở vùng hạ sườn phải (right upper quadrant), nôn mửa, tiêu chảy, biếng ăn, mất cân…Một thời gian sau thì có triệu chứng gan mật, vàng da vv…
Sán lá gan Fasciola gigantica to nhất, thường làm nghẽn bít hệ thống mật và gây tổn hại mô gan. Báo Thanh Niên Daily ngày Sept 22 /2006 có nói đến một ca tại Quảng Bình sán lá gan xuyên qua da và chui ra khỏi lồng ngực lúc bệnh nhân đang được bác sĩ khám. Một vài loài như sán lá phổi Paragonimus westermani có thể gây ra những triệu chứng trầm trọng khi chúng vào trong phổi, trong các hạch hoặc trong não.
Ăn gỏi cá sống tại Việt Nam rất nguy hiểm
Gỏi cá sống là đặc sản của vùng duyên hải VN. Món gỏi cá sống tuy rất ngon nhưng nó vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe chúng ta.
Cá sống có thể nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng mà đáng kể nhất là giun đầu gai Gnathostoma. Loại giun này rất phổ biến tại vùng Đông Nam Á, Nam Mỹ, Mexico, Peru và Ecuador.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm giun đầu gai khá cao.
Giun trưởng thành (adult) sống trong bao tử chó và mèo. Trứng giun theo phân nhiễm vào nước mưa chảy xuống ao hồ sông rạch. Trứng nở ra ấu trùng (larvae) và bị một loại giáp xác (crustacea) thật nhỏ có tên là cyclop ăn vào. Cá, lươn, rắn, ếch nhái, gà vịt, và các loại thủy cầm (waterfowl) đương nhiên nuốt cyclop vào bụng và bị nhiễm giun đầu gai. Trong các loài vật vừa kể, ấu trùng giun sẽ định vị trong thịt.
Khi chúng ta dùng cá sống, ấu trùng vào bụng, xuyên ruột và đi tứ tung trong cơ thể chúng ta. Giun có thể vào gan, vào mắt, di chuyển dưới da, hoặc đến định vị trong não hay trong tủy sống. Đây là bệnh Gnathostomosis.
Đi đến đâu, giun gây tình trạng viêm sưng đến đó. Tùy nơi giun định vị mà triệu chứng sẽ khác nhau. Ở mắt, sẽ làm giảm thị lực hoặc mù lòa, và gây ho hen nếu ở hệ hô hấp. Nguy hiểm nhất là nếu giun định vị trong hệ thần kinh trung ương và gây chứng viêm não tủy (encephalomyelitis), làm rối loạn cảm giác, liệt tứ chi và có thể chết.
Không dễ gì chẩn đoán bệnh giun đầu gai.
Nếu biết rõ nơi định vị của nó, thì có thể làm sinh thiết (biopsy) để xét nghiệm. Người ta cũng có thể chẩn đoán bệnh qua xét nghiệm huyết thanh học (test ELISA)...
Vài năm trước đây Hội Dược Sĩ VN tại Hoa Kỳ cũng có đăng một bài nói về một ca nhiễm giun đầu gai ở một Việt kiều lúc về thăm quê hương. Trong thời gian ở VN, anh ta có nhậu với bạn bè món thịt rắn hổ mang, và đặc biệt là anh ta xơi sống nguyên tim rắn với hy vọng là sẽ được sung sức bằng 5 bằng 10 ngày thường.
Khi trở qua Hoa Kỳ, anh ta bắt đầu ngã bệnh và có dấu hiệu mệt mỏi yếu sức lạ thường lại thêm sốt, nổi mày đay ở chân, đau ở vùng gan, ớn lạnh về chiều. Kết quả xét nghiệm máu, cho thấy số bạch cầu eosinophils trong máu tăng cao 13.000.
Các bác sĩ bên Mỹ mò mẫm chữa trị bằng kháng sinh, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Cuối cùng qua sự cố vấn của một nhà ký sinh trùng học, bác sĩ Nagami, thuộc The Centers for Disease Control & Prevention (CDC), bệnh đã được chẩn đoán chính xác : bệnh nhân đã bị nhiễm giun đầu gai Gnathostoma spinigerum.
Thuốc Albenza (Albendazole) đã được sử dụng để trị dứt bệnh…
Chẩn đoán bằng cách nào?
Thông thường chẩn đoán qua việc xét nghiệm phân của bệnh nhân để tìm trứng sán. Phương pháp nầy tỏ ra không mấy hữu hiệu nếu mực độ trứng quá ít ỏi hoặc thử không đúng thời gian sán đẻ trứng. Rất khó chẩn đoán qua triệu chứng lâm sàng vì bệnh nhiễm sán lá cũng rất dễ lầm lẫn với một số bệnh lý khác chẳng hạn như với cancer gan, bệnh viêm gan, abcès gan, bệnh đau ruột, đau bao tử hay bệnh lao phổi tuberculosis qua sự kiện đàm có màu rỉ xét trong trường hợp bị nhiễm sán lá phổi. Nếu bị nhiễm lâu ngày thì các triệu chứng có tính cách mãn tính hơn. Thời gian đầu lúc mới bị nhiễm, thử nghiệm máu thường thấy số lượng bạch cầu eosinphiles tăng rất cao hơn bình thường. Có thể làm siêu âm gan (echography) để hổ trợ chẩn đoán.
Có thể thử máu áp dụng các test huyết thanh học:
- Test hemaglutination tìm kháng nguyên antigen f2 của sán Fasciola.
- Elisa test.
- Test immunofluorescence.
- Tremkit project (do the Natural Resources Institute UK hướng dẫn) có đưa ra 2 phương pháp xét nghiệm rất tiến bộ. Phương pháp thứ nhất dựa trên kháng thể monoclonal antibodies. Với phương pháp nầy, người ta có thể làm mass screening để chẩn đoán mỗi lần rất nhiều người cùng một lúc để xem coi ai đã bị nhiễm sán lá mà không cần phải phân biệt riêng rẽ 3 loại sán lá Opisthorchis viverrini, Opisthorchis felineus và Clonorchis sinensis. Kế hoạch trị liệu nhờ đó mà được hoạch định mau chóng. Một phương pháp khác cũng rất chính xác dựa tên kỹ thuật polymerase chain reaction PCR để xác định DNA của sán lá mặc dù ở mật độ nhiễm sán thật ít. Phương pháp nầy rất đắt tiền nên chỉ được sử dụng trong việc khảo cứu mà thôi.
Có thuốc trị không?
Thuốc uống do bác sĩ kê toa. Có thể nêu các thuốc đặc trị như:
1- Praziquantel (PZQ): tên thương mại Biltricide.
2- Triclabendazole (TCZ): tên thương mại Egaten, Fasinex.
3- Albendazole.
4- Bithional.
5- Nitazoxamide.
Những điểm cần lưu ý
- Sán lá chỉ có thể phát triển và tồn tại lâu dài nếu trong ao hồ hội đủ các yếu tố như có sự hiện diện của một loại ốc thích hợp sống trong nước, cây cỏ thảo mộc dưới nước, cá tôm sống ở nước ngọt và sau hết phải có người hay một loài động vật nào đó ăn vào. Cá chép (carp) thuộc họ Ciprinidae thường là ký chủ trung gian của sán lá Clonorchis sinensis và của sán lá Opisthorchis spp.
- Điều kiện khí hậu và điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam rất thuận lợi để bệnh sán lá dễ phát triển và dễ lây truyền.
- Người bị nhiễm qua việc ăn cá sống, nấu không đủ chín hoặc ăn sống các loại rau cải mọc dưới nước đã bị nhiễm ấu trùng sán lá. Thí dụ tại VN có thể thấy rau muống ruộng, rau dừa, ngó sen, rau ngổ, rau bồn bồn, rau chút, rau bông súng, rau cần ống. Tại hải ngoại có rau cresson sauvage mọc dưới nước (watercress) cần phải để ý vv…
Ướp muối, ngâm dấm hoặc hong khói rất khó diệt được ấu trùng sán lá trong cá.
Theo FDA, giữ cá ở nhiệt độ trừ 20 độ C trong vòng 7 ngày
hoặc trừ 35 độ C trong vòng 15 giờ có thể diệt được ấu trùng Metacercariae với điều kiện là bề dầy của cá không được trên 15cm (6 inches). Phương pháp nầy chỉ có thể thực hiện trong các nhà máy mà thôi. Trong thực tế, người ta tự hỏiliệu cá nhập cảng từ Á châu bán tại các chợ Tàu, chợ VN ở hải ngoại có đáp ứng được điều kiện nầy hay không?
- Nhiễm sán lá sẽ dẫn đến các bệnh về gan, phổi và ruột.
- Nấu cá và rau cải thật chín sẽ diệt được sán lá đồng thời giúp làm giảm nguy cơ bị nhiễm các loại ký sinh trùng.
- Xây cầu tiêu và nuôi gia súc như heo, trâu bò, dê cừu trên ao cá cũng như việc dùng phân súc vật để nuôi cá là lý do làm gia tăng bệnh sán lá.
- Tập tục ăn uống, ăn rau sống, ăn gỏi cá sống, ăn sushi, sashimi, lẩu cá cua tôm tép, nhúng dấm, luộc không đủ chín rất nguy hiểm.
- Ngày nay, kỹ nghệ nuôi trồng thủy sản (aquaculture) đang phát triển rầm rộ tại ViệtNam, Trung Quốc, Thái Lan…Việc toàn cầu hoá mậu dịch chắc chắn đã tạo điều kiện thuận lợi trong vấn đề xuất cảng cá tôm nhiễm ấu trùng sán lá đi khắp cả các nơi trên thế giới.
- Trong các chợ Tàu và chợ Việt tại hải ngoại, đa số cá tôm đông lạnh thường được nhập cảng từ ViệtNam, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn độ và Nam Mỹ là những quốc gia có vấn đề sán lá rất nghiêm trọng.
- Việc giáo dục dân chúng về hiểm họa ăn cá sống là điều cần phải thực hiện cấp bách.
Kết Luận
Từ lâu, Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) đã cảnh báo các quốc gia vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam về hiểm họa cá nước ngọt nhiễm sán lá lây truyền cho người.
Đây là một vấn đề y tế công cộng vô cùng quan trọng ảnh hưởng cho cả thế giới. Năm 1995 WHO đã ước lượng vùng Đông Nam Á có khoảng 9 triệu người bị nhiễm sán lá và Trung Quốc có lối 20 triệu người bị nhiễm mà trầm trọng nhất là vùng tỉnh Quảng Đông ở về phía Nam. Riêng Việt nam có trên 7 triệu người nằm trong diện nguy hiểm có thể bị nhiễm sán lá gan trong đó có 1 triệu người đã bị nhiễm thật sự.
Tổ chức FIBOZOPA gần đây cũng đã cho biết số người bị nhiễm sán lá tại vùng sông Hồng, Bắc Việt Nam, có thể phải nhiều hơn gấp bội so với những số được nêu ra từ trước (mực độ nhiễm 15%-20%).
Tại những vùng nhiễm sán, WHO cũng quan tâm đến sự xuất hiện của một số bệnh lý như bệnh cancer ác tính ống dẫn mật Cholangiosarcoma, bệnh sỏi túi mật gallstones (do nhiễm sán lá Opisthorchis và sán lá Clonorchis), bệnh tiêu chảy và bệnh loét bao tử peptic ulcers (do nhiễm sán lá Haplorchis và sán lá Metagonimus). Phải chăng sự hiện diện của sán lá đã ảnh hưởng đến sự xuất hiện của cancer cholangiosarcoma và của sỏi mật?
Sán lá nhiễm từ cá không phải là hiểm họa duy nhất tại Việt Nam. Bệnh giun đầu gai (Gnathostoma) do việc ăn cá sống, ăn thịt rắn,và ếch nhái là một hiểm họa khác mà chúng ta cũng cần phải quan tâm mỗi khi ăn.
Ngoài ra cũng không nên thờ ơ với bệnh thịt heo gạo cysticercosis do sán dây Taenia solium gây ra, thịt heo nhiễm giun bao Trichinella spiralis, và thịt bò gạo do sán dây Taenia saginata …
Cẩn thận với các món quá ngon như gỏi cá sống, sushi, sashimi, nem chua, bò tái chanh, thịt bò beefsteak chiên nửa sống nửa chín …nếu ăn ở bên nhà.
Tổ chức Lương Nông Thế Giới FAO nhìn nhận là tại Á châu, việc kiểm soát và giải quyết mối nguy cơ nhiễm sán lá từ thực phẩm (FBT: foodborne trematodes) là một vấn đề vô cùng khó khăn và phức tạp cần phải có sự quyết tâm và phối hợp nhịp nhàng của rất nhiều lĩnh vực chuyên môn.
Giáo dục dân chúng để thay đổi lối sống, quan tâm hơn đến vệ sinh, thay đổi tập tục và thói quen ăn uống, như đừng bao giờ ăn cá sống, cũng như đừng ăn sống các loại rau cỏ mọc dưới nước là công việc cần phải làm trước mắt. Chuyện coi vậy mà không phải dễ làm đâu!
Bệnh cá nhiễm sán lá lây truyền cho người tại Việt Nam là một sự kiện tất yếu không làm ai ngạc nhiên hết!
Để kết luận, tác giả xin mượn lời cảnh báo có vẻ bi quan của TS Đặng thị Cẩm Thạch, Trưởng Phòng Ký Sinh Trùng (Viện Sốt Rét, Ký Sinh Trùng- Côn Trùng Trung Ương): “…Việt Nam hiện có lối 60 triệu người đang bị nhiễm giun sán các loại!...” (VietNamNet 26/9/2006).
Không biết lời báo động trên có làm cho người dân mình lo sợ và thay đổi cách ăn uống hay không?
Riêng đối với các bạn hiện đang sống tại nước ngoài, nếu có đi du lịch VN, Thailand hoặc Nam Mỹ, để phòng ngừa giun đầu gai chúng ta chỉ nên ăn thịt, cá, rắn, lươn, ếch vv…đã được nấu thật chín mà thôi. Đông lạnh ở nhiệt độ trừ 20 độ C diệt được giun Gnathostomas.
Tài liệu tham khảo :
- Report A Joint WHO/FAO Workshop on Foodborne Trematode Infections in Asia, Hanoi, VietNam 26-28 Nov 2002.
- FIBOZ0PA: Fishborne Zoonotic Parasites in VietNam.
- Research into Incidence and Control of Foodborne Trematode Infections In Freshwater Fish. FAO
- Potential Food Safety Hazards, CDC
- Potential Hazards in Cold-Smoked Fish: Parasite, FDA
- Fiche Technique Santé Sécurité-Matières infectieuses: Fasciola hepatica, Fasciola gigantica, Clonorchis sinensis, Agence de Santé Publique du Canada.
- Canadian Hazards Guide-Fish and Fish Products, Canadian Food Inspection Agency.
- Hidden health problems caused by fish-borne trematodes, New Agriculturist on-line, http://www.onefish.org
- Metagonimus yokogawai & Fasciola hepatica life cycle, The Centers for Disease Control & Prevention CDC.
- Heterophyidiasis, an emerging zoonotic parasitic zoonosis, Stanford Univ.
- Cá nhiễm sán truyền sang người, VietnamNet 18/10/2006
- Flatworm infection spreading in Vietnam through eating raw food, ThanhNien Daily Sept 22,2006
- Stanford univ. Gnathostomiasis
Montreal, Jan 01, 2010
Trở lại Trang Khoa Học