TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Một chuyến đi bụi
 
Xuân Nhâm Thìn

MỘT CHUYẾN ĐI BỤI QUA MIÊN
Mong Phước Minh
 

 

 
Số là ngày 14 tháng 12 năm 2011, nhóm "nhiếp ảnh già" (già chứ không phải gia nghe, xin đừng hiểu lầm), rủ nhau làm một chuyến săn ảnh ở Hà Tiên nhằm kiếm vài tấm dự Giải Mùa Xuân do Hội Nhiếp Ảnh Kiên Giang tổ chức.
Sau một ngày bắn tan nát từ Kiên Lương tới thị xã Hà Tiên, cả nhóm hẹn nhau hôm sau hành quân về phía Mũi Nai, Thạch Động. Riêng tui và Bà Cúc đã dự định cùng con Deahan 120 phân khối của Hàn quốc đi bụi chụp ảnh xuyên Đông Dương nên nhân cơ hội này "đi nháp" qua Campuchia xem sao, may là tất cả thành viên trong đoàn (5 người) đều có mang theo passport. Và thế là buổi sáng hôm sau, khi đã chộp một số files ở Mũi Nai, cả nhóm mò tới cửa khẩu Xà Xía.
Tìm một cậu xe ôm làm hướng dẫn kiêm thông dịch (200.000đ trong khoảng 5 giờ). Xe dẫn bộ, tới trạm Biên Phòng ta, chìa passport kèm 20.000đ tiền là dễ dàng đóng dấu qua biên giới. Phía biên phòng Campuchia cũng chẳng khó khăn gì, cứ gom hộ chiếu nộp vào trạm, một nhân viên Biên phòng phía bạn bên ngoài,  nói bằng tiếng Việt yêu cầu mình làm thủ tục "đầu tiên". Vì được cậu chạy xe ôm phụ nhỉ trước nên chúng tôi móc ra mỗi người 20.000 đồng nạp cho anh này (đồng giá với phía VN). Kể ra cũng rẻ chán. Cách nay 6 năm tui và Bà Cúc đi theo tour thăm Siem Reap phí cấp chiếu khán nhập cảnh CAMP. tới 25 Đô la Mỹ! Kỳ này chỉ tốn 1 Đô la. Biên phòng Miên cho phép ở lại đất nước Chùa tháp tới 1 tháng lận. Thôi tạm đi vài tiếng đồng hồ rút kinh nghiệm, hẹn năm tới sẽ. . . tới luôn!
Vừa rời khỏi trạm Biên Phòng là đụng ngay mấy cái casino. Ngoại trừ cái Ha Tiên Vegas đồ sộ bên trái, còn lại đều thấp tè không có gì ấn tượng như một chốn ăn chơi, riêng bảng chử Casino thì to tổ bố, quay về phía Việt Nam. Cũng phải thôi, cứ nhìn cái cảnh nhà cửa tạm bợ của cái chợ làng vùng biên, xung quanh là đồng không mông quạnh, chắc rất ít người dân địa phương nào vô chốn đỏ đen này! Điều đó chứng tỏ khách đến đây chỉ từ phía Việt Nam ta.



 
 
 
Chúng tôi theo đường tắt, đất đỏ, rộng thênh thang, không ổ gà, nên chạy dễ dàng với tốc độ 70km/giờ. Vùng này thưa dân nên chẳng thấy chợ búa nào. Có mấy ruộng muối không thấy người khai thác, cạnh đó là vài cái kho tàn tạ. Đi khoảng 15km thì thấy một vụ thu hoạch lúa với máy suốt (chắc mua từ bên Hà Tiên). Nhà cửa giống bên Việt Nam, thậm chí có vẻ bắt chước lối kiến trúc "bình dân" tỉnh lẽ của ta, nên dù đã đi gần 20 km mà tui cũng không có cảm giác đã ở trên đất bạn. Khác hẳn với đoạn đường từ cửa khẩu Khánh Bình hay Vĩnh Xương (An Giang) đi Phnong Pênh, vừa qua khỏi biên giới là đã thấy nhà sàn cao cẳng đặc trưng của dân tộc Khmer, trên nhà thì người ở, dưới sàn thì bò, heo. Đường đi rất ít xe, kể cả khi ra tới quốc lộ nối Krongpong Trach-Kep-Sihanouk Ville.
Sau khoảng 40 phút, thì tới thị trấn Dam Nac Chang, rẻ trái chừng 15 phút thì tới bờ biển, đó là Kep. Tôi hơi bất ngờ vì sự tĩnh lặng của một thành phố du lịch nổi tiếng. Đầu ngã 3 rẽ dọc theo bãi biển là một cụm nhà trệt có vẻ là cơ quan công quyền, đơn sơ. Rồi thì bắt đầu, bên trái phía bờ biển là những dãy "láng" (như láng trại) hình bánh ích, lợp lá có sàn cao như cái chỏng ván, 4 cột được mắc 4 chiếc võng để khách nằm nghĩ miễn phí. Xen kẻ những láng này là những cửa hàng bán nước hoặc đồ ăn (nhậu). Bên phải là hàng loạt những biệt thự sang trọng nằm trong những khu "vườn rừng" mênh mông. Đó chắc là những Hotel cao cấp dành cho du khách.
Kep nằm trên bờ biển, nhưng sát liền là núi, đường sá lên xuống chập chùng, lại chưa mất đi vẽ hoang sơ của rừng, nên là một thành phố đẹp. Nếu muốn tìm một nơi tĩnh lặng, mát mẻ với không khí trong lành, có đủ núi rừng biển cả, để nghĩ dưỡng thì đây là nơi lý tưởng. Sự tĩnh lặng này của thành phố, do ít dân, lại không thấy du khách khiến tôi cứ thắc mắc làm sao các khu resort này thu hồi vốn?
          Chúng tôi chỉ đi dọc theo bờ biển và một con đường song song phía đất liền. Suốt mấy giờ ở đây chỉ thấy vài du khách phương Tây cùng khoảng mười mấy khách nội địa đi trên chiếc Mẹc 16 chỗ hoặc trên vài chiếc xe con tới ăn nhậu trong các quán Hải sản. Đặc biệt không nghe thấy nhạc hát ầm ĩ trong các quán như ở Việt Nam ta. Cũng không có nhiều xe cộ, 2 bánh lẫn 4 bánh, chạy tới lui ồn ào máy nổ, còi vang, đinh tai nhức óc. Rất thỉnh thoảng, một chiếc mô tô vụt ngang, tiếng máy nổ vang đánh thức một vùng không gian tĩnh lặng.
Hoàn toàn tĩnh lặng, thật kỳ lạ, ngay cả khi có một chiếc ô tô nhẹ nhàng lướt ngang, cũng chỉ làm cho không khí tĩnh lặng ấy tăng thêm phần im vắng! Không biết có một khu buôn bán với phố chợ ồn ào như ở các thành phố du lịch nước ta bên cạnh đây không, hỏi thì cậu hướng dẫn lắc đầu. Thôi chỉ với mấy giờ du hí,  chắc tui chỉ mới rờ được cái đuôi voi.
Hồi vừa qua cửa khẩu, cậu xe ôm hỏi cần đổi tiền không. Thấy đi chơi chỉ vài giờ không ăn nhậu, mua sắm đổi tiền rồi không xài hết thì phải đổi lại tiền Việt, chịu lỗ 2 lần, nên không ai chịu đổi. Nhưng không sao, tới đây mới biết tiền Việt xài thoải mái. Bà Cúc mua ghẹ ngon chỉ 80.000 đồng/kg (rẻ hơn Hà Tiên).
Bãi biển Kep kéo dài nhiều cấy số, sạch sẽ, nhưng hẹp và cát không trắng, vắng hoe. Lúc chúng tôi đến chỉ thấy vài ông Tây tắm và một bà Đầm nằm phơi nắng! Sau đó, trên đường đi đến chỗ bán hải sản thì gặp thêm 2 ông Tây đi bộ chào Bon jour.
Bà Cúc chộp được hình 2 Ông Bà Tây ngồi xe lôi thùng trông có vẻ thú vị lắm. Nhìn ảnh này có thể làm nhiều người cảm thấy tội nghiệp cho dân Campuchia lạc hậu, bởi bây giờ mà còn xe lôi thùng, trong khi nước bạn láng giềng ("giàu có,  văn minh") đã cấm phương tiện vận chuyển này từ lâu vì bị ghép vào loại "xe tự chế", để nhập về cái loại “xe kéo thùng” của Tàu xì to tổ bố, từ cái mô tô phân khối lớn dềnh dàng phía trước đến cái thùng “bành ki” ở phía sau,  vừa đắc tiền vừa chưa chắc có an toàn hơn các loại xe 3 , 4 bánh (xe ba gác, xe lôi) nhỏ gọn và có bề dày lịch sử khoảng nửa thế kỷ “cày xới” khắp hang cùng ngỏ hẽm miền Nam trước đây hay không ?
Nhân đây tôi xin bàn thêm về loại hình vận tải này.
Theo tôi nó vẫn luôn là phương tiện vận chuyển rẻ tiền, cơ động lại vừa an toàn. Trước đây, khi dự án cấm xe 3 bánh tự chế đang chờ quyết định ban hành, một bài báo trên Sài Gòn Tiếp Thị đã dẫn ra tính cơ động của loại phương tiện bình dân và phổ biến này, thậm chí ngay cả khi có một bệnh nhân cần cấp cứu, trong đó mĩa mai thay có thể là nạn nhân của một tai nạn giao thông gây ra bởi các phương tiện vận chuyển tiến bộ hơn, thường thì xe lôi có mặt kịp thời, chở ngay đến bệnh viện. Trong khoảng 50 năm tồn tại chắc không thể nào thống kê hêt số bệnh nhân được vận chuyển kịp thời đến nhà thương bởi cái phương tiện thô sơ này. Người Nhật chắc cũng không ngờ mình đã cung cấp cho dân Việt Nam một đầu kéo hửu dụng như thế, từ một phương tiện cá nhân trở nên một loại vận tải công đồng. Cần đi những đoạn đường ngắn, khách chịu khó đứng chờ thế nào cũng có một chiếc xe lôi thùng chạy qua, leo lên ngồi giửa tràn đầy gió bụi, đến tận nơi muốn đến, thậm chí vừa bước xuống xe là tới ngay nhà. Không trạm dừng bến đổ, thật tiện lợi trên những đoạn đường ngắn. Chỉ vài ba người cũng đủ một cuốc xe với giá cả bình dân, không phải chờ đợi lâu, đi tới đâu, tính tới đó. Đi một mình với chút đỉnh hành lý, hàng hóa hơi cồng kềnh, cứ thảy lên khoảng thùng phia sau rồi, a lê, lên đường. Về sự an toàn thì người ta chỉ nói nó không an toàn vì có lẽ nó…. quá thô sơ. Không thấy một thống kê chính xác nào về những tai nạn do xe lôi gây ra. Cái đánh giá vừa thiếu khoa học, vừa đầy “cảm tính” ấy,  do bởi một áp lực “kinh tế” nào đó, khiến xe lôi trở thành đối tượng phải loại bỏ một cách oan uổng, mặc dù lúc đó nó vẫn đang còn là phương tiện sinh nhai chính của rất nhiều người lao động nghèo.
Các bạn thân mến, vì thấy cái sự hay ho và hửu dụng của xe lôi trên đất bạn mà đâm ra trạnh lòng “hoài cổ”, phiếm bàn một chút để thấy đở…buồn vậy thôi! Nay xin viết tiếp.
Thì ra, dù là thô sơ, nhưng nó vẫn hấp dẫn khách du lịch phương Tây bởi chính sự độc đáo và có lẽ bởi chính cái sự thô sơ đó của xe lôi mà ở các nơi khác không có. Chiếc xe lôi của họ không khác gì những chiếc xe lôi thùng của ta, thậm chí có cả thùng-nước-giải-nhiêt, cái này thì rõ ràng là bắt chước kỷ sư Hai lúa Miền Tây rồi! Có điều kiểu dáng thì khác hơn, đẹp hơn và 2 băng ghế ngồi đối diện rộng rãi. Nhìn Ông Tây Bà Đầm ngồi thoải mái, ngắm cảnh trên đường, không có vẻ gì là bị “tè” trong quần vì lo sợ bị bỏ thây nơi đất khách, hay phải “xi cà que chống tó” về lại quê nhà, cũng vui!
 
 

 
          Cậu Hướng dẫn đưa chúng tôi đến một điểm mát mẻ dưới bóng cây bên vệ đường chạy sát bờ biển. Tại đây có một đường dẫn ra phía biển độ chừng 30 mét mà tận cùng là một bức tượng cô gái bằng bê tông sơn trắng. Campuchia là một đất nước có một nền mỹ thuật đáng nể với những công trình kiến trúc, điêu khắc đồ sộ. Nhưng thật tình tôi thấy bức tượng này không xứng đáng có mặt ở đây, khu du lịch tầm cở của xứ Chùa Tháp, nó vừa thô, vừa xấu, đến nỗi tôi không muốn chụp ảnh kỷ niệm. Cặp theo con đường này là bãi biển hẹp mà tôi đã mô tả.
          Trong phần trước tôi đã nói về xe lôi. Phần này tôi xin giới thiệu với các bạn những chiếc xe hàng rong mà. Đó là những quầy hàng di động thiết kế giống như chiếc Sidercar (mà quý vị XHCN mình gọi là mô tô xuồng), gồm một bộ phận gắn liền bên hông xe mô tô (Honda), thành một xe 3 bánh, trên đó bày các loại thức uống và đồ ăn vặt. Hoặc gọn hơn là bộ phận đặt sau xe Honda trên đó có thùng trử đá, nhiều chai nước ngọt, bánh kẹo và các thứ linh tinh. Cả 2 loại đều có dù màu hoặc mái che mưa, nắng. Thấy khách lạ, họ “rề” đến mời chào theo cái cách rất hiền hòa.


              Sau khi cảm thấy đã bớt mệt, chúng tôi tiếp tục tham quan. Cậu HDV được một thành viên đi lẻ chở phía trước, rẻ qua một đường khác không còn cặp theo bãi biển mà cách biển bằng một núi nhỏ. Tôi xin mở ngoặc để nói thêm, vì thấy 3 xe gắn mà chỉ có 5 người, nên cậu xe ôm đã gửi xe của mình tại bên này biên giới, tranh thủ ngồi vào chổ dư của anh bạn đồng hành, vừa tiện lại vừa không tốn tiền xăng (xăng ở Campuchia rất mắc). Đây là đoạn đường núi rất đẹp, lên dốc, xuống đồi giửa vườn rừng mát mẻ, thấp thoáng gần, xa những biệt thự sang trọng. Sau vài cây số, lại quay ra phía biển, gặp một ngã 3 có bức tượng đẹp, mọi người dừng lại chụp ảnh. Tại đây có một điểm bán vé xe đi Phnom Penh, Siem Reap, Battampong…của các công ty lữ hành, bà Cúc tranh thủ chụp ảnh để tiếp thị. Tiếp tục trở lại bờ biển, cậu Hướng Dẫn đưa đến điểm bán hải sản nhỏ cạnh một công viên, cũng nhỏ. Chụp ảnh kỷ niệm và đi mua ghẹ, ăn chơi.



 
Tui bị hơi đau răng nên không ăn được ghẹ. Nhìn mọi người ăn ghẹ Kep một cách thích thú tui độ chừng chắc ngon lắm. Mà hổng ngon sao được, bây giờ đã hơn 13 giờ rồi, đói bụng! Cái con ghẹ Kép có khác gì con ghẹ Hà Tiên đâu, có khi nó vừa may mắn sổng lưới ở Mũi Nai thì bị ngư phủ Campuchia “tóm” được ở bên này. Có khác là Ghẹ Kep rẻ hơn.
          Sau khi ăn xong, chộp vài file ảnh tại công viên nhỏ này, bên một tượng đài, chúng tôi chuẩn bị ra về. Nhưng trước hêt phải tìm chỗ uống nước và nghĩ ngơi cho khỏe đã. Chạy dọc theo bờ biển trở ngược lại, chúng tôi ghé vào mấy cái láng bánh ích đã nói ở phần đầu. Không cần phải có tiền Riel, tiền đồng Việt Nam vẫn giao dịch bình thường. Lon Coca ướp lạnh giá 10.000 đồng VN, Cà phê đá giá 5000đ VN. Thật sự tôi rất ngạc nhiên về cái giá này. Bởi vì ở Hà Tiên, bình dân nhất cà phê đá cũng phải 6.000đ 1 ly đó là giá ở lề đường, nếu vào các khu du lich thì 10.000đ hoặc hơn, lon Coca ướp lạnh chắc chắn phải 15.000 đ. Tại đây, giá cả rẻ hơn mà chúng tôi lại được nghĩ lưng trên những chiếc võng không phải trả thêm một phí nào nửa! Trong khi tại Hà Tiên tiền thuê 1 tấm đệm là 50.000 đ, một ghế nằm là 10.000 đ. Còn những khu du lịch nổi tiếng như Vũng Tàu, Mũi Né thì có khi còn đắc hơn.
             Nằm lắc lư trên võng, nhâm nhi ngụm cà phê, nhìn những cô gái bán quán người địa phương rồi thầm so sánh giá cả với trong nước, tôi bỗng thấy vừa vui lại vừa buồn. Vui vì mình không là nạn nhân của cái sự “chặt chém” vốn là thông lệ của các khu du lịch trong nước mà buồn cũng chính bởi cái sự không “chặt chém” ấy của những cô bán hàng người Campuchia. Đáng lý ra đối với những người ‘nước ngoài” như chúng tôi đây, các cô gái Campuchia phải “chặt chém” thẳng tay, bởi chắc gì còn gặp lại ?
             Quý vị nào dắt cháu đi chơi Thảo Cầm Viên Sài gòn hãy cẩn thận với những người bán cóc ổi…Tôi đã chứng kiến một chị nọ dẫn con đi chơi trong một đoàn du lịch “hành hương” (một loại hình du lịch rất bình dân của dân nghèo miền Tây Nam bộ, giá cả cũng “bình dân” một cách “dã man”, tôi sẽ viết phục vụ bạn đọc trong một kỳ khác về loại hình này), khi đứa bé đòi mua một miếng “ổi ghim” của một người bán rong trước cỗng “Sở Thú”, chị hỏi giá bao nhiêu, người bán trả lời 2 đồng (ngầm hiểu là 2000), chị đồng ý mua. Cô bán hàng ghim miếng ổi rồi đưa cho cháu bé, nó cầm lấy và đưa lên miệng cắn. Chị lần lựa móc túi tìm lấy 2000 đồng trả cho người bán; nhưng cô ta nói gọn lỏn 2 đồng “cứng”, tức là 20.000đ ! Chị “tá hỏa” phân bua miếng ổi này ở quê chưa đáng 500. Một thanh niên bặm trợn, tay xâm “rồng – cọp” nói chen vào thôi trả tiền đi, muốn rẻ thì về quê mua. Tội nghiệp chị nhà quê, chỉ còn biết lặng lẽ móc thêm tiền trả cho “bọn cướp cạn”.
                 Trở lại mạch suy nghĩ khi tôi tòn teng trên võng. Nếu mấy cô bán hàng này lúc thu tiền nói 5000 đồng là 5000 đồng “Ria” thì chúng tôi cũng phải trả thôi, nhưng khi ấy là giá cao gấp 4 lần (1 Riel # 4 đ VN). Đây là trường hợp của Campuchia hồi năm 1985, khi tôi và bà xã đi chui qua đó chơi theo dẫn dắt của bà chị Vợ (họ dùng Phnom Penh làm chỗ tạm cư để vượt biên qua nước thứ 3,Thái Lan, rồi cuối cùng định cư ở Úc). Sau thảm họa diệt chủng bởi Khmer Đỏ, dân Campuchia tại Phnom Penh còn lại rất ít, nhiều người Việt, người Tàu đã qua đây lập nghiệp. Tại chợ Ô-xây hay chợ Olympic, có thể dùng tiếng Việt hoặc tiếng Quảng như ở Chợ lớn thoải mái. Khi đó nhiều người Việt từ Sài gòn và miền Tây qua lập nghiệp, được dịp làm giàu nhanh chóng, bởi vì ngoài phí vận chuyển hàng hóa hơi cao do phải vượt qua biên giới thì giá bán buôn tại Nam Vang lúc đó gấp bốn lần giá tại Việt Nam, cách chỉ khoảng trăm cây số về phía Đông. Một vốn bốn lời giúp nhiều người Việt, Hoa làm giàu nhanh chóng. Trước khi đến đây, tôi vẫn dè chừng cái giá cả như thế và sẽ không một chút ngạc nhiên nào nếu nó đúng như thế. Nhưng, kể từ lúc vừa đặt chân tới nghĩ mệt tại bóng cây ở bờ biển, khi tiếp xúc với những nụ cười hồn hậu và lời mời chào rất thân thiện của những người làm dịch vụ địa phương tôi không còn cái cảm giác lo lắng “thủ thế” như đã từng đến nhiều nơi vui chơi trong nước. Phải chăng cái Từ bi của Đức Phật đã ngấm sâu vào tâm hồn người dân Campuchia, điều đó đã góp phần tạo nên một bản sắc thật thà, hiền hậu mà đa số người dân họ thể hiện.
            Thưa các bạn,
         Vui vì không bị “chặt chém”, buồn cũng vì không bị  “chặt chém”, cảm giác đó chỉ nhất thời trong khoảnh khắc nghĩ ngơi; nhưng nó nhắc lại một nỗi niềm khác mà nhiều người trong chúng ta chắc chắn đã cảm thấy, đó là nỗi lo âu cho sự xuống cấp của xã hội ta. Qua các phương tiện truyền thông, không ngày nào không có những vụ cướp giựt, giết người, đâm chém…mà mức độ tàn bạo cứ tăng dần. Sự vô lương, thậm chí, đã đi vào nhiều gia đình mà thủ ác là những người cùng máu mủ. Sự vô lương không chỉ giới hạn trong tầng lớp ít học, nghèo khổ mà kinh khủng hơn nó lại nằm trong nhóm có học, giàu có và quyền lực!
         Không phải ngẩu nhiên mà nhà sử học Dương Trung Quốc đã lên tiếng về sự mất gốc đang hiện hửu trong nước (Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn), cũng không phải ngẩu nhiên mà nguyên Viện Trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nói :  “không nghi ngờ gì nữa, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang ở tình trạng xấu nhất từ năm 1991 đến nay”.
         Sự suy sụp về kinh tế, dù rất đáng lo ngại, nhưng nó là hậu quả của nhiều nguyên do, có cả nguyên do khách quan là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nó có thể vượt qua sau một vài năm; nhưng sự suy đồi trong xã hội, vốn đến một cách tiệm tiến, nên muốn thay đổi cho tốt lại cũng phải đòi hỏi thời gian lâu hơn nhiều. Mà tình hình như hiện tại thì biết bao giờ mới trở lại cái nếp tốt đẹp xưa!?
         Hết giờ nghĩ rồi, về thôi, ai đó lên tiếng, ngắt đứt dòng suy nghĩ trong tôi và chúng tôi ra xe, lên đường. Bà Cúc ngồi phía sau, để máy ở chế độ sport, chộp thêm nhiều tấm hình thú vị. Trong đó có cả hình chụp trụ sở Công An Kep, thấy một anh (chắc là CA) từ trong chạy ra tươi cười, thân thiện. Và tôi cũng chợt thấy rằng từ sáng đến giờ, trên đường đi, chưa thấy một CSGT nào, vậy mà cảm giác thật bình yên!    
 

 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 854900 visitors (2217313 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free