TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Cảnh đời hư ảo
 
Lên mạng ngày 14/12/2010

CẢNH ĐỜI HƯ ẢO
 
Nguyễn Thượng Chánh & Nguyễn Ngọc Lan
 
Gót danh lợi bùn pha sắc xám,
Mặt phong trần nắng nám mùi dâu.
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê
.
(Cung Oán Ngâm Khúc)
 
 
Dưới đây là tóm lược một số chủ-đề về dân-sinh ẩn trong các bài viết của tác giả trong thời gian qua...Tất cả cũng chỉ là một cái nhìn phiếm-diện hay chủ-quan về cuộc đời, cũng như sự phù-du của một kiếp nhân-sinh…
NTC & NNL
 
***
Viết cho người hay viết cho ta
 
Tôi không biết cái gì đã thôi thúc tôi viết báo từ mười năm nay. Phải chăng đây là một cái...nghiệp (dư) trong cuộc đời?

Tôi muốn viết để chia sẻ những hiểu biết khiêm tốn của mình về khoa học, về cuộc sống, về những suy tư của mình đối với bà con cô bác ở khắp mọi nơi nói chung, và ở Canada nói riêng.

Nói rõ là tôi không phải là một nhà văn hay một nhà báo gì hết, nhưng tôi lại…ham viết!
 
Mục đích của tôi là mong quý bạn sẽ tìm được giây phút thoải mái, đọc chơi trước là cười cho vui, sau là biết thêm được đôi điều mới lạ nếu không nói là chút ít hữu ích cho cuộc sống.
 
Cốt lõi của các bài chúng tôi viết, thường được rút ra từ các tạp chí chuyên môn và chúng tôi chỉ thêm mắm thêm muối theo kiểu của người làm bếp là ‘‘bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm’’ mà thôi.
 
Nói một cách khác là, xem như là chúng tôi đọc báo dùm cho các bạn vậy!(Hi!Hi!)
 
Tôi cố tránh né đề cập đến các đề tài còn đang được tranh cãi, chưa rõ ràng hay quá tế nhị, quá nóng bỏng hoặc...quá giựt gân.
 
Tôi né luôn những vấn đề có thể gây sự chia rẽ, nghi kỵ, tạo sự ngộ nhận, hoặc làm cho độc giả nuôi dưỡng một hy vọng hão huyền nào đó, vân vân.
 
Tôi cũng lờ đi những vấn đề mê tín dị đoan thiếu căn bản khoa học.
Còn về khoa học, đặc biệt là khoa sinh vật học và y học, là những môn học biến đổi không ngừng theo thời gian và theo đà những khám phá mới…Bởi lý do nầy, thỉnh thoảng tôi phải điều chỉnh lại, update lại những bài cũ tôi đã viết từ nhiều năm trước để cho chính xác, cho phù hợp với thời gian tính hơn.
 
Tôi tôn trọng nguyên-tắc: “nói có sách mách có chứng”!
 
Là người vừa cầm viết và cầm chuột, không gì sung sướng hơn và hạnh phúc hơn khi thấy bài vở của mình được chiếu cố đến, có người đọc, dù khen hay dù chê, cũng đều tốt hết!
Cái quan trọng là có người để ý đến bài của mình viết là vui rồi.
 
Thật ra, kết quả mà tôi có được như ngày hôm nay không phải là công sức của riêng tôi.
 
Đó cũng nhờ vào sự đóng góp ý-kiến và sự hỗ-trợ vô cùng quý báu của rất nhiều người.
 
Tôi viết chùa, viết để tự mình trau dồi thêm kiến-thức, để tự học hỏi, để giải khuây, để cho quên ngày quên tháng, để cho vui, để khỏi nghĩ quẩn, để bắt trí não làm việc (đề phòng bị bệnh Alzeihmer?), để thoát ly, và cũng để tự làm giảm bớt stress trong cuộc sống riêng tư, v.v...
 
Tôi quan niệm viết như là một trị liệu pháp therapy cho mìnhvậy!

Thế cho nên, tôi viết cho người đọc, nhưng thật ra là tôi cũng đồng thời viết cho chính tôi và cho cuộc sống của mình có được thêm phần phong phú và ý nghĩa hơn vậy!
 
***
Nửa đầy hay nửa lưng
 
Cảm quan đối với một hoàn cảnh, một sự kiện bên ngoài hoặc một tình trạng bên trong cơ thể đều tùy thuộc vào cách nhìn hay thái độ của mỗi người.
 
Vậy, tâm trạng sướng hay khổ, buồn hay vui đều là những trạng thái tâm lý rất tương đối, và tùy theo cách suy nghĩ cũng như tùy theo tâm tánh lạc quan hay bi quan của mỗi con người!
 
Rượu được rót vào ly, có người thì cho rằng ly rượu chỉ được nửa lưng, trong khi người khác thì lại nói rằng ly rượu đã được nửa đầy.
 
Ai cũng có thể chuyển đổi một cảm giác phiền muộn, sầu não thành một trạng thái dễ chịu hơn, một biến cố ngoài ý muốn thành một dịp may, một thất bại thành một sự thành công nếu biết chấp nhận hoàn-cảnh và thay đổi tư-duy của mình.
 
Nếu không thay đổi được hoàn cảnh như ý mình mong muốn, thì chúng ta đành phải chấp nhận nó vậy mà thôi!
 
Muốn bớt khổ, chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn vấn đề cũng như phải biết thích ứng vào hoàn cảnh hoặc tình thế mới.
 
Rồi, thời gian sẽ là “liều thuốc hay” giúp chúng ta thích ứng được vào với tất cả!
“God grant me the Courage to change the things I can change, the Serenity to accept those I cannot change and the Wisdom to know the difference”
 
***
Bóng hạnh phúc
 
Hạnh phúc là một một trạng thái chủ quan của ý thức sung mãn.
 
Đối diện với cùng một nghịch cảnh như nhau, có người thì lo sợ và cảm thấy khổ sở.
Nhưng ngược lại, cũng có người thì nhìn sự kiện đó một cách dửng dưng bình thản với một tâm thanh tịnh.
 
Có ai dám nói là mình được hoàn toàn hạnh phúc không?
 
Phải chăng hạnh phúc chỉ là một cái bóng hay một cứu cánh để chúng ta cố vươn tới mà thôi?
 
Một tôn giáo lớn thường khuyên chúng sinh chớ nên tìm hạnh phúc ở bên ngoài, vì chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới được đâu, bởi lý do là lòng ham muốn của con người là vô giới hạn!
 
Muốn có hạnh phúc thật sự, thì phải cố gắng dẹp bớt ái dục và nhìn vào…bên trong chúng ta!
Hạnh phúc bắt đầu bằng sự cải hóa chính bản thân của mình vậy!
 
***
Tiền bạc và hạnh phúc
 
Thoạt nhìn, thì tiền bạc gắn liền một cách mật thiết với hạnh phúc, nhưng trong thực tế có biết bao nhiêu là kẻ giàu có nhưng vẫn phải triền miên lo nghĩ, đối phó hết việc nầy đến việc kia và tinh thần lúc nào cũng bị căng thẳng bất an...
 
Bên cạnh những người quá giàu, thì cũng có rất nhiều kẻ nghèo khó tận mạng, nghèo rớt mồng tơi, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, bệnh hoạn không thuốc chữa, cùng với trăm ngàn cái khổ chớ chẳng phải sung sướng gì đâu...
 
Vậy, có thể nói:tiềnbạc chỉ là điều kiện CẦN chớ chưa phải ĐỦ để có được hạnh phúc!
 
Hạnh phúc không phải do những tác động bên ngoài đem tới, mà chung qui chỉ do cách suy nghĩ hay cách nhìn của chúng ta thế nào là hạnh phúc mà thôi!
 
Nhưng dù sao đi nữa, thì vừa có tiền rủng rỉnh và vừa có sức khỏe sung mãn, thì vẫn sướng hơn là vừa nghèo mạt rệp lại còn vừa bị bệnh hoạn triền miên nữa.
 
Ngày nay, người ta thường bảo:
Tiền là Tiên là Phật,
 Là sức bật của tuổi trẻ,
 Là sức khỏe của tuổi già,
 Là cái đà của danh vọng,
 Là cái lọng để che thân,
 Là cán cân của công lý
”.

Còn người xưa thì lại cả quyết rằng:
“Có tiền mua tiên cũng được”
(tiên nâu và tiên nữ - chú thích thêm của người viết)
 
***
Cảm nghĩ về hiện tượng ăn xin
 
Bố-thí là một hạnh như lời Phật dạy!
 
Cũng có người bố thí có chủ đích, để mong cầu được phước, cho con cái và cho bản thân mình lúc chết được vãng sanh về cõi Tây-Phương Cực-Lạc.
 
Có người làm ăn lươn lẹo, chôm chĩa nhiều quá nên cần bố thí bớt để nhẹ tội với lương tâm đồng thời chứng tỏ là mình là người hào phóng, cuối năm lại còn được giảm trong phần đóng thuế nữa (nhớ xin biên nhận khi cho tiền).
 
Có người cho để lấy tiếng!
Có người cho vì bị ép buộc, vì sợ người ta trù ẻo làm khó dễ!
Cũng có người vì bị ép bụng phải cho (vì bạn mình ngồi cùng bàn cũng đã cho rồi, mình ngồi làm thinh sợ khó coi)!
 
Xét về mối tương quan giữa con người với nhau, hành động ăn xin đã tạo nên một tương quan bất-bình-đẳng.
 
Kẻ ăn-xin là người đứng ở vị trí có chủ đích rõ ràng...
Bằng mọi cách họ cố tình phải phơi bày ra tất cả những gì ghê tỡm nhất trên thân thể họ hoặc kể lể nỗi bất hạnh của đời họ với thâm ý gợi lòng thương cảm nơi chúng ta, và nhất là phải gây cho chúng ta một mặc cảm tội lỗi nặng nề nếu chúng ta không chịu giúp họ.
 
Ôi ! Ngày nay, hiện tượng ăn xin hay nghề ăn xin đã trở thành “một nghề hái ra tiền”, khoẻ ru bà rù!
 
Còn cho hay không, đó cho là quyền và cách suy nghĩ riêng của mỗi người.
 
***
Chuyện đời muôn thuở
 
*/ Phán xét người khác
 
=Phán xét có thể bằng lời nói, lời viết hay bằng cử chỉ hoặc bươi móc, vạch lá tìm sâu bằng thái độ thờ ơ hay ngạo mạn hoặc khinh rẻ;
=Phán xét có thể đúng hay sai, thiên vị hoặc chủ quan hay khách quan;
=Phán xét tiêu cực dường như để đả phá hay để hạ hoặc để trả thù cho bỏ ghét, thường hay thấy xảy ra hơn là phán xét tích cực để khen thưởng hoặc để giúp người ta sửa trật cái sai;
=Phán xét chịu ảnh hưởng của tình cảm cá nhân, tùy theo góc cạnh hay cách nhìn một vấn đề, tùy theo trình độ hiểu biết hay quyền lợi cá nhân, và cũng tùy theo quan điểm chính trị hay tín ngưỡng của mỗi người.
 
Phán xét có thể thay đổi theo tuổi tác, theo thời gian và theo không gian…
Tuy nhiên, trong xã hội cũng có một hạng người lúc nào cũng muốn chứng tỏ họ luôn luôn hơn người. Họ thường hay bác bỏ, đả kích bất cứ một hành động, một lời nói nào dù đúng hay sai của người khác.
Khoa tâm lý học gọi nhóm người nầy là những người bị rối-loạn nhân-cách ái-kỷ (narcissisme).
 
Ngoài ra, còn vấn đề khen chê giả dối hay trở cờ vì gió đã xoay chiều hoặc vì xã giao, để lấy lòng, để kiếm điểm, để nâng bi, thượng đội hạ đạp...
Trước mặt thì khen, nhưng sau lưng thì bỉu môi hay chửi lén, được gọi dưới danh từ đạo-đức-giả (hypocriticism).
*/ Nói xấu người khác(médisance)
=Tìm mọi cách để thành công;
Thí dụ: “Bạn có biết không, nghe nói ông A có thời đã ngồi tù về tội lường gạt, vân vân.” Theo nhà xã hội học Jean Bruno Renard, thì người nói xấu cố tình gieo rắc những tin không tốt về một người nào đó, và họ cho biết rằng đó là những tin có cơ sở đáng tin cậy?
=Để tạo mối giao hảo xã hội(pour créer un lien social);
=Thiếu lòng tự trọng(manque d’estime de soi);
=Vì họ thích nói xấu người khác(par envie);
=Vì phóng chiếu (par projection).
 
*/ Kết luận
 
Nếu không nói ra được những điều gì tốt đẹp, thì tốt hơn hết là đừng nên nói gì cả!
(If you can’t say something nice, don’t say anything at all).
 
***
Nói láo hay nói thật
Sống trong một xã hội ta-bà ngày nay, nói thật quá cũng không có lợi lộc gì cả.
Móc ruột để ngoài da, có khi lại chuốc lấy hoạ vào thân!
Vậy phải nói dóc, nói láo sao?
Phải biết tùy người, tùy lúc và cũng tùy theo hoàn cảnh mà hành xử hay ứng biến!
Văn hào Pháp Pierre de Ronsard (1524-1585) đã từng nói: “Tất cả sự thành thật nào tồn tại lâu dài đều trở thành dối trá (Toute sincérité qui dure est mensonge). Tất cả sự dối trá lập đi lập lại liên tục cũng đều trở thành sự thật cả (Tout mensonge répété devient une vérité). Nghệ thuật là giả dối…Đức hạnh là giả dối…Sự thật là giả dối (L'art est mensonge... la  vertu est mensonge... la vérité est mensonge" (La Pléiade)
«…Nói láo và nói láo hoài chồng chất; nói láo và nói láo hoài với chính mình; nói láo và nói láo hoài với nhau... rồi bỗng một sáng đẹp trời nào đó họ tin điều nói láo là có thật. Sự dối trá tu luyện lâu ngày thành yêu tinh…Yêu tinh trở thành một ảo tưởng của chân lý. Họ trở lại tin ảo tưởng là sự thật.  Một sự thật xây dựng bằng dối trá xuất hiện như một chân lý mới mẻ còn đáng tin cẩn hơn là sự thật của chính nó…» (Trần Kiêm Đoàn, Tu Bụi, Titan Corporation, 2006, trang 124).
Nghiêm Xuân Cường. Mộng và Thực. Thư Viện Hoa Sen
***
Có bệnh thì vái tứ phương: «Lang băm»
Lợi dụng tâm lý sợ chết hay còn nước còn tát của người bệnh, mà nhiều con buôn, lang băm, pháp sư, kể cả một số nhà khoa học, khoa bảng, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, giáo sư đại học thiếu lương tâm, chụp lấy thời cơ bằng cách làm mê hoặc hay bán ảo tưởng cũng như hứa hẹn đủ điều để bệnh nhân nuôi hy vọng hầu trục lợi.
 
Những bệnh mà họ cam đoan trị dứt toàn là những bệnh ngặt nghèo như viêm gan B, C, cancer ác tính và kể luôn cả bệnh Sida nữa. Họ trưng ra cả lố photocopy thơ cảm ơn của những bệnh nhân Việt lẫn Tây đã được họ chữa cho hết bệnh (?).
 
+ Đối mặt với một căn bệnh ngặt nghèo, bệnh nhân cần và có quyền được xin tham khảo với một vài nhà chuyên môn khác để có thêm ý kiến của họ. Ý kiến thứ hai (second opinion) là điều rất cần thiết phải có;
 
+Tận nhân lực rồi mới tri thiên mệnh” và nên nhớ rằng: sinh-lão-bệnh-tử là một quy luật của tạo hóa, một thực tế mà không một ai có thể thoát ra khỏi được hết;
 
+ Khoa-học vô-lương-tâm chỉ làm băng hoại tâm hồn (Science sans Conscience n’est que ruine de l’Âme. Rabelais).
 
***
 
Đàn ông và Đàn bà
 
Đàn ông và Đàn bà là hai thế giới khác biệt nhau.
 
Họ khác nhau về thể chất, về tinh thần, về cách suy nghĩ, cũng như về cách hành xử trong cuộc sống. Bởi những nguyên nhân này mà thường xảy ra biết bao nhiêu là chuyện hục hặc, hiểu lầm lẫn nhau, cơm không lành canh không ngọt, khắc khẩu, ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình…
 
Đấy là chưa nói đến cá tánh bẩm-sinh của từng cá nhân.
 
Ngoài ra, tôn giáo, giáo dục gia đình và kinh nghiệm sống cũng chi phối phần nào cách suy nghĩ và hành động của họ.
 
Tác phẩm nổi tiếng đã đạt số bán kỷ lục 8 triệu cuốn: «Why Men Don’t Listen & Women Can’t Read Maps by Barbara and Allan Pease, Broadway Books, New York». 
 
Tất cả đều là kết quả nghiên cứu và nhận xét của giới y-khoa và của các nhà tâm-lý-học Tây Phương.
 
Đúng hay sai đều do bạn đọc tự mình phê phán lấy!
 
***
Nghỉ hưu, một giai đoạn mới trong cuộc đời
 
Nghỉ hưu, một giai đoạn mới trong cuộc đời bắt đầu với không đồng hồ, không ngày, không tháng, không stress, muốn ngủ lúc nào, muốn thức lúc nào, ăn lúc nào, ăn ở đâu, ăn cái gì, ăn làm sao và cho dù mưa rơi bão tuyết cũng chẳng làm cho ta lo lắng nao lòng.
 
Ôi, tự do ơi, một lần nữa, ta chào đón mi bằng hai tay và...cả hai chân!
 
Đồng vợ đồng chồng, tát bể...Hưu cũng cạn!
 
“Retirement has been a discovery of beauty for me. I never had the time before to notice the beauty of my grand kids, my wife, the tree outside my very own front door. And, the beauty of time itself.” Harman Jule
 
“I'm retired - goodbye tension, hello pension!”
-- Author Unknown
 
***
Bóng hoàng hôn
 
Tại hải ngoại, phần lớn người Việt tị-nạn thuộc thế-hệ thứ nhứt, trong đó có tác giả, nay cũng tròm trèm trên dưới 60 -70 tuổi hết rồi.
 
Đối mặt với một xã-hội và một nền văn-hóa Tây Phương tôn trọng chủ nghĩa cá nhân, hoàn toàn khác biệt với nền văn-hóa Việt Nam coi trọng chữ hiếu, nhưng một số không ít bậc cha mẹ VN vẫn còn mang nếp suy nghĩ cũ, độc đoán trong cách dạy dỗ, bắt buộc con cái phải thế nầy thế nọ.
Cách suy nghĩ của lớp cha mẹ thường là nguyên-nhân đưa đến những sự va chạm với lớp con cháu trưởng thành bên nầy.
 
Sau đây là những điều thường thấy ở một số ít bậc cha mẹ Việt Nam tại hải ngoại:
-/ kiểm soát, tò mò, soi mói đời tư của con, chen vào cuộc sống tình cảm của tụi nó;
-/ kiểm soát thơ từ lẫn bạn bè của con cái;
-/ ép buộc con cái phải học những ngành nghề mà cha mẹ mong muốn;
-/ quyết định thay tụi nó mà không hỏi ý-kiến trước, ỷ “tau đẻ mầy ra, tau muốn làm gì thì làm” hoặc “áo mặc sao qua khỏi đầu”;
-/ muốn vô phòng con cái thì cứ tự nhiên xô cửa vô, muốn ghé nhà của chúng thì ghé đại không thèm báo trước;
-/ trách con cái sao không ghé thăm mình, không thèm gọi phone cho Pa Má, hoặc than phiền con cái sao không biết mua sắm cho Pa Má cái nầy cái nọ, vân vân;
-/ có ý-kiến linh tinh làm tụi nó bực mình bực mẫy.
 
Gia đình nào may mắn hay “có phước” thì con cái còn biết nghe lời đôi chút, ngược lại thì đành cắn răng mà chịu thôi. Vì làm quá, thì dám mất luôn con. Bye bye, Sayonara...
 
Nhưng hãy bình tâm suy nghĩ lại cho cùng, thì không phải lỗi của ai hết!
Đó chẳng qua là do hoàn-cảnh xã-hội hay môi-trường sống đã thay đổi nhiều rồi mà thôi!
Và cũng bởi con cái không thể hiểu được hết cha mẹ cũng như cha mẹ không thể hiểu được hết con cái…
Cha mẹ cần nên biết con cái mình cũng có những nhọc nhằn, khổ tâm của chúng trong cuộc sống riêng tư.
 
Nói chung, xã hội ngày nay không phải như xưa nữa, mà đã khác biệt nhiều rồi về cả hai mặt tinh-thần và vật-chất!
 
 
***
 
Vấn đề người già bị ngược đãi
 
Ngược đãi người già là một hiện-tượng không mới mẻ gì trong xã hội ngày nay. Nó có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào và có liên quan đến tất cả mọi người.
 
Nhưng đau đớn nhất là hầu như đa số chúng ta đều coi thường nó.
Mọi người đều nhắm mắt lại và cố ý ngoãnh mặt làm ngơ, kể cả một số người già.
 
Họ không muốn chấp nhận một sự thật đau lòng và cũng không muốn nhìn nhận họ là nạn-nhân của sự ngược đãi đến từ bên trong gia đình.
 
Đó mới thật sự là điều đau đớn nhất./.
 
***
Nước mắt chảy xuôi
Tầng lớp người già càng ngày càng gia tăng thêm lên mãi nên, và một số các cụ chọn giải pháp được sống ở nhà để được gần gũi với con cháu. Một số khác thì sống trong các nhà già hay viện dưỡng lão nursing home...Đây là nói trong bối cảnh các cụ sống tại hải ngoại mà thôi.
Còn tình hình người già bên nhà sống ra sao, người viết không được rõ lắm, nhưng nghe nói là cần phải có tiền càng nhiều thì càng tốt, càng dễ tính hơn…
Cho dù chọn giải pháp nào đi nữa các cụ cũng vẫn có thể là nạn-nhân của sự ngược đãi và bạo hành đến từ người thân trong gia đình hoặc từ nhân viên chăm sóc trong các nhà già!
Đó có thể là sự ngược đãi về mặt tinh-thần thí dụ như thiếu lễ độ, đóng mạnh cửa, nói nặng nói nhẹ, nhục mạ, chửi bới, xỏ xiên, xem các cụ như con nít, bỏ mặc các cụ ở trong phòng hay trên ghế và không thèm nói năng giải thích gì cả, vân vân; và về mặt thể-xác thí dụ như xô đẩy, mạnh tay mạnh chân, không thay tã lót, lợi dụng tiền bạc, vân vân.
Thưòng thì các cụ không dám tố cáo các hành-vi trên vì sợ bị trả thù!
Riêng đối với một số người thân trong gia đình thì họ cũng xem thường việc nầy và cho là không có gì quan trọng cho lắm (?).
Các cụ rất buồn khổ và chỉ còn biết…khóc thầm mà thôi!
***
Vinh danh tuổi già (Éloge de la vieillesse-Hermann Hesse)
*/ Tuổi già là cội nguồn của bao nhiêu là nỗi đau đớn, nhưng đồng thời cũng của biết bao là vẻ đẹp. Để đối phó với các khổ ải của cuộc đời, trong ta đã nẫy sinh ra sự lãng-quên, sự mệt-mỏi và lòng nhẫn-nhục. Tất cả có thể được biểu hiện ra bằng những hình thức như thái độ buông xuôi, lòng chai đá và thờ ơ vô lường. Nhưng nhìn dưới một ánh sáng hơi khác thì đây chính là sự thanh-tịnh, sự kiên-nhẫn, sự hài-hước, ở mức độ khôn ngoan cao cả của Lão-giáo.
(La veillesse est source, page 71)
«La vieillesse est source de bien des douleurs, mais de bien des grâces aussi. Pour nous mettre à l’abri de nos problèmes et de nos souffrances, elle fait naître en nous l’oubli, la fatigue et la résignation. Cela peut prendre la forme de l’indolence, de la sclérose, d’une indifférence atroce : mais sous l’ éclairage légèrement différent d’un autre instant, cela peut apparaître comme la tranquilité, de la patience, de l’humour, un degré élevé de sagesse, le Tao».
 
*/ Trong mảnh vườn của tuổi già, nở rực ra những loài hoa mà ngày xưa chúng ta không hề nghĩ tới việc đem đi trồng: cây ‘quý-phái’ đã đơm hoa ‘kiên-nhẫn’... Tâm ta trở nên thanh tịnh và khoan dung hơn. Khi lòng hăng say muốn can thiệp nhưng hành động đã giảm đi, thì khả năng quan sát hay lắng nghe về thiên nhiên và con người lại càng tăng lên thêm.
 (De la vieillesse, page 67)
«Dans ce jardin de la vieillesse s’épanouissent des fleurs que nous aurions à peine songé cultiver autrefois. Ici fleurit la patience, une plante noble. Nous devenons paisibles, tolérants et plus notre désir d’intervenir, d’agir diminue, plus nous voyons croître notre capacité à observer, à écouter, la nature aussi bien que les hommes».
 
*/ Mọi hành trình nhằm mục đích đưa ta vào buổi sáng ban mai hay vào đêm tối tĩnh mịch, đều dẫn đến cõi chết và sau cùng là một sự tái sanh đau đớn mà linh hồn rất e ngại.
Nhưng khi đến được cuối hành trình, tất cả đều phải chết, tất cả đều tái sanh vì Mẹ Vĩnh Cửu luôn luôn đưa chúng ta trở lại với cuộc sống đời đời.
(Nous avons enduré maladies et souffrances, page 152)
«Tout cheminement, qu’il ait pour but le soleil ou la nuit, aboutit à la mort, à une renaissance douloureuse que l’âme craint. Mais les hommes font le chemin, tous meurent, tous renaissent car la Mère éternelle les ramène infiniment à la vie».
 
***
 
Tâm sự của một y công - Chăm sóc cuối đời
 
Chăm sóc bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời, chẳng hạn như thay tã, thay quần áo, làm giường, giúp người bệnh trong vấn đề ăn uống, vấn đề vệ sinh, vân vân là những công việc thường lệ của một y công.
Đây là một job không phải dễ, rất cực nhọc, đòi hỏi một sức chịu-đựng và một sự nhẫn-nại hơn người…Không phải ai cũng có thể làm được hết đâu!
 
Làm việc trong một khung cảnh đượm vẻ thê lương, nặng nề và đầy rẫy những âm thanh rên xiết suốt ngày suốt đêm. Và người y công cũng không dám nói là mình chai đá dửng dưng trước những cảnh đời quá phủ phàng, những kiếp nhân sinh quá phù du được!
Nói theo Phật giáo, thì chúng ta vì lòng luyến-ái nên cố bám víu vào cuộc sống, và vì tâm vô-minh nên không biết đó là tạm bợ, là giả tạo… Không có gì là thật cả!
Cố tình không bàn đến cái chết là cố tình không muốn biết đến lực lượng đông đảo bác-sĩ, y-tá, y-công và thiện-nguyện-viên đang ngày đêm hy sinh, họ không quản ngại khó khăn và sát cánh bên nhau để giúp cho các bệnh-nhân cuối đời có được những giây phút thoải mái trước khi thanh thản nhắm mắt về cõi vĩnh-hằng!
***
Trợ tử, nên hay không nên?
Trợ-tử (euthanasia) còn là một vấn đề rất cấm kỵ, rất tế nhị ở phần lớn các quốc gia tiến bộ nhất là các quốc gia phương Tây nơi mà cuộc sống con người rất được quý trọng.
 
Được biết giúp người khác tự vận hay trợ tử là một hành động không được pháp luật nhìn nhận, và cho phép tại hầu hết các quốc gia tiến bộ trên thế giới kể cả Việt Nam!
 
Tuy nhiên, cũng có một số ít quốc gia cho phép trợ tử trong những trường hợp thật đặc biệt.
Đó là Thụy Sĩ, Hòa Lan, Bỉ, Hoa kỳ (tiểu bang Oregon và mới gần đây có thêm tiểu bang Washington nữa).
 
Người già là một gánh nặng cho xã hội...Tuổi già thì phải bệnh, phải chịu đau đớn về tinh thần lẫn thể xác. Sau một thời gian thì phải ra đi đúng theo quy luật của tạo hóa...
Y phí trang trải để giúp các cụ kéo dài thêm cuộc sống tạm bợ không ngừng gia tăng thêm mãi đặc biệt là tại những quốc gia Âu Mỹ!
Khu vực săn sóc cuối đời (soins palliatifs), nhà già, viện dưỡng lão đã trở nên những nhu cầu cấp thiết trong xã hội ngày nay!
 
Tại Québec, thăm dò trong giới bác-sĩ chuyên khoa spécialistes và bác-sĩ gia đình cho biết, có 75% đều ok cho việc trợ-tử!
Thăm dò Crop cho thấy, 80% dân Québec đều thuận việc trợ-tử nếu chính tay người bệnh-nhân làm đơn xin!
Tại Hoa Kỳ, theo cuộc thăm dò Gallup năm 2002 cho thấy, 72% dân chúng Mỹ thuận việc trợ tử!
 
 
***
Chết có thật đáng sợ hay không?
 
 
“Life is uncertain, death is certain”
“Mạng sống vốn mong manh, cái chết là điều cầm chắc”
 
Đây là tựa đề quyển sách giá trị nói về cái chết... Sách do Venerable Dr Sri Dammananda viết và được thầy Thích Tâm Quang dịch. Sau đây là tóm lược các ý chính:
 
-/ Chúng ta không nên sợ chết vì đó là lẽ thường tình, là quy luật tất yếu của tiến trình của vòng sanh tử mà thôi. Có sanh thìphải có tử, để có thể tái sanh theo nghiệp lực nhân quả luân hồi;
 
-/ Nghĩ cho cùng cái chết chỉ là một giai đoạn của cái sống. Có chết đi thì mới có được một cái sống mới khác tiếp nối theo được.
 
Vậy, hãy trân quý cuộc sống ngày hôm nay. Không nên để tâm-trạng sợ chết trở thành một nỗi ám-ảnh thường xuyên làm ô nhiễm cuộc sống hiện tại của chúng ta.
 
Hãy quên sự chết đi để mà sống.
Chừng nào chết thì chết!
 
Chết thì dễ, là việc đương nhiên rồi.
Nhưng, sống sao cho đáng sống mới là...việc khó!
 
Không có gì là thật cả!
Đời là vô thường!
 
Montreal, Dec 14, 2010
***
Chết có thật đáng sợ hay không?
 
 
“Life is uncertain, death is certain”
“Mạng sống vốn mong manh, cái chết là điều cầm chắc”
 
Đây là tựa đề quyển sách giá trị nói về cái chết... Sách do Venerable Dr Sri Dammananda viết và được thầy Thích Tâm Quang dịch. Sau đây là tóm lược các ý chính:
 
-/ Chúng ta không nên sợ chết vì đó là lẽ thường tình, là quy luật tất yếu của tiến trình của vòng sanh tử mà thôi. Có sanh thìphải có tử, để có thể tái sanh theo nghiệp lực nhân quả luân hồi;
 
-/ Nghĩ cho cùng cái chết chỉ là một giai đoạn của cái sống. Có chết đi thì mới có được một cái sống mới khác tiếp nối theo được.
 
Vậy, hãy trân quý cuộc sống ngày hôm nay. Không nên để tâm-trạng sợ chết trở thành một nỗi ám-ảnh thường xuyên làm ô nhiễm cuộc sống hiện tại của chúng ta.
 
Hãy quên sự chết đi để mà sống.
Chừng nào chết thì chết!
 
Chết thì dễ, là việc đương nhiên rồi.
Nhưng, sống sao cho đáng sống mới là...việc khó!
 
Không có gì là thật cả!
Đời là vô thường!
 
Montreal, Dec 14, 2010
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 852221 visitors (2210569 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free