TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tiến bộ khoa học hay ác mộng ...
 
Lên mạng ngày 13/10/2011

 
TIẾN BỘ KHOA HỌC HAY ÁC MỘNG CỦA NHÂN LOẠI
CHUYỆN THỰC PHẨM BIẾN ĐỔI GÈNES
 
Nguyễn Thượng Chánh, DVM
 
 
 
 
 
 
Từ trên 30 năm nay, chúng ta thường được nghe nói đến những phát minh và khám phá mới mẻ trong các lãnh vực y học, di truyền, nông nghiệp, thực phẩm và tin học điện tử, v.v…
 
Trong chiều hướng trên ngành công nghiệp thực phẩm, đã lần lần được cách mạng hóa với sự ra đời của công nghệ sinh học (biotechnologie) và thực phẩm mới (aliments nouveaux)…
 
Bất cứ mọi sự việc trong cõi đời này đều có mặt trái và mặt phải của nó hết, có người hết lòng cổ súy, thì cũng có người khác cực lực đả phá chống đối. Ai đúng? Ai sai? Thậm chí cả trong giới khoa học, OGM vẫn còn là đề tài tranh luận thường xuyên.
 
Sau đây, người gõ xin trình bày cùng quý bạn những mấu chốt của cuộc cách mạng về thực phẩm mà tất cả chúng ta đang thật sự bước vào từ nhiều năm qua.
 
                                                       ***
 
 
 
 
Công nghệ sinh học là gì?   
 
Đây là các phương pháp bao gồm một số kỹ thuật, từ việc làm lên men bánh mì, rượu vang, fromage, v.v…đến kỹ thuật can thiệp biến đổi gène trong việc nuôi trồng các giống động vật và thực vật, gây cấy tế bào gốc và cũng như trong việc sản xuất thuốc kháng sinh.
 
 Mỗi một tính chất của sinh vật (thực vật và động vật) đều được đánh dấu trên những đơn vị gọi là di thể hay gène nằm trên chuỗi ADN trong nhân tế bào.
 
 Kỹ thuật can thiệp chuyển đổi một hoặc nhiều gène từ một sinh vật cho và đem gắn vào tế bào của một sinh vật tiếp nhận nhằm mục đích để có được tính chất mong muốn nào đó. Sản phẩm  tạo ra sẽ được gọi là sản phẩm bị biến đổi gène hay là sản phẩm OGM(transgénique, Organisme génétiquement modifié).
 
 
 
 
Công nghệ sinh học có những lợi ích gì?
 
Với kỹ thuật mới này thì sự canh tác sẽ được dễ dàng hơn, hoa màu dễ trồng, kháng được sâu rầy, ít bệnh tật, phẩm chất tốt, chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn, ít cần đến nông dược pesticides , cũng như có sức chịu đựng mạnh mẽ hơn đối với các thuốc diệt cỏ.
Năng xuất và sản lượng nhờ đó mà được tăng cao hơn...
 
Công nghệ sinh học đã không ngừng cho ra những sản phẩm mới như: trái cây có chứa nhiều vitamine, hoặc nhiều chất dinh dưỡng nào đó; các loại dầu thực vật ăn vào ít độc hại cho sức khỏe; trứng gà không có cholesterol;
Các giống khoai Tây ít hút mỡ dầu lúc chiên; dâu Tây chịu đựng được sự giá lạnh; tomate chậm chín, lâu thúi, giúp việc chuyên chở được dễ dàng hơn; café chứa ít chất caféine...
 
Công nghệ sinh học còn có thể biến những loại thực vật và động vật thành…«phòng bào chế» dược phẩm để sản xuất ra vaccin; thuốc lá ít chất nicotine; củ hành không làm cay xé mắt lúc xắt; giống gạo chứa nhiều vitamin A, bêta carotène, dễ trồng vì cần rất ít nước để tăng trưởng, đây là loại riz doré hay ‘gạo vàng’ rất quý báu để giải quyết phần nào nạn đói tại các quốc gia đang phát triển.
 
Gần đây, Hoa Kỳ thí nghiệm phương pháp chuyển đổi gène để sản xuất ra một loại gạo OGM có khả năng tạo ra hai protéines của người, đó là hai chất lactoferrinelysozyme vô cùng cần thiết để ngăn chặn bệnh tiêu chảy ở trẻ em tại các quốc gia nghèo khó ở vùng Phi châu, Á châu và Nam Mỹ. Công ty Ventria Bioscience hy vọng sẽ dùng loại gạo nầy trong nước giải khát, yogurt, trong bánh trái và trong các thỏi cớm!
 
Một vài loại sản phẩm mới được tạo ra để thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng, nhưng cũng có một số khác nhằm phục vụ giới nông gia và những nhà sản xuất hạt giống.
 
Có sản phẩm nhằm phục vụ sức khỏe công cộng, nhưng phần lớn chúng chỉ nhằm phục vụ quyền lợi của giới tài phiệt công nghiệp thực phẩm và của giới kỹ nghệ nông dược.
 
Xem video: The World according to Monsanto
 
Canada duyệt xét OGM
 
Santé Canada và Cơ Quan Kiểm tra Thực Phẩm (CFIA) là hai cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hay loại bỏ một sản phẩm biến đổi gène.
 Để được duyệt xét, giới kỹ nghệ phải cung cấp cho hai cơ quan trên tất cả các tài liệu mô tả rõ rệt các phương thức thí nghiệm cũng như các kết quả có được của nó.
Các nhóm chuyên gia của chánh phủ về dinh dưỡng học, sinh học phân tử (biologie moléculaire), hóa học, khoa học môi sinh và độc tố học sẽ chịu trách nhiệm thẩm xét để chấp thuận hay bác bỏ một sản phẩm OGM. Trên lý thuyết là như thế nhưng…đôi khi CFIA cũng hố (?) trong vấn đề duyệt xét áp pru một sản phẩm OGM mới. Trường hợp điển hình là vụ bắp OGM SmartStax của Monsento và Dow AgroSciences  năm 2009.
Montréal, le vendredi 24 juillet 2009. Des représentants de la société sonnent l’alarme concernant les conséquences dangereuses de l’autorisation par le Canada du maïs OGM SmartStax contenant huit gènes, ce qui indique un autre affaiblissement de la réglementation environnementale. Ce maïs OGM est nouveau, car il empile huit gènes incluant deux de tolérance aux herbicides (Roundup et glufosinate) et d’autres qui produisent des insecticides. Ces gènes ont déjà été autorisés individuellement, mais jamais combinés ensemble. Ce maïs SmartStax est le résultat d’un accord entre Monsanto et Dow AgroSciences. L’ACIA et la USDA ont simultanément approuvé le maïs SmartStax et réduit le refuge à 5 %. « Cette synchronisation est un signe inquiétant que les gouvernements américain et canadien sont prêts à harmoniser leurs politiques commerciales au détriment des considérations environnementales et sociales »
 
Nguyễn Thượng Chánh Giới thiệu tác phẩm: Tham nhũng tận xương tủy.
 
 
Santé Canada và CFIA cũng có trách nhiệm về vấn đề nhãn hiệu dựa trên bộ Luật Lois et Règlements sur les Aliments et Drogues. Nhãn hiệu OGM có tính cách bắt buộc đối với những sản phẩm bị nghi ngờ là có chứa các chất gây dị ứng (allergène), mục đích là để cảnh giác người tiêu thụ, còn ngoài ra thì Chánh phủ Canada cho phép kỹ nghệ được áp dụng nhãn hiệu tự nguyện (étiquetage volontaire).
 
Đây là một cách bỏ ngõ để giúp cho kỹ nghệ thực phẩm đáp ứng được với các đòi hỏi của thị trường.
 
 
Tình hình OGM tại Canada
 
CFIA cho biết tại Canada có 45 loại sản phẩm biến đổi gène của 12 loại thực vật được nhìn nhận:
Bắp Bt (dòng kháng bệnh pyrale do sâu bướm), Canola hay Colza (kháng thuốc diệt cỏ), khoai Tây (dòng kháng rầy doryphore), tomate (dòng chậm chín), Courge hay squash (loại bí),
- Soya (đậu nành), Lin (để làm dầu ăn và bánh dầu nuôi gia súc), dầu bông vải (Huile de coton). Tất cả các loại thực vật vừa kể đều kháng thuốc diệt cỏ...
-Ngoài ra còn có 6 loại tomates chậm chín với hương vị tuyệt hảo, đây là các giống Flavr Savr-Md, có tên thương mãi là Mac Gregor...
-Các loại courges CZW3, ZW20 đều kháng với virus...Khoai Tây New Leaf MD có khả năng kháng virus Y (Potato virus Y), kháng rầy doryphore và đồng thời cũng kháng các thuốc diệt cỏ glucofosinat-ammonium (Ignite, Liberty). Các sản phẩm vừa nêu trên đều do công ty Monsanto Canada sản xuất ra...
 
Tại Canada, ước lượng khoảng 50% Canola, 30% đậu nành, 15% bắp đã được làm biến đổi gène để có tính chất kháng với thuốc diệt cỏ. Ba loại sản phẩm vừa kể thường được dùng để sản xuất ra dầu ăn, chip, céréale mà mỗi sáng chúng ta thường ăn với sữa, một phần còn lại được dùng để nuôi gia súc...
 
Đối với thịt OGM thì hiện nay chưa có được sự chấp thuận của chính phủ. Nhưng có điểm làm nhiều người thắc mắc là việc dùng đậu nành OGM và bắp OGM để nuôi gia súc rồi sau đó lại bán thịt thì sao đây? Để khuyến khích và bảo vệ kỹ nghệ sinh học, luật cho phép các tài phiệt như Monsanto được sử dụng gen kết thúc «terminator gene» để ngăn cản sự nẩy mầm của hạt giống xuất phát từ các hoa quả OGM, với mục đích duy nhất là bắt buộc nông gia phải mua lại hạt giống do Monsanto bán ra, hình như luật bên Pháp cấm sử dụng terminator gene?
 
Với trên 3,5 triệu mẫu đất dùng để sản xuất OGM, Canada cung cấp 10% sản phẩm biến đổi gène trên thế giới, đứng hàng thứ tư sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Argentina.
 
Tình hình OGM trên toàn cả thế giới
 
Từ 1986 đến 1997, có 45 quốc gia trên thế giới đã thí nghiệm gieo trồng thực vật biến đổi gène. Năm 1998, tomate và khoai Tây chiếm 1% diện tích gieo trồng OGM trên thế giới, bắp chiếm 30% và đậu nành 52%.
Từ trước tới nay, những tính chất như kháng thuốc diệt cỏ, kháng côn trùng, kháng virus và kháng bệnh tật là những nét chính trong việc nghiên cứu của lãnh vực công nghệ sinh học. Lần lần các nhà khoa học đã chú trọng hơn vào những khía cạnh chất lượng của sản phẩm, thí dụ như:
       -*Hương vị tuyệt hảo: dưa gan melon, chuối, tomate.
       -*Giảm lượng nitrate trong sản phẩm (cải laitue).
       -*Gia tăng tỉ lệ tinh bột (khoai Tây).
       -*Gia tăng chất bêta carotène và tính chậm chín (tomate).
       -*Thay đổi màu sắc (hoa œillet).
 
Nếu xét về thái độ của từng quốc gia nói chung, thì chúng ta thấy có một số nơi đã bắt đầu ý thức hơn về vấn đề OGM.
1-Ngày 21/10/99, Liên Âu đã quyết định áp đặt nhãn hiệu bắt buộc (étiquetage obigatoire) đối với những thực phẩm nào có chứa 1% OGM. Trong tương lai, tỉ lệ nầy có thể được kéo xuống mức 0.1% như tỉ lệ hiện nay đối với ngũ cốc nhập cảng.
Một sản phẩm thực vật không OGM (sans OGM) theo định nghĩa không thể có nhiều hơn 0,1% thành phần ADN chuyển thể.
« Une mention “sans OGM“ devrait être réservée aux produits végétaux contenant moins de 0,1 % d’ADN transgénique »,
 
Năm vừa qua 2010,  6 loại bắp OGM đã được Liên Âu bật đèn xanh cho phép bán.
La Commission européenne a tranché mercredi en faveur de la commercialisation dans l'UE de 3 maïs développés par Pioneer, de 2 autres par Monsanto et celui de Syngenta, utilisés pour l'alimentation humaine et animale. (Juin 2010)
 
 
2-Nhật Bản đang dẫn đầu các quốc gia Á Châu về đường lối kiểm soát OGM. Cũng như Liên Âu, chánh phủ Đông Kinh đã cho ban hành những luật lệ gắt gao đối với việc nhập cảng OGM.
3-Thái Lan đang chuẩn bị dành mọi ưu tiên cho việc canh tác hoa mầu không OGM.
4-Đại Hàn dự trù nhãn hiệu OGM bắt buộc.
5-Úc ChâuTân Tây Lan đang duyệt xét lại đường lối OGM của họ cho phù hợp với chính sách của Âu Châu và Nhật Bản.
6-Argentina tiếp nhận kỹ thuật OGM rất nhanh chóng, với 11% tổng diện tích OGM trên thế giới và đứng hàng thứ ba sau Trung Quốc.
7-Trung Quốc với dân số quá đông phải nuôi, nên thiên về giải pháp OGM. Chịu ảnh hưởng của các tài phiệt tư bản về kỹ nghệ thực phẩm, Trung Quốc tiến rất nhanh trong việc phát triển và mở mang ngành công nghiệp sinh học với 14% tổng diện tích OGM trên thế giới, đứng hàng thứ nhì sau Hoa Kỳ.
8- Hoa Kỳ và Canada, hàng hóa OGM đã và đang tràn ngập thị trường từ lâu. Lý do là vì vấn đề quảng cáo OGM chỉ được thực hiện một cách khiêm nhường mà thôi và dân chúng ở đây cũng không được thông báo rõ ràng về OGM như bên Âu Châu...Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm & Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) chống lại vấn đề nhãn hiệu OGM, vì họ cho rằng đây cũng chỉ là những loại sản phẩm bình thường như bao thứ khác. FDA sẽ thay đổi thái độ trong trường hợp các sản phẩm nào có chứa các chất gây dị ứng. Hoa Kỳ dẫn đầu với 63% tổng diện tích OGM trên cả thế giới.
Mỹ vẫn đứng đầu về OGM
USA: In 2010, more genetically modified crops once again
 
9-Brazil cho phép nhập cảng hột giống đậu nành của Cty Monsanto. Quốc gia nầy đứng hàng thứ nhì sau Hoa Kỳ về việc sản xuất đậu nành trên thế giới.
 
10-Việt Nam “có ba cây trồng biến đổi gen đã hiện diện là lúa, ngô và bông. Một tỷ lệ nhất định các sản phẩm biến đổi gen đã có mặt trong thức ăn chăn nuôi. Song, các nhà quản lý, nhà khoa học hiện vẫn chưa nắm được có bao nhiêu diện tích, chủng loại cây biến đổi gen.
Chủ trương của Việt Nam là cho phép trồng cây biến đổi gen và đẩy mạnh phát triển loại thực vật, động vật này. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định đồng ý về Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng Công nghệ sinh học trong lĩnh vực Nông Nghiệp - Phát Triển Nông Thôn đến năm 2020”. (Theo Cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam : Vẫn còn mơ hồ, trang mạng Niềm tin vào Tương Lai)
Tính từ 1996-2010 tổng diện tích canh tác thực vật OGM trên thế giới đã vượt cao hơn 1 tỉ mẫu Tây, tương đương diện tích của cảTrung Quốc.
Chỉ riêng năm 2010, diện tích trồng thực vật OGM toàn cầu cũng lên đến con số 148 triệu mẩu.
Miến Điện, Pakistan và Thụy Điển là ba quốc gia đã trồng lần đầu tiên thực vật OGM vào năm 2010.
 
(Évolution des surfaces de cultures OGM dans le monde de1996 à 2010)
 
.Source : www.isaaa.org
 
 
 
OGM: Tiến bộ khoa học? 
 
Các giống hoa mầu OGM đề kháng với bệnh tật, sâu bọ và côn trùng sẽ giúp giảm thiểu việc sử dụng nông dược đi rất nhiều.
Theo Giám đốc National Center for Public Research, Washington DC, Amy Ridenour thì…biotechnologie đã làm giảm đi 80% việc sử dụng thuốc trừ sâu trong kỹ nghệ bông vải tại Hoa Kỳ...
Hãy tưởng tượng các trái tomates no tròn, to lớn, chứa đầy chất dinh dưỡng, nhưng chậm chín nghĩa là lâu bị hư thúi nhờ vậy mà giúp việc chuyên chở được dễ dàng hơn.
 
Và các bạn nghĩ sao về các loại hạt điều, hạt hạnh nhân chứa thật ít chất béo và không có một tí nào các chất gây dị ứng?...
Hoan nghênh sự tiến bộ của khoa học!.
 
Từ trước tới nay, các nhà chăn nuôi và các nhà nông phải tốn rất nhiều công sức và thời gian hằng vài ba chục năm mới tìm ra hoặc tạo ra được một giống gia súc hoặc một loại hoa mầu mới với những tính chất cố định mong muốn. Ngày nay, biotech đã giải quyết vấn đề nầy chỉ trong một thời gian thật ngắn ngũi mà thôi...
 
Các thực phẩm mới không ngừng được tung ra thị trường mỗi năm. Kỹ thuật biến đổi gène không những được thực hiện giữa các dòng sinh vật giống nhau, mà còn được thực hiện giữa các chủng loại khác nhau nữa, chẳng hạn như gène dâu Tây (strawberry) được cấy vào hạt dưa hấu, gène của thỏ cấy vào hạt bông vải để có loại bông xốp nhuyễn như lông thỏ.
 
Cty Monsanto đã tạo ra nhiều giống khoai Tây chứa nhiều tinh bột, hút ít dầu lúc chiên, rất tốt cho sức khỏe. Các loại ớt poivron biến đổi gène làm cho ngọt hơn rất thích hợp để trộn salade...
 
Cty Aqua Bounty Farms, Massachusetts đã sản xuất được nhiều loại cá OGM, chẳng hạn như cá saumon, cá truite và cá rô Phi (tilapia). Chúng có sức tăng trưởng rất nhanh, rút ngắn thời gian sản xuất lại rất nhiều.Cty nầy đã tạo được một giống cá saumon đặc biệt, bằng cách cho gắn gène chủ định tạo protein kháng lạnh (anti freeze Protein) của một loài cá sống vùng bắc cực vào ADN của trứng cá saumon Atlantique.
 
Cá OGM có được tỏ ra rất linh động và tăng trưởng rất nhanh kể cả trong mùa đông băng giá, mùa mà đa số cá khác đều lừ đừ giảm hoạt động và giảm cân.
 
 Phe chống OGM thì gọi đây là cá quỷ (frankensfish) vì nó rất to lớn và thấy ghê quá…
 
Thịt OGM thì chưa được thấy xuất hiện, có lẽ là sợ phản ứng của người tiêu thụ, nhưng một số thú vật cũng đã được thí nghiệm trong lãnh vực kỹ thuật sinh học...
 
Gène chủ định yếu tố kháng đông (anticoagulant) và các yếu tố khác như alpha antitrypsineantithrombine C ở người, được gắn vào loài dê để tạo ra những chất vừa kể, sau đó thì chúng được trích lấy từ sữa dê. Alpha antitrypsine được dùng để trị bệnh khí thủng emphysème fibrose kystique. Antithrombine C dùng trong các ca giải phẫu tim…
 
Tại Montreal, Cty Nexia đã tạo ra được sợi tơ nhện trích lấy từ protein của sữa dê OGM. Sợi tơ nhện rất chắc nên được ứng dụng vào việc sản xuất áo giáp chống đạn, quần áo của phi hành gia, cũng như một số vật liệu xây cất...
Bò biến đổi gène có thể sản xuất ra sữa có lactoférine của người. Chất nầy giống như sữa mẹ và có công dụng giúp ngừa các chứng viêm ruột tiêu chảy ở trẻ em...
 
Chất insuline dùng để trị bệnh tiểu đường được trích lấy từ vi khuẩn OGM mà trước đó đã nhận gène chủ định việc tạo insuline ở người...
 
Hoa Kỳ cũng đang thí nghiệm việc tạo ra vaccin ngừa bệnh sốt rét malaria trích lấy từ sữa của chuột và của dê OGM, nếu thành công thì đây sẽ là nguồn cung cấp vaccin rẻ tiền và hiệu quả cho các xứ nghèo ở châu Phi và châu Á...
 
Khoai Tây OGM có chứa tính chất của vaccin ngừa bệnh viêm gan B cũng đang được giới khoa học nghiên cứu...Cty PPL Therapeutics (Ecosse) đang thí nghiệm để mong tạo được dòng heo OGM có khả năng cung cấp bộ phận ghép cho người trong tương lai…
 
Một loại cá cá nhỏ bé tí thuộc loại zebrafish đuợc chuyển gene và có tên là Glofish. Đặc biệt chúng có thể phát ra ánh sáng huỳnh quang fluorescent rất đẹp mắt,và được dùng để phát hiện những vùng nước bị ô nhiễm.
 
Năm 2006, trường Canh Nông Đông Bắc Trung Quốc đã tạo ra được giống heo phát ánh huỳnh quang xanh lá cây (dưới tác dụng của tia cực tím ultraviolet). Đặc biệt là loại heo này có thể truyền tính chất phát ánh huỳnh quang cho những thế hế heo con tiếp nối. Các nhà khoa học Trung Quốc nghĩ rằng khám phá này sẽ giúp ích và thúc đẩy nhiều trong việc nghiên cứu tế bào gốc (stem cell research).
 
 
OGM: Ác mộng của nhân loại?
 
Mời xem video. Jeffery Smith(tác giả Seeds of Deception)- The dangers of genetically modified foods
 
 
Năm 1996, Gs John Fagan, tiến sĩ sinh học phân tử đã đi một vòng Âu châu để thuyết giảng và cảnh tỉnh thế giới về nguy cơ có thể xảy ra do thực phẩm OGM mang đến. Sau đây là những lý lẽ của phe nhóm chống OGM:
 
  • Kỹ thuật vô ích và nguy hiểm: Mặc dù biotech đã giúp ích phần nào trong lãnh vực y khoa, nhưng Gs Fagan nhấn mạnh là mối nguy hiểm vẫn trội hơn các ích lợi lý thuyết của kỹ thuật mới nầy...Còn nhớ vào cuối thập niên 80, Cty Nhật Bản Showa Denko đã tung ra thị trường chất amino acid L-tryptophan trích lấy từ một loại vi khuẩn OGM. Thuốc được bán tự do dưới hình thức một thực phẩm bổ sung và được sử dụng để trị bệnh mất ngủ và các trường hợp đau nhức trước ngày hành kinh. Trong một năm, L-tryptophan đã làm cho 35 người Nhật thiệt mạng cũng như đã để lại 1500 phế nhân vì một hội chứng rối loạn máu cực kỳ nguy hiểm gọi tắt là EMS hay eosinophilia myalgia syndrom.
  • Lợi nhuận trên hết và trước hết: Người ta tự hỏi phải chăng đằng sau các lý lẽ tốt đẹp, cao cả mà lại chẳng có một ẩn ý nào nặc mùi dollars và chánh trị??.
  • Nguy hiểm thật sự là gì? Cơ cấu di truyền hiện hữu của sinh vật là kết quả của sự tiến hóa và chọn lọc tự nhiên có được từ mấy ngàn năm nay rồi. Nó tạo nên một bối cảnh môi sinh liên kết với nhau và vô cùng phức tạp. Sự can thiệp của các nhà bác học vào cơ cấu sâu xa của di truyền sẽ làm xáo trộn thế quân bình nầy.
  • Sự đột biến (mutation) không thể lường trước được: Code génétique (mã số di truyền) của một sinh vật kể cả vi khuẩn rất phức tạp. Nếu đem một gène của một sinh vật nầy gắn vào cho một sinh vật khác thì phản ứng sẽ ra sao? Có thể tính thông minh của gène sẽ giảm?...Theo Gs Fagan, chuyển đổi gène từ loài nầy sang cho loài khác là một hành động trái thiên nhiên, rất nguy hiểm (ví dụ như gène heo cấy vào thực vật, gène cá cấy vào tomate, gène người cấy vào thú vật, v.v…). Tính liệt cũng như các bệnh tật tiềm ẩn có thể từ chủng loại nầy truyền sang cho một chủng loại khác.
  • Nguy cơ ô nhiễm môi sinh: Ô nhiễm sinh học (pollution biologique) có thể được xem là sự nguy hiểm lớn nhất.
 Người ta tạo ra những dòng sinh vật mới như các vi khuẩn chẳng hạn mà không nắm vững tí nào ảnh hưởng về lâu về dài của chúng đối với con người và đối với môi sinh. Các nhà nông không có một phương thức nào chắc chắn để bảo đảm là sản phẩm OGM của họ không lây nhiễm (nhụy phấn hoa bay theo gió, theo ong…) sang các cánh đồng lân cận.
 Đậu nành OGM do Monsanto sản xuất có tên là RoundUp Ready soybean. Đồng thời  họ cũng tung kèm theo ra thuốc diệt cỏ RoundUp có quang phổ trộng. Giống đậu RoundUp Ready có sức kháng thuốc diệt cỏ  rất cao. Nó có thể chịu đựng những lượng hóa chất gấp 3-4 lần hơn bình thường mà không hề hấn gì cả. Nông gia muốn có thu hoạch tốt bắt buộc mỗi năm phải mua hai loại sản phẩm trên... Rất nhiều tài liệu cho biết thuốc RoundUp mà hoạt chất là glyphosate rất độc hại cho môi sinh và cho sức khỏe chẳng hạn như tạo ra thai dị hình birth defect. Việc sử dụng quá thường xuyên thuốc diệt cỏ RoundUp đã làm sản sinh ra nhiều giống siêu cỏ lờn với thuốc diệt cỏ này..
 
Vấn đề thụ tinh chéo  pollinisation croisée, cross pollinisation cũng là một mối nguy hiểm khác. Sớm muộn gì các siêu cỏ (super weed) bất trị sẽ lấn chiếm hết môi sinh.
 Bắp Bt được ghép gène của vi khuẩn Bacillus thuringensis, có khả năng tiết ra một loại protein Bt rất độc đối với các loại sâu bướm nhóm lépidoptère. Người ta lo ngại trong tương lai loại bướm Monarque sẽ bị tuyệt chủng vì độc tố Bt và biết chừng đâu, về lâu về dài, độc tố nầy cũng dám ảnh hưởng đến sức khỏe chúng ta lắm.
Cũng như bắp Bt, bắp Starlink là một loại bắp OGM có chứa protein Cry9C kháng sâu rầy. Người ta nghi chất protein nầy sẽ gây dị ứng ở người. Tại Hoa Kỳ Bắp StarLink chỉ được dùng để nuôi gia súc mà thôi nhưng Canada thì lại cấm.
Cá OGM rất to lớn, nếu chẳng may thoát ra ngoài môi sinh nó sẽ tấn công tất cả các loài cá khác nhỏ con hơn và có thể làm diệt chủng một số loài thủy sản!.
  • Nguy cơ cho súc vật: Cũng như cá hồi saumon, một số gia súc đang được thí nghiệm để đổi gène. Các loại thú như bò, dê, cừu và heo đã được sử dụng để sản xuất ra những chất đặc biệt.
 Người ta tự hỏi liệu những thú nầy có được một sức khỏe bình thường hay không? Thịt và sữa của chúng có đủ bảo đảm an toàn cho chúng ta dùng hay không?
  • Mối đe dọa cho nguồn thực phẩm nhân loại: Một số tài phiệt quốc tế như Dupont (Pioneer), Monsanto, Syngenta, Bayer Crop Science, KWSAG (Đức) BASF, v.v…sẽ nắm hết các nhà máy, các công ty phân phối hạt giống ở các quốc gia đang phát triển với mục đích là để nắm giữ thế độc quyền về phân phối. Lệ thuộc kinh tế sẽ kéo theo lệ thuộc chánh trị không mấy hồi...
  • Mặt khác với sản phẩm OGM tràn ngập khắp nơi, tính chất đa dạng của sinh thái (biodiversité) trên quả điạ cầu nầy sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Người ta rất e ngại là trong một tương lai không xa lắm, tất cả thực phẩm chúng ta thường dùng hằng ngày đều có chứa ít nhiều OGM.
Cũng không chắc gì gạo OGM có thể giải quyết được nạn đói trên thế giới đâu, vì theo Amartya Sen (Prix Nobel về kinh tế,1998) thì…nạn đói không phải do việc kém sản xuất mà ra, nhưng chính là do hạ tầng cơ sở của các quốc gia nghèo khó còn quá yếu kém cũng như việc phân phối đất đai chưa được công bằng và hợp lý!.
  • Khía cạnh tín ngưỡng: Mọi người đều đặt câu hỏi là có trái với đạo lý hay không khi con người cố tình tự ý thay đổi cơ cấu sâu xa của vạn vật?
Các OGM được tung ra thị trường hiện nay đã gây trở ngại và phiền toái không ít cho các nhóm tôn giáo, cho nhũng dân tộc không ăn thịt heo như người Hồi giáo và người Do Thái giáo.
 OGM cũng gây trở ngại cho những ngưởi người ăn chay, cho cả các nhóm bảo vệ môi sinh và quyền sống của súc vật.
 Các nhóm chủ trương OGM đã bào chữa lại và nói rằng ADN thực vật cũng không có gì khác hơn ADN động vật cả và khi vào trong bao tử thì các gènes sẽ bị tiêu hóa đi hết!.
  • Chúng ta có được sự bảo vệ của cơ quan Y Tế Thế Giới (WHO) hoặc của chính phủ hay không? Theo Gs Fagan, đa số dân chúng không thấu hiểu tình hình. Còn nhớ, vào những năm 60 có hai biến cố quan trọng đã xảy ra: đó là vụ thuốc trừ sâu DDT và vụ thuốc Thalidomide. Hai món thuốc nầy đều đã được quốc tế và các chính phủ công nhận và hết lời cổ súy ca ngợi. Hậu quả rất thê thảm như mọi người đã biết...DDT là một loại nông dược rất hữu hiệu để diệt côn trùng, ruồi, muỗi và được sử dụng trong những kế hoạch bài trừ bệnh sốt rét, v.v…
Sau nầy, các nhà khoa học cho biết là DDT là hóa chất rất độc cho sức khỏe con người, như có hại cho não bộ, làm giảm hệ miễn dịch, hư thai và có thể gây ra cancer. Ngày nay, DDT đã bị cấm sử dụng tại các quốc gia Tây phương...
Thalidomide là thuốc an thần giúp ngừa nôn mửa ở phụ nữ lúc mang thai. Vào những năm 1959-60, Thalidomide được sử dụng rất rộng rãi nhưng một thời gian sau người ta mới biết được nó là nguyên nhân sinh ra hài nhi có tay chân dị dạng. Thalidomide đã bị cấm từ đó, nhưng gần đây nó được cho phép sử dụng trở lại để trị bệnh Sida và một loại bệnh cùi nodosus leprosus.
  • Vấn đề nhãn hiệu: Giới kỹ nghệ biotech Hoa Kỳ và Canada rất lo ngại việc luật pháp sẽ ấn định nhãn hiệu bắt buộc trên tất cả sản phẩm OGM.
 Họ tìm đủ mọi mánh khóe và làm áp lực với chính phủ để khỏi phải nêu trên nhãn hiệu chữ OGM hoặc câu “làm từ nguyên liệu OGM”. Họ thừa biết là người tiêu thụ chưa đáp ứng thuận lợi với các sản phẩm đã bị làm biến đổi gène.
Trách nhiệm trông coi về nhãn hiệu nằm dưới quyền của Codex alimentarius thuộc Liên Hiệp Quốc. Trên lý thuyết, thì đây là những ủy ban độc lập, nhưng trong thực tế người ta nghĩ rằng nó khó thoát khỏi được áp lực của giới kỹ nghệ và của các cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ đang nắm vận mạng của cả thế giới!.
 
 
Quan điểm của Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo.
 
 Nếu xét về khía cạnh tín ngưỡng, tôn giáo, thì lẽ nào con người có thể cướp quyền của đấng tạo hóa để muốn làm gì thì làm, thay đổi hết thế quân bình của vạn vật…
Sự ra đời của kỹ thuật sinh học đã làm nhiều người suy nghĩ lại các quan điểm siêu hình mà các tôn giáo thường đưa ra.
 “Người ta tự hỏi phải chăng kỹ thuật biến đổi gènes đi ngược với mô hình của Thiên Chúa Giáo vì con người là sáng tạo theo mô hình Thiên Chúa và các sinh vật và thực vật được hiện ra theo ý Thiên Chúa,nên không có quyền biến đổi.
Duy có điều chắc chắn rằng Phật Giáo tin vào lý nhân duyên và lý vô ngã, nên không trở ngại gì về biến đổi gene, nếu việc biến đổi gene không làm thiệt hại cho các chúng sinh (giáo lý từ bi, bất hại). Còn biến đổi gene nào mà thiệt hại cho chúng sinh, tất nhiên là phạm giới (nếu không là ngũ giới, thì cũng là thập thiện).”.( Cư sĩ Nguyên Giác)
 
Phật giáo nói rằng mọi sự vật đều do duyên sinh duyên hợp mà có và tất cả đều biến đổi không ngừng
 
Dưới đây một vài điểm chánh trong bài:
Kỹ Thuật Di Truyền: Đánh Giá Theo Quan Điểm Phật Giáo
Ron Epstein
 
 
“…Từ quan điểm đạo đức Phật giáo căn bản, những phát triển đặc biệt trong kỹ thuật di truyền thật rắc rối và hướng đến một tương lai đầy dẫy sự phức tạp và không rõ ràng về mặt đạo đức…”
 
 “…Bởi vì kỹ thuật di truyền có tiềm năng chuyển đổi căn bản cả thiên nhiên và bản tánh con người, nó đem lại một sự đe dọa lớn lao hơn nhiều so với những kỹ thuật khác.
Theo giáo pháp Phật Giáo, thiên nhiên mà chúng ta cảm nhận chỉ là một cái nhãn cho cộng nghiệp của các chúng sanh hữu tình trên hành tinh này, và bản tánh con người là hỗn hợp nghiệp báo của tư tưởng và tình cảm cần phải được chuyển hóa trên con đường đi đến giác ngộ.
Kỹ thuật di truyền có tiềm năng thay đổi cả thân thể chúng ta và môi trường bằng cách làm giảm đi khả năng giúp đỡ tiến trình chuyển hóa bản thân…
….Từ quan điểm Phật giáo, các vấn đề về kỹ thuật di truyền về nguyên tắc không khác biệt với hầu hết những vấn để khác chúng ta đối diện hàng ngày. Tất cả đều là kết quả của kiết sử – dục vọng, nóng giận, vô minh, v.v…diều làm cho tình trạng kỹ thuật di truyền được đặc biệt là sự khác biệt về mức độ thiệt hại có thể ảnh hưởng đến đời sống trên hành tinh này và sự không đảo ngược lại được những ảnh hưởng lên chúng ta và môi sinh…”
Tòa Thánh Vatican nói gì?
Ogm: Quelques éléments concernant les catholiques
 
Tháng giêng 2010, Đức Giáo Hoàng Benoit XVI đã bổ nhiệm Hồng Y Peter Turkson lên thay thế Hồng y Renato Martinora trong chức vụ lãnh đạo Conseil Pontifical pour la Justice et la Paix.Lý do: Hồng y R. Martinora là người quá thiên về vấn đề OGM.
Qua việc bổ nhiệm này, Tòa Thánh muốn chứng tỏ rằng Giáo hội đã thay đổi lâp trường về OGM. Từ trước tới nay, quan điểm của Tỏa Thánh Vatican là đứng “trung lập” nhưng trong thực tế thì không phải vậy. Giáo hội thưởng có khuynh hướng đề cao khía cạnh lợi ích tốt đẹp của OGM mà thôi.
Hồng y Peter Turkson, người Ghana, ngược lại, rất quan tâm và lo âu đến vấn đề quản lý và sử dụng không công bằng thực vật OGM đề giải quyết nạn đói trên thế giới. Ngài cũng nhấn mạnh đến vấn nạn các công ty sản xuất hạt giống và thực vật OGM bị thúc đẩy bởi lợi nhuận hơn là vì lòng ham muốn cứu nhân loại thoát ra cảnh lầm than đói khổ. Ngài rất lo ngại về vấn đề OGM. “Chỉ cần nhìn vào các phúc trình mô tả việc làm thiếu y đức và có tính sát nhân của các công ty dược phẩm thì rõ. Trong trường hợp OGM, chúng ta phải đối đầu với một số lượng khổng lồ sở hữu trí tuệ( propriété intellectuelle) bị tập trung trong trong tay của một số ít tập đoàn.”
 
Tương lai của nhân loại sẽ đi về đâu?
 
Đồng thời với việc mã số di truyền code génétique của người vừa mới được xác định, công nghệ
sinh học đã đem đến cho mọi người một niềm hy vọng tràn trề về viễn tượng cuộc sống vô cùng lạc quan và sung túc.
 Rồi đây bệnh tật, nghèo đói, suy dinh dưỡng và ô nhiễm môi sinh sẽ không còn phải là vấn đề nan giải nữa...Sản lượng cây lương thực sẽ tăng cao, phẩm chất tối hảo nhưng không cần phải dùng đến nhiều nông dược trong sản xuất.
Tuy nhiên cũng có một số người vẫn còn hoài nghi, bi quan và lo sợ trước sự ra đời của các sản phẩm mới. Họ nghĩ rằng không có gì bảo đảm là công nghệ sinh học sẽ đem lại ấm no và hạnh phúc cho nhân loại hết.
 
Không ai có thể biết trước được ảnh hưởng về lâu về dài của những thực phẩm OGM trên sức khỏe của con người hết.
 
Chỉ có các đại tài phiệt về kỹ nghệ thực phẩm là kẻ trục lợi mà thôi.
 
 
 
Kết luận
 
Riêng tại Canada, năm 2001, Tổng Kiểm soát Viên Liên Bang (Vérificateur Général) trong phúc trình hằng năm đã phê phán và lưu ý chánh phủ cần phải rõ rệt hơn và trong suốt hơn (transparence) trong vấn đề kỹ thuật sinh học.
Đồng thời với phúc trình bất lợi nầy, khả năng thẩm xét OGM của chính phủ cũng bị nghi ngờ bởi Société Royale du Canada sur les OGM. Tổ chức này khuyến cáo Santé Canada phải bạch nhựt hóa tất cả các tài liệu và kết quả thí nghiệm về OGM do giới kỹ nghệ đệ nạp để được thẩm xét.
 
 
Với những tin như vậy, không biết chúng ta nên mừng hay nên lo đây?
 
 
 
 Tham khảo:
 
-Ron Epstein. Genetic Engineering: A Buddhist Assessment;
 
 
-Santé Canada. Les questions les plus demandées. Biotechnologie et aliments
 génétiquement modifiés.
 
-Carl K. Winter. Safety of Genetically Engineered Food; Univ. of Calif. Davis
 
 
-Rena Larranaga. GMO’s Friend or Foe?
 
 
 
        -WHO. 20 questions on genetically modified foods
 
    
      -The seed of deception
 
       -The health risks of eating GMOs
 
 
      -Bs Thú y Nguyễn Thượng Chánh. Mặt trái của kỹ nghệ thực phẩm
 
 
 
   Montreal, Oct 14, 2011
 
 
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 852137 visitors (2210172 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free