TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Giao thông, chuyện dài khó chấm dứt
 
Lên mạng ngày 20/11/2010

GIAO THÔNG, CHUYỆN DÀI KHÓ CHẤM DỨT
Trần Đăng Hồng
 
Phát triễn hạ tầng cơ sở là điều kiện tiên quyết trong việc phát triễn kinh tế bền vững của một vùng, hay của một quốc gia. Vì vậy, chỉ cần so sánh phát triễn hạ tầng giữa 2 thời gian tại một vùng nào đó cũng có thể biết phát triển kinh tế của vùng này.
 
So với chuyến thăm Miền Tây (tháng 7/2009, Tản mạn chuyến thăm Tân Châu), chuyến thăm năm nay (tháng 11/2010) chúng tôi thấy có 2 sự kiện mới trong lãnh vực giao thông: đường cao tốc (free way) và Cầu Cần Thơ.
 
            Đường Cao Tốc Sài Gòn – Trung Lương: Được đưa vào hoạt động từ ngày 3/2/2010, với đoạn đường dài 40 km, bắt đầu từ Chợ Đệm (Bình Chánh, Long An) đến Trung Lương.
 
 
 
 
 
Đường Cao Tốc Sài Gòn - Trung Lương
 
 
Đường có 2 chiều, ngăn cách nhau bởi rào tường chắn khá cao, mỗi chiều có 2 làn (lanes), dành cho xe 4 bánh (xe hơi), và một làn-dừng-xe-khẫn-cấp. Lề đường có hàng rào cao ngăn cách (rào lưới sắt B40), không cho bộ hành, gia súc và xe 2 bánh xâm nhập. Khi hoạch định, vận tốc tối đa dự trù là 120 km/giờ, nhưng khi đưa vào hoạt động thì quy định vận tóc tối đa 100 km/giờ. Về sau vì lún sụp, gây nhiều tai nạn, nên vận tốc giới hạn 80 km/giờ (http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2010/4/223520/).
 
 
 
So với quốc lộ 1A từ Sài Gòn đến Trung Lương, thì đường Cao Tốc là một tiến bộ đáng kể, tuy nhiên chúng tôi lúc nào cũng ở vị thế nắm chặt ghế ngồi để tránh những cú xốc có thể đập đầu vào thành ghế phía trước khi xe chạy qua các chỗ nối giữa hai nhịp cầu, hay 2 đoạn đường, mặc dầu xe chạy với vận tốc 60 km. Với đoạn đường 40 km trên cao tốc, xe du lịch 7 chỗ ngồi của chúng tôi chạy đúng 35 phút. Theo báo chí cũng như người dân, vì tình trạng lún sụp, “ổ gà” gia tăng, nên tai nạn tăng gia tốc, lý do chánh là do nỗ lốp xe.
 
  
 
Các "Ổ gà" trên Cao Tốc
 
Điểm qua báo chí (dùng Google, đường cao tốc Trung Lương) chúng ta sẽ thấy toàn những tường trình đầy bi quan, “tiêu cực”, mặc dầu đường cao tốc mới khánh thành.
 
            Cầu Cần Thơ. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi trên Cầu Cần Thơ. Cầu được khánh thành ngày 24/4/2010. Bắt qua Sông Hậu nối Vĩnh Long với Cần Thơ với chiếc cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nám Á. Cầu dài 15,85 km, có 4 làn dành cho xe ô tô, với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, và 2 làn dành cho xe gắn máy. Vì do Nhật tài trợ phần lớn và trực tiếp thi công, mặc dầu một tai nạn sập cầu ngày 26/9/2007 với 53 người chết và khoảng 80 người bị thương, cho tới nay chưa có một tường trình bi quan nào.
 
Cầu Cần Thơ
Ngoài 2 dự án giao thông nói trên được hoàn tất trong năm 2010 trong Đồng bằng Cửu Long, cũng còn nhiều dự án vừa được khánh thành trong vòng 2 năm qua, như Cầu Rạch Miễu (ngày 19/1/2009 nối Mỹ Tho với Bến Tre), Cầu Hàm Luông (ngày 24/4/2010 nối Bến Tre với Mõ Cày), Cầu Phú Mỷ Sài Gòn, Cầu Nguyễn Văn Cừ Sài Gòn, Cầu Kinh Nước Mặn Long An,  Đại lộ Đông Tây, Đường Rừng Sát (nối SG với Cần Giờ), v.v, cần thiết cho sự phát triễn kinh tế.
 
 
 
Cầu Phú Mỷ nối Sài Gòn với Thủ Thiêm
 
 
           
Mặc dầu có nhiều dự án phát triển tốt đẹp và cần thiết cho kinh tế ở Miền Tây, báo chí cũng như dư luận phản ảnh khá nhiều về bản chất “tiêu cực” chất lượng dự án. Ngoài “ổ gà”, “vũng trâu”, “hố voi”, “lô cốt”, “lún sụp”, “ngập lụt”, trên trục lộ trong thành phố khi có mưa, hay khi có triều cường, mà tôi đã đề cập trong chuyến về Miền Tây năm 2009, đã không giảm mà còn trên đà gia tăng. Riêng trong năm 2010, một từ mới phỗ biến là “hố tử thần” được báo chí và người dân xữ dụng để mô tả sự nghiêm trọng của hệ thống giao thông hiện nay.
 
            Chẳng hạn, Cầu Văn Thánh (Sài Gòn) vẫn tiếp tục lún sụp mặc dầu đã chi không biết bao nhiêu tiền đẻ sửa chửa kể từ 2002, Cầu Hàm Luông bị lún sụp sau khi hoàn thành 6 tháng với hố tử thần 1.5 x 1.5m sâu 4 m, v.v. (báo An Giang, http://www.baoangiang.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=24480 ).
 
 
Ổ gà, vũng trâu trên đường đến cầu Phú Mỷ vừa mới hoàn thành
 
 
Các “ổ gà” hay “vũng trâu" trên đường Trần Quang Khải (Quận 1, SG) được che chắn bởi tấm thép để tránh tai nạn
 
Mặc dầu không có mưa, đường Nguyễn Văn Luông (Quận 6, SG) bị ngập lụt trong suốt 3 tháng qua  
 
Ngập lụt trường kỳ trên đường Nguyễn Văn Luông
 
 
Xe taxi sụp hố tử thần trên đường Lê Văn Sỹ (SG) vào tháng 9/2010
 
Hố tử thần tại An Nhơn Sài Gòn, không có cơ quan nào để ý, dân tự động dùng vật cản lưu ý tránh tai nạn
 
Nội trong 2 tháng qua, có tổng cộng 37 “hố tử thần” xảy ra trong thành phố Sài Gòn, gây ít nhất 3 người chết và 8 thương vong.
            Tại Bến Xe Miền Tây, vào sáng ngày 9/11, chúng tôi khá mắc cở với một cô gái Pháp đi du lịch về Miền Tây. Tại Bến Xe, mặc dầu không có mưa, nước ngập 2-3 tấc, nước đen sì bốc mùi hôi thối, chen lẫn với rác rến. Mọi người thản nhiên lội bì bỏm trong nước ngập, có người ngồi vắt vẻo trên ghế đôn cao hơm mặt nước để thưởng thức cà phê. Chúng tôi và cô gái Pháp nhìn nhau, lắc đầu ngao ngán. Không biết cô gái Pháp sẽ nói gì với bạn bè ở Pháp về thành phố một thời mạng danh “Hòn Ngọc Viễn Đông”.
            Và trên chuyến về, xe chạy phăng phăng trên đường Cao Tốc, nhưng khi vào đến Bình Điền thuộc quốc lộ 1A thì bị tắc nghẽn giao thông, mất gần 2 giờ đồng hồ để chạy qua một đoạn đường 10 km. đầy bụi bậm, khói xe, tiếng còi, tiếng la ó giận dữ, giữa dòng xe hơi và honda chen lấn, mạnh ai nấy chạy.
 
            Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công năm 2010 là 52,6% GDP, nợ nước ngoài chiếm 38,8% GDP. Chính phủ dự kiến nợ công trong năm 2011 sẽ là 57,1% GDP (http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2010/10/3ba211c5/ ).
 
            Theo tính toán của báo Economist, với tổng số nợ công hiện nay là 50,9 tỷ USD, và tổng số dân 87.622.465 người và tỷ lệ nợ công/GDP là 51,6%, thì mỗi người Việt Nam gánh khoản nợ 580,91 USD.
 
             Bất cứ quốc gia nào, muốn phát triễn đất nước, đều phải vay nợ nước ngoài. Mặc dầu con số 580 USD/đầu người không lớn lắm, nhưng vẫn là nợ phải trả cùng với lải xuất, và trả trong thời gian dài, có thể nhiều thế hệ.
 
             Hy vọng rằng, trong những chuyến về thăm quê hương sắp tới, tôi sẽ không tìm thấy những tin tức bi quan đầy dẫy trong báo chí nước nhà phản ảnh tình trạng bê bối trong việc phát triển giao thông và hạ tầng cơ sở. Có vậy, phát triễn kinh tế mới thật sự bền vững.
 
 
Sài Gòn, 17/11/2010
Trần Đăng Hồng

Trở lại Trang Khoa Học
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860842 visitors (2231745 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free