TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Nhận định thêm về lúa cổ Thành Dền
 
Lên mạng ngày 1/8/2010

THÊM VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ GIỐNG “LÚA CỔ THÀNH DỀN”
Trần Đăng Hồng, PhD
 
Sau khi bài báo “Thử tìm lại chân dung giống lúa cổ Thành Dền” được phát tán khá rộng rải ở hải ngoại, qua cá nhân chuyền nhau và qua các báo khoa học hải ngoại như VietSciences (Pháp), Khoa Học & Đời Sống (Đức), Nông Nghiệp Phổ Thông (Phi Luật Tân), v.v., bài này cũng được đăng lại một phần ở báo Đất Việt (Hà Nội). Bài nói trên tôi viết dựa vào hình ảnh của bụi lúa mới bắt đầu trổ đòng (ngày 21/7) do các báo trong nước đăng tải như Tuổi Trẻ, Thanh niên, v.v. Hôm qua (30/7), báo VnExpress đăng tải khá rõ ràng bụi lúa với hình ảnh gié và hạt sau khi trổ đòng được 9 ngày (21/7-30/7) (4 hình dưới đây). Tôi vừa nhận được một số email từ trong nước, trong số này là một phóng viên khoa học, hỏi thêm ý kiến hay nhận định của tôi về giống “lúa cổ Thành Dền”.
            Trong bài trước, dựa vào kinh nghiệm và kiến thức khoa học thâu lượm được, và dựa vào hình thái và sinh học cây lúa trên hình, tôi nghĩ rằng giống “lúa cổ Thành Dền” có đặc tính của giống “hiện đại” do cách mạng xanh tạo ra từ giữa thập niên 1960s, chứ không có mang một đặc tính nào của giống lúa “cổ truyền” hay “cổ đại”. Dĩ nhiên, đây chỉ là một nhận định cá nhân, chủ quan, lại dựa trên hình ảnh, nên có thể sai lầm.
            Nay với hình ảnh khá rõ ràng hơn, trong đó thấy gié lúa, hạt lúa, tôi thử làm một bài tính phỏng đoán năng xuất.
            Ai đã từng học canh nông về cây lúa đều biết công thức phỏng đoán năng xuất, dựa vào các thành phần năng xuất (yield components), tức mật độ bụi/m2 (tức số bụi/m2), số gié/bụi, số hạt chắc/gié, trọng lượng 1000 hạt khô (khoảng 13-14% ẩm độ) (Trần Văn Đạt).
 
Năng xuất (g/m2)= số bụi/m2 x số gié/bụi x số hạt chắc/gié x trọng lượng 1000 hạt (g)
 
 
Hình 1 (Hình của VnExpress ngày 30/7/2010)
 
Số bụi/m2. Các thành phần năng xuất biến đổi liên quan đến mật độ, hễ trồng càng dày, tức số bụi/m2 càng cao, thì các thành phần của năng xuất giảm, vì do sư cạnh tranh ánh sáng, nước và dưởng chất. Vì chỉ có một hàng lúa (hình 1), nên việc cạnh tranh ánh sáng không mảnh liệt như trong đám lúa, nên các thành phần năng xuất ở các cây trong hình này không chính xác, và có khuynh hướng cao hơn trong đám lúa. Dựa vào kích thước của chậu, tôi đoán rằng khoảng cách giữa 2 bụi lúa khoảng 35 cm tức trung bình 8,1 bụi lúa/m2.
 
Số gié trung bình/bụi. Cũng dựa trên hình 1, tôi đếm (và phỏng đoán vì không thấy các chồi mặt bên kia), 4 bụi có khoảng 65 chồi hửu hiệu (chồi cho gié), tức trung bình 16,3 gié/bụi.
 
 
Hình 2 (Hình của VnExpress ngày 30/7/2010)
 
 
Số hạt trung bình/gié: Hình 2 và 3, với 3 gié có số hạt khá đầy đủ, có tổng cộng tối thiểu 300 hạt, trung bình 100 hạt/gié.
 
Tổng số hạt trung bình trên 1 m2 = 8,1 bụi x 16,3 gié/bụi x 100 hạt/gié= 13.203 hạt/ m2.
 
Tổng số hạt chắc trung bình trên 1 m2. Hình 4 cho thấy hạt lép rất ít. Tuy nhiên, trung bình có khoảng 5-10% hạt lép ở điều kiện canh tác. Như vậy số hạt chắc tối thiểu (lép 10%) sẽ là 11.883 hạt chắc/m2.
 
 


Hình 3
(Hình của VnExpress ngày 30/7/2010)
 
 
 


Hình 4
(Hình của VnExpress ngày 30/7/2010)
 
Năng xuất hạt trên 1 m2. Với hình 4, trọng lượng của 1000 hạt phải từ 35 đến 40 g. (hạt khô 14% ẩm độ). Ở bài tính này tôi chỉ tính 30 g/1000 hạt. Vậy năng xuất hạt là 356,49 g/m2, hay 3,56 tấn/ha. Đây là con số năng xuất tối thiểu, bởi vì với hình dạng những cây lúa theo hình trên năng xuất thực sự có thể trên 6 t/ha.
            Dầu cho có sai số thật lớn trong bài tính, năng xuất tối thiểu cũng phải trên 2 t/ha.
Chúng ta hảy so sánh với năng xuất lúa trong quá khứ:
 
Bảng năng xuất lúa (t/ha) của Trung quốc, Nhật Bản và Việt Nam
(Theo tài liệu của Dr Trần Văn Đạt, 2004)

 

* BC: Trước Công nguyên; AD: Sau Công nguyên

Theo bảng trên, năng xuất lúa ở Trung Quốc và Việt Nam cách đây 2000 năm chỉ khoảng 0,5 t/ha. Cách đây 100 năm, năng xuất lúa ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam lần lượt là 1,6; 2,6 và 1,2 t/ha.
Cũng theo bảng trên, nếu chấp nhận “lúa cổ Thành Dền” có năng xuất 2 t/ha, thì giống cổ này tương đương với năng xuất trung bình của Việt Nam năm 1970. Còn nếu chấp nhận 3,5 t/ha thì tương đương với thời kỳ năm 1990. Các vị khoa học tại địa phương có thể dựa vào công thức trên với các dữ kiện thực tế của thành phần năng xuất để có kết quả phỏng đoán chính xác hơn.
Một câu hỏi thuần lý khác là cách đây 3.000 năm hay 300 năm, nếu tổ tiên ta đã có một giống lúa siêu việt như vậy, thì tại sao tổ tiên ta không giữ giống này nhân ra, canh tác mọi nơi, cớ chi để dân ta phải chết đói nhiều lần dưới thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức (từ 1820 đến 1888, Việt Nam Sử Lược).
 
Tài liệu tham khảo
Trần Văn Đạt (2004). Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam từ thời nguyên thủy đến nay. Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp, TP Hồ Chí Minh.
Trần Trọng Kim (1971). Việt Nam Sử lược. Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu xuất bản.
 
Anh quốc, 31/7/2010
Trần Đăng Hồng, PhD
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855077 visitors (2217694 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free