TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Nhiễm khuẩn bệnh viện
 
Lên mạng ngày 12/11/2011

 
 
Nhiễm Khuẩn Bệnh Viện
 
Nguyễn Thượng Chánh, DVM
 
 
 
Từ khóa: Clostridium difficile, Bactéries nosocomiales, Colite pseudomembraneuse
 
 
Từ nhiều năm nay vấn đề nhiễm khuẩn tại các bệnh viện Canada đã làm giới y tế bận tâm không ít.
 Người ta gọi những vi khuẩn nầy là bactéries nosocomiales, nghĩa là vi khuẩn nằm sẵn đâu đó trong bệnh viện và chờ dịp thuận tiện là lây nhiễm vào bệnh nhân mà thường nhất là những người già cả.
 Có ba loại bactéries nosocomiales quan trọng sau đây được xác định. Đó là: ERV (Entérocoques résistant à la vancomycine), SARM (Staphylococcus aureus résistant à la méthicilline) và Clostridium difficile.
                                                                 
Tại Canada, nhiễm khuẩn bệnh viện đứng hàng thứ tư về số tử vong.Mỗi năm số người bị nhiễm khuẩn bệnh viện lên đến con số 220,000- 250,000 bệnh nhân và có 8,000- 12,000 người chết.
30%-50% của vấn nạn nầy có thể ngừa trước được.
 
Nổi bật nhất và được nói nhiều nhất là C.difficile. Vi khuẩn nầy là tác nhân gây bệnh tiêu chảy ở người già nằm trong bệnh viện.
 
Hospital acquired infections
 
 
 
                                                              ***
 
 
Tình hình có mòi nghiêm trọng
 
Vi khuẩn C.difficile gây tiêu chảy từ thể nhẹ đến thể rất nặng có thể chết được.
Thống kê cho biết từ 2002 đến 2004 tại tỉnh bang Québec có lối 14.000 ca tiêu chảy do C.difficile gây ra ở người già đang nằm bệnh viện hoặc đang sống trong các trung tâm nuôi dưỡng người cao niên.
Triệu chứng chung là tiêu chảy lỏng, có thể có máu hay chất nhầy, đau bụng, sốt, nhịp tim đập nhanh. Theo thống kê trên thì đã có khoảng 2.000 tử vong vì bịnh lý viêm ruột tiêu chảy lỏngở thể nặng..
Tình trạng bộc phát C.difficile ở các bệnh viện có mòi càng ngày càng nghiêm trọng thêm.
 
Tại Québec, cứ 1000 người nằm bệnh viện thì có 8,3 người bị nhiễm C.difficile sau đó, còn nếu tính chung cho cả Canada thì tỷ lệ nhiễm bệnh là 5,8 người.
 
Vi khuẩn C.difficile không phải là một vấn đề của những người khỏe mạnh có sức miễn dịch tốt.
 
 
C.difficile là gì?
 
Trước kia người ta gọi C.difficile là Bacillus difficilis. Vi khuẩn nầy đã được biết từ lâu rồi, nhưng chỉ mới vài năm nay giới y tế mới thật sự quan tâm đến nó…
 
C.difficile sống hội sinh (commensales) trong hệ tiêu hóa của người và của các loài gia súc như chó, mèo, trâu, bò, ngựa và các loài thú gặm nhấm.
 Có từ 20% đến 70% trẻ sơ sinh mang vi khuẩn C.difficile sẵn trong ruột một cách tự nhiên. Các bé sơ sinh nầy được gọi là là những porteurs (carriers) và khi đến lúc được 2 tháng tuổi thì tỷ lệ trên giảm xuống còn từ 1% đến 3% tương đương với tỷ lệ ở các người trưởng thành porteurs vi khuẩn C.difficile...
C.difficile có thể được tìm thấy trong môi sinh, và trong đất cát chẳng hạn.
 Khi điều kiện sinh sống trở nên khắt khe, C.difficile sẽ chuyển sang dạng bào tử để tồn tại.
 Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua ngõ phân nhiễm vào miệng ( voie oro fécale).
 
 
Gây bệnh bằng độc tố
 
Có hai chủng C.difficile:
-          Chủng hiền, không tiết ra độc tố để gây bệnh tiêu chảy (souche avirulente, non
toxinogénique).
-          Chủng dữ, tiết ra 2 loại độc tố A và B (souche virulente, toxinogénique)
*Độc tố A: có tác dụng gây sự tiết dịch từ niêm mạc ruột
*Độc tố B: mạnh hơn độc tố A gấp bội phần. Độc tố B tác dụng thẳng vào các tế bào niêm mạc ruột và hủy hoại chúng gây ra bệnh lý viêm ruột nặng và tiêu chảy gọi là colite pseudomembraneuse.
 
Về mặt hình thái học, hai chủng C. difficile đều rất giống nhau...Để cho chẩn đoán được chính xác người ta phải căn cứ trên sự hiện diện của độc tố trong phân.
Vì độc tố rất mau bị hủy hoại khi ra ngoài cơ thể và tiếp xúc với không khí nên việc chẩn đoán cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt.
 
 
Vì sao bệnh tiêu chảy xuất hiện ra?
 
 
Bệnh tiêu chảy do C. difficile thường tấn công vào các bệnh nhân trong các điều kiện như: các cụ trên 65 tuổi, sau một tuần nằm bệnh viện, đang trong thời gian trị liệu bằng kháng sinh có quang phổ rộng (broad spectrum antibiotics), hoặc tấn công vào những ai có hệ miễn dịch yếu kém sẵn vì bệnh tật, vì đang trong thời gian được hóa trị, hoặc sau một cuộc giải phẫu.
 
Thuốc kháng sinh làm xáo trộn hệ vi sinh đường ruột và hủy diệt các vi khuẩn tốt. Bình thường những vi khuẩn nầy rất cần thiết để bảo vệ ruột chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn độc hại khác. Tất cả những yếu tố nêu trên tạo nên điều kiện thuận lợi cho C.difficile xâm nhập và phát triển để gây thành bệnh...
 
Ngoài thuốc kháng sinh ra, việc sử dụng các thuốc antacids làm giảm độ chua và các thuốc trị bệnh bao tử chẳng hạn như Pepcid, Losec, Prevacid, Nexium, Zantac, Protonix (Âu châu) đều làm tăng nguy cơ bộc phát của vi khuẩn C.difficile.
 
 
Chúng ta có thể bị nhiễm từ đâu?
 
Vi khuẩn C.difficile có thể hiện diện trên những vật dụng thường được mọi người hay sờ mó đến chẳng hạn như trên khóa robinet, trên chốt xả nước bàn cầu và trên các nắm khóa cửa…Vi khuẩn nhiễm vào tay và từ đó được đưa vô miệng.
 
 
Bệnh nhân có thể lây nhiễm cho người trong gia đình hay không?
 
Nếu người trong gia đình có sức khỏe tốt và cũng không phải đang trong thời gian trị liệu bằng thuốc kháng sinh thì nguy cơ bị lây nhiễm C.difficike rất ư là thấp.
 
 Phương pháp phòng ngừa tốt nhất là nên nhớ rửa tay bằng savon thường xuyên sau khi đi thăm người bệnh bị nhiễm C.difficile cũng như trước khi ăn uống!
 
 
C.difficile nhìn từ góc độ thú y
 
C.difficile cũng là thành phần của hệ vi sinh đường ruột ở thú vật. Thường thú nhỏ tuổi là những porteurs mang vi khuẩn C.difficile trong ruột...
C.difficile có khuynh hướng giảm đi theo thời gian và biến mất khi con vật đạt đến tuổi trưởng thành.
Cũng như trường hợp xảy ra ở người, trong thời gian bị nhốt ở bệnh viện thú y, người ta ghi nhận có sự gia tăng đáng kể số thú (chó, mèo, ngựa) có mang (porteurs) vi khuẩn C.difficile...
Một khảo cứu của Thụy Sĩ cho biết có đến 43% chó con dưới ba tháng tuổi là porteurs hay carriers của C.difficile thuộc chủng dữ gây độc tố.
Khi đến tuổi trưởng thành, số porteurs chỉ còn là 2% mà thôi.
Tại một bệnh viện thú y để giảng dạy tại Hoa Kỳ, Gs Struble cho biết là có đến 18,4% chó nhốt tại đây là porteurs C.difficile.
 Bệnh viện Thú y của Đại học Davis, California có 9,4% mèo có mang vi khuẩn C.difficile và trong số nầy có đến 34,8% thuộc chủng dữ gây độc tố.
 Điều đáng lưu ý là không có một con mèo trưởng thành và mạnh khỏe nào nuôi dưỡng ở nhà được ghi nhận là porteurs cả.
Tương tự như ở Hoa kỳ, tại Úc châu cũng có báo cáo cho biết là sau một thời gian được giữ ở bệnh viện thì có đến 38% mèo đã trở thành porteurs của C.difficile.
 
 
 
Phải chăng đây là bệnh từ thú lây sang cho người?
 
 Cho đến ngày nay, bệnh tiêu chảy do C.difficile không phải là bệnh từ thú vật lây nhiễm sang cho người hay zoonose.
 
 Các trường hợp nhiễm C.difficile ở thú vật không mấy quan trọng như ở người, tuy rằng C.difficile ở thú vật phần lớn thuộc các chủng gây độc tố rất nguy hiểm...
 
Các nhà khoa học đều nhìn nhận rằng C.difficile có nhiều tiềm năng lây nhiễm sang cho người nhưng cũng may là cho đến giờ nầy sự kiện trên chưa thấy xảy ra.
 
 Điều làm cho mọi người lo ngại nhất là không biết vì nguyên nhân gì tại Canada từ 6 năm nay vi khuẩn C.difficile trước kia là vi khuẩn không mấy quan trọng thì nay đã tự nhiên bộc phát lên gây nhiều xáo trộn trong các bệnh viện...
 
Năm 2006 vừa qua, các nhà khoa học Arizona Hoa Kỳ và Ontario Canada qua xét nghiệm một số thịt bằm (viande hachée, ground meat) và saucisse bán trong các chợ, đã tìm thấy sự hiện diện của bào tử C.difficile trong một số lớn mẫu vật.
 Hy vọng khám phá mới nầy có thể giúp giới khoa học vén được phần nào màn bí mật về cách lây nhiễm của C.difficile.
 
Chuyện bên Pháp:sử dụng chất dồng để diệt khuẩn
 
Tại Pháp mỗi năm có lối 700 000 người bị nhiễm khuẩn bệnh viện và gây ra 4 000-5 000 tử vong.
 
Để đối phó với hiểm họa nầy, từ hai năm qua, bệnh viện Rambouillet đã đưa ra sáng kiến sử dụng chất đồng cuivre (copper) tại hai khu : nhi khoa Pédiatrie và bộ phận hồi sức Réanimation. Họ dùng kim loại đồng để bao bọc hay thay thế lại những nơi xung yếu mà mọi người thường hay sờ mó, tiếp xúc hay đụng chạm vào. Đó là các nắm chốt cửa, nắm chốt bàn cầu, robinet, lan cang cầu thang,các contact mở tắt điện, những phần trên cánh cửa nơi người ta xô đẩy ra vào…
 
Biện pháp sử dụng chất đồng nhằm hỗ trợ thêm hiệu lực của các biện pháp diệt trùng có sẵn để phòng ngừa nhiễm khuẩn.
Khi bị oxyt hóa, chất đồng trở nên lu mờ và có vẻ như bị cũ đi, nhưng chính phản ứng nầy đã giúp tiêu diệt lần hồi 99.9% vi khuẩn bám trên đó.
 
France Soir 8 octobre 2011-La méthode miracle contre les infections nosocomiales
 
« C’est une première en France. Le cuivre va ajouter son efficacité propre à l’ensemble des mesures d’hygiène déjà prises », estime le Dr Patrick Pina, chef du service hygiène de l’hôpital, chargé de mesurer l’impact de ce changement sur la transmission de bactéries multirésistantes et d’infections contagieuses, comme la bronchiolite et la gastro-entérite.
 
 
 
Tình hình tại Hoa Kỳ.
 
CDC ước đoán  tại Hoa Kỳ có  vào khoảng 10% bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện (hospital acquired bacterial infection) mặc dù đã có các biện pháp phòng ngừa thích ứng và khắt khe như, sát trùng, tẩy uế, rửa tay v,v…
 
Việc sử dụng chất dồng để diệt khuẩn cũng đã được đem áp dụng thí nghiệm tại một số trung tâm và bệnh viện chẳng hạn như : Memorial Sloan Kettering Cancer Center, The Medical Univ. South Calorina, The Ralph H. Johnson V.A Medical Center.
Kết quả rất khả quan. Giảm được trên 95% vi khuẩn trong đơn vị Intensive Care Unit (ICU) đồng thời cũng giúp giảm đi được 41% ca nhiễm khuẩn bệnh viện trong dơn vị nói trên.
 
Tính diệt khuẩn của kim loại đồng đã được biết từ ngàn xưa. Sử dụng bình bằng đồng thau hay brass (là một hợp kim có chứa kẽm zinc và đồng copper) rất tốt để chứa nước sông.
Qua xét nghiệm, số lượng vi khuẩn đếm được trong bình bằng đồng thau ít hơn so với số vi khuẩn trong nước đựng trong các bình nhựa plastic hay bình dất sét.
Kết quả trên phù hợp với sự tin tưởng trong dân gian Ấn Độ cho rằng nước đựng trong bình bằng đồng thau có thể ngừa được bệnh tật.
 
Vi khuẩn có thể tồn tại nhiều ngày trong bình plastic hoặc bình thép không rỉ sét inox hay stainless steel, nhưng chúng bị diệt trong chỉ trong vài giờ nếu nước được chứa trong các bình bằng đồng thau.
Ngoài đồng ra, kim loại bạc silver cũng có tính diệt trùng nên được thấy được dùng trong một vài loại kem để băng bó các vết thương.
 
The CDC estimates that 10% of American patients develop nosocomial (hospital-acquired) infections, even though a variety of control measures are used in health care environments to reduce the presence of dangerous microbes, including surface disinfectants, hand washing, and sterile surgery. All of these methods of infectious disease prevention require protocols and active participation by health care staff. Heavy metals, such as copper, can function as a passive antimicrobial on surfaces in the health care environment…
…and copper ions do not have to be released into water in order to damage bacteria. Bacterial cells have been found to more rapidly take up copper ions from dry surfaces than from moist, resulting in bacterial cell membrane destruction and cell death. Bacteria that can survive on plastic, or stainless steel for days, can be killed within hours of contacting antimicrobial copper.

Bauman, R. (2012) Microbiology with Diseases by Body System. Benjamin Cummings

Antibacterial Copper Fights Hospital Acquired Bacterial Infection
 
 
Chuyện nhiễm khuẩn bệnh viện tại Việt Nam
 

Theo Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 600 000/7,5 triệu bệnh nhân (tương đương 8%) nhập viện là nạn nhân của nhiễm khuẩn bệnh viện.

Điều tra năm 1998 trên 901 bệnh nhân trong 12 BV toàn quốc cho thấy, tỉ lệ NKBV là 11,5%, trong đó nhiễm khuẩn vết mổ chiếm 51% trong tổng số các ca NKBV. Năm 2001, tỉ lệ NKBV là 6,8% trong 11 BV và viêm phổi BV là nguyên nhân thường gặp nhất (41,8%). Điều tra năm 2005, tỉ lệ NKBV trong 19 BV toàn quốc là 5,7% và viêm phổi BV lên đến 55,4%.
 
TS Lê Thị Anh Thư - Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn BV Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội đồng Chống nhiễm khuẩn TPHCM - thừa nhận, NKBV tập trung cao ở khu vực hồi sức cấp cứu và ngoại khoa. Phòng mổ không tiệt trùng cũng có vi khuẩn. Vi khuẩn có trong những dụng cụ chăm sóc bệnh nhân, dụng cụ ở phòng mổ, áo của phẫu thuật viên. Tay nắm cửa phòng, người nhà ra vào tiếp xúc với bệnh nhân và ngay cả những dụng cụ trong phòng bệnh nhân hoặc máy điều hòa lâu ngày không lau rửa cũng là nguồn lây nhiễm”. (Trích từ trang mạng Lao Động)
 
Bệnh mang tên nhiễm khuẩn bệnh viện.
 
 
 
Kết luận
 
Không gì đau xót và mỉa mai bằng nằm bệnh viện để được chữa trị mà lại bị nhiễm thêm một bệnh khác và chết một cách oan uổng.
 
Lỗi tại ai? Tại chánh phủ cắt giảm ngân sách bệnh viện? Tại thiếu tiền? Tại thiếu người làm vệ sinh bệnh viện? Tại thiếu sự quan tâm chuyên cần của các giới có trách nhiệm trong bệnh viện? Tại bác sĩ cho sử dụng quá nhiều kháng sinh? Tại y tá? Tại y công? Tại bệnh nhân? Tại người thăm nuôi? Tại bí mật của tạo hóa? Hay tại…số mạng?
 
Để ngăn chận việc lây nhiễm C.difficile một cách có hiệu quả, các bệnh viện đã cho áp dụng triệt để các biện pháp vệ sinh như:
            -* Cách ly người bị nhiễm C.difficile.
           -* Chùi rửa, tẩy uế tất cả phòng ốc, dụng cụ y khoa, mền gối, bàn ghế,vật dụng trong phòng bệnh nhân và nhà vệ sinh bằng các loại thuốc sát trùng đặc biệt hoặc bằng eau de javel .
           -* Thường xuyên rửa tay bằng thuốc sát trùng hoặc bằng savon (trong 20 giây) mỗi khi tiếp xúc với bệnh nhân và mỗi khi ra vào các phòng trong bệnh viện. Sau khi tay đã rửa sạch, hãy dùng một miếng kleenex hoặc giấy thấm phủ lên khóa robinet để vặn tắt nước, hoặc để mở và đóng cửa lại.
 
Coi thì rất dễ nhưng chỉ cần một cá nhân nào đó không tuân hành nghiêm chỉnh các điều lệ vệ sinh ở trên thì…kể như mở ngõ mời C.difficile trở lại./.
 
 
 
 
 
 
 
Tham khảo:
 
-          R. Higgins DMV, MSc, DSc, Infection à caractère zoonotique incertain, Med Vet du Québec, Vol 29, No 1,1999.
-          Madewell BR et all, C.difficile, a survey of fecal carriage in cats in a veterinary Medical Teaching Hospital. J Vet Diagn Invest 1999.
-          Agence de Santé Publique du Canada, C. difficile, Questions et Réponses.
-          Santé Canada, C.difficile.
-          Radio Canada, C.difficile frappe davantage au Québec, Oct 14, 2005.
-          Le Devoir, Découverte surprenante- Des chercheurs trouvent la bactérie C.difficile dans la viande hachée. Oct,2006
-          Guy Sabourin, Clostridium difficile: Est-il possible de l’éradiquer? L’Actualité pharmaceutique, vol 15, no 1, Janvier 2007.
-          Richard MJ et al.Nosocomial infections in medical intensive care units in the US. Pubmed
-Nguyễn Thượng Chánh. Rửa tay để bảo vệ sức khỏe
 
 
 Montreal, Nov 10, 2011
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855014 visitors (2217599 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free