TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Khu dự trữ sinh quyễn Kiên Giang
 
Lên mạng ngày 01/7/2011
 
 
TÓM LƯỢC KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI KIÊN GIANG
TS Nguyễn Xuân Niệm

 
Tỉnh Kiên Giang - một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở tận cùng phía Tây Nam nước Việt Nam, có diện tích tự nhiên 6.243 km2, với hơn 200 km bờ biển mở ra Vịnh Thái Lan, nối liền Campuchia có 56 km đường biên giới trên bộ; có hệ thống sông ngòi, rừng, núi, biển phong phú và hàng trăm hòn đảo nổi lớn nhỏ. Vì vậy, Kiên Giang có hầu như đầy đủ các hệ sinh thái nhiệt đới, hệ sinh thái biển, hệ sinh thái núi đá vôi và đã tạo ra nhiều danh thắng độc đáo.
Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới (DTSQTG) Kiên Giang được UNESCO công nhận ngày 27 tháng 10 năm 2006 tại kỳ họp thứ 19 của Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển. Khu DTSQTG Kiên Giang gồm cả biển, đất liền và hải đảo, với các vùng lõi thuộc Vườn Quốc Gia (VQG) U Minh Thượng, VQG Phú Quốc và Bảo tồn biển, Khu rừng bảo vệ cảnh quan Kiên Lương và rừng ngập mặn ven biển.
 
1. Hệ sinh thái và đa dạng sinh học
Khu DTSQTG Kiên Giang có 6 hệ sinh thái đặc thù:
- Hệ sinh thái rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh với ưu thế cây họ Dầu (Dipterocarpaceae);
- Hệ sinh thái rừng trên núi đá với ưu thế của Ổi Rừng (Trestonia mergvensis) và Hoàng Đàn (Dacrydium pierrei);
- Hệ sinh thái rừng ngập chua phèn (Tràm Melaleuca cajuputi);
- Hệ sinh thái rừng ngập mặn (đước, sú, vẹt, mắm,.. đặc biệt là loài cóc đỏ Lumnitzera littorea còn sót lại duy nhất ở Việt Nam);
- Hệ sinh thái rú bụi ven biển;
- Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển;
Hệ động thực vật có khoảng 2.340 loài, trong đó 1.480 loài thực vật với 116 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ và 57 loài đặc hữu; khoảng 860 loài động vật với 78 loài quý hiếm, trong đó có 36 loài đặc hữu.
 
*Khu vực U Minh Thượng
Rừng ngập chua phèn là hệ sinh thái điển hình, trong vùng lõi có gần 3.000 ha “Rừng úng phèn” được xếp hạng độc đáo, hiếm quí trên thế giới, mang những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh với các ưu hợp rừng Tràm hỗn giao và rừng Tràm trên đất than bùn.
VQG U Minh Thượng được ví như một “Bảo tàng sống”. Chương trình MAB (Con người và Sinh quyển) Quốc tế, xác định: “… khó có thể tìm được một khu tương tự có tổng điểm giá trị ngang bằng với rừng U Minh Thượng của Việt Nam”.
- Thực vật tự nhiên ở VQG U Minh Thượng có 226 loài, trong đó có 70 loài là hiếm và 8 loài rất hiếm là Mốp (Alstonia spathulata), Nắp bình (Nepenthes mirabilis), Lá U Minh (Asplenium confusum), Mật cật (Licuala spinosa), Luân lan (Eulophia graminea), Năng chồi (Eleocharis retroflexa), Bí kỳ nam (Hydnophytum formicarum), Bèo tản nhọn (Lemna tenera).
- Động vật trong VQG U Minh Thượng:
+ Có 24 loài thú lớn, trong đó có 7 loài thú bị đe dọa trên toàn cầu, điển hình như Khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), Rái cá vuốt bé hay Rái cùi (Aonyx cinerea), Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana), Mèo cá (Prionailurus viverinus).
+ Có 185 loài chim, trong đó có 8 loài chim bị đe dọa trên toàn cầu, điển hình như Đại bàng đen (Aquila clanga), Quắm trắng đầu đen (Threskiornis melanocephalus), Già sói (Leptoptilos javanicus). Đặc biệt có sân chim quan trọng trên thế giới với sự hiện diện của các loài Quắm đen, Giang Sen, Dô nách nâu, Còng cọc, Diệc lửa, chiếm tỷ lệ từ 0,98% - 5,47% tổng quần thể mỗi loài trên thế giới.
+ Có 34 loài cá, trong đó có các loài mới được ghi nhận ở Việt Nam là Mystus sp., Phenacostethus smithi.
+ Ngoài ra còn có 208 loài côn trùng; 16 loài bò sát và 8 loài dơi.
 
* Quần đảo Phú Quốc
Quần đảo Phú Quốc gồm 40 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc với diện tích 563 km2 là đảo lớn nhất nước ta. Sự đa dạng sinh học phong phú với các hệ sinh thái đặc trưng: hệ sinh thái Rừng  rậm cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới; hệ sinh tái Rừng úng phèn; hệ sinh thái Rừng ngập mặn; hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển.
- Thực vật tự nhiên Phú Quốc có 1.164 loài trong đó rừng rậm cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới chiếm trên 90% diện tích tự nhiên của VQG Phú Quốc, chủ yếu thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae), họ Sim (Myrtaceae), họ Hồng (Ebenaceae),... thành phần loài với nhiều loài quý hiếm, đặc hữu có giá trị cho nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và kinh tế.
Có 45 loài quý hiếm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng như: Trai (Fagraea cochinchinensis), Thông lông gà (Podocarpus imbricatus), Hoàng đàn (Dacrydium pierrei), Trầm hương (Aquilaria crassna),… Sự phong phú còn thể hiện ở 54 loài đặc hữu như: Cù đèn Phú Quốc (Croton phuquocensis), Trèn Phú Quốc (Tarenna quocense), Huỳnh đàn Phú Quốc (Dysoxylum cyrtophyllum),...
- Động vật rừng có xương sống trên cạn có 221 loài, trong đó Lớp Thú 28 loài; Lớp Chim 132 loài; Lớp Bò sát 47 loài; Lớp Lưỡng thê 14 loài. Có 23 loài quý hiếm, trong đó loài có nguy cơ tuyệt chủng là Hổ mây (Ophiophagus hannah), Cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis), Chồn bay (Petaurista petaurista), Vượn má trắng (Hylopetes lar), Voọc mông trắng (Presbytis francoisi), Gấu chó (Helaretos malayanus).
Động vật đặc hữu có chó xoáy Phú Quốc (Canis dingo) và 2 loài chim là Chìa vôi vàng (Motacilla flava) và Hút mật đỏ
- Rạn san hô và thảm cỏ biển có: 260 loài san hô, 9 loài cỏ biển, trong hệ sinh thái này có 166 loài rong biển; 258 loài động vật gồm 154 loài cá, 47 loài thân mềm, 25 loài da gai,… trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, đặc biệt có 2 loài cá Cơm là Spratelloides gracilis Stolephorus indicus là nguyên liệu chính để làm đặc sản nước mắm Phú Quốc.
Đặc biệt hơn, các thảm cỏ biển ở Phú Quốc còn gắn liền với sự tồn tại của các loài động vật quí hiếm đang cần được bảo vệ ở Việt Nam và thế giới như Bò biển (Dugong dugon) (hay còn được gọi là Dugong, cá Cúi, Mỹ Nhân Ngư), Vích Cỏ (Lepidochelys olivacea), Đồi Mồi (Eremochelys imbricata), Rùa Da (Dermochelys coriacea), Ốc nhảy đỏ lợi (Strombus luhuanus), Trai ngọc môi đen (Pinctada margaritifera),...
 
*Khu vực Kiên Lương – Kiên Hải
Kiên Lương – Kiên Hải, được xem như là bán đảo với hơn 30% diện tích là đồi núi và hải đảo, có rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ngập nước theo mùa vùng Tứ giác Long Xuyên.
Hệ thống núi đá vôi Kiên Lương được đánh giá là đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới. Tại đây, các nhà khoa học đã tìm được nhiều loài động thực vật đặc hữu và loài mới bổ sung cho danh mục của thế giới.
- Hệ thực vật với 322 loài, có các loài quý hiếm như Chiêu liêu nghệ (Terminalia triptera), Tung (Tetrameles nudiflora), Bạch tinh (Tacca leontopetaloides) và Tuế lược (Cycas clivicola); có 3 loài mới đặc hữu là Lan bầu rượu Kiên Lương (Calanthe kienluongensis), Begonia bataiensis thuộc họ Thu hải đường (Begoniaceae) và Ornithoboea emarginata thuộc họ Tai voi (Gesneriaceae).
- Động vật hoang dã có 155 loài có xương sống, phần lớn là loài đặc hữu Đông Nam Á. Có 4 loài quý hiếm là Voọc bạc  (Trachypithelus germaini), Rái cá cùi  (Amblonyx cinera), Sóc đỏ (Callosciurus finlaysoni) vàDơi (Rhinolopus marshalli).
Hệ chim ở Kiên Lương đã ghi nhận được 61 loài, trong đó có hai loài đang bị đe doạ là Sếu đầu đỏ (Grus antigone) và Sả mỏ rộng (Pelargopsis capensis).
Đã ghi nhận được 65 loài ốc núi ở đây với 36 loài đặc hữu (chiếm tỷ lệ 55%). Ngoài ra còn có 30 dạng loài chưa định danh đến loài. Bò sát và lưỡng thê có 42 loài, trong đó có 5 loài quý hiếm, ngoài ra còn có Thạch sùng ngón (Cyrtodactylus paradoxus) là loài đặc hữu của núi đá vôi Kiên Lương.
 
2. Văn hoá lễ hội, di tích lịch sử, danh thắng
Khu DTSQTG Kiên Giang không chỉ đa dạng về sinh cảnh, địa hình mà di sản văn hóa cũng rất phong phú đa dạng với 38 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh. Hàng năm trên địa bàn tỉnh diễn ra 389 lễ hội với 91 lễ hội dân gian, 235 lễ hội tôn giáo, 62 lễ hội lịch sử cách mạng,... của cả người Kinh, người Khmer và người Hoa.
- Lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được tổ chức trang trọng vào các ngày 26, 27 và 28 tháng 8 Âm lịch. Phần lễ với những nghi thức truyền thống gây ấn tượng và xúc động lòng người, phần hội với những chương trình phong phú hấp dẫn như: làng ẩm thực truyền thống, đua xuồng Ba lá, đua ghe Ngo, hoạt động triển lãm, thi thư pháp, đàn ca tài tử, biểu diễn võ thuật, đấu cờ tướng, cờ người,…
- Lễ hội Ok Om Bok là lễ tết quan trọng của người Khmer vào ngày 15 tháng 10 Âm lịch hàng năm. Vào dịp lễ Ok Om Bok, người Khmer có tục tổ chức đua ghe Ngo, tức lễ “Đưa nước”. Đây là nghi thức “tạ ơn nước”, vì nhờ nước mà lúa được xanh tươi, người được ấm no hạnh phúc.
- Lễ hội của người Hoa cũng khá phong phú. Hàng năm, tại thị xã Hà Tiên có Tết Nguyên Tiêu là lễ tết cổ truyền của cả người Việt và người Hoa, được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng (15 tháng 01 Âm lịch) hàng năm. Đặc biệt từ Rằm tháng Giêng năm 1736, Tao đàn Chiêu Anh Các được thành lập do nhà thơ Mạc Thiên Tích (con Mạc Cửu) làm chủ súy. Tao đàn quy tụ 36 thi nhân (có sách nói 72 thi nhân). Ngày nay, vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, văn nghệ sĩ các tỉnh ĐBSCL lại đến Hà Tiên để tham dự đêm thơ nhạc tưởng nhớ đến một Tao đàn văn học nổi tiếng từ khi thành lập cho đến tận bây giờ đã làm rạng danh vùng đất vừa đẹp, vừa “thơ”.
- Kỳ Yên là một lễ hội được tổ chức vào các ngày 15, 16 và 17 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, một lễ hội văn hóa dân gian lớn nhất trong vùng được tổ chức tại đình Nam Thái - An Biên. Ngôi đình được những cư dân khai hoang vùng đất này lập vào năm 1832, thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh. Đình từng được vua Bảo Đại ban sắc phong vào năm 1937.
- VQG U Minh Thượng là trung tâm của Di tích Căn cứ cách mạng U Minh Thượng với 21 di tích. Đến U Minh Thượng, du khách có thể vào rừng câu cá, hái rau rừng, ăn những món ăn dân dã từ thời mở đất và tìm về với cội nguồn lịch sử dân tộc.
Phú Quốc – hòn đảo ngọc biển Tây với những danh thắng như: bãi Sao, bãi Trường, bãi Đất Đỏ, bãi Xép, bãi Thơm, bãi Gành Dầu, bãi Dài, bãi Vũng Bàu, bãi Cửa Cạn, bãi Ông Lang, bãi Vòng,... đều là những thắng cảnh có bãi cát cạn, bên trên cây rừng chạy ra gần đến tận mé nước. Đặc biệt Vườn Quốc gia Phú Quốc có rừng thường xanh nhiệt đới với rất nhiều loài cây cổ thụ nguyên sinh, thích hợp cho du lịch du khảo.
Di tích lịch sử - thắng cảnh Hòn Đất với hệ thống hang đá chằng chịt ăn thông với nhau là chỗ dựa vững chắc cho căn cứ cách mạng trong thời kỳ chống ngoại xâm. Đặc biệt nơi đây có di tích anh hùng liệt sỹ “chị Sứ” (Phan Thị Ràng), hình tượng của Chị đã được nhà văn Anh Đức thể hiện trong tác phẩm văn học Hòn Đất và đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên.
Hà Tiên được ví như "bức tranh lụa thiên nhiên". Tương truyền rằng, vì trần gian nơi đây có nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình, tiên nữ thường xuất hiện, vậy là có tên Hà Tiên với nhiều danh thắng và di tích quốc gia như Thạch Động, Mũi Nai, núi Đá Dựng, đầm Đông Hồ,... Trước những cảnh đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này, Mạc Thiên Tứ (1718-1780) đã sáng tác “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh” để vịnh mười cảnh đẹp tiêu biểu của Hà Tiên. Ngày nay, nói đến Hà Tiên người ta nghĩ đến “Hà Tiên thập cảnh”./.
 
 
TS. Nguyễn Xuân Niệm
(Phó Giám đốc Sở KH&CN Kiên Giang
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855223 visitors (2217971 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free