TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Truyền thuyết lịch sử
 
Lên mạng ngày 25/8/2011

TRUYỀN THUYẾT LỊCH SỬ
Trần Đăng Hồng & Nguyễn Thị Kim-Thu
 
Từ bao ngàn năm, người Tàu tự cho dân tộc Đại Hán của họ là văn minh nhất, đất nước Trung Hoa là trung tâm của thế giới, các nước chung quanh là man di, cần phải được người Tàu đô hộ và khai hóa.
          Từ thời lập quốc, dưới thời đại Hùng Vương, theo Việt Kiệu Thư ghi chép thì người Tàu gọi người Việt là Man, nghĩa là man di mọi rợ, mặc dầu dân Lạc Việt có trình độ văn minh không thua kém hay còn hơn nước Tàu trong vài lãnh vực. Chẳng hạn, dân Bách Việt đã sớm biết đúc đồng, trồng lúa nước, xử dụng voi, nỏ bắn hàng loạt tên bằng đồng một lần trong chiến tranh, áo giáp bằng mây giúp nỗi khi lội qua sông mà người Tàu phải học hỏi. Việt Kiệu Thư viết: “Man di xưa ở nước Nam Việt thời Tần rất mạnh, về phép dùng nỏ lại càng giỏi lắm, một phát tên bằng đồng xuyên qua hơn chục người”.
          Vì sống kế bên nước khỗng lồ đầy tham vọng bá chủ với nhiều mưu mô xâm lược, dân Việt từ ngàn xưa phải uyễn chuyễn đối phó, khi phải xử dụng chiến tranh du kích, khi phải dùng tài ngoại giao để giữ vững nền độc lập.
Chống quân xâm lược là nhiệm vụ của mọi công dân, lịch sử còn ghi lại những lời nói khẳng khái như “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tì thiếp người ta" của bà Triệu Ẩu, hay “ Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi” của Trần Bình Trọng; hay “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã" của Trần Hưng Đạo, hay " Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo" của Trần Thủ Độ (Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim). Nhiệm vụ bão vệ tổ quốc không phân biệt tuổi tác, thể hiện qua sự quyết tâm của các bô lão trong hội nghị Diên Hồng, qua hành động căm hờn giặc Nguyên mà bóp nát trái cam của cậu bé Trần Quốc Toản, và ngay cả cậu bé 3 tuổi Phù Đỗng Thiên Vương cũng vươn mình thành người lớn để đuổi giặc Ân ra ngoài bờ cỏi.
          Để cổ động tinh thần yêu nước và chính nghĩa bão vệ tổ quốc, tỗ tiên ta đã xữ dụng chiến tranh chính trị, như bài hịch “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi, nước Tàu không có lý do gì để xâm lược nước ta, như câu nói xác định quốc gia nước Việt của Lý Thường Kiệt:
Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
          (Lý Thường Kiệt)
 
 hay các câu trong Bình Ngô Đại Cáo:
….
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập;
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.
….
(Trích từ Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, bản dịch Ngô Tất Tố).
 
          Ngoài việc cỗ động tinh thần chống ngoại xâm qua lời nói hay thơ văn, và lời hịch, tổ tiên ta còn xử dụng các chuyện có vẽ thần thoại cho chiến tranh chính trị. Chúng ta ai cũng biết chuyện Phù Đỗng Thiên Vương, chiếc nỏ thần trong huyền thoại Mỵ Châu Trọng Thủy, hay vua Lê Lợi được thần Kim Qui trao gươm báu (Hãy đọc Chuyện Con Rùa). Trong lịch sử Việt Nam, cũng còn ghi nhiều huyền thoại lịch sử khác trong chiến tranh du kích với quân Tàu để lấy sự ũng hộ của toàn dân.
          Lĩnh Nam Chích Quái nói về Lạc Long Quân, trong đó kễ: "Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân  rằng "Bố ơi, bố ở đâu mà không lại cứu chúng con". Long Quân tới ngay. Sự linh hiễn cảm ứng của Long Quân, người đời không thể lường nổi".
          Lý Bí chống quân nhà Lương, lên ngôi vào tháng 2 năm 544, xưng Nam Việt Đế, quốc hiệu Vạn Xuân, có nghĩa “ý mong xã tắc được bền vững muôn đời” (Đại Việt Sử Ký toàn Thư).  Nhà Lương cử tướng Trần Bá Tiên xâm lược nước Vạn Xuân. Lý Nam Đế thua và chạy đến động Khuất Liêu (546), rồi chết ở đó (4/548). Anh của ông là Lý Thiên Bảo chạy được vào Cửu Chân, tìm đường khởi nghĩa.  
Nghe tin Lý Nam Đế mất, tướng Triệu Quang Phục , xưng vương hiệu Triệu Việt Vương, dùng du kích chiến từ căn cứ ở Đầm Dạ Trạch ,thuộc Chu Diên (thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên bây giờ), đánh với quân Lương. Theo truyền thuyết, Triệu Quang Phục ăn chay, lập đàn cầu đảo ở giữa đầm thì thấy Chử Đồng Tử cưởi rồng hiện xuống cho móng rồng gắn trên mũ đâu mâu, nhờ đó đánh đâu thắng đó, lấy lại thành Long Biên (Hà Nội bây giờ). Quân Lương chạy về Tàu, Triệu Quang Phục làm vua tới năm 571.
Trong lúc đó, theo Việt Điện U Linh Tập, Lý Thiên Bảo chạy đến động Dã Năng thuộc Cửu Chân, tại nguồn con sông Đào giang (Sông Mã?). Ông thấy vùng này xinh dẹp, đất đai rộng lớn và mầu mỡ có nhiều sản vật, bèn xây một cái thành ở lại đây. Dân chúng nghe tiếng quy tụ theo càng ngày càng đông, đức năng lan ra khắp nơi xa gần. Đất nước Dã Năng từ đó được thành lập và Thiên Bảo được tôn làm Đào Lang vương. Khi ông mất năm 555, không có người thừa kế, mọi người bèn tôn tộc tướng Lý Phật Tử lên thay.  Lý Phật Tử  cho con trai là Nhã Lang lấy con gái Triệu Quang Phục là Cảo Nương. Nhã Lang lừa Cảo Nương đánh cắp móng rồng rồi trốn về với cha mưu đem quân đánh Triệu Quang Phục. Năm 571, Lý Phật Tử đem quân đánh úp Triệu Quang Phục, chiếm lấy cả nước, đóng đô ở Phong Châu. Được 32 năm thì bị nhà Tùy xâm lăng, diệt, và nước ta lại vào tròng đô hộ của Tàu (năm 602).
Truyền thuyết nước Dã Năng tương tự như huyền thoại Đào Nguyên của Tàu. Ta không biết huyền thoại Dã Năng Đào Nguyên được chính Lý Phật Tử sử dụng hay là các sử gia đời sau đưa ra để biện minh cho giai đoạn mà thanh thế họ Lý xuống đến thấp nhất. Tuy nhiên, đây quả là một biện pháp tuyên truyền hửu hiệu nhất. Lý Thiên Bảo bỏ chạy vào trong rừng núi Cửu Chân và mất tích trong nhiều năm không có liên lạc gì với vùng đồng bằng, và để Triệu Quang Phục đơn độc chống quân xâm lược. Lý Phật Tử vì vậy phải đưa ra một giải thích nào đó khiến cho dân chúng chấp nhận sự chính thống của mình khi chiếm lại thành quả chống quân Tàu của Triệu Quang Phục. Một nơi như là Đào Nguyên chính là một nơi lý tưởng, một thiên đàng nơi tiên cảnh, khi ở đó con người không biết chuyện gì xảy ra dưới trần thế. Bằng cách mô tả khu động Dã Năng và huyền thoại Đào Nguyên hầu như giống hệt nhau, Lý Phật Tử đã khẳng định Dã Năng và Đào Nguyên đều là hai nơi bên ngoài trần thế và vì vậy Ông không biết ở trần thế có Triệu Quang Phục đánh đuổi được quân Tàu, và khi trở lại trần thế Ông mới là chính thống để thừa nghiệp đế vương từ Lý Nam Đế.
Để đả phá quan niệm là dân Tàu tài giỏi hơn do người Hán tuyên truyền, tổ tiên ta đã đặt ra huyền thoại Lý Ông Trọng, chứng minh rằng dân Việt tài giỏi hơn.
Theo Lĩnh Nam Chích Quái, vào thời An Dương Vương, vua Hùng thứ 18, Lý Ông Trọng  (tên Lý Thân), ở huyện Từ Liêm, là một người khổng lồ, có sức mạnh phi thường.  Có lần thấy hai con trâu đực đang húc nhau, ông  nhảy vào giữa, dùng hai tay, mỗi tay nắm sừng một con trâu mà kéo ra thật xa. Sau đến thời An Dương Vương, nhân Tần Thủy Hoàng muốn mang quân sang xâm lược, An Dưong Vương bèn mang ông sang cống nhà Tần để cầu hòa. Thấy Lý Ông Trọng to lớn, khỏe mạnh, lại giỏi võ, Vua Tần cho đấu với các vệ sĩ Tàu thì Ông lần lượt vật ngã mọi người. Thủy Hoàng mừng lắm phong ông làm chức Tư Lệ Hiệu Úy. Ông giúp Tần thôn tính thiên hạ lập nhiều công to, ông được Thủy Hoàng sai mang quân trấn đất Lâm Thao, uy danh lừng lẫy, Hung Nô không dám xâm phạm. Sau ông cáo lão về lại  LạcViệt. Hung Nô lại xâm phạm, Thủy Hoàng cho người vời ông, ông không chịu trốn vào rừng. Thủy Hoàng cho đúc đồng dựng tượng của ông ở ngoài cửa Kim Mã, kinh thành Hàm Dương, trong bụng có chỗ trống, chứa được mấy chục người để làm chân tay cử động. Hung Nô trông thấy tưởng ông còn sống, không dám phạm bờ cõi nước Tần nữa.
Huyền thoại Lý Ông Trọng không chỉ dừng ở đây, mà còn tiếp tục nhiều thế kỹ sau đó.
Đời Đức Tông nhà Đường, niên hiệu Trinh Nguyên năm đầu, Triệu Xương qua  Đô Hộ nước An Nam. Trịnh Nguyên đêm mộng thấy cùng Lý Ông Trọng nói chuyện trị dân, và giảng luận sách Xuân Thu, Tả truyện, nhân đó Triệu Xương mới hỏi thăm nhà cũ của ông hồi xưa, thì chỉ thấy mù khói ngang trời, sông nước mênh mông, rêu phong đường đá, xanh rời cụm hoang, một mảnh nhàn vân phất phơ trên đám cỏ thôn hoa rụng. Ông mới lập lại đền thờ, xưởng cao lầu lớn, rồi chuẩn bị lễ vật đem đến tế.
Theo Việt Điểu U Linh Tập, lúc Cao Biền đánh nước Nam Chiếu, ông Trọng thường hiển linh trợ giúp. Cao Biền lấy làm kinh dị, sai thợ trùng tu tráng lệ hơn xưa, và chạm khắc tượng gỗ son thếp giống như thực mà đem lễ vật đến tế, từ đó, hương hỏa không khi nào hết. Đền này nay thuộc huyện Từ Liêm, gần Hà Nội.
Một nhân vật khác được Cao Biền cho thờ phụng là Cao Lộ, người Việt mà tổ tiên nhiều đời trước từ phương bắc đến. Chính Cao Lộ là người làm ra nỏ thần cho An Dương Vương. Theo Việt Điển U Linh Tập, một đêm Cao Biền nằm mộng thấy Cao Lộ đến nói chuyện. Biết rằng Cao Lộ bị các Lạc tướng dèm pha nên bị An Dương Vương giết, Biền hỏi Cao Lộ vì sao lại bị các Lạc tướng thù ghét đến như vậy, thì được Lộ cho biét chỉ vì ông ta là người gốc phương bắc (tức gốc Tàu) cho nên không được các Lạc tướng chấp nhận. Cao Biền là một nhà địa lý, biết phong thủy, biết làm bùa yểm âm binh, dùng âm binh để phá núi, đào sông, biết cởi diều giấy đi khắp lảnh thổ Việt Nam trấn yếm long mạch đế vương, để dân Việt không thể ngóc đầu, mãi mãi làm nô lệ cho Tàu.
Để đả phá lòng dễ tin của dân Việt vào tài Cao Biền, tổ tiên ta đã đưa ra huyền thoại Thần sông Tô Lịch (Hà Nội) cao tay ấn hơn, để hạ nhục tài cán của Cao Biền và đó là lý do tại sao Biền phải trở về Tàu trong thất bại. Theo Lĩnh Nam Chích Quái và Việt Điện U Linh Tập, một buổi sáng, Biền ra đứng trên thành, nhìn ra sông Tô Lịch thấy một trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trời mờ mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, mình cao hai trượng, mặc áo vàng, đội mũ tía tay cầm hốt vàng rực rở trên một khoảng trời, chập chờn lên xuống trong không gian. Mặt trời lên đến ba con sào, khí mây vẫn còn chưa tan. Biền rất kinh dị, muốn yểm thần. Đêm nằm mộng thấy thần đến bảo rằng:
Chớ yểm ta, ta là tinh Long Đế đứng đầu các địa linh, ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì bùa phép”. Biền kinh hãi. Sáng hôm sau, cho lập đàn, niệm chú, lấy kim đồng thiết phù để yếm. Đêm hôm đó sấm động ầm ầm, gíó mưa dầm dập, đất trời u ám, thần tướng hò reo, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết phù bắn ra khỏi mặt đất biến thành tro, bay tan trong không. Biền kinh hãi nói rằng: "Xứ này có thần linh dị, ở lâu chắc chuốc lấy tai vạ". Và Cao Biền vội xách khăn gói về Tàu.
          Đúng như Cao Biền nói, nước ta có địa linh, nhân kiệt. Nước nào có ý định xâm lược nước Việt, hảy đọc lại lịch sử các trận chiến ở ải Chi Lăng của Lê Lợi, hai trận Bạch Đằng Giang của Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo, trận Đống Đa của Quang Trung để khỏi chuốc nỗi nhục phải chui vào ống đồng chạy trốn. Biển Đông sẽ là mồ chôn của quân xâm lược trong tương lai.
 
Reading, tháng 8/2011
Trần-Đăng Hồng & Nguyễn Thị Kim-Thu.
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855019 visitors (2217607 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free