TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Hồi ký tập sự
 
Lên mạng ngày 16/3/2010

Hồi Ký Tập Sự Canh Nông
 Trần Thị Cẩm Tuyến
 
Trích từ: Tuyển Tập "Khung Trời Kỹ Niệm" - Trần Thị Cẩm Tuyến (2008)

   Sau hai năm tu luyện tại Blao Sơn Lỉnh, khoá II Nông Lâm Mục được lệnh hạ sơn quan sát thế thái nhân tình, Ban Canh Nông có 4 nữ sinh được cho vào một nhóm gồm Giàu, Liễu, Điểm và Tuyến.
     Trong thời gian thực tập quan sát, nhóm chúng tôi có khá nhiều kỷ niệm, xin kể lại vài chuyện hay hay, ngoài lề kỹ thuật, để các bạn đồng khóa cùng cười vui, nhớ lại bốn cô bạn học thời xa xưa, và cũng để tưởng niệm cho thời gian đã qua, vật đổi sao dời, kẻ còn người mất bạn bè trôi dạt khắp bốn phương trời ! Vậy mà nay chúng ta có dịp liên lạc với thầy và bạn ở quê nhà, tìm lại với nhau trên đất khách quê người để hàn huyên tâm sự, nhắc lại những kỷ niệm thuở xưa, thật là hy hữu và cảm động.
    Xin các bạn hãy cùng tôi trở về Việt Nam, trở lại những ngày xưa thân ái, thời gian chúng ta tạm chia tay đi tập sự khắp bốn vùng chiến thuật. 
     Nhóm chúng tôi được về quan sát miền Tây trước. Thuở ấy chưa ai thấy phụ nữ mặc "quần tây", tóc "phi dê", nên nhóm nữ cao bồi chúng tôi đi đâu cũng được mọi người chú ý, nhất là chị Giàu dáng dấp to lớn oai nghi, nói cười rổn rảng tự nhiên nên càng tăng thêm... uy tín. Tại Cần thơ, tôi thích nhất là thời gian tập sự tại vườn ương Cây Trái, xoài tháp
     Ông Năm Ngô, trưởng vườn ương và các nhân công thấy bọn tôi ngây thơ vui tính nên ngoài vụ thực hành tháp xoài còn cho mượn cần câu để giấc trưa ra ngoài rạch, leo lên những cành xoài sà sà trên mặt nước để câu cá lòng tong. Mấy bác còn hẹn sáng thứ bảy về đây, ngày đó nghỉ việc, mấy bác sẽ lội xuống ao trong vườn ương quậy bùn, tôm càng xốn mắt sẽ nổi lên tấp vào bờ cho mà bắt. Bọn tôi thích quá trông mau đến thứ bảy để được bắt tôm càng. Thường ngày chúng tôi được Ty Nông Vụ cho xe đưa đón từ Ty ra vườn ương. Thứ bảy chúng tôi phải tự túc đi bằng xe lôi, loại xe đặc biệt của miền Tây. Bác tài ngồi sau bánh xe trước, sau yên xe của bác kéo cái "rờ mọt" chở hành khách ngồi cao lêu nghêu sau lưng "tài xế". Để tiết kiệm tài chánh, chúng tôi năn nỉ bác xe lôi chở hết bốn đứa. Hai đứa "chính thức" ngồi băng trên, hai đứa "dự khuyết" ngồi mé dưới, xây lưng vào bác tài. Bác nói "không được đâu, Cảnh sát phạt chết." Chúng tôi hứa đại nếu gặp cảnh sát sẽ năn nỉ nếu không được thì tụi tôi sẽ trả tiền phạt. Cuối cùng bác cũng đồng ý vì chúng tôi trả gấp rưỡi. Xe chạy song suốt ra khỏi thành phố thì bác tài kêu "Chết rồi! Cảnh Sát". Chúng tôi dục bác cứ lo chạy cho lẹ đi, gần đến nơi chúng tôi dùng "mỹ nhân kế" vừa cười vừa vẫy tay réo chào, ríu rít làm chú cảnh sát bất ngờ, đứng ngẩn tò te, nhìn hiện tượng lạ, nữ cao bồi ở đâu xuất hiện mà gọi chào mình vồn vã thế ?!... Qua phút sững sờ thì xe chúng tôi đã qua mặt "pháp luật" khá xa rồi! Chúng tôi cười reo thích thú, thoát nạn!
     Bác tài cũng vui lây, cong lưng đạp nhanh qua một cái dốc cống nhỏ. Bỗng nghe một tiếng "bốp" nổ vang, xe nghiêng chao! Chúng tôi tái mặt nhìn lui nghĩ chắc là chú cảnh sát rượt theo bắn súng thị oai! Nguy quá! Bác tài, đạp lẹ lên! Nhưng bác tài đã nhẩy xuống yên, lắc đầu chán ngán! Bể bánh xe rồi! Bọn cô nặng quá mà, nhất là cô này to lớn quá cỡ! Thôi mấy cô cho tôi thêm tiền vá lốp xe đi! Tại mấy cô đó! Đã nặng còn bắt chạy cho lẹ...! Chúng tôi đành xì tiền cho bác! Thiệt là Thiên Bất Dung Gian! Thôi vậy còn rẻ hơn là bị cảnh sát phạt, và cũng may là đã gần tới vườn ương rồi. Đến nơi thì mấy bác nhân công đã chờ sẵn. Sau mấy vòng lội quanh dưới ao, chúng tôi đứng trên bờ hồi hộp chờ... rồi mấy bác gọi tôm nổi lên rồi đó... chúng tôi ngơ ngác chẳng thấy gì cả... một bác tới gần bờ chỉ vào hai cọng cỏ dài lung lay trên mặt nước, nhìn kỹ thì ra là râu tôm với hai con mắt xám đen. Túm râu kéo lên, ối chao ôi, con tôm càng bự quá! Thế là bốn đứa chạy quanh bờ ao, lôi được chú tôm nào là reo hò ầm ĩ, đùa vui như trẻ con. Khi bắt được khá bộn rồi là có trở ngại không tìm ra cái gì để đựng! Thời lạc hậu chưa có túi "ni lông"! Tôi không nhớ rõ ai trong bọn chúng tôi đã hy sinh "đôi giầy bốt" để đựng tôm, đi chân đất về nhà. Cũng không nhớ rõ số phận mấy con tôm càng đó được chủ nhà biến chế ra sao, ăn ngon cỡ nào, nhưng cái màn lôi râu, bắt tôm càng hôm đó thật là vui đặc biệt. Cũng tại Cần Thơ chúng tôi được đi viếng thăm các vườn cây nặng chĩu hoa trái, gặp các trại chủ, nông dân thật là hiếu khách, tốt bụng và vui vẻ. Chúng tôi được tha hồ ăn trái cây tại chỗ. Có một buổi cơm trưa đặc biệt tại nhà một nông dân mà tôi khó quên với món chim rôti thật ngon mà sau khi chúng tôi chén sạch thì chủ nhà mới tiết lộ đó là món chuột đồng nổi tiếng miền Tây. Tôi giật mình cảm thấy như bị chuột rúc trong bụng! Nhưng công nhận là ngon thiệt. Nếu được nói trước chắc là sẽ kém ngon hơn. Một lần khác nghe tôi "trọ trẹ" giọng Huế, một bác nông dân tỏ vẻ ngạc nhiên nói: "Ủa, vậy mà nãy giờ tui tưởng cô cũng là người Việt Nam chớ!" Tôi sửng sờ không hiểu thì bác hỏi tiếp "Vậy chớ cô là người Bắc kỳ hay người Trung Kỳ?" Ồ, tôi hiểu rồi, dạ, dạ...bạn trả lời giùm tôi nhé! 
     Chúng tôi rời điểm tập sự đầu tiên với thật nhiều kỷ niệm vui thích. Thành phố Cần Thơ với bến Ninh Kiều thơ mộng, với ruộng vườn phù phú, với dân tình hiền hòa chất phát...!
     Mỹ Tho là địa điểm thứ nhì với dự án quan sát các giống lúa và thực tập lai giống lúa dưới sự hướng dẫn của ông Trương Phước Niên, Kỹ Sư Los Banos.
     Ngay đêm đầu, gần sáng, chúng tôi giật mình thức giấc bởi tiếng heo kêu rống eng éc từng đợt kéo dài thống thiết...cả bốn thức luôn đến sáng, lo sợ không hiểu chuyện gì! Khi hỏi ra mới biết đó là heo bị thọc huyết ban đêm bên lò sát sinh rất gần Trung Tâm Thí Nghiệm lúa, chỗ chúng tôi đang tạm trú. 
     Chúng tôi rầu rĩ, chán nản vì bị tiếng heo rên siết hằng đêm ám ảnh! Cơm phần xách đến cho chúng tôi bữa nào có món thịt heo là chẳng đứa nào dám đụng đũa! Tự nhiên cả bọn trở thành tín đồ ngoan đạo Muslim, cữ ăn thịt heo! Vì tâm hồn bất ổn nên dễ sinh ra cãi cọ. Ông Niên là người bị chúng tôi eo xèo cự nự nhiều nhất. Đi đâu hơi xa, đường ruộng hơi khó đi là chị Giàu nhăn nhó than mệt trước, chúng tôi phụ họa chị Giàu có bệnh tim, coi chừng chị ấy xỉu bất tử đa ! Ông Niên nghe vậy cũng ngán, cho mấy cô về sớm, chiều ở nhà chép tài liệu...! Giữa chúng tôi cũng có nhiều màn cãi cọ...thú vị! Như là một hôm chị Liễu khui "gà mên" cơm và reo vui : Ổ, bữa nay có món "Khô mực tươi" xào khóm ngon quá! Ba đứa tôi nghe vậy bật cười rầm lên, chị Liễu còn ngơ ngác, thì chị Điểm rầy rà : Xời ơi! Người "Diệt" mà nói tiếng "Diệt" cũng không rành nữa. Chị Liễu vốn hiền lành, phản ứng chậm, biết mình nói sai hơi quê nên chỉ biết đỏ mặt lúng túng, ngó rất tội nghiệp. Tôi bèn nhào vô bênh. Ừ Liễu là người "Ziệt" nhưng học trường Đầm, quen nói tiếng Tây, mà cũng tại tiếng "Ziệt" của Nam Kỳ hơi lộn xộn nữa, mực khô thì nói mực khô đi, bày đặt kêu khô mực làm chi cho lôi thôi rắc rối! Như là tôm khô, cá khô, chuối khô, khoai khô... có ai kêu là khô tôm, khô khoai đâu nà! May mà lúc đó tiếng Anh chưa thịnh hành nên tôi không bị phản pháo. Nhưng một bữa khác, tôi lục "gà mên" cũng reo lên: Chà bữa nay có món tôm rang ngon lành! Chị Điểm đến nhìn và sửa lưng tôi ngay. Xí, tép rang mà dám nói là tôm rang! Tôi cãi lại, con này mà kêu con tép! Con tép chỉ nhỏ bằng cọng giá thôi, còn đây là con tôm ! Cả Giàu, Liễu, Điểm đồng thanh nói: Đây là con tép Tuyến ơi! Con tôm phải lớn hơn như tôm càng, tôm hùm kia ! Tôi vẫn không nao núng, hỏi, vậy chớ con tôm khô khi tươi là con gì ? 
     Ba cô bạn Nam Kỳ của tôi hơi lúng túng, nhưng chị Điểm phản ứng khá nhanh, chị đáp: Không cần biết con tôm khô lúc tươi là con gì, nhưng con tép rang này khi tươi ở đây ai cũng gọi là con tép, chỉ có dân Trung Kỳ kêu nó là con tôm thôi! Hứ, nói ngang ba làng cãi không lại, huống chi đây tới ba làng nói ngang, một mình tui làm sao cãi lại, ỷ đông ăn hiếp hả! Thôi tui đành chịu thua vậy. Tôm rang hay tép rang cũng "hẩu xực" cả, đồng ý không ? Nhờ có chuyện cãi cọ mà ngày giờ qua mau, hết hạn kỳ tập sự ở đây mừng quá.
     Rời Mỹ Tho, chúng tôi trình diện Nha Khảo Cứu và được ông Bùi hữu Trí, cũng là Kỹ Sư Los Banos, đưa đi Trà Vinh quan sát các điểm thí nghiệm về phân trên lúa. Tôi nhớ rõ tuy đã qua hai tháng tập sự ở Cần Thơ và Mỹ Tho nhưng chúng tôi chỉ mới đi zòng zòng trên các bờ ruộng chứ chưa bao giờ thực sự lội ruộng. Kỳ này ông Trí có "ý đồ" muốn cho chúng tôi nếm mùi gian khổ nên hôm đó đưa đến một thí điểm cần phải băng qua một đám ruộng khác. Ông hỏi các cô có dám lội xuống bùn không ? Tuy cũng hơi ngán nhưng bị nói kích nên tụi tôi làm tỉnh nói lội thì lội có sợ gì. 
     Thế là tôi xắn quần lên đầu gối chờ ông Trí lội dẫn đường, tôi và chị Giàu theo sau. Điểm và Liễu lội sau chót. Tôi nghĩ thầm trong bụng: Các cụ thường bảo: Ăn giỗ đi trước, lội nước đi sau. Mình đi sau vầy là chắc ăn. Rồi cao hứng ngâm thơ: Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại...úi cha, cái gì nhột nhột dưới bắp chân...vừa rút chân lên, nhìn xuống thì...ôi cha mẹ ơi!... đỉa, đỉa. Tôi níu chặt lấy chị Giàu vừa day vừa la oai oái, rồi chân này chọi chân kia để đẩy con đỉa ra, nhưng chọi đạp mấy lần mà khi nào giở chân lên vẫn thấy con đỉa to đen sì còn đó (thật đúng là dai như đỉa) tôi càng khiếp đảm la hét om sòm. Chị Giàu chắc cũng sợ lắm nhưng bị tôi níu chặt, không thể thoát thân được nên cũng la réo phụ, đỉa, đỉa, ông Trí ơi lại bắt giùm mau lên ! Lúc đó ông Trí mới từ từ lội lui gỡ con đỉa ra còn cười nhạo, học Canh Nông mà sợ đỉa quá vậy! Tôi chưa hết run, nghe vậy càng giận thêm. Giàu và tôi mau mau lội trở lại lên đường thì thấy Điểm và Liễu đã rút lui ngồi trên đó tự bao giờ rồi. Tôi khóc một trận ngon lành xong cả bọn đòi về không đi đâu nữa! Về cái câu "lội nước đi sau" thì sau này ra làm việc với nông dân, rút kinh nghiệm mới thấy là không thể áp dụng vào trường hợp - lội ruộng có đỉa được. Vì người lội trước thường an toàn hơn nhờ đỉa bị khuấy động bất ngờ sẽ lội ngược và tấn công vào kẻ lội sau. Ôi ! biết khôn thì sự đã rồi.
     Ngày sau chúng tôi được đi xem những thí điểm an toàn hơn nghĩa là không phải lội bùn. Nhưng khi đến địa điểm cuối cùng ở một làng hẻo lánh thì trời đã về chiều, bất ngờ chiếc Land Rover đang chạy bị lún bùn, bánh xe quay tròn, không lui tới được. Bác tài bày tỏ lo ngại: Phải bằng mọi cách rời đây gấp chứ nơi đây là một làng thuộc đa số người Miên ở, khó lòng nhờ giúp đỡ mà trái lại ban đêm có thể nguy hiểm nữa! Chúng tôi xanh mặt, vụ này coi bộ còn khiếp đảm hơn đỉa đeo nữa! Sao mà xui xẻo quá vầy! Ông Trí có lẽ còn lo hơn vì trách nhiệm, nhưng ráng trấn tĩnh mọi người : chưa đến nỗi nào đâu, đừng lo! Rồi ông và bác tài hì hục moi bùn, chạy kiếm đủ loại cây cỏ cứng, đá... chận vào trước bánh xe, rồi bác tài rồ máy, chúng tôi với ông Trí đàng sau xe, dồn hết sức lực... Hò dô ta... đẩy, đẩy mạnh..dọt. Hú hồn. Thật đúng là "biến sợ hãi thành sức mạnh". Trên đường về chúng tôi đòi kết thúc chương trình học tập, về Saigon sớm. Ông Trí nói không được, nếu về sớm sẽ bị khiển trách. Chỉ còn vài ngày nữa thôi, phải ráng cho xong.
     Xe đưa chúng tôi về khách sạn. Ông Trí và bác tài ở chỗ khác, hẹn sáng mai đến đón vào lúc 9 giờ sáng. Tối hôm đó chúng tôi bàn nhau phải "trả thù" sau 2 ngày liên tiếp bị "đứng tim". Phải, phải... ờ, ờ được rồi, ngày mai tụi mình dạy sớm, xếp dọn hành lý dấu qua phòng khác, gần đến giờ hẹn thì trốn kỹ, dặn chú quản lý hễ ai đến hỏi thì nói vầy, vầy! Chú quản lý còn trẻ, vui tính nên đồng ý ngay. Khi ông Trí đến thấy phòng trống, vắng tanh hỏi mấy cô đâu rồi ? Chú quản lý trả lời tỉnh bơ: Mấy cô trả phòng, thuê xe ra bến xe đò rồi. Ông Trí thảng thốt la lớn. Trời ơi, mấy cô này hại tui rồi! Mà đi hồi nào ? Dạ, cũng lâu rồi, cỡ hơn nữa tiếng.
Ông Trí lật đật chạy ra xe có lẽ để rượt theo bắt chúng tôi. Cả bọn theo dõi, nghe và thấy rõ ông ta đã thực sự mắc mưu, thật sự biết... sợ, nên thích chí cười dòn, hết giận và lật đật chạy ra trình diện, chớ để xe chạy mất là thêm rắc rối nữa. Dự án kế tiếp là công tác thủy nông với thầy Hà văn Thân tại tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trang). Tôi chẳng nhớ thầy Thân đã đưa bọn tôi quan sát  những gì ở Ba Xuyên, nhưng có một địa điểm không có trong dự án thì tôi lại nhớ rất rõ, đó là trang trại của cụ Hà, thân sinh của thầy Thân. Trang trại này nằm dọc quốc lộ Cần Thơ đi Ba Xuyên- Bạc Liêu, cách một con rạch lớn. Bên này quốc lộ là làng xóm dân cư đông đúc, bên kia bờ rạch là một dảy nhà cao vườn rộng, tiếp nối là đồng ruộng cò bay thẳng cánh. Sáng hôm đó thầy Thân và chúng tôi dừng xe trên quốc lộ thì đã có chiếc xuồng lớn chờ sẵn dưới bến để đưa chúng tôi qua bờ bên kia. Thầy Thân giải thích, ông cụ muốn trang trại yên tĩnh biệt lập nên không bắc cầu mà chỉ dùng xuồng làm phương tiện qua lại. Cụ Hà giản dị trong bộ bà ba đen, gương mặt hồng hào phúc hậu, niềm nở đón tiếp.
 Đưa chúng tôi thăm vườn, trại nuôi đủ heo, gà, vịt, ngỗng, ao cá...và cả một chum rắn hổ. Bữa cơm trưa thịnh soạn toàn cây nhà lá vườn, tươi ngon hấp dẫn, mở màn với món cháo... lươn do thầy Thân vui vẻ giới thiệu. Nhưng chúng tôi nhớ đến chum rắn hổ nên lấm lét nhìn nhau, thì thầm chết rồi, cháo... rắn!! Ông cụ nhìn thấy, cười khà rồi nói: Ừ, cháo rắn hổ đó. Khách quý mới được mời chớ không dễ gì có rắn hổ để ăn đâu. Rồi cụ thân hành gắp thêm vào chén cho mỗi đứa một miếng to, hối ăn liền cho nóng mới ngon. Chúng tôi đành tuân lệnh "Sư Tổ", liều mạng nhai nuốt... quả thật là ngon đặc biệt! Da rắn... dòn... dòn... ngon rùng rợn. 
Có một điều tôi ngạc nhiên từ đầu Cụ Hà nói giọng Huế pha Nam. 
 Sau đó được bác tài xế xầm xì là dân ở đây đồn đãi rằng lúc trẻ Ông Cụ trúng số độc đắc nên bỏ xứ tận miền Trung vào Nam lập nghiệp??... Tình cờ gần đây thấy trong tuyển tập Nhớ Huế năm 1992 phát hành tại Cali, có một bài của ông Nguyễn Tùng viết tựa đề: "Quê tôi, làng Sình". Có một đoạn nguyên văn như sau... "nhà ông Mười Vạn, nói theo lối đặt tên của dân làng. Chủ nhân ngôi biệt thự, họ Hà bỏ làng vô tận Sađéc hay Bạc Liêu gì đó, lập nghiệp nơi ruộng cò bay thẳng cánh. Hà chủ nhân trúng số Mười Vạn vào giữa thập niên 30". (Trích TT. Nhớ Huế 1992, trang 142). Đúng là cụ Hà, thân sinh thầy mình đây rồi.
     Trở về Saigon, chúng tôi lại được thầy Nguyễn Văn Đàm dẫn đi Tây Ninh quan sát côn trùng. Tại đây tôi lại sưu tập được thêm một kinh nghiệm lý thú, nhưng cũng chẳng liên quan gì đến dự án tập sự. Hôm đó thầy Đàm đưa chúng tôi đến nhà một nông dân quen và được đãi một món gà đốt thùng thật đặc biệt! Khách vừa tới nhà là nghe tiếng rượt bắt gà sau vườn. Chỉ độ 20 phút sau đã thấy nhà bếp bưng lên một đĩa lòng gà xào bún, hành nóng hổi thơm phức, là món ăn chơi xúc với bánh tráng nướng. Nhắm nhí vừa xong độ 20 phút sau thì đầu bếp đem ra trước sân con gà đã nhổ sạch lông, đã ướp gia vị, kẹp trên đầu một cọc tre đài độ 30 phân. Đóng cọc con gà giữa sân, xong dùng một thùng thiếc (loại thùng thiếc chứa 20 lít dầu hôi thời đó) chụp kín con gà, miệng thùng giáp sát thật kín với mặt đất, xong phủ rơm quanh thùng khi châm lửa thì chủ nhà kêu canh đồng hồ cho lửa cháy đúng 5 phút. Chúng tôi hồi hộp chờ và nghĩ 5 phút làm sao chín gà được? Vậy mà đúng 5 phút, dập tắt lửa, giở thùng ra thì con gà chín vàng, thơm phức thật ngon lành hấp dẫn. Chúng tôi vỗ tay thán phục. Chủ nhà hãnh diện giải thích thêm, sở dĩ có đĩa lòng xào nhanh là vì ngay sau khi cắt tiết, đầu bếp mổ bụng gà làm món lòng xào trước khi nhổ lông gà ! Tôi thích thú màn gà đốt thùng này vô cùng nên ghi thầm trong lòng, sau này có dịp thế nào cũng thực hành món này để đãi khách. Mãi đến hơn 11 năm sau, khi phụ trách Trại Huấn Luyện Sản Xuất Lúa Gạo tại Biên Hòa tôi mới có dịp biểu diễn màn gà đốt thùng này trong dịp tiệc Tất Niên, đãi khách từ Saigon về tham dự, có cả Giám Đốc Nha Khuyến Nông, Giám Đốc Nha Canh Nông, Mỹ, Phi Luật Tân bên USAID. Vì khách đông nên phải đốt 3 con gà mới đủ. Tôi biểu diễn con đầu tiên, kết quả hoàn hảo. Mọi người vỗ tay thích thú. Lúc đó Đoàn Văn Hoa (khóa 4) là giám đốc Nha Canh Nông, xung phong ra đốt con thứ nhì. Nhưng sau 5 phút giở thùng ra con gà còn trắng nhách... thôi đốt lại! Phải úp thùng thật kín, 5 phút rồi...thêm một phút nữa cho chắc, mở ra... ồ... cháy sém rồi! Nhờ vậy mà buổi tiệc càng thêm vui!
Thôi xin hãy trở về thời gian tập sự. Miền Trung quê tôi là địa điểm thực tập cuối cùng. Chúng tôi trình diện khu Thủy Nông tại Huế. Kỹ Sư Phan Huy Quý đưa đi xem nhiều đê đập vùng Thừa Thiên và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Đặc biệt Kỹ sư Quý còn cho các cô viếng thăm các di tích lịch sử của Cố đô Huế như lăng tẩm, chùa Thiên Mụ. v.v.. Tôi rất hãnh diện được giới thiệu với ba cô bạn Nam Kỳ về Huế Đẹp và Thơ của mình.
 Có một lần đi bộ qua cầu Tràng Tiền (Cầu Tràng Tiền Sáu Vài, Mười Hai Nhịp) tôi chỉ cho các bạn bầy cá  đang tung tăng bơi lội dưới làn nước trong, xanh biếc, khoe thêm rằng Hương Giang đẹp, thơ mộng là nhờ giòng nước phẳng lặng, êm đềm, trong xanh bốn mùa... thì chị Điểm ngắt lời, phán rằng: "Hừ, trong xanh, thơ mộng...! bởi zậy mới nghèo! Cái xứ gì mà đất đai cằn cỗi, nghèo nàn quá cỡ. Cũng tại nước sông trong quá, đẹp quá đó"! Chị Điểm làm tôi cụt hứng! Nhớ lại, đúng là sông Tiền Giang, Hậu Giang nước đục ngầu, cuồn cuộn thác lũ, nhưng sông rạch đầy tôm cá, ruộng, vườn trù phú phì nhiêu. May quá tôi chưa kịp giới thiệu núi Ngự Bình thấp thoáng đằng xa, chứ không thì chắc sẽ bị chê rằng núi gì mà trụi lủi chẳng có cây cối, đẹp ở chỗ nào ! Chị Điểm bao giờ cũng như bây giờ, rất thực tế nên hơi vô tình. Chị Giàu thì dễ dãi vô tư, chị Liễu thì hiền lành chất phát! Còn tui thì răng ? Miền Trung có một truyền khẩu như ri : Quảng Nam hay cãi ,Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Thừa Thiên ních hết. Tui là dân Thừa Thiên nên hội đủ các đặc tính trên. Hay cãi hay co thì qua phần Hồi Ký tập sự đủ để chứng minh là đúng rồi. Còn hay lo ?! Chắc có bạn sẽ nói ”Xí", độc thân có gì mà lo ! Để tui lại có dịp cãi rằng mấy cô có gia đình phải lo cho chồng, cho con, lo dâu lo rể, cháu nội cháu ngoại rồi thôi. Còn tôi lo đủ thứ chuyện, lo cho bà con xa đến láng giềng gần, rồi lo chăm sóc cho “bầy con cháu … hoa kiển” đầy nhà đầy vườn, có điều chỉ lo cho vui thôi, chứ không phải lo lắng buồn rầu. Mà lo buồn hay vui cũng là lo cả. Và tới đây tôi lại lo là đã viết quá dài dòng, đã nói lạc đề và đã thành Tuyến lẩm cẩm rồi! 
Mừng tái ngộ ! Chào tạm biệt!.
 “Lẩm Cẩm” Tuyến
Portland, Oregon, 4/96

Trở lại Trang KH&TH
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855070 visitors (2217684 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free