TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Phát huy nuôi ong mật
 
Lên mạng ngày 24/6/2011

CẦN SỰ QUAN TÂM VÀ PHÁT HUY NGHỀ NUÔI ONG MẬT

TS Nguyễn Xuân Niệm
Theo lời mời của Văn phòng Đại sứ quán Israel và Trung tâm Hợp tác Phát triển Nông nghiệp Quốc tế Israel (CINADCO) về việc tham dự Hội thảo và Tập huấn “Quản lý nuôi ong hiện đại: mật ong, sản phẩm phụ và sự thụ phấn” 18 ngày tại Israel từ ngày 15/5/2011 đến 01/6/2011, xin đề xuất một số biện pháp để phát triển đàn ong mật tại tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới.
 
Nước Israel, xứ sở của Kinh Thánh và là quê hương của người Do Thái, nằm ở khu vực Trung Đông, nối 3 châu lục: Châu Á, Châu Phi và Châu Âu. Với đặc điểm địa hình và khí hậu khác nhau của 3 châu lục, cộng thêm nguồn nước ngọt cực kỳ khó khăn phải biến nước biển thành nước ngọt sử dụng và tưới tiêu, nên nông nghiệp chỉ đóng góp 1% GDP. Mặc dù nông nghiệp đóng rất khiêm tốn, nhưng hiệu quả liên quan mang lại rất lớn, ví dụ như nghề nuôi ong mật thu nhập 500 triệu USD/năm, trong khi đó Việt Nam ta chỉ có 25 triệu USD (VAPI, 2007). Nuôi ong mật mang lại nguồn lợi rất cao từ các sản phẩm như mật ong, sữa ong chúa, sáp, keo ong, phấn hoa, sử dụng nọc ong để trị bệnh,...  Một lợi ích khác, không kém phần quan trọng là ong giúp thụ phấn làm cây trồng tăng chất lượng và sản lượng. Vã lại, nuôi ong và cả chế biến sản phẩm không cần đầu tư lớn. Thêm vào, điều kiện Việt Nam chúng ta nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng về thời tiết, nông nhàn dư dã, giống ong địa phương (Apis cerana) hay ong ngoại nhập (Apis mellifera) đều hiện diện và cho năng suất, chất lượng cao. Hơn nữa, nuôi ong không sử dụng đất đai, mà lại bồi bổ đất đai do phân bón được làm từ sản phẩm dư thừa từ chế biến mật ong. Do nuôi ong mật nên đã hạn chế sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, vì vậy, nuôi ong đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Vì thế, tạo diều kiện để nhiều nhiều cán bộ tham dự Hội thảo và Tập huấn như trên để mở rộng sự quan hệ quốc tế, đồng thời tăng kiến thức chuyên môn phục vụ nông nghiệp tỉnh nhà trước mắt, đặc biệt bổ sung tư liệu cho giáo trình “Nghề nuôi ong mật: Tiềm năng và thách thức” cho giảng dạy môn học này của trường Đại học Kiên Giang sắp tới là hoàn toàn cần thiết.
Kiên Giang có diện tích cây tràm (Melaleuca spp.), bạch đàn (Eucalyptus spp.), cùng nhiều loài cây ăn quả và các loại cây khác có mật,... là những cây mà ong mật rất thích và hầu như trỗ hoa luân phiên quanh năm. Ngoài ra, Kiên Giang còn có diện tích rất lớn cây rừng nguyên sinh ở Phú Quốc, Kiên Lương, và cây rừng ngập mặn vùng ven biển cũng phù hợp sinh thái và sinh trưởng cho phát triển ong mật. Vì vậy, UBND tỉnh nên giao cho Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi – Thú y cùng Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư lên kế hoạch phát triển đàn ong trở lại là rất cần thiết. Sau đó, hỗ trợ để thành lập Hội nuôi ong mật tỉnh kiên Giang, nhằm trao đổi thông tin và giúp đỡ cá nhân hay tập thể nuôi ong. Những nước Châu Phi, họ lấy nghề nuôi ong làm phương tiện để xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.
Một điều rút ra thêm từ tham quan thực tế tại các Trang trại nuôi ong sinh thái hay Khu vườn nuôi ong phục vụ tham quan-giáo dục do tư nhân đầu tư. Những Trang trại hay Khu vườn nuôi ong như thế này là điểm du lịch hấp dẫn du khách hàng ngày, đây cũng như nơi giảng dạy về tình yêu thiên nhiên, đoàn kết, kỷ luật,... từ việc quan sát cộng đồng ong mật,... Dưới sự hướng dẫn của Cô giáo, các học sinh đóng những vở kịch, hoạt cảnh phỏng theo sinh hoạt của ong mật, thật vui nhộn. Sau những ngày như thế! Học sinh sẽ vui hơn, yêu đời hơn và chắc chắn sẽ học hăng say hơn. Điều này, chúng ta không chỉ làm ở 2 Vườn quốc gia U Minh Thượng và Phú Quốc, mà ngay cả mỗi huyện-thị chúng ta nên có một như thế.

TS. Nguyễn Xuân Niệm
(PGĐ Sở KH&CN Kiên Giang)
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855038 visitors (2217632 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free