TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Wistera và Wisteria sinensis
 
Lên mạng ngày 2/9/2011

WISTERA VÀ WISTERIA SINENSIS
 
Tôn Thất Mậu
 
CÔ THÔN NỮ NHÀ NGHÈO
                                  
Tại thành phố Sydney, mỗi năm vào khoảng tháng 9, khi mà dân chúng cảm thấy ấm áp nhờ những tia nắng đầu xuân sau mấy tháng giá lạnh, nếu bạn lái xe đi đâu đó, thỉnh thoảng bạn sẽ thấy nơi những bức tường nhà dân chúng có những chùm bông màu tím hoặc trắng rủ dài xuống trông rất ngoạn mục. Có nhiều nhà kỹ lưỡng hơn, làm sẵn những giàn gỗ (pergola) cho cây leo lên rồi đến đầu xuân, họ sẽ có những chùm bông màu tím lòng thòng dưới giàn, trông càng đẹp hơn nữa. Tôi muốn nói đến cây Wisteria thuộc họ Đậu (Fabaceae hay là Leguminoseae). Tiếng Việt trong dân gian có lẽ chưa có, nhưng trong những cuốn Tự Điển Anh Việt và Pháp Việt người ta dịch là cây Đậu Tía. Tôi chỉ dám nói “có lẽ chưa có” mà không dám khẳng định là chưa có. Có thể đã có rồi nhưng vì bản thân tôi chưa hề thấy ở Việt-nam và cũng chưa hề nghe nói tới. Những điều tôi nghe và thấy có thể chưa đầy đủ. Khi tra cứu sách “Cây Cỏ Việt Nam” của Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ (xuất bản 1993), suốt cả hơn 200 trang mô tả những cây họ Leguminoseae, tôi cũng không hề  thấy tên Wisteria. Ở Trung-hoa và Nhật-bổn thì rất thông dụng.   Tiếng Hán Việt là Tử Đằng ( ). Tử là màu tím, đằng là dây leo. Tiếng Anh thì người ta dùng ngay tên khoa học của nó để gọi, Wisteria. Những cây Wisteria mà chúng tôi thấy ở Sydney hoặc có nguồn gốc từ Trung-hoa (Wisteria sinensis) hoặc từ Nhật-bổn (Wisteria floribunda).
 
Trồng Wisteria rất dễ. Một anh bạn tôi cũng ở Sydney, có dăm một cành Wisteria và tặng tôi cây con đó vào đầu mùa đông năm ngoái. Suốt cả mùa đông, nó không nhúc nhích gì cả. Nhưng vào cuối đông, tôi bắt đầu thấy có những nụ non mới nhú và khi mùa xuân tới, khí trời ấm áp dần, nó lên rất nhanh. Vài tháng sau, mặc dầu còn ở trong chậu, tôi cũng phải làm một cái giàn nho nhỏ cho nó leo lên. Tôi đang chuẩn bị một khoảnh đất nhỏ để dựng một pergola, rồi cho cây Wisteria leo lên đó. Ở dưới giàn pergola, sẽ là những chậu Lan mà tôi trân quý. Mục đích làm pergola của tôi là để làm nơi che nắng cho những chậu Lan. Nếu dùng những tấm vải mùng bằng ny-lông thì không đẹp mắt. Tôi nghĩ ra cách dùng cây Wisteria leo lên giàn làm nơi che nắng cho Lan, đồng thời tôi cũng có được những chùm hoa tím rủ dài xuống lơ lững trên những chậu Lan của tôi.  
 
 
 
 
Hình 1: Cây Wisteria trong Sydney Botanic Garden đang ra hoa.
 
Lá của Wisteria hình lông chim (pinnate) dài khoảng 1 tấc tới 3 tấc tây. Số lá phụ (leaflets) lúc nào cũng lẻ. Những cây mà tôi gặp ở Sydney thường là 11 hoặc 13 lá phụ.


 
Hình 2: Cây Wisteria sinensis ở nhà tôi có 11 lá phụ.
 
Phát hoa theo lối hoa chùm (racemes), có khi dài tới nửa thước. Vì vậy người ta làm giàn như thế nào đó để cho dây leo lên và đến mùa hoa nở, ta sẽ có những chùm hoa rủ dài xuống trông đẹp mắt. Có lẽ pergola là thích hợp nhất. Cũng như mọi cây họ đậu khác, Wisteria có những mụt rễ (nodules) trong đó có vi khuẩn Rhizobium sống cọng sinh (symbiosis). Vi khuẩn nầy có thể tổng hợp chất đạm trong khí trời cung cấp cho cây. Vì vậy nếu bón thêm phân hóa học, nên cẩn thận cần giảm bớt chất N, và chú trọng nhiều chất K và P. Chất đạm (N) nhiều có thể làm cho cây xanh tốt nhưng hoa sẽ kém đi. Thông thường trồng xong cứ để đó, không cần phải bón gì cả, cây vẫn lên mạnh và cho hoa đều đặn. Điều quan trọng trong việc trồng Wisteria không phải là việc bón phân mà là uốn nắn cho cây lên đẹp, tạo ra một giàn thích hợp để cho nó leo lên. Viết đến đây tôi muốn so sánh cây Wisteria với một cô thôn nữ nhà nghèo, sống đơn giản mà có nhan sắc mặn mà. Cô thôn nữ ấy cũng cần có một sự giáo dục của gia đình và xã hội thì nhan sắc của cô mới có giá trị. Sự giáo dục dành cho cô thôn nữ ấy chính là cái giàn mà chúng ta làm sẵn và uốn nắn để cho cây Wisteria leo lên.
 
 
TUY VẬY VẪN CÒN VÀI TẬT XẤU 
 
Có nhiều tài liệu nói rằng hoa của vài loài của Wisteria có thể ăn được, có khi người ta làm rượu. Nhưng có vài loài khác lại có chứa chất độc wisterin, mà nếu ăn vào sẽ bị ói mửa, đau dạ dày, tiêu chảy.   Trong số những loài có chứa chất độc wisterin, có loài Wisteria sinensis, gốc ở Trung-hoa. Đến đây tôi lại liên tưởng đến bà Võ-Tắc-Thiên đời nhà Đường. Võ-Tắc-Thiên là một người đàn bà thông minh, tài giỏi, nhan sắc tuyệt vời mà tâm địa lại độc ác không ai sánh bằng. Võ-Sĩ-Hoạch, thân phụ của Võ-Tắc-Thiên, chỉ là một thương gia hạng trung. Lúc còn nhỏ, Võ-Tắc-Thiên cũng đã có vài cử chỉ nghịch ngợm và tàn ác. Nhưng vì gia thế không lớn nên chẳng gây tác hại bao nhiêu. Cho đến khi được làm hoàng-hậu của vua Đường Thái-Tông và lấn lướt luôn cả quyền hành của ông vua nầy, Võ-Tắc-Thiên mới biểu lộ hết lòng dạ tàn ác kinh thiên động địa của bà. Cái đẹp của hoa Wisteria sinensis trong thực vật có thể so sánh với nhan sắc của Võ-Tắc-Thiên trong loài người. Khả năng sinh sống nơi những khoảnh đất kém phì nhiêu của cây Wisteria sinensis có thể so sánh với tài năng xoay xở để vươn lên của Võ-Tắc-Thiên. Rất may độc tố wisterin không đến nổi tai hại như sự độc ác của Võ-Tắc-Thiên.
   
Trong số những cây Wisteria, thì tôi không thấy ai than phiền về sự lấn lướt và tàn hại đối với các cây khác, ngoại trừ cây Wisteria sinensis. Đây là một loài lên rất mạnh, dù trồng ở đất kém phì nhiêu. Tôi nghe nói ở Mỹ người ta coi loài nầy là “invasive species” (tạm dịch là loài xâm thực). Cây con ở nhà tôi cũng là Wisteria sinensis. Lên mạnh thì tôi đã thấy rõ rồi đấy. Còn cái tính xâm thực của nó thì chắc là phải chờ khoảng 5 hay 6 năm sau, coi thử cây con hiện nay sẽ lên như thế nào, tôi mới đồng ý hay không đồng ý với các tác giả của những tài liệu mà tôi đã đọc được. Chẳng lẻ cái gì của Trung-quốc cũng đều là “invasive” hết. Mà cũng dám lắm! Bởi vì đó chẳng qua là một sự biểu hiện của tâm thức cộng đồng. Sự biểu hiện đó thừơng xãy ra nơi con người nhiều hơn và rõ hơn, nhưng nó cũng biểu hiện nơi các loài động vật, cỏ cây và đất đá. Tính chất ưa xâm thực của xã hội Trung-quốc thì đã biểu hiện rất rõ nơi con người rồi đấy. Còn cái tính đó có được biểu hiện nơi cỏ cây, đất đá hay không và biểu hiện như thế nào thì cần được kiểm chứng lại.
 
 
NHÌN THẢO MỘC MÀ GẪM TỚI NHÂN SINH
 
Lúc đầu tôi cũng hơi lấy làm lạ không hiểu tại sao khi nói tới tính chất độc hại của hoa Wisteria, người ta chỉ nói tới Wisteria sinensis. Cũng như cái tính ưa xâm thực (invasive) chỉ được đề cập nơi Wisteria sinensis. Nhưng khi suy nghĩ kỹ tôi không còn lấy làm lạ nữa. Tâm thức cộng đồng trải qua hàng chục thế kỷ có thể nhào nặn ra những cái phù hợp với lề thói nhận thức của cộng đồng đó. Không phải bỗng dưng mà có một Võ-Tắc-Thiên sinh ra để rồi gây khổ đau cho những người vô tội; đó chắc hẳn là sự biểu hiện của tâm thức cộng đồng trong xã hội Trung-hoa từ nhiều thế kỷ trước. Không phải bỗng dưng mà có một Hittler gây kinh hoàng cho cả thế giới trong thế kỷ trước; đó chắc hẳn là sự biểu hiện của tâm thức cộng đồng trong xã hội Đức. Trở về với đất nước Việt-nam chúng ta, không phải bỗng dưng ta may mắn có được một Trần-Hưng-Đạo; đó là sự kết tinh của tâm thức cộng đồng của dân tộc ta từ nhiều thế hệ. Cũng như Trần-Ích-Tắc hay Lê-Chiêu-Thống, họ là sự biểu hiện của những yếu tố tiêu cực trong tâm thức cộng đồng của dân tộc ta.   
 
Cái tựa đề được đặt cho bài nầy có vẻ như tôi muốn tách rời Wisteria sinensis ra khỏi chi tộc Wisteria.  Mà dù cho tôi không muốn tách rời thì bản thân Wisteria sinensis cũng đang tự tách mình ra khỏi chi tộc Wisteria hiền hòa và xinh đẹp. Tách rời trong cách kiếm ăn và bằng những độc tố trong trái (pods). Chẳng khác gì mấy so với sự kiện đất nước Trung-hoa đang tự tách rời ra khỏi cộng đồng hiền hòa và bình đẳng của nhân loại, để tiến dần tới việc thống trị. Hai sự kiện đó lớn nhỏ khác nhau nhiều lắm và có vẻ như không liên hệ gì với nhau. Tôi không nghĩ chúng nó không liên hệ gì với nhau. 
 
Những ai đã từng đọc truyện “Võ Lâm Ngũ Bá” của Kim-Dung chắc là còn nhớ năm nhân vật võ công siêu quần bạt chúng, đó là: Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Đoàn Nam Đế và Trung Thần Thông. Nhìn lối sắp xếp năm phương vị đó, ta có thể đoán ngay rằng Trung Thần Thông sẽ được tác giả cho đứng đầu ngũ bá. Đọc tiếp “Anh Hùng Xạ Điêu” và “Thần Điêu Đại Hiệp”, ta có thể nhận ra thêm tác giả Kim Dung lại ngầm ví Trung Thần Thông là biểu tượng của nước Trung-hoa; còn bốn cao thủ kia là ví cho bốn nhóm quốc gia khác nhau trên toàn thế giới. Nói rõ hơn tác giả cho rằng Trung-hoa xứng đáng lãnh đạo toàn cầu. Mà Kim Dung không phải là người duy nhất có lối suy nghĩ đó. Ông ta có tài viết tiểu thuyết và là người biết cách nói lên cái nhận thức và cái suy nghĩ của đa số người Trung-hoa được tích lũy từ hàng chục thế kỷ nay. Nhận thức thì sẽ dẫn tới hành động và hiện nay họ đã hành động. 
 
La-Quán-Trung, khi viết Tam Quốc Chí, đã dựa vào những sự kiện lịch sử có thật, cũng đã biểu lộ đầu óc khinh miệt đối với các dân tộc ở chung quanh Trung-hoa. Gọi họ nào là rợ Khương, nào là Nam Man, … Đất Giao châu của chúng ta hồi đó thuộc địa phận cai quản của Tôn-Quyền. Cả ba thế lực Ngô, Thục, Ngụy đều không chú trọng gì lắm cái vùng đất xa xôi nhỏ bé ở phía Nam nầy. Nếu lúc ấy dân tộc ta lợi dụng tình hình rối ren của Trung-hoa mà nổi lên dành độc lập, dù có thành công hay không, cũng sẽ được La-Quán-Trung tiên sinh ghi lại một cách đại khái rằng “Rợ Việt làm phản, Ngô vương Tôn-Quyền sai tướng A, tướng B nào đó đem quân đi đánh dẹp…”. Than ôi! Cây bông hồng xanh tốt muốn cống hiến những đóa hoa xinh đẹp của mình cho khu vườn nhỏ bé của tôi thì bị cây Tử Đằng Trung-quốc gọi là làm phản.
 
Người Trung-hoa kể chuyện rất hay, hay cho đến nỗi người nước khác khi đọc cứ xem những chuyện của Trung-hoa như là chuyện của đất nước mình. Có lẽ bạn cũng có một nhận xét như tôi rằng những tuồng hát bội, những vở cải lương lấy sự tích bên Tàu thì nhiều mà bên nước mình thì ít. Chúng ta kể chuyện “Lã-Bố, Điêu-Thuyền”, “Phạm-Lãi, Tây-Thi” rành rỏi hơn là kể chuyện của “Huyền-Trân công chúa”. Chúng ta thích kể những chuyện bày binh bố trận của Gia-Cát-Lượng hơn là kể những kỳ công của Trần-Hưng-Đạo, của Quang-Trung. Không phải chúng ta hướng ngoại, mà tại chúng ta chưa có ai viết ra những câu chuyện hay về những sự tích đó.  Chúng ta biết được Trần-Hưng-Đạo là nhờ học lịch sử trong nhà trường mà không phải nhờ nghe kể những câu chuyện vui trong dân gian. Tâm thức cộng đồng của đất nước ta chưa đủ mạnh để nhào nặn ra một người viết tiểu thuyết có tầm vóc như Kim-Dung hay La-Quán-Trung. Chúng ta có quyền hãnh diện có được một Nguyễn-Du mà truyện Kiều của tiên sinh đã có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian, nhưng tôi nghĩ chưa bằng Kim-Dung hay La-Quán-Trung.
 
Trong số bạn đọc ở đây, tôi nghĩ phần lớn tuổi đã ngoài sáu mươi. Lúc nầy nếu chiến tranh giữa Việt-nam và Trung-hoa có xãy ra, có thể bạn thực tâm tuyên bố rằng bạn sẵn-sàng thí cái mạng già nầy để góp phần vào việc cứu nguy tổ quốc. Cho dù bạn có thực tâm tới mấy cũng không có ai cho bạn cơ hội đó. Cùng lắm là bạn theo những người trẻ tham gia những cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lược, góp với họ một tay thức đêm viết những biểu ngữ. Cũng có thể bạn đang âm thầm làm những việc mà bạn thấy có lợi cho đất nước. Tôi tin rằng còn nhiều người khác nữa cũng đang âm thầm làm những việc tương tự theo cách riêng của họ. Tôi là một trong số những người đó. Hằng ngày tôi gìn giữ ba nghiệp thân, miệng, ý làm sao cho tâm thức của tôi đi cùng với tâm thức cộng đồng tốt đẹp của đất nước, để may ra nay mai tâm thức cộng đồng đó sinh ra cho đất nước một Trần-Nhân-Tông của thế kỷ 21. Tôi không biết làm như vậy có đem lại lợi ích chung gì không; nhưng ít nhất không gây hại gì cho ai. Phần tôi cảm thấy thanh thản với lối sống hằng ngày như vậy. Viết đến đây tôi nhớ tới người bạn đã tặng tôi cây Tử-Đằng năm ngoái. Gần đây lại đem tới cho tôi thêm một cây, lại còn làm một bài thơ tặng tôi nữa.
 
Bài thơ không có tựa đề như sau:
 
Tuổi già có bạn quý
Ngại chi đường sá xa
Đôi chén trà bốc khói
Thơm ngát cõi ta-bà.
 
Chắc chiu ngày tháng qua
Cây nay đà đâm rễ
Tặng bạn cành Wisteria
Mong mày sớm trổ hoa.
 
Thời gian: ta vô hạn
Tiền tài: có Julia (*)
Đất trời: free đó bạn
Sao chẳng cùng lang thang.
 
Tôi tuy không biết làm thơ, cũng rán rặn ra mấy câu để đáp lễ:
 
Tuổi già gần bảy chục
Có bạn thật là vui
Lâu lâu ngồi tán dốc
Thế sự để ngoài tai.
 
Cám ơn bạn bỏ công
Chăm lo nhánh Tử-Đằng
Mai nhìn cây trổ nụ
Tình bạn ở đây chăng?
 
Kho trời ta cứ hưởng
Vẫn nhắn với Julia (*)
Tiền hưu ngài gởi tặng
Tôi chắc chiu từng đồng.
 
Viết tại Sydney, mùa đông** 2011
 
(*) Julia Gillard là nữ Thủ Tướng Úc hiện nay. Anh em chúng tôi đang lãnh pension nên cảm thấy cần phải nhớ tới bà.
(**) Mùa đông ở Nam Bán Cầu là mùa hè ở Bắc Bán Cầu.
 
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860891 visitors (2231875 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free