TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tiến hóa quy trình sản xuất lúa
 
Lên mạng ngày 4/1/2011

TIẾN HÓA QUI TRÌNH
SẢN XUẤT LÚA
 
 
 
1.        MỞ ĐẦU
2.        VỤ LÚA QUA CÁC THỜI ĐẠI
3.        CÁC GIỐNG LÚA TỪ VĂN HÓA BẮC SƠN ĐẾN NAY
4.        TIẾN HÓA CÔNG CỤ SẢN XUẤT LÚA
5.        PHÁT TRIỂN THỦY NÔNG
6.        TIẾN HÓA TRONG CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ LÚA
7.        TIẾN HÓA CANH TÁC LÚA TỪ THỜI CỔ ĐẠI ĐẾN NAY
8.        TIẾN HÓA VỀ DIỆN TÍCH VÀ NĂNG SUẤT LÚA
9.        KẾT LUẬN
 
 
 
 
1.   MỞ ĐẦU
Quá trình lịch sử sản xuất lúa gạo trên đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều thời đại và các nền văn hóa từ cổ sơ đến hiện đại. Các cư dân nguyên thủy phải trải qua nhiều thử thách lớn, tranh đấu lâu dài với thiên nhiên để sinh tồn và tiến bộ. Họ phát triển đời sống của mình và cộng đồng dựa trên sáng kiến, sức chịu đựng và kinh nghiệm làm việc hàng ngày. Nghề nông đã giúp cho họ đạt đến đời sống tiến bộ dài lâu, được truyền từ thế hệ trước đến thế hệ sau, tiếp nối không ngừng trong khoảng từ 8.000 đến 10.000 năm qua. Hệ thống quản lý trồng lúa tiến bộ hôm nay là do óc sáng tạo, lòng kiên nhẫn và sức phấn đấu gian khổ con người trong bước đường tiến hóa lâu dài và thăng trầm đất nước.
 
Các số liệu, thống kê liên hệ đến nông nghiệp rất hiếm hoi từ thời đại Hùng Vương cho đến giữa thế kỷ XIX. Các tư liệu nêu ra dưới đây căn cứ vào các sử liệu hiện có, trong đó nhiều dữ kiện dựa vào các truyện dân gian lưu truyền hoặc sử sách thư tịch Trung Quốc. Từ thời Pháp thuộc trở về sau, tài liệu, thông tin tương đối súc tích hơn (Xem thêm Chương 5, 6, 7 và 8). Trong Chương này, sự tiến hóa của qui trình sản xuất lúa từ vụ mùa đến giống lúa, vấn đề thủy nông, công cụ sản xuất, công tác chăm sóc, và lề lối trồng lúa lần lượt được thảo luận qua các thời đại.
 
 
2.   VỤ LÚA QUA CÁC THỜI ĐẠI
Do ảnh hướng gió mùa, cư dân trồng một vụ lúa vào mùa mưa từ thời tiền sử. Nhờ có giống lúa Chiêm thích hợp, họ tiến dần đến hai vụ mỗi năm vào đầu Công Nguyên. Do dân số gia tăng và điều kiện thủy lợi tốt, nông dân trồng ba vụ lúa ở Miền Trung và Miền Nam từ giữa hậu bán thế kỷ XX cho đến nay.
 
Dĩ nhiên, các bộ lạc trồng lúa trên đất Việt Nam vào thời kỳ văn hóa Bắc Sơn (6.000 năm trước) chỉ trồng một vụ lúa rẫy mỗi năm vì chưa có sức ép của dân số. Đến nền văn hóa Phùng Nguyên-Đồng Đậu (4.000-3.500 năm cách ngày nay) cư dân sống tập trung nhiều nơi. Khi biển lùi bắt đầu họ bắt đầu trồng lúa nước ở các thung lũng hoặc lưu vực sông ngòi, vì sản xuất ổn định và năng suất cao hơn. Chiều hướng trồng lúa này tiếp tục cho đến cuối thời đại Hùng Vương và An Dương Vương. Nền văn minh lúa nước ra đời. Vào đầu CN, nhờ du nhập giống lúa Chiêm không quang cảm và ngắn ngày từ miền Trung, người Việt mới có thể phối hợp giống lúa với dẫn thoát thủy để trồng hai vụ mỗi năm hầu đáp ứng nhu cầu lúa gạo gia tăng. Từ đó, ở miền Bắc có vụ lúa Chiêm trồng từ tháng 11 đến tháng 5 và vụ lúa Mùa từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch. 
 
      Theo sách Di Vật Chí, “Lúa ở Giao chỉ mỗi năm trồng hai lần về mùa hạ và mùa đông”. Nhiều sử sách Tàu trong thế kỷ II và III cũng ghi chép như thế. Hệ thống canh tác lúa Chiêm và lúa Mùa đã kéo dài hai ngàn năm ở Miền Bắc. Miền Trung có thể trồng 2 vụ lúa mỗi năm vào lúc nước Chiêm Thành được thành lập cách nay độ hai ngàn năm hoặc sớn hơn, nhờ có giống lúa Chiêm du nhập từ Ấn Độ và ảnh hưởng văn minh của nước này. Ở miền Nam, lúa hai mùa chỉ xuất hiện giữa thời kỳ Pháp thuộc khi công tác thủy nông được thực hiện qui mô để đem nước tưới ruộng vào mùa nắng. Cho đến 1975, Miền Nam chỉ có độ 300,000 ha đất ruộng được tưới nước vào mùa khô với các máy bơm nước. Lúa trồng ở miền này gồm có 3 loại: lúa sớm, lúa lỡ và lúa muộn tùy theo thời gian trồng và mức độ ảnh hưởng của quang cảm (Xem thêm Chương 3: Tiến hóa cây lúa và các loại lúa).
 
      Trong thời kỳ Cách Mạng Xanh (CMX) xảy ra, công tác thủy lợi phát triển mạnh mẽ đã tạo điều kiện thâm canh ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nông dân trồng đến 3 vụ lúa. Ngay cả ở những vùng đông dân cư, thiếu ruộng đất như tỉnh Long An và Tiền Giang, nông dân đã trồng hai vụ lúa vào mùa mưa ở những nơi chưa có hệ thống tưới tiêu. Trong CMX, cơ cấu trồng lúa cả hai miền Nam Bắc đã thay đổi rất quan trọng:
 
      - Miền Bắc: Vụ Chiêm lần lượt giảm bớt và chuyển qua vụ Xuân, hoặc Xuân muộn. Ngoài ra, nhiều nơi còn trồng thêm vụ màu mùa đông như bắp, đậu tương, khoai tây… sau vụ Mùa.
 
      - Miền Nam: Vụ lúa Mùa giảm sút đáng kể và chuyển qua vụ Đông-Xuân và Hè-Thu (Xem thêm Chương 8: Từ 1954 đến Cách Mạng Xanh và Đổi Mới:Phát triển sản xuất lúa hiện đại).
 
      - Miền Trung và Miền Nam: Trong thời kỳ Đổi Mới, nhiều nông dân trồng đến 3 vụ lúa mỗi năm ở những vùng thiếu đất và điều kiện thủy lợi cho phép. Về mặt kỹ thuật, lề lối canh tác này không vững bền vì có thể gây ra nhiều dịch hại sâu bệnh trầm trọng và đất đai suy thoái mau lẹ. Nên trồng vụ thứ ba bằng một màu khác có lợi ích lâu dài hơn. Trong 2007, có đến 300.000 ha được trồng 3 vụ lúa mỗi năm ở ĐBSCL.
 
 
 3.   CÁC GIỐNG LÚA TỪ VĂN HÓA BẮC SƠN ĐẾN NAY 
Xin nhắc lại trong khoảng thời gian 7.000 - 8.000 năm trước, cây lúa đã trải qua các quá trình tiến hóa từ thuần dưỡng đến tuyển chọn và lai tạo để phát triển liên tục và trở nên cây lúa hiện đại (Xem thêm Chương 3: Tiến hóa cây lúa và các loại lúa). Một số đặc tính chủ yếu của cây lúa biến đổi từ lúa dại qua lúa trồng như sau:
 
- Một số lúa dại đa niên trở thành lúa dại hàng niên và cây lúa trồng hàng niên,
- Thân cao trở thành thấp giàn: nửa lùn,
- Ít chồi trở nên nhiều chồi hữu hiệu,
- Lá lúa cong oằn, xanh lợt trở nên lá thẳng và xanh đậm,
- Cây lúa xoè ra trở thành gom lại,
- Bông lúa ít hạt, dễ rụng trở nên nhiều hạt và ít rụng,
- Hạt lúa có đuôi trở thành hạt không đuôi,
- Thời gian hạt chín kéo dài trở nên chín đồng đều và thời gian ngắn,
- Hạt lúa nâu tím trở nên vàng lúc chín,
- Hạt lúa hưu miên kéo dài trở nên ít,
- Năng suất tăng từ thấp (độ 500 kg/ha) lên cao (10-11 t/ha).
 
Cho đến khi các bộ lạc trồng lúa xuất hiện, cây lúa đã được thuần dưỡng hàng trăm năm và đã trở thành cây lúa hàng niên, nhưng diện mạo còn giống như cây lúa dại nên năng suất rất thấp. Chắc chắn rằng đã có nhiều giống lúa được trồng bởi nhiều bộ lạc khác nhau trên đất nước từ khi cư dân biết trồng lúa rẫy, lúa na (thung lũng) và lúa nước phù sa. Các giống lúa của 3 loại này khác xa nhau vì điều kiện sinh thái khác nhau: vùng đất cao, vùng thung lũng và vùng đồng bằng phù sa. Hơn nữa, các giống lúa được trồng ở nhiều địa phương khác nhau, nên tiến hóa theo thời gian và môi trường. Cần lưu ý rằng các “giống” lúa tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ học từ thời sơ cổ đến trước thời Bắc thuộc chưa được định danh rõ ràng, ngoại trừ nhận diện hai loại gạo nếp và gạo tẻ, và các hạt gạo có hình dạng khác nhau. Sau đây là một số báo cáo về các loại, giống lúa đã biết đến:
 
  • Lúa nếp và lúa tẻ: Trong nền văn hóa Bắc Sơn, các bộ lạc phần lớn trồng lúa nếp (có hạt bầu tròn) ở nương rẫy trên các đồi núi hay đất cao. Hiện nay, nếp vẫn còn là lương thực quan trọng của dân tộc Thái, Tài, Mường.... Dân tộc Lào, và người Thái vùng Đông Bắc vẫn còn ăn cơm nếp mỗi ngày ba lần: sáng, trưa và chiều tối. Tục lệ cúng bánh chưng và bánh dày vào dip Tết; làm xôi, rượu cúng Ông Bà trong ngày giỗ kỵ và dùng trong các lễ hội vẫn còn tiếp nối từ thời đại Hùng Vương đến nay. Trong thời đại Hùng Vương, lúa tẻ có hình dáng thon dài, đã hiện diện và được các nhà khảo cổ tìm thấy trong các hạt gạo cháy tại di chỉ
văn hóa Đồng Đậu cách nay 3.000 năm, di chỉ Tràng kênh (Hải Phòng) cách nay hơn 3.400 năm. Cho nên, giả thuyết lúa tẻ Việt Nam là do nhập nội từ Trung Quốc không đúng.
 
Ở Việt Nam, trong các thế kỷ sau CN, lúa tẻ được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn và thay thế dần lúa nếp ở ruộng nước, chủ yếu khi tộc Việt bắt đầu cuộc Nam tiến để khai khẩn đồng bằng sông Hồng và miền bắc Trung Phần. Lúa tẻ được biết ở vào thời Hai Bà Trưng (40-43 năm sau CN), vì trong lễ cúng Hai Bà có cả bánh dầy và bánh cuốn làm bằng gạo. Lúa tẻ trở nên phổ biến muộn nhứt từ thế kỷ XVII (Bùi Huy Đáp, 1980 và 1999).
 
Cũng nên biết rằng lúa tẻ và lúa nếp khác nhau chủ yếu về hàm lượng tinh bột (amylose) trong hạt gạo. Gạo tẻ có nhiều chất tinh bột hơn (20-28%), còn gạo nếp chỉ có 0-10% chất amaylose. Khi nấu cơm, gạo tẻ nở nhiều gấp 2 lần gạo nếp. Vì thế, lúa tẻ đã bành trướng mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu dân số gia tăng trong các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới.
 
  • Trong di chỉ khảo cổ Đồng Đậu (cách nay 3.500-3.000 năm), các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hạt gạo cháy có hình dáng kích thước khác nhau, cho biết nông dân đã dùng nhiều giống lúa để trồng. Theo mô tả của Ông Đào Thế Tuấn (1988), có ít nhứt 6 giống lúa tìm thấy tại di chỉ Đồng Đậu; đó là những giống có hạt thon dài, thon ngắn (tẻ), bầu dài, bầu ngắn, tròn dài, tròn ngắn (nếp). Ở di chỉ Tràng Kênh (Hải Phòng), họ còn phát hiện nhiều phấn hoa của một giống lúa nước, có niên đại 3.405 ± 50 năm (Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2000). Nhiều hạt lúa có hình dạng khác nhau được phát hiện ở di chỉ Gò Mun có niên đại C14 là 3.120 ± 100 năm (Sakurai, 1987). Hình dạng khác nhau của hạt lúa cho biết đã có nhiều giống lúa khác nhau được trồng trên đất cao, thung lũng và ruộng nước thấp.
 
 
  • Từ thế kỷ từ VII đến II trước CN, trong Triều đại Hùng Vương, lúa nếp chiếm vị thế quan trọng, với truyền thuyết bánh chưng và bánh dày. Ngoài ra, còn có các giống lúa rẫy, lúa ruộng nước theo thủy triều (lúa nổi), các giống lúa thung lũng (lúa nà), các giống lúa ở lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Chu và sông Cả; các giống lúa ở miền Đông và Tây Nam Phần và các giống lúa sớm, lỡ và muộn do ảnh hưởng quang cảm.
 
  • Thế kỷ thứ I trước và sau CN, có các giống lúa Chiêm, lúa Mùa, lúa nếp hạt tròn, lúa tẻ, lúa nước, lúa rẫy, lúa na. Theo sách Di vật chí : “Lúa Giao chỉ mỗi năm trồng hai lần, về mùa hạ và mùa đông”. Ở miền Bắc, lúc bấy giờ vụ lúa Chiêm (tháng 11-5) bắt đầu xuất hiện với những giống lúa không có quang cảm. Vụ lúa Mùa (tháng 6-11) là vụ lúa chính nhờ nước trời mưa và thủy triều lên xuống với các giống lúa có quang cảm. Sách Di Vật Chí ghi rằng: “Ở Giao Chỉ có loại nếp hương, mỗi năm trồng hai vụ”. Nông dân đã biết trồng các giống lúa tùy theo từng vụ:
 
Vụ Chiêm em cấy lúa Di
Vụ Mùa lúa Dé, sớm thì Ba giăng.
 
  • Thế kỷ thứ III sau CN, xứ Giao Châu (gồm cả Giao Chỉ) “có lúa Hổ chướng (bàn tay hổ), lúa Tử mang (râu tía), lúa Xích khoáng (lúa lụa đỏ). Phương Nam có lúa Thiền minh (lúa chín vào vụ ve kêu), lúa Thất nguyệt thục (chín tháng 7). Có lúa Cái hạ bạch trồng về tháng 1, tháng 5 gặt; sau gốc lại mọc, tháng 9 lại có lúa chín. Lúa Thanh vu lại chín về tháng 6. Lúa Lũy tử, lúa Bạch mạc đều chín về tháng 7. Ba giống lúa này vừa to, vừa dài, nhánh lúa dài một tấc rưỡi, có ở Ích châu. Lúa Cánh có các loại Ô cánh, Hắc khoáng, Thanh ảnh, Hạ bạch” (Sách Quảng chí theo Lê Quí Đôn, 2003)
 
  • Thế kỷ thứ X và XI, có giống lúa (Đạo) còn gọi là lúa Tiên hay lúa Chiêm. Lê Quí Đôn (thế kỷ XVIII) viết: “...còn lúa Cái hạ bạch thì mãi đến đời Chân Tông (998-1022) nhà Tống mới sai sứ sang Chiêm Thành lấy 3 vạn hộc lúa đạo đem về phân phát cho các đạo (các tỉnh) nên mới có giống lúa ấy. Giống lúa này gọi là Tiên (thứ lúa 8 cánh,chín sớm)”. Lúa Chiêm có nhiều loại giống: Lúa Tiên tử hay còn gọi là Hồng liên có hạt thóc to, lòng đỏ, trấu cũng đỏ. Gạo hạt nhỏ, trắng, cấy tháng 4 gặt tháng 6 gọi giống lúa “60 ngày”. Gạo đỏ chín muộn hơn gọi là lúa “80 ngày”. Lại có giống muộn hơn nữa gọi là lúa “100 ngày” (Ho, 1969 và theo Bùi Huy Đáp, 1980). Dĩ nhiên, các giống lúa Chiêm này có mặt ở Miền Trung và có thể ở cả Miền Bắc, tuy nhiên chúng khác với các giống lúa Chiêm đã du nhập vào đồng bằng sông Hồng trước đó 9-10 thế kỷ.
 
  • Đến giữa thế kỷ XVII, “Ở Lĩnh Nam có nhiều thóc tẻ, mà ở Giao Chỉ nhiều nhất. Còn thóc nếp ở An Nam có nếp trắng, nếp vàng; có đến hơn 10 giống; họ dùng gạo tẻ nấu cơm ăn và gạo nếp nấu rượu.” (Sách Quảng Đông tân ngữ theo Bùi Huy Đáp, 1980 và Lê Quí Đôn, 2003).
 
  • Cuối thế kỷ thứ XVIII, Lê Quí Đôn đã quan sát và phân loại 70 giống lúa ra làm: 27 giống lúa mùa, 14 giống lúa Chiêm và 29 giống lúa nếp. Cho đến 1980, hơn 200 năm sau, một số giống lúa kể trên vẫn còn được trồng, như Tám xoan ở Hà Bắc; lúa Thông ở Nam Ninh, Thanh Hóa; Tám râu ở Hải Phòng; Bát ngoạt ở Nghệ Tỉnh; Chiêm bầu ở Vĩnh Phú, Hải Hưng,...(Bùi Huy Đáp, 1980). Lê Quí Đôn (2003) đã mô tả chi tiết về một số giống lúa như sau:
 
Ở miền Bắc:
-          Lúa Thông: cây nhỏ, yếu,
-          Lúa Tám canh hay Tá quảng: cây cao, quả sai,
-          Lúa Hiên: cây cao bông dài,
-          Lúa Chiêm hom có 3 giống: một giống hạt nhỏ dài, đỏ, có râu; một giống hạt mỏng không râu; một giống hạt to đỏ có râu,
-          Lúa Sài đường, Chiêm di: cây nhỏ, yếu, dễ đổ,
-          Lúa Tám trâu, Bồ lo, Thạch, Mang hai, lúa Bột: cây cứng thẳng.
-          Lúa Chiêm vàng và lúa Đăng sơn: cây cứng bị mưa gió không đổ.
-          Lúa Mân sơn, lúa Câu, lúa Ba trăng, Sài đường, Mận đẻ, lúa Lốc: chín sớm
-          Lúa Thạch: chín muộn,
-          Lúa Chiêm dự, lúa Hoa giềng: bông thưa,
-          Lúa Nàng hai, lúa Bột: hạt chi chít, đông đặc;
-          Lúa Nghệ: hạt cực đỏ,
-          Lúa Nấm: Hạt tròn to, có râu, nhẵn,
-          Lúa Tám trâu: hạt vừa vàng vừa đen,
-          Lúa nếp đen: hoa lá đều có hương,
-          Lúa Vươn cổ, lúa Hùng: bông vượt ra khỏi lá, lúa trổ khoe bông,
-          Lúa nếp lùn: bông lúa không ra khỏi ngoài lá hay lúa trổ dấu bông,
-          Lúa Cái hạ bạch: khả năng đẻ chét,
-          Lúa Chiêm di, lúa Gié nước, lúa Hom: chịu đựng nước sâu,
-          Lúa Tám hom, lúa Câu: cần ruộng cao,
-          Lúa Tám sinh, lúa Mít, Lúa Hoa giềng, lúa Lốc: nẩy chồi nhanh,...”
 
Ở miền Trung, Lê Quý Đôn đã ghi nhận trong Phủ Biên Tạp Lục:
-          Ở Triệu Phong có nếp Kỳ lân, nếp Suất, nếp Hạt cau, nếp Hương bầu, nếp Ông lão, nếp Trâu (cấy tháng 11 gặt tháng 4). Lúa tẻ gồm có lúa Sú, lúa Chiêm, lúa Hẻo, lúa Xung, lúa Tám, lúa Viên, lúa vụ 8...
-          Ở Huyện Minh Linh có nếp Bò, nếp Mít, nếp Râu. Lúa tẻ có Ba bả, lúa Chiêm chịu nước mặn, lúa Chăm bọc, lúa Chăm xa, lúa Hẻo
-          Ở Huyện Lệ Thủy có nếp Măng, nếp Nhựa, nếp Hạt cau,...Lúa tẻ có Bát ngoạt, giống Chăm hót, lúa Hẻo.
 
● Vào đầu thế kỷ XIX, ở Gia Định (Phan Huy Chú, 1821):
-          Lúa tẻ Mắc cửi: hạt gạo nhỏ và dài, trắng như bông, rất thơm,
-          Lúa nếp Mướp: hạt lớn, dài, trắng thơm và dẻo,
-          Nếp Mây: hạt gạo dài, lớn, mềm dẻo,
-          Nếp Than: hạt nhỏ đen và mềm dẻo,
-          Nếp Tre: hạt nhỏ như hoa tre,
-          Nếp Sáp.
 
Các giống này đến tháng 5 gieo mạ, tháng 7 cấy, tháng 11 gặt đến tháng 1 mới xong, tháng 2 làm thóc”.
 
            Trong triều đại Gia Long (1802-1820), Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (2005) đã ghi: “Gia Định đất tốt lại rộng, thổ sản như: lúa gạo, cá muối, cây gỗ, chim muông. Lúa có nhiều loại, đại khái có 2 loại: lúa Canhlúa Thuật, trong đó có xen lúa dẻo. Lúa Canh là thứ lúa không dẻo, hạt gạo nhỏ, cơm mềm, mùi rất thơm, là thứ lúa có cái mang (đuôi ở đầu hạt lúa); lúa Thuật là thứ lúa dẻo, hạt tròn mà lớn. Lúa có tên riêng như lúa Tàu, lúa Móng tay, lúa Móng chim, lúa Mô cải, lúa Càn đông, lúa Cà nhe, lúa Tràng nhất, lúa Chàng co, tên gọi khác nhau, và có sớm, muộn, dẻo và không dẻo khác nhau, nhưng thứ ngon đệ nhất là giống lúa Tàu, thứ nhì là giống lúa Cà nhe.
 
Nếp có nếp Hương, nếp Sáp lại có thứ nếp Đen, có tên nữa là nếp Than, sắc tím, nước cốt đen, dùng nhuộm màu hồng, khi ăn không cần giã, lấy chõ xôi hấp cho chín, nhơn khi còn nóng rưới mỡ heo, lá hành và muối trắng, trộn cho đều, mùi vị rất ngọt và giòn.”
 
            Vào giữa thế kỷ XIX, đã có rất nhiều giống lúa tẻ và nếp được tìm thấy ở tỉnh Gia Định và Định Tường (Đại Nam Nhất Thống Chí, tr 241). Có rất nhiều giống lúa của Miền Bắc hoặc Miền Trung được đem vào Miền Nam, như lúa Thơm, lúa Chiêm, lúa Móng chim, lúa Man, lúa Hẻo trắng (Hẻo rằn), lúa Cánh, lúa Ba trăng, lúa Bát ngoạt, lúa Trắng, lúa Dung, lúa Đen, lúa Chày chày; hoặc các loại nếp như nếp Voi, nếp Cau, nếp Bò, nếp Vằn, nếp Bụt, nếp Kỳ lân, nếp Hương bầu, nếp Cút, nếp Cò, nếp Cái, nếp Than, nếp Lụa, nếp Sáp, nếp Trứng (Huỳnh Lứa và cộng sự viên, 1987).                                                                                              
 
·         Vào đầu thế kỷ XX (thập niên 1920 -30), Việt Nam có độ 1.200-2.000 giống lúa, trong đó Miền Nam có ít nhất 800 giống (Carle, 1927) và miền Bắc có 300 giống (Dumont, 1995) (Hình 1). Ở miền Bắc, trong hơn 300 giống lúa trên có độ 100 giống lúa tháng năm, 200 giống lúa tháng mười, độ hơn mười giống lúa “ba trăng” và một số lúa nếp (Dumont, 1995). Theo khảo cứu trong thời gian này, lúa tháng năm (vụ Chiêm) được chia làm 3 nhóm tùy theo sự phân nhánh cấp 1 và cấp 2 của gié lúa:
 
-          Nhánh rất ít: những giống lúa Tép, Sài đường và Chanh
-          Nhánh ít : những giống lúa Bầu
-          Nhánh nhiều: những giống lúa Hom và Cút
 
Lúa tháng năm hay lúa Chiêm: Thời gian sinh trưởng thay đổi tùy theo ngày gieo mạ vì ảnh hưởng của nhiệt độ thấp vào mùa đông, nên có từ 190 đến 230 ngày, năng suất bình quân 2 - 3 t/ha, gồm các giống được ưa thích như Chanh, Tép, Cút và vài loại nếp ở Hải Dương. Lúa Cút và nếp chống ngã. Ở miền Bắc, vụ lúa Chiêm đã có hơn 2.000 năm nay, bắt đầu vào mùa lạnh khô và chấm dứt vào đầu mùa mưa. Vụ lúa Chiêm ở miền Bắc có thể đã bắt nguồn từ giống lúa sớm được đưa từ miền Nam lâu đời (Bùi Huy Đáp, 1980), nhưng nay phần lớn vụ Chiêm được thay thế bởi vụ lúa Xuân có năng suất cao hơn. Trong Lịch Triều Hiến Chương, Ông Phan Huy Chú ghi rằng phủ Triệu Bình ở khoảng giữa địa hạt Thuận Hóa, phía nam giáp Quảng Nam, có ít ruộng mùa, nhiều ruộng Chiêm. Vụ Chiêm là mùa chính còn vụ mùa là trái mùa. Ở Quảng Nam, hiện nay còn trồng lúa Chiêm gọi là lúa Champa, gốc Chiêm Thành, được gieo mạ vào tháng 5 âm lịch và là vụ mùa phụ giữa hai vụ mùa chính (Trần Gia Phụng, 2000).
 
Lúa Tháng mười hay lúa Mùa: Lúa này ngắn ngày hơn lúa tháng Năm do ảnh hưởng quang cảm, có 130 đến 180 ngày, gồm có (Dumond, 1995):
 
-          nhóm lúa Tám: Tám lùn, Tám canh, Tám xoan;
-          nhóm lúa Dé: Dé bun và Dé muộn; và
-          nhóm nếp con: nếp Vân, nếp Thông, nếp Danh, nếp Ruồi.
-          Những giống sớm tốt như nhóm Dé, nhóm Tám (Tám canh), Sớm trăng hoặc Hông; Sớm giai hoặc Trúc. 
-          Một số lúa muộn có năng suất cao và phản ứng phân tốt như: lúa Hon, râu trắng, râu đen. lúa Nghệ. 
-          Những loại nếp cũng có năng suất cao, có khi đến 3 t/ha như: Hin đỏ, Hin trắng, Dé đen, Dé đỏ, nếp Thầu dầu, nếp Cái dộc. Ở Sơn Tây có Dé sớm, Dé đỏ và Tám lùn.
 
Lúa Chiêm thì cấy cho sâu
lúa Mùa thì gãy cành dâu là vừa.
 
Lúa Chiêm đào sâu chôn chặt
lúa Mùa vừa đặt vừa ăn.
 
            ● Trong thập niên 1920, Trung Tâm Thí Nghiệm Lúa đầu tiên của xứ ở Cần Thơ đã tuyển chọn nhiều giống địa phương để trồng đại trà (Bảng 1) (Trần văn Hữu, 1927):
 

Bảng 1: Các giống lúa địa phương tuyển chọn vào thập niên 1920
 
 
     GIỐNG LÚA
 
 
    GIỐNG LÚA
Ba trăng                      
Bông dừa                    
Bông dâu                    
Cà đung          
Cà đung đá                 
Cà đung bông dâu
Cà đung bông chanh
Đung tiên
Huê kỳ
Lúa ngà
Lúa hon
Móng tay                    
Nàng Gồng
Nàng Gồng trắng
Nàng huớt trắng
Nàng bè
Nàng ngọc chùm
Phụng tiên
Rạ mày
Rạ niêu
Rạ chùm
Tàu chến
Trăng lớn
Trăng nhỏ
 
 
 
 
 
 
Hình 1: Hình họa cây lúa nếp, lúa tẻ và lúa núi vào đầu thế kỷ XX (Brenier, 1917)
 
 
● Vào thập niên 1950 và 60: Năm 1952, Việt Nam (Cục Túc Mễ Đông Dương) đã tham gia vào chương trình Catalogue Thế Giới về Nguồn Gien được tổ chức bởi Ủy Ban Lúa Gạo Quốc Tế (International Rice Commission - IRC)[1] thuộc Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Rome, qua cung cấp tài liệu chi tiết về 78 đặc tính của 51 giống lúa cải thiện (gồm nguồn gốc, mô tả cây và hạt lúa, phản ứng sâu bệnh, thiên nhiên và xếp loại chất lượng và năng suất) (FAO, 1952). Mỗi đặc tính được đánh giá từ 0-2 hoặc từ 0-9.
 
Xin nhắc lại Ủy Ban Lúa Gạo Quốc Tế được thành lập từ tháng giêng năm 1949 và hiện có 62 quốc gia trồng lúa quan trọng trên thế giới tham dự với tư cách hội viên, văn phòng Thư Ký Điều Hành hiện đặt tại Tổ chức FAO, Rome. Việt Nam là một hội viên của Ủy Ban. Đa số các giống lúa được nông dân trồng cho đến giữa thời kỳ Cách Mạng Xanh (thập niên 1970 và 80) và được ghi trong Bảng 2:
 
Bảng 2: Các giống lúa địa phương tuyển chọn của Việt Nam trong Catalogue thế giới
 
 
       GIỐNG LÚA
 
 
        GIỐNG LÚA
 
    GIỐNG LÚA
Ba bo ti S7
Hồng xôi B R 31
Nếp hoa vàng 830
Ba Monh ti S6
Họp V A
Nếp trứng vịt G5
Bàu 157
Lúa uoi R 87
Prey keo E 53
Bông sen đen 2R10
Móng chiêm R 58
Puang ngeon E 49
Cà đung Gò công 111 R22
Móng tay trung B2R1i
Rạ vàng 2R5
Cà đung kết R26
Nàng co trắng R 10
Ru X 11 C
Cà đung phèn R29
Nàng ếch 2R6
Sa mo R 78
Cau 264
Nàng ếch R73
Sóc đỏ R 90
Chiêm chanh 198A
Nàng keo R138
Sóc nâu R 42
Đốc phụng R 37
Nàng phệt muộn R18
Tám đen 516 A
Đốc phụng lùn A R16
Nàng quớt R 59
Tàu bắc R 80
Gi
Nàng quớt R 79
Tàu binh C F18
Giàu cao 89 B
Nàng rừng F6
Tàu chệt cục R 53
Dé nổi 33 B
Nàng tây nhỏ C F15
Tép Sài gòn 229
Giồng chiêm 351
Neang Veng 339 E 23
Tiêu bé R 3
Hin trắng
Nếp Cả cương 728
Tunsart R 96
Hồng xôi R 88
Nếp co G7
Vé vàng R 96
 
 
 
 
 
 
 
Riêng tỉnh Tiền Giang có các giống lúa địa phương tiêu biểu cho Nam Bộ vào thời kỳ trước CMX như sau (Huỳnh Minh, 2000):
 
-          Lúa sớm: Puang-ngeon, Sa-mo rằn, Sa-mo trắng, Lúa xiêm, Nàng cóc, Cà- đung sớm, Lúa tiêu, Lúa nhum, Cà-đung kết.
 
-          Lúa lỡ: Nàng quớt, Ba xuyên, Chim nghệ, Cà lây, Lúa nối, Nàng lai, Nanh chồn, Móng chim, Nàng mâu, Nàng vu, Nàng co lỡ, Đốc vàng.
 
-          Lúa mùa: Nàng rà, Nàng phiệt, Nàng gồng, Nàng co mùa, Sóc nâu, Trắng nhỏ, Tàu hương, lúa Chùm, lúa Soi, lúa Móng chùm, Lúa nhỏ, Chùm mai, Chùm mùa, Bông sen, Cà đung.
 
-          Lúa muộn: Lúa Sa vút, Vé vàng, Nàng thơm, Tàu chén.
 
● Từ thập niên 1970 đến nay: Các giống lúa địa phương giảm bớt dần, được thay thế bằng các giống lúa cao năng, nhập nội. Các giống sau này ngày càng chiếm ưu thế trong nền nông nghiệp thâm canh toàn quốc.
 
(i) Miền Bắc: một số giống lúa chính được trồng gồm có:
- Giống lúa tưới tiêu và lúa nước trời: 79-1, A, CR01, CR02, CR203, DH60, DONG 256, Xuân số 4, N28, C70, C71, C180, V1814, V18, DT10, IR17494, Tám thơm, Khang Dân, Q5... 
 
-          Giống lúa lai: Vào năm 1991, nông dân bắt đầu trồng lúa lai đầu tiên trên 100 ha dọc theo biên giới Việt-Trung, chủ yếu ở tỉnh Quảng Ninh. Nhận thấy tiềm năng cao của lúa lai, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã thiết lập kế hoạch phát triển trồng loại lúa với giống nhập nội từ Trung Quốc, được hỗ trợ đặc biệt của cơ quan FAO qua liên tiếp hai dự án lúa lai vào năm 1992-93 và 1996-98. Diện tích lúa lai tăng nhanh từ 11.137 ha trong 1992 lên hơn nửa triệu ha trong năm 2008, tập trung ở Miền Bắc và Miền Trung. Việt Nam là nước đầu tiên trồng lúa lai đại trà ngoài Trung Quốc, kế đến Ấn Độ, Bangladesh, Philippines và Indonesia; nhưng nước ta còn lệ thuộc quá nhiều vào nguồn hạt giống F1 của Trung Quốc!
     
Các giống lúa lai đang phổ biến ở Miền Bắc và Trung gồm có:
-          Giống nhập nội: Nhóm giống 3 dòng: Giống Sán ưu 63, Sán ưu 93, Sán ưu quế 99, Boyou 64, Nhị ưu 63, Nhị ưu 838, Bác ưu 63, Bác ưu 903, Sán ưu quảng 12, Đặc ưu 63, Trúc long, Bio 404… Nhóm giống 2 dòng: Bồi tạp Sơn thanh, Bồi tạp 49...
 
-          Giống lai tạo trong nước: HYT 56, HYT57, HYT82, HYT84, HYT100, VN01/212, TM4, TH2, TH3, TH3-3, TH5-1, Việt lai (VL) 20, VL24, VL50, VL75...
 
(ii) Miền Nam và miền Nam Trung bộ: các giống lúa cải tiến được nông dân ưa chuộng trong đầu thập niên 2000s gồm có (Bảng 3, 4 và 5):
 
Giống lúa sớm: OM 1490, OM 1723, IR 64, OM 1706, VND 95-20, IR 50404, MTL 145, MTL 250, OMCS 94, OM CS 96, OM 997, OM 2031, OM 1633, IR 26579, IR 62032.
 
Giống lúa lỡ: IR 42, OM 723, OM 916, OM 922, THĐB (Tép hành đột biến).
 
Các giống lúa rẫy thường gặp như: Bài thai hồng, BC35-12, C22, Hà lan, KN96, LC90-5, IR4768-1-5-1-1 (hoặc LC 88-67-1). 
 

 
Bảng 3: Các giống lúa cao năng phổ biến đồng bằng sông Cửu Long, (1999)
 
 
Tên giống lúa
 
Nguồn gốc
 
Chu kỳ sinh trưởng (ngày)
 
Giống lúa sớm
 
 
 
OM 1490
OM 606/IR4592
90
OM 1723
KSB 54/IR 50401
95
IR 64
IRRI
105
OM 1706
OM 90/OM 33-1
95
VND 95-20
IR 64 ngẩu biến
105
IR 50404
IRRI
95
MTL 145
Đại học Cần Thơ
95
MTL 250
Đại học Cần Thơ
95
OMCS 94
IR59606-119
95
IR 56279
IRRI
95
OMCS 96
OM 269/IR 266
90
OM 997
OM 554/IR 50401
95
IR 62032
IRRI
105
OM 2031
Lúa Thái Lan/Bông
 hường
95
OM 1633
NN6A/IR32843
95
Giống lúa lỡ
 
 
 
IR 42
IRRI
135
OM 723
NN6A/A 69-1
130
OM 916
BG 380-2/Â9-1
130
OM 922
IR29723/BR4
125
THDB
Tép hành ngẩu biến
130
 
    Nguồn gốc: Bùi Bá Bổng, 2000
 
Bảng 4: Những giống lúa được công nhận giống lúa mới
 
Stt        Tên giống         Năm     Stt        Tên giống         Năm
01        NN 4B 1985    22        Tài nguyên ĐB            1997
02        NN 5 B            1985    23        OMCS 95-5     1997
03        OM 89 1987    24        OM Fi 1           1997
04        OM 80 1987    25        OM 1706         1997
05        TN 108            1988    26        OM 1723         1999
06        OM 86-9          1989    27        OM1490          1999
07        IR 66   1989    28        OM 1633         1999
08        OM 576-18      1990    29        OM 2031         2000
09        IR 19660         1990    30        CM 16-27        2000
10        OM 597           1990    31        OMCS 2000     2002
11        OM 90-9          1992    32        OM 1348-9      2002
12        OM 90-2          1992    33        AS 996            2002
13        IR 29723         1992    34        OM 3536         2004
14        OM 269-65      1993    35        OM 2395         2004
15        IR 49517-23    1993    36        ĐS 20 2004
16        OM 997-6        1994    37        OM 2717         2005
17        Khaw dak Mali            1994    38        OM 2514         2005
18        OM 723 - 7      1994    39        OM 2718         2005
19        OM 1589         1995    40        OM 4498         2007
20        OMCS 94         1995    41        OM 5930         2008
21        IR 62032         1997                          
 
Bảng 5: Những giống lúa được công nhận sản xuất thử
Stt           Tên giống              Năm       Stt           Tên giống              Năm
01           NN8A     1981       31           OM1633                1997
02           OM 33   1984       32           OM1726                1997
03           Mashuri 1985       33           OM1271                1997
04           OM 91   1986       34           OMCS 97              1999
05           OM 90   1986       35           OM 2031               1999
06           OM 88   1987       36           OMCS 2000         2000
07           IR 68      1988       37           OM 2037               2000
08           OM 87-1                1989       38           AS 996   2000
09           OM 87-9                1989       39           CM 42-94             2000
10           OMCS 7                1989       40           OM 2395               2002
11           Một bụi tuyển      1989       41           ĐS 20     2002
12           Trắng chùm tuyển              1989       42           OM 1352-5           2002
13           OM 44-5                1989       43           OM 2717               2004
14           OM 606 1989       44           OM 1352               2004
15           OM 87   1989       45           OM 4495               2004
16           OM 43-26             1989       46           OM 2718               2004
17           OM 296 1990       47           OM 2822               2004
18           OM 59-71             1990       48           OM 3242               2004
19           OM 344 1990       49           OM 1351               2004
20           OM 723-11E        1992       50           OM 3405               2004
21           IR 72      1992       51           OM 4498               2005
22           OM 987 - 1           1992       52           OM 2008               2007
23           OM 1630-108      1994       53           OM 5239               2007
24           OM861-20            1994       54           OM 6073               2008
25           OM 1055               1995       55           OM 4900               2008
26           OM 922 1995       56           OM 5636               2008
27           OM 1270-49         1995       57           OM 4668               2008
28           OMCS 96              1997       58           OM 5199-1           2008
29           OM 95-3                1997       59           OM 4059               2008
30           Tép hành ĐB        1997       60           OM 6561-12         2008
Nguồn: Viện Lúa ĐBSCL, 2010 (http://clrri.org/)
 
            Hiện nay có khoảng 63 giống lúa đang được trồng ở ĐBSCL, trong đó phổ biến nhứt là các giống OM1490, OMCS 2000, VNĐ 95-20, OM576, Jasmine 85 (Mỹ), OM2517, IR50404, IR 64, Khaw Dawk Mali, Hom Mali (Thái Lan), VD10, VD 20 (Đài Loan)... (http://clrri.org/). Có thể biết thêm các giống lúa khác trồng ở VN trong FAO Rice Information (RICEINFO, 2000 hoặc trong Trần Văn Đạt, 2002, p 249-266).
 
 
4.   TIẾN HÓA CÔNG CỤ SẢN XUẤT LÚA
Cuộc Cách Mạng Đá Mới cách nay khoảng 10.000 năm là bước ngoặc quan trọng nhứt khi nhân loại thoát ra khỏi thời kỳ sống hoang dã, hoàn toàn tùy thuộc thiên nhiên để trở nên con người mới khôn ngoan biết suy nghĩ sinh tồn, với các loại thảo mộc kinh tế trong nền nông nghiệp sơ khai. Người ta còn gọi đây là cuộc “Cách Mạnh Xanh đầu tiên” của nhân loại. Ở Việt Nam, cư dân đã bắt đầu cuộc sống “con người” ít nhứt khoảng 8.000 năm trong nền văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, với xuất hiện công cụ sản xuất đá cuội có ghè đẽo một mặt. Từ thời kỳ này đến nền nông nghiệp hiện đại ngày nay, công cụ dùng trong sản xuất nông nghiệp đã trải qua 4 giai đoạn chủ yếu: Từ giai đoạn đá tiến đến giai đoạn đồ đồng, giai đoạn đồ sắt và giai đoạn cơ giớì hóa, như đã thấy trong Phần II: Lịch sử cây lúa Việt Nam.
 
            Đồ đá: gồm có các công cụ sản xuất bằng đá ghè đẽo một mặt rồi hai mặt và nhiều loại khác nhau, như rìu Bắc Sơn, rìu đá và cuốc đá có vai trong nền văn hóa Đa Bút-Quỳnh Văn ven biển, văn hóa Cầu Sắt-Suối Linh ở Nam bộ (Hình 2 và 3). Sau đó, xuất hiện các loại cuốc, rìu đá hình tứ giác, có lưỡi lệch về một bên, liềm đá để cắt lúa chín trong nền văn hóa Phùng Nguyên.      
           
Đồ đồng: Trong nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun, nhứt là văn hóa Đông Sơn, nông dân sử dụng các loại rìu đồng có họng để tra cán, cuốc đồng hình chữ U hoặc có họng tra cán với lưỡi hình tam giác hay vòng cung. Lưỡi cày đồng có 4 loại: lưỡi cày hình tam giác, lưỡi cày hình tim (chiếm đến 50%), lưỡi cày hình bướm hay chân vịt (Hình 4) và lưỡi cày vai ngang hay vai nhọn. Còn có dao gặt hay nhíp dùng để gặt lúa.
 
 
  
 
Hình 4: Lưỡi cày bằng đồng vào thời kỳ văn hóa Đông sơn (2.500-3.000 năm trước) (Ảnh: N. K. Quỳnh)
 
 
Đồ sắt: Gồm có rìu sắt, cuốc sắt với lưỡi cuốc có vai, có họng tra cán hình chữ nhựt và lưỡi cuốc có họng tra cán hình chữ U, lưỡi xoè rộng hình cung, xuất hiện từ khoảng giữa thời đại Hùng Vương. Còn có các liềm sắt để gặt lúa.
 
            Đến giai đoạn Bắc thuộc và Độc Lập, các công cụ sản xuất như cày có lưỡi sắt bén, bừa có răng bằng gỗ hoặc sắt (Hình 5 và 6) và trục để đánh bùn, diệt cỏ, giữ nước và cấy lúa.
 
Trong thời Pháp thuộc, ngành cơ giới hóa được du nhập vào nước với các loại máy kéo, lưỡi cày chảo (đĩa) (Hình 7), bừa sử dụng trong các đồn điền, nông trại lớn của người Pháp và một số đại điền chủ. Đa số ruộng tiểu nông và trung nông vẫn tiếp tục dùng lao động con người, sức kéo trâu bò và các loại cày, bừa và trục của thời phong kiến cho đến cuộc Cách Mạng Xanh cuối cùng bắt đầu. Ngày nay, nhà nước đang thực hiện chủ trương hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước, gồm cả nông nghiệp.
 
 
 
 
 
Hình 5: Cày ruộng (ảnh Dumont, 1995)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Hình 6: Bừa ruộng (ảnh Dumont, 1995) (deleted)
 
 
 
 
 
Hình 7: Cày chảo CS-4-30 (Phan Hữu Hiền, 2010)
 

Từ 1955 đến nay, ngành nông nghiệp cơ giới phát triển theo từng Miền như sau (Phan Hữu Hiền, 2010):
 
- 1955- 1975 ở Miền Bắc, cơ giới hóa dùng các máy kéo 50 HP (mã lực) [2] cho các nông trường và các trạm máy kéo. Đến 1997, toàn miền có khoảng 5.000 máy kéo lớn và 3.000 máy kéo nhỏ (hai bánh, £ 12 HP). Cơ giới hóa làm đất chỉ 3%. 
 
- 1955- 1975 ở Miền Nam, cơ giới hóa được sử dụng trong khai khẩn đất mới ở các dinh điền và làm đất ở ĐBSCL. Máy kéo 4 bánh lớn cỡ 60-90 HP và máy kéo 2 bánh cỡ nhỏ 4 bánh (dưới 30 HP) hoặc 2 bánh phay đất ruộng nước được sử dụng. Năm 1975, có 7.000 máy kéo trên 30 HP, 2.000 máy kéo dưới 30 HP, và 12.000 máy kéo hai bánh. 
 
- 1975- 1988, ở hai Miền, cơ giới hóa tập trung khoảng 300 trạm máy kéo quốc doanh tại huyện, đặc biệt chú ý máy kéo 50 HP với bánh lồng, bánh sắt, thuyền phao... để làm đất cho ruộng nước. Đã nhập 13.000 máy kéo chủ yếu cỡ 50 - 65 HP như MTZ 50, Renault 551, Steyr 768; và một số ít 80 HP như MTZ80, và máy kéo bánh xích như DT 75. Phương thức trạm máy kéo không hiệu quả nên lần lượt bị đóng cửa. Mức độ cơ giới hóa làm đất giảm từ 27% năm 1980 xuống còn 21% năm 1990. Riêng ĐBSCL vẫn còn giữ khoảng 45%, tỉnh An Giang chiếm trên 70%.
 
Từ 1990 ở Miền Nam, máy kéo 4 bánh cũ 14 - 25 HP được nhập nhiều từ Nhựt Bổn. Công nghiệp trong nước chế tạo động cơ diesel, dùng tĩnh tại hoặc cho máy kéo nhỏ, với khoảng 7.000 động cơ 6 - 12 HP, đáp ứng chỉ một phần nhu cầu.
 
Năm 2005, Việt Nam có khoảng 310 000 máy kéo, trong đó khoảng 3/4 là loại 2 bánh công suất dưới 15 HP; và tổng công suất khoảng 3,5 triệu HP. Số máy này giúp làm đất 67% cho cả nước, riêng ĐBSCL đạt hơn 92% làm đất bằng cơ giới.
 
 
 
Công nghiệp hóa là một triến trình sản xuất nông sản mà trong đó đa số hoạt động được thay thế bằng máy móc để làm tăng sản xuất trên một đơn vị đất đai, tăng gia hiệu năng lao động và thu hoạch lợi tức cao. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang gặp bốn trở ngại lớn trong việc cơ giới hóa ngành trồng lúa: nông thôn còn thiếu vốn liếng và nghèo khó, thiếu hạ tầng cơ sở, thiếu thông tin, và kiến thức; nhưng thừa lao động nông thôn. Nền kinh tế cả nước chưa phát triển mạnh và nạn thất nghiệp hoặc khiếm dụng nhân công còn nhiều tại nông thôn. Một khi người dân trồng lúa còn nghèo làm sao họ có đủ khả năng mua sắm các dụng cụ cơ giới và một khi ngành trồng lúa đã được cơ giới rồi thì nhân công thặng dư ở làng ấp sẽ phải làm gì để sinh sống? Theo kinh nghiệm của các nước đã hoặc đang phát triển mạnh như Nhựt Bổn, Đại Hàn, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan,... điều kiện tiên quyết để cơ giới hóa là nền kinh tế quốc gia phải phát triển liên tục và đồng bộ cả thành thị lẫn nông thôn. Công nghiệp hóa sẽ thu hút nhiều lao động.
 
Cho nên, công nghiệp hóa nông nghiệp nói chung và ngành trồng lúa nói riêng còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế tại nông thôn và cần phải phát triển kinh tế đồng bộ cả nước. Các diện sau đây cần đặc biệt lưu ý tới:
(i) Trước hếtcần phải có các chính sách và luật lệ thích ứng về tích tụ đất đai, chế độ thuế khóa, giám định chất lượng và môi trường.

(ii) Sau đó, phát triển chát xám là nhu cầu chính của công nghiệp hóa, đặc biệt trong ngành khảo cứu để tăng gia năng suất và chất lượng của sản phẩm nguyên liệu và biến chế.

(iii) Chính sách tín dụng là yếu tố khuyến khích các nhà đầu tư và nông dân tham gia vào chương trình cơ giới hóa nông thôn.

(iv) Hạ tầng cơ sở, đặc biệt điện, nước, đường sá, cầu cống, sông rạch tại nông thôn cần được cải tiến và phát triển để tạo sự giao thông và vận tải nông sản dễ dàng đồng thời đưa ánh sáng văn minh vào thôn ấp.
 
5.   PHÁT TRIỂN THỦY NÔNG
Nước là một thành phần cấu tạo lớn nhất của sinh vật: con người, thú vật, cây cối, cá tôm, v.v. Do đó, nước là nhu cầu thiết yếu cho đời sống của muôn loài. Trong nông nghiệp, nước là yếu tố ưu tiên, cần thiết cho sự phát triển và sinh sản thảo mộc và thú vật, đồng thời tạo điều kiện thâm canh hóa. Cho nên, sử dụng hữu hiệu và bảo tồn nguồn nước thiên nhiên là hai công tác quan trọng để khai thác nông nghiệp lâu dài. Công tác thủy nông bao gồm các công tác ngăn lũ lụt, đem nước từ sông rạch, nơi vùng đất cao vào ruộng thấp, đem nước vào ruộng cao, ngăn chận nước mặn, làm thoát nước ở các vùng thấp trũng và làm kinh rạch để nối mạng thủy nông. Phát triển nông nghiệp tưới tiêu của đất nước đã trải qua thời gian dài hơn 3.000 năm, từ nền văn hóa Đông Sơn đến nay.
 
Cây lúa không cần nhiều nước như nhiều người đã nghĩ. Thật vậy, lúa rẫy chỉ cần số lượng nước khoảng 600 m3/ha cho mỗi vụ, tương đương với các loại ngũ cốc khác như bắp, lúa mì. Tuy nhiên, cây lúa được trồng ở những nơi có nhiều nước để làm giảm bớt áp lực cỏ dại và cung cấp chất dinh dưỡng dễ dàng cho cây hấp thụ, hoặc trong tình trạng không thể tránh được như mùa mưa ở vùng gió mùa. Lúa tưới tiêu cần từ 10.000-15.000 m3 (hoặc 1.000-1.500 mm) nước cho mỗi hecta mỗi vụ. 
 
5.1.   Tiến hóa thủy nông theo thời đại
Từ thời Cổ Đại, nông dân thường lo âu về vấn đề nước khi trồng lúa: mùa lúa Chiêm lo lúa chết vì trời hạn, thiếu nước và rét lạnh đầu mùa; lúa mùa lo ruộng bị úng thủy khi có mưa nhiều: Chiêm chết se hè chết đọng. Vì không thể điều khiển được mực nước trong ruộng, họ hoàn toàn trông cậy vào trời mưa mỗi năm:
 
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
 
Chuồn chuồn bay thấp trời mưa,
Bay cao trời nắng bay vừa trời râm.
 
Đã buồn vì trận mưa rào
Lại đau vì nỗi ào ào gió đông.
 
 
Tuy nhiên, trình độ hiểu biết về thủy lợi ở nước ta đã có từ thời sơ sử. Công trình thủy lợi bằng đá basalte xếp ở Do Linh, Quảng Trị được xây dựng không rõ thời đại, nhưng theo bà M. Colani, nhà tiền sử học Đông Dương, có thể vào những thế kỷ sau Công Nguyên do chủ nhân người cổ Indonesia đồng thời với các vùng khác ở Nam và Đông Nam Á Châu. Tuy nhiên, một số học giả khác như Cadière, A. Masson, L. Bezacier cho rằng công trình này có thể xuất hiện vào thời cổ sơ, nhiều thế kỷ trước CN. Dấu vết hệ thống thủy lợi bậc thang ở quanh núi Cồn Tiên, đặc biệt ở Vũng Đào thuộc làng An Nha có bốn bậc như sau (Tạ Chí Đại Trường, 1996):
 
(i)                 Trên cao hơn hết là vùng mặt bằng,
(ii)               Phía dưới là vũng thượng nhận nước từ trên núi chảy xuống,
(iii)             Kế dưới thấp hơn là vũng chứa nước chảy từ vũng thượng qua các vòi bằng đá, gỗ để lấy nước tắm, giặt,
(iv)             Một vũng tháo nước từ vũng chứa có diện tích rộng lớn.
 
Nước ở trên các vũng chảy theo trọng lực vào các ruộng bậc thấp hơn để dân làng trồng lúa tưới tiêu.
 
Vào thời kỳ dựng nước, người Lạc Việt đã biết trồng lúa theo thủy triều lên xuống từ thế kỷ VI tr. CN theo các tài liệu của Trung Quốc (Maspéro, 1918 và Cima, 1987). Đó là khái niệm thủy lợi cổ sơ nhằm sản xuất thực phẩm để sinh tồn trong điều kiện thiên nhiên. Sau đó, họ biết đắp đê để giữ nước trong ruộng, qua bằng chứng vết tích của đoạn đê còn sót lại của thành Cổ Loa, khoảng 200 tr. CN. Trong thời kỳ Bắc thuộc và Độc Lập, các triều đại quân chủ liên tục thực hiện các công tác đắp đê đập, đào kinh dẫn thoát thủy nhằm phát triển nông nghiệp. Nông dân phải dùng sức lao động để làm các công tác này.
 
Vào thế kỷ IX, Cao Biền đắp đê quanh thành Đại La (thành Thăng Long) dài 2125 trượng để ngăn nước sông (Đào Duy Anh, 1938). Năm 1029, vua Lý Thái Tông ra lệnh đào sông Đan Nãi ở Thanh Hóa, 1051 cho khai kinh Lẫm ở huyện Tống Sơn, Thanh
 
Hóa. Ở kinh thành, sông Tô Lịch được nạo vét nhiều lần để làm dễ dàng lưu thông. Vua Lý Nhân Tôn (1072-1127) đắp đê Cơ Xá, Trần Thái Tôn (1244-1258) đắp hai bờ đê sông Nhị Hà, Vua Lê Thánh Tôn (1460-1497) đặt quan Hà Đê chánh và phó để giữ đê điều. Nhà Hậu Lê (1428-1527) khai thác nông nghiệp và tưới ruộng cho dân (Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2000). Chúa Nguyễn và các triều đại Nhà Nguyễn dồn nỗ lực vào khai khẩn đất hoang, dĩ nhiên phát triển hệ thống thủy nông trên toàn quốc và nhiều hơn hết ở đồng bằng sông Cửu Long.
 
Vào thời Pháp thuộc:
● Miền Bắc: công tác đê đập trở nên thiết yếu và còn là vấn đề sinh tử của dân chúng sống ở đồng bằng trong hơn hai ngàn năm qua. Vì thiếu kinh nghiệm và kiến thức ngành động thủy học nên đê điều thường bị vỡ luôn. Ở tỉnh Hưng Yên đã có 26 lần vỡ đê từ năm 1800 đến 1900, 13 lần từ 1902 đến 1921. Do đó, Pháp thực hiên công tác củng cố đê điều rất nghiêm túc. Vào cuối thế kỷ XIX, thể tích đê ước độ 20 triệu m3 đã tăng lên đến 77 triệu m3 trong 1930. Ngoài ra, Pháp còn thực hiện nhiều công tác dẫn và thoát thủy qua việc đào kinh ở tỉnh Bắc Giang (tưới 7.700 ha), Vĩnh Yên (tưới 17.000 ha), Thái Nguyên-Bắc Giang (tưới 28.000 ha), thiết đặt hệ thống bơm nước ở Sơn Tây (tưới 10.000 ha). Cuộc chỉnh trang các vuông đất lớn hạn định bởi những đê ven sông ở Thái Bình, nam Hà Nội đã dẫn nước vào 110.000 ha. Vì vậy, vào thập niên 1930, độ 10% ruộng nương của châu thổ sông Hồng được dẫn thủy (Đào Duy Anh, 1938). Về sau máy bơm được ráo riết sử dụng để dẫn nước vào ruộng khi cần và thoát nước khi úng thủy. Cho đến năm 1940, độ 250.000 ha được dẫn thủy ở Miền Bắc (Phạm Cao Dương, 1967). Tiếp theo trong thời kỳ độc lập từ năm 1954, công tác thủy lợi phát triển mạnh, nên các vùng trồng lúa Miền Bắc hầu hết được tưới tiêu.
 
● Miền Trung: công tác xây đập trên những dòng sông rất quan trọng để có nước tưới những cánh đồng nhỏ hẹp, giúp nông dân trồng hai hoặc ba vụ lúa mỗi năm vì đất ít người đông. Pháp thực hiện tu chỉnh 270 km đê điều ở hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An thuộc lưu vực các sông Mã, sông Chu và sông Cả trong thời gian từ 1918 đến 1926. Ngoài ra, công tác dẫn thủy với xây dựng đập Bái Thượng trên sông Chu và đào vét 1.120 km kinh dẫn nước,
 
giúp cho 50.000 ha được tưới tiêu ở Thanh Hóa. Nhờ hệ thống bơm đặt trên kinh lớn nhất và trên sông Cả, có đến 58.000 ha ruộng được dẫn thủy ở Nghệ An từ 1932-1937.
 
Nhờ đắp đập Thuận An, 17.300 ha được dẫn nước từ sông Hương vào 1931; đập trên sông Đa Rang cấp nước cho 18.000 ha ở Tuy Hòa từ 1926-1929; dẫn nước cho 12.100 ha của tỉnh Phan Rang từ 1926-1931. Ở bắc Quảng Nam, 15.000 ha được khởi sự công trình dẫn thủy từ 1936. Đến năm 1936, độ 165.200 ha ruộng được tưới tiêu ở Miền Trung (Phạm Cao Dương, 1967). Có thể nói đến nay hầu hết diện tích trồng lúa Miền Trung được tưới tiêu, nhưng thường bị ngập lụt lúc mưa to hoặc có bão tố.
 
● Miền Nam: công tác đào kinh ở ĐBSCL khởi sự từ 1705 cho đến sau 1975 được ghi rõ trong sơ đồ dưới đây (Hình . Vấn đề thoát thủy từ các vùng rộng lớn ở Đồng Tháp Mười, khu Tứ Giác Long Xuyên, vùng U Minh và các vùng lân cận cũng như vấn đề ngọt hóa các vùng nước mặn ven biển là quan trọng hơn hết, nhằm làm dễ dàng giao thông chuyên chở hàng hóa; cung cấp nước uống, trồng trọt; và bảo đảm an ninh địa phương. Vì vậy, có nhiều kinh lớn được đào tiếp theo từ đầu thế kỷ XIX, như kinh Cái Cỏ (1815), kinh Thoại Hà (1818), Vĩnh Tế (1819), kinh An Thông (1819), kinh Bo Bo (1829), kinh Vĩnh An (1843). Vấn đề khơi sông và vét kinh cũng được đặc biệt chú ý đến. Từ năm 1866, rạch Bến Lức và Bảo Định được nạo vét (Nguyễn Minh Quang, 2001).
 
Từ năm 1890 đến 1900, số lượng đất do khơi sông ngòi lên đến 824.000 m3 mỗi năm, nhưng trong thời gian 1920-1930 số lượng đất đào bình quân là 7.233.000 m3 mỗi năm (Đào Duy Anh, 1938). Chỉ từ năm 1860 đến 1936, độ 180 triệu m3 đất đã được vét lên, số lượng đất này tương đương với số đất đào ở kênh Suez, và 1.300 km kênh chánh (rộng 40 m, sâu 2,5 m) cùng 2.500 km kênh phụ đã được khai thông (Phạm Cao Dương, 1967). Vì vậy, đất trồng lúa của Miền Nam chỉ có 215.000 ha vào năm 1868 tăng lên 2,2 triệu ha trong năm 1944 (Trần Văn Hữu, 1927).
 
Trong thập niên 1980 và 90, vùng Đồng Tháp Mười có nhiều kinh được đào hoặc vét nạo theo hướng Tây-Đông, như kinh Hồng Ngự-Vĩnh Hưng (1988), kinh Tân Thành-Lagrange (1996),
 
Đồng Tiến-Lagrange, và kinh An Phong-Mỹ Hòa. Một số kinh đào theo hướng Tây Bắc-Đông Nam như kinh Phú Hiệp, kinh Phước Xuyên, kinh 79, kinh 28. Các con kinh này cùng một số kinh khác đã góp phần làm thay đổi đặc tính lũ lụt trong vùng Đồng Tháp Mười. Cũng vậy, một số kinh đã được đào trong khu Tứ Giác Long Xuyên theo hướng Tây Bắc-Đông Nam nối liền kinh Vĩnh Tế với kinh Mạc Cần Dương, từ Châu Đốc đến Tịnh Biên, đặc biệt là kinh Trà Sư làm thuận lợi cho nước lũ từ Cambodia chảy vào Việt Nam (Nguyễn Minh Quang, 2.000). Các công trình thủy lợi này đã làm cho các vùng đất trũng sâu ĐBSCL bị lũ lụt thường xuyên hơn trước 1975.
 
Hiện nay, nhiều công trình thủy lợi và thủy điện phối hợp đã và đang được xây dựng khắp nước, như thủy điện lớn Hòa Bình, Sơn La, Yala, Trị An…
 
5.2.   Tiến hóa phương tiện thủy nông
Trong thời tiền sử, cư dân đất Việt biết dùng nước mưa để trồng lúa rẫy. Khi biển lùi, họ di chuyển theo nước xuống thung lũng, khai thác trũng đầm để trồng lúa nước vất vả hơn, nhưng sản xuất nhiều hơn và tránh bớt hạn hán. Ít nhứt từ thời Hùng Vương, người Lạc Việt đã biết lợi dụng thủy triều lên xuống để dẫn nước vào ruộng canh tác, đắp đê đập tránh lũ, đắp bờ giữ nước trong mùa mưa. Khi canh tác cố định và gặp lúc hạn hán, họ dùng mọi phương tiện để đưa nước từ nơi khác vào ruộng cấp cứu vụ lúa, gồm cả gỏ chiêng đánh trống cầu trời mưa trong thời kỳ Bắc thuộc và Độc Lập:
 
            Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày...
 
Do đó, nông dân sáng kiến tạo ra và sử dụng các loại gàu, xe đạp nước cổ truyền cho đến khi người Pháp đem vào các loại máy bơm nước để thay thế sức lao động và cung cấp nước cho ruộng lúa nhanh hơn.

 
 
Hình 8: Sơ đồ đào kinh khai thác đồng bằng sông Cửu Long
từ 1705 đến sau 1975 (Yasuyuki, 2001)
 
 
5.2.1.   Dụng cụ tát nước cổ truyền: Nước là nhu cầu thiết yếu của ngành trồng lúa, cho nên nông dân phải làm bằng mọi cách để có đủ nước trong ruộng suốt thời gian canh tác. Vào thời nguyên thủy, họ dựa vào nước trời như nước mưa, nước sông rạch, nước từ vùng đất cao chảy xuống đất thấp. Ngoài ra, họ phải dùng đến sức lao động như tát nước để đem nước vào ruộng khi có nhu cầu. Các phương tiện như gàu dai (hay gàu dây), gàu sòng, xa đạp nước, bánh xe nước (chạy bằng nước sông, suối), v.v. được nông dân triệt để sử dụng trước khi các máy bơm nước xuất hiện (Đào Duy Anh, 1938). 
 
 
Lúa khô cạn nước ai ơi
Rủ nhau tát nước, chờ trời còn lâu.
 
-          Gàu sòng: Ở những nơi ruộng không thấp hơn mặt nước nhiều, người ta dùng gào sòng (Hình 9). Một người tát 7 giờ mỗi ngày và trong 7 ngày mỗi tuần lễ sẽ tưới được độ một thước khối nước. Cần ít nhứt 4 ngày để đưa nước trong ruộng lên 1 cm/mẫu.
 
-          Gàu dai: Ở những ruộng cao hơn mực nước độ 4-5 cm, nông dân dùng loại gào dai do hai người tát (Hình 9 và 10). Cần ít nhứt 8 ngày rưỡi để đem nước vào ruộng độ 1 cm/mẫu.
 
-          Xe đạp nước: Ở miền Trung, nông dân dùng xe đạp nước để tát nước vào ruộng (Hình 11). Ở nơi thấp nhứt thì dùng một xe, ở ruộng cao thì chia làm nhiều bậc, mỗi bậc một xe.
 
-          Bánh xe nước: Bánh xe này dùng sức mạnh của dòng sông để đem nước vào ruộng. Người ta đắp đập ngang sông cho nước chảy mạnh rồi đặt bánh xe ở giữa dòng. Xung quanh bánh xe có gắn những ống tre nhỏ để múc nước dưới sông rồi theo bánh xe lên trên và đổ nước vào máng. Nước ở máng chảy vào mương và cuối cùng phân chia vào các ruộng. Các vật liệu làm bánh xe nước là những thổ sản như tre, gỗ, dây chão. Vào mùa lũ lụt, người ta tháo gở bánh xe nước để tránh bị hư hại.
 
 
Hình 9: Gàu sòng (trái) và gàu dai (phải) (họa của Dumont, 1995)
 
 
 
Hình 10: Tác nước vào ruộng với gàu dai ở Tuy Hoà
(ảnh của Dumont, 1995)
 
Hình 11: Xe đạp nước (họa của Dumont, 1995)
 
 
5.2.2.   Các loại máy bơm nước
Các phương tiện tát nước cổ truyền nêu trên vẫn còn tiếp tục dùng cho đến gần đây, đặc biệt ở những vùng hẻo lánh hoặc nông dân còn quá nghèo. Vào thời kỳ Pháp thuộc, ngành cơ giới hóa nông nghiệp đã được du nhập vào nước ta để khai thác các đồn điền cây kỹ nghệ và các đồng bằng rộng lớn ở Miền Nam, trong đó có các loại máy bơm nước để thay thế sức lao động và tưới ruộng nhanh hơn. Sự sử dụng các loại máy bơm này khá phức tạp để có hiệu suất tưới cao và bền lâu. Hiệu năng máy bơm tùy thuộc vào loại máy chế tạo, sự điều chỉnh đúng lúc, và bảo trì các máy móc và bộ phận bơm nước. Do đó, lựa chọn và sử dụng máy bơm nước thích ứng cho từng địa phương và lề lối canh tác có thể đóng góp nhiều vào hiệu năng dùng nước trong các công trình thủy lợi nông nghiệp.
 
Trên thị trường có rất nhiều loại máy bơm, nhưng có bốn loại máy chính thông dụng: máy bơm ly tâm, máy bơm giếng sâu (turbine), máy bơm ngập nước và máy bơm có quạt trộn nước (Hình
 
12); tùy theo các yêu cầu về số lượng nước đầu ra và đầu vào và độ cao để bơm nước (Hansen et al., 1980 và Scherer, 1993).
 
(i) Máy bơm ly tâm: Với loại máy này, nước được hút vào trục giữa và phun ra chung quanh. Máy bơm ly tâm được xây dựng bằng những trục ngang hoặc dọc. Loại máy bơm trục nằm ngang có những ưu và khuyết điểm như sau:
 
Ưu điểm:
-          hiệu quả cao,
-          dễ chế tạo,
-          tương đối ít sự cố,
-          giá thấp,
-          dễ lấp ráp, và
-          có vận tốc cao
 
Do đó, các lọai bơm này thường nối thẳng vào máy phát điện.
 
Khuyết điểm:
-          lực phun nước lên cao bị giới hạn,
-          cần châm nước vào ống hút và máy bơm để đẩy không khí ra ngoài trước khi khởi động máy bơm, hoặc hút hết không khí với các dụng cụ hút để làm giảm áp suất trong ống dẫn nước và nước sẽ dâng lên từ nguồn.
 
(ii) Máy bơm giếng sâu (Turbine): Trong máy bơm nước này, nước bị ép theo trục thẳng và bị giới hạn trong ống dẫn nước. Bộ phận ép nước có thể là một đơn vị ly tâm hoặc một đơn vị đẩy nước theo trục, hoặc một kiểu máy giữa hai loại ép nước này tùy theo sự liên hệ giữa nước đầu vào và đầu ra. Bộ phận ép và van (hay sú páp) hướng dẫn nước được chứa trong một hộp và trong máy bơm nước có thể có nhiều bộ phận hộp nối tiếp nhau để tạo đủ số luợng nước đầu ra theo ý muốn. Đó là lọai máy bơm nước nhiều tầng. Tất cả các bộ phận này đều ráp đặt gần dưới mặt nước. Hiệu năng của loại bơm nước này tùy thuộc vào sự tương hợp của bộ phận ép nước đối với trạm bơm. Do đó, cần phải điều chỉnh vị trí cây trục của bộ phận ép nước. Lọai máy bơm nước này có thể chạy
 
 
bằng điện hoặc một nguồn năng lượng khác và có thể bơm ở độ sâu đến 300 m nếu ráp đặt máy bơm hoàn hảo.
 
Ưu điểm: 
-          Không cần châm nước trước khi bơm vì bộ phận ép nước được đặt trong nước,
-          Không cần dời đổi vị trí máy bơm vì có một nguồn nước dồi dào.
 
Khuyết điểm:
-          Không thể tiếp cận với các bộ phận của máy bơm nước dễ dàng nên khó có thể kiểm soát và bảo trì thường xuyên.
 
(iii) Máy bơm ngập nước (Turbine): Đây là máy bơm nước Turbine có gắn thêm máy phát điện nhỏ có thể chịu ngập nước. Lọai máy bơm này có đặc tính cũng tương tự như lọai máy bơm giếng sâu kể trên để dùng cho các giếng nước thật sâu, nhưng hiệu năng lại cao hơn vì nhờ ngập nước, có hệ thống làm mát, giảm bớt nhiệt độ của máy cũng như làm giảm rất nhiều số lượng sắt và đồng phát sinh do cọ xát trong lõi máy bơm nước. Máy bơm nước này có nhiều tầng và bơm nước ở độ sâu trên 4.000 m. Máy bơm ngập nước có thể chạy với năng lực đến 250 mã lực trong một hộp chỉ rộng 20 cm.
 
Ưu điểm:
-   Dùng cho giếng thật sâu mà loại máy bơm nước Turbine không thể hoạt động,
- Có thể hoạt động ở nơi có khúc quanh, trong khi máy bơm Turbine có thể bị gãy.
-   Có thể dùng để bơm nước ở những nơi ngập đầy nước.
 
(iv) Máy bơm quạt trộn nước: Máy bơm nước có quạt thường được sử dụng cho dẫn nước đầu vào thấp và đầu ra cao, bằng cách thay đổi độ nghiêng của van và độ cong của bộ phận ép nước, mà không cần thay đổi kích thước của bộ phận ép. Máy bơm này có thể ráp nối nhiều tầng để đạt đến độ cao tưới nước mong muốn. Bộ phận ép nước của máy bơm cần phải đặt chìm dưới mặt
 
nước để tránh khoảng trống không. Máy bơm quạt được ráp đặt với ít tốn kém lúc ban đầu. Mỗi tầng có thể đưa nước thường ít hơn 3 m và có thể được nối thêm những tầng khác để có thể bơm nước ở độ sâu 10 m hoặc hơn nữa.
 
 
 
 
Bơm ly tâm có sức hút
                                                                    
                                                                     
                                                                     
                                                                     
                                                                    
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bơm ngập nước & Bộ máy
 
Bộ Máy
 
 
 
 
 
Trục
 
 
 
 
 
 
Bơm Turbine
 
 
Hình 12: Sơ đồ nguyên tắc máy bơm nước ly tâm, bơm nước ngập và bơm Turbine
 (http://www.irrigationtutorials.com/pump.htm#types)
 
 
Hiện nay, theo Ngân Hàng Thế Giới (World Bank, 1998), Việt Nam có 2,3 triệu ha đất tưới tiêu bằng trọng lực và 1,4 triệu ha bằng 3.000 máy bơm điện. Độ 1/3 diện tích đất tưới tiêu chưa hoàn tất và bị xuống cấp nhiều. Cho nên, chương trình phục hồi các hệ thống tưới tiêu, đặc biệt ở miền Bắc và Trung, rất cần thiết để cải thiện năng suất và tăng gia sản xuất. Trong khi đó cần có kế hoạch kỹ lưỡng để tránh lỗi lầm đã gặp phải trong công tác khai khẩn đất đai ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau để tạo điều kiện thâm canh, ngoài việc cải thiện hệ thoát thủy, tăng gia dùng máy bơm nước và tu bổ đê đập.
 
 
6.   TIẾN HÓA CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ LÚA
Vào thời tiền sử, khi lúa gạo chỉ là thức ăn phụ, cư dân chưa tha thiết đến công tác chăm sóc và bảo vệ vụ mùa. Họ chỉ biết đi hái lượm hoặc về sau biết gieo trồng rồi chờ ngày lúa chín đến hái đem về làm thức ăn phụ thêm. Đến khi tầm quan trọng của lúa gạo gia tăng, liên hệ đến an ninh thực phẩm hàng ngày, họ mới theo dõi tình trạng cây lúa từ đầu mùa đến cuối vụ. Sau khi gieo trồng, thỉnh thoảng họ nhổ cỏ, săn đuổi thú, chim rừng từ khi kết hạt đến thu hoạch. Đến thời Cổ Đại, lúa gạo trở thành thức ăn chính của dân tộc Việt, nông dân bắt đầu quan tâm đến chăm sóc và bảo vệ vụ mùa nhiều hơn, từ lúc sản xuất đến thu hoạch và ngay cả sau thu hoạch. Họ đặc biệt chú ý đến cung cấp chất dinh dưỡng cho cây lúa và bảo vệ vụ mùa được an toàn đến khi tiêu thụ.
 
Muốn no thì phải chăm làm
Một hạt thóc vàng, chín hạt mồ hôi.
 
6.1.   Sử dụng phân
Vào thời Cổ Đại, người Lạc Việt đã có một ít khái niệm về chất dinh dưỡng cung cấp từ đất phù sa bồi đắp trong khi canh tác lúa theo thủy triều lên xuống. Lúc bấy giờ có lẽ cư dân chưa biết dùng các loại phân hữu cơ cho đến thời Bắc thuộc và Độc Lập. Trước thời Pháp thuộc, nông dân chỉ biết cố gắng làm đất thật kỹ lưỡng, giữ ruộng lúa luôn sạch sẽ và dùng các loại phân hữu cơ để làm tăng năng suất.
 
- Ruộng không phân như thân không của.
- Người đẹp nhờ lụa lúa đẹp nhờ phân..
 
Phân hóa học chỉ xuất hiện vào thời Pháp thuộc, nhưng giá cả còn quá cao, không thích ứng cho đại chúng. Mãi cho đến đầu thập niên 1960 và đặc biệt trong thời kỳ Cách Mạng Xanh, phân hóa học trở nên phổ biến sâu rộng, nhưng đồng thời sử dụng phân hữu
 
cơ ngày càng giảm bớt. Hiện nay, nông dân đã dùng đến gần 4 triệu tấn phân hóa học mỗi năm trong nông nghiệp.
 
Cây lúa cũng như các loài thảo mộc khác cần hấp thụ từ đất những chất dinh dưỡng quan trọng như C, H, O, N, P, K, Ca, Mg và S với số lượng lớn. Cây lúa cũng cần đến các chất vi lượng, như chất sắt, kẽm, đồng, Mn, B và Cl. Mức độ chất dinh dưỡng tối thiểu cần thiết cho cây lúa theo các thời kỳ sinh trưởng được ghi nhận trong Bảng 6. Các chất dinh dưỡng này thường được cung cấp cho thảo mộc dưới dạng phân hữu cơ hoặc/và phân hóa học.
 
6.1.1.   Phân hữu cơ
Từ thời kỳ Bắc thuộc cho đến tiền Cách Mạng Xanh, nông dân sử dụng phân hữu cơ một cách triệt để, đặc biệt loại phân chuồng, phân bắc, phân xanh và rơm rạ. 
 
Phân chuồng: Các loại phân chuồng như phân trâu bò, heo gà vịt được thu lượm và bón vào ruộng trước khi cày bừa. Phân chuồng có chất đạm từ 3 đến 7 %, chất lân từ 2 đến 9% và chất bồ tạt từ 2 đến 4 %. Trong 3 loại phân trâu, bò và heo, phân heo tương đối có nhiều chất đạm, lân và bồ tạt hơn hết (Bảng 7). Phân chuồng được dùng ở cả ba miền, nhưng miền Bắc bộ và bắc Trung bộ sử dụng nhiều nhất.
 
Phân xanh: Phân xanh nhất là những loại họ Đậu có khả năng định đạm cao, được dùng làm phân bón vừa cho chất đạm vừa cung cấp thêm thành phần hữu cơ. Tỷ lệ C/N được quan tâm đến trong thời kỳ này, phải đạt tối thiểu 10 cho cân bằng dinh dưỡng đất đai. Người ta khuyến cáo dùng 5 t/ha phân xanh để có năng suất cao hơn khoảng 500 kg/ha lúa. Vào nửa đầu thế kỷ XX, phân xanh được biết nhiều nhất là cây muồng hay lục lạc, cây súc sắc (Crotalaria
striata), Azolla. Cây muồng cung cấp độ 5 t/ha chất xanh và làm năng suất tăng độ 0,6 t/ha lúa (Dumont, 1995). Sau đó các loại Leucaena spp. (điền thanh) được chú ý đến. Ngoài ra, còn luân canh lúa với đậu xanh và vừng cũng như sử dụng phân tầm và phân bắc đối với lúa (Lê Quý Đôn, theo Bùi Huy Đáp, 1980). Tuy nhiên, sử dụng phân xanh cần nhiều nhân công trong sản xuất cũng như áp dụng, nên dần dần bớt dùng đến, đặc biệt khi phân hóa học trở nên phổ thông.

Bảng 6: Nồng độ tối thiểu cho sự thiếu kém và độc hại của các
yếu tố dinh dưỡng trong cây lúa.
 
Chất dinh dưỡng
Thiếu kém (T)
hoặc độc hại (Đ)
Nồng độ
tối thiểu
Bộ phận cây được phân tích
Thời kỳ
sinh trưởng
N
P
 
K
 
Ca
Mg
S
Si
Fe
 
Zn
 
Mn
 
B
 
Cu
 
Al
 
T
T
Đ
T
T
T
T
T
T
T
Đ
T
Đ
T
Đ
T
Đ
T
Đ
Đ
2,5%
0,1%
1,0%
1,0%
1.0%
0,15%
0,10%
0,10%
5,0%
70 ppm
300 pm
10 ppm
1.500 ppm
20 ppm
>2.500 ppm
3,4 ppm
100 ppm
<6 ppm
30 ppm
300 ppm
Phiến lá
Phiến lá
Rạ
Rạ
Phiến lá
Rạ
Rạ
Rạ
Rạ
Phiến lá
Phiến lá
Thân
Rạ
Thân
Thân
Rạ
Rạ
Rạ
Rạ
Thân
 
Đâm chồi
Đâm chồi
Chín
Chín
Đâm chồi
Chín
Chín
Chín
Chín
Đâm chồi
Đâm chồi
Đâm chồi
Chín
Đâm chồi
Đâm chồi
Chín
Chín
Chín
Chín
Đâm chồi
    Nguồn: De Datta, 1981

 
Bảng 7: Thành phần của phân tươi và nước tiểu của trâu, bò và heo
 
 
Loại
 
Ẩm độ
%
 
Chất đạm
%
 
Acid
Phosporic %
 
Chất
Bồ tạt %
Phân trâu
86
3,1
2,4
2,0
Phân bò
81
3,6
3,6
2,3
Phân heo
69
7,5
9,2
3,8
Nước tiểu trâu
-
8,7
0,03 hoặc vết
15,4
Nước tiểu bò
-
11,5
0,05 hoặc vết
21,8
 
    Nguồn: Dumont, 1995
 
 
Bèo dâu (Azolla): Bèo dâu là một loại rong cộng sinh với Anabaena azollae một loại vi khuẩn có khả năng định đạm. Bèo dâu chứa độ 2-3% chất đạm và chứa số lượng carotene (tiền sinh tố A) quan trọng. Một kg bèo dâu có độ 206-619 mg carotene trong 6 loại bèo dâu được thử nghiệm (Lejeune et al., 2000). Loại rong này được biết đến và sử dụng qua nhiều thế kỷ ở Việt Nam và Trung Quốc; nhưng cho đến thập niên 1950s chỉ trồng trên diện tích giới hạn giữa vĩ tuyến 18o và 30o về phương bắc (Van Hove, 1989). Ở miền Bắc, trước 1954, bèo dâu chỉ được trồng độ 50.000 ha với dòng tím A. pinnata để làm phân xanh cho vụ lúa Đông-Xuân cấy vào tháng 12 và tháng giêng. Vào khoảng thập niên 1970, nhờ vào sự du nhập các giống lúa sớm, vụ lúa Xuân thay thế dần vụ Chiêm ở đồng bằng sông Hồng; một số màu ngắn ngày và tương đối chịu lạnh được đưa vào trồng vụ đông sau lúa Mùa. Nhờ chuyển đổi cơ cấu trồng lúa đó, mô hình canh tác: bèo dâu + lúa Xuân + lúa Mùa và bèo dâu + lúa Xuân + điền thanh mô + lúa Mùa được đưa vào ruộng lúa làm tăng chất hữu cơ và chất dinh dưỡng để thâm canh cả vụ lúa Xuân và vụ Mùa (Bùi Huy Đáp, 1980). Nhờ đó, nhiều nơi nông dân trồng thêm một vụ phân xanh trong hệ canh tác lúa. 
 
 
 
Từ 1980, loại bèo dâu A. filiculoides được du nhập để trồng thử và cho năng suất cao hơn A. pinnata. Lúc bấy giờ, độ 100.000 ha bèo dâu được trồng hàng năm ở Miền Bắc để không những cung cấp phân xanh cho lúa còn làm thức ăn gia súc và làm phân hữu cơ cho màu khác (Trung Tâm Nghiên Cứu Azolla, 1985). Bèo dâu không thể bành trướng rộng hơn do điều kiện khí hậu của xứ sở, như nhiệt độ cao ở Miền Nam, nhiệt độ thấp ở ít vùng miền Bắc, bão lụt, mưa to, sâu phá hoại. Từ thập niên 1990, diện tích bèo dâu sụt giảm dần theo sự gia tăng sử dụng phân hóa học trong nước. Nhưng khi phân hóa học chưa phổ biến và đối với nông hộ nghèo, bèo rất có giá trị trong canh tác:
 
Lúa Chiêm mà thả kín bèo
Như con nhà nghèo trời đổ của cho.
 
Rơm, tro và các chất hữu cơ khác như phân xanh (lá thầu dầu, lá xoan, lá sắn, dây khoai, dây đậu, lục bình, v.v.), xác cá mắm, khô dầu, v.v. cũng thông dụng để trồng lúa cũng như các loại màu khác. Các gốc rạ còn lại ở ngoài đồng bị mục nát và làm phân hữu cơ cho mùa tới. Nông dân cũng áp dụng phương pháp cày ải, nghĩa là ngay sau thu hoạch lúa, đất ruộng được cày chôn gốc rạ và phơi nắng để giết sâu khuẩn cho đến vụ sau. Nước phù sa cũng mang nhiều chất dinh dưỡng cho đất đai.
 
6.1.2.   Phân hóa học
Chỉ vào thời Pháp thuộc, phân vô cơ như phân đạm, lân, bồ tạt và các loại phân tổng hợp mới được nhập nội để thử nghiệm và sử dụng. Phân lân và chất vôi là các sản phẩm nội địa, được dùng đại trà để bồi dưỡng đất đai. Phân lân thường được dùng ở các ruộng có phèn, nơi có cỏ lác, cỏ năn. Vào thập niên 1920s, chỉ có một nhà máy làm phân lân ở Hải Phòng và một số nhà máy nhỏ hơn ở Lạng Sơn, Thanh Hóa và Nghệ An (Dumont, 1995). Phân đạm được dùng thử nghiệm, nhưng không được nông dân ưa thích lúc đầu vì giá đắt do nhập khẩu và chưa có giống lúa phản ứng chất đạm cao, chống đổ ngã. 
 
Vào đầu thập niên 1960, phân hóa học mới được phổ biến rộng rãi hơn. Từ năm 1961-68, chỉ có phân đạm được nhập khẩu mà thôi, từ 9.000 đến 126.000 tấn (FAO, 2000). Trong thời kỳ Cách
 
Mạng Xanh, phân hóa học được sử dụng ngày càng nhiều, được nhập khẩu nhiều nhứt vào những năm gần đây khoảng 4 triệu tấn mỗi năm, trong khi sản xuất phân bản xứ bị ngưng trệ trong thập niên 1990, chỉ khoảng gần 200.000 tấn mỗi năm. Vào đầu thập niên 2000, nhà máy phân urê Phú Mỹ được hoàn thành, đã giúp cho nước thỏa mãn hơn 50% nhu cầu phân đạm. Trong tương lai gần, sau khi hoàn tất các khu khí-điện-đạm Cà Mau, Đồng Nai và các nơi khác mức cung cấp phân đạm sẽ tăng cao hơn nữa. Ngoài ra, nhà máy sản xuất phân hỗn hợp NPK Hiệp Phước cũng vừa bắt đầu hoạt động trong khu công nghiệp cảng Hiệp Phước, với công suất 300.000 tấn mỗi năm trong 2007.
 
6.2.      Bảo vệ mùa màng
Ý niệm về bảo vệ sản xuất nông nghiệp đã phát sinh từ cuộc cách mạng đầu tiên của nhân loại, khi con người bắt đầu làm quen với nền nông nghiệp sơ khai cách nay độ 8-10 thiên kỷ, chỉ nhằm bảo đảm sản xuất đáp ứng nhu cầu cần thiết hàng ngày. Vì thế tiến trình bảo vệ lúa có thể phân chia làm bốn giai đoạn:
 
-          Hòa hợp thiên nhiên,
-          Tự vệ chống các dịch hại,
-          Phòng ngừa và diệt sát các dịch hại, và
-          Quản lý tổng hợp các dịch hại hay quân bình thiên nhiên (IPM). 
 
6.2.1.   Hòa hợp thiên nhiên
Từ lúc con người ý thức nông nghiệp có thể cung cấp họ thức ăn hàng ngày thay vì phải di chuyển thường xuyên để kiếm ăn bằng săn bắt và hái lượm, họ phải sống hòa hợp với thiên nhiên để sinh tồn. Con người bắt đầu thuần dưỡng các loại cây cỏ thiên nhiên và sau đó thuần hóa một số thú vật để có thêm thức ăn hàng ngày, và bớt di chuyển. Họ tìm những nơi có thể sản xuất đủ thực phẩm như lưu vực sông rạch, bờ biển, thung lũng, ven đầm lầy và sườn đồi núi để chăn nuôi, trồng trọt hầu nuôi sống từng nhóm người trong thời gian lâu dài. Trong giai đoạn này, hoạt động săn bắt và hái lượm hãy còn chủ yếu. Khi dân số tăng thêm và khả năng cung cấp thức ăn của đất đai bị suy giảm, con người phải di chuyển tìm các nơi thiên nhiên khác để tiếp tục trồng trọt và săn bắt. Do đó,
 
hệ thống nông nghiệp du canh xuất hiện và còn tồn tại đến nay trên Cao nguyên, Thượng du, đồi núi và rừng sâu. 
 
Các bộ lạc trồng lúa có mặt ở khắp nước và Đông Nam Á khoảng 5.000-6.000 năm trước. Trong hệ thống du canh này, con người đã tạo được hài hòa giữa nhu cầu đời sống và thiên nhiên. Họ đốt phá rừng làm rẫy để sản xuất nhiều thực phẩm và định cư lâu dài hơn. Sau hai hoặc ba vụ rẫy nương, mức phì nhiêu đất đai suy giảm và cỏ dại xâm nhập, họ đi tìm nơi khác để tiếp tục sản xuất mưu sinh. Rồi 10-20 năm sau, họ có thể trở lại trồng trọt tại các nơi làm rẫy cũ, mà cây cỏ và dinh dưỡng đất đai được tái tạo và phục hồi. Đây là một hệ thống canh tác hòa hợp với thiên nhiên một cách hoàn hảo để mưu cầu sinh tồn của con người.
 
6.2.2.   Tự vệ chống các dịch hại
Từ 3.000-4.000 năm trước, để có đời sống ổn định lâu dài và nền văn minh phát triển, con người phải định cư thường trực hơn, chủ yếu ở các lưu vực sông ngòi, bờ biển và các thung lũng, nơi dễ dàng sản xuất ra nhiều thực phẩm và các sinh hoạt cộng đồng cần thiết để bảo vệ các tập thể cùng sống trên một đất nước. 
 
Khi mức cung cầu thiên nhiên trong một xã hội bị mất quân bình do dân số gia tăng, con người phải tự nỗ lực bằng mọi cách với khả năng, trình độ và kinh nghiệm của mình trong từng thời kỳ để tăng gia sản xuất và bảo đảm an toàn sinh hoạt xã hội truyền thống. Vì vậy, con người bắt đầu gây xáo trộn khoảng không gian sinh sống, làm mất thế quân bình thiên nhiên, khi họ muốn đất đai, cây cối và gia súc sản xuất nhiều hơn. 
Vào thời kỳ sơ khai, nông dân thường chấp nhận thái độ thụ động trong công tác bảo vệ lúa khi các thiên tai như bão lụt, hạn hán, nạn chim chuột, cào cào, sâu bệnh, thú rừng đe dọa, phá hại mùa màng thường xuyên. Vào thời Hùng Vương nạn heo rừng phá hại được nói đến qua truyền thuyết đã làm cho cư dân lo ngại thiếu thực phẩm. Họ dùng hình nộm để đuổi chim, thú rừng. Nông dân thường chứng kiến những thiên tai và chỉ biết chuẩn bị tinh thần cho những hậu quả có thể xảy ra. Ngay đến đầu thế kỷ XX (1904), trận bão Năm Thìn đã gây tang tóc cho hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho,
 
 
 
làm thiệt mạng hơn 5.000 người Gò công và thiệt hại vật chất ở nhiều vùng lân cận. Tỉnh này lại bị nạn cào cào hay “nạn hoàng trùng” tàn phá thảm khốc trong năm sau đó. Sau cào cào, Gò Công tiếp theo bị hạn hán hay “nạn bạch đồng” trầm trọng vào năm 1906 làm người dân tỉnh này khốn khổ muôn phần trong ba năm liền (Huỳnh Minh, 1969). Dân địa phương chỉ biết thụ động trước các thiên tai.
 
Đối với các dịch hại của lúa, họ dựa vào kinh nghiệm và kiến thức phổ thông để đối phó, bảo vệ mùa màng. Chẳng hạn, họ tin rằng khi có hạn hán lâu dài sẽ đưa đến nạn cào cào; mưa bão, ẩm ướt nhiều quá gây nên nhiều sâu bệnh; bệnh than vàng xuất hiện trên gié lúa là hiện tượng trúng mùa. Ngoài ra, còn có những câu ca dao như:
 
-          Sáng sủa được tằm, tối tăm được lúa.
-          Đói thì ăn ngô, ăn khoai, chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng.
-          Chiêm chết se, hè chết đọng (cần điều chỉnh mực nước cho lúa chiêm, lúa mùa được tốt).
Do kiến thức hiểu biết còn sơ khai, trình độ văn minh còn thấp, nông dân chỉ bảo vệ mùa màng bằng kinh nghiệm với các phương tiện thô sơ để ngăn ngừa và chữa trị các loại sâu bệnh phá hại quan trọng. Chủ yếu, nông dân pha trộn 5-7 giống lúa để trồng hầu ngừa trị sâu bệnh và bảo đảm ngày gặt lúa ở cuối vụ. Vì thế, người ta đã tìm thấy nhiều giống lúa lẫn lộn ở ngoài ruộng, làm giảm chất lượng lúa gạo trên thị trường. Lề lối canh tác này được tìm thấy trong di chỉ khảo cổ Đồng Đậu và Gò Mun ở Miền Bắc, nơi đó các nhà khảo cổ phát hiện các hạt gạo cháy, vỏ trấu có hình dạng không giống nhau, với niên đại carbon cách nay 3.500 - 3.000 năm. Ngoài ra, họ còn dùng đến các phương pháp cổ truyền khác như sau:
 
Về lề lối canh tác:
- Lựa chọn các giống ít bị sâu bệnh phá hại để trồng.
- Chọn ngày gieo hạt theo thời tiết.
- Dọn ruộng đất, bờ đê, mương rạch sạch sẽ để tránh những ổ chứa nhiều sâu bệnh.
- Cày ải để diệt sâu bệnh trong đất và cỏ dại.
- Đốt cháy hoăc chôn vào đất các rơm rạ, đặc biệt những nơi bị nhiễm nhiều sâu bệnh.
 
Những tục ngữ ca dao sau đây là kim chỉ nam của nông dân trong ngành trồng lúa khi họ chưa có ý thức về các kỹ thuật khoa học:
 
- Nhứt nước nhì phân tam cần tứ giống.
- Khoai đất lạ mạ đất quen.
- Tốt giống tốt mạ, tốt mạ tốt lúa.
- Ra đi mẹ có dặn dò,
Ruộng sâu thì cấy ruộng gò thì gieo.
- Cày sâu bừa kỹ được mùa có khi.
- Thứ nhất cày ải, thứ nhì rảy phân.
 
Đối với sâu bọ:
Dùng đèn, bẩy để bắt các bướm đêm, bắt sâu và lấy trứng bằng tay, kiểm soát mực nước, dùng dầu thả trên mặt nước, nuôi vịt trong ruộng lúa và dùng bẫy mồi, xông khói (chim, chuột, thú rừng).
 
Nàng về ngâm nhựa xương rồng
gánh ra đem tưới cho bông cho cà
Sâu non cho chí sâu già
hòng chi sống sót mà ra phá màu.
 
Đối với các loại bệnh:
Nông dân rất ít chú ý đến các bệnh lúa. Họ chỉ chọn giống tốt của vụ vừa qua, chăm sóc kỹ lưỡng với làm đất, làm cỏ dại và giữ nước đầy đủ suốt vụ, với mục đích tạo ra nhưng cây lúa lành mạnh có thể chống chịu các bệnh tật.
6.2.3.      Phòng ngừa và diệt sát các dịch hại
Từ cuối thế kỷ XIX, Việt Nam đã biết sử dụng các hóa chất để bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Nhiều nông dân biết sử dụng các giống lúa tốt có khả năng kháng sâu bệnh cao, khử trùng hạt giống với các chất hóa học như mercuric bichloride, phenic acid và formal; hoặc dùng nước nóng ở 50oC để diệt tuyến trùng. Họ cũng dùng các loại
 
thuốc sát trùng để vừa phòng ngừa vừa tiêu diệt các loại côn trùng phá hại, nhưng còn ở mức độ giới hạn.
Khoảng thập niên 1920 và 30, các loại sâu bệnh thường xảy ra trong ruộng lúa ở nước ta được báo cáo như sau (Dumont, 1995):
            Sâu: Sâu đục thân (Chilo suppressalis, Sesamia inferens), Parnara sp., Spodoptera mauritia, sâu cuốn lá (Cnaphalocrosis medinalis), sâu ống (Nymphula fluctuosalis), bù lạch (Hispa aenescens), cào cào (Locusta migratoria), chuột, chim, cua...
            Bệnh: Đốm nâu (Helminthosporium oryzae), bệnh thối rễ (Fusarium sp), bệnh than (Ustilaginoidea virens), bệnh đốm bẹ (Sclerotium oryzae), bệnh đạo ôn hay cháy lá (Pyricularia grisea Cav.), v.v.
Sau đây là các biện pháp ngừa trị thông dụng của nông dân vào những thập niên đầu của thế kỷ XX (Dumont, 1995):
Đối với từng loại sâu bọ:      
-     Dùng đèn bẫy để bắt bướm đêm (cho tất cả loại sâu).
Ø Bắt diệt sâu bọ và lượm trứng (sâu đục thân, sâu lá, bọ xít).
Ø Đốt hoặc chôn rơm rạ trong đất và làm ngập nước (sâu đục thân), hoặc cày ải.
Ø Dùng nước khống chế cỏ.
Ø Dùng dầu thả trên mặt nước (chống rầy).
Ø Nuôi vịt, dùng lưới để bắt (diệt rầy).
Ø Bẫy, mồi, xông khói (chuột, thú rừng).
Ø Chất hóa học thông dụng nhất là cyanamide (chuột, cua).
Ø Khử trùng hạt giống với chất hóa học hoặc ung khói, ngâm nước nóng trên 50oC (tuyến trùng).
Ø Giữ bờ, ruộng sạch sẽ.
 
Đối với các loại bệnh:
Ø Khử trùng hạt giống với chất hóa học như: mercuric bichloride (thủy ngân), phenic acid và formol.
 
Ø Nhổ hoặc đốt rơm rạ.
Ø Dùng giống kháng loại bệnh quan trọng như bệnh đốm nâu (Helminthosporium oryzae), thối rễ (Fusarium sp).
Ø Dùng phương pháp canh tác thích ứng như ngày gieo mạ, áp dụng phân, điều chỉnh mực nước.
Ø Rất ít khi dùng chất hóa học để trị liệu cho đến ngày nay vì cho ít hiệu quả và tốn kém.
 
Vào nửa bán sau thế kỷ XX, khi các chất hóa học bắt đầu phổ biến rộng rãi hơn ở Việt Nam, nông dân dùng nhiều thuốc sát trùng, có khi lạm dụng quá đáng. Hai loại thuốc sát trùng DDT và HCH được phổ biến rộng rãi trong nước vì rẻ tiền cho đến gần cuối thập niên 1960s. Sau đó, hai loại thuốc này lần lượt biến mất hoặc bị cấm bán vì độc tính tồn tại lâu dài của chúng trên thảo mộc, nhứt là trong đất đến hàng chục năm. 
 
Khi cuộc CMX phát động mạnh, nông dân sử dụng ngày càng nhiều chất hóa học, gồm cả thuốc sát trùng và diệt cỏ trong canh tác lúa. Đối với nông dân, sự dùng thuốc sát trùng như là một hình thức bảo hiểm rẻ tiền nhưng cần thiết để bảo vệ mùa màng chống lại các sâu bệnh có thể xảy ra bất ngờ. Vào năm 1978, dịch rầy nâu làm thiệt mất độ 500.000 ha lúa và đến năm 1991 hơn 700.000 ha lúa bị hư hại. Năm 2006, dịch bệnh vàng lùn - lúa xoắn lá, rầy nâu đã gây thiệt hại không nhỏ trên hàng vạn hecta lúa ở ĐBSCL. Cho nên, nhiều loại thuốc sát trùng và diệt cỏ đã tranh nhau xuất hiện gồm đủ loại trên thị trường:
 
(i)                 Cực độc hại: dieldrin, mercuric chloride, parathion, metaphos, thiofos,...
(ii)               Độc hại cao: endrin, aldrin, carbofuran, fluoroacetamide, warfarin, dioseb, ...
(iii)             Độc hại trung bình: BHC, diazinon, lindane, paraquat, 2,4-D, 2,4,5-T, heptachlor,...
(iv)             Độc hại nhẹ: bromophos, amitraz, bentazone, malathion, dithianon, thiram, MCPA, MCPB, propanil,...
 
 
 
6.2.4   Phương pháp quản lý tổng hợp dịch hại IPM (Integrated Pest Management)
Sự dùng thuốc sát trùng và diệt cỏ ngày càng phổ thông, nhất là khi dùng quá độ, gây tai hại không những cho con người, súc vật, môi trường mà còn phí phạm tài nguyên. Biện pháp IPM (Integrated pest management) được hỗ trợ kỹ thuật bởi cơ quan FAO, áp dụng hữu hiệu đầu tiên ở Indonesia trong thập niên 1980 và 90, sau đó ở Việt Nam, Philippines, Bangladesh và các xứ khác trên thế giới.
 
Cho đến thập niên 1960-1980, trong cuộc Cách Mạng Xanh nông dân trồng các giống lúa hiện đại với khuyến cáo của các nhà khảo cứu về sử dụng nhiều phân hóa học, nhứt là phân đạm, với công thức 120-60-60 cho lúa tưới tiêu, 60-60-40 cho lúa nước trời, và phun thuốc sát trùng ít nhứt ba lần mỗi vụ để phòng ngừa côn trùng phá hại như sâu ống, sâu cuốn lá, rầy lúa, bọ xít, v.v. Cuộc Cách Mạng này đã gây ra xáo trộn, làm mất thế cân bằng sinh học trong thiên nhiên qua ba tác động chính:
 
  • Sử dụng phận đạm quá nhiều làm cho cây lúa đâm chồi, nẩy nở và phát triển mạnh, tạo ra môi trường tối hảo cho hoạt động của các loại sâu và bệnh như dịch hại rầy nâu, bệnh cháy lá và bạc lá bùng phát mạnh mẽ và đồng loạt, khiến thiệt hại vật chất đáng kể, nhứt là dịch hại rầy nâu.
 
  • Các giống lúa cao năng nửa lùn thường không có hoặc có ít quang cảm nên chu kỳ sinh trưởng ngắn từ 90 đến 130 ngày, giúp cho thâm canh vụ tăng nhanh. Trong nhiều chương trình thủy lợi, lúa được trồng 2 hoặc 3 vụ mỗi năm. Ngay cả trong một mùa mưa 6 tháng, nông dân có thể trồng hai vụ lúa với nước trời. Đây là điều kiện lý tưởng cho các sâu bệnh có môi trường tốt để tiếp tục sinh sản quanh năm.
 
  • Các khuyến cáo về phương pháp phòng ngừa và trị liệu tức khắc các loại sâu khi trồng lúa cao năng đã làm mất cân bằng sinh học trong các quần thể lúa, vì thuốc sát trùng giết hại cả loại sâu bọ dịch hại và côn trùng thù nghịch thiên nhiên đang cộng sinh với lúa. Do đó, các côn trùng dịch hại phát triển nhanh hơn vì lực lượng côn trùng thù nghịch thiên nhiên yếu kém, không có khả năng ngăn chận hữu hiệu các loại côn trùng phá hại. Nhiều nông dân ở các vùng thâm canh lúa đã phun thuốc sát trùng 5-7 lần mỗi vụ, mà không cần biết ruộng lúa có sâu rầy phá hại hay không. Chẳng hạn, phun thuốc trong vòng 30-35 ngày sau khi cấy hoặc gieo mạ là không cần thiết, trái lại còn tiêu diệt cả thù nghịch thiên nhiên vào đầu vụ lúa. Cũng vậy, không cần phun thuốc khi sâu nách xuất hiện đầu vụ, vì những chồi lúa non chết sẽ được thay thế bằng những chồi mới qua qui luật bù trừ. Câu châm ngôn “Phun thuốc như chế dầu vào lửa” rất đúng cho dùng thuốc sát trùng để giết rầy - Càng phun thuốc rầy càng nhiều! Thông thường sâu bệnh và cỏ dại làm thiệt hại độ 30-35% sản lượng mùa màng.
 
Cho nên, trong thời Cách Mạng Xanh vừa qua dịch rầy nâu phát triển mạnh mẽ và đồng loạt ở các nước trồng lúa nhiều như Việt Nam, Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, v.v. vào năm 1978, 1986 và 1991 vì loại rầy nâu có thể di chuyển rất xa.
 
Các nhà nghiên cứu lúa gạo đã phát hiện các hiện tượng bất thường nêu trên trong phương pháp ngừa và trị - mất thế cân bằng thiên nhiên do dùng thuốt sát trùng quá độ - vào cuối thập niên 1970. Từ đó, khái niệm về “Quản Lý Tổng Hợp Dịch Hại” hay IPM trong ngành trồng lúa được chú ý đến. Phương pháp bảo vệ mùa màng mới này là một biện pháp tổng hợp sử dụng các giống kháng sâu bệnh, thuốc sát trùng khi cần, phương pháp canh tác cải thiện và kiểm soát sinh học.
 
            (i) Tiến trình áp dụng khái niệm IPM
Thực ra, khái niệm IPM đã được áp dụng từ thập niên 1950s. Nông dân các nước tiên tiến đã dùng IPM cho một số cây ôn đới hàng niên như bông vải, alfalfa và cây đa niên như cao su, dừa dầu và cây trà từ 1957. Vào năm 1984, khóa họp thứ 12 của cơ quan
 
FAO/UNEP ở Rome, đã khuyến cáo FAO nên chú ý nhiều hơn nữa đến các giải pháp tổng hợp trong công tác bảo vệ mùa màng, vì một số sâu bọ đã kháng lại thuốc sát trùng (FAO/UNEP, 1984). Nông dân cũng đã nhận thức dùng thuốc sát trùng lâu ngày không còn hiệu quả như lúc ban đầu đối với một số côn trùng.
 
Vào đầu thập niên 1980, FAO đã trợ giúp kỹ thuật cho một số nước ở châu Á như Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, và một vài nước ở Đông Phi Châu tổ chức các thí điểm trình diễn về IPM. Một dự án lớn về IPM đã thành công nổi bật nhứt trong ngành trồng
lúa ở Indonesia. Vào năm 1986, dịch rầy ở nước này đã tác hại trầm trọng cho vụ lúa gấp 4 lần vụ mùa trước, nhưng nông dân không có đủ thuốc sát trùng và giống lúa kháng để đối phó. Chính phủ Indonesia rất lo ngại dịch rầy này có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu tự túc lúa mà họ đã đạt được từ 1984. Nhưng nhờ vào kết quả khảo cứu từ 1979-1986, các chuyên viên côn trùng học đã hiểu được thuốc sát trùng đã giết cả các côn trùng phá hại lẫn côn trùng thù nghịch thiên nhiên có lợi cho cây lúa.
 
Vì thế, vào cuối năm 1986, Tổng Thống Suharto nước Indonesia đã tuyên bố phát động một chiến dịch rầm rộ về IPM trên toàn quốc, với sự hỗ trợ kỹ thuật của FAO, và đồng thời ra lệnh cấm bán 57 trong danh sách 63 loại thuốc sát trùng không cần thiết, nhưng có hại cho sức khoẻ con người và môi sinh; và hủy bỏ bao cấp cho các loại thuốc sát trùng đó. Điều này đã giúp cho nước này tiết kiệm được 120 triệu đô la mỗi năm, môi trường ít bị ô nhiễm, và giá thành sản xuất lúa hạ thấp hơn. Theo cuộc nghiên cứu kinh tế về IPM ở Indonesia, chi phí cho việc tập huấn mỗi học viên tốn độ 10 đô la và mỗi nông dân đã được huấn luyện sẽ tiết kiệm được từ 10-30 đô la cho mỗi hecta lúa mỗi vụ mùa, do ít sử dụng đến thuốc diệt trùng (The Indonesian National IPM Program).
 
Từ kết quả bảo vệ mùa lúa thành công ở Indonesia, FAO đẩy mạnh nỗ lực khuyến khích các nước khác như Việt Nam, Phlippines, Bangladesh, Sri Lanka, v.v. áp dụng triệt để phương pháp IPM. Phương pháp này đang được phổ biến mạnh mẽ cho canh tác lúa và các màu khác ở châu Phi và châu Mỹ La Tinh.
 
Trong tiến trình phát triển quan niệm IPM có ba điểm “sửa sai” đáng chú ý:
 
a) Lúc ban đầu, nguyên tắc IPM không bao gồm các giống lúa kháng sâu bệnh vì một vài nghiên cứu lẻ tẻ cho thấy rằng các giống lúa kháng sâu rầy cũng sẽ kháng các loại côn trùng thù nghịch thiên nhiên. Tuy nhiên, kết luận này đến hôm nay chưa được xác định rõ ràng.
 
b) Phương pháp IPM không chủ yếu làm cây lúa tăng thêm năng suất mà chỉ giúp một phần cho vụ lúa đạt được năng suất tiềm thế của nó. Nghĩa là IPM chỉ là một trong những yếu tố làm tăng năng suất lúa. Nhiều nhà côn trùng học lúc bấy giờ cho rằng IPM làm tăng năng suất lúa ở Indonesia trong thập niên 1980. Điều này không đúng hẳn trong cuộc Cách Mạng Xanh ở nước này.
 
c) IPM ban đầu chỉ chú ý vào diện côn trùng và phương pháp phổ biến được gọi là “trường học ruộng nông dân” (farmers field school) mà thôi, nhưng sau đó bao gồm thêm các diện khác như tình trạng cây lúa và các phương pháp canh tác nông học tiến bộ. Vì thế, ngày nay IPM được đổi là IPPM, thêm một chữ P cho sản xuất (production)
 
(ii) Nguyên tắc IPM
IPM là một tiến trình chuyển hóa từ công tác chuyển giao kỹ thuật cứng nhắt với các khuyến cáo hướng dẫn nông dân bảo vệ vụ mùa qua biện pháp phòng ngừa và chữa trị, đến đề cao vai trò của nông dân trong chủ động áp dụng kỹ thuật khi cần thiết để có lợi tức kinh tế cao và bảo vệ môi trường. Tổng quát, có 4 nguyên tắc chính của IPM (Kenmore and Brader, 1990):
 
(1) Trồng các giống lúa kháng sâu bệnh và áp dụng các phương pháp canh tác bảo vệ mùa màng hữu hiệu để có năng suất cao. Như dùng giống tốt, cày bừa kỹ lưỡng, cấy đúng ngày và tuổi mạ non (tối đa 3 tuần lễ), dùng phân hóa học vừa đủ và phân hữu cơ, diệt trừ cỏ dại đúng lúc và giữ mực nước thích ứng với từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Các kỹ thuật này làm giảm bớt áp lực của sâu bệnh phá hại và đồng thời tạo điều kiện tốt cho cây lúa phát triển tối hảo.
 
(2) Bảo vệ các côn trùng thù nghịch thiên nhiên, như các nhện lúa, Carabids, Lady beetles, Cyrtorhinus, nấm Hirsutella, sâu bọ trong nước, ký sinh trùng, cá, ếch nhái, chim, vịt… Tránh áp dụng thuốc sát trùng càng nhiều càng tốt để làm tăng gia số lượng côn trùng thù nghịch thiên nhiên, đồng thời tiết kiệm chi phí chodùng thuốc sát trùng. Do đó, cần phân biệt loại côn trùng phá hại và côn trùng thù nghịch thiên nhiên.
 
(3) Quan sát ruộng lúa hàng tuần để theo dõi và kiểm tra sự xuất hiện của côn trùng phá hại và côn trùng thù nghịch, hầu lấy quyết định chính xác và đúng lúc trong việc bảo vệ mùa màng. Chỉ dùng đến thuốc sát trùng khi sự xuất hiện của sâu bọ phá hại vượt qua ngưỡng kinh tế (economic thresholds). Cần lưu ý rằng ngưỡng kinh tế này không những tùy thuộc vào từng loại côn trùng phá hại mà còn theo mỗi thời kỳ phát triển của cây lúa, cách dùng phân, mực nước trong ruộng lúa…
 
(4) Phối hợp nông dân trong cộng đồng địa phương để tổ chức áp dụng phương pháp IPM cùng lúc ở một nơi trong một khu vực, qua các buổi học tập, trao đổi kinh nghiệm và rút ưu khuyết điểm cho các vụ mùa sau.
 
(iii) Ưu và khuyết điểm của IPM
Ưu điểm:
- Tiết kiệm thuốc sát trùng, giảm giá thành sản xuất lúa;
- Tạo quân bình sinh học trong thiên nhiên;
            - Giảm bộc phát các dịch hại quan trọng;
            - Giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
 
Khuyết điểm:  
- Rất tốn kém trong vấn đề tổ chức, huấn luyện;
            - Rất khó xác định ngưỡng kinh tế đối với nông dân;
- Lúc đầu IPM chỉ chú trọng nhiều đến thuốc sát trùng mà bỏ quên các yếu tố sản xuất khác, như giống kháng và các quản lý nông học. Gần đây, các chuyên gia thêm yếu tố sản xuất, nên gọi là IPPM thay vì IPM.
- Các khuyến cáo thiếu chỉ tiêu để thực hiện, như đã thấy trong Kiểm Tra Lúa (Rice check);
- Nông dân thiếu ghi chép và rút ưu khuyết điểm để cải thiện sản xuất trong mùa tới;
 
            Do đó, rất hữu ích đối với nông dân nếu kỹ thuật IPPM được phối hợp chặt chẽ với Kiểm Tra Lúa để cải tiến sản xuất, thu hẹp khoảng cách năng suất giữa nông dân và trung tâm thí nghiệm, và nâng cao lợi tức người trồng lúa. 
 
 
 
7.   TIẾN HÓA CANH TÁC LÚA TỪ THỜI CỔ ĐẠI ĐẾN NAY
Từ thời Cổ đại đến nay, ngành trồng lúa đã cải tiến rất nhiều. Trong nền văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, cư dân chỉ biết hái những hạt cây lúa dại ở các đầm lầy, rừng núi để ăn. Sau đó họ biết gieo các hạt lúa quanh nơi cư trú trên đất cao hoặc trũng thấp để có thêm thức ăn, ngoài săn bắn thú rừng, bắt ốc, cá tôm và hái lượm các cây củ đậu. Cho đến cận thời Hùng Vương, cây lúa mới được trồng đại trà trên những mảnh đất cao và ruộng ngập nước gần khu cư trú tập thể, và đất ruộng được sữa soạn kỹ lưỡng hơn trước, với các loại cuốc và rìu bằng đá mài hoặc đồng thau, mặc dù còn trong điều kiện du canh. Từ thời đại Hùng Vương cho đến ngày nay, tiến trình sản xuất lúa, qua các vụ mùa cho đến các loại ruộng lúa, phương pháp làm đất đai, lề lối trồng lúa, chăm sóc cây lúa và thu hoạch xay chà, có thể được phân tích, so sánh trong 4 thời kỳ lịch sử quan trọng từ thời đại Hùng Vương (Cổ Đại) đến CMX-Đổi Mới kinh tế, và được trình bày trong Bảng 7:
 
(1)   Vụ mùa: Từ một vụ lúa rẫy du canh đến một vụ lúa nước du canh, một vụ lúa nước cố định, tiến đến 2 vụ lúa nước mỗi năm, và 2-3 vụ/năm hiện nay, trong khi vụ Mùa (Miền Nam) và vụ Chiêm (Miền Bắc) giảm bớt đáng kể.
(2)   Các loại ruộng: Từ ruộng nương đến ruộng nà (thung lũng), ruộng nước: ruộng gò và ruộng trũng (có 3 loại: ruộng cạn, ruộng sâu và ruộng rất sâu (lúa nổi).
(3)   Giống lúa: Từ lúa nếp vào buổi đầu dựng nước chuyển sang lúa tẻ (thế kỷ XVII). Số lượng giống lúa ngày càng gia tăng, đến nay trên 10.000 giống.
(4)   Làm đất: dùng chân đạp, dao, rìu, cuốc bằng đá cho đến cuốc cày bằng đồng, sắt do trâu bò kéo cho đến dùng máy cày bừa.
(5)   Trồng lúa: Chặt cây, phơi khô, đốt rừng, chọc lỗ, gieo hạt cho lúa rẫy cho đến sạ thẳng rồi cấy 1, 2 lần, cuối cùng cấy chỉ một lần và chuyển dần sang gieo thẳng.
 

 
Bảng 7: So sánh kỹ thuật canh tác lúa thời Cổ Đại, lúa cổ truyền thời Bắc thuộc và Độc Lập (đến 1884), lúa cải thiện thời Pháp thuộc (đến trước CMX- 1968) và lúa hiện đại (từ CMX-Đổi Mới đến nay)
  
 
(6)   Chăm sóc: Từ ít sử dụng sức lao động đến dùng nhiều lao động, các nông cụ, sức kéo súc vật và máy móc. Từ không chăm sóc đến rất ít và nhiều chăm sóc. Từ không dùng phân đến dùng phân thiên nhiên (phù sa), phân hữu cơ và cuối cùng phân vô cơ.
(7)    Thu hoạch: Từ hái, tuốt lúa bằng tay, cắt bông lúa bằng dao, nhíp, liềm đá đến cắt bằng dao liềm bằng đồng và sắt, vòng hái và ngày nay bằng máy gặt, máy gặt-đập liên hợp.
(8)    Hậu thu hoạch: Đập lúa trên đá, cây, dùng chân đạp, dùng trâu bò, xa đập lúa và máy đập lúa. Dùng bàn xay và chày nghiền bằng đá. Máy sấy lúa thông dụng ở nông thôn lúc gặt lúa vào mùa mưa. Dùng máy xay chà lớn ở thị xã để cung cấp thị trường tiêu thụ hoặc xuất khẩu. Dùng máy xay chà nhỏ ở khắp nông thôn.
 

 
 
Trồng Lúa ở Nghệ An vào Thế Kỷ XVIII
 
Đất 12 tổng, huyện Đông Thành, trấn Nghệ An, đều là đất cát; dân huyện ấy, theo tục truyền, cứ đến tiết mang chủng (tua rua mọc), thì khởi công cày bừa, gieo thóc giống rất dày; ngay ngày hôm gieo giống, lại bừa luôn lần nữa, thóc giống với cát lẫn lộn. Không bao lâu, thóc giống mọc mầm, mưa xuống thấm ướt, màu đất bồi bổ cho lúa, lúa mọc lên tốt như cỏ; lại bừa lần nữa, mặc dù là đã có lúa. Bừa thế, đã không hại lúa, mà lại trừ được cỏ. Khi lúa chín, thu hoạch rồi, gốc lúa còn lại, không cắt đi, để cho nó thối đi thành phân, bón ruộng càng tốt. Cũng có khi bừa lại, hạt thóc rụng xuống, lúa lại mọc, không phải trồng. Một nhà có một con trâu, cày được 10 mẫu ruộng, không tốn công mấy.” (Lê Quí Đôn, 2003).
 
Trường hợp này nói lên lúa gạo là thức ăn căn bản, quan trọng trong đời sống người Việt. Dù bất cứ ở đâu, dù đất đai ít phì nhiêu như đất cát ở huyện Đông Thành, Trấn Nghệ An, người dân cũng cố gắng sản xuất đủ lúa gạo để nuôi sống gia đình, với kinh nghiệm địa phương lâu dài của họ.
 
 
 
Tóm lại, miền Thượng Du Bắc Bộ có thể là một trong những trung tâm xuất phát cây lúa trồng trong thời nguyên thủy, từ đó cây lúa được di chuyển đến các nước Philippines, Malaysia, Indonesia... Ở Việt Nam, cư dân văn hóa Hòa Bình biết đến thuần dưỡng cây lúa dại và hái hạt lúa để ăn thêm cùng với các thảo mộc khác như cây có củ và rau đậu, ngoài sinh hoạt săn bắt chủ yếu hàng ngày. Vào cuối nền văn hóa Hòa Bình, người dân có thể biết gieo trồng lúa xung quanh nơi cư ngụ, nghĩa là gần hang động, ven các đầm lầy và sườn đồi núi để có thêm nhiều thức ăn vì cây lúa có thể sống bất cứ vùng sinh thái nào, sản xuất nhanh và bảo quản hạt lúa gạo dễ dàng so với các cây lương thực khác trong vùng nhiệt đới ẩm có gió mùa.
 
 
 
Do đó, tiến trình hoạt động trồng lúa có thể được tóm lược từ thời kỳ sơ khai đến hiện đại như sau:
 
1.      Khoảng 8.000-7.000 năm trước: Thuần dưỡng cây lúa dại song song với cây ăn trái và củ đậutrong nền văn hóa Hòa Bình.
2.      Khoảng 6.000 –5.000 năm trước: Trồng lúa rẫy chiếm ưu thế so với lúa nước và các bộ lạc trồng lúa xuất hiện (rìu đá Bắc Sơn, Bùi Thiết, 2.000; Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2.000).
3.      4.000-3.500 năm trước: Bắt đầu chú ý khai thác lúa nước vì thời kỳ băng tan chắm dứt và biển thoái bắt đầu. Cư dân tràn xuống định cư ở các thung lũng, đồng bằng dọc theo sông và bờ biển. Họ trồng lúa nước vì sản xuất nhiều hơn và bảo đảm thu hoạch hơn lúa rẫy, nhưng còn theo lối du canh (Các di tích Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun, Viện Khảo Cổ Học, 1999).
4.      3.000-2.700 năm trước: Biết gieo, cấy lúa nếp theo thủy triều lên xuống với hệ canh tác cố định (Thủy Kinh Chú, Lĩnh Nam Chích Quái).
5.      3.000-2.500 năm trước: Dùng cày, cuốc, rìu bằng đồng (di vật khảo cổ, Viện Khảo Cổ Học, 1999).
6.      2.500-2.100 năm trước: Dùng trâu bò để kéo (di vật khảo cổ, Viện Khảo Cổ Học, 1999).
7.      2.500-2.000 năm trước: Bắt đầu đắp đê đập để chống lũ lụt (Phạm Văn Sơn, 1960; Bùi Thiết, 2.000), trồng lúa nước cố định.
8.      2.100-2.000 năm trước: Dùng cày bằng sắt (Phạm Văn Sơn, 1960; Bùi Huy Đáp, 1980 và 1999).
9.      Khoảng 2.000 năm trước: Trồng 2 vụ lúa; lúa Chiêm và lúa Mùa (Di vật chí) hoặc sớm hơn.
10. 930-1.127 năm trước: biết dùng bừa trục (Chang, 1985).
11.  Khoảng 1.600 năm trước: Trồng lúa tẻ nhiều hơn lúa nếp vì cho cơm nhiều hơn (Sách Quảng Đông Tân Ngữ theo Bùi Huy Đáp, 1999).
12. 1886: Nghiên cứu nông nghiệp đầu tiên (Dumont, 1995).
13. 1909: Tuyển chọn giống lúa để trồng (Carle, 1927)
14. 1913: Trung Tâm Thí Nghiệm Lúa đầu tiên ở Việt Nam được thành lập ở Cần Thơ (Trần Văn Hữu, 1927)
15. 1917: Lai tạo giống lúa đầu tiên (Carle, 1927)
16. 1968: Cách Mạng Xanh xảy ra ở Việt Nam (Trần Văn Đạt, 2001 và 2002).
17. 1988: Thời kỳ Đổi Mới kinh tế bắt đầu.
 
Ngoài ra, đặc điểm tiến hóa của cây lúa ở Việt Nam cũng được ghi nhận như sau:
      Một số cây lúa dại đa niên trở thành cây lúa dại hàng niên và cuối cùng cây lúa trồng hàng niên.
      Từ cây lúa dại trở thành lúa thuần dưỡng, lúa rẫy, lúa nước cổ truyền, lúa cải tiến và cuối cùng lúa hiện đại.
      Thân cây lúa từ cao giàn xuống lùn thấp; cây lúa trở nên ít hoặc không có quang cảm [dài ngày (muộn) thành ngắn ngày (sớm)]; từ lá dài, cong, xanh nhạt trở nên lá thẳng đứng, ngắn hơn và xanh đậm; ít chồi trở nên nhiều chồi; phản ứng đạm cao hơn; mỗi gié lúa có nhiều hạt hơn.
      Từ cây lúa dùng nhiều nước trở nên cây lúa dùng ít nước (aerobic rice).
      Từ loại cây C3 trở thành C4 để có năng suất cao hơn (trong tương lai) do tăng gia mức độ quang hợp hữu hiệu.
 
 
8.   tiẾn hóa diỆN tích và năng suẤt LÚA
Sản xuất lúa ở Việt Nam phần lớn do bành trướng lãnh thổ và tăng gia diện tích trồng hơn từ năng suất. Thật vậy, vì dân số gia tăng và sức ép Bắc phương, Việt Nam đã bắt đầu cuộc Nam tiến, sớm nhứt trong thời kỳ độc lập vào cuối thế kỷ 10 khi vua Lê Đại Hành đem quân đánh nước Chiêm Thành vào năm 982. Đến 1697, nước Chiêm không còn nữa (Phạm Văn Sơn, 1960). Hành trình mở mang bờ cõi tiếp tục đến khi Pháp xâm chiếm Việt Nam.
 

 
8.1.      Diện tích trồng lúa
Diện tích có lẽ được biết sớm nhứt vào thời vua Minh Mạng khi công tác đo đạc điền thổ được hoàn tất, với 4.063.892 mẫu (1.105.200 ha) ruộng và đất trong 1836 (Trần Trọng Kim, 1990). Trong số đó ít nhứt 50% là ruộng lúa hay 552.600 ha. Diện tích trồng lúa cả nước tăng ít nhứt từ 800.000 ha trong 1868 lên hơn 7.400.000 ha trong 2009:
 
            Thế kỷ I sau CN          <160.000 ha*
1836                                >553.000 ha*
1868                                >800.000 ha*
1930                                4.698.000 ha
1944                            4.862.000 ha
1961                            4.744.000 ha
1980                            5.600.000 ha
2009                            7.400.000 ha
 
Chú ý: * Phỏng đoán (Tham chiếu Chương 6: Thời Cổ Đại: Phát triển trồng lúa nước).
 
8.2.      Năng suất lúa
Năng suất gia tăng chậm chạp lúc ban đầu cho đến thời Bắc thuộc và Độc Lập, từ độ 500 kg lúa/ha vào thời đại Hùng Vương lên 1 t/ha cuối thời Bắc thuộc, 1,2 t/ha trước thời Pháp thuộc, 1,4 - 2 t/ha trong thời Pháp thuộc, 3,2 t/ha năm 1990 và 5,2 t/ha năm 2009 (Bảng . Sự tăng năng suất phần lớn do cải tiến di truyền giống, công tác thủy lợi tốt hơn, dùng nhiều phân, nhứt là phân hóa học trong CMX, chăm sóc mùa màng và chánh sách nhà nước. Thời kỳ tăng trưởng nhanh nhứt cho cả diện tích và năng suất chỉ xảy ra trong cuộc Cách Mạng Xanh và thời kỳ Đổi Mới kinh tế (Xem thêm Phụ bản 3: Diện tích, năng suất và sản lượng lúa ở Việt Nam, 1961-2009).
 

Bảng 8: Năng suất lúa Việt Nam từ khoảng thế kỷ I trước/sau CN đến năm 2.009
 
Năm
Năng suất t/ha
 
Yếu tố chính làm tăng năng suất
Thế kỷ I trước/sau CN
0,5*
 
- Giống lúa thuần hơn
- Làm đất tốt hơn
938 sau CN
1,0**
- Giống thuần hơn
- Thủy lợi tốt hơn
- Canh tác và chăm sóc tốt hơn, dùng phân hữu cơ
1.900
1,20
1.927
1,22
- Giống lúa cải thiện
- Sử dụng nhiều phân lân, hữu cơ và ít đạm
- Canh tác và chăm sóc tốt hơn
1.955
1,43
1.970
2,10
1.990
3,20
- Giống lúa cao năng, nửa-lùn
- Phát triển thủy lợi
- Sử dụng nhiều phân hóa học, nhứt là đạm
2.009
5,20
Chú ý: * Uớc lượng, ** Theo năng suất lúa Trung Quốc
(thời Bắc thuộc)
 
 
9.   KẾT LUẬN
Quá trình trồng lúa đã tiến triển theo chiều dài thời gian, từ hái lượm các hạt lúa dại trong các đầm lầy hoang du hoặc rừng núi ẩm ướt đến khi đem chúng về trồng quanh nơi cư trú. Cây lúa là một loại thảo mộc thuộc họ Hòa Thảo, có những ưu thế như thích ứng với đa số các vùng sinh thái khác nhau, sinh sản nhanh, sản xuất thực phẩm nhiều, bảo quản dễ dàng...; nhờ đó loại Hòa Thảo này trở thành cây lương thực căn bản dân tộc. Cây lúa ngày càng trở nên đa dạng với nhiều giống phát triển theo thời gian, khí hậu, địa dư và các vùng sinh thái. Từ một số ít giống trồng trên đồi núi đã lan tràn khắp nơi trong nước. Từ vài chục giống lúa vào thời Cổ đại đã tăng gia đến hơn một ngàn giống vào đầu thế kỷ XX, và hơn 10.000
 
giống vào đầu thế kỷ XXI. Sự xuất hiện đồ đồng, gang, sắt thay thế đồ đá đã cung cấp các phương tiện sản suất tinh xảo, hữu hiệu hơn cho người trồng lúa và làm tăng năng suất lúa từ vài chục kg vào buổi đầu dựng nước lên vài trăm kg mỗi hecta đầu CN và vượt lên hơn 5 t/ha đầu thế kỷ XXI.
 
Ngành trồng lúa bản xứ đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ các cuộc xâm lăng đô hộ. Tuy nhiên, trước thời kỳ Bắc thuộc, ngành trồng lúa đã tiến bộ hơn người thống trị ít nhứt trong 2 khâu: biết cấy lúa và thâm canh hai vụ sớm hơn. Thời kỳ Pháp thuộc đã mang kỹ thuật, khoa học vào ngành nông nghiệp, ngoài các tác động tiêu cực, tàn bạo đối với dân tộc. Sự tăng gia sản lượng cũng như năng suất lúa trong 4.000 năm qua lúc nhanh lúc chậm, phần lớn do nỗ lực, kinh nghiệm của người trồng, giao thoa với các nền văn minh thống trị và sự can thiệp hữu hiệu của các triều đại và guồng máy cai trị của đất nước. Lịch sử trồng lúa Việt Nam có cả chiều dài thời gian và chiều sâu văn hóa, gắn liền với sự thăng trầm của dân tộc và đất nước, đáng được nghiên cứu sâu rộng hơn để có đủ thông tin làm sáng tỏ nguồn gốc, quá trình phát triển và tiến hóa của cây lương thực quan trọng bậc nhứt của dân tộc Việt. Con người có lịch sử, cây lúa cũng cần có lịch sử.
 
 
 
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1.      Bùi Bá Bổng. 2000. Genetic improvement of rice varieties for the Mekong Delta of Vietnam: current status and future approaches. In Proceedings of Rice Research and Development in Vietnam for the 21st Century – aspects of Vietnam – India, Cần Thơ, Việt Nam, 18-19 September 2000, p 123-149.
2.      Bùi Huy Đáp. 1980. Các giống lúa Việt Nam. NXB Khoa Học và Kỹ Thuật, Hà Nội, 563 tr.
3.      Bùi Huy Đáp. 1999. Một số vấn đề về cây lúa. NXB Nông Nghiệp, Hà Nội, 154 tr.
4.      Bùi Thiết. 2000. Việt Nam Thời Cổ Xưa. NXB Thanh Niên, T.P. Hồ Chí Minh, pp 463.
5.      Carle, E. 1927. Amélioration des riz de Cochinchine. Agence Économique de l’Indochine, Paris, France, 11 pp.
6.      Chang, T.T. 1985. Crop history and genetic conservation: Rice - A case study. Iowa State Journal of Research 59(4): 425-455.
7.      Cima, R.J. 1987. Vietnam: A country study. Federal Research Division, Library of Congress, USA.
8.      Brenier, M.H. 1917. Produits Alimentaires avec des notes, graphiques et cartes. Catalogue des produits de l’Indochine par Ch. Crevost et Ch. Lemarié, Tome I.
9.      De Datta, S.K. 1981. Principles and practices of rice production. IRRI, Philippines, pp 618.
10. Dumont, R. 1995. La culture du riz dans le delta du Tonkin. Printimg House in Bangkok, Thailand, pp 592.
11. Đào Duy Anh. 1938. Việt Nam văn hóa sử cương. NXB Xuân Thu, Texas (tái bản 1976), 345 tr.
12. Đào Thế Tuấn. 1988. Về những hạt gạo cháy phát hiện ở Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) năm 1984. Khảo Cổ Học, số 4, tr. 44-46.
13. FAO. 1952. World Catalogue of Genetic Stocks - Rice. Supplement No. 2, March 1952, FAO, Rome, pp 19.
14. FAO/UNEP. 1984. The Plant Production and Protection Division (AGP), FAO, Rome, Italy.
15. FAO, 2000, 2010. FAOSTAT, Rome, Italy (in
http://www.fao.org).
16. Hansen, V.E, Israelsen, O.W. and Stringham, G.E. 1980. Irrigation principles and practices. John Wiley & sons, New York, pp 417.
17. Hwart, P. and Durant, M. 1954. Connaissance du Vietnam. Imperie nationale, École francaise d’extrême-orient, Hanoi, 1954.
18. Ho, P.T. 1969. Early-ripening rice in Chinese history. Economic History Review, The University of British Columbia, IX:200-218.
19. Huỳnh Lứa, Lê Quang Minh, Lê Văn Năm, Nguyễn Nghị và Đổ Hữu Nghiêm. 1987. Lịch sử khai phá đất Nam Bộ. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 275 tr.
20. Huỳnh Minh, 2000. Định Tường xưa và nay. NXB Xuân Thu, Los Alamitos, Cali, 279 tr.
21. Huỳnh Văn Lang. 2005. Công Chúa Ngọc Vạn. Tập san nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai – Cửu Long, số 2, Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation ấn hành, trang 50-74.
22. Kenmore, P. and Brader, L. 1990. IPM. Paper presented at the 17th session of the IRC, Goiania, Goias, Brazil, 4-9 Feb. 1990. AGP, FAO, Rome, Italy.
23. Lejeune, A., Peng, J., Le Boulenge, E., Larondelle, Y. and Van Hove, C. 2000. Carotene content of Azolla and its variariations during drying and storage treatments. Annual Feed Science and Technology, Elsevier Science B.V., 84: 195-301.
24. Lê Quí Đôn. 2003. Vân Đài Loại Ngữ do Phạm Vũ và Lê Hiền dịch và chú giải. NXB Nhà sách Tự Lực, Nam Cali, 539 tr.
25. Lĩnh Nam Chích Quái. 1960. NXB Khai Trí, Sài Gòn, 134 tr.
26. Maspéro, H. 1918. Le Royaume de Văn Lang. BEFEO, XVIII, fasc. 3, 1918.
27. Nguyễn Minh Quang. 2000. Lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa và ngày nay. Tạp Chí Đi Tới, số 25, Montreal, Canada, tr 18-25.
28. Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn, 2.000. Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến năm 1884. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 479 tr.
29. Phạm Cao Dương, 1967. Thực trạng của giới nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. NXB Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 255 tr.
30.  Phan Hiếu Hiền. 2010. Cơ giới hóa canh tác và công nghệ sau thu hoạch ở Việt Nam. Phát Triển Nông Nghiệp Việt Nam Trong Thế Kỷ 21, Trường Đại Học Nông Lâm TP/HCM, Sài Gòn.
31. Phạm Huy Chú. 1821. Phủ Gia Định. Lich Trình Hiến Chương loại chí, dịch bởi Nguyễn Quang Trọng (1970), (Tập I), Quyển Thủ, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa xuất bản trong 1972, tr 367-368.
32. Phạm Văn Sơn. 1960. Việt sử toàn thư. NXB Thư Lâm Ấn Quán, Sài Gòn, 738 tr.
33. RICEINFO. 2000. FAO Rice Information, FAO, Rome,
34. Sakurai, Y. 1987. Reclamation history at the Song Coi (Tongking) delta of Vietnam. In History of Asian Rice, Shogakukan, Tokyo, 235-276.
35.  Scherer, T. 1993. Irrigation water pump. Online April 1993, North Dakota State University, US
36. Sơn Nam. 2000. Lịch sử khẩn hoang Miền Nam. NXB Xuân Thu, Los Alamitos, California, 330 trang.
37. Tạ Chí Đại Trường. 1996. Những bài dã sử Việt. NXB Thành Văn, California, Hoa Ky, 431 tr.
38. Trần Gia Phụng. 2000. Quảng Nam trong lịch sử. NXB Non Nước, Toronto, Canada, 294 tr.
39. Trần Trọng Kim. 1990. Việt Nam sử lược, Quyển I & II. NXB Đại Nam.
40. Trần Văn Đạt. 2001. Những tiến bộ trong ngành sản xuất lúa gạo ở Việt Nam và sự cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu trong thời gian tới. Cây Lúa Việt Nam Thế Kỷ 20, NXB Nông Nghiệp, Hà Nội, tr. 29-84.
41. Trần Văn Đạt, 2002. Tiến trình sản xuất lúa gạo tại Việt Nam: từ thời nguyên thủy đến hiện đại. NXB Nông Nghiệp, p 36-37.
42. Trần Văn Hữu. 1927. La riziculture en Cochinchine. Agence Économique de l’Indochine, Paris, France, pp 31.
43. Trịnh Hoài Đức. 2005. Gia Định Thành Thông Chí. NXB Tổng Hợp Đồng Nai, 358 tr.
44. Trung Tâm Nghiên Cứu Azolla. 1985. Propagation and agricultural use of Azolla in Viet Nam. In Proceedings of the 16th session of the IRC, Los Banos, Philippines, 10-14 June 1985, FAO, Rome, p 257-263.
45. Van Hove, C. 1989. Azolla and its multiple uses with emphasis on Africa. FAO, Rome, pp 53.
46. Viện Khảo Cổ Học. 1999. Khảo Cổ Học Việt Nam, Tập II: Thời đại kim khí Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 551 tr.
47. Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long. 2010. Kết quả nghiên cứu (http://clrri.org/).
48. World Bank. 1998. Advancing rural development in Viet Nam: A vision and strategy for action. Report, World Bank, Washington D.C., pp 70.
49. Yasuyuki, K. 2001. Canal development and intensification of rice cultivation in Mekong Delta: A case study in Can Tho province, Vietnam. Southeast Asian Studies: 39-201.


[1]Tác giả làm việc cho cơ quan FAO, Rome, từ 1982-2004 và đảm nhiệm Thư Ký Điều Hành Ủy Ban Lúa Gạo Quốc Tế (IRC) từ 1993 đến 2004.
[2] Trong bài này, vẫn dùng đơn vị quen thuộc với người sử dụng máy kéo:   1 HP (ngựa, mã lực) = 0,746 kW.
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 851892 visitors (2209412 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free